Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2019

Toàn văn Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha về ‘Lạy Cha chúng con ở trên trời’

Toàn văn Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha về ‘Lạy Cha chúng con ở trên trời’
© Vatican Media

Toàn văn Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha về ‘Lạy Cha chúng con ở trên trời’

‘Dẫu cho tất cả mọi tình yêu thuộc thế gian của chúng ta có bị sụp đổ và chẳng còn gì ngoài bụi đất, thì vẫn luôn luôn còn lại cho tất cả chúng ta tình yêu trung tín, duy nhất, và cháy bỏng của Chúa Cha’

20 tháng Hai, 2019 15:35

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng này được tổ chức thành hai thời gian. Lúc 9.10 Đức Thánh Cha tiếp các tham dự viên hành hương của Tổng Giáo phận Benevento trong Vương cung Thánh đường Vatican.

Lúc 9:45, trong Đại sảnh Phaolô VI Đức Thánh Cha gặp gỡ nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Tiếp tục loạt giáo lý về “Kinh Lạy Cha,” trong huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung phân tích về chủ đề: “Lạy Cha chúng con ở trên trời” (Trích sách Thánh: Isaia 49:14-16).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các nhóm khách hành hương và tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.


* * *


Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Buổi Tiếp Kiến Chung hôm nay diễn ra trong hai thời điểm. Trước giờ này cha đã gặp gỡ các tín hữu của Benevento, trong Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô, và bây giờ là với anh chị em. Và việc này là nhờ sự tinh ý của ngài Tổng trưởng đặc trách các vấn đề Nội chính cho Giáo hoàng không muốn anh chị em bị lạnh. Chúng ta cùng cảm ơn những người đã chuẩn bị cho việc này. Cảm ơn anh chị em.

Chúng ta tiếp tục bài giáo lý về “Kinh Lạy Cha.” Bước khởi đầu của mọi lời cầu nguyện của người Ki-tô hữu là cánh cửa đi vào một mầu nhiệm, mầu nhiệm hiền phụ của Thiên Chúa. Chúng ta không thể cầu nguyện như những con vẹt. Hoặc là anh chị em đi vào mầu nhiệm, trong ý thức rằng Thiên Chúa là Cha, hoặc là anh chị em không cầu nguyện. Nếu tôi muốn dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa là Cha của tôi là tôi bắt đầu mầu nhiệm. Để hiểu được chừng mực nào đó Thiên Chúa là Cha chúng ta, hãy nghĩ đến hình ảnh của cha mẹ chúng ta; tuy nhiên, trong những giới hạn chúng ta phải luôn luôn “thanh lọc nó,” thanh tẩy nó. Giáo lý Giáo hội Công giáo cũng trình bày cho chúng ta như sau: “Luôn luôn phải có sự thanh tẩy tâm hồn chúng ta khi nghĩ đến những hình ảnh hiền phụ và hiền mẫu, bắt nguồn từ lịch sử riêng tư và văn hóa của chúng ta, và tác động đến mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa” (s. 2779).

Không ai trong chúng ta có cha mẹ hoàn hảo, không ai, cũng như ngược lại, chúng ta sẽ không bao giờ trở thành những cha mẹ hoặc những mục tử hoàn hảo. Tất cả chúng ta đều có những thiếu sót, tất cả mọi người. Chúng ta luôn sống những mối quan hệ yêu thương của mình trong các giới hạn và kể cả tính ích kỷ. Vì vậy, chúng thường bị làm hoen ố bởi những khao khát chiếm hữu hoặc thao túng người khác. Vì vậy, đôi khi các tuyên bố về sự yêu thương lại bị biến thành những cảm giác giận ghét và thù hận. Nhưng, xem này, hai người này tuần trước còn yêu nhau lắm cơ mà, vậy mà hôm nay họ đã ghét nhau không đội trời chung. Chúng ta chứng kiến chuyện này mỗi ngày! Nguyên nhân của nó là vì, vì tất cả chúng ta đều có những cái rễ cay đắng cắm trong tâm hồn, chúng không tốt lành và đôi khi trồi lên và làm điều ác.

Đó là lý do tại sao khi chúng ta nói đến Thiên Chúa là “Cha,” khi chúng ta suy nghĩ đến hình ảnh của cha mẹ chúng ta, đặc biệt khi họ yêu thương chúng ta, thì chúng ta phải đi xa hơn thế. Vì tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu của Chúa Cha “Đấng ngự trên Trời,” theo cách diễn đạt mà Chúa Giê-su mời gọi chúng ta sử dụng: đó là một tình trọn vẹn, điều mà chúng ta chỉ được nếm trải một cách khiếm khuyết trong cuộc sống này. Nam và nữ là những người ăn mày tình yêu đời đời — chúng ta là những người ăn mày tình yêu, chúng ta luôn cần tình yêu — họ tìm kiếm một nơi cuối cùng họ được yêu thương, nhưng họ lại không tìm được. Không biết bao nhiêu tình bạn và tình yêu bị thất vọng trong thế giới của chúng ta — quá nhiều!

Trong thần thoại, thần tình yêu của Hy lạp rơi vào thảm kịch nặng nề nhất: người ta chẳng hiểu vị thần đó là một thiên thần hay một yêu ma. Thần thoại kể rằng vị thần đó là con trai của thần Poros và thần Penia, nghĩa là của tính thực dụng và của sự nghèo khổ, dẫn đến vị thần đó mang trong mình đặc điểm của cả người cha người mẹ. Từ đây chúng ta có thể nghĩ đến bản chất hai chiều của tình yêu nơi con người, có khả năng nở hoa nhưng cũng có thể sống một cách ích kỷ chỉ trong cùng một giờ trong ngày, rồi ngay lập tức khô héo và chết đi; cái gì muốn tóm lấy sẽ luôn vuột khỏi tầm tay (x. Plato, Symposium, 203). Ngôn sứ Hô-sê có một câu diễn tả một cách thẳng thắn cho thấy sự yếu đuối bẩm sinh trong tình yêu của chúng ta: “Tình yêu của các ngươi khác nào mây buổi sáng, mau tan tựa sương mai” (6:4). Như vậy chúng ta thấy được tình yêu của mình thường như thế nào: một lời hứa thường khó giữ, một nỗ lực mau chóng bị tan biến và bốc hơi; một cách nào đó nó giống như mặt trời mọc lên vào buổi sáng và sương đêm tan biến.

Không biết bao nhiêu lần con người yêu thương theo cách rất yếu ớt và ngắt quãng như vậy. Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm: chúng ta yêu nhưng rồi tình yêu đó vấp ngã hoặc trở nên yếu ớt. Khao khát yêu thương, chúng ta chống lại những giới hạn của mình bằng sự nghèo nàn sức mạnh của chúng ta, không đủ khả năng để giữ được một lời hứa mà trong những ngày ân sủng rất dễ dàng thực hiện. Thánh Tông đồ Phê-rô đã quá sợ hãi và chạy trốn. Thánh Tông đồ Phê-rô không trung thành với tình yêu của Chúa Giê-su. Sự yếu đuối này luôn luôn có mặt để làm chúng ta vấp ngã. Chúng ta là những người hành khất phiêu lưu và không hề tìm được gia tài mà chúng ta tìm kiếm từ ngày đầu tiên của sự sống: tình yêu.

Tuy nhiên, có một tình yêu khác hiện hữu, đó là tình yêu của Chúa Cha “Đấng ngự trên trời.” Không ai phải hoài nghi về việc mình là người được đón nhận tình yêu này. Người yêu thương chúng ta. Chúng ta có thể nói, “Người yêu tôi.” Ngay cả khi cha mẹ của chúng ta không yêu thương chúng ta — một giả thuyết thuộc lịch sử –, thì vẫn luôn có một Thiên Chúa trên Trời yêu thương chúng ta mà không ai trên trần gian này đã làm hay có thể làm như vậy. Tình yêu của Thiên Chúa luôn kiên vững. Ngôn sứ I-sai-a nói: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ. Hãy xem, Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta” (49:15-16). Việc xăm mình ngày nay đang là mốt thịnh hành: “Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta.” Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta. Như vậy tôi đã được ghi trong bàn tay của Chúa, và tôi không thể gỡ ra. Tình yêu của Thiên Chúa giống như tình yêu của một người mẹ là người không bao giờ quên. Và nếu một người mẹ có quên thì sao? Thì Chúa nói, “Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.” Đây là tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa; đây là cách Người yêu thương chúng ta. Dẫu cho tất cả mọi tình yêu thuộc thế gian của chúng ta có bị sụp đổ và chẳng còn gì ngoài bụi đất, thì vẫn luôn luôn còn lại cho tất cả chúng ta tình yêu trung tín, duy nhất, và cháy bỏng của Chúa Cha.

Trong cơn đói yêu thương mà tất cả chúng ta đều cảm nhận, chúng ta đừng đi tìm kiếm một điều gì đó không hề tồn tại; nhưng là lời mời gọi chúng ta tìm biết Thiên Chúa là Cha. Chẳng hạn sự trở lại của Thánh Augustine đã đi qua đỉnh này: vị giáo sư trẻ tuổi thông minh chỉ tìm tòi giữa các thụ tạo một điều gì đó mà không thụ tạo nào có thể trao tặng, cho đến một ngày ngài có can đảm ngước nhìn lên. Và ngày đó ngài tìm biết được Thiên Chúa — Thiên Chúa yêu thương.

Cụm từ “ở trên trời” không hàm ý diễn tả sự xa cách, nhưng là sự khác biệt tuyệt đối của tình yêu, một chiều kích khác của tình yêu, một tình yêu không bao giờ mệt mỏi, một tình yêu mãi luôn sẵn sàng, tức là luôn luôn sẵn sàng trong tầm tay. Chỉ cần thưa lên “Lạy Cha chúng con ở trên trời,” và tình yêu đó đến.

Vì vậy, đừng sợ. Không ai trong chúng ta cô đơn. Nếu có bất hạnh khi người cha nơi trần gian của bạn có quên bạn và bạn bực tức vì ông, thì bạn vẫn không bị từ chối tìm được sự trải nghiệm căn bản của đức tin Ki-tô: đó là biết rằng bạn là người con được thương yêu nhất của Thiên Chúa và chẳng điều gì trong cuộc sống có thể dập tắt được tình yêu cháy bỏng của Người dành cho bạn.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/2/2019]


Philippines: Giáo hội ở Jolo chiến đấu với ‘những lực lượng ác thần’

Philippines: Giáo hội ở Jolo chiến đấu với ‘những lực lượng ác thần’
© ACN

Philippines: Giáo hội ở Jolo chiến đấu với ‘những lực lượng ác thần’

Sau vụ tấn công đánh bom kép kinh hoàng vào Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Núi Mount Carmel

11 tháng Mười Hai, 2019 17:20

Một thành phố nhỏ trong vòng phong tỏa của quân đội, một cuộc chiến toàn diện trong thành phố tự trị lân cận chống lại những kẻ cực đoan bạo lực, các gia đình để tang sau khi chôn cất người chết, bệnh nhân bị thương đang hồi phục tại nhiều bệnh viện và một số người phải cắt bỏ các chi. Giữa tất cả những điều này, một Giáo hội địa phương thuộc Hạt Đại diện Tông tòa Jolo đang làm tất cả những gì có thể để nhóm lên niềm hy vọng cho cộng đoàn Ki-tô hữu thiểu số trong khi các bạn bè Hồi giáo tập hợp các thành viên lại để thể hiện một sức mạnh hiệp nhất giữa những kinh hoàng và đau khổ, là những điều mà thành phố đau khổ trong tỉnh Sulu này đang gánh chịu.

Đây là toàn cảnh khi phái đoàn của Tổ chức Aid of the Church in Need (ACN) đến thăm thủ phủ của đảo Jolo để bày tỏ tình đoàn kết với các nạn nhân sau vụ đánh bom kép xảy ra trước đó 9 ngày nhắm vào Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Núi Carmel ngày 27 tháng Một năm 2019. Vụ tấn công này đã khiến 23 người thiệt mạng, 112 người bị thương. ACN đã báo cáo về chuyến thăm của mình trong một bài viết ngày 8 tháng Hai.

Tin tức về các thủ phạm tình nghi bị bắt giữ và đầu hàng vẫn không vực dậy tinh thần của cư dân. Ngay cả có sự đảm bảo siết chặt về an ninh, buổi ‘Truy điệu các nạn nhân’ được tổ chức chu đáo cũng chỉ thu hút được một phần nhỏ khán giả mong đợi. Nhiều người chọn cách ở nhà. Một số gia đình đang nghiêm túc cân nhắc đến việc rời khỏi Jolo mãi mãi. Vụ đánh bom là sợi chỉ mong manh cuối cùng phá vỡ sự kiên cường của họ sau nhiều năm phải đối mặt với những đe dọa, bắt cóc, ám sát và quấy rối bởi những gì họ gọi là “những lực lượng của ác thần”.

Philippines: Giáo hội ở Jolo chiến đấu với ‘những lực lượng ác thần’

Cha Jeff Nacua Giám sở Nhà thờ Chính tòa đang được phỏng vấn bởi ACN.

“Những lực lượng của ác thần” là những người cực đoan Hồi giáo, hầu hết là những người ủng hộ Abu Sayyaf, là những người đã gây ra sự kinh hoàng cho các nhóm Ki-tô hữu thiểu số suốt nhiều năm. Những tội ác họ gây ra trong đó có việc sát hại Đức Giám mục Benjamin (Ben) thuộc Dòng Tên vào Tháng Hai năm 1997 trong Nhà thờ Chính tòa cùng với hai linh mục khác, Cha Roel Gallardo thuộc Dòng Thánh Clare bị bắt cóc, tra tấn và sát hại năm 2002 và Cha Rey Roda, Dòng Truyền giáo Mẹ Maria Vô nhiễm, năm 2008. Nạn nhân của bạo lực không chỉ là các Ki-tô hữu, vì những tay khủng bố cũng bắt cóc người Hồi giáo với ý định đòi tiền chuộc để lấy tài chính cho các hoạt động của họ.

Các nguồn được ACN tham khảo với các thành viên tên Ajang Ajang - một nhánh của Abu Sayyaf gồm những kẻ buôn bán ma túy và tội phạm, là thủ phạm của vụ tấn công gần đây nhất tại trụ sở chính của Hạt Đại diện Tông tòa Jolo.

Tuy nhiên, những thông điệp từ quân đội, chính quyền địa phương, các nhà lãnh đạo truyền thống, giáo dân được ACN đến thăm đều quả quyết: sự bách hại không do người Hồi giáo thực hiện nhưng là một nhóm thiểu số nhỏ những tay cực đoan bạo lực.

“Không một viên đạn hay quả bom nào có thể phá hủy được mối quan hệ hòa hợp giữa người Hồi giáo và Ki-tô giáo ở Jolo,” Cha Romeo Saniel, OMI, trình bày. Cha đã sống trên đảo 18 năm và được bổ nhiệm làm Giám quản Tông tòa của Phủ doãn Tông tòa Jolo trước đó chỉ vài tuần lễ. Là mục tử của một nhóm thiểu số nhỏ (một phần trăm trong tổng số dân 120.000), cha rất được người dân thán phục và kính trọng vì cam kết cung cấp nền giáo dục chất lượng và những cơ hội cho thế hệ trẻ của Tausug (nhóm sắc tộc thiểu số của Sulu), cũng như lòng can đảm của cha tiếp cận với những cựu chiến binh của Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moravia (MILF).

Philippines: Giáo hội ở Jolo chiến đấu với ‘những lực lượng ác thần’

Sáng 27 tháng Một, 2019, hai quả bom phát nổ tại Nhà thờ Chính tòa Roma Đức Bà Núi Carmel ở Jolo, Sulu, Philippines.

“Cách duy nhất để có được hòa bình dài lâu là cả người Hồi giáo và Ki-tô giáo cùng đứng bên nhau. Chúng tôi sẽ không cho phép thảm kịch này chia rẽ chúng tôi và cô lập chúng tôi khỏi phần còn lại của đất nước,” ông Datu Sakul Tan nói. Đứng đầu một nhóm chính trị có thế lực, ông được coi là người có ảnh hưởng nhất trong toàn Sulu, và ông tin tưởng mạnh mẽ vào tính hiệu quả của nền giáo dục chất lượng do Giáo hội Công giáo cung cấp cho người dân địa phương.

Những sự cần thiết được xác định rõ ràng bởi các giáo sĩ và giáo dân. Ngay cả các lực lượng vũ trang của Philippines cũng nhắm đến việc loại bỏ Nhóm Abu Sayaf, mọi người đều đồng ý cho rằng nhóm đó không bảo đảm hòa bình. Người chết đi sẽ được thay thế bởi thế hệ trẻ.

Cha Saniel và Datu Sakul Tan đều cùng chung ý kiến rằng nhu cầu về lâu dài là phải cung cấp cho những lớp người trẻ các chương trình để ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan bạo lực thông qua nền giáo dục chính thức, các chiến dịch nâng cao nhận thức, tạo ra công việc sản xuất cho những người trẻ tuổi để giúp cho họ có sinh kế, và phát triển thể thao.

Mặt khác, Cha Jeff Nadua, OMI, Giám sở Nhà thờ Chính tòa, cho thấy sự cần thiết phải tái xây dựng lại cộng đồng Kitô giáo trước và sau đó mới phục hồi Nhà thờ. “Chúng tôi cần phải giúp các Kitô hữu phục hồi sau những tổn thương này và nhìn tất cả những điều này dưới con mắt đức tin. Sau đó, chúng tôi có thể tập trung năng lượng của mình vào việc xây dựng lại kiến trúc đã bị tàn phá nặng nề bởi vụ đánh bom kép.”

Philippines: Giáo hội ở Jolo chiến đấu với ‘những lực lượng ác thần’

Bên trái: Jonathan Luciano cùng với Cha Romeo Saniel OMI – Giám quản Tông tòa Jolo.

Giám đốc quốc gia của ACN Philippines, Jonathan Luciano, có chuyến thăm liên đới đến Hạt Đại diện Tông tòa Jolo ngày 4 và 5 tháng Hai năm 2019. Anh đến thăm Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Núi Carmel bị tàn phá nặng nề và trao đổi với Cha Giám quản Tông tòa, Cha Romeo Saniel, OMI, cũng như một số thân nhân của các nạn nhân.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/2/2019]