Thứ Tư, 19 tháng 9, 2018

Hiểu về Giáo hội trong vùng Baltics: Những gì Đức Thánh Cha sẽ tìm thấy trong tháng này

Hiểu về Giáo hội trong vùng Baltics: Những gì Đức Thánh Cha sẽ nhìn thấy trong tháng này

16 tháng Chín, 2018
Hiểu về Giáo hội trong vùng Baltics: Những gì Đức Thánh Cha sẽ tìm thấy trong tháng này

Từ sự thống trị của các bạo chúa Nga, đến Đệ nhị Thế chiến, đến Cộng sản Xô viết: Latvia, Lithuania, Estonia chia sẻ một lịch sử chung và tình hình đức tin phức tạp.

Latvia, Lithuania, và Estonia cùng có lịch sử tương đồng: cả ba nước đều là nằm dưới quyền thống trị của bạo chúa Nga, bị Đức Quốc xã chiếm đóng trong Đệ nhị Thế chiến, và trải qua nhiều thập niên dưới quyền cai trị của Cộng sản Xô viết trước khi trở lại độc lập vào năm 1991. Lịch sử đó để lại dấu ấn trên những dân tộc trong vùng và cách sống đức tin của người Ki-tô hữu địa phương. Trong chuyến thăm đến vùng này ngày 22 đến 25 tháng Chín, Đức Thánh Cha Phanxico trước hết sẽ nhìn thấy hậu quả của những thập niên đó để lại cho Giáo hội trong vùng Baltic này.

Cha Peteris Skudra, giám đốc đài phát thanh Radio Maria Latvia, cho Aleteia biết rằng sự chiếm đóng của Xô viết đã để lại cho đất nước hai kết quả rất lớn: nó hiệp nhất tất cả những Ki-tô hữu trong các mạng lưới kháng cự bí mật và các nhóm cầu nguyện, và nó tạo ra một khoảng trống trong việc truyền đạt đức tin giữa các thế hệ.

Cha nói rằng có ba thế hệ người Latvia với những mối quan hệ tôn giáo khác nhau: thế hệ ông bà là những người chịu phép rửa tội và là tín hữu, thế hệ cha mẹ không được rửa tội và không được đào tạo về tôn giáo vì Giáo hội khi đó bị đàn áp, và thế hệ con cháu bây giờ ở tuổi trên dưới 30 đang muốn tìm hiểu xem Giáo hội có vai trò gì trong đời sống của họ.

Khoảng trống thế hệ đó và một ý thức rất cực đoan về đời sống cá nhân và đời sống xã hội có nghĩa là nhiều người Công giáo Latvia phải chiến đấu để kết nối đức tin của họ vào đời sống hàng ngày. “Chúng tôi là một quốc gia có nền tảng lịch sử Ki-tô giáo, nhưng với nhiều người thì không có mối quan hệ thường ngày với Thiên Chúa,” Cha Skudra nói. 

Nhờ vào hoạt động của các nhóm cầu nguyện bí mật trong suốt thời Xô-viết, người Công giáo Latvia vẫn còn một ít sự kết nối văn hóa với đức tin. Điểm nổi bật trong năm đối với người Công giáo và những Ki-tô hữu khác là ngày 15 tháng Tám (Lễ Mẹ lên trời), là thời điểm diễn ra một cuộc hành hương quốc gia về đền thờ Mẹ Thiên Chúa ở Aglona. Ở đó người ta kết nối với di sản Công giáo của họ. “Chúng tôi có những người đến xưng tội trong cuộc hành hương đó, họ nói rằng họ đã xưng tội được một năm trong lần hành hương năm trước,” Cha Skudra nói.

Đền thờ và sự sùng kính Mẹ Maria là một sự nhắc nhở về việc người Ki-tô hữu phải chiến đấu khó khăn như thế nào để giữ cho Giáo hội còn sống được ở trong đất nước. Trong thế kỷ 17, các tu sĩ Đa-minh sống ở Aglona đã mang linh ảnh Mẹ Thiên Chúa về nhà và xây dựng một nhà thờ vào khoảng năm 1768. Linh ảnh được xem là có sức mạnh chữa lành và là một nguồn mạch cho lòng sùng kính chung và hành hương đối với người Công giáo ngay từ khi bức ảnh được đặt trên bàn thờ. Dưới sự thống trị của Xô-viết, đặc biệt trong khoảng thời gian suy tàn của thể chế, người Công giáo thực hiện những chuyến hành hương sám hối về đền thờ để cầu nguyện cho đất nước.

Khi chế độ Xô-viết sụp đổ đầu thập niên 90, Aglona vẫn là “một nơi quan trọng vì không có nhiều lựa chọn khác cho việc tĩnh tâm. Nơi hành hương này vô cùng quan trọng,” Cha Skudra nói.

Ngày nay người Công giáo, Chính thống giáo và thậm chí cả người Tin lành đều tham dự lễ tại đền thờ vào ngày 15 tháng Tám.

Đức Thánh Cha Phanxico sẽ viếng đền thờ và dâng Lễ trong đền thờ Mẹ Thiên Chúa ở Aglona ngày 24 tháng Chín.

Cha Skudra nói rằng công cuộc tái rao giảng Phúc âm ở Latvia và giúp con người kết nối đức tin của họ vào đời sống thường ngày đang diễn ra qua hoạt động của các tổ chức như Radio Maria và các nhóm giáo dân điều hành như Alpha và Encounter of Married Couples. Cha nói rằng người giáo dân tham gia thảo luận về các vấn đề thường nhật qua lăng kính của niềm tin theo một con đường không thuộc tín lý tạo được tiếng vang lớn đối với người Latvia.

Nhưng chỉ có khoảng 55 phần trăm người Latvia nhận mình là người Ki-tô hữu.

Tình hình ở Estonia thậm chí còn nhiều thách đố hơn. Khoảng 75 phần trăm người Estonia tuyên bố rằng họ không theo một tôn giáo nào và chỉ không đầy 1 phần trăm dân số là người Công giáo. Sự hợp tác đại kết là một điều vô cùng cần thiết để làm dịu bớt điều mà ngài Giám quản Tông tòa của Estonia, Đức Giám mục Philippe Jourdain gọi là “sự bấp bênh về tâm linh” mà người Estonia đang sống.

Đức Giám mục Jourdain nói với tờ Agenzia Sir của Ý rằng ngài và Đức Giám mục Tin lành cùng ký chung một thư mời Đức Thánh Cha Phanxico đến thăm Estonia. Để làm nổi bật những mối quan hệ đại kết vững chắc trong vùng, Đức Thánh Cha Phanxico sẽ tham dự hai buổi gặp gỡ đại kết trong chuyến đi lần này của ngài: một tại Nhà thờ Chính tòa ở Riga và một buổi gặp gỡ giới trẻ tại Nhà thờ Tin lành Thánh Charles ở Tallinn.

Ở Lithuania, mặc dù có một lịch sử tương tự, nhưng Giáo hội ở đây phát triển tốt hơn nhiều.

Khoảng 89 phần trăm người Lithuania là Ki-tô hữu, và trong số đó 77 phần trăm là người Công giáo. Ở đây cũng vậy, những thập niên dưới sự chiếm đóng của người Nga và chính quyền Xô-viết đã dẫn đến sự hình thành một mạng lưới hoạt động bí mật của người Ki-tô hữu. Niềm tin Ki-tô giáo và sự độc lập về chính trị của đất nước được xem như có mắt xích với nhau ở một mức độ nào đó. Một nhà nguyện ở Vilnius cung hiến cho Mẹ Maria Mẹ Thiên Chúa là một sự nhắc nhở cho đất nước về cuộc chiến đấu cho sự độc lập của Lithuania.

Linh ảnh của Mẹ Maria Đồng trinh là Mẹ của Lòng Thương xót đã được đặt tại đây từ thế kỷ 17 vào thời điểm một bức tường được xây bao quanh thành phố. Trên mỗi cổng đều treo một bức ảnh. Ảnh Mẹ của Lòng Thương xót treo trên cổng có tên Cổng Bình minh (Gate of Dawn) và đã cứu thoát qua hai cuộc hỏa hoạn, sự phá hủy bức tường, Đệ nhị thế chiến, và sự chiếm đóng của Xô-viết. Đó là tấm ảnh duy nhất trên tường thành pháo đài còn tồn tại. Nhà nguyện hiện nay được cung hiến cho những người Lithuania đã hy sinh vì đức tin và cho đất nước của họ. Một bản sao của bức ảnh được đặt trong một nhà nguyện được cung hiến trong Hầm mộ Vatican năm 1968.

Đức Thánh Cha Phanxico sẽ đến viếng đền thờ Đức Mẹ Lòng Thương xót ở Vilnius ngày 22 tháng Chín.

Ngày 23 tháng Chín ngài sẽ đến thăm trụ sở cũ của KGB ở Vilnius — một trong những nơi Chân phước Teofilius Matulionis đã bị cầm tù trước khi chết vì bị đầu độc năm 1962. 

Chân phước Teofilius Matulionis sinh tại Kudoriskis, Lithuania, và trở thành một linh mục năm 1900 ở St. Petersburg, Nga. (Lithuania khi đó là một phần của Nga). Ngài trải qua tất cả 17 năm trong tù, ban đầu dưới tay người Nga, và sau đó trong tay của Xô-viết là chính thể tìm cách xóa sạch mọi tôn giáo. Mặc dù ở trong tù nhưng ngài được bí mật tấn phong giám mục năm 1929 và được trả tự do ở Lithuania năm 1933. Năm 1946 ngài lại bị tống ngục vì từ chối hợp tác với chính quyền Xô-viết. Trong thập niên 60 họ không cho phép ngài đi tham dự Công đồng Chung Vatican II. Năm 1962, sau một cuộc lục soát của KGB trong căn hộ của ngài, ngài bị tiêm thuốc độc và chết.

Trụ sở trước đây của KGB và nhà tù ở Vilnius hiện nay là Bảo tàng Chiếm đóng và Chiến đấu vì Tự do (Museum of Occupation and Freedom Fights).



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/9/2018]


Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 3-15/9, 2018

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 3-15/9, 2018

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 3-15/9, 2018


3 tháng Chín: Sự bình an đích thực là một món quà của Chúa tuôn chảy từ những tâm hồn được chữa lành và được hòa giải và vươn ra ôm lấy toàn thế giới.

4 tháng Chín: Đức tin giúp chúng ta nắm bắt được ý nghĩa của cuộc sống: Thiên Chúa ở cùng chúng ta và yêu thương chúng ta mãi mãi.

5 tháng Chín: Hãy đem sự bình an của anh chị em theo cùng và trao tặng cho người khác bằng cuộc sống của anh chị em, bằng một nụ cười, bằng những việc bác ái. Lạy Mẹ Teresa, xin cầu cho chúng con!

6 tháng Chín: Hãy nhớ rằng bạn càng trao tặng cho người khác nhiều thì bạn càng đón nhận nhiều và được hạnh phúc!

7 tháng Chín: Nếu không có quyền được học hành thì sẽ không có tự do thật sự, là điều cho phép mỗi con người phải là vai chính cho vận mệnh của họ!

8 tháng Chín: Xin Mẹ Maria Đồng Trinh giúp chúng ta biết vui mừng phó thác bản thân theo chương trình của Thiên Chúa trong đời sống của chúng ta

9 tháng Chín: Thiên Chúa không bao giờ phản bội lại tình yêu của Người!

10 tháng Chín: Chúng ta hãy đi sâu vào mối quan hệ yêu thương của Chúa Giê-su và chúng ta sẽ có thể thực hiện những việc tốt lành mang hương thơm ngát của Tin mừng.

11 tháng Chín: Chúa Giê-su xuống trần gian để chúng ta có thể lên thiên đàng: đây là mầu nhiệm của Thập giá.

12 tháng Chín: Mẹ Maria thấu biết những niềm vui và những khó khăn mà chúng ta nếm trải trên suốt hành trình.

13 tháng Chín: Khi chúng ta đầy lòng thương xót, chúng ta trở thành người con thật của Chúa Cha, vì Chúa Cha là Đấng giàu lòng xót thương. #SantaMarta

14 tháng Chín: Hôm nay Giáo hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm Thập giá của Chúa. Đối với người Ki-tô hữu chúng ta chiêm ngắm Thập giá nghĩa là chiêm ngắm dấu chỉ của một sự thất bại và cũng là dấu chỉ của chiến thắng vinh quang. #SantaMarta

15 tháng Chín: Chỉ bằng cách cho đi cuộc sống thì chúng ta mới chế ngự được sự ác. Đây là điều ngài Don Pino Puglisi dạy: ngài đã sống để làm lan tỏa việc thiện.



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 16/9/2018]