Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2020

‘Tín thác vào Chúa để chiến thắng nỗi sợ hãi’ – Lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxico trong những thời khắc hãi hùng (Toàn văn bài giảng Lễ sáng)

‘Tín thác vào Chúa để chiến thắng nỗi sợ hãi’ – Lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxico trong những thời khắc hãi hùng (Toàn văn bài giảng Lễ sáng)
Copyright: VATICAN MEDIA

‘Tín thác vào Chúa để chiến thắng nỗi sợ hãi’ – Lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxico trong những thời khắc sợ hãi (Toàn văn bài giảng Lễ sáng)

Tại Nhà nguyện Thánh Marta, cảnh báo chống lại sự sùng bái ngẫu tượng chỉ để lại cho chúng ta sự trống rỗng


26 tháng Ba, 2020 14:56

Khi tin tức về những gì đang xảy ra trên thế giới làm cho chúng ta buồn bã và sợ hãi, Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng chúng ta phải hướng về Chúa để xin Người giúp chúng ta vượt thắng được nỗi sợ hãi.

Đức Thánh Cha Phanxico đưa ra lời nhắc nhở này hôm nay ngày 26 tháng Ba khi ngài dâng Lễ riêng tại nhà nguyện Thánh Marta cho các nạn nhân Coronavirus, cho đến nay đã cướp đi mạng sống của hơn 7500 ở Ý.

Trong bài giảng hôm nay, Đức Thánh Cha suy tư về Bài đọc một trích sách Xuất hành 32:7-14, để minh họa cho thấy cách thức các ngẫu thuần phá hủy đời sống chúng ta như thế nào, đặc biệt khi niềm tin và những ưu tiên của chúng ta đáng ra phải đặt vào Thiên Chúa, theo tường thuật của Vatican News.

Khi nói về một thực tại thật buồn, Đức Phanxico nhận xét: “Trong những ngày này có quá nhiều sự đau khổ. Có quá nhiều sự sợ hãi.”

Ngài nói nỗi sợ hãi này bao gồm nỗi sợ hãi “của những người già cô đơn trong các nhà dưỡng lão, các nhà thương, hoặc ở nhà riêng của họ, và chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Nỗi sợ hãi của những người không có công việc ổn định, và đang phải suy nghĩ cách để nuôi nấng con cái họ. Họ thấy trước tương lai họ phải chịu đói. Nỗi sợ hãi của nhiều nhân viên công vụ. Trong thời điểm này họ đang phải làm việc để giữ cho xã hội hoạt động và họ có thể bị nhiễm bệnh.”

Sau đó Đức Phanxico nói, “cũng có nỗi sợ hãi, những nỗi sợ hãi, của từng người chúng ta.”

Ngài nói, “Mỗi người đều rõ những nỗi sợ hãi của mình là gì.”

Cũng trong bài giảng, sau đó cảnh báo về những ngẫu thần chỉ làm chúng ta xa cách Thiên Chúa và sự trợ giúp cũng như sự gần gũi của Người, ngài dâng lời cầu nguyện: “Chúng ta hãy cầu nguyện với Thiên Chúa xin Người giúp chúng ta tin tưởng, chịu đựng và chiến thắng những nỗi sợ hãi này.”

Trước khi kết thúc Thánh Lễ, Đức Thánh Cha mời gọi giáo hữu tham dự Rước Lễ Thiêng liêng trong thời gian khó khăn này, và kết thúc Thánh Lễ với việc tôn thờ Thánh Thể và Phép Lành.

***

***

TOÀN VĂN BÀI GIẢNG

Trong Bài đọc một là cảnh phản bội của dân chúng. Ông Môi-sê lên núi để lãnh nhận Giới luật mà Thiên Chúa trao cho ông trên phiến đá, được viết bằng ngón tay của Người. Nhưng dân chúng chán nản và tụ tập với nhau quanh ông A-a-ron và nói với ông: “Xin ông đứng lên, làm cho chúng tôi một vị thần để dẫn đầu chúng tôi, vì chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra cho cái ông Mô-sê này.” Và A-a-ron, người sau đó trở thành tư tế của Chúa, nhưng lúc đó ông lại là một tư tế cho sự ngu ngốc của ngẫu thần, ông nói: “Hãy gỡ các khuyên vàng mà vợ và con trai con gái anh em đeo ở tai, rồi đem đến cho tôi,” và tất cả họ đưa đến và làm một con bê bằng vàng (X. Xh 32:1ff).

Trong Thánh vịnh chúng ta nghe tiếng than thở của Chúa: “Tại Khô-rếp, họ đúc một con bê, rồi phủ phục tôn thờ tượng đó. Họ đổi Chúa vinh quang lấy hình bò ăn cỏ.” Và bây giờ, lúc này đây, khởi đầu của Bài đọc là: “Đức Chúa phán với ông Môi-sê: ‘Hãy đi xuống, vì dân ngươi đã hư hỏng rồi, dân mà ngươi đã đưa lên từ đất Ai-cập. Chúng đã vội đi ra ngoài con đường Ta truyền cho chúng đi. Chúng đã đúc một con bê, rồi sụp xuống lạy nó, tế nó và nói: ‘Hỡi Ít-ra-en, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập.’” — một sự bội phản thật sự! — từ Thiên Chúa hằng sống sang thờ ngẫu tượng. Họ không có kiên nhẫn chờ đợi Môi-sê trở về: họ muốn những sự mới lạ; họ muốn một điều gì đó, một buổi trình diễn nghi thức, một điều gì đó … 

Cha muốn đề cập đến một số điểm liên quan đến việc này. Trước hết là sự hoài niệm mang tính sùng bái ngẫu tượng trong dân chúng: trong trường hợp này, họ nghĩ đến những ngẫu thần của Ai-cập, nhưng đó là sự nhớ nhung quay trở lại với những ngẫu tượng, trở về, trở lại với điều tồi tệ nhất, không thể chờ đợi Thiên Chúa hằng sống. Sự hoài niệm này là một căn bệnh và nó cũng là bệnh của chúng ta. Một người bắt đầu bước đi với sự hăng hái vì được tự do, nhưng rồi những kêu ca phàn nàn bắt đầu. “Nhưng đúng rồi, đây mới là thời gian khó khăn, sa mạc, tôi khát, tôi muốn nước uống, tôi muốn có thịt … nhưng ở Ai-cập họ được ăn hành, những thứ ngon lành, và ở đây chẳng có gì cả …” Sự sùng bái ngẫu tượng luôn luôn mang tính lựa chọn; nó khiến anh chị em suy nghĩ đến những điều tốt đẹp nó trao cho anh chị em, nhưng nó lại không cho anh chị em nhìn thấy những điều xấu. Trong trường hợp này, họ nghĩ đến cảnh họ ngồi tại bàn ăn với những bữa ăn ngon lành làm họ thỏa mãn, nhưng họ lại quên rằng đó là bàn ăn của cảnh nô lệ. Sự sùng bái ngẫu thần mang tính lựa chọn.

Rồi thêm một điều khác: sự sùng bái ngẫu tượng làm cho anh chị em mất hết mọi thứ. Để đúc hình con bê, A-a-ron yêu cầu họ: “Hãy đưa vàng và bạc đến cho tôi,” nhưng đó chính là vàng và bạc mà Chúa đã tặng ban cho họ, khi Người nói với họ: “Hãy hỏi người Ai-cập xin những đồ vàng và bạc,” và họ ra đi với những thứ đó; đó là món quà của Chúa, và họ lại đúc lên một ngẫu tượng với món quà của Chúa. Và đây là điều khủng khiếp. Tuy nhiên, cơ cấu này cũng xảy ra cho chúng ta, khi chúng ta mang lấy những thái độ dẫn đưa chúng ta đến với sự sùng bái ngẫu tượng, chúng ta gắn chặt với những thứ làm chúng ta xa cách Thiên Chúa, vì chúng ta đã đúc ra một thần khác và chúng ta làm ra nó bằng những món quà mà Chúa đã tặng ban cho chúng ta — với sự thông minh, với ý chí, với tình yêu, với con tim … đó là những món quà của Chúa, mà chúng ta sử dụng để thực hiện sự sùng bái ngẫu thần.

Đúng, anh chị em có thể nói với cha: “Nhưng con đâu có ngẫu tượng nào để ở nhà đâu. Con có một Thánh giá, có ảnh Đức Mẹ, đó đâu phải là ngẫu thần …” Không, không, trong tâm hồn anh chị em đó. Và câu hỏi hôm nay chúng ta phải hỏi là: ngẫu thần trong tâm hồn anh chị em là gì, trong tâm hồn tôi là gì — một con đường ẩn giấu mà tôi cảm thấy rất thoải mái, nó làm tôi xa rời Thiên Chúa hằng sống. Và chúng ta cũng có thái độ rất khéo léo với sự sùng bái ngẫu tượng: chúng ta biết cách che giấu các ngẫu thần, như Ra-ken đã làm khi cô ta chạy trốn cha mình và giấu đi các ngẫu tượng trong nhà dưới yên lạc đà và trong đống quần áo. Giữa những đống quần áo của tâm hồn chúng ta, chúng ta cũng đã giấu đi nhiều ngẫu thần.

Câu hỏi tôi phải tự hỏi hôm nay là: ngẫu thần của tôi là gì? Đó là ngẫu thần thế gian của tôi … và sự sùng bái ngẫu thần đụng chạm đến sự thờ lạy vì họ muốn một con bê bằng vàng, không phải dành cho buổi diễn xiếc, không phải, nhưng để tôn thờ. “Họ sụp xuống lạy nó.” Sự sùng bái ngẫu tượng dẫn đưa bạn đến lòng sùng kính sai lệch, thật vậy: rất nhiều khi, theo tính thế gian đó là sự sùng bái ngẫu tượng khiến bạn biến việc cử hành Bí tích thành một lễ hội của thế gian. Ví dụ, cha không biết nữa, cha nghĩ đến, chúng ta hãy nghĩ đến, chúng ta hãy hình dung ra một lễ cưới. Người ta chẳng biết đó có phải là Bí tích không, là nơi đôi uyên ương thật sự trao cho nhau tất cả tình yêu trước mặt Chúa, và đoan hứa chung thủy trước mặt Chúa và đón nhận ân sủng, hay đó là một buổi trình diễn thời trang, người này người kia và người khác diện trang phục như thế nào … đó là tính thế gian; đó là sự sùng bái ngẫu tượng. Đây là một ví dụ. Vì sự sùng bái ngẫu tượng không dừng lại; nó luôn luôn tiếp diễn.

Câu hỏi hôm nay cha muốn hỏi tất cả chúng ta là: ngẫu tượng của tôi là gì? Mỗi người đều có của riêng mình. Những ngẫu tượng của tôi là gì? Tôi giấu diếm chúng ở đâu? — để Chúa sẽ không tìm thấy chúng? Và cuối đời chúng ta, Người nói với mỗi người chúng ta: “Ngươi đã hư hỏng rồi. Ngươi đã đi ra ngoài con đường ta đã chỉ cho ngươi đi. Ngươi đã sụp lạy trước một ngẫu tượng.”

Chúng ta hãy xin Chúa ban ơn biết được những ngẫu tượng của chúng ta. Và nếu chúng ta không thể tống khứ chúng đi, ít nhất nhốt chúng vào trong góc.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha kết thúc Lễ với việc Tôn thờ Thánh Thể và Phép lành, mời gọi tín hữu Rước Lễ Thiêng liêng.

[Bản dịch (tiếng Anh) toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha của ZENIT tại Nhà nguyện Thánh Marta]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/3/2020]


Đức Thánh Cha nói việc chúng ta cầu nguyện cho người khác là một tín hiệu tốt (Toàn văn bài giảng Lễ sáng)

Đức Thánh Cha nói việc chúng ta cầu nguyện cho người khác là một tín hiệu tốt (Toàn văn bài giảng Lễ sáng)
Copyright: VATICAN MEDIA

Đức Thánh Cha nói việc chúng ta cầu nguyện cho người khác là một tín hiệu tốt (Toàn văn bài giảng Lễ sáng)

Tại Nhà nguyện Thánh Marta, ngài cũng nói rằng đôi khi im lặng là can đảm


27 tháng Ba, 2020 12:36

Việc chúng ta cầu nguyện cho người khác là một tín hiệu tốt … 

Đức Thánh Cha Phanxico đưa ra lời nhắc nhở hôm nay, ngày 27 tháng Ba, khi ngài dâng Lễ riêng tại Nhà nguyện Marta trong khu ngài ở, cầu cho các nạn nhân Coronavirus, đại dịch cho đến nay đã lấy đi mạng sống của hơn 8000 người ở Ý, tính đến tối thứ Năm.

Hôm nay Đức Thánh Cha bày tỏ lòng tri ân và cầu nguyện cho những người cầu nguyện cho người khác đang phải đối mặt với những hoàn cảnh khó khăn trong lúc này.

Đức Phanxico nói, “Đây là một tín hiệu tốt.”

Trong bài giảng hôm nay, Đức Thánh Cha suy tư về bài đọc trích Sách Khôn ngoan và cho thấy trích đoạn đã báo trước những gì sẽ xảy ra cho Chúa Giê-su, theo tường thuật của Vatican News.

“Nó giống như một trình thuật lịch sử về những gì sẽ xảy ra sau đó,” Đức Giáo hoàng Dòng Tên phân tích, nhấn mạnh cách thức “những kẻ gian ác” chú ý và ghét Chúa Giê-su vì Ngài kêu gọi họ lìa bỏ đời sống tội lỗi, và từ đó mưu toan gài bẫy Ngài “với sự sỉ nhục và tra tấn,” cuối cùng “kết án Ngài với một cái chết nhục nhã.”

Trong khi Chúa Giê-su vừa là con người vừa là Thiên Chúa, nhưng chúng ta vẫn có thể cố gắng – Đức Thánh Cha đề nghị – học nơi Ngài cách Ngài kiểm soát những cuộc tấn công mạnh mẽ của quỷ.

Đức Thánh Cha cũng suy tư về cách chúng ta cầu nguyện, nhấn mạnh rằng chúng ta phải thừa nhận một cách thẳng thắn và trọn vẹn với Chúa rằng chúng ta là những tội nhân.

“Trong tình huống này, Chúa dạy chúng ta cách cầu nguyện, cách để đến gần, cách chúng ta đến với Chúa như thế nào: với lòng khiêm nhường. Có một hình ảnh rất đẹp trong bài thánh ca phụng vụ trong Lễ Thánh Gioan Tẩy giả.

Giống như những người đến Sông Gio-đan để được rửa tội, những người đến với “linh hồn không che đậy và đi chân đất,” chúng ta cũng phải “cầu nguyện với linh hồn không che đậy, không tô điểm, không giấu diếm bằng những đức tính của chúng ta.”

“Ngay từ đầu Lễ chúng ta đã đọc thấy rằng Chúa tha thứ tất cả mọi tội lỗi nhưng Người cần chúng ta cho Ngài thấy tội của chúng ta. Vì vậy phải cầu nguyện với một tâm hồn không che đậy, không che giấu, thậm chí không tự tin vào những gì tôi đã học được về cách cầu nguyện …,” đó là cách để chúng ta đến với Ngài.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng im lặng cũng là thái độ phản ứng phù hợp cho “những cơn giận dữ nho nhỏ” mà chúng ta có mỗi ngày.

Những cơn giận dữ đó có thể được thể hiện qua những hành vi lớn như bắt bớ, và những hành vi nhỏ hơn, nhưng vẫn là những hành vi nguy hiểm, chẳng hạn tung tin đồn.

Nhấn mạnh rằng tung tin đồn cũng có thể nguy hiểm như bắt bớ, và nó cũng là một hình thức của sự giận dữ, vì nó tàn phá người khác.

“Chúng ta hãy xin Chúa ban cho ơn biết chiến đấu chống lại tinh thần của ma quỷ,” Đức Thánh Cha kết luận, “để đối thoại khi chúng ta cần đối thoại, và khi đứng trước cơn giận dữ, để có được sự can đảm giữ im lặng, và để cho người khác nói.”

Trước khi kết luận, Đức Thánh Cha mời gọi tín hữu Rước Lễ Thiêng liêng trong thời gian khó khăn này, và kết thúc Thánh Lễ bằng nghi thức tôn thờ Thánh Thể và Phép lành.

***

***

TOÀN VĂN BÀI GIẢNG

Lời Chúa chúng ta nghe hôm qua: “Hãy trở về, hãy trở về nhà” (x. Hs 14:2); chúng ta cũng tìm thấy câu trả lời trong cùng Sách của tiên tri Hô-sê: “Hãy trở về, chúng ta hãy trở về với Đức Chúa.” Đó là câu trả lời khi tiếng gọi “hãy trở về nhà” chạm đến tâm hồn: “Nào chúng ta hãy trở về cùng Đức Chúa. Người đã xé nát thân chúng ta, nhưng rồi lại chữa lành. Người đã đánh đập chúng ta, nhưng rồi lại băng bó vết thương. [...] Chúng ta phải biết Đức Chúa, phải ra sức nhận biết Người; như hừng đông mỗi ngày xuất hiện” (Hs 6:1.3). Niềm tin tưởng vào Thiên Chúa thì chắc chắn: “Người sẽ đến với chúng ta như mưa rào, như mưa xuân tưới gội đất đai” (c. 3). Và, với niềm hy vọng này, dân chúng bắt đầu cất bước trở về với Chúa. Và một trong những con đường tìm được Thiên Chúa là cầu nguyện. Chúng ta cầu nguyện với Chúa; chúng ta trở về với Ngài.

Trong Tin mừng (X. Lc 18:9-14) Chúa Giê-su dạy chúng ta cách cầu nguyện. Có hai người, một người thì ngạo mạn; người đó đến cầu nguyện, nhưng là để kể rằng anh ta là người tốt lành, dường như là để nói với Chúa rằng: “Chúa xem, con quá tốt rồi: nếu Người có cần gì, cứ nói với con, con sẽ giải quyết vấn đề cho Ngài.” Anh ta về với Chúa theo cách đó — với sự cao ngạo. Có thể là anh ta thực hiện mọi điều Lề Luật dạy, anh ta kể ra điều đó: “Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (c. 12) . . . “Con tốt lành lắm.” Điều này cũng nhắc cho chúng ta về hai người khác. Nó nhắc chúng ta nhớ đến người anh trong dụ ngôn Người con Hoang đàng, khi anh ta nói với cha mình: “Con, con là đứa con vô cùng ngoan, lại chẳng có được bữa tiệc, còn hắn, hắn là một kẻ vô lại, thì cha lại mở tiệc mừng cho hắn …” Anh ta là một người ngạo mạn (x. Lc 15:29-30). Còn người kia, với câu chuyện mà chúng ta đã nghe trong những ngày qua, là một người giàu có, tức là ông ta là một phú ông, không biết được tên của ông ta, nhưng ông ta là là người giàu có, ông ta chẳng một chút quan tâm đến nỗi thống khổ của người khác (x. Lc 16:19-21). Họ là những người có sự an toàn cho bản thân hoặc về tiền bạc hoặc là quyền lực … Rồi lại có người khác, người thu thuế, anh ta không đến trước bàn thờ, không, đứng ở xa xa. “Đứng đằng xa, anh ta thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi!’” (Lc 18:13). Việc này dẫn chúng ta nhớ đến người con hoang đàng: anh ta ý thức được tội mình đã phạm, ý thức về những điều kinh khủng mình đã làm; anh ta cũng đấm ngực: “Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội,” — sự khiêm nhường (x. Lc 15:17-19). Điều này nhắc chúng ta nhớ đến một người khác, một người ăn xin, La-da-rô, ngồi trước cửa nhà phú hộ, ông phải sống cảnh khốn cùng trước sự ngạo nghễ của người chủ nhà (x. Lc 16:20-21). Luôn luôn có sự pha trộn giữa những con người trong Tin mừng.

Trong tình huống này, Chúa dạy chúng ta cách cầu nguyện, cách để đến gần, cách chúng ta đến với Chúa như thế nào: với lòng khiêm nhường. Có một hình ảnh rất đẹp trong bài thánh ca phụng vụ trong Lễ Thánh Gioan Tẩy giả. Bài ca nói rằng người ta đến Sông Gio-đan để lãnh nhận phép rửa, “linh hồn không che đậy và đi chân đất,” để cầu nguyện với linh hồn không che đậy, không tô điểm, không giấu diếm bằng những đức tính của chúng ta. Ngay từ đầu Lễ chúng ta đã đọc thấy rằng Chúa tha thứ tất cả mọi tội lỗi nhưng Người cần chúng ta cho Ngài thấy tội của chúng ta, không giấu diếm. Để cầu nguyện như vậy, với một tâm hồn không che đậy, không che giấu, thậm chí không tự tin vào những gì tôi đã học được về cách cầu nguyện ….. Cầu nguyện, Ngài và tôi, mặt đối mặt, với một linh hồn không che đậy. Đây là điều Chúa dạy chúng ta. Ngược lại, khi chúng ta đến với Chúa với một chút quá tự tin về bản thân, chúng ta sẽ rơi vào sự ngạo mạn của người này là người không thiếu thứ gì. Sự an toàn của chúng ta ở một nơi nào đó khác. “Tôi đến với Chúa …, tôi muốn đi, để được dạy bảo … và tôi thưa chuyện với Ngài một cách rất thân tình. Tuy nhiên, đây không phải là cách. Cách thức đó là hạ mình xuống – sự hạ mình. Cách đó là thực tại. Và trong dụ ngôn này, người duy nhất hiểu được thực tại là người thu thuế: “Người là Thiên Chúa và con là một tội nhân.” Đây là thực tại. Tuy nhiên, tôi không nói tôi là một tội nhân chỉ bằng miệng nhưng bằng cả tâm hồn. Tôi phải cảm nhận mình là một tội nhân.

Chúng ta đừng quên điều này, điều Chúa đã dạy chúng ta: bào chữa cho bản thân là sự kiêu căng và ngạo mạn; đề cao bản thân, và che giấu bản thân với những điều mà tôi không có. Và những khốn khổ vẫn còn tồn tại bên trong. Người Pha-ri-sêu biện minh cho anh ta. Điều cần thiết là xưng thú tội của mình một cách thẳng thắn, không biện minh cho chúng, không nói rằng: “Nhưng không phải, tôi đã làm điều này nhưng đó không phải là lỗi của tôi … Chúng ta phải có một linh hồn không che đậy, một linh hồn không che đậy.

Xin Chúa dạy chúng ta hiểu được điều này — thái độ này, để bắt đầu việc cầu nguyện của chúng ta. Khi chúng ta bắt đầu việc cầu nguyện bằng những lời bào chữa, bằng những sự an toàn của chúng ta, thì đó không phải là cầu nguyện: đó là nói chuyện với cái gương. Thay vì vậy, khi chúng ta bắt đầu lời cầu nguyện với thực tại thật – “Con là một kẻ tội lỗi” — đó là một bước đi tốt đẹp tiến đến việc cho phép bản thân được Chúa nhìn đến. Xin Chúa Giê-su dạy cho chúng ta điều này.

Hôm nay cũng vậy, Đức Thánh Cha Phanxico kết thúc Thánh Lễ với nghi thức tôn thờ Thánh Thể và Phép lành, mời gọi tín hữu Rước Lễ Thiêng liêng.

[Bản dịch (tiếng Anh) toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico tại Nhà nguyện Thánh Marta của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 31/3/2020]