Bài giáo lý của Đức Thánh Cha về trọng tâm của Giáo hội
Đức Thánh Cha bắt đầu loạt giáo lý mới về Thánh Thể
8 tháng 11, 2017
© L'Osservatore Romano
Đức Thánh Cha Phanxico ngày 8 tháng 11, 2017, gọi Thánh Thể là “trái tim” của Giáo hội. Ngài bắt đầu một loạt giáo lý mới trong buổi Tiếp kiến chung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.
Đức Thánh Cha công bố, “Hôm nay chúng ta bắt đầu một chủ đề mới của giáo lý hướng chúng ta đến “trái tim” của Giáo hội, đó chính là Thánh Thể. Nền tảng vô cùng quan trọng cho chúng ta là những Ki-tô hữu hiểu rõ được giá trị và ý nghĩa của Thánh Lễ, để sống trọn vẹn hơn trong mối quan hệ Thiên Chúa.”
Đức Thánh Cha kể lại tấm gương nhiều Ki-tô hữu trong các thời đại đã sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Thánh Thể. Ngài kể lại tấm gương năm 304, trong thời kỳ bách hại của hoàng đế Diocletianus, khi các Ki-tô hữu ở Bắc Phi bị bắt trong lúc đang tham dự Thánh Lễ trong một ngôi nhà. Khi các quan hỏi tại sao họ lại làm những việc bị cấm, họ trả lời: “Chúng tôi không thể sống nếu không có ngày Chúa nhật,” tức là: nếu chúng tôi không được mừng kính Thánh Thể thì chúng tôi không thể sống, đời sống người Ki-tô hữu của chúng tôi sẽ chết.”
Đức Phanxico tiếp tục, “Những Ki-tô hữu người Bắt Phi đó đã bị giết vì họ sùng kính Thánh Thể. Họ để lại chứng tá rằng chúng ta có thể hy sinh sự sống dương thế vì Thánh Thể, vì Thánh Thể ban cho chúng ta sự sống trường sinh, biến chúng ta trở thành những người dự phần trong vinh quang chiến thắng sự chết của Đức Ki-tô.”
Đức Thánh Cha nhắc lại rằng việc giáo huấn về phụng vụ cho các tín hữu được các Nghị phụ Công đồng nhấn mạnh. Ngài nói rằng chủ đề mới về giáo lý nhằm mục đích giúp tín hữu “phát triển nhận thức về món quà vĩ đại mà Thiên Chúa đã trao tặng cho chúng ta trong Bí tích Thánh Thể.”
Đức Thánh Cha nói, “Điều quan trọng là phải trở lại với những nền tảng để tái khám phá đâu là điều trọng yếu, qua những gì chúng ta chạm đến và nhìn thấy khi cử hành các Bí tích. Yêu cầu của Thánh Tô-ma Tông đồ (x. Ga 20:25), muốn được nhìn thấy và chạm được vào các vết thương của những lỗ đinh trên thân thể Chúa Giê-su là khát khao bằng cách này cách khác có thể ‘chạm đến’ được Thiên Chúa để tin Ngài.
“Điều Thánh Tô-ma đòi hỏi nơi Chúa cũng là điều tất cả chúng ta đang cần: được nhìn thấy Ngài, và được chạm đến Ngài để có thể nhận ra Ngài. Các Bí tích làm thỏa mãn nhu cầu này của con người. Các Bí tích, và đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, là những dấu chỉ của tình yêu của Thiên Chúa, những đặc ân cho chúng ta được gặp gỡ Ngài.”
* * *
Giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Hôm nay chúng ta bắt đầu một chủ đề mới của giáo lý hướng chúng ta đến “trái tim” của Giáo hội, đó chính là Thánh Thể. Nền tảng vô cùng quan trọng cho chúng ta là những Ki-tô hữu hiểu rõ được giá trị và ý nghĩa của Thánh Lễ, để sống trọn vẹn hơn trong mối quan hệ với Thiên Chúa.
Chúng ta không thể quên được con số khổng lồ những Ki-tô hữu trên toàn thế giới trong suốt hai ngàn năm lịch sử, đã cam chịu chết để bảo vệ Thánh Thể; và ngày nay không biết bao nhiêu người liều mạng sống của họ để được tham dự Thánh Lễ ngày Chúa nhật. Năm 304, trong thời kỳ bách hại của hoàng đế Diocletianus, một nhóm Ki-tô hữu ở Bắc Phi bị bắt trong lúc đang tham dự Thánh Lễ trong một ngôi nhà. Trong cuộc thẩm vấn, viên Chấp chính tối cao Roma hỏi tại sao họ lại làm như vậy, dù biết nó hoàn toàn bị cấm. Và họ trả lời: “Chúng tôi không thể sống nếu không có ngày Chúa nhật,” tức là: nếu chúng tôi không được mừng kính Thánh Thể thì chúng tôi không thể sống, đời sống người Ki-tô hữu của chúng tôi sẽ chết.
Quả thật, Chúa Giê-su đã nói với các môn đệ của Ngài: “Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6:53-54).
Những Ki-tô hữu người Bắc Phi đó đã bị giết khi họ tôn thờ Thánh Thể. Họ để lại chứng tá rằng chúng ta có thể hy sinh sự sống dương thế vì Thánh Thể, vì Thánh Thể ban cho chúng ta sự sống trường sinh, biến chúng ta trở thành những người dự phần trong vinh quang chiến thắng sự chết của Đức Ki-tô. Một chứng tá thách đố tất cả chúng ta và kêu gọi một câu trả lời về ý nghĩa khi mỗi chúng ta tham dự vào Hy tế của Thánh Lễ và tiến đến Bàn tiệc của Chúa. Có phải chúng ta đang tìm nguồn “tuôn trào nước hằng sống” cho sự sống trường tồn? Điều gì làm cho cuộc sống của chúng ta trở thành một hy tế thiêng liêng ca tụng và tạ ơn và làm cho chúng ta trở nên một thân thể với Đức Ki-tô? Đây là ý nghĩa sâu thẳm nhất của Thánh Thể Cực Thánh, nghĩa là “tạ ơn”: Tạ ơn Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, điều này gồm cả chúng ta và biến đổi chúng ta trong sự hiệp nhất của tình yêu.
Trong những bài giáo lý tiếp theo tôi sẽ trả lời một số câu hỏi quan trọng về Thánh Thể và Thánh Lễ, để tái khám phá, hoặc khám phá ra cách thức mà tình yêu của Thiên Chúa chiếu tỏa qua mầu nhiệm đức tin này. Công đồng Vatican II đã thể hiện mạnh mẽ khát khao dẫn dắt người Ki-tô hữu hiểu được sự cao cả của đức tin và sự tuyệt mỹ của việc gặp gỡ với Đức Ki-tô. Vì vậy, trước hết điều cần thiết là phải thực hiện một sự đổi mới phù hợp cho Phụng vụ dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, vì Giáo hội liên tục sống mầu nhiệm và được canh tân nhờ mầu nhiệm đó.
Một chủ điểm được các Nghị phụ Công đồng nhấn mạnh rằng việc huấn giáo về phụng vụ cho các tín hữu là tuyệt đối cần thiết cho một sự canh tân thật sự. Quả thật, đây là mục đích của chủ đề giáo lý mà chúng ta bắt đầu hôm nay: phát triển nhận thức về món quà vĩ đại mà Thiên Chúa đã trao tặng cho chúng ta trong Bí tích Thánh Thể.
Bí tích Thánh Thể là một biến cố tuyệt vời qua đó Đức Giê-su Ki-tô, nguồn sống của chúng ta, tỏ lộ Ngài. Tham dự Thánh lễ “là một lần nữa sống lại Cuộc Thương Khó và Cái Chết Cứu Độ của Chúa. Đó là một sự hiển linh: Chúa thể hiện chính Người ra trên bàn thờ để được dâng lên Chúa Cha vì sự cứu chuộc cho nhân loại” (Bài giảng Thánh Lễ trong nhà nguyện Thánh marta, 10 tháng Hai, 2014). Chúa ở đó với chúng ta. Chúng ta thường xuyên đến đó, chúng ta nhìn cái này cái kia, chúng ta tán chuyện này chuyện nọ với nhau trong khi linh mục đang dâng Lễ … và chúng ta không thể hiện sự gần gũi với Ngài. Nhưng đó chính là Thiên Chúa! Nếu hôm nay ông Tổng thống hay một nhân vật quan trọng nào đó của thế giới tới đây, chắc chắn là chúng ta tìm đủ cách để được đến gần người đó, tìm cách nào đó để nói được câu chào. Nhưng anh em hãy suy nghĩ: khi anh chị em tham dự Thánh Lễ, Chúa đang hiện diện ở đó! Mà anh chị em lại chia trí. Chính Chúa ở đó!
Chúng ta hãy suy nghĩ về vấn đề này. “Thưa cha, tại vì Thánh Lễ chán lắm” – “Nhưng, con đang nói gì vậy, Thiên Chúa chán ư?” – Dạ không, không, không phải Thánh Lễ, là linh mục đó” – À, linh mục cần phải được thay đổi, nhưng chính Chúa đang ngự ở đó!” Anh chị em hiểu rồi chứ? Đừng quên điều này. “Tham dự Thánh Lễ là một lần nữa sống lại Cuộc Thương Khó và Cái Chết Cứu Chuộc của Thiên Chúa.”
Bây giờ chúng ta thử đặt cho mình một vài câu hỏi đơn giản. Ví dụ, tại sao Dấu Thánh Giá và nghi thức sám hối lại được đưa vào đầu Thánh Lễ? Và đến đây tôi lại muốn mở một dấu ngoặc. Anh chị em có nhìn thấy cách các em thiếu nhi làm Dấu Thánh Giá không? Anh chị em chẳng biết chúng đang làm dấu gì nữa, không biết có phải là dấu Thánh giá hay cái hình thù gì đó. Chúng làm như vầy [ngài làm một dấu hiệu khó hiểu bằng tay] Rất cần thiết phải dạy cho trẻ biết làm dấu đúng cách. Thánh Lễ bắt đầu từ đó, sự sống bắt đầu từ đó, và một ngày bắt đầu từ đó. Nó có nghĩa là chúng ta được cứu chuộc bằng Thánh giá của Chúa. Hãy nhìn các trẻ và dạy chúng cách làm dấu Thánh Giá đúng. Và các Bài đọc trong Thánh Lễ, tại sao lại có những Bài đọc? Tại sao có ba Bài đọc ngày Chúa nhật và hai bài trong các ngày khác? Tại sao lại cần có các Bài đọc, Bài đọc trong Thánh Lễ có ý nghĩa gì? Tại sao phải đọc các bài đọc lên và chúng đưa ra điều gì? Hay tại sao có những lúc linh mục đang dâng Lễ lại nói: “Hãy nâng tâm hồn lên”? Tại sao linh mục lại không nói: “Hãy nâng điện thoại lên và chụp ảnh!” Không, đó là điều kinh khủng! Và tôi phải nói với anh chị em rằng điều làm tôi rất buồn khi tôi dâng Lễ ở đây trong Quảng trường này hoặc trong Vương cung Thánh Đường tôi nhìn thấy rất nhiều điện thoại giơ lên, không chỉ các tín hữu, mà còn cả một số linh mục và thậm chí Giám mục. Nhưng xin anh chị em! Thánh Lễ không phải là một buổi diễn văn nghệ: đó là sự gặp gỡ với Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa. Đó là lý do tại sao linh mục nói: “Hãy nâng tâm hồn lên”. Nó nghĩa là gì? Hãy ghi nhớ – không phải là điện thoại.
Điều quan trọng là phải trở lại với những nền tảng để tái khám phá đâu là điều trọng yếu, qua những gì chúng ta chạm đến và nhìn thấy khi cử hành các Bí tích. Yêu cầu của Thánh Tô-ma Tông đồ (x. Ga 20:25), muốn được nhìn thấy và chạm được vào các vết thương của những lỗ đinh trên thân thể Chúa Giê-su là khát khao bằng cách này cách khác có thể ‘chạm đến’ được Thiên Chúa để tin Ngài. Điều Thánh Tô-ma đòi hỏi nơi Chúa cũng là điều tất cả chúng ta đang cần: được nhìn thấy Ngài, và được chạm đến Ngài để có thể nhận ra Ngài. Các Bí tích làm thỏa mãn nhu cầu này của con người. Các Bí tích, và đặc biệt là việc Cử hành Bí tích Thánh Thể, là những dấu chỉ của tình yêu của Thiên Chúa, những đặc ân cho chúng ta được gặp gỡ Ngài.
Qua những bài giáo lý này mà chúng ta bắt đầu hôm nay, cùng với anh chị em, tôi muốn tái khám phá vẻ tuyệt mỹ ẩn chứa trong Thánh Thể của Thánh Lễ, và khi được mặc khải, sẽ trao ban trọn vẹn ý nghĩa cho đời sống của một con người. Nguyện xin Đức Mẹ đồng hành với chúng ta trên chặng đường mới này. Cảm ơn anh chị em.
© Libreria Editrice Vatican
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 09/11/2017]