Thứ Năm, 16 tháng 4, 2020

Huấn từ Kinh Lạy Nữ vương Thiên đàng: Loan báo niềm vui sự Phục sinh của Đức Kitô

Huấn từ Kinh Lạy Nữ vương Thiên đàng: Loan báo niềm vui sự Phục sinh của Đức Kitô
Copyright: Vatican Media

Huấn từ Kinh Lạy Nữ vương Thiên đàng: Loan báo niềm vui sự Phục sinh của Đức Kitô

‘Sự Phục sinh của Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng sự sống có lời nói cuối cùng, không phải sự chết’

13 tháng Tư, 2020 13:47

Dưới đây là bản dịch của ZENIT (bản tiếng Anh) huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay, Thứ Hai của Thiên Thần, trước và sau giờ đọc Kinh Lạy Nữ vương Thiên Đàng từ Thư viện của Điện Tông tòa Vatican. Cuối Kinh Lạy Nữ vương Đức Thánh Cha xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài để ban Phép lành.


* * *

Trước Kinh Lạy Nữ vương:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, Thứ Hai của Thiên Thần, lời công bố vui mừng về sự Phục sinh của Đức Kitô vang lên. Trang Phúc âm (x. Mt 28:8-15) tường thuật rằng những người phụ nữ, sợ hãi, vội vã rời khỏi mộ của Chúa Giêsu, là ngôi mộ họ tìm thấy trống trơn. Tuy nhiên, chính Chúa Giêsu hiện ra với họ trên đường, nói rằng: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó” (câu 10). Bằng những lời này Đấng Phục sinh trao phó cho những người phụ nữ một chỉ thị rao giảng của các Tông đồ. Thật vậy, họ đã thể hiện một mẫu gương đáng khâm phục về lòng trung thành, dâng hiến và yêu mến Đức Kitô trong suốt thời gian đời sống công khai của Ngài cũng như trong Cuộc Thương khó. Giờ đây Ngài thưởng công cho họ bằng cử chỉ chú ý và yêu quý. Những người phụ nữ luôn luôn đi đầu: Maria đi đầu, những người phụ nữ, đi đầu.

Trước hết là những người phụ nữ, sau đó đến các tông đồ, đặc biệt Phêrô tìm hiểu chắc chắn thực tại Phục sinh. Rất nhiều lần, Chúa Giêsu đã loan báo trước cho họ rằng sau Khổ hình Thập giá, Ngài sẽ sống lại, nhưng các môn đệ khi đó không hiểu, vì họ chưa sẵn sàng. Đức tin của họ phải thực hiện một bước nhảy vọt, điều mà chỉ có Chúa Thánh Thần, ân huệ của Đấng Phục sinh, mới có thể làm được.

Ngay khởi đầu Sách Tông đồ Công vụ, chúng ta nghe Thánh Phêrô trình bày một cách thẳng thắn, với sự can đảm, với sự thẳng thắn: “Chính Đức Giê-su đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng” (Cv 2:32). Dường như nói rằng: “Tôi đứng ra đây vì Ngài. Tôi hy sinh cuộc đời tôi vì Ngài.” Và rồi thánh nhân sẽ hy sinh mạng sống cho Ngài. Từ thời điểm đó, lời công bố rằng Đức Kitô sống lại đã lan truyền đi khắp nơi và tiến đến mọi miền trên trái đất, trở thành thông điệp hy vọng cho tất cả mọi người. Sự Phục sinh của Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng sự sống có lời nói cuối cùng, không phải sự chết. Bằng cách cho Người Con Duy Nhất của Người sống lại, Thiên Chúa Cha mạc khải trọn vẹn tình yêu và lòng thương xót của Người cho nhân loại thuộc mọi thời đại.

Nếu Đức Kitô được phục sinh, thì chúng ta có thể nhìn đến mọi biến cố trong cuộc sống của mình bằng niềm tin tưởng, ngay cả trong biến cố khó khăn nhất và đầy nỗi thống khổ và bấp bênh. Đây là thông điệp Phục sinh mà chúng ta được kêu gọi để công bố, bằng lời nói, và đặc biệt là bằng chứng tá của cuộc sống chúng ta. Ước mong tin vui này có thể vang vọng lên trong nhà của chúng ta và trong lòng chúng ta: “Ðức Kitô là hy vọng của tôi đã phục sinh!” (Ca Tiếp liên Phục sinh). Ước mong rằng sự chắc chắn này sẽ củng cố đức tin của tất cả mọi người đã chịu Phép Rửa và động viên một cách đặc biệt cho cho tất cả những người đang đương đầu với những đau khổ và khó khăn.

Nguyện xin Mẹ Maria Đồng trinh, chứng nhân thầm lặng của cái Chết và sự Phục sinh của Con Mẹ là Chúa Giêsu, giúp chúng ta vững tin vào mầu nhiệm của ơn cứu độ, được đón nhận bằng niềm tin, có thể biến đổi cuộc đời chúng ta. Đây là lời chúc mừng Phục sinh cha gửi đến tất cả anh chị em. Cha phó dâng lên cho Mẹ, Mẹ của chúng ta, Đấng giờ đây chúng ta khẩn cầu với Kinh Lạy Nữ vương.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


Sau Kinh Lạy Nữ vương

Anh chị em thân mến,

Chúng ta đã nghe biết những người phụ nữ trao lời loan báo về sự Phục sinh của Chúa Giêsu cho các môn đệ. Hôm nay cha muốn nói với anh chị em rằng rất nhiều phụ nữ đang cống hiến không biết bao nhiêu, ngay cả trong thời gian khẩn cấp về sức khỏe này, để chăm sóc cho người khác: những nữ bác sĩ, y tá, nhân viên thuộc các lực lượng giữ trật tự và nhà tù, các nhân viên cửa hàng nhu yếu phẩm … và không biết bao nhiêu người mẹ, người chị, và bà nội bà ngoại đang phải khóa cửa ở trong nhà với cả gia đình, với con cái, với người già và những người khuyết tật. Đôi lúc họ có nguy cơ chịu cảnh bạo lực khi sống chung đụng, mà đó là một gánh nặng rất lớn với họ. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ; xin Chúa ban cho họ sức mạnh và ước mong các cộng đồng chúng ta có thể hỗ trợ họ với gia đình của họ. Xin Chúa ban cho chúng ta sự can đảm của những người phụ nữ để luôn luôn bước tới.

Trong tuần lễ Phục sinh này cha mong muốn thể hiện sự gần gũi và lòng thương mến đến tất cả các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi Coronavirus, một số quốc gia với con số quá lớn về những người bị nhiễm và chết, đặc biệt ở Ý, Hoa Kỳ, Tây Ban nha, Pháp … danh sách thì dài. Cha cầu nguyện cho tất cả các quốc gia. Và đừng quên rằng Giáo hoàng cầu nguyện cho anh chị em, gần gũi với anh chị em.

Cha gửi lời chúc Phục sinh chân thành đến tất cả anh chị em. Chúng ta cùng hiệp nhất trong lời cầu nguyện và trong cam kết giúp đỡ nhau như anh em. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/4/2020]


Vatican kêu gọi cầu nguyện cho người cao tuổi trong đại dịch

Vatican kêu gọi cầu nguyện cho người cao tuổi trong đại dịch
Pope Francis Speaks To First International Congress © Vatican Media

Vatican kêu gọi cầu nguyện cho người cao tuổi trong đại dịch

‘Trong sự cô độc, Coronavirus giết người nhiều hơn’

07 tháng Tư, 2020 16:54

Vatican kêu gọi cầu nguyện đặc biệt và sự gần gũi về tinh thần với người già trong đại dịch coronavirus.

Lời kêu gọi đưa ra trong một thư gửi ngày 7 tháng Tư, 2020, bởi Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, cho biết về sự nguy hiểm của tình trạng cô đơn do việc cách ly bắt buộc giới hạn sự di chuyển trong cuộc khủng hoảng. Trong thư cho biết rằng người già có thể trở nên “mong manh và mất phương hướng” trong thời gian này – cũng như tất cả mọi người đều có thể rơi vào tình trạng này.

Lá thư nhắc lại, “Vài tuần trước, Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng ‘sự cô đơn có thể trở thành một căn bệnh, nhưng với đức ái, sự gần gũi và an ủi tinh thần chúng ta có thể chữa lành nó.’ Những lời này giúp chúng ta hiểu rằng, nếu đúng là virus corona gây chết người mạnh mẽ hơn khi nó tiếp xúc với một cơ thể suy nhược, trong nhiều trường hợp bệnh lý thì đó là sự cô đơn. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta đang chứng kiến, với những tỷ lệ và cách thức khủng khiếp, những cái chết của nhiều người sống xa gia đình, và trong điều kiện hoàn toàn cô độc.

“Vì lý do này, điều quan trọng là chúng ta hãy làm mọi việc có thể để điều trị cho tình trạng bị bỏ rơi này. Trong những hoàn cảnh như hiện tại, việc này có nghĩa là cứu được sự sống.”

Coronavirus có thể gây đau khổ cho con người thuộc mọi độ tuổi và mọi chặng đường của sự sống. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong rất cao rơi vào người già. Ở nước Ý, hơn 80 phần trăm số người đã chết đều trên 70 tuổi.

Bộ nhấn mạnh, “Trong thời gian đặc biệt này, có rất nhiều sáng kiến … mà Giáo hội đang đưa ra dành cho người cao niên. Do tình trạng không thể tiếp tục đến thăm tại nhà đã dẫn đến việc phải tìm kiếm những hình thức hiện diện mới đầy sáng tạo. Gọi điện thoại, gửi tin nhắn video hoặc tin nhắn thoại, hoặc truyền thống hơn thì viết thư gửi đến những người sống một mình. Các giáo xứ thường tham gia mạnh mẽ trong việc đi giao thức ăn và thuốc điều trị cho những người bị bắt buộc không được rời khỏi nhà. Hầu như ở khắp nơi, các linh mục tiếp tục đến tại nhà để trao các bí tích. Nhiều người thiện nguyện, đặc biệt là giới trẻ, đang hoạt động một cách quảng đại để tiếp tục hoặc thậm chí bắt đầu những mạng lưới quan trọng của tình đoàn kết và chăm sóc.

“Nhưng tính nghiêm trọng của thời gian hiện tại kêu gọi chúng ta phải làm việc nhiều hơn. Là các cá nhân và Giáo hội địa phương, chúng ta có thể làm nhiều điều cho người cao niên: cầu nguyện cho họ, điều trị căn bệnh cô đơn, kích hoạt những mạng lưới đoàn kết và nhiều hơn thế. Đứng trước toàn cảnh của một thế hệ bị ảnh hưởng nặng nề, chúng ta có trách nhiệm chung, bắt nguồn từ nhận thức về giá trị vô cùng quý báu của mỗi sự sống con người và từ lòng biết ơn đối với cha mẹ và ông bà của chúng ta. Chúng ta phải dành những năng lượng mới để bảo vệ họ khỏi cơn giông tố này, cũng như mỗi chúng ta đã được bảo vệ và chăm sóc trong những cơn bão tố nhỏ và lớn trong cuộc sống. Chúng ta không thể để người cao niên một mình, vì trong sự cô độc, coronavirus giết người nhiều hơn.”

Đức Thánh Cha Phanxico liên tục nói về vai trò quan trọng của người cao niên trong xã hội. Ngài kêu gọi có một vai trò mới cho người cao tuổi trong huấn từ ngày 31 tháng Một năm 2020 gửi đến Đại hội Quốc tế lần thứ Nhất về chăm sóc mục vụ cho người cao niên về chủ đề “Sự giàu có của nhiều năm,” được tổ chức bởi Bộ Giáo dân, Gia đình, và Sự sống.

“Khi chúng ta nghĩ về giới cao niên và nói về các ngài, đặc biệt trong chiều kích mục vụ, chúng ta phải học cách thay đổi các thì của động từ một chút,” Đức Phanxico nói trong Tháng Một. “Không chỉ có quá khứ, dường như đối với người cao niên, chỉ có một đời sống đằng sau họ và một khối ký ức.

“Không. Thiên Chúa cũng có thể và muốn cùng với họ viết lên những trang mới, những trang của sự nên thánh, phục vụ, cầu nguyện … Hôm nay tôi muốn nói với anh chị em rằng người cao niên cũng là hiện tại và tương lai của Giáo hội. Vâng, họ cũng là tương lai của Giáo hội, để cùng với người trẻ, để nói tiên tri và ước mơ! Đây là lý do tại sao điều rất quan trọng là người già và người trẻ hãy chuyện trò với nhau, nó vô cùng quan trọng.”



Dưới đây là toàn văn của lá thư, do Vatican cung cấp (bản tiếng Anh):

Người cao niên: trong sự cô độc, coronavirus giết người nhiều hơn

Anh chị em thân mến,

Giữa “trận phong ba bất ngờ và điên cuồng này, chúng ta nhận biết rằng,” như Đức Thánh Cha Phanxico nhắc nhở chúng ta, “chúng ta ở trên cùng một con thuyền.” Trên đó cũng có những người cao niên. Như bất kỳ mọi người, họ cũng mong manh và mất phương hướng. Hôm nay chúng ta dành những mối quan tâm và suy nghĩ tri ân về họ, để ít nhất đáp lại một chút sự dịu dàng mà chúng ta đã được đồng hành trong đời và để sự âu yếm hiền mẫu của Giáo hội chạm đến từng người.

Thế hệ của họ hôm nay – rất khó khăn cho mọi người – đang trả giá cao nhất cho đại dịch Covid-19. Những thống kê cho chúng ta biết rằng ở nước Ý hơn 80% số người bị chết đều trên 70 tuổi.

Vài tuần trước, Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng “sự cô đơn có thể trở thành một căn bệnh, nhưng với đức ái, sự gần gũi và an ủi tinh thần chúng ta có thể chữa lành nó.” Những lời này giúp chúng ta hiểu rằng, nếu đúng là virus corona gây chết người mạnh mẽ hơn khi nó tiếp xúc với một cơ thể suy nhược, trong nhiều trường hợp bệnh lý trước đó là sự cô đơn. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta đang chứng kiến, với những tỷ lệ và cách thức khủng khiếp, những cái chết của nhiều người sống xa gia đình, và trong điều kiện hoàn toàn cô đơn.

Vì lý do này, điều quan trọng là chúng ta hãy làm mọi việc có thể để điều trị cho tình trạng bị bỏ rơi này. Trong những hoàn cảnh như hiện tại, việc này có nghĩa là cứu được sự sống.

Trong thời gian đặc biệt này, có rất nhiều sáng kiến liên quan đến điều này mà Giáo hội đang đưa ra dành cho người cao niên. Do tình trạng không thể tiếp tục đến thăm tại nhà đã dẫn đến việc tìm kiếm những hình thức hiện diện mới đầy sáng tạo. Gọi điện thoại, gửi tin nhắn video hoặc tin nhắn thoại, hoặc truyền thống hơn thì viết thư gửi đến những người sống một mình. Các giáo xứ thường tham gia mạnh mẽ trong việc đi giao thức ăn và thuốc điều trị cho những người bị bắt buộc không được rời khỏi nhà. Hầu như ở khắp nơi, các linh mục tiếp tục đến tại nhà để trao các bí tích. Nhiều người thiện nguyện, đặc biệt là giới trẻ, đang hoạt động một cách quảng đại để tiếp tục hoặc thậm chí bắt đầu những mạng lưới quan trọng của tình đoàn kết và chăm sóc.

Nhưng tính nghiêm trọng của thời gian hiện tại kêu gọi chúng ta phải làm việc nhiều hơn. Là các cá nhân và Giáo hội địa phương, chúng ta có thể làm nhiều điều cho người cao niên: cầu nguyện cho họ, điều trị căn bệnh cô đơn, kích hoạt những mạng lưới đoàn kết và nhiều hơn thế. Đứng trước toàn cảnh của một thế hệ bị ảnh hưởng nặng nề, chúng ta có trách nhiệm chung, bắt nguồn từ nhận thức về giá trị vô cùng quý báu của mỗi sự sống con người và từ lòng biết ơn đối với cha mẹ và ông bà của chúng ta. Chúng ta phải dành những năng lượng mới để bảo vệ họ khỏi cơn giông tố này, cũng như mỗi chúng ta đã được bảo vệ và chăm sóc trong những cơn bão tố nhỏ và lớn trong cuộc sống. Chúng ta không thể để người cao niên một mình, vì trong sự cô độc, coronavirus giết người nhiều hơn.

Những người sống trong các nhà xã hội cần được chú ý đặc biệt: chúng ta nghe thấy các bản tin kinh khủng về điều kiện của họ mỗi ngày và hàng ngàn người hiện đã chết. Sự chú ý tương tự cần hướng đến quá nhiều người dễ bị tổn thương và do rất khó tìm được những thiết bị bảo vệ, đã tạo ra những hoàn cảnh vô cùng khó khăn cho sự điều hành ngoại trừ phải hy sinh, và trong một số trường hợp, sự hy sinh của nhân viên hỗ trợ. Tuy nhiên, trong một số hoàn cảnh, sự khủng hoảng hiện tại là kết quả của tình trạng bỏ bê chăm sóc và điều trị từ xa. Bất kể tính phức tạp của tình hình chúng ta đang sống, cần phải làm rõ rằng cứu sống những người già trong các nhà xã hội hoặc ở một mình hoặc bị bệnh tật, là việc ưu tiên cũng giống như việc cứu sống bất kỳ người nào khác. Ở các quốc gia nơi trận đại dịch hiện chỉ gây ra ít hậu quả, vẫn có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ họ. Ở những nơi tình hình bi thảm hơn, cần phải hành động để tìm ra những giải pháp cấp thời. Việc này sẽ ảnh hưởng đến tương lai của các cộng đoàn hội thánh và xã hội của chúng ta, vì như Đức Thánh Cha Phanxico nói gần đây, “người già là hiện tại và tương lai của Giáo hội.”

Trong sự đau khổ mà tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm trong những ngày này, chúng ta được kêu gọi để nhìn thấy tương lai. Qua tình yêu của nhiều con cái đối với ông bà, và qua sự chăm sóc của những người hỗ trợ và tình nguyện, chúng ta có thể nhìn thấy trong họ lòng thương xót, đây là một cách nói, của những người phụ nữ đi ra mộ để chăm sóc cho xác của Chúa Giêsu lại một lần nữa tái diễn. Cũng như họ, chúng ta hoảng sợ, và cũng như họ, chúng ta biết rằng chúng ta không thể trợ giúp nếu không sống lòng thương xót – trong khi vẫn giữ khoảng cách – mà Ngài đã dạy chúng ta. Cũng như những người phụ nữ, chúng ta sẽ sớm hiểu được rằng điều quan trọng là phải gần gũi với những người đang cần giúp đỡ, ngay cả khi nó có thể nguy hiểm hoặc vô ích, vững tin vào những lời của thiên sứ, mời gọi chúng ta đừng sợ.

Vì vậy chúng ta hãy cùng chung lời cầu nguyện cho các ông bà và những người cao niên trên toàn thế giới. Chúng ta hãy tập trung xung quanh họ bằng những suy nghĩ và tâm hồn, và khi có thể, chúng ta hãy hành động, để họ không bị cô đơn.

Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống

06.04.2020



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/4/2020]