Thứ Bảy, 23 tháng 12, 2017

Những lời chia sẻ của Đức Thánh Cha với các nhân viên Vatican và gia đình của họ

Những lời chia sẻ của Đức Thánh Cha với các nhân viên Vatican và gia đình của họ

‘Chúng con có thể làm gì để không tung tin đồn?” Hãy cắn lưỡi! Chắc chắn nó sưng lên, nhưng việc đó rất tốt để giúp anh chị em chị không đồn thổi’


22 tháng Mười Hai, 2017
Những lời chia sẻ của Đức Thánh Cha với các nhân viên Vatican và gia đình của họ
© L'Osservatore Romano
Giữa trưa thứ Năm ngày 21 tháng Mười Hai, 2017, Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhân viên của Tòa Thánh và Nhà nước Vatican và gia đình của họ trong Đại sảnh Phao-lô VI, để chúc mừng Giáng sinh.

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) huấn từ của Đức Thánh Cha với những người hiện diện trong buổi Tiếp Kiến.

* * *

Chia sẻ của Đức Thánh Cha

Chào anh chị em!

Trước hết cha muốn cảm ơn, cảm ơn từng người trong anh chị em vì những công việc mà anh chị em làm ở đây.

Mỗi người có việc riêng của mình, hiểu rõ công việc … Cũng có những nhóm làm việc trong Vatican … Những công việc này tạo nên như chức năng của một “chuyến xe lửa”, đó là Vatican, là Tòa Thánh, dường như quá nặng nề, quá tuyệt vời, với rất nhiều vấn đề, rất nhiều điều … Và từng người trong anh chị em đã cống hiến hết sức mình cho công cuộc này. Cha biết rằng nếu không có công việc của anh chị em … một người trong anh chị em có nói với cha là anh đã làm việc ở đây 43 năm — thật quá nhiều kỷ niệm! – nếu không có công việc của anh chị em, mọi việc không thể chạy trơn tru được, và như vậy có nghĩa là công việc của Giáo hội sẽ không chạy nhịp nhàng; rất nhiều công cuộc rao giảng Tin mừng sẽ không thể thực hiện được, đó là việc giúp đỡ rất nhiều người, các bệnh nhân, các trường học, và nhiều vấn đề khác … Anh chị em là một phần của “chuyến xe lửa” này chuyên chở công cuộc của Giáo hội.

Từ ngữ đầu tiên mà cha muốn nói với anh chị em là công việc, nhưng không phải là bảo anh chị em: hãy làm nhiều thêm nữa; hãy tiếp tục làm nhiều nữa! Không, không, nhưng là lời cảm ơn. Cảm ơn anh chị em. Tuy nhiên, có một vấn đề khi nói đến công việc ở Vatican. Một quý bà có lần đến đây và chỉ vào một bạn trẻ và nói: “Hãy giúp những nhân viên theo thời vụ này.” Ngày nọ cha có buổi họp với Đức Hồng y Marx là Tổng trưởng Hội đồng Kinh tế, và Đức ông Ferme là Thư ký, và cha nói: “Tôi không muốn thấy việc làm không đúng luật trong Vatican.” Cha xin lỗi nếu điều này vẫn còn tồn tại. Điều khoản số 11 nổi tiếng đó là một điều khoản có giá trị cho giai đoạn thử việc, nhưng là thử việc trong hay một hay hai năm thôi, không thể hơn. Cũng như cha đã từng nói rằng không được để bất kỳ một ai không có việc làm, nghĩa là chỉ cho một người nghỉ khi có một công việc khác đang chờ sẵn họ ở bên ngoài, hoặc có sự đồng ý phù hợp đối với người đó, vì vậy cha nói rằng: chúng ta phải làm mọi cách ở đây để không có công việc thời vụ hay nhân viên làm việc thời vụ. Nó cũng là một vấn đề lương tâm của cha, vì chúng ta không thể dạy Giáo huấn Xã hội của Giáo hội và rồi lại làm những điều không phải. Mọi người đều hiểu rằng một người công nhân phải được thử việc trong một thời gian nào đó, thử việc một năm, có thể hai năm, rồi ngưng ở đó – không được làm điều gì không phù hợp với luật. Đây là ý định của cha; anh chị em giúp cha, và cũng giúp các cấp trên, những người tùy thuộc vào Phủ Thống đốc, lệ thuộc vào Hồng y, vào Thư ký để giúp giải quyết những vấn đề này của Tòa Thánh; việc làm thời vụ vẫn còn tồn tại.

Như vậy, từ ngữ đầu tiên là công việc, là cảm ơn, nói về việc làm theo thời vụ và một điều cuối cùng: công việc là hành trình đến với sự thánh thiện, đến với hạnh phúc, đến với sự phát triển của anh chị em. Ngày nay, có lẽ lời nguyền tệ hại nhất là không có việc làm. Và quá nhiều người — anh chị em chắc chắn biết rất nhiều người –, không có việc làm. Vì việc làm trao tặng cho chúng ta phẩm giá, và sự ổn định công việc trao tặng cho chúng ta phẩm giá. Cha không muốn gọi tên nó ra, nhưng anh chị em sẽ tìm thấy nó trong các báo chí. Hôm nay cha có xem một tờ báo đưa ra hai vấn đề này của hai công ty lớn, ở nước Ý, hiện đang trong nguy cơ, và để cứu được sự sống còn, người ta phải “hợp lý hóa” – đó là một cách nói – công việc sa thải 3-4 ngàn người. Điều này kinh khủng, thật kinh khủng, vì phẩm giá bị mất. Và vấn đề này không chỉ ở đây, của Vatican, của nước Ý hay của Châu Âu: nhưng nó là vấn đề toàn cầu. Nó là một vấn đề tùy thuộc vào nhiều yếu tố trên thế giới. Để giữ được việc làm và có phẩm giá, để đem được lương thực về nhà: “Tôi nhận nó vì tôi làm ra nó. Không phải vì tôi đến chỗ Caritas để nhận nó. Không, tôi làm ra nó.” Đây là phẩm giá. Công việc cũng như vậy. Cảm ơn anh chị em, hãy giúp các vị cấp trên đặt dấu chấm hết cho những tình trạng công việc tạm bợ, và hãy giữ lấy việc làm của anh chị em vì nó là phẩm giá của anh chị em. Cha muốn nói, hãy giữ lấy công việc của anh chị em, nhưng phải làm nó thật tốt. Điều này rất quan trọng!

Từ ngữ thứ hai mà cha muốn nói với anh chị em là: gia đình. Cha muốn nói thật chân tình với anh chị em: khi cha biết rằng một trong những gia đình của anh chị em đang bị khủng hoảng, rằng có những đứa trẻ đang đau khổ vì chúng nhìn thấy gia đình đang có … vấn đề, thì cha rất đau khổ. Nhưng anh chị em hãy cho phép mình được trợ giúp. Cha muốn ngài Tổng Thư ký của Phủ Thống đốc là Giám mục để ngài có thêm chiều kích mục vụ này. Xin anh chị em, hãy cứu lấy gia đình. Cha biết điều này không dễ, và cha biết có những vấn đề cá nhân, những vấn đề tâm lý, những vấn đề … rất nhiều vấn đề trong hôn nhân. Tuy nhiên, hãy cố gắng đi tìm sự giúp đỡ kịp lúc, để bảo vệ cho gia đình. Cha biết giữa anh chị em đây có những người đã ly thân; cha biết điều đó và cha đau khổ, cha chia sẻ sự đau khổ của anh chị em … cuộc sống lại đi theo chiều hướng đó. Nhưng, cha cũng muốn giúp anh chị em trong vấn đề này; hãy cho phép mình được giúp đỡ. Nếu có chuyện gì đó đã xảy ra, ít nhất xin đừng để những đứa con chịu đau khổ, vì khi cha mẹ cãi nhau, con cái đau khổ, chúng rất đau khổ. Và cha cho anh chị em vài lời khuyên: đừng bao giờ cãi nhau trước mặt con cái – xin đừng bao giờ, vì chúng không hiểu. Hãy chăm sóc gia đình. Và về vấn đề này ở đây anh chị em có Đức ông Verges và có các cha tuyên úy. Các ngài sẽ nói cho anh chị em biết cần phải đến đâu để được trợ giúp. Gia đình: đây là một viên ngọc quý, vì Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta thành một gia đình. Hôn nhân là hình ảnh của Thiên Chúa, người nam và người nữ, hoa trái: “nhân lên nhiều lần,” có con cái: hãy tiến tới. Hôm nay cha rất hạnh phúc vì cha nhìn thấy nhiều, rất nhiều thiếu nhi ở đây. Đó là gia đình. Hãy chăm sóc gia đình, là từ ngữ thứ hai cha suy nghĩ rất nhiều.

Từ ngữ thứ ba cha luôn giữ trong đầu – có thể một người trong anh chị em muốn nói với cha: “Nhưng thôi hãy chấm hết với vấn đề này!” là một từ lặp đi lặp lại mãi: tin đồn. Có thể cha lầm … không có chuyện đồn thổi trong Vatican … có thể như vậy, cha không biết nữa … Một người trong anh chị em có nói với cha, một trong các nhân viên. Một hôm cha giảng về vấn đề tin đồn, và anh đi lễ với vợ, anh nói với cha: “Cha à, nếu người nào không đồn thổi chuyện ở Vatican, người đó bị cô lập ngay.” Nặng nề quá, nặng nề quá! Anh chị em đã nghe những gì cha nói về tin đồn: người tung tin đồn là một kẻ khủng bố, vì hành động người đó như những kẻ khủng bố: anh ta quăng một trái bom rồi bỏ đi, trái bom nổ và làm rất nhiều người bị thương. Trái bom đó là miệng lưỡi. Xin anh chị em, đừng dính vào chủ nghĩa khủng bố! Đừng đi vào chủ nghĩa khủng bố bằng tin đồn. Đây là từ ngữ thứ ba cha nghĩ đến.

Nhưng có người hỏi cha: “Thưa cha, cho chúng con lời khuyên, chúng con có thể làm gì để không tung tin đồn?” Hãy cắn lưỡi! Chắc chắn nó sưng lên, nhưng việc đó rất tốt để giúp anh chị em chị không đồn thổi.

Và đây là từ thứ tư cha muốn nói với anh chị em: tha thứ. “Tha thứ” và “xin lỗi,” vì chúng ta không đưa ra được mẫu gương tốt; chúng tôi – cha nói đến “giới giáo sĩ” – chúng tôi [ngài cười] không đưa ra được tấm gương tốt. Trong cuộc sống chúng ta có những lỗi lầm mà các giáo sĩ cũng mắc phải, tội lỗi, bất công, hoặc đôi khi đối xử không tốt với tha nhân … tha thứ cho tất cả những lỗi lầm không tốt này. Chúng ta phải xin sự tha thứ, và cha cũng phải xin được tha thứ, vì đôi khi “cha cũng mất kiểm soát cảm xúc” [ngài cười] …

Những anh chị em cộng tác viên thân mến. Đây là những từ, bốn từ ngữ trong đáy lòng của cha: việc làm, gia đình, tin đồi thổi, tha thứ.

Và lời cuối cùng là chúc mừng Giáng sinh: Chúc anh chị em Giáng sinh vui vẻ! — nhưng phải là một Giáng sinh Hạnh phúc trong tâm hồn, trong gia đình, và cả trong lương tâm. Đừng e sợ, cả anh chị em nữa, hãy xin được tha thứ nếu lương tâm trách móc anh chị em điều gì; hãy tìm đến một linh mục giải tội giỏi và làm cuộc thanh tẩy cho sạch sẽ! Người ta nói linh mục giải tội giỏi là một linh mục điếc [ngài cười]: ngài không làm cho anh chị em cảm thấy xấu hổ! Tuy nhiên, nếu không có linh mục điếc, thì còn nhiều cha giải tội đầy lòng thương xót khác, còn rất nhiều vị lắng nghe anh chị em và tha thứ: “Hãy tiến tới!” Giáng sinh là một dịp rất tốt để tạo sự bình an trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta đều là những tội nhân, tất cả chúng ta. Hôm qua cha đã xưng tội mùa Giáng sinh rồi: cha giải tội đến … và sau đó cha cảm thấy rất tốt. Chúng ta hãy năng đến với tòa giải tội.

Cha chúc anh chị em một Giáng sinh Hạnh phúc, nhiều niềm vui nhưng là những niềm vui đến từ trong tâm hồn. Và cha không quên những anh chị em bệnh nhân, có thể có ai đó là thành viên trong gia đình của anh chị em, người đang chịu đau khổ, và cha gửi đến họ một lời chúc lành. Cảm ơn anh chị em rất nhiều. Chúng ta hãy bảo vệ việc làm, đó là sự công bằng; chúng ta hãy chăm sóc cho gia đình; chúng ta hãy kìm hãm cái lưỡi của chúng ta lại, và xin sự tha thứ cho chúng ta vì những gương xấu, và chúng ta hãy thanh tẩy sạch tâm hồn chúng ta trong mùa Giáng sinh này, để được bình an và hạnh phúc.

Và trước khi cha tạm biệt, cha muốn ban Phép lành cho anh chị em, cho gia đình anh chị em, cho tất cả. Cảm ơn rất nhiều vì sự giúp đỡ của anh chị em.

Chúng ta hãy dâng lên Mẹ của chúng ta Kinh Kính mừng: “Kính mừng …”

[Phép lành] Và cầu nguyện cho cha nhé; đừng quên đấy!


[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/12/2017]


Đức Thánh Cha gửi bánh Panettonis cho các tù nhân

Đức Thánh Cha gửi bánh Panettonis cho các tù nhân

350 bánh đậm đà hương vị được gửi tới nhà tù Rebibbia

21 tháng Mười Hai, 2017
Đức Thánh Cha gửi bánh Panettonis cho các tù nhân
Panettoni Wikimedia Commons
Không ai muốn vào tù — đặc biệt trong mùa Giáng sinh — nhưng Đức Thánh Cha Phanxico gửi một lời chúc đến những tù nhân đang bị giam giữ trong nhà tù Rebibbia ở Roma, đó là 350 cái bánh panettoni. Đây là loại bánh truyền thống của Ý cho những dịp lễ nghỉ và không chỉ nước Ý mà cả những người thuộc hậu duệ của người Ý trên khắp thế giới đều thưởng thức chúng.

Theo L’Osservatore Romano, các giới chức Ý đang giải quyết những nhu cầu cho người đói nghèo bằng cách làm thêm số lượng bánh mì để phân phối cho những người thiếu thốn.

JF
[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/12/2017]


Nhân viên Vatican tận hưởng thời gian với Đức Thánh Cha

Nhân viên Vatican tận hưởng thời gian với Đức Thánh Cha

Họp mặt Giáng sinh với các gia đình
21 tháng Mười Hai, 2017
Nhân viên Vatican tận hưởng thời gian với Đức Thánh Cha
© L'Osservatore Romano
Đức Thánh Cha là một nhà lãnh đạo rất nổi tiếng. Ít nhất đó là ấn tượng mà bất cứ ai cũng có thể có được từ tiếng hoan hô của những đám đông gồm các nhân viên Vatican và gia đình của họ họp mặt ngày 21 tháng Mười Hai, 2017, trong Đại sảnh Phao-lô VI để nghe lời chúc Giáng sinh từ CEO của họ.

Trong những nhận xét cung cấp rất nhiều thông tin, Đức Thánh Cha cảm ơn mọi người vì công việc của họ, mà ngài nói thường rất khó khăn. Ngài nói rằng họ là những người tạo nên “chuyến xe lửa” mà Vatican đang chạy.
JF
[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/12/2017]



Nữ tu Lucia giải thích lòng sùng kính Trái tim Vẹn sạch Mẹ Maria là một việc ‘phải làm’

The Immaculate Heart of Mary and Sister Lucia
Trái tim Vẹn sạch Mẹ Maria và Nữ tu Lucia (thecalltofatima.wordpress.com)
18 tháng Mười Hai, 2017

Nữ tu Lucia giải thích lòng sùng kính Trái tim Vẹn sạch Mẹ Maria là một việc ‘phải làm’

Thị nhân Fatima đưa ra rất nhiều giải thích dễ hiểu cho chúng ta nhìn thấy tại sao lòng sùng kính Trái tim Vẹn sạch Mẹ Maria là vô cùng quan trọng

Fatima đã kỷ niệm tròn 100 năm, nhưng thông điệp trở nên khẩn thiết hơn bao giờ hết. Khi văn hóa và nền hòa bình tiếp tục trở nên xấu đi, thì Đức Bà Fatima của chúng ta đã có câu trả lời để đảo ngược lại vòng xoáy đi xuống đó, bắt đầu bằng hai điều “phải làm” này.

Lần chuỗi Mân côi hàng ngày, lòng sùng kính Trái tim Vẹn sạch Mẹ Maria, Nữ tỳ của Thiên Chúa. Trong hồi ký, nữ tu Lucia cho chúng ta biết lý do và giải thích rõ hơn trong quyển sách của chị, “Những tiếng gọi” từ thông điệp Fatima.

Liên quan đến lòng sùng kính Trái tim Vẹn sạch Mẹ Maria, có hai điểm mốc chính (của Mẹ Đầy Ơn Phúc) sau những lần hiện ra năm 1917 là ngày 10 tháng Mười Hai, 1925 và ngày 17 tháng Mười Hai, 1927.


Một lời kêu gọi

Trong ngày 10 tháng Mười Hai năm 1925 đó — nữ tu Lucia đang ở phòng riêng của chị trong nhà dòng ở Pontevedra, Tây Ban nha, thì Mẹ Đầy Ơn Phúc hiện ra với chị. Mẹ không đến một mình. Chúa Giê-su cùng đến với Mẹ Ngài, hiện ra dưới hình một trẻ thơ đứng trên đám mây sáng chói.

Nữ tu Lucia mô tả những gì xảy ra, miêu tả bản thân là người thứ ba.

“Mẹ Rất Thánh đặt tay của Mẹ trên vai chị, và khi Mẹ làm như vậy, Mẹ cho chị thấy một trái tim bị vòng gai quấn quanh mà Mẹ đang cầm trên bàn tay kia. Đồng thời Trẻ thơ nói:

Hãy thương xót Trái tim của Mẹ rất thánh, bị vòng gai quấn lấy, mà con người vô ơn bạc nghĩa liên tục đâm thâu nó, và chẳng ai có hành động đền bù để gỡ những mũi gai ấy.”

Rồi Đức Bà nói với chị:

Con của Mẹ, hãy nhìn vào trái tim của Mẹ, bị quấn quanh bởi những mũi gai mà con người bội bạc vô ơn liên tục đâm thâu nó bởi những sự báng bổ sự vô ơn bạch nghĩa. Ít nhất con đã cố gắng an ủi Mẹ và Mẹ hứa sẽ cứu giúp con trong giờ lâm tử, bằng những ân sủng cần thiết cho ơn cứu độ, tất cả những ai, trong ngày thứ Bảy đầu tiên của năm tháng liên tục, xưng tội, rước Mình Thánh, đọc năm chục Kinh Mân Côi, và tập trung cùng đồng hành với Mẹ trong suốt mười lăm phút khi suy niệm mười lăm mầu nhiệm Kinh Mân Côi, với ý định đền bù cho Ta.

Chúng ta hãy xem lời dạy bảo này và lời hứa có mối dây liên kết chặt chẽ với lòng sùng kính Trái tim Vẹn sạch như thế nào.


Một lần đến thăm khác

Chị Lucia không công bố công khai lời yêu cầu này vì nó liên quan đến một trong ba bí mật mà các trẻ đã nhận được trong những lần hiện ra và đó là những điều mà các em sẽ giữ — bí mật — cho đến khi trên trời cho phép. Hai năm sau, khi các bề trên của chị yêu cầu chị viết về lần hiện ra cuối cùng, chị trước hết đến cầu nguyện trước nhà tạm. Đó là ngày 17 tháng Mười Hai, 1927. Chị hỏi Chúa Giê-su rằng làm sao chị có thể làm trọn lời yêu cầu trong khi nó là một phần của những bí mật. Chị muốn xin phép Chúa trước khi tiết lộ bất kỳ điều gì.

Chị Lucia quan tâm về phần này trong những tiết lộ vào tháng Bảy năm 1917: Đức Mẹ nói, “Chúa Giê-su muốn dùng con để làm cho mọi người biết Mẹ và yêu mến Mẹ. Ngài muốn thiết lập trên thế giới này lòng sùng kính Trái tim Vẹn sạch. Mẹ hứa ơn cứu độ cho những ai thực hiện lòng sùng kính, và những linh hồn này sẽ được Chúa yêu, như những bông hoa được Mẹ đặt vào trang điểm cho ngai vàng của Ngài.”

Như vậy đã quá rõ ràng — sự sùng kính Trái tim Vẹn sạch Mẹ Maria là chương trình từ trời, chương trình của Thiên Chúa, chương trình của Con của Mẹ.

Khi Lucia muốn biết có phải chỉ còn mình chị được ở lại trên dương thế, không còn ở cùng với hai người em họ là Jacinta và Francisco, Đức Mẹ trả lời, “Không, con của ta. Mẹ không bỏ rơi con. Trái tim Vẹn sạch của Mẹ sẽ là nơi nương náu cho con và là con đường dẫn con lên tới Chúa.”

Rồi ngày 17 tháng Mười Hai năm 1925 đó, Lucia nói, “Chúa Giê-su cho chị nghe thấy những lời này rất rõ ràng: Con của Ta, hãy viết ra những gì họ yêu cầu con. Hãy viết tất cả những gì Mẹ Đồng trinh Rất thánh đã tiết lộ cho con trong lần Mẹ hiện ra, trong đó Mẹ nói đến sự sùng kính này. Với phần còn lại của Bí mật, hãy tiếp tục giữ im lặng.”


Những điều được tiết lộ

Sự tiết lộ đầu tiên của chương trình của Chúa cho Thánh tâm Đức Mẹ xảy ra trong những lần hiện ra năm 1917.

Trong hồi ký chị Lucia giải thích, “Trong bí mật tháng Bảy, Đức Mẹ nói với chúng tôi rằng Chúa muốn thiết lập trên thế giới sự sùng kính Trái tim Vẹn sạch của Mẹ.” Đức Mẹ nói, “Chúa Giê-su muốn dùng con để làm cho mọi người biết Mẹ và yêu mến Mẹ. Ngài muốn thiết lập trên thế giới này lòng sùng kính Trái tim Vẹn sạch của Mẹ. Trái tim Vẹn sạch của Mẹ được nhắc đến ba lần trong lần hiện ra tháng Bảy, trong đó cũng nói đến sự trở lại của nước Nga và thị kiến hỏa ngục. Đức Mẹ nói, “Con đã nhìn thấy hỏa ngục, nơi linh hồn của những tội nhân đáng thương phải sa vào. Chính vì muốn cứu họ mà Chúa muốn thiết lập trên thế giới này sự sùng kính Trái tim Vẹn sạch của Mẹ.”

Phản ánh về lần hiện ra tháng Sáu năm 1917, chị Lucia nhấn mạnh rằng sự sùng kính Trái tim Vẹn sạch Mẹ Maria là vô cùng quan trọng. Đức Mẹ nói với chị rằng “Trái tim Vẹn sạch của Mẹ sẽ là nơi nương náu của tôi và là con đường dẫn tôi lên tới Thiên Chúa. Khi Mẹ nói những lời này, Mẹ mở đôi bàn tay Mẹ ra, và từ đôi bàn tay đó tỏa ra một luồng ánh sáng đi vào tận sâu thẳm tâm hồn của chúng tôi … Từ ngày đó, tâm hồn chúng tôi được ngập tràn tình yêu cháy bỏng hơn dành cho Trái tim Vẹn sạch Mẹ Maria.”

Sau đó chị Lucia tiết lộ, “Trong lòng bàn tay phải của Đức Mẹ là một trái tim bị vòng gai quấn quanh và những mũi gai đâm thâu vào trái tim. Chúng tôi hiểu rằng đây là Trái tim Vẹn sạch của Mẹ Maria, bị xúc phạm bởi tội của nhân loại, và đang tìm sự đền bù tội lỗi.”

Trước khi Jacinta được đưa vào bệnh viện, Mẹ nói với chị: “Con sẽ ở lại đây để làm mọi người biết rằng Thiên Chúa muốn thiết lập trên thế giới này sự sùng kính Trái tim Vẹn sạch Mẹ Maria … Hãy nói với mọi người rằng Chúa ban ơn cho chúng ta qua Trái tim Vẹn sạch của Mẹ Maria; rằng người ta phải xin Mẹ cho họ; và rằng Thánh tâm Chúa Giê-su muốn Trái tim Vẹn sạch của Mẹ Maria được sùng kính bên cạnh Trái tim của Người. Hãy nói với họ cầu xin hòa bình với Trái tim Cực sạch Mẹ Maria vì Chúa đã trao phó nó cho Mẹ.”


Những lý do không thể phủ nhận

Khi chị Lucia là một nữ tu dòng Ca-mê-lô đang viết Những Tiếng Gọi, chị suy niệm rất nhiều về điều này và chia sẻ những cái nhìn thấu suốt khác thường về Mẹ Maira.

Chị Lucia giải thích, “Tất cả chúng ta biết rằng trái tim của một người mẹ đại diện cho tình yêu của một gia đình. Mọi đứa con đều tin tưởng vào trái tim của mẹ của chúng, và tất cả chúng ta biết rằng chúng ta chiếm được một vị trí tình cảm đặc biệt trong người mẹ. Với Mẹ Maria Đồng trinh cũng như vậy. Cho nên thông điệp nói: Trái tim Cực sạch của Mẹ sẽ là nơi nương náu cho con và là con đường dẫn đưa con lên tới Chúa. Như vậy, Trái tim Mẹ Maria là một nơi nương náu và là con đường dẫn đưa lên tới Chúa cho tất cả mọi con cái.”

Tại sao Chúa Giê-su muốn Trái tim Cực sạch của Mẹ Ngài được sùng kính cùng cùng với Thánh tâm của Người?

Lucia giải thích, “Chính trong Trái tim này mà Chúa Cha đã đặt Con của Người vào, như trong nhà Tạm đầu tiên,” và “chính Máu của Trái tim Cực sạch của Mẹ đã truyền cho Con Thiên Chúa sự sống của Ngài và nhân tính của Ngài, từ đó mà tất cả chúng ta lại được đón nhận ‘hết ơn này đến ơn khác’ (Ga 1:16).”

Việc này xảy ra như thế nào? “Tôi thấy rằng ngay từ đầu Chúa Giê-su Ki-tô đã hiệp nhất công cuộc cứu độ của Ngài với Trái tim Cực sạch của Mẹ Đấng mà Ngài chọn làm Mẹ của Người,” chị Lucia nói. (Thánh Gio-an Phao-lô II cũng nói tương tự.) “Công trình cứu độ chúng ta bắt đầu từ thời điểm khi Ngôi Lời từ Trời xuống để mang lấy xác phàm trong cung lòng Mẹ Maria. Từ lúc đó, và trong chín tháng tiếp theo, Máu của Đức Ki-tô là chính Máu của Mẹ Maria, lấy từ Trái tim Cực sạch của Mẹ; Trái tim của Đức Ki-tô hòa cùng nhịp đập với Trái tim Mẹ Maria.”

Lucia ghi chú về một thế hệ hoàn toàn mới được sinh ra từ Mẹ — “Đức Ki-tô trong Người và trong Nhiệm Thể Người. Và Mẹ Maria là Mẹ của dòng dõi này được chọn để đạp dập dầu con rắn là ma quỷ.” Nhắc lại rằng chúng ta ở trong Nhiệm Thể của Đức Ki-tô.

Lòng sùng kính Trái tim Cực sạch có nghĩa là sự chiến thắng quỷ và tội lỗi (St 3:16). Nữ tu Lucia trình bày như sau: “Thế hệ mới mà Thiên Chúa đã báo trước sẽ được sinh ra từ người nữ này, sẽ chiến thắng trong trận chiến chống lại dòng dõi của Satan, đến mức đạp dập đầu nó. Mẹ Maria là Mẹ của thế hệ mới này, Mẹ như một cây sự sống mới, được Thiên Chúa trồng trong vườn của thế giới để mọi con cái của Mẹ cùng được chia sẻ hoa trái của Mẹ.”

Kể lại thị kiến ngày 13 tháng Bảy năm 1917 khi Đức Mẹ cho các trẻ nhìn thấy hỏa ngục và những tội nhân. Và những điều Mẹ nói sau đó là một lý do khác cho lòng sùng kính rất quan trọng này. Mẹ nói:

Để cứu họ, Thiên Chúa mong muốn thiết lập trong thế giới này lòng sùng kính Trái tim Cực sạch. Nếu những gì Mẹ nói với con được thực hiện, nhiều linh hồn sẽ được cứu thoát và sẽ có hòa bình.


Lòng sùng kính và sự liên hệ với Thánh thể

Lucia giải thích sự cần thiết của lòng sùng kính Trái tim Cực sạch theo một cách miêu tả rất đẹp. Từ trái tim người mẹ những đứa con đón nhận sự sống tự nhiên của chúng, dòng máu trao tặng sự sống của các con cho nên “chúng ta có thể nói rằng trái tim của người mẹ là trái tim của đứa con. Và chúng ta có thể nói như vậy với Mẹ Maria khi Mẹ mang Con của Chúa Cha hằng hữu trong cung lòng Mẹ. Vì thế, Trái tim của Mẹ Maria, theo một ý nghĩa, là trái tim của thế hệ mới, mà hoa trái đầu tiên là Đức Ki-tô.” Chúng ta là thế hệ mới đó.

“Và chính từ hoa trái (Đức Ki-tô) này mà thế hệ mới của Trái tim Vẹn sạch được nuôi dưỡng, như Chúa Giê-su nói: “Tôi là bánh trường sinh. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như (...) tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. (Ga 6, 48; 56-57).”

Chị Lucia làm sáng tỏ mối liên hệ của Trái tim Cực sạch của Mẹ Maria và Thánh thể. “Chính thân thể được đón nhận từ Mẹ Maria, mà trong đó Đức Ki-tô đã trở thành một hy tế được dâng lên cho sự cứu độ nhân loại; chính dòng máu được đón nhận từ Mẹ Maria chảy trong huyết quản của Đức Ki-tô và dòng máu đó đã tuôn đổ ra từ Trái tim Rất thánh của Người; chính cùng một thân thể và một dòng máu này, được đón nhận từ Mẹ Maria, được trao tặng cho chúng ta, dưới hình bánh và rượu, làm lương thực hàng ngày cho chúng ta, để củng cố sự sống ân sủng trong chúng ta, và như thế tiếp tục trong chúng ta, những chi thể của Nhiệm Thể của Đức Ki-tô, công cuộc chuộc tội của Người cho ơn cứu độ mỗi người và mọi người tới mức độ mỗi người bấu víu vào Đức Ki-tô và cùng cộng tác với Đức Ki-tô.”


Thêm ánh sáng

Chị Lucia làm rõ với những kết luận sau.

Một: “Thiên Chúa bắt đầu công trình cứu chuộc chúng ta trong Trái tim của Mẹ Maria, chính qua lời ‘xin vâng’ của Mẹ mà ơn cứu chuộc bắt đầu tuôn đổ.”

Hai: “Vì vậy chính Trái tim Vẹn sạch này là chỗ nương náu cho chúng ta và là con đường dẫn về Thiên Chúa.”

Ba: “Như vậy chúng ta thấy rằng lòng sùng kính Trái tim Vẹn sạch Mẹ Maria phải được thiết lập trong thế giới này bằng một sự thánh hiến, sự hoán cải và hy sinh.”

Bốn: “ Cùng với Mẹ Maria, Chúa Ki-tô bắt đầu công cuộc cho ơn cứu độ của chúng ta. Trái tim của Đức Ki-tô đập những nhịp đập của Trái tim của Mẹ Maria … chính từ Mẹ Maria mà Đức Ki-tô nhận được Thân xác và Máu sẽ bị tuôn đổ ra và được dâng lên cho sự cứu độ thế giới. Vì vậy, Mẹ Maria, nên một với Đức Ki-tô, là Mẹ Đồng công Cứu chuộc của nhân loại.”


Kết luận

Tất cả tóm tắt lại trong những hướng dẫn từ trời và lời hứa của Mẹ Maria.

Chúa Giê-su muốn thiết lập trong thế giới này lòng sùng kính Trái tim Cực sạch của Mẹ. Mẹ hứa ơn cứu độ cho những ai thực hiện lòng sùng kính, và những linh hồn này sẽ được Chúa yêu, như những bông hoa được Mẹ đặt vào trang điểm cho ngai vàng của Ngài.

Con đã nhìn thấy hỏa ngục, nơi linh hồn của những tội nhân đáng thương phải sa vào. Chính vì muốn cứu họ mà Chúa muốn thiết lập trên thế giới này sự sùng kính Trái tim Vẹn sạch của Mẹ. Nếu những gì Mẹ nói với con được thực hiện, nhiều linh hồn sẽ được cứu thoát và sẽ có hòa bình.

Trái tim Vẹn sạch của Mẹ sẽ là nơi nương náu cho con và là con đường dẫn con lên tới Chúa.

[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/12/2017]



Đức Thánh Cha giảng trong Nhà nguyện Thánh Marta: Người Ki-tô hữu phải vui mừng

Đức Thánh Cha giảng trong Nhà nguyện Thánh Marta: Người Ki-tô hữu phải vui mừng

Đức Thánh Cha giảng trong Nhà nguyện Thánh Marta: Người Ki-tô hữu phải vui mừng

Trong bài giảng Lễ sáng tại Nhà nguyện Thánh Marta, Đức Thánh Cha kêu gọi người Ki-tô hữu hãy vui mừng, và nói rằng tính bi quan không phải là của người Ki-tô hữu.

21 tháng Mười Hai, 2017, 12:59
Bản dịch (tiếng Anh) của Christopher Wells
Đối nghịch lại với dáng vẻ hân hoan của một người đã được tha thứ và được cứu chuộc, là khuôn mặt của một người đi đám tang, Đức Thánh Cha Phanxico giảng về niềm vui phát xuất từ việc được tha thứ tội lỗi và sự gần gũi của Thiên Chúa. Cả Bài đọc Một và bài Tin mừng trong ngày đều nói về niềm vui sâu thẳm xuất phát từ nội tâm, nó rất khác với sự vui vẻ mà chúng ta có được tại một bữa tiệc. Toàn bộ phụng vụ đều vang lên tiếng kêu, “Hãy vui lên, hãy vui lên!”

Niềm vui đến từ tình trạng được tha thứ

Đức Thánh Cha tập trung vào ba khía cạnh của niềm vui đích thực. Đầu tiên ngài nói đến niềm vui đến từ việc được tha thứ: “Đức Chúa đã rút lại án lệnh phạt ngươi.” Và vì thế chúng ta được kêu gọi hãy hân hoan lên, và đừng sống một cuộc đời hờ hững, như thể chúng ta chưa được tha thứ. Ngài nói, đây “là cội rễ của niềm vui của người Ki-tô hữu.” Nó tương tự như niềm vui của một tù nhân khi bản án thi hành của anh ta được giảm lại, hoặc là niềm vui của một người được chữa lành bệnh, giống như người bại liệt trong các Tin mừng. Vì vậy, điều cần thiết là phải nhận biết ơn cứu chuộc đã được Đức Ki-tô giành chiến thắng.

Đức Thánh Cha kể chuyện một triết gia chỉ trích người Ki-tô hữu:

“Ông nói ông là một người theo thuyết bất khả tri hoặc là một người vô thần, tôi không chắc nữa, nhưng ông chỉ trích người Ki-tô hữu, và nói như vầy, ‘Nhưng những con người đó – người Ki-tô hữu – nói rằng họ có một Đấng Cứu Thế. Tôi sẽ tin điều đó, tôi sẽ tin vào Đấng Cứu Thế khi họ luôn có một vẻ mặt của người đã được cứu chuộc, hân hoan vì được cứu chuộc.’ Nhưng nếu anh chị em mang vẻ mặt của một người đi đám tang, làm sao họ có thể tin rằng anh em đã được cứu chuộc? Làm sao họ tin rằng tội của anh chị em đã được tha thứ? Đây là điểm đầu tiên, là thông điệp đầu tiên của phụng vụ hôm nay: Anh chị em đã được tha thứ, mỗi người chúng ta được tha thứ.”

Vui mừng vì Chúa đồng hành với chúng ta

Đức Thánh Cha nói, khía cạnh thứ hai để vui mừng vì Chúa “luôn đồng hành với chúng ta”; từ lúc Người gọi tổ phụ A-bra-ham Người “ở giữa chúng ta,” trong những cơn thử thách, những khó khăn, giữa những niềm vui của chúng ta, trong mọi giây phút của cuộc đời chúng ta. Vì lý do này, Đức Thánh Cha nói, chúng ta nên dành thời gian trong ngày để nói chuyện với Chúa, “Đấng luôn ở cạnh ta,” Người luôn ở trong cuộc sống thường ngày của chúng ta.

Tính bi quan không phải là của người Ki-tô

Khía cạnh thứ ba của niềm vui đích thực là không cho phép chúng ta vung tay tuyệt vọng giữa những sự bất hạnh của chúng ta:

“Tính bị quan đó không phải là của người Ki-tô hữu. Nó xuất phát từ việc không biết mình đã được tha thứ, từ việc không bao giờ cảm nhận được sự chăm sóc của Thiên Chúa. Và chúng ta có thể nói rằng Tin mừng cho chúng ta nhìn thấy được niềm vui này: ‘Maria ngập tràn niềm vui đứng dậy và hối hả lên đường …’ Niềm vui luôn luôn làm chúng ta hối hả, vì ơn sủng của Thánh Thần không chấp nhận sự chậm chạp, ơn sủng đó không chấp nhận sự chậm chạp … Thần Khí luôn hối hả lên đường, luôn thúc đẩy chúng ta: tiến bước, tiến bước, giống như luồng gió thổi vào cánh buồm trên con thuyền.”

Hãy đứng dậy và mừng vui

Kết luận, Đức Thánh Cha miêu tả sự vui mừng làm cho hài nhi nhảy mừng trong lòng bà Ê-li-da-bét khi bà chào mừng Mẹ Maria:

“Đây là niềm vui mà Giáo hội kể cho chúng ta: chúng ta là Ki-tô hữu vui mừng, bằng mọi nỗ lực chúng ta phải cho thấy rằng chúng ta tin là chúng ta được cứu rỗi, rằng Chúa đã tha thứ cho chúng ta mọi điều, và nếu có lúc chúng ta bị vấp ngã, Người cũng sẽ luôn tha thứ, vì Người là Thiên Chúa của sự tha thứ; rằng Chúa đang ở giữa chúng ta; và rằng chúng ta sẽ không cho phép mình vung tay lên trong tuyệt vọng. Đây là thông điệp cho ngày hôm nay: ‘Hãy đứng dậy!’ Đây là tiếng gọi của Chúa Giê-su với người bệnh: ‘Hãy đứng dậy, kêu lên tiếng mừng vui, hãy vui lên, hãy mừng vui và hoan hỉ bằng cả tâm hồn!’”

[Nguồn: vaticannews]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/12/2017]