Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

Bài giảng của Đức Thánh Cha Lễ Kỷ niệm 25 năm thụ phong giám mục của ngài

Bài giảng của Đức Thánh Cha Lễ Kỷ niệm 25 năm thụ phong giám mục của ngài

Hãy đứng dậy! Hãy ngước nhìn! Hãy hy vọng!
27 tháng Sáu, 2017
Bài giảng của Đức Thánh Cha Lễ Kỷ niệm 25 năm thụ phong giám mục của ngài
CTV Screenshot
Đức Thánh Cha Phanxico chủ tế Thánh Lễ trong nhà nguyện Phao-lô của Điện Tông truyền, cùng đồng tế với các Hồng y ở Roma, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thụ phong Giám mục của ngài.
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) bài giảng của Đức Thánh Cha trong Lễ.
* * *
Bài giảng của Đức Thánh Cha Lễ Kỷ niệm 25 năm thụ phong giám mục của ngài
Bài giảng của Đức Thánh Cha
Trong Bài đọc Một, chúng ta được nghe cách đối thoại tiếp tục giữa Thiên Chúa và ông A-bra-ham, cuộc đối thoại bắt đầu bằng “Hãy đi. Hãy rời bỏ xứ sở . . .” (St 12:1). Và trong đoạn tiếp nối của cuộc đối thoại này, chúng ta tìm thấy ba mệnh lệnh: “Đứng dậy!” “Hãy nhìn!” “Hãy hy vọng!” Ba mệnh lệnh đánh dấu con đường A-bra-ham phải đảm nhận và cũng là cách để thực hiện nó, thái độ nội tâm: đứng dậy, nhìn, hy vọng.
“Đứng dậy!” Đứng dậy, bước đi, không đứng im tại chỗ. Ngươi có một nhiệm vụ, ngươi có một sứ mạng và ngươi phải thực hiện nó trên đường. Đừng ngồi im tại chỗ: hãy đứng dậy; đứng lên. Và ông A-bra-ham bắt đầu đi, luôn luôn trên đường. Và biểu tượng của việc này là túp lều. Sách Sáng thế nói rằng ông A-bra-ham ra đi với túp lều, và khi ông dừng lại, túp lều được dựng lên ở đó. A-bra-ham không bao giờ xây cho mình căn nhà trong khi vẫn còn đó mệnh lệnh: “Đứng dậy!” Ông chỉ xây một bàn thờ, một chỗ duy nhất, để thờ phụng Người là Đấng ra lệnh cho ông phải đứng dậy, bước đi trên hành trình, cùng với ngôi lều. “Hãy đứng dậy!”
“Hãy nhìn!” là mệnh lệnh thứ hai. “Ngước mắt lên, từ chỗ ngươi đang đứng, hãy nhìn về phía bắc, phía nam, phía đông, phía tây” (St 13:14). Hãy ngước nhìn. Nhìn về chân trời; đừng xây lên những bức tường. Hãy luôn ngước nhìn và tiến bước. Và sự huyền diệu của chân trời là chúng ta càng đi chân trời càng xa hơn. Hãy chăm chú nhìn, hãy tiến tới, bước đi, nhưng hướng về chân trời.
Lệnh truyền thứ ba: “Hy vọng!” Có một cuộc đối thoại rất đẹp: “Chúa coi, Chúa đã ban cho con quá nhiều, và một gia nhân của con sẽ thừa kế con” – “Một kẻ do chính ngươi sinh ra mới thừa kế ngươi. Hãy hy vọng!” (x. St 15:3-4). Và điều này được nói với một người đàn ông không có người thừa tự, vì tuổi già, vì sự cằn cỗi của người vợ. Nhưng sẽ có một “kẻ do chính ngươi sinh ra.” Và là người thừa kế của ngươi – của chính ngươi – sẽ “nhiều như bụi trên mặt đất: nếu người ta đếm được bụi trên mặt đất, thì mới đếm được dòng dõi ngươi!” (St 13:16). Và một chút xa hơn: “Hãy ngước mắt lên trời, hãy thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không. Và dòng dõi của ngươi sẽ như thế đó.” Và ông A-bra-ham tin, và Thiên Chúa kể ông là người công chính (x. St 15:5-6). Niềm tin của ông A-bra-ham bắt đầu là sự công chính mà Thánh Tông đồ Phao-lô đã đưa ra để giải thích cho đức công chính.
“Hãy đứng dậy! Hãy ngước nhìn! – chân trời, không có bức tường ngăn cách, chân trời – Hãy hy vọng!” Và hy vọng là không có bức tường nào ngăn cách, nó chỉ thuần túy là chân trời.
Tuy nhiên, khi ông A-bra-ham được gọi, tuổi của ông đã hơn kém một chút tuổi chúng ta: ông sắp nghỉ hưu, về hưu để nghỉ ngơi … Ông phải khởi đầu từ tuổi đó. Một ông già, với gánh nặng của tuổi già, tuổi già mang lại những cơn đau, bệnh tật … Nhưng ông như một người trẻ tuổi, đứng dậy, đi, ra đi! Ông như một hướng đạo sinh: ra đi! Ngước nhìn và hy vọng. Và lời này của Thiên Chúa cũng dành cho chúng ta là những người đang ở độ tuổi của A-bra-ham … hơn hoặc kém chút đỉnh – có một vài người trẻ hơn ở đây, nhưng đa phần chúng ta đều ở tuổi này; và hôm nay Thiên Chúa cũng nói như vậy với chúng ta: “Hãy đứng dậy! Hãy ngước nhìn! Hãy hy vọng!” Người nói với chúng ta rằng đây không phải là thời gian để khép lại cuộc đời, khép lại lịch sử của chúng ta, không phải để rút ngắn lại lịch sử của chúng ta. Thiên Chúa nói với chúng ta rằng lịch sử của chúng ta vẫn đang mở ra: nó mở ra cho đến tận cùng; nó mở ra với một sứ mạng. Và với ba mệnh lệnh này Người hướng dẫn cho chúng ta sứ mạng: “Hãy đứng dậy! Hãy ngước nhìn! Hãy hy vọng!”
Những người không thích chúng ta nói rằng chúng ta là những bô lão (gerontocracy) của Giáo hội. Đó là một sự nhạo báng. Họ không hiểu những điều họ nói. Chúng ta không phải là những người già lão, chúng ta là những người ông nội-ông ngoại, chúng ta là những người ông nội-ông ngoại. Và nếu chúng ta không cảm nhận được điều này, chúng ta phải cầu xin ơn sủng biết cảm nhận nó — ông nội-ông ngoại là người mà con cháu nhìn vào họ, người ông là người phải cho con cháu một ý nghĩa của cuộc sống với những kinh nghiệm của chúng ta. Người ông không khép chặt trong sự sầu muộn của lịch sử, nhưng mở ra để cho đi. Và với chúng ta, mệnh lệnh “hãy đứng dậy, hãy ngước nhìn, hãy hy vọng,” được gọi là “hãy mơ ước.” Chúng ta là những người ông được kêu gọi biết mơ ước và trao tặng giấc mơ của chúng ta cho thế hệ trẻ hôm nay: họ đang cần nó, vì họ sẽ rút ra từ những ước mơ của chúng ta sức mạnh để làm ngôn sứ và để mang lấy trách nhiệm và tiến bước.
Điều này gợi lên đoạn Tin mừng theo Thánh Lu-ca (2:21-38), ông Si-mê-on và bà An-na: hai ông bà, nhưng họ đã có ước mơ thật lớn lao! Và họ đã kể toàn bộ ước mơ này cho Thánh Giu-se, cho Mẹ Maria, cho mọi người … Và bà An-na đi đây đi đó kể rằng: “Đó chính là Ngài! Đó chính là Ngài!” và bà kể về giấc mơ suốt cuộc đời của bà. Và đây là điều Thiên Chúa đòi hỏi nơi chúng ta hôm nay: hãy là những người ông người bà. Hãy có sinh khí để trao tặng lại cho những người trẻ, vì giới trẻ mong chờ điều đó từ chúng ta; đừng khóa chặt lòng chúng ta lại nhưng hãy cho đi những gì tốt nhất: họ đang mong chờ những kinh nghiệm của chúng ta, những ước mơ lạc quan của chúng ta để vững tin tiến bước với những dự ngôn và hành động.
Tôi nguyện xin Thiên Chúa ban cho tất cả chúng ta ơn sủng này, cả cho những người chưa trở thành ông bà: chúng ta nhìn thấy ngài Chủ tịch [Hội đồng Giám mục] Brazil, ngài còn trẻ, … nhưng rồi ngài cũng sẽ đuổi kịp! Ơn sủng được làm ông bà, ơn sủng biết ước mơ, để trao tặng ước mơ này cho những thế hệ trẻ của chúng ta: họ đang cần nó.
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]
[Nguồn: zenit]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 28/06/2017]


HUẤN TỪ KINH TRUYỀN TIN: Lễ hai Thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô

HUẤN TỪ KINH TRUYỀN TIN: Lễ hai Thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô

Cả hai vị đều cho thấy ‘Thiên Chúa luôn luôn ở cạnh chúng ta; Người đồng hành với chúng ta; Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta’
29 tháng Sáu, 2017
HUẤN TỪ KINH TRUYỀN TIN: Lễ hai Thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô
PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxico trước và sau Kinh Truyền tin với các tín hữu tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô:
* * *
Trước Kinh Truyền tin
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Các Giáo phụ thích so sánh hai Thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô với hai cột trụ, trên đó cấu trúc hữu hình của Giáo hội đặt nền móng. Cả hai đều đóng dấu bằng máu của mình làm chứng nhân cho Đức Ki-tô, bằng việc rao giảng và phục vụ cộng đoàn Ki-tô hữu non trẻ của các ngài. Chứng tá này được đem ra trước ánh sáng trong các Bài đọc Kinh Thánh của phụng vụ hôm nay, các Bài đọc chỉ ra những lý do qua đó đức tin của các ngài, tuyên xưng và công bố, được đội triều thiên bằng thử thách cuối cùng là sự tử đạo.
Sách Tông đồ Công vụ (x. 12:1-11) tường thuật lại việc bị bắt giam và sự giải thoát sau đó của Phê-rô. Ông đã đối mặt với sự thù ghét Tin mừng tại Giê-ru-sa-lem, tại đó ngài đã bị bỏ tù bởi vua Hê-rô-đê “định đem ông ra cho dân chúng” (c. 4). Tuy nhiên, ngài đã được giải thoát bởi phép lạ và từ đó đã có thể hoàn thành sứ vụ rao giảng tin mừng của ngài, đầu tiên tại vùng Đất Thánh và sau đó tại Roma, dành trọn sức lực của ngài để phục vụ cho cộng đoàn Ki-tô hữu.
Thánh Phao-lô cũng trải qua sự thù ghét, mà Thiên Chúa đã giải thoát ngài. Ngài được Thiên Chúa Phục sinh sai đến nhiều thành, đến với những dân ngoại, ngài gặp phải sự chống đối mạnh mẽ, một phần là từ những người đồng đạo, một phần từ những người lãnh đạo dân chúng. Viết thư gửi cho môn đệ Ti-mô-thê, ngài phản ánh về cuộc sống và hành trình sứ vụ của ngài, cùng những những lần bị bắt bớ chịu đau khổ vì Tin mừng.
Hai “sự giải thoát” này của Phê-rô và Phao-lô cho thấy một con đường chung của hai Thánh Tông đồ, các ngài được Chúa Giê-su sai đi để loan báo Tin mừng trong những môi trường khó khăn, và trong một số trường hợp thù địch. Cả hai, với những biến cố riêng và chung của hội thánh, thể hiện và kể cho chúng ta hôm nay biết rằng Thiên Chúa luôn luôn ở bên cạnh chúng ta, Người đồng hành với chúng ta; Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Đặc biệt trong những thời khắc thử thách, Thiên Chúa đưa tay của Người ra cho chúng ta, Người đến cứu giúp chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi những mối nguy và quân thù. Tuy nhiên, chúng ta phải nhắc nhở chính bản thân chúng ta rằng kẻ thù đích thực của chúng ta là tội, và Tà Thần thúc đẩy chúng ta đi vào tội. Khi chúng ta được hòa giải với Thiên Chúa, đặc biệt qua Bí tích Sám hối, đón nhận được ơn sủng tha thứ, chúng ta được giải thoát khỏi những mối ràng buộc của tội và được trút bỏ gánh nặng của những lỗi lầm của chúng ta. Từ đó chúng ta tiếp tục hành trình là những sứ giả mang tin vui và những chứng nhân Tin mừng, tỏ lộ cho thấy rằng chúng ta trước hết đã đón nhận được lòng thương xót.
Chúng ta hãy dâng lên Mẹ Maria Đồng Trinh, Nữ Vương của các Thánh Tông đồ, lời cầu nguyện của chúng ta, đặc biệt hôm nay cho Giáo hội sống tại Roma và cho thành phố này, nơi Thánh Phê-rô và Phao-lô là Thánh Bổn mạng. Nguyện xin lòng nhân lành và ơn sủng của Thiên Chúa gìn giữ tất cả mọi công dân thành Roma, để họ sống trong tình huynh đệ và hòa thuận, làm cho đức tin Ki-tô giáo tỏa sáng, mang chứng tá của lòng nhiệt thành anh dũng của hai Thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô.
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của M. Forrester]

[Nguồn: zenit

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 30/06/2017]


Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

Lời của Đức Thánh Cha với những người tham dự Giải Cúp Bơi Lội “Sette Colli”

Lời của Đức Thánh Cha với những người tham dự Giải Cúp Bơi Lội “Sette Colli”

‘Đời sống Ki-tô hữu của chúng ta bắt đầu với dấu chỉ của nước, với Bí tích Rửa tội’
26 tháng Sáu, 2017
Lời của Đức Thánh Cha với những người tham dự Giải Cúp Bơi Lội “Sette Colli”
© PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
Đức Thánh Cha Phanxico đã tiếp các người tham dự trong Giải tranh Cúp Bơi Lội “Sette Colli” lần thứ 54 ở Roma, từ 23-25 tháng Sáu, 2017, trong Điện Tông truyền của Vatican lúc trưa thứ Bảy, 24 tháng Sáu, 2017. Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) diễn từ của Đức Thánh Cha gửi tới những người hiện diện, do Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cung cấp:

***

Chào các bạn trong Liên đoàn Bơi lội và các vận động viên tham dự tranh Cúp Bơi lội “Sette Colli” ở Roma>

Tôi cảm ơn ông chủ tịch của Liên đoàn về những lời giới thiệu của ông trong buổi họp của chúng ta.

Đây là những ngày của niềm vui và nhiệt huyết cho các bạn và cho những người hâm mộ thể thao ủng hộ các bạn, vì thể thao cũng là một buổi lễ mừng. Một lễ mừng không phải không có ý nghĩa, vì nó truyền tải những giá trị đang ngày càng trở nên cần thiết trong một xã hội như của xã hội của chúng ta, một xã hội được ví như “chất lỏng,” chẳng có điểm tham chiếu vững chắc. Môn thể thao của các bạn được chơi dưới nước, nhưng nó không phải là “chất lỏng”; hơn thế nó rất “vững chắc” vì nó đòi hỏi sự cam kết và sự chịu đựng kiên cường.
Vì sự quen thuộc với nước của các bạn, tôi lại nhớ đến lời của Thánh Phanxico Assisi: “Ngợi khen Ngài, Thiên Chúa của con, qua chị Nước, chị rất hữu ích và khiêm nhường, quý giá và tinh tuyền.”
Các bạn tự thách đố bản thân, thi đấu, sống trong sự tiếp xúc với nước, cũng có thể là một sự đóng góp cho một nét văn hóa khác của nước: nước là sự sống, không có nước sự sống không tồn tại. Và nói về sự sống là nói về Thiên Chúa, nguyên thủy và cội nguồn của sự sống, và đời sống người Ki-tô hữu chúng ta cũng bắt đầu bằng dấu chỉ của nước, bằng Bí tích Rửa tội.
Nước mà các bạn bơi, lặn, chơi, và thi đấu, đòi hỏi nhiều cách chú ý khác nhau: giá trị của cơ thể, phải được chăm sóc nhưng không phải là thần tượng hóa; nhu cầu nội tâm và sự tìm kiếm ý nghĩa của việc các bạn làm; sức mạnh và lòng cam đảm chống lại sự mệt mỏi; một tầm nhìn rõ ràng biết nhắm đến hướng nào trong đời sống và cách để đạt đến đó; và giá trị của tính xác thực, có nghĩa là thuần khiết, trong sáng, sự trong sạch nội tâm.
Khi tiếp xúc với nước, các bạn học biết được sự kháng cự của bất cứ điều gì làm vấy bẩn, trong thể thao và trong cuộc sống.
Các bạn quản lý và vận động viên thân mến, tôi cảm ơn chuyến thăm của các bạn. Tôi xin chúc mọi điều tốt lành cho hoạt động của các bạn, cho gia đình và cho những kế hoạch của bạn. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho các bạn và luôn ban cho các bạn niềm vui tham gia vào thể thao trong tinh thần anh em.
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch của Văn phòng Báo chí Vatican]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 27/06/2017]


Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha: Niềm hy vọng, sức mạnh của các vị tử đạo

Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha: Niềm hy vọng, sức mạnh của các vị tử đạo

‘Các vị tử đạo có niềm hy vọng vững chắc rằng không điều gì và không ai có thể chia cách họ khỏi tình yêu của Thiên Chúa’
28 tháng Sáu, 2017
Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha: Niềm hy vọng, sức mạnh của các vị tử đạo
Buổi Tiếp Kiến chung sáng nay được tổ chức lúc 9.25 sáng trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm người hành hương và tín hữu đến từ Ý và khắp thế giới.
Trong bài huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha suy tư về chủ đề: “Hy vọng, sức mạnh của các vị tử đạo” (x. Mt 10:16-17.21-22).
Sau phần tóm lược bài giáo lý của ngài bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện.
Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.
Dưới đây là bản dịch bài giáo huấn của Đức Thánh Cha:
* * *
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Hôm nay chúng ta suy tư về Niềm hy vọng Ki-tô hữu là sức mạnh của các vị tử đạo. Trong Tin mừng, khi Chúa Giê-su sai các môn đệ của Người đi rao giảng, Người không lừa dối họ bằng những ảo ảnh của sự thành công dễ dàng; ngược lại, Người cảnh báo các ông rất rõ rằng việc loan báo Nước Thiên Chúa luôn gặp phải những sự chống đối. Người thậm chí sử dụng đến cách nói rất mạnh: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét — bị thù ghét” (Mt 10:22). Người Ki-tô hữu yêu thương, nhưng họ không phải luôn luôn được yêu thương. Chúa Giê-su ngay lập tức đưa chính Ngài vào thực tại này: trong một chừng mực ít hoặc nhiều hơn, việc tuyên xưng đức tin diễn ra trong một không khí thù địch.
Vì thế, người Ki-tô hữu là những người “lội ngược dòng.” Điều đó là bình thường, vì thế gian được mang dấu của tội lỗi, nó thể hiện trong nhiều hình thức khác nhau của tính tự phụ và bất công. Người theo Đức Ki-tô đi trên con đường ngược lại. Không phải vì tinh thần muốn gây tranh cãi, nhưng vì lòng trung thành với lập luận của Nước Chúa, đó là lập luận của sự hy vọng, và được diễn đạt bằng một lối sống dựa trên những cách thể hiện của Chúa Giê-su.
Cách thể hiện thứ nhất là sự nghèo khó. Khi Chúa Giê-su sai môn đệ của Ngài đi rao giảng, dường như là Ngài chú ý đến việc để các ông đi “tay không” hơn là “trang bị” cho các ông! Quả thật, một người Ki-tô hữu không khiêm nhường và nghèo khó, thoát khỏi sự giàu có và quyền lực và trên hết thoát khỏi chính bản thân mình, thì không nên giống như Chúa Giê-su. Một người Ki-tô hữu bước đi trên trần gian này chỉ với những yếu tố cần thiết cho đường đi, những tâm hồn ngập tràn yêu thương. Sự thất bại thật sự của người đó là rơi vào cám dỗ của sự hận thù hay bạo lực, dùng cái ác để đáp lại cái ác. Chúa Giê-su nói với chúng ta: “Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói.” (Mt 10:16) – do đó, chẳng có móng vuốt, không có vũ khí. Hơn thế nữa, người Ki-tô hữu phải thận trọng, đôi lúc phải tinh khôn: đây là những đức tính được chấp nhận bởi lập luận của phúc âm, nhưng bạo lực thì không bao giờ. Không thể dùng những biện pháp của cái ác để đánh bại cái ác.
Tin mừng là sức mạnh duy nhất của người Ki-tô hữu. Trong những lúc khó khăn, chúng ta phải tin rằng Chúa Giê-su đang ở trước chúng ta, và không bao giờ không đồng hành với những môn đệ của Ngài. Sự bắt bớ không mâu thuẫn với Tin mừng, nhưng là một phần của Tin mừng: nếu người ta bắt bớ Thầy của chúng ta, làm sao chúng ta có thể hy vọng rằng chúng ta tránh được những cuộc chiến này? Tuy nhiên, giữa những phong ba người Ki-tô hữu không đánh mất hy vọng, hay nghĩ rằng mình đã bị bỏ rơi. Chúa Giê-su bảo đảm với các môn đệ của Người rằng: “Ngay cả tóc trên đầu anh em Người cũng đếm cả rồi” (Mt 10:30). Nghĩa là không một sự đau khổ nào, ngay cả những điều nhỏ nhặt và thầm kín nhất, đều hiện ra trước mắt Thiên Chúa. Chúa nhìn thấy, và Ngài chắc chắn bảo vệ, và Ngài sẽ giải thoát. Quả thật, giữa chúng ta có một Đấng mạnh hơn tất cả mọi sự ác, mạnh hơn tất cả mafia, mạnh hơn những âm mưu đen tối nhất, mạnh hơn tất cả những kẻ hưởng lợi từ da thịt của những con người tuyệt vọng, mạnh hơn những kẻ nghiền nát người khác bằng tính kiêu căng ngạo mạn … Một Đấng luôn lắng nghe tiếng kêu của máu của A-ben, là tiếng kêu lên từ mặt đất.
Vì thế, người Ki-tô hữu luôn tìm thấy mình “ở bên kia” của thế giới, được chọn bởi Thiên Chúa: không phải những người khủng bố nhưng là người bị khủng bố, không phải là người kiêu căng nhưng là nhân từ; không phải là những kẻ buôn bán khói nhưng là bảo vệ cho sự thật; không phải là những kẻ lừa đảo nhưng là lương thiện.
Lòng trung thành với cách sống của Chúa Giê-su – cách sống hy vọng – cho đến chết, đã được những Ki-tô hữu tiên khởi gọi bằng một tên rất đẹp là: sự tử đạo; nghĩa là “chứng nhân.” Về từ ngữ có nhiều cách gọi khác nhau: có thể gọi là anh dũng, hy sinh quên mình, hiến thân. Như vậy, những Ki-tô hữu tiên khởi đã gọi nó bằng một tên mang hương thơm của sứ vụ tông đồ. Những người tử đạo không sống cho bản thân, họ không chiến đấu để bảo vệ ý riêng của họ, và họ chấp nhận chết chỉ vì trung hành với Tin mừng. Sự tử đạo cũng chưa phải là lý tưởng tối cao của đời sống người Ki-tô hữu vì trên tất cả đó là đức ái, cụ thể là yêu mến Thiên Chúa và yêu thương anh em. Thánh Tông đồ Phao-lô đã nói rất rõ trong Bài ca đức ái, được hiểu là lòng yêu mến Thiên Chúa và tình yêu thương tha nhân. Thánh Tông đồ Phao-lô nói rất rõ trong bài ca đức ái: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13:3). Ý nghĩ những kẻ tấn công tự sát có thể được gọi là “tử đạo” là đáng ghê tởm với người Ki-tô hữu: đích đến cuối cùng của họ chẳng có gì giống với thái độ của con cái Thiên Chúa.
Có đôi lúc đọc lại lịch sử của nhiều vị tử đạo của hôm qua và hôm nay – ngày nay có nhiều vị tử đạo hơn trong những thời gian đầu – chúng ta thật kinh ngạc trước sự dũng cảm chịu đựng mà các vị phải đối mặt trong những cơn thử thách. Sức chịu đựng kiên cường này là dấu chỉ của niềm hy vọng vĩ đại tạo sức sống mãnh liệt cho họ: chẳng có điều gì và không ai có thể tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô (x. Rm 8:38-39).
Nguyện xin Thiên Chúa luôn ban cho chúng ta sức mạnh để làm chứng nhân cho Người. Nguyện xin Người ban cho chúng ta sức mạnh để sống niềm hy vọng của người Ki-tô hữu đặc biệt trong sự tử đạo thầm lặng qua việc thực hiện trọn vẹn những bổn phận của chúng ta mỗi ngày.
Cảm ơn anh chị em.
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 29/06/2017]


Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha: Niềm hy vọng, sức mạnh của các vị tử đạo
Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha: Niềm hy vọng, sức mạnh của các vị tử đạo
Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha: Niềm hy vọng, sức mạnh của các vị tử đạo
Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha: Niềm hy vọng, sức mạnh của các vị tử đạo
Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha: Niềm hy vọng, sức mạnh của các vị tử đạo
Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha: Niềm hy vọng, sức mạnh của các vị tử đạo



Thứ Tư, 28 tháng 6, 2017

Trung quốc: Tòa Thánh kêu gọi thả Đức Giám mục Shao giáo phận Ôn châu

Trung quốc: Tòa Thánh kêu gọi thả Đức Giám mục Shao giáo phận Ôn châu

Kêu gọi “những con đường hiểu biết”
26 tháng Sáu, 2017
Trung quốc: Tòa Thánh kêu gọi thả Đức Giám mục Shao giáo phận Ôn châu
Greg Burke -- Copyright: Zenit
Tòa Thánh bày tỏ “quan ngại rất lớn” sau sự mất tích của Đức ông Phê-rô Shao Zhumin, Giám mục của Ôn châu, trong tỉnh duyên hải Chiết giang (Trung hoa Đại lục). Một báo cáo được gửi đi bởi Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, ông Greg Burke, ngày 26 tháng Sáu, 2017, kêu gọi thả ngài về, nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có “những cách hiểu nhau.” Giáo phận Trung hoa đã không nhận được một tin tức nào liên quan đến Giám mục từ ngày 18 tháng Năm.
“Tòa Thánh đang theo dõi với sự quan ngại rất lớn đến tình hình cá nhân của Đức Giám mục Phê-rô Shao Zhumin thuộc Ôn Châu, bị cưỡng bức rời khỏi tòa giám mục một thời gian trước,” báo cáo cho biết. Ở tuổi 54, ngài là giám mục của giáo phận từ sau vị tiền nhiệm qua đời vào tháng Chín năm 2016.
“Cộng đoàn Công giáo trong giáo phận và thân quyến của ngài không hề biết tin tức hoặc lý do bị buộc rời tòa của ngài, và cũng không ai biết hiện ngài đang bị giữ ở đâu,” ông Burke nói rõ. “Về vấn đề này, Tòa Thánh vô cùng buồn và cùng với những vấn đề tương tự khác không tạo cơ hội cho những con đường hiểu biết nhau, và bày tỏ hy vọng rằng Đức Giám mục Phê-rô Shao Zhumin có thể trở về với giáo phận càng sớm càng tốt, và ngài được bảo đảm khả năng được thi hành thừa tác vụ của hội thánh một cách bình an.”
“Tất cả chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho Đức Giám mục Shao Zhumin và cho con đường của Giáo hội Công giáo ở Trung quốc,” thông điệp kết thúc.
Theo Cơ quan Các Giáo hội Châu Á (EDA) thuộc Hội Thừa sai Nước ngoài Paris, Đức Giám mục Wenzhou đã biến mất khỏi các luồng thông tin sau khi bị “mời” ngày 18 tháng Năm đến một buổi thẩm vấn với các cán bộ thuộc Văn phòng Ban Tôn giáo địa phương. Từ đó, Đức Giám mục không xuất hiện trước mọi người. Ngày 22 tháng Năm, ngài cho biết ngài đang cần rượu để dâng Lễ, nhưng không ai có thể liên lạc được với điện thoại của ngài. Theo các nguồn tin địa phương, Đức ông Shao còn ở Ôn châu, bị câu lưu trong một đồn công an.
EDA đưa ra một phân tích tình hình, đánh giá rằng giáo phận Ôn châu “có thể được mô tả như là tượng trưng cho những nỗ lực của Tòa Thánh sắp xếp để thúc đẩy sự thống nhất của các cộng đoàn “dưới lòng đất” và Giáo hội địa phương “hợp pháp.” Cơ quan này cho biết, các nỗ lực rõ ràng không làm hài lòng các giới chức Trung hoa.
Liên quan đến việc thúc đẩy sự thống nhất hai cộng đoàn, năm 2007 Roma bổ nhiệm Cha Vinh sơn Zhu Weifang, thành viên của giới giáo sĩ “hợp pháp”, làm Giám mục Ôn châu, cùng với Cha Shao Zhumin, thành viên của giới giáo sĩ “dưới lòng đất” làm Phó. Tuy nhiên, sau cái chết của Đức ông Zhu ngày 7 tháng Chín, 2016, người kế nhiệm là Đức ông Shao được cho là đi lại với “quyền can thiệp điều động vĩnh viễn của các chính quyền nhân dân vào đời sống của Giáo hội.” Ngài liên tục “bị gây phiền nhiễu bởi các cán bộ.”
“Với kiểu ‘bị cách ly’ mới này kéo dài, người ta có thể nghĩ rằng vị Giám mục trẻ đang phải đối mặt với những áp lực mới của chính quyền buộc ngài phải tuân theo các điều khoản phù hợp với chính sách tôn giáo của nhà nước,” EDA kết luận.

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 27/06/2017]


Diễn từ của Đức Thánh Cha trước Liên đoàn Phòng Chống U Bướu

Diễn từ của Đức Thánh Cha trước Liên đoàn Phòng Chống U Bướu

‘Chăm sóc người khác, như được thấy trong cuộc sống hàng ngày với rất nhiều bệnh nhân, là một tài sản vô giá cho xã hội’
26 tháng Sáu, 2017
Diễn từ của Đức Thánh Cha gửi Liên đoàn Phòng Chống U Bướu
Đức Thánh Cha Phanxico đã có buổi tiếp kiến các thành viên của Liên đoàn Ý Phòng chống U Bướu (LILT) giữa trưa hôm nay, 26 tháng Sáu, 2017 trong Sảnh đường Clementine của Điện Tông truyền Vatican. Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Văn phòng Báo chí Vatican cung cấp bài diễn từ của Đức Thánh Cha:

***

Diễn từ của Đức Thánh Cha gửi Liên đoàn Phòng Chống U Bướu

Diễn từ của Đức Thánh Cha
Các bạn thân mến,
Tôi xin chào mừng các bạn và cảm ơn ông chủ tịch vì những lời tốt lành ông gửi đến tôi thay mặt cho toàn thể các bạn đây.
Cam kết của Tổ chức của các bạn góp một sự phong phú nhân đôi cho xã hội. Về một mặt, các dịch vụ của quý vị góp phần định hình cho mọi người và trong các gia đình một cách thức phòng ngừa: hơn thế nữa, nó nâng cao ý thức phòng ngừa bệnh ung thư như một ưu tiên hàng đầu cho lối sống. Đồng thời, cùng với nhiều tình hình khác nhau ở Ý, các bạn theo đuổi công việc thiện nguyện, một cách thể hiện tượng trưng qua một số tiền nhỏ làm tăng ảnh hưởng trên cuộc sống thường ngày của chúng ta.
Công việc của các bạn cho thấy một công cụ rất hữu hiệu để nâng cao ý thức và đào tạo. Đang rất cần có sự lan truyền một văn hóa của sự sống, được xây dựng bằng những thái độ và cách cư xử. Một văn hóa đại chúng, nghiêm túc, dễ ảnh hưởng đến mọi người, và không đặt nền tảng trên những lợi nhuận tài chính. Đặc biệt hơn, các gia đình cần được đồng hành trên con đường phòng ngừa: một con đường gồm nhiều thế hệ khác nhau trong một “công ước” huynh đệ, một con đường tôn giá trị kinh nghiệm của những người đã sống qua một chặng đường đau khổ, cùng với thân nhân của họ, của căn bệnh ung thư.
Một giá trị cũng tương tự như vậy là sự cộng tác của các người thiện nguyện của Liên đoàn Phòng chống U Bướu của Ý với các tổ chức chăm sóc sức khỏe, cả công và tư nhân, cũng như sự giúp đỡ cho những gia đình qua việc hỗ trợ, đặc biệt trong thời gian kéo dài mệt mỏi và ngặt nghèo của cuộc sống hàng ngày.
Khía cạnh thứ hai góp phần cho một chứng nhân mà cộng đoàn hội thánh đặc biệt chia sẻ và kết hợp hài hòa, như tên gọi của nó là ơn gọi và sứ mạng sống và phục vụ những người đau khổ và sống tinh thần này phù hợp với hai giá trị tiêu biểu của người Ki-tô hữu là khiêm nhường và âm thầm. Quả thật, những thiện ích sẽ được hoàn thành trọn vẹn và có hiệu quả đặc biệt khi nó được thực hiện mà không đòi có sự đáp trả và không cần được mọi người biết đến, trong những tình huống cụ thể của đời sống hàng ngày.
Trong sự phục vụ này của các bạn, cũng có sự tập trung liên tục hướng về những vùng ngoại vi. Quả thật, “ngoại vi” là nói đến những con người sống trong tình trạng bị gạt ra bên lề xã hội; vùng ngoại vi là nơi mọi con người bị giam hãm ngoài lề của xã hội và các mối quan hệ, đặc biệt khi căn bệnh tấn công vào những nhịp điệu bình thường của cuộc sống, như trường hợp những bệnh ung thư. Chính vùng ngoại vi lên tiếng kêu gọi trách nhiệm của mỗi chúng ta, vì mọi người Ki-tô hữu, cùng với mọi con người được khơi gợi động lực bởi khát khao chân lý và điều tốt lành, góp phần tạo nên một khí cụ hiển nhiên của ơn sủng.
Chăm sóc người khác, như được thấy trong cuộc sống hàng ngày với rất nhiều bệnh nhân, là một tài sản vô giá cho xã hội: nó nhắc toàn thể cộng đoàn hội thánh và cộng đồng dân sự không e sợ sự gần gũi, không e ngại lòng nhân từ, không ngại ngùng “dành thời gian” với những mối dây gắn kết để đưa ra và chào mừng sự hỗ trợ và an ủi lẫn nhau, để tạo ra những không gian cho sự đoàn kết đích thực hơn là sự đoàn kết theo nghi thức.
Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh rằng sức khỏe là một thiện ích chung nền tảng và thiết yếu nhất cho mọi con người, hy vọng rằng công việc phòng ngừa ung thư được mở rộng ra cho tất cả mọi người, nhờ vào sự hợp tác giữa các dịch vụ công và tư nhân, những sáng kiến dân sự và bác ái. Bằng cách này, cùng với sự đóng góp đặc biệt của các bạn, cả trong phạm vi này chúng ta có thể bảo đảm rằng các xã hội của chúng ta trở nên bao dung hơn bao giờ hết
Cảm ơn các bạn vì buổi gặp gỡ hôm nay. Tôi xin phó thác nỗ lực của các bạn và của những người thiện nguyện, cùng với tất cả những bệnh nhân các bạn gặp, dưới bàn tay che chở mẫu tử của Mẹ Maria Rất Thánh, Salus infirmorum, và tôi xin chúc lành cho các bạn. Cảm ơn các bạn.

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 27/06/2017]