Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2021

Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 27 tháng 10,2021

Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 27 tháng 10,2021

Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô


Khán phòng Phaolô VI

Thứ Tư, 27 tháng Mười, 2021


Buổi Tiếp kiến chung sáng nay diễn ra trong Khán phòng Phaolô VI, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhóm người hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về Thư của Thánh Tông đồ Phaolô gửi tín hữu Galát, tập trung vào chủ đề: “Hoa quả của Thần Khí” (Bài đọc Kinh Thánh: Gl 5:22-24).

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha, và Phép lành Tòa Thánh.

__________________________


Bài Giáo lý về Thư gửi Tín hữu Galát: 13. Hoa quả của Thần Khí

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Lời rao giảng của Thánh Phaolô hoàn toàn tập trung vào Chúa Giêsu và Mầu nhiệm Vượt qua của Người. Thật vậy, Thánh Tông đồ tự giới thiệu mình như một chứng nhân của Chúa Kitô, và Chúa Kitô chịu đóng đinh (xem 1 Cr 2:2). Ngài nhắc nhở người Galát, những người bị cám dỗ đặt đời sống tôn giáo của họ dựa trên việc tuân thủ các giới luật và truyền thống, rằng trung tâm của ơn cứu độ và đức tin là cái chết và sự phục sinh của Chúa. Ngài làm điều đó bằng cách đặt trước mặt họ thực tế của thập giá Chúa Giêsu. Ngài viết như sau: “Ai đã mê hoặc anh em là những người đã được thấy hình ảnh Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá?” (Gl 3:1). Ai đã mê hoặc anh em để anh em rời xa Đức Kitô chịu đóng đinh? Đó là một khoảnh khắc khủng khiếp đối với người Galát….

Ngày nay, có nhiều người vẫn tìm kiếm sự an toàn tôn giáo hơn là Thiên Chúa chân thật và hằng sống, tập trung vào các nghi thức và giới luật thay vì đón nhận tình yêu của Thiên Chúa với trọn vẹn con người của họ. Và đây là sự cám dỗ của những người theo trào lưu tân bảo thủ, phải không? Của những người có vẻ như sợ phải tiến bộ, và những người lui lại vì họ cảm thấy an toàn hơn: họ tìm kiếm sự an toàn của Thiên Chúa chứ không phải Thiên Chúa của sự an toàn của chúng ta…. Đây là lý do tại sao Phaolô yêu cầu người Galát quay trở lại với điều thiết yếu – trở về với Thiên Chúa, trở về với điều thiết yếu, không phải với sự an toàn của Thiên Chúa: điều thiết yếu – trở về với Thiên Chúa là Đấng ban sự sống cho chúng ta trong Đức Kitô chịu đóng đinh. Ngài làm chứng điều này với chủ ngữ ngôi thứ nhất: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi.” (Gl 2:20). Và ở phần cuối của Thư, ngài khẳng định: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giê-su Ki-tô” (6:14).

Nếu chúng ta đánh mất sợi dây của đời sống thiêng liêng, nếu hàng ngàn vấn đề và suy nghĩ tấn công chúng ta, chúng ta hãy nghe theo lời khuyên của Thánh Phaolô: chúng ta hãy đặt mình trước Đức Kitô chịu đóng đinh, chúng ta hãy bắt đầu lại từ Người. Chúng ta hãy cầm lấy Thánh Giá trên tay, ôm chặt vào lòng. Hoặc thậm chí chúng ta có thể dành chút thời gian để tôn thờ trước Thánh Thể, nơi Chúa Giêsu là Bánh được bẻ ra cho chúng ta, Đấng chịu đóng đinh, Phục sinh, quyền năng của Thiên Chúa, Đấng tuôn đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta.

Và bây giờ vẫn nhờ sự hướng dẫn của Thánh Phaolô, chúng ta hãy tiến thêm một bước nữa. Chúng ta hãy tự hỏi mình: điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta gặp Chúa Giêsu chịu Đóng đinh trong lời cầu nguyện? Điều tương tự đã xảy ra dưới thập giá: Chúa Giêsu đã ban Thần Khí của Người (x. Ga 19:30), tức là Người đã hiến mạng sống của Người. Và Thần Khí tuôn đổ từ cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu là nguồn cội của đời sống thiêng liêng. Người thay đổi những tâm hồn: không phải công việc của chúng ta làm điều đó. Người là Đấng thay đổi tâm hồn, không phải những việc chúng ta làm, mà là hoạt động của Chúa Thánh Thần trong chúng ta làm biến đổi tâm hồn chúng ta! Người hướng dẫn Giáo hội và chúng ta được kêu gọi phải vâng theo hoạt động của Người, Đấng thổi hơi đến nơi Người muốn và theo cách Người muốn. Hơn nữa, chính sự ý thức rằng Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên mọi người, và ân sủng của Người đang hoạt động không loại trừ ai, đã thuyết phục ngay cả những Tông đồ cứng lòng nhất rằng Tin Mừng dành cho tất cả mọi người chứ không phải cho một số ít người được đặc ân. Như vậy, đời sống của cộng đoàn được tái sinh trong Chúa Thánh Thần; và luôn luôn nhờ Người mà chúng ta nuôi dưỡng đời sống người Kitô hữu của mình và tiếp tục tham gia vào cuộc chiến đấu thiêng liêng.

Chính cuộc chiến đấu thiêng liêng là một giáo huấn quan trọng khác trong Thư gửi tín hữu Galát. Thánh Tông đồ trình bày hai mặt đối lập: một bên là “công việc của xác thịt”, và bên kia là “hoa quả của Thần Khí.” Công việc của xác thịt là gì? Đó là những hành vi trái với Thần Khí của Chúa. Thánh Tông đồ gọi chúng là những việc làm theo xác thịt không phải vì có điều gì đó sai lầm hoặc xấu về thân xác con người chúng ta. Thay vào đó, chúng ta đã thấy ngài nhấn mạnh đến thực tại của thân xác con người mà Đức Kitô đã mang lên thập giá! Xác thịt là một từ ngữ chỉ về chiều kích trần tục của con người, khép chặt trong một đời sống theo chiều ngang, đi theo những bản năng thế gian và đóng cửa trước Thần Khí là Đấng nâng chúng ta lên và mở lòng chúng ta ra trước Thiên Chúa và những người khác. Nhưng thân xác cũng nhắc nhở chúng ta rằng mọi thứ đều già đi, rằng tất cả sẽ qua đi, khô héo, trong khi Thần Khí ban sự sống. Do đó, Thánh Phaolô liệt kê những việc làm của xác thịt đề cập đến việc sử dụng tính dục một cách ích kỷ, đến những thực hành ma thuật liên quan đến việc thờ ngẫu tượng và tất cả những gì làm suy yếu các mối quan hệ giữa các cá nhân như “hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ…” (xem Gl 5:19-21): tất cả những điều này là sự thật – chúng ta sẽ nói theo cách này – thuộc về xác thịt, về hành vi chỉ thuần túy “con người”, con người “bệnh tật”. Bởi vì là con người có những giá trị của nó, nhưng đây là con người bệnh tật.

Trái lại, hoa quả của Thần Khí là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5:22-23), như thánh Phaolô nói. Người Kitô hữu, trong bí tích rửa tội đã “mặc lấy Đức Kitô” (Gl 3:27), được mời gọi sống theo cách đó. Chẳng hạn, có thể là một bài thực hành thiêng liêng tốt khi đọc bản danh sách của Thánh Phaolô và soi chiếu hành vi của chính chúng ta để xem nó có tương ứng không, xem chúng ta thực sự sống theo Chúa Thánh Thần, chúng ta đang mang những hoa quả này không. Những hoa trái của tình yêu thương, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, từ tâm, tốt lành, trung tín, hiền hòa, tiết độ: cuộc đời tôi có mang những hoa trái này không? Có phải Thần Khí ban cho không? Chẳng hạn, ba yếu tố đầu tiên được liệt kê là bác ái, bình an và hoan lạc: có thể nhận biết một người có Chúa Thánh Thần ngự trong lòng bởi những đặc điểm này. Một người bình an, một người vui tươi và một người yêu thương. Với ba đặc điểm này, Thần Khí tỏ lộ.

Giáo huấn của Thánh Tông đồ cũng đặt ra một thách thức khá lớn cho các cộng đoàn của chúng ta. Đôi khi, những người tiếp cận Giáo hội có ấn tượng rằng họ đang phải đối mặt với một số lượng đầy những quy tắc và luật lệ: nhưng không, đây không phải là Giáo hội! Đây có thể là một hiệp hội nào đó. Nhưng, trên thực tế, không thể nắm bắt vẻ đẹp của đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô dựa trên cơ sở của quá nhiều điều răn hay một nhãn quan luân lý được phát triển trong nhiều lớp, có thể làm cho chúng ta quên đi kết quả ban đầu của tình yêu được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện, từ đó sự bình an và chứng tá niềm vui tuôn đổ. Cũng vậy, sự sống của Thần Khí, được thể hiện qua các Bí tích, không thể bị bóp nghẹt bởi một hệ thống quan liêu ngăn cản việc tiếp cận với ân sủng của Thần Khí, Đấng khơi mào cho sự hoán cải tâm hồn. Và đã bao nhiêu lần chính chúng ta, các linh mục hay giám mục, theo tính cách quan liêu khi trao ban một bí tích, khi tiếp đón mọi người, đến nỗi người ta nói: “Không, tôi không thích điều này”, và họ bỏ đi, và nhiều lần họ không nhìn thấy trong chúng ta quyền năng của Thần Khí, Đấng tái sinh, Đấng làm cho mọi người trở nên mới. Do đó, chúng ta có trách nhiệm lớn lao là loan báo Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại, được làm sống động bởi hơi thở của Thần Khí tình yêu. Vì chỉ có Tình yêu này mới sở hữu sức mạnh thu hút và biến đổi tâm hồn con người. Cảm ơn anh chị em.

_________________________________

Lời chào đặc biệt

Cha chào anh chị em du khách nói tiếng Anh đang tham dự buổi Tiếp kiến chung hôm nay, đặc biệt các bạn trẻ đến từ nhiều quốc gia khác nhau tham dự cuộc họp COP-20 ở Glasgow, và các nhóm khách hành hương từ Mỹ. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/10/2021]


Gặp gỡ Sandra Sabattini, vị tân chân phước 22 tuổi

Gặp gỡ Sandra Sabattini, vị tân chân phước 22 tuổi

Gặp gỡ Sandra Sabattini, vị tân chân phước 22 tuổi

Fair Use | Aleteia

Philip Kosloski

10/10/19 - updated on 10/22/21


Sabattini tràn đầy sức sống và muốn phục vụ người nghèo như một nhà thừa sai y tế.

Alessandra (“Sandra”) không bằng lòng với cuộc sống tầm thường. Ngay từ thời thơ ấu, chị đã khát khao một đời sống thánh thiện, một khát khao được nuôi dưỡng bởi cha mẹ là ông Giuseppe và bà Agnese Sabattini.

Bắt đầu từ khi 10 tuổi, Sandra đã viết một cuốn nhật ký, trong đó chị viết, “Một cuộc sống không có Chúa chỉ là một cách để thời gian trôi qua, cho dù nó là buồn chán hay vui vẻ, là thời gian để khỏa lấp trong khi chờ đợi cái chết.”

Hai năm sau, năm 1974, chị gặp Tôi tớ Chúa Oreste Benzi, người sáng lập Cộng đoàn Giáo hoàng Gioan XXIII ở Ý. Mùa hè năm đó, chị đã dành thời gian làm thiện nguyện tại nhà Madonna delle Vette ở Canazei, giúp đỡ những người trẻ khuyết tật. Nó đã để lại một dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn chị và sau đó chị nói với mẹ mình, “Chúng con đã làm việc cho đến khi hết sức, nhưng đây là những người mà con sẽ không bao giờ rời bỏ.”

Khi còn là một thiếu niên, chị thường lấy “tiền tiêu vặt” của cha mẹ cho mình để chia cho người nghèo, hầu như không giữ lại gì cho bản thân. Trái tim của Sabattini tập trung vào những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội và muốn giúp đỡ họ bằng mọi cách có thể.

Chị tốt nghiệp trung học năm 1980 và sau đó theo học tại Đại học Bologna chuyên ngành y. Ước mơ của chị là trở thành một nhà thừa sai y tế ở Châu Phi, chăm sóc cho nhu cầu của những người không có ai chăm sóc họ.

Trong khi tham dự một cuộc gặp gỡ của Cộng đồng Giáo hoàng Gioan XXIII, chị gặp một chàng trai tên là Guido Rossi, và họ yêu nhau, cùng chung lý tưởng. Họ đã đính hôn, chuẩn bị kết hôn, và được kết hiệp với nhau bởi lòng yêu mến Thiên Chúa và yêu thương người nghèo.

Sabattini luôn quyết tâm dành thời gian cầu nguyện hàng ngày, thường dậy sớm vào buổi sáng để cầu nguyện trong sự tĩnh lặng của một nhà thờ gần đó. Chị quỳ gối hoặc ngồi trên sàn nhà để tỏ lòng khiêm tốn, dành thời gian mật thiết với Chúa Giêsu.

Chị viết, “Bác ái là sự tổng hợp của chiêm nghiệm và hành động, đó là điểm mà trời kết hợp với đất, nơi con người kết hợp với Thiên Chúa”.

Sau đó vào tháng Tư năm 1984, chị đang trên đường đi dự một cuộc họp của Cộng đoàn Giáo hoàng Gioan XXIII, và sau khi rời khỏi xe, chị đã bị một chiếc xe khác đâm phải và qua đời trong bệnh viện vào ngày 2 tháng Năm năm 1984, ở tuổi 22.

Chị đã để lại một di sản sâu sắc của một tâm hồn trẻ trung rực cháy với tình yêu Thiên Chúa. Cuộc đời của chị đã truyền cảm hứng cho nhiều người, vì lòng nhiệt thành tông đồ và tình yêu thương đối với người nghèo của chị.

Ngày 2 tháng Mười năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chuẩn nhận một phép lạ nhờ sự chuyển cầu của Sandra, mở đường cho việc phong chân phước cho chị trong tương lai. Cần phải có một phép lạ nữa trước khi chị được tuyên phong là một vị thánh.

Sandra được Đức Giáo hoàng Phanxicô phong chân phước vào ngày 24 tháng Mười năm 2021.


[Nguồn: aleteia]


[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/10/2021]