Thứ Ba, 26 tháng 9, 2017

Những gia tài ít được biết chôn dưới Vương cung Thánh Đường Thánh Phê-rô

Những gia tài ít được biết chôn dưới Vương cung Thánh Đường Thánh Phê-rô

17 tháng Chín, 2017
Những gia tài ít được biết chôn dưới Vương cung Thánh Đường Thánh Phê-rô
Antoine Mekary | ALETEIA

Du khách đến Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô thường bỏ qua những khám phá thuộc ngành khảo cổ học bên dưới Vương cung Thánh đường.

Di chúc của Đức Giáo hoàng Pi-ô XI cho biết ngài muốn được chôn thật gần với địa điểm theo truyền thống cho là mộ của Thánh Phê-rô. Sau đó Đức Pi-ô XII bắt đầu những khai quật dưới Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô, để làm tròn di chúc cuối cùng của vị tiền nhiệm của ngài. Bằng hành động đó, ngài cũng cho thấy sự vững tin vào khoa học khảo cổ và biết bao thế hệ Ki-tô hữu đã tin rằng Vương cung Thánh đường thật sự là nơi chôn cất Thánh Tông đồ.
Sau những lần khai quật, tiếp theo sau là những cuộc nghiên cứu thật sâu về lịch sử, khảo cổ và kiến trúc, Đức Pi-ô XII bế mạc năm thánh 1950 công bố rằng: “Kết luận cuối cùng của những công trình nghiên cứu được thực hiện trong Vương cung Thánh đường là một ‘khẳng định’ rất rõ ràng: mộ của Hoàng tử của các Tông đồ đã được tìm thấy.”

Từ Hý trường của Nê-rô đến Vương cung Thánh Đường Thánh Phê-rô

Sau trận hỏa hoạn trong Roma năm 64, Hoàng đế Nê-rô bắt đầu một cuộc bách hại người Ki-tô hữu mới, trong lần đó — theo truyền thống — Thánh Phê-rô bị đóng đinh ngược, trong hý trường (một sân đất hình bầu dục được dùng trong các cuộc thi và những màn trình diễn khác) nằm trên Ngọn đồi Vatican. Xác của thánh nhân sau đó được đặt vào nơi an nghỉ trong một ngôi mộ dưới một hầm lát đá nhỏ, trong nghĩa trang của người ngoại giáo cùng trên ngọn đồi đó. Chẳng bao lâu sau, khi nghĩa trang vươn ra tới các bờ sông Ti-bê, nơi chôn cất Thánh Phê-rô bắt đầu thu hút những người hành hương, mặc dù ban đầu vẫn còn trong kín đáo.
Vào thế kỷ thứ IV, Hoàng đế Constantine cho phép mở rộng sự tôn thờ của người Ki-tô hữu và quyết định xây dựng một vương cung thánh đường để tôn vinh Thánh Phê-rô, bàn thờ của vương cung thánh đường nằm thẳng hàng với mộ của thánh Tông đồ. Phía trên ngôi mộ nguyên thủy, Hoàng đế cho xây một tượng đài cao 3 mét, bằng đá cẩm thạch và đá pocfia, ngày nay vẫn còn một cột và một phần của bức tường còn được bảo tồn. Khi vương cung thánh đường tráng lệ hiện tại được xây dựng thì bàn thờ giáo hoàng được xây trên nóc của ngôi mộ Thánh Phê-rô.

Thánh tích của Thánh Phê-rô

Năm 1941, một hộp đựng xương được tìm thấy cách không xa ngôi mộ được mở ra, hộp nằm trong một hốc đá nhỏ (loculus) gần một trong những bức tường của tượng đài nguyên thủy của Hoàng đế Constantine. Một thập niên sau, trong chiến dịch khai quật lần thứ hai, từ năm 1952 đến 1958, một nhà khảo cổ học người Ý, Margherita Guarducci, khám phá ra một dòng chữ khắc bằng tiếng Hy lạp viết rằng “Phê-rô an nghỉ ở đây” trên một mảng vỡ của cùng bức tường đó.
Cái hộp sau đó được đưa về phòng thí nghiệm, để phân tích những mẫu xương chứa trong đó. Các phân tích tìm thấy rằng các xương rất phù hợp với một người đàn ông cường tráng, trong độ tuổi già và có những dấu hiệu của bệnh viêm khớp, một chứng bệnh phổ biến của những người ngư phủ. Một vài mẩu còn lại của miếng vải màu tím, khâu bằng những sợi chỉ vàng, được tìm thấy quấn xung quanh những mẩu xương còn lại, một dấu hiệu quá rõ ràng của sự tôn kính. Những mẩu xương được chứng minh của Thánh Tông đồ được nhẹ nhàng lấy ra khỏi mộ để đưa đến các hốc đá, rõ ràng là các Ki-tô hữu muốn tránh mọi việc làm mất sự thánh thiêng. Những di tích được tính niên đại thuộc về thế kỷ thứ nhất.
Ngày 26 tháng Sáu, 1968, trong một phiên họp, Đức Phao-lô VI tuyên bố: “Thánh tích của Thánh Phê-rô đã được xác định theo một cách rất thuyết phục.” Hầu hết những mẫu xương sau đó lại được để lại trong hốc đá, ngoại trừ một vài thánh tích được đưa vào nhà nguyện riêng của giáo hoàng.

Tham quan có hướng dẫn

Ngày nay, đi vào những khu vực khai quật (tiếng Ý gọi là Scavi) qua một cổng vào nằm bên cạnh buồng áo của Vương cung thánh đường. Ngay bên cạnh cổng vào, trên mặt đất, có một hình vuông đánh dấu vị trí của cây cột hình tháp trong quá khứ được dựng giữa trung tâm của Hý trường Nê-rô.
Du khách đi xuống qua một cầu thang hẹp để đi vào hang toại đạo, và đi ngang qua lăng mộ của nhiều gia đình người Roma, trước khi đến nơi bảo tồn thánh tích của Thánh Tông đồ. Ngay bên dưới bàn thờ của vương cung thánh đường, phủ bên trên là vòm trướng nổi tiếng của Bernini, ngay tại trung tâm mái vòm của Michelangelo, trong một hốc đá đục vào một vách tường đá, là những di tích khiêm nhường của vị giáo hoàng tiên khởi.
Du khách đến Scavi phải đăng ký trước. Website của Vatican cũng làm một chuyến tham quan ảo theo đường liên kết này:

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 18/09/2017]


Đức Thánh Cha giảng Lễ: ‘Sự an ủi của Chúa đem đến bình an’

Đức Thánh Cha giảng Lễ: ‘Sự an ủi của Chúa đem đến bình an’

Đức Thánh Cha dâng Lễ: ‘Sự an ủi của Chúa đem đến bình an’
Đức Thánh Cha Phanxico giảng Thánh Lễ thường nhật trong nhà nguyện Thánh Marta
25/09/2017 13:13
(Vatican Radio) Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta nhận biết được sự an ủi thật và ôm giữ lấy nó. Đó là thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxico tại Lễ sáng thứ Hai trong nhà nguyện Thánh Marta.
Phân tích Bài đọc Một trong bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng Thiên Chúa “đã viếng thăm dân Người và đưa họ trở về Giê-ru-sa-lem.” Ngài giải thích rằng động từ “viếng thăm” là rất quan trọng trong ơn cứu độ, vì “mọi hành động cứu chuộc của Thiên Chúa đều là một sự viếng thăm.”
“Khi Chúa đến thăm chúng ta Người ban cho chúng ta niềm vui, nghĩa là Người đưa chúng ta vào một tình trạng được ủi an … Anh chị em đã gieo hạt giống trong nước mắt, nhưng bây giờ Thiên Chúa ủi an chúng ta và ban cho chúng ta sự an ủi tâm hồn. Sự an ủi không chỉ xảy ra trong một thời điểm nhất định nào đó nhưng nó là một tình trạng trong đời sống tinh thần của mỗi người Ki-tô hữu. Toàn bộ Kinh Thánh dạy chúng ta điều này.”
Đức Thánh Cha tiếp tục kêu gọi những người có mặt trong Thánh Lễ hãy “chờ đợi” sự thăm viếng này của Chúa. Có những lúc mạnh mẽ hơn lúc khác, nhưng Chúa “sẽ giúp chúng ta cảm nhận sự hiện diện của Ngài” với sự ủi an tinh thần.
Ngài nói rằng người Ki-tô hữu phải nhận biết được sự ủi an, vì có những tiên tri giả dường như an ủi chúng ta nhưng thực tế là đang tấn công chúng ta.
“Sự an ủi của Chúa đánh động anh chị em và làm cho anh chị em phát triển trong tình bác ái, yêu thương và hy vọng, cũng làm cho anh chị em biết khóc cho tội lỗi của mình. Khi chúng ta nhìn Chúa Giê-su và Cuộc Thương Khó của Người, chúng ta cùng khóc với Chúa Giê-su … Anh chị em nâng tâm hồn lên Thiên Đàng và lên Chúa, và tâm hồn của anh chị em được yên tĩnh trong sự bình an của Chúa. Đây là sự ủi an thật.”
Trong phần tóm kết, Đức Thánh Cha Phanxico nhắc nhở tất cả mọi người tạ ơn Thiên Chúa bằng lời cầu nguyện, xin rằng Người có thể “ghé qua’ để thăm viếng chúng ta, giúp chúng ta tiến bước trong hy vọng, để mang lấy Thập giá của mình.
“Hãy giữ lấy những dấu tích của niềm an ủi này trong ký ức của anh chị em, cũng giống như dân của Chúa nhớ sự giải thoát họ … Hãy chờ đợi sự ủi an, nhận biết nó, và giữ lấy nó. Và, những gì còn đọng lại của giây phút thoáng qua này? Bình an, vì bình an là mức độ cao nhất của sự ủi an.”
(Devin Sean Watkins)

[Nguồn: radiovaticana]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 26/09/2017]