Thứ Năm, 11 tháng 5, 2017

TIẾP KIẾN CHUNG: Maria, Mẹ Của Nguồn Hy Vọng’

TIẾP KIẾN CHUNG: Maria, Mẹ Của Nguồn Hy Vọng’

‘Chúng ta không phải là những đứa con mồ côi: chúng ta có một Mẹ trên trời, là Thánh Mẫu của Thiên Chúa’
10 tháng Năm, 2017
TIẾP KIẾN CHUNG: Maria, Mẹ Của Nguồn Hy Vọng’
Buổi Tiếp kiến chung sáng nay được tổ chức lúc 9.25 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm người hành hương và tín hữu từ nước Ý và trên khắp thế giới.
Tiếp tục loạt giáo lý về niềm hy vọng của Ki-tô hữu, trong bài giáo huấn bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha suy tư về chủ đề: “Mẹ của Nguồn Hy vọng” (x. Ga 19:25-27).
Sau phần tóm lược giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến những nhóm tín hữu hiện diện.
Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.
* * *
Giáo huấn của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Trong suốt loạt bài giáo lý của chúng ta về niềm hy vọng của người Ki-tô hữu, hôm nay chúng ta nhìn về Mẹ Maria, Mẹ của nguồn hy vọng. Mẹ đã đi qua không phải chỉ một đêm trên hành trình làm mẹ của Người. Từ lần xuất hiện đầu tiên trong lịch sử của Tin mừng, hình ảnh của Mẹ nổi lên như một vai diễn của vở kịch. Thật không dễ có thể đáp lại lời mời của Thiên thần bằng tiếng “xin vâng”: tuy nhiên, Mẹ, một thiếu nữ đang tuổi thanh xuân, trả lời một cách can đảm, cho dù chẳng biết tí gì về kết cục đang chờ Mẹ ở phía trước. Trong giây phút đó, Maria hiện ra trước chúng ta như một người mẹ trong số nhiều người mẹ trên thế giới, can đảm cho đến cùng khi chuẩn bị đón nhận vào cung lòng lịch sử của một nhân loại mới sắp được sinh ra.
Tiếng “xin vâng” đó là bước đầu tiên của một danh sách dài những tiếng xin vâng — danh sách dài những tiếng xin vâng! – nó đồng hành với hành trình của Mẹ. Dù Mẹ Maria xuất hiện trong Tin mừng như là một phụ nữ im lặng, Người thường chẳng hiểu mọi điều đang xảy ra chung quanh Mẹ, nhưng Người suy ngẫm mọi lời và mọi biến cố trong lòng.
Trong tâm tình này có một nét cắt rất đẹp trong tâm lý của Maria: Mẹ không phải là một phụ nữ buồn phiền chán nản trước những sự bấp bênh của cuộc sống, đặc biệt khi mọi việc dường như chẳng theo con đường xuôi chảy. Mẹ cũng chẳng phải là một phụ nữ phản kháng một cách mạnh mẽ, người phản kháng kịch liệt số phận của cuộc sống thường cho thấy một khuôn mặt căm ghét. Nhưng Mẹ là một phụ nữ lắng nghe: không quên rằng luôn có một sự liên kết rất lớn giữa niềm hy vọng và sự lắng nghe, và Maria là một phụ nữ lắng nghe. Mẹ Maria đón nhận cuộc sống như nó được ban cho chúng ta, với những ngày hạnh phúc, nhưng cũng với những bi kịch của nó, điều mà chúng ta chẳng bao giờ muốn gặp phải – cho đến đêm đỉnh điểm của Mẹ, khi Con của Mẹ bị đóng đinh vào thập giá gỗ.
Cho đến hôm đó, Mẹ Maria hầu như biến mất khỏi cốt truyện của Tin mừng: các tác giả để cho sự hiện diện bị che khuất của Mẹ có thể hiểu được, sự giữ thinh lặng của Mẹ trước mầu nhiệm của một Người Con vâng lời Cha. Tuy nhiên, Mẹ Maria lại tái xuất hiện đúng vào giây phút quyết định, khi một phần lớn những người bạn đã trốn hết vì sợ hãi. Những người mẹ không bao giờ phản bội, và ngay lúc đó, dưới chân thập giá, không ai trong chúng ta có thể nói đâu là cuộc thương khó đau đớn nhất: của con người vô tội chết trên giá treo của thập tự, hay của sự đau đớn cực độ của một người mẹ đồng hành với những giây phút cuối cùng của cuộc đời của con của bà. Các Tin mừng miêu tả vắn tắt và rất thận trọng. Tất cả chỉ ghi lại bằng một động từ đơn giản về sự hiện diện của Mẹ: Mẹ “ở đó” (Ga 19:25), Mẹ ở đó. Chẳng Tin mừng nào nói về phản ứng của Mẹ, liệu Mẹ có khóc, hay Mẹ không khóc … chẳng có gì; thậm chí không một chút phác thảo miêu tả sự đau khổ của Mẹ: những chi tiết mà sức tưởng tượng của các nhà thơ và họa sĩ về sau mạo hiểm đưa ra, cho chúng ta những hình ảnh đi vào lịch sử của nghệ thuật và văn chương. Nhưng các Tin mừng chỉ kể cho chúng ta: Mẹ “ở đó”. Mẹ đã ở đó, trong giây phút kinh khủng nhất, trong giây phút tàn khốc nhất, và Mẹ đã chịu đau khổ với Con của Mẹ. “Ở đó,” Maria “đã ở đó,” Mẹ chỉ đơn giản ở đó. Lại nhìn đến Mẹ một lần nữa, một thiếu nữ của làng Na-za-rét, bây giờ với mái tóc đã điểm bạc theo thời gian trôi qua, vẫn phải chiến đấu cùng với một Thiên Chúa Đấng phải được ôm lấy, và với một cuộc sống đạt đến ngưỡng của bóng đêm đen dày đặc nhất. Mẹ Maria “đã ở đó” trong bóng đêm đen tối nhất, nhưng Mẹ đã “ở đó.” Mẹ không bỏ đi. Maria ở đó, sự hiện diện trung thành, mỗi khi có một cây nến sáng cần phải được giữ trong một nơi giữa màn sương mù. Mẹ thậm chí vẫn không biết vận mệnh của sự phục sinh mà Con của Mẹ ngay lúc đó đang mở ra cho tất cả nhân loại: Mẹ ở đó chỉ vì lòng trung tín với chương trình của Thiên Chúa, của Đấng mà Mẹ tuyên xưng mình là nữ tì trong ngày đầu tiên theo tiếng gọi của Mẹ, nhưng cũng vì bản năng làm mẹ của Mẹ, người chịu đau khổ, mỗi khi có một người con phải trải qua khổ ải. Những đau khổ của những người mẹ: tất cả chúng ta đều biết có những người phụ nữ rất mạnh mẽ, những người đã đối mặt với rất nhiều sự đau khổ của những đứa con của họ!
Chúng ta sẽ tìm thấy Mẹ trong ngày đầu tiên của Giáo hội, Mẹ, Mẹ của nguồn Hy vọng, giữa cộng đoàn của những tông đồ yếu đuối: một người đã chối Chúa, nhiều người đã bỏ chạy, tất cả đều run sợ (x. Cv 1:14). Nhưng Mẹ đã ở đó, theo một cách bình thường nhất, dường như đó là một sự tụ họp tự nhiên: trong Giáo hội tiên khởi được bao bọc bởi ánh sáng của Phục sinh, nhưng cũng bởi sự run sợ của những bước chân đầu tiên phải bước ra trong thế giới.
Vì thế, tất cả chúng ta yêu mến người như Mẹ của chúng ta. Chúng ta không phải là những đứa con mồ côi: chúng ta có một Mẹ trên trời, là Thánh Mẫu của Thiên Chúa. Vì Mẹ dạy chúng ta nhân đức biết chờ đợi, ngay cả khi mọi việc có vẻ vô nghĩa: Mẹ luôn vững tin vào mầu nhiệm của Thiên Chúa, ngay cả khi chính Ngài dường như gục ngã vì cái ác trên trần gian. Trong những giây phút khó khăn, nguyện xin Mẹ Maria, người Mẹ mà Chúa Giê-su ban cho chúng ta, luôn hỗ trợ cho những bước đi của chúng ta, luôn nói với tâm hồn của chúng ta: “Hãy đứng dậy! Hãy nhìn về phía trước, hãy nhìn về phía chân trời,” vì Mẹ là Mẹ của nguồn hy vọng. Cảm ơn anh chị em.
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 11/05/2017]


Mọi điều bạn cần biết về Fatima (Phần 2)

Mọi điều bạn cần biết về Fatima (Phần 2)

Mọi điều bạn cần biết về Fatima (Phần 2)
Đức Bà Mân Côi. Credit: GoneWithTheWind / Shutterstock.
Fatima, Bồ đào nha, 9 tháng Năm, 2017 / 03:01 sáng (CNA/EWTN News).- Đây là Phần Hai của loạt bài hai phần. Phần Một trình bày bối cảnh lịch sử, nội dung của những lần hiện ra, và Phép lạ Mặt trời.
Những bí mật của Fatima
Mẹ Maria tiết lộ những điều được biết đến như là Bí mật Vĩ đại của Fatima trong lần hiện ra thứ ba với các trẻ mục đồng, nhưng nó được giữ bí mật suốt một thời gian dài, theo những hướng dẫn của Mẹ Maria. Nữ tu Lucia tiết lộ hai bí mật đầu trong một hồi ký năm 1941, được viết theo yêu cầu của đức giám mục địa phương lúc đó. Lucia viết sáu hồi ký trong suốt cuộc đời – bốn hồi ký đầu được viết giữa những năm 1935 và 1941; bản dịch tiếng Anh được xuất bản với tên Fatima theo những Lời kể của Lucia.
Bí mật thứ nhất là thị kiến hỏa ngục Mẹ Maria cho phép các trẻ được nhìn thấy.
Nữ tu Lucia viết trong hồi ký của chị: “Đức Bà cho chúng tôi nhìn thấy một biển lửa khổng lồ dường như phát ra từ lòng đất. Bị quăng vào trong biển lửa này là những quỷ sứ và những linh hồn trong hình hài con người, như những cục than đang cháy trong suốt, khắp mình đen như than hoặc màu đồng thau rực lửa, bồng bềnh trong biển lửa, bây giờ bay lên không trung do những ngọn lửa phát ra từ chính trong thân mình của họ cùng với những đám mây khói, giờ lại rơi xuống tứ phía như những tàn lửa trong một đám cháy lớn, nhẹ tênh và chao đảo, giữa những tiếng gào thét và rền rĩ vì đau đớn và tuyệt vọng, nó làm chúng tôi kinh sợ và làm chúng tôi run lên vì kinh hoảng. Có thể phân biệt những quỷ sứ qua hình hai giống như con người thật khiếp đảm và đáng ghét đến hình hài của những loài động vật ghê sợ không biết là loài gì, tất cả đều đen và trong suốt. Thị kiến này chỉ diễn ra chốc lát. Làm sao chúng con có thể tạ ơn cho đủ Mẹ trên thiên quốc nhân lành của chúng con, Mẹ đã chuẩn bị cho chúng con bằng lời hứa đưa chúng con về thiên đàng trong lần Hiện ra đầu tiên. Nếu không, con nghĩ sẽ phải chết vì sợ hãi và kinh hoảng.”
Bí mật thứ hai là một tuyên bố rằng Đại Chiến Thế Giới thứ Nhất sẽ kết thúc, và một tiên báo về một cuộc chiến khác sẽ nổ ra dưới triều đại của Đức Pi-ô XI, nếu con người vẫn tiếp tục xúc phạm đến Thiên Chúa và nếu nước Nga không được thánh hiến cho Trái tim Vẹn sạch của Mẹ.
Theo Chị Lucia tường thuật lại trong hồi ký, Đức Bà nói: “Con đã nhìn thấy hỏa ngục nơi những linh hồn của các tội nhân đáng thương phải sa vào. Để cứu những linh hồn đó, Thiên Chúa mong  muốn thiết lập trên thế giới lòng sùng kính Trái Tim Vẹn Sạch. Nếu những gì ta nói với con được thực hiện, nhiều linh hồn sẽ được cứu thoát và sẽ có hòa bình. Chiến tranh sẽ kết thúc: nhưng nếu con người không ngừng xúc phạm Thiên Chúa, một cuộc chiến tồi tệ hơn sẽ xảy ra trong suốt triều đại của Đức Giáo hoàng Pi-ô XI. Khi con nhìn thấy trong một đêm được chiếu sáng bởi một luồng ánh sáng lạ thường, thì con biết rằng đây là dấu chỉ vĩ đại được Thiên Chúa báo cho con biết rằng Người sắp phạt thế giới vì tội lỗi của nó, bằng chiến tranh, đói kém, và những bắt bớ Giáo hội và Đức Giáo hoàng. Để tránh được điều này, ta đến để yêu cầu sự Thánh hiến nước Nga cho Trái tim Vẹn sạch của ta, và sự thông phần đền tội vào các thứ Bảy đầu tháng. Nếu những yêu cầu của ta được chú ý đến, nước Nga sẽ được hoán cải, và sẽ có hòa bình; bằng không, nước Nga sẽ gieo rắc kinh hoàng trên khắp thế giới, gây ra chiến tranh và bắt bớ Giáo hội. Người tốt lành sẽ chịu tử đạo; Đức Giáo hoàng sẽ chịu nhiều đau khổ; nhiều quốc gia sẽ bị tiêu diệt. Cuối cùng, Trái tim Vẹn sạch của ta sẽ chiến thắng. Đức Giáo hoàng sẽ thánh hiến nước Nga cho ta, và nước Nga sẽ được hoán cải, và một khoảng thời gian hòa bình sẽ được ban cho thế giới.”
Chị Lucia tin rằng một ánh sáng cực quang, đã xuất hiện trên bầu trời ngày 25 tháng Một, 1938, là “ánh sáng lạ thường” mà Mẹ Maria đã nói đến. Hiện tượng bầu trời này có thể nhìn thấy ở khắp Châu Âu và tiến xa về hướng nam đến nước Úc, và vượt Đại Tây dương đến Bermuda và nhiều vùng của Hoa kỳ.
Ngay sau đó, nước Đức thôn tính Áo, và Nhật đã xâm lăng Trung quốc năm 1937. Trong khi phần Châu Âu trong Đại Chiến Thế Giới II nói chung được những học giả Tây phương tin rằng đã bắt đầu ngày 1 tháng Chín, 1939, dưới triều đại của Đức Pi-ô XII, qua nhiều cách khác nhau nó thực sự đã bắt đầu dưới triều đại của Đức Pi-ô XI, như Mẹ Maria đã tiên báo.
Nữ tu Lucia không viết phần ba của bí mật trong những hồi ký năm 1941 của chị, vì chị nói rằng Mẹ chưa cho phép chị tiết lộ ra với thế giới.
Tuy nhiên, chị Lucia bị bệnh nặng năm 1943. Lo sợ cái chết của chị có thể đến trước khi phần ba của bí mật được tỏ lộ, đức giám mục địa phương yêu cầu chị viết, điều mà chị làm theo sự vâng lời. Nữ tu Lucia viết bí mật vào tháng Một năm 1944, bỏ nó vào một phong thư và dán dấu niêm phong, yêu cầu không được mở nó ra cho tới năm 1960, đó là thời điểm chị tin rằng ý nghĩa của thông điệp sẽ trở nên rõ ràng hơn, hoặc cho đến khi chị qua đời, bất kỳ điều nào đến trước.
Phong bì này được giữ trong văn phòng giám mục cho đến năm 1957, lúc đó nó được chuyển sang Vatican, bất chấp yêu cầu của chị Lucia rằng nó phải được ở lại với đức giám mục.
Phải đến năm 2000 thì bí mật mới được tiết lộ – 40 năm sau khi chị Lucia nghĩ rằng nó có thể được tiết lộ – theo sự hướng dẫn của Tòa Thánh.
Đức Hồng y Angelo Sodano, sau đó là Quốc Vụ Khanh Tòa thánh, công bố ngày 13 tháng Mười, 2000, tám mươi ba năm sau lần hiện ra đầu tiên, cuối cùng Bí Mật Thứ Ba được phát hành. Ngài nói rằng bí mật liên quan đến sự bách hại người Ki-tô hữu của thế kỷ 20 và và vụ ám sát thất bại nhắm vào Thánh Gio-an Phao-lô II ngày 13 tháng Năm, 1981, kỷ niệm lần thứ 64 lần hiện ra đầu tiên.
Văn bản của bí mật thứ ba được Vatican phát hành ngày 26 tháng Sáu, 2000:
“Sau hai phần tôi đã giải thích, ở bên trái của Đức Bà và hơi chếch lên trên một chút, chúng tôi nhìn thấy một Thiên Thần với một lưỡi gươm lửa trong tay trái của ngài; đang rực lửa, nó phóng ra những tia lửa trông dường như chúng sẽ thiêu đốt thế giới; nhưng chúng bị dập tắt khi chạm phải ánh huy hoàng mà Đức Bà chiếu ra hướng về phía ngài từ tay phải của Bà: tay phải chỉ vào trái đất, Thiên Thần lớn tiếng kêu: ‘Hãy hối cải, Hãy hối cải, Hãy hối cải!’ Và chúng tôi nhìn thấy trong một vùng ánh sáng bao la là Thiên Chúa: ‘nó tương tự như lúc người ta xuất hiện trong tấm gương khi họ đi qua trước nó,’ một vị Giám mục mặc áo màu trắng ‘chúng tôi có cảm tưởng rằng đó là Đức Thánh Cha.’ Những Giám mục khác, các Linh mục, Nam Nữ Tu sĩ đang tiến lên một ngọn núi dốc cao, tại đỉnh núi có một cây Thánh giá lớn đóng bằng thân cây thô sơ giống như cây bần còn nguyên vỏ; trước khi tiến đến đó, với bước chân ngập ngừng, Đức Thánh Cha đi qua một thành phố lớn một nửa chỉ còn là phế tích và một nửa đang run sợ, đau khổ vì sự đau đớn và buồn phiền, ngài cầu nguyện cho các linh hồn của các tử thi ngài gặp trên đường đi; khi đến đỉnh núi, quỳ gối dưới chân Thánh giá lớn ngài bị giết bởi một nhóm binh lính bắn đạn và tên về phía ngài, và cùng cách thức như vậy từng vị giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ, cùng nhiều giáo dân ở nhiều địa vị xã hội và vị trí khác nhau đã chết ở đó. Bên dưới hai tay của Thánh giá có hai Thiên Thần mỗi vị cầm một bình nước thánh bằng pha lê, các ngài lấy máu của các vị tử đạo bỏ và đó và rắc nó trên những linh hồn đang trên đường về với Thiên Chúa.”

Bí mật thứ ba gây tranh luận
Một thế kỷ sau những lần hiện tại Fatima, những tranh luận vẫn còn đó. Hai tranh luận lớn nhất là có hay không văn bản đầy đủ và xác thực của bí mật thứ ba đã được tiết lộ, và có hay không nước Nga đã được thánh hiến xứng đáng cho Mẹ Maria.
Năm 1960, năm chị Lucia dự định cho xuất bản bí mật thứ ba, Vatican phát hành một thông cáo nói rằng “có khả năng lớn nhất Bí Mật sẽ vẫn được giữ kín, mãi mãi, dưới niêm phong tuyệt đối.” Những suy đoán lan rộng nổi lên về ý nghĩa nội dung của bí mật là gì, trải rộng từ “sự hủy diệt nguyên tử trên toàn thế giới đến những sự sự rạn nứt sâu sắc trong Giáo hội Công giáo Roma dẫn đến những vị trí giáo hoàng đối địch nhau,” theo New York Times.
Thánh Gio-an XXIII và Chân phước Phao-lô VI theo báo cáo đều có đọc bí mật, nhưng quyết định không phát hành phổ biến.
Trong triều đại giáo hoàng của Thánh Gio-an Phao-lô II, những câu hỏi liên quan đến bí mật thứ ba của Fatima trở nên mạnh mẽ hơn. Trong một phỏng vấn với tạp chí Stimme des Glaubens của Đức, số phát hành tháng Mười, 1981, Đức Gio-an Phao-lô II bị sức ép một cách dứt khoát về bí mật thứ ba.
Ngài nói: “Vì tính nghiêm trọng của nội dung, với chủ đích không tạo động cơ cho quyền lực của chủ nghĩa Cộng sản trên khắp thế giới thực hiện những hành động liều lĩnh nào đó, những vị tiền nhiệm của tôi trên ngai tòa Phê-rô đã muốn giữ không cho công bố ra.”
Ngài nói thêm rằng sẽ là vô ích khi công bố bí mật nếu nó làm cho người Ki-tô hữu tin rằng có một tai ương đã được đoán trước chống lại điều mà họ không thể giúp gì được.
Cầm tràng mân côi trong tay, Đức Thánh Cha tuyên bố: “Đây là phương thuốc chống lại cái ác. Cầu nguyện, cầu nguyện và không xin gì cả. Hãy đặt mọi việc vào bàn tay của Mẹ Thiên Chúa.”
Ngày 2 tháng Năm, 1981, một người Úc tên Laurence James Downey, được cho là một tu sĩ Dòng Xi-tô của Pháp đã bỏ áo dòng, khống chế một máy bay và đòi rằng Thánh Gio-an Phao-lô II phải tiết lộ Bí Mật Thứ ba của Fatima. Người ta tin rằng người đàn ông này có mang theo một quả bom, nhưng vụ việc đã được xử lý và không gây thương tích cho bất kỳ hành khách nào trên máy bay.
Năm 1984, Đức Hồng y lúc đó là Joseph Ratzinger, tổng trưởng Thánh bộ Giáo lý và Đức tin, nói rằng “nếu [Bí mật thứ Ba] không được công bố … đó là để tránh những tiên báo thuộc tôn giáo dễ gây lẫn lộn theo chủ nghĩa giật gân. Nhưng những điều có trong Bí Mật Thứ Ba phù hợp với những gì đã được loan báo trong Kinh Thánh và được khẳng định bởi những lần Mẹ Maria hiện ra khác.”
Những dự đoán lan rộng và sự lo lắng dẫn đến việc công bố bí mật năm 2000 của Vatican. Việc công bố muộn làm tức giận nhiều người đọc bí mật và không hiểu những gì gây tranh luận về nó mà phải hoãn việc công bố lại sau nhiều thập niên.
Những người chủ mưu chất vấn liệu có hay không bí mật xác thực, hoặc bí mật trọn vẹn, đã thực sự được tiết lộ. Phiên bản của Vatican, được cho là bản sao từ bản viết tay gốc của Nữ tu Lucia, chiếm trọn bốn trang, trong khi một số người tuyên bố không có bằng chứng rằng Nữ tu Lucia thực sự viết bí mật thứ ba chỉ trên một trang giấy.
Một số người hoài nghi cũng nghi ngờ về bí mật thứ ba vì nó không có bất kỳ câu nói trực tiếp nào từ Mẹ Maria, không giống như những bí mật kia.
Một số người cũng đặt câu hỏi về nội dung của bí mật, vì nó không trực tiếp nói đến ngày tận thế, như đã được mong chờ từ những phỏng vấn với chị Lucia.
Những người khác cũng nghi ngờ về việc chị Nữ tu chuyển từ Dòng Nữ Dorothean, nơi chị ban đầu gia nhập, sang dòng Dòng Kín Ca-mê-lô, là dòng chị được phép chuyển sang năm 1948. Việc chuyển sang Dòng Ca-mê-lô, là Dòng có những quy định rất chặt chẽ về sự giao tiếp với thế giới bên ngoài, bị một số người xem như là một cố gắng tính toán lớn hơn để kiểm soát những thị kiến của chị và bí mật thứ ba.
Về mặt khác, chính Chị Lucia khẳng định nhiều lần rằng bí mật thứ ba được Vatican công bố là trọn vẹn và chính xác. Đặc biệt trong một báo cáo gửi Đức Tổng Giám mục Tarcisio Bertone, thư ký của Thánh bộ Giáo lý và Đức tin ngày 17 tháng Mười Một, 2001, chị khẳng định rằng bí mật Fatima đã được tiết lộ trọn vẹn bởi Vatican, và nước Nga đã được thánh hiến như Mẹ Maria yêu cầu.
Những người khẳng định bí mật đã được tiết lộ trọn vẹn nói rằng đặt nghi vấn về tính xác thực của bí mật tức là đặt nghi vấn về tính xác thực của thị kiến ban đầu.
Tính xác thực của bí mật thứ ba cũng đã được khẳng định bởi các Đức Giáo hoàng và những nhân viên Vatican khác.
Khi bí mật được xuất bản, Đức Hồng y lúc đó là Joseph Ratzinger nói rằng “Những sự kiện mà phần thứ ba của ‘bí mật’ của Fatima nói đến hiện nay dường như đã thuộc quá khứ. […] Những ai mong đợi những tiết lộ về ngày tận cùng của thế giới hay tương lai của lịch sử chắc chắn sẽ thất vọng.”
Năm 2016, một bài viết trên blog Công giáo One Peter Five có đăng phỏng vấn với một linh mục người Đức khẳng định tường thuật lại một cuộc nói chuyện trong đó Đức Giáo hoàng Benedict XVI nói với linh mục rằng bí mật thứ ba chưa được tiết lộ trọn vẹn. Trong một bài trả lời ngày 21 tháng Năm, 2016, Vatican phát hành một tuyên bố từ Đức Giáo hoàng Benedict XVI nói rằng bất kỳ lời tuyên bố nào cho rằng bí mật thứ ba chưa được tiết lộ trọn vẹn là “những bịa đặt thuần túy, hoàn toàn không đúng sự thật.”

Tranh luận khác: sự thánh hiến nước Nga
Như Mẹ Maria đã hứa trong bí mật thứ hai, Mẹ trở lại để yêu cầu sự thánh hiến nước Nga cho Trái tim Vẹn sạch của Mẹ. Ngày 13 tháng Sáu, 1929, Đức Mẹ tái hiện ra với Nữ tu Lucia, lúc đó chị đang ở Dòng Nữ tu Thánh Dorothy, yêu cầu sự thánh hiến nước Nga, “hứa ban sự hối cải qua việc này có nghĩa là ngăn chặn sự truyền bá những sai lạc của nó.”
Có ba “điều kiện” cho sự thánh hiến, được Mẹ Maria giải thích trong phần hai của bí mật: Đức Thánh Cha phải thánh hiến thế giới cho Trái Tim Vẹn Sạch của Mẹ Maria, với sự đề cập đặc biệt đến nước Nga, trong sự hiệp thông với các đức giám mục trên toàn thế giới.
Vào một ngày chưa được biết rõ sau lần hiện ra này, Nữ tu Lucia gửi yêu cầu thánh hiến lên Đức Pi-ô XI. Năm 1938, các Giám mục Bồ đào nha yêu cầu Đức Giáo hoàng Pi-ô XI thực hiện sự thánh hiến, nhưng không có gì được thực hiện. Sau đăng quang của Đức Pi-ô XII năm 1939, nhiều giáo sĩ lặp đi lặp lại yêu cầu lên Đức Giáo hoàng.
Tháng Mười Hai năm 1940, Đại Chiến Thế Giới II đang diễn ra ác liệt ở Châu Âu, Chị Lucia viết một lá thư gửi Đức Pi-ô XII, yêu cầu sự thánh hiến thế giới cho Trái tim Vẹn sạch Mẹ Maria “với sự đề cập đặc biệt đến nước Nga, và yêu cầu rằng tất cả các giám mục trên thế giới cùng làm như vậy trong sự hiệp thông với Đức Giáo hoàng.”
Hơn một năm sau, ngày 31 tháng Mười, 1942, Đức Pi-ô XII thánh hiến thế giới cho Trái tim Vẹn sạch Mẹ Maria, cho dù không có sự tham gia của các giám mục thế giới. Cuộc chiến làm những liên lạc trở nên khó khăn, và nhiều giám mục đã bị cầm tù và thậm chí bị giết chết. Chị Lucia nói rằng dù sự thánh hiến này không được hoàn hảo, Chúa Giê-su tỏ lộ cho chị rằng nó cũng đã đủ để đưa Chiến tranh Thế giới thứ II đến hồi kết nhanh hơn, cứu sống nhiều mạng người.
Tháng Bảy, 1952, Đức Pi-ô XII thánh hiến dân tộc Nga cho Trái tim Vẹn sạch Mẹ Maria, nhưng thêm một lần nữa, vì điều này được thực hiện riêng không có sự liên kết với các giám mục trên thế giới, sự thánh hiến không được hoàn hảo. Ít nhất có một lần trong triều đại của mình, Chân phước Phao-lô VI thực hiện việc tái thánh hiến nước Nga, mặc dù nó không làm trọn vẹn được những yêu cầu là có sự hiệp thông của các giám mục trên thế giới.
Những mối quan hệ đang diễn ra với Nga làm cho sự thánh hiến đất nước này rất khó khăn.
“Không phải Giáo hội đã quên những gì Mẹ Maria nói về nước Nga, không phải là nước Nga đã bị lãng quên, hoàn toàn không,” Đức Hồng y José Saraiva Martins nói, ngài là Tổng trưởng nghỉ hưu của Thánh Bộ Phong Thánh.
“Với những gì liên quan đến sự thánh hiến của nước Nga cho Trái tim Mẹ Maria, Giáo hội đã làm, nhưng bằng một kỹ năng ngoại giao độc nhất vô cùng đặc biệt. Nhưng Giáo hội đã làm.”
Theo chị Lucia, sự thánh hiến được hoàn tất trong triều đại của Thánh Gio-an Phao-lô II, ngài đã nhiều lần cố gắng hoàn tất những yêu cầu cho sự thánh hiến nước Nga.
Cuối cùng sự thánh hiến đã được xem là trọn vẹn khi ngài thực hiện nó ngày 25 tháng Ba, 1984, theo sự khẳng định của Chị Lucia.
Thánh Gio-an Phao-lô II, “hiệp nhất với tất cả mục tử của Giáo hội trong một mối dây liên kết đặc biệt bởi đó chúng ta thiết lập một nên một chi thể và một đoàn thể,” thánh hiến “toàn thế giới, đặc biệt những dân tộc mà vì lý do hoàn cảnh của họ Mẹ đặc biệt yêu dấu và lo lắng,” ngài nói trong buổi thánh hiến.
“Vì Giáo hội … nếu Giáo hội thánh hiến riêng nước Nga cho Trái tim Mẹ Maria và không có gì khác nữa, nó có thể gây nên một phản ứng khủng khiếp về phía nước Nga,” Đức Hồng y Martins giải thích.
“Đức Thánh Cha nhận ra điều này. Về phía quan điểm của Nga, nó là vấn đề hoàn toàn không thể chấp nhận được … chắc chắn sẽ có những hậu quả bất thường … Nhưng Giáo hội hoàn tất những gì Mẹ Maria yêu cầu bằng cách thánh hiến không chỉ riêng đặc biệt nước Nga, nhưng toàn thế giới; tôi nhấn mạnh thế giới, và nước Nga là một phần của thế giới. Vậy thì nước Nga có được thánh hiến cho Trái tim của Đức Bà hay không? Nước Nga được thánh hiến. Nếu tôi thánh hiến thế giới cho Trái tim Đức Mẹ, tôi cũng thánh hiến nước Ý, Hoa kỳ, cho trái tim Mẹ Maria. Họ là những phần của thế giới được thánh hiến cho Trái tim Mẹ Maria.”
Cả thánh Gio-an Phao-lô II và Nữ tu Lucia ban đầu dường như cũng không chắc là sự thánh hiến năm 1984 đã được thực hiện trọn vẹn chưa, nhưng một thời gian ngắn sau, chị Lucia nói với sứ thần tòa thánh tại Bồ đào nha rằng việc Thánh hiến đã được thực hiện trọn vẹn. Chị cũng khẳng định điều này trong một lá thư gửi cho một trong những chị em trong dòng năm 1989, và một lần nữa trong một lá thư gửi một linh mục năm 1990, cũng như trong tuyên bố của chị với Thánh bộ Giáo lý và Đức tin năm 2001.

Một cảnh báo chống lại “chủ nghĩa giật gân”
Bất kể những cố gắng của Vatican dập tắt các đồn thổi và tin lan truyền, những giả thuyết về Fatima vẫn tồn tại.
Nhưng Đức Benedict XVI nhiều lần cảnh báo chống lại “chủ nghĩa giật gân” này và ngài nói Mẹ Maria không có ý định như là kết quả của những lần hiện ra của Mẹ.
Bốn năm trước khi công bố bí mật thứ ba, trong một phỏng vấn năm 1996 với đài phát thanh Công giáo chính của Bồ đào nha, Đức Hồng y Ratzinger, trước đó đã đọc bí mật, đưa ra cảnh báo này: “Với tất cả những người còn hoài nghi, tôi nói rằng tôi chắc chắn Đức Nữ Đồng Trinh không đi theo chủ nghĩa giật gân; Mẹ không hiện ra để gây ra sự sợ hãi. Mẹ không trình bày những thị kiến ngày tận thế, nhưng hướng dẫn mọi người về với Con của Mẹ. Và đây là điều rất quan trọng.”
Đức Hồng y Ratzinger về sau trở thành Giáo hoàng Benedict XVI năm 2005, và đến thăm khu vực hiện ra với cương vị Giáo hoàng năm 2010.
Trong buổi họp báo về chuyến viếng thăm, ngài nhắc các tín hữu rằng thông điệp Fatima không phải về những thuyết âm mưu liên quan đến ngày tận cùng của thế giới, nhưng là về sự đáp lời của tín hữu trong “sự hối cải, đền tội, cầu nguyện, và ba nhân đức đối thần: tin, cậy và bác ái.”
“Đây là câu trả lời của chúng ta, chúng ta là những người thực thể luôn có cái ác tấn công, sự tấn công từ bên trong và bên ngoài, tuy nhiên những sức mạnh của điều thiện vẫn luôn hiện diện và vì thế, cuối cùng, Thiên Chúa luôn luôn mạnh mẽ hơn điều ác và Đức Bà của chúng ta cho chúng ta sự bảo đảm hữu hình của tình mẫu tử về sự tốt lành của Thiên Chúa, và đó luôn là lời nói cuối cùng trong lịch sử,” ngài nói.

Sự công nhận của Vatican và những chuyến đi của giáo hoàng đến Fatima
Năm 1930, Đức Giám mục Dom Jose Aleves Correia da Silva thuộc Giáo phận Leiria (bây giờ là Leiria-Fatima) tuyên bố rằng, dựa trên những kết quả của ủy ban điều tra, những lần hiện ra ở Fatima “xứng đáng cho niềm tin.”
Từ đó, những lần hiện ra ở Fatima nhận được sự công nhận đặc biệt về phía Vatican, và Đức Pi-ô XI ban ơn đại xá đặc biệt cho những ai đến viếng đền thờ Fatima vừa được xây dựng.
Đức Pi-ô XII cổ vũ lòng sùng kính Đức Bà Fatima quá nhiều đến mức ngài được gọi là “Giáo hoàng của Fatima.”
Ngài là người đã nói: “Thời gian để nghi ngờ về Fatima đã hết, bây giờ là thời gian cho hành động.” Ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên thánh hiến thế giới, rồi sau đó là nước Nga, cho Trái tim Vẹn sạch Mẹ Maria. Ngoài ra, trong suốt triều đại của ngài, năm 1944, Lễ Trái tim Vẹn sạch Đức Bà được mở rộng ra toàn nghi lễ Roma, được mừng ngày 22 tháng Tám, trong tuần bát nhật Thăng Thiên.
Chân phước Phao-lô VI đã viếng đền thờ Fatima ngày 13 tháng Năm, 1967, Đức Hồng y Albino Luciani, Tổng Giám mục Venice – ngài được bầu lên ngôi giáo hoàng năm 1978.
Thánh Gio-an Phao-lô II đến viếng thăm đền thờ Fatima ba lần – năm 1982, 1991 và 2000. Trong chuyến thăm năm 2000, ngài phong chân phước cho các trẻ thị nhân đã qua đời, Jacinta và Francisco. Ngài cũng thêm Lễ Đức Bà Fatima trong Lịch Lễ Roma chung, mừng vào ngày 13 tháng Năm.
Đức Giáo hoàng người Ba lan có một lòng sùng kính Đức Bà Fatima vô cùng mạnh mẽ. Sau cái chết cận kề trong vụ ám sát ngài trong ngày kỷ niệm 64 năm những lần hiện ra – 13 tháng Năm, 1981 – Đức Giáo hoàng tin rằng sự sống của ngài là do sự can thiệp mầu nhiệm của Đức Bà Fatima. Như là một dấu chỉ của tâm tình tạ ơn, ngài đặt viên đạn trong vụ ám sát bất thành trên triều thiên của Mẹ.
Khi còn là Hồng y, Đức Benedict XVI có lòng sùng kính Đức Bà Fatima trải dài đến suốt triều đại Giáo hoàng của ngài, khi ngài đến viếng thăm đền thờ Fatima ngày 11-14 tháng Năm, 2010. Năm 2008, ngài đã miễn thời gian chờ đợi 5 năm thông thường để mở án phong thánh cho Nữ tu Lucia. Giáo hội địa phương đã hoàn tất thu thập những tài liệu điều tra nhân đức dũng thần của chị vào tháng Hai năm 2017.
Cũng vậy, Đức Thánh Cha Phanxico có lòng sùng kính mạnh mẽ với Đức Bà Fatima, và thánh hiến triều đại của ngài cho Mẹ ngày 13 tháng Năm, 2013.

Những gì xảy ra cho các thị nhân sau những lần hiện ra?
Như đã được báo trước trong những lần hiện ra, cặp anh em ruột Francisco và Jacinta chỉ sống thêm một thời gian ngắn sau biến cố những lần hiện ra kết thúc.
Vững tin vào những yêu cầu của Mẹ Maria và thị kiến về hỏa ngục, cả hai trẻ sống đời sống cầu nguyện và đền tội sau những lần hiện ra, dâng hiến bản thân cho các tội nhân như Mẹ Maria yêu cầu. Francisco nổi tiếng về lòng sùng kính Thánh Thể và những việc hành xác nghiêm ngặt, trong khi Jacinta đặc biệt được biết đến qua tấm lòng dành cho người nghèo và người đau khổ.
Cả hai trẻ trở thành nạn nhân của dịch cúm năm 1918 quét qua Châu Âu. Tháng Mười năm 1918, Mẹ Maria một lần nữa hiện ra với hai anh em đang bệnh và hứa sớm đưa các em về trời. Ngày 3 tháng Tư, 1919, Francisco từ chối liệu pháp điều trị cúm của nhà thương và qua đời ngày hôm sau, ở tuổi 11.
Jacinta được điều trị trong bệnh viện với hy vọng kéo dài thêm sự sống, nhưng em biết em sẽ sớm gia nhập với Francisco trong nước trời. Ngày 19 tháng Hai, 1920, Jacinta xin cha tuyên úy bệnh viện giải tội cho em và trao Mình Thánh và những nghi thức cuối cùng, vì em sẽ qua đời “đêm hôm sau.” Nhưng linh mục nói rằng tình trạng của em không đến nỗi quá tệ như vậy và cha sẽ quay lại ngày hôm sau. Hôm sau người ta tìm thấy Jacinta đã chết – em ra đi trong giấc ngủ lúc 10 tuổi.
Về phần Lucia, chị sống lâu hơn những em họ của chị rất nhiều năm, như Mẹ Maria đã nói. Ngay sau những cái chết của hai em họ, lúc 14 tuổi, Lucia được gửi đến Dòng Nữ tu Dorothean Sisters of Villar để đi học, và năm 1928 trở thành một nữ tu của Dòng Thánh Dorothy. Năm 1946, chị chuyển sang Dòng kín Ca-mê-lô Coimbra, Bồ đào nha và lấy tên Nữ tu Maria Lucia Trái Tim Vẹn Sạch.
Chị nhận những thị kiến và thông điệp từ Mẹ Maria và Chúa Giê-su thêm một số lần nữa trong suốt đời, gồm có những thị kiến năm 1925 dẫn đến lòng sùng kính Năm Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng, gồm những việc như đọc Kinh Mân côi, rước Thánh Thể và xưng tội, và tĩnh tâm trong thứ Bảy đầu tiên của năm tháng tiếp theo.
Ngoài bốn hồi ký chị viết giữa những năm 1935 và 1941, Lucia có thêm một quyển sách được xuất bản năm 2001, có tiêu đề Những tiếng gọi từ Thông điệp Fatima hay Những tỏ lộ của Thông điệp Fatima. Chị đến viếng thăm đền thờ Fatima dưới triều đại của Chân phước Phao-lô VI năm 1967, và trong suốt ba lần viếng thăm của Thánh Gio-an Phao-lô II.
Cùng với những hồi ký và các lá thư gửi giới giáo sĩ liên quan đến Fatima, chị có rất ít giao tiếp với thế giới bên ngoài, vì lời khấn trọng dòng Ca-mê-lô của chị.
Nữ tu Lucia qua đời năm 2005 ở tuổi 97, tại dòng kín Ca-mê-lô Thánh Teresa ở Coimbra, nơi chị đã sống từ năm 1948.

Phong thánh Francisco và Jacinta
Sự nổi tiếng của những lần hiện ra ở Fatima lan truyền, và án phong thánh cho Francisco và Jacinta được mở năm 1946. Hầu hết những gì được biết về đời sống và sự thánh thiện của các em đều qua những hồi ký của Lucia.
“Người ta có thể hỏi: ‘Những trẻ này chết quá sớm, chúng ta biết được gì về các em và đời sống đức tin của các em?’ Nhưng rất nhiều điều đã được kể lại bởi Nữ tu Lucia và những chứng nhân của các lần hiện ra. Francisco có một lòng sùng kính Thánh Thể, và Jacinta muốn giúp đỡ những người đau khổ, đó là một ân tứ hoặc trọng tâm chú ý của em sau lần hiện ra. Đó là những chi tiết hầu hết chúng ta không thực sự biết,” O’Neill nói.
Francisco và Jacinta trở thành những người trẻ tuổi nhất không tử đạo được phong chân phước, ngày 13 tháng Năm, 2000, kỷ niệm 83 năm lần hiện ra đầu tiên. Thánh Gio-an Phao-lô II đã chủ tế Thánh Lễ.
Đức Thánh Cha Phanxico sẽ phong hiển thánh Francisco và Jacinta trong chuyến đi của ngài đến Fatima ngày 13 tháng Năm, 2017 trong một Thánh lễ tại đền thờ.
[Nguồn: catholicnewsagency]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 10/05/2017]