Thứ Hai, 18 tháng 3, 2024

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 17.03.2024: “Vinh quang đích thực đến từ sự từ bỏ và tha thứ”

“Vinh quang đích thực đến từ sự từ bỏ và tha thứ”

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 17.03.2024: “Vinh quang đích thực đến từ sự từ bỏ và tha thứ”

Vatican Media


*******

Trưa Chúa nhật thứ năm Mùa Chay hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của Điện Tông tòa Vatican để đọc Kinh Truyền tin cùng với các tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Đức Giáo Hoàng giải thích vinh quang thực sự là gì: “Đó không phải là một sự biểu dương quyền lực uy hùng với những tràng pháo tay của công chúng; vinh quang đích thực, điều không bao giờ phai nhạt và làm cho bạn hạnh phúc, được tạo nên từ sự từ bỏ và tha thứ.”

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh Kính Đức Mẹ:

_______________________________________


Huấn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Chúa nhật thứ năm Mùa Chay hôm nay, khi chúng ta đến gần với Tuần Thánh, trong Tin Mừng Chúa Giêsu (x. Ga 12:20-33) nói với chúng ta một điều quan trọng: đó là chúng ta sẽ nhìn thấy vinh quang của Người trên Thập Giá và của Chúa Cha (x. các câu 23, 28).

Nhưng làm sao vinh quang của Thiên Chúa lại được thể hiện trên Thập Giá kia? Người ta nghĩ nó phải diễn ra trong biến cố Phục Sinh, chứ không phải trên Thập Giá, đó là một thất bại, một thất bại. Thay vào đó, hôm nay, khi nói về Cuộc Khổ nạn của Người, Chúa Giêsu nói: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (c. 23). Ý của Ngài là gì?

Chúa muốn nói rằng vinh quang đối với Thiên Chúa không tương ứng với sự thành công, danh vọng và sự nổi tiếng của con người; đối với Thiên Chúa, vinh quang không có gì tự quy về nó, đó không phải là một sự biểu dương quyền lực uy hùng với những tràng pháo tay của công chúng. Đối với Thiên Chúa, vinh quang là yêu thương đến độ hy sinh mạng sống mình. Với Chúa, sự tôn vinh có nghĩa là hiến dâng chính Ngài, để mọi người có thể tiếp cận với Ngài, dâng hiến tình yêu của Ngài. Và điều này đạt đến tột đỉnh trên Thập Giá, ở đó, nơi Chúa Giêsu trải rộng tình yêu của Thiên Chúa đến mức tột cùng, tỏ lộ trọn vẹn dung nhan của lòng thương xót, ban cho chúng ta sự sống và tha thứ cho những kẻ đóng đinh Người.

Anh chị em thân mến, từ trên Thánh Giá, “thánh đường của Thiên Chúa”, Chúa dạy chúng ta rằng vinh quang đích thực, là điều không bao giờ phai tàn và làm cho chúng ta hạnh phúc, được tạo thành từ sự cho đi và sự tha thứ. Cho đi và tha thứ là bản chất vinh quang của Thiên Chúa. Và đối với chúng ta, đó là lẽ sống. Cho đi và tha thứ: những tiêu chí rất khác biệt so với những gì chúng ta thấy xung quanh mình, cũng như ngay bên trong chúng ta, khi chúng ta cho rằng vinh quang là thứ để đón nhận hơn là cho đi; một thứ để sở hữu thay vì một điều để dâng hiến. Không, vinh quang trần thế sẽ phai tàn, không để lại niềm vui trong lòng; nó thậm chí không đưa đến điều tốt lành cho mọi người, mà đúng hơn là đưa đến sự chia rẽ, bất hòa và đố kỵ.

Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi mình: vinh quang mà tôi mong muốn cho bản thân, cho cuộc đời tôi, vinh quang mà tôi mơ ước cho tương lai của mình là gì? Đó có phải là gây ấn tượng với người khác bằng năng lực, bằng khả năng của tôi và những thứ tôi sở hữu? Hay là con đường cho đi và tha thứ, con đường của Chúa Giêsu Chịu Đóng đinh, con đường của những người không bao giờ mệt mỏi trong tình yêu, tin tưởng rằng điều này là làm chứng cho Thiên Chúa trong thế giới và làm cho vẻ đẹp của cuộc sống được tỏa sáng? Tôi muốn loại vinh quang nào cho bản thân? Thật vậy, chúng ta hãy nhớ rằng khi chúng ta cho đi và tha thứ, vinh quang của Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trong chúng ta. Ngay ở đó: khi chúng ta cho đi và tha thứ.

Xin Đức Trinh nữ Maria, người đã trung thành theo Chúa Giêsu trong giờ Khổ nạn của Ngài, giúp chúng ta trở thành những tấm gương phản chiếu sống động cho tình yêu của Chúa Giêsu.

_____________________________________________


Sau kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến!

Tôi nhẹ lòng khi biết tin một giáo viên và bốn trong số sáu tu sĩ của Dòng Frères du Sacré-Cœur, bị bắt cóc ngày 23 tháng Hai vừa qua ở Haiti, đã được trả tự do. Tôi yêu cầu trả tự do trong thời gian sớm nhất cho hai tu sĩ còn lại và tất cả những người vẫn đang bị bắt làm con tin tại đất nước thân yêu đầy bạo lực này. Tôi mời gọi tất cả các nhà hoạt động chính trị và xã hội từ bỏ những lợi ích cá nhân và thể hiện tinh thần đoàn kết trong việc theo đuổi ích chung, hỗ trợ một tiến trình chuyển đổi hòa bình để trở thành một đất nước, cùng với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, có thể được trang bị thể chế vững chắc đủ khả năng lập lại trật tự và yên bình cho người dân.

Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho những người dân đang bị hành hạ bởi chiến tranh ở Ukraine, Palestine và Israel, cũng như ở Sudan. Và chúng ta đừng quên Syria, một đất nước đã phải chịu đau khổ nặng nề trong suốt thời gian dài vì chiến tranh.

Cha xin chào tất cả anh chị em đến Rome, từ Ý và nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt, cha chào các sinh viên Tây Ban Nha từ mạng lưới các khu ký túc xá đại học “Camplus”, các nhóm giáo xứ từ Madrid, Pescara, Chieti, Locorotondo và giáo xứ San Giovanni Leonardi ở Rome. Cha chào Hợp tác xã xã hội Thánh Giuse ở Como, các thiếu nhi đến từ Perugia, các bạn trẻ ở Bologna trên hành trình Tuyên xưng Đức tin, và các ứng viên Thêm sức từ Pavia, Iolo di Prato và Cavaion Veronese.

Cha vui mừng chào đón các vận động viên tham dự cuộc thi Marathon Rome, một sự kiện truyền thống về thể thao và tình huynh đệ. Một lần nữa trong năm nay, theo sáng kiến của Athletica Vaticana, nhiều vận động viên đã tham gia vào “các cuộc chạy tiếp sức đoàn kết”, trở thành những chứng nhân của sự chia sẻ.

Và cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/3/2024]


Xưng tội, khởi đầu ơn gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô

Xưng tội, khởi đầu ơn gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô

Xưng tội, khởi đầu ơn gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô

Photo by OSSERVATORE ROMANO / AFP

Pope Francis going to confession

Cyprien Viet

13/03/24


Bạn có biết rằng chính lời khuyên ngài nhận được khi xưng tội vào tháng Chín năm 1953, lúc còn là một thiếu niên, đã dẫn đến ơn gọi của ngài Jorge Mario Bergoglio?

Thứ Sáu, ngày 8 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự nghi thức thống hối tại giáo xứ Thánh Piô V, phía tây Rome. Trong nghi thức, ngài giải tội cho một số tín hữu. Khi bắt đầu triều đại giáo hoàng của mình, vị giáo hoàng người Argentina đã làm công chúng ngạc nhiên khi đi xưng tội trong nghi thức Mùa Chay hàng năm.

Có lẽ ngài làm như vậy vì chính bí tích này đã truyền cảm hứng cho ơn gọi của ngài. Trang web của Vatican cho biết, “Thật vậy, vào ngày Lễ Thánh Matthêu năm 1953, khi cậu thiếu niên 17 tuổi Jorge Bergoglio cảm nghiệm một cách rất đặc biệt sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Sau khi xưng tội, cậu thấy trái tim rung động và cảm nhận sự tuôn đổ lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng với cái nhìn yêu thương dịu dàng, đã gọi cậu bước vào đời sống tu trì, theo gương Thánh Ignatio Loyola.”

Và thật vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô thường xuyên nói chuyện cách cởi mở về bước ngoặt này trong cuộc đời ngài. Nó diễn ra vào ngày 21 tháng Chín năm 1953, ngày lễ Thánh Matthêu Thánh sử, cũng là “Ngày Sinh viên” ở Argentina.

“Tôi đang chuẩn bị đi dã ngoại với các bạn cùng lớp. Tôi đi ngang qua nhà thờ San José de Flores và bước vào trong (…) và ở đó, tôi cảm thấy một sự thôi thúc xưng tội. Tôi không biết chuyện gì xảy ra, hoặc thời gian xưng tội kéo dài bao lâu. Nhưng tôi đứng dậy, trở về nhà và dần dần nhận ra rằng Chúa đang gọi tôi”, ngài thuật lại trong quyển Des pauvres au Pape, du Pape au monde (“Từ người nghèo đến Giáo hoàng, từ Giáo hoàng đến Thế giới”), được xuất bản bởi nhà xuất bản Seuil vào tháng Tư năm 2022.


Những giọt nước mắt của cậu Bergoglio

Cậu Jorge Mario Bergoglio không biết vị linh mục này, mà thật ngạc nhiên ngài từng là một cựu diễn viên sân khấu. Đến từ tỉnh Corrientes, vị linh mục đang ở thủ đô Argentina để điều trị bệnh bạch cầu. Do đó, việc ngài phục vụ với tư cách là linh mục giải tội tại nhà thờ San José, nằm trên đại lộ Rivadavia rộng lớn — dài 22 dặm và đi qua toàn bộ Buenos Aires — hoàn toàn là đột xuất và ngẫu nhiên.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhớ lại, “Mười tháng sau khi chúng tôi gặp nhau, ngài qua đời. Ngài là người hướng dẫn tôi, là người giúp tôi. Quả thật, tôi tiếp tục gặp ngài. Sau đám tang của ngài, tôi về nhà và khóc nhiều. Tôi rơi vào trạng thái đau khổ, cảm thấy bị bỏ rơi. Tôi sẽ luôn nhớ những giọt nước mắt đó. Sau đó, mọi việc diễn ra chậm chạp. Nhưng điều chắc chắn đã đến vào ngày 21 tháng Chín năm 1953. Điều chắc chắn về một hồng ân,” Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói trong cùng quyển sách, với sự chân thành.

Tuy nhiên, chàng trai trẻ Jorge Mario Bergoglio vẫn tiếp tục các môn học về ngành hóa học cho đến khi vào chủng viện giáo phận vào năm 1956. Sau đó, cậu gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, và rồi cậu gia nhập Dòng Tên.

Vì thời gian đào tạo trong Dòng Tên rất dài, mãi đến năm 1969 ngài Jorge Mario Bergoglio mới được thụ phong linh mục, gần 16 năm sau ơn gọi, và không phải là không trải qua một số giai đoạn hoài nghi. Ngài thừa nhận đã hoài nghi về ơn gọi của mình sau khi bị rung động bởi “vẻ đẹp và trí thông minh” của một cô gái mà ngài gặp trong một đám cưới khi còn là chủng sinh. Nhưng cuối cùng, ngài vẫn ôm chặt ký ức về lần xưng tội đó, nó đánh dấu sự kết thúc tuổi thanh xuân của ngài.


Khoảnh khắc vừa bình thường vừa khác thường

Kể từ khi bắt đầu triều đại giáo hoàng, ngài thích nhắc lại thời điểm này, vừa bình thường vừa khác thường, để mời gọi tất cả các linh mục và tu sĩ nam nữ hãy nhớ lại khoảnh khắc của “tiếng gọi ban đầu” mang lại ý nghĩa và tính trung kiên cho ơn gọi của họ. Ngài không bao giờ ngừng nhấn mạnh rằng đời sống linh mục hay tu trì không thể là kết quả của một “kế hoạch sự nghiệp” hay tham vọng do người khác hoạch định, nhưng trước hết là kết quả của cuộc gặp gỡ riêng với Chúa.

Ký ức này cũng là cội nguồn của châm ngôn giám mục của ngài, Miserando atque eligendo. Cụm từ tiếng Latinh này đề cập đến đoạn Tin Mừng về ơn gọi của Thánh Matthêu, được miêu tả trong bức tranh nổi tiếng của họa sĩ Caravaggio mà Đức Giáo hoàng Phanxicô tương lai rất thích chiêm ngưỡng tại Nhà thờ Thánh Louis của người Pháp khi ngài còn ở Rome với tư cách hồng y.

Đoạn trích dẫn đầy đủ được tìm thấy trong bài giảng bằng tiếng Latinh của Thánh Bede Đấng Đáng kính, Tiến sĩ Hội Thánh, qua đời năm 735: Vidit ergo Iesus publicanum et quia miserando atque eligendo vidit, ait illi Sequere me – “Chúa Giêsu nhìn thấy một người thu thuế, và bởi vì Người nhìn anh và thương xót và chọn anh, Người nói với anh: ‘Hãy theo Thầy.’”

Ba từ tiếng Latinh miserando atque eligendo có nhiều cách giải thích và cũng có thể được dịch là “Ngài chọn anh bởi ‘thương xót’ anh,” tức là “bằng cách bao phủ anh trong lòng thương xót của Ngài”. Hình ảnh này tương tự như hình ảnh vị linh mục trong vai trò là người trung gian cho lòng thương xót của Thiên Chúa, và như một “tội nhân được tha thứ”.

Sự biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong cuộc đời, ngay cả những lúc không ngờ nhất. Do đó, ơn gọi và huấn quyền của Đức Thánh Cha Phanxicô xuất phát từ việc xưng tội đơn sơ của một thiếu niên người Argentina đi dạo với bạn bè hơn 70 năm trước. Một kinh nghiệm về lòng thương xót của Thiên Chúa mà ngài luôn mong muốn chia sẻ kể từ đó.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/3/2024]