Thứ Ba, 24 tháng 9, 2019

CHUYÊN MỤC ZENIT: Một kỹ sư chuyển giao chương trình đời sống của mình cho Chúa

CHUYÊN MỤC ZENIT: Một kỹ sư chuyển giao chương trình đời sống của mình cho Chúa
Sơ Jess và Sơ Stephanie cùng với Cha Bob trong ngày họ khấn lần đầu (Sơ Jess) và khấn trọng (Sơ Stephanie) – 4 tháng Chín, 2016.

CHUYÊN MỤC ZENIT: Một kỹ sư chuyển giao chương trình đời sống của mình cho Chúa

‘Khi tôi ở tuổi đang lớn, tôi có rất nhiều ý tưởng về những điều tôi có thể làm để cứu thế giới’

20 tháng Chín, 2019 10:26

“Khi tôi ở tuổi đang lớn, tôi có rất nhiều ý tưởng về những điều tôi có thể làm để cứu thế giới. Có lúc tôi muốn trở thành một nhà giáo, để truyền sự khôn ngoan cho lớp trẻ. Có lúc tôi lại muốn đi vào ngành báo chí tình nguyện, để làm cho những công cuộc của chính phủ trở nên rõ ràng hơn. Có lúc tôi muốn trở thành một kỹ sư xây dựng dân sự, thiết kế những hệ thống nước trong các quốc gia nghèo khó.”

Đó là những kế hoạch mà Jessica Lambert quê tại thành phố Elmhurst, Illinois xây dựng cho bản thân. Nhưng trong một chuyến đi làm công tác của năm đầu tại đại học của cô, một thành viên khác trong nhóm hỏi cô có bao giờ nghĩ đến việc trở thành một nữ tu không, trông cô giống như mẫu người phù hợp với vị trí đó.

Không, Jessica không dứt bỏ mọi việc để chạy đến một nhà dòng. Thật ra, chị tiếp tục hoàn tất văn bằng kỹ sư tại Đại học Illinois và bắt đầu sự nghiệp là một kỹ sư. Nhưng một hạt giống đã được gieo trong chuyến đi công tác đó và nó đang âm thầm lớn lên trong chị.

“Tôi chợt nhận ra được một sự thật rằng tôi luôn nói với Chúa về những chương trình của tôi nhưng thật sự tôi chưa bao giờ hỏi Người rằng Người dành cho tôi những chương trình như thế nào,” chị kể lại. “Tôi chưa bao giờ cho Chúa cơ hội nói với tôi về một ơn gọi khả thi. Vì vậy, từ thời điểm đó tôi không thể không mở lòng cho câu hỏi … hỏi Người ‘Người muốn điều gì nơi con?’

“Phải mất hai năm rưỡi chiến đấu với câu hỏi về ơn gọi trước khi đạt được sự bình an và chấp nhận cùng với niềm vui.”

CHUYÊN MỤC ZENIT: Một kỹ sư chuyển giao chương trình đời sống của mình cho Chúa

Chúa nhật, 8 tháng chín năm 2019, chị khấn trọng và trở thành Sơ Jess Lambert thuộc Dòng Phanxico Thánh Thể của Chicago.

“Khi tôi gặp các nữ tu Dòng Phanxico Thánh Thể trong năm đại học thứ tư, tôi ngay lập tức yêu mến đặc sủng của họ — tôi yêu con người của họ, và cách thức các tu sĩ nam nữ Dòng Phanxico sống đức tin của họ qua công việc,” Sơ Jess nhớ lại. “Khi tôi biết tự ý thức và khao khát làm theo thánh ý của Chúa (thay vì tách biệt khỏi Người), ơn gọi của tôi trở thành một nữ tu Dòng Phanxico hé mở. Sau thời gian làm thiện nguyện, một chuyến đi tìm hiểu và phân định, và rất nhiều thời gian cầu nguyện, tôi chia sẻ với cộng đoàn rằng tôi có một ơn gọi, và tôi gia nhập cộng đoàn mùa Thu năm 2013.”

Một người bạn đại học của Sơ Jess đến tham dự Lễ Khấn ngày 8 tháng Chín, Keaton Leach nói, “Tôi thật sự sửng sốt trước con số tuyệt đối những người Sơ Jess đã chạm đến tâm hồn một cách rất sâu sắc hiện diện tại lễ khấn trọng của Sơ. Mọi người bạn bè thân quen từ mọi chặng đường trong cuộc sống của Sơ đều có mặt chứng minh cho hành trình tuyệt đẹp đã đưa Sơ đến giây phút này: dâng hiến trọn vẹn để phục vụ cho Thiên Chúa và Đấng Cứu Thế. Sơ đã và đang là một chứng nhân cho Đức Ki-tô theo nhiều con đường khác nhau và từ nay trở đi Người sẽ tiếp tục đến với người nghèo thông qua Sơ trong ơn gọi này.”

Vợ của anh Keaton là chị Adrienne mô tả cảnh tượng: “Sơ Jess và cha mẹ Sơ đứng ở đằng trước để chào đón từng người bằng cái ôm và lời cảm ơn. Tất cả các nữ tu khác đều ra ngoài để chào đón từng người trong khi chờ đến giờ các nghi thức sẵn sàng diễn ra. Nó giống như đến dự tiệc cưới của một người bạn thân, mà về một mặt nào đó thì đúng như vậy. Lời tuyên khấn vô cùng đẹp và thật sự đem tất cả mọi người trong gia đình đức tin lại bên nhau.”

CHUYÊN MỤC ZENIT: Một kỹ sư chuyển giao chương trình đời sống của mình cho Chúa

Thế hệ thuộc thiên niên kỷ thứ ba như Sơ thường được gắn một cái nhãn là thế hệ duy vật và chỉ biết đến bản thân. Nhưng với một người đã tận hiến cuộc đời để hoạt động với người nghèo, Sơ Jess có một cái nhìn khác:

“Thế hệ thuộc thiên niên kỷ thứ ba có sự cảm nhận về tính xác thực rất tốt,” Sơ nói. “Tiếng gọi đến với đời sống tu trì này không đến từ văn hóa hay từ con người – nó đến từ Thiên Chúa.

“Tất cả chúng ta hãy làm những gì cần làm để phục vụ người nghèo. Tôi dạy học, nấu ăn, lau dọn, trả lời điện thoại và tôi đang hoàn thành văn bằng sư phạm của tôi. Tôi là dạng người thích ở nhà làm những công việc đằng sau hậu trường.”

Dòng Phanxico Thánh Thể là một dòng mới trong Giáo hội. Có thể, họ sẽ là một mẫu gương cho sự phát triển tương lai của đời sống tôn giáo.

Năm 2005, Cha Bob Lombardo đến Chicago theo lời mời của Đức Cố Hồng y George Dòng Phanxico. Đức Hồng y muốn Cha Bob khởi động một giáo điểm truyền giáo phục vụ người nghèo, rao giảng phúc âm, và duy trì sự hiện diện của một cơ sở Công giáo ở một trong những khu nghèo nhất của Chicago. Địa điểm được chọn được cả nước biết đến vì một thảm kịch cháy trường học cướp đi sinh mạng của 92 trẻ em và ba Nữ tu Dòng Bác ái Mẹ Maria Đồng trinh Diễm phúc ngày 1 tháng Mười Hai năm 1958, tại trường Đức Bà các Thiên Thần.

Từ sau vụ hỏa hoạn, khu vực chung quanh giáo xứ nhanh chóng xuống dốc. Khi Cha Bob đến vào năm 2005 nó là một trong những khu vực kiệt quệ, thiếu thốn nhất ở Chicago, nổi tiếng về sự túng thiếu cùng cực, bạo lực băng đảng, và buôn bán ma túy. Theo sự khôn ngoan của mình, Đức Hồng y muốn Cha Bob thành lập một giáo điểm truyền giáo tại vị trí của giáo xứ Đức Bà các Thiên Thần không chỉ vì tính lịch sử và nhu cầu, nhưng cũng để cho toàn khu vực biết rằng Giáo hội không quên người nghèo.

Thật buồn, khu vực giáo điểm truyền giáo trong tình trạng quá điêu tàn và Cha Bob phải xây dựng một mạng lưới bao gồm rất nhiều các cá nhân, công ty, và tổ chức để khôi phục lại khu vực này. Ngài cũng bắt đầu một nhóm phân định ơn gọi cho giới trẻ.

CHUYÊN MỤC ZENIT: Một kỹ sư chuyển giao chương trình đời sống của mình cho Chúa

Năm 2009, Đức Hồng y George phê chuẩn cộng đoàn phân định sống nội trú để bắt đầu Giáo điểm Đức Bà các Thiên Thần. Khi đó có ba bạn trẻ gia nhập và Cha Bob tiếp tục dẫn dắt và hướng dẫn nhóm nay. Họ vẫn giữ hoạt động công việc bình thường đồng thời tham gia và các giờ sinh hoạt tinh thần chung gồm Thánh Lễ, và các bữa ăn hàng ngày, cũng như tiếp tục phục vụ người nghèo, thực hiện công cuộc phúc âm hóa và dạy học, và sống đời sống lấy sự Hiện hữu Thật của Đức Giê-su Ki-tô trong Thánh Thể làm trung tâm. Cộng đoàn cũng làm chứng tá cho sự hiệp nhất của các người nam và nữ (được truyền cảm hứng bởi Thần học Thân xác của Đức Gioan Phaolo II) bằng một cam kết vững mạnh của các nam và nữ tu sĩ cùng hoạt động với nhau.

Với một sắc lệnh ngày 1 tháng Chín năm 2010, Đức Hồng y George chính thức thành lập Dòng Phanxico Thánh Thể của Chicago.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/9/2019]


‘Công việc của anh chị em thường là âm thầm và khó khăn, nhưng rất quan trọng,' Đức Thánh Cha Phanxico cảm ơn những cảnh sát trại giam.

‘Công việc của anh chị em thường là âm thầm và khó khăn, nhưng rất quan trọng,' Đức Thánh Cha Phanxico cảm ơn những cảnh sát trại giam.
© Vatican Media

‘Công việc của anh chị em thường là âm thầm và khó khăn, nhưng rất quan trọng,’ Đức Thánh Cha Phanxico cảm ơn những cảnh sát trại giam.

Ngài thúc giục sự can đảm khi đứng trước những thách đố của công việc

17 tháng Chín, 2019 13:02

Ngày 14 tháng Chín, 2019, Đức Phanxico gặp gỡ các nhân viên, bạn bè, và gia đình của đội Cảnh sát Nhà lao của Ý tại buổi tiếp kiến trong Vatican. Ngài bày tỏ lòng cảm kích với các tuyên úy và những người thiện nguyện và thúc giục họ hãy có can đảm trong công việc trong nhà tù của họ.

Dưới đây là huấn từ của Đức Thánh Cha với nhóm, do Vatican cung cấp (bản tiếng Anh):


Anh chị em thân mến, xin chào (buổi sáng) anh chị em.

Tôi xin chào mừng anh chị em và cảm ơn ông Trưởng phòng Quản lý Nhà tù về những lời chúc mừng của ông. Đáp lại, tôi xin gửi đến anh chị em ba lời đơn sơ này: trước hết gửi đến đội Cảnh sát Nhà lao và ban quản lý, tôi xin gửi lời cảm ơn. Cảm ơn vì công việc của anh chị em rất âm thầm, thường là khó khăn và chẳng có gì thú vị, nhưng lại rất quan trọng. Cảm ơn anh chị em vì tất cả những thời gian anh chị em phục vụ không chỉ với tinh thần cảnh giới vô cùng cần thiết mà còn là một sự hỗ trợ cho những người cô thế. Tôi biết rằng thật không dễ dàng khi anh chị em thực hiện sự có mặt gần gũi kịp thời cho những người bị vướng vào những cạm bẫy của tội ác, ngoài việc là những người canh gác an ninh, anh chị em trở thành những người xây dựng tương lai: anh chị em đặt nền tảng cho một sự chung sống biết tôn trọng nhiều hơn và từ đó dẫn đến một xã hội an toàn hơn. Cảm ơn anh chị em, vì qua việc làm như vậy, ngày qua ngày anh chị em trở thành những người đan dệt công bằng và hy vọng.

Có một trích đoạn trong Tân Ước, gửi đến tất cả mọi người Ki-tô hữu, mà tôi tin là rất phù hợp cho anh chị em: “Anh em hãy nhớ đến các người bị xiềng xích, chẳng khác gì anh em cũng bị xiềng xích với họ” (Dt 13: 3). Anh chị em đang ở trong hoàn cảnh như vậy, khi anh chị em đi qua ngưỡng cửa của quá nhiều địa điểm đau khổ mỗi ngày, khi anh chị em dành rất nhiều thời gian qua lại giữa các trại, trong khi anh chị em phải cam kết bảo đảm an toàn nhưng không thiếu sự tôn trọng đối với nhân vị. Xin đừng quên điều tốt lành mà anh chị em có thể thực hiện mỗi ngày. Thái độ, cách cư xử, ánh mắt nhìn của anh chị em là vô cùng quý giá. Anh chị em là những người, nhân danh Nhà nước và xã hội, phải đối mặt với nhân tính bị thương tổn và bị tàn phá, và nhận biết phẩm giá bất biến của nó. Vì vậy, tôi cảm ơn anh chị em không chỉ vì sự cảnh giới nhưng trên hết anh chị em là những người bảo vệ những con người được trao phó cho anh chị em, để họ có thể đón chào những triển vọng tái sinh vì ích lợi của mọi người sau khi đã nhận thức được việc ác đã làm. Do đó, anh chị em được kêu gọi để trở thành những cầu nối giữa nhà tù và xã hội dân sự: với sự phục vụ của anh chị em, thi hành lòng trắc ẩn chính đáng, anh chị em có thể vượt qua những sự sợ hãi lẫn nhau và tấn thảm kịch của sự thờ ơ.

Tôi muốn nói với anh chị em đừng bao giờ nản chí, ngay cả trong những sự căng thẳng có thể xảy ra trong các trại giam. Trong công việc của anh chị em, mọi điều làm cho anh chị em cảm thấy được hiệp nhất với nhau là một sự trợ giúp rất lớn: trước hết là sự hỗ trợ cho gia đình anh chị em, là những người gần gũi với anh chị em trong công việc. Rồi là sự động viên lẫn nhau, chia sẻ giữa các đồng nghiệp, đó là những điều cho phép chúng ta cùng nhau giải quyết những khó khăn và giúp đương đầu với thiếu thốn. Trong những vấn đề này, tôi đặc biệt nghĩ đến vấn đề quá tải trong các nhà tù, nó làm tăng cảm giác yếu mệt, nếu không muốn nói là kiệt sức nơi mọi người. Khi sức khỏe giảm bớt, sự ngờ vực tăng lên. Điều quan trọng là phải bảo đảm được những điều kiện sống phù hợp, nếu không thì các nhà tù sẽ trở thành những nơi trút sự thịnh nộ, không phải là nơi để phục hồi.

Lời thứ hai xin gửi đến các vị tuyên úy, các tu sĩ nam nữ và các thiện nguyện viên: anh chị em là những người mang Tin mừng vào bên trong những bức tường của nhà tù. Tôi xin gửi đến anh chị em lời này: hãy kiên vững. Hãy kiên vững, khi anh chị em đi vào trong những hoàn cảnh khó khăn nhất bằng sức mạnh của một nụ cười và một tâm hồn lắng nghe. Hãy kiên vững khi anh chị em gánh lấy cho mình những gánh nặng của người khác và mang chúng đến trong lời cầu nguyện. Hãy kiên vững khi tiếp xúc với sự nghèo nàn và anh chị em nhìn thấy sự nghèo nàn của riêng mình. Đó là một điều tốt vì điều quan trọng là phải biết chân nhận bản thân trước hết đang rất cần sự tha thứ. Rồi sự nghèo khó của anh chị em sẽ trở thành những nơi chứa đựng lòng thương xót của Chúa; và khi anh chị em được tha thứ, anh chị em trở thành những chứng nhân khả tín cho sự tha thứ của Chúa. Bằng không người ta có nguy cơ phô trương bản thân và mang sự tự mãn. Hãy kiên vững với sứ mạng mang đến sự an ủi của anh chị em. Và điều vô cùng quan trọng là không bỏ rơi những người cảm thấy cô đơn.

Tôi cũng muốn gửi đến anh chị em một câu trong Sách Thánh, khi những người xầm xì chống lại Chúa Giê-su vì nhìn thấy Người đi vào nhà ông Da-kêu, một người thu thuế bị tố cáo tội bất công và biển thủ: “Người nhà tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” (Lc 19: 7). Chúa vẫn đi, Ngài không dừng lại trước thành kiến của những người tin rằng Tin mừng là chỉ dành cho “những người thiện.” Ngược lại, Tin mừng đòi hỏi những bàn tay lấm bẩn. Vậy thì, cùng với Chúa Giê-su và theo con đường của Chúa Giê-su, Đấng kêu gọi anh chị em hãy trở thành những người kiên trì gieo hạt giống Lời Người (x. Mt 13: 18-23), những người miệt mài tìm kiếm những gì đã mất, những sứ giả cho niềm tin vững rằng mỗi con người là vô cùng quý giá đối với Chúa, là những người chăn chiên đặt những con chiên yếu đuối trên đôi vai mỏng dòn của mình (x. Lc 15:4-10). Hãy tiến bước với lòng quảng đại và niềm vui: với thừa tác vụ của anh chị em, anh chị em đang an ủi trái tim của Chúa.

Cuối cùng, một lời thứ ba tôi xin gửi đến các anh chị em tù nhân. Đó chính là chữ “can đảm”. Chính Chúa Giê-su nói với các bạn. “Sự can đảm đến từ tâm hồn. Hãy can đảm, vì con ở trong tim của Thiên Chúa, con rất quý giá trước mắt Người, và ngay cả khi con cảm thấy lạc đường và bất xứng thì cũng đừng nản lòng. Con rất quan trọng đối với Chúa, Đấng muốn thực hiện những điều kỳ diệu trong con. Với các bạn cũng vậy, lấy một câu trong Kinh thánh: “Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta” (1 Ga 3: 20). Đừng bao giờ để cho bản thân mình bị cầm tù trong ô ngục tối đen của một tâm hồn tuyệt vọng, đừng nản chí buông xuôi. Thiên Chúa còn cao cả hơn bất kỳ vấn đề gì và đang chờ đợi các bạn để yêu thương các bạn. Hãy đặt mình trước Đấng chịu Đóng Đinh, trước ánh mắt của Chúa Giê-su: trước mặt Người, với lòng đơn sơ, với lòng chân thành. Từ đó, từ sự can đảm khiêm nhường của những người không dối lừa bản thân, thì sự bình an được tái sinh; sự vững tin vì được yêu thương và sức mạnh tiến tới lại trổ hoa. Cha hình dung đang nhìn thấy các bạn và nhìn thấy sự thất vọng và chán chường trong đôi mắt của các bạn, trong khi niềm hy vọng vẫn đập mạnh trong con tim của các bạn, thường có mối liên kết với những kỷ niệm của những người thân yêu của mình. Hãy can đảm, đừng bao giờ để ngọn lửa hy vọng lụi tàn.

Anh chị em thân mến, làm hồi sinh lại ngọn lửa này là trách nhiệm của tất cả mọi người. Điều đó tùy vào mỗi xã hội nuôi dưỡng nó thế nào, để bảo đảm rằng sự trừng phạt không là mối đe dọa cho quyền được hy vọng, để những viễn cảnh của sự hòa giải và tái hội nhập được vững chắc. Đồng thời sửa lại những sai lầm của quá khứ, chúng ta không thể tẩy xóa sự hy vọng trong tương lai. Sự giam giữ cuộc sống không phải là giải pháp cho các vấn đề, nhưng chính là một vấn đề phải được giải quyết. Vì nếu sự hy vọng bị bế tắc thì sẽ không có tương lai cho xã hội. Đừng bao giờ tước mất của bất kỳ người nào quyền được làm lại từ đầu! Anh chị em thân mến, bằng công việc của mình và sự phục vụ anh chị em là những chứng nhân cho quyền này: quyền được hy vọng, quyền được làm lại một khởi đầu mới. Một lần nữa tôi cảm ơn anh chị em. Hãy kiên vững, hãy can đảm, với sự chúc lành của Chúa, hãy chăm sóc cho những người được trao phó cho anh chị em. Tôi cầu nguyện cho anh chị em và tôi xin anh chị em cũng cầu nguyện cho tôi.

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/9/2019]