Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2022

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Canada – Tham dự cuộc Hành hương ở Lac Ste. Anne và Phụng vụ Lời Chúa, 26.07.2022

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Canada – Tham dự cuộc Hành hương ở Lac Ste. Anne và Phụng vụ Lời Chúa, 26.07.2022

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Canada – Tham dự cuộc Hành hương ở Hồ Thánh Anna và Phụng vụ Lời Chúa, 26.07.2022

*******

Chiều nay, sau khi rời Chủng viện Thánh Giuse, Đức Thánh Cha Phanxicô đã di chuyển bằng xe hơi đến Lac Ste. Anne, tại đây, lúc 17 giờ (1:00 Roma), ngài tham dự cuộc hành hương Hồ Thánh Anna và chủ sự phần Phụng vụ Lời Chúa.

Khi đến nơi, ngài được cha xứ, linh mục đặc trách các cuộc hành hương và một số tín hữu chào đón trước nhà thờ xứ. Sau đó, ngài tiến đến hồ nước, đi qua trước tượng Thánh Anna, trong tiếng trống rước. Khi đến hồ, Đức Thánh Cha làm dấu thánh giá theo hướng của bốn điểm chính, hợp với phong tục bản địa và ban phép lành cho nước của hồ. Tiếp theo ngài tiến lên đài lễ, và sau các bài đọc, Thánh vịnh đáp ca và công bố Tin Mừng, ngài có bài giảng. Và sau lời nguyện giáo dân, Kinh Lạy Cha và phép lành cuối lễ, và làm phép tượng Đức Mẹ Tháo gỡ những Nút thắt, Đức Thánh Cha lên xe giáo hoàng và trở về nhà thờ giáo xứ.

Ngài lên xe trở về Chủng viện Thánh Giuse, tại đây ngài ăn tối riêng.

Sau đây là bài giảng của Đức Thánh Cha trong phần Phụng vụ Lời Chúa.

___________________________________

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, âba-wash-did! Tansi! Oki! [Chúc ngày tốt lành!]

Tôi rất vui mừng được có mặt ở đây, một người hành hương cùng với anh chị em và ở giữa anh chị em. Trong những ngày này, và đặc biệt là hôm nay, tôi vô cùng ấn tượng với những tiếng trống cùng đồng hành với tôi bất cứ nơi nào tôi đến. Nhịp trống này dường như là tiếng vang vọng nhịp đập của rất nhiều con tim: những trái tim đã đập bên cạnh các vùng nước này suốt nhiều thế kỷ; những trái tim của nhiều người hành hương đã tiến đến “hồ nước của Chúa”! Ở đây, chúng ta thật sự có thể cảm nhận được nhịp đập hòa hợp của những người hành hương, của nhiều thế hệ đang trên hành trình tiến về với Thiên Chúa để cảm nhận sự chữa lành của Người. Biết bao trái tim đã đến đây trong sự bồn chồn thao thức, bị những gánh nặng cuộc sống đè nặng, và tìm được niềm an ủi và sức mạnh để tiếp tục bên những dòng nước này! Ở đây, đắm chìm giữa tạo vật, chúng ta cũng có thể cảm nhận một nhịp đập khác: nhịp đập trái tim của mẹ đất. Vì vậy, cũng giống như tim của các trẻ trong cung lòng mẹ hòa nhịp đập với trái tim của mẹ chúng, để lớn lên thành người, chúng ta cần phải hòa hợp nhịp sống của chúng ta với nhịp sống của tạo vật đã và đang trao tặng cho chúng ta sự sống. Vậy hôm nay, chúng ta hãy trở về với nguồn cội của sự sống: trở về với Chúa, về với cha mẹ của chúng ta, và trong ngày lễ hôm nay và trong ngôi nhà của Thánh Anna, trở về với ông bà của chúng ta, là những người mà tôi gửi đến lời chào với lòng trìu mến.

Được truyền cảm hứng từ những nhịp đập vô cùng quan trọng này, chúng ta ở đây, thinh lặng chiêm ngưỡng làn nước của hồ này. Việc đó cũng giúp chúng ta trở lại nguồn cội của đức tin. Thật vậy, nó cho phép chúng ta đến viếng những thánh địa trong tinh thần: để hình dung Chúa Giêsu đã thực hiện phần lớn sứ vụ của Ngài trên bờ hồ: Biển hồ Galilê. Tại đó, Ngài đã chọn và gọi các Tông đồ, rao giảng các Mối phúc, giảng dạy nhiều dụ ngôn, thực hiện các dấu lạ và chữa lành. Tuy nhiên, hồ nước đó, trái tim của “Galilê miền đất của dân ngoại” (Mt 4:15), là một vùng ngoại vi, là một ngã tư thương mại, nơi hội tụ nhiều dân tộc, khiến vùng này trở thành một vùng với các tôn giáo và phong tục tập quán khác nhau. Về mặt địa lý và văn hóa, nó là địa điểm xa nhất so với khu vực tôn giáo toàn tòng ở Giêrusalem, xung quanh Đền thờ. Vì vậy, chúng ta có thể nghĩ về hồ nước đó, Biển hồ Galilê, như một nơi với sự đa dạng: ngư dân và những người thu thuế, các đại đội trưởng và nô lệ, người Pharisêu và người nghèo, những người nam và nữ từ nhiều nguồn gốc và hoàn cảnh xã hội khác nhau, tất cả đều đến với nhau trên bờ biển hồ đó. Chính tại nơi đó, Chúa Giêsu đã rao giảng về Nước Thiên Chúa: không riêng cho một cộng đoàn tôn giáo được chọn lọc, nhưng cho nhiều dân tộc khác nhau, như hôm nay, tuôn đến từ những nơi khác nhau; trong một nhà hát tự nhiên như thế này, Ngài đã giảng dạy và chào đón mọi người.

Chúa đã chọn bối cảnh đa dạng phong phú đó để loan báo cho thế gian những điều mang tính cách mạng: chẳng hạn, “hãy giơ cả má bên trái ra nữa, hãy yêu kẻ thù, hãy sống như anh chị em với nhau để được trở nên con cái của Thiên Chúa, Đấng là Cha cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (x. Mt 5:38-48). Hồ này, với tất cả sự đa dạng của nó, đã trở thành địa điểm của lời công bố chưa từng có về tình huynh đệ; không phải là một cuộc cách mạng mang lại sự chết chóc và thương tật khi nó xảy ra, nhưng là một cuộc cách mạng của tình yêu. Ở đây, bên bờ hồ này, những thanh âm của trống đã trải qua nhiều thế kỷ và hiệp nhất các dân tộc, đưa chúng ta trở lại thời điểm đó. Nó nhắc nhở chúng ta rằng tình huynh đệ trở nên đích thực nếu nó hiệp nhất những người ở xa nhau, rằng thông điệp về sự hiệp nhất mà Thiên Chúa đưa xuống trần gian không sợ hãi những khác biệt, nhưng mời gọi chúng ta đến với những mối tương giao, một sự hiệp thông của những khác biệt, để bắt đầu lại với nhau, bởi vì tất cả chúng ta đều là những người hành hương trên một hành trình.

Anh chị em thân mến, là những người hành hương đến các vùng nước này, lời Chúa có thể giúp chúng ta nhận biết những gì chúng ta có thể kín múc từ các dòng nước. Tiên tri Êdêkien nói với chúng ta hai lần rằng nước chảy từ trong Đền thờ vừa “ban sự sống” vừa “chữa lành” cho dân Chúa (xem Ed 47:8-9).

Nước mang lại sự sống. Tôi nghĩ đến nhiều người bà thân yêu đang ở đây với chúng ta: trái tim của các bà là suối nguồn từ đó dòng nước đức tin sống động tuôn đổ ra, và với dòng nước đó, các bà đã làm dịu cơn khát của con cháu mình. Tôi vô cùng ấn tượng trước vai trò quan trọng của người phụ nữ trong các cộng đồng bản địa: họ chiếm một vị trí cao như là nguồn mạch phúc lành không chỉ về thể chất mà cả về đời sống tinh thần. Khi nghĩ về những kokum của anh chị em, tôi cũng nhớ đến bà của tôi. Từ bà, tôi đón nhận được thông điệp đức tin ban đầu và hiểu rằng Tin Mừng được truyền đạt thông qua sự quan tâm yêu thương và sự khôn ngoan trong cuộc sống. Niềm tin hiếm khi đến từ việc đọc sách một mình trong góc phòng; thay vào đó, đức tin lan tỏa trong các gia đình, được truyền đi bằng ngôn ngữ của những người mẹ, trong tiếng ru ngọt ngào của những người bà. Tôi thấy ấm lòng khi nhìn thấy rất nhiều người ông bà và cụ cố ở đây. Xin cảm ơn ông bà! Tôi xin cảm ơn ông bà và muốn nói với tất cả những gia đình có người già ở trong nhà rằng: bạn đang sở hữu một kho báu! Hãy bảo vệ nguồn mạch sống này trong gia đình của bạn: hãy nâng niu nó, như một di sản quý giá cần được yêu thương và trân quý.

Ngôn sứ cũng nói rằng, ngoài việc mang đến sự sống, nước còn chữa lành. Điều này cũng đưa chúng ta quay trở lại bờ Biển hồ Galilê, nơi Chúa Giêsu “chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật” (Mc 1:34). Khi hoàng hôn buông xuống, “người ta đem mọi kẻ ốm đau đến cho Người” (câu 32). Tối nay, chúng ta hãy hình dung mình đang ở quanh hồ với Chúa Giêsu, khi Người đến gần, cúi xuống và với lòng kiên nhẫn, lòng trắc ẩn và sự dịu dàng, chữa lành cho nhiều người mang những căn bệnh về thể xác hoặc tinh thần: người bị quỷ ám, người bại liệt, người mù và người phong hủi, và cả những người bị tan vỡ cõi lòng và thất vọng, người bị lạc lối và tổn thương. Chúa Giêsu đã đến khi đó, và bây giờ Ngài vẫn đang đến, để chăm sóc chúng ta, để an ủi và chữa lành cho gia đình nhân loại cô đơn và mệt mỏi của chúng ta. Người ngỏ lời mời gọi sau đây với mọi người, và với chúng ta: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:28). Hoặc như Người nói trong trích đoạn chúng ta đã nghe chiều nay: “Ai khát, hãy đến với tôi, hãy đến mà uống” (Ga 7:37-38).

Thưa anh chị em, tất cả chúng ta cần sự chữa lành của Chúa Giêsu, là thầy thuốc của linh hồn và thân xác. Lạy Chúa, như những người bên bờ Biển hồ Galilê đã không ngại kêu lên cùng Chúa với những nhu cầu của họ, nên chúng con cũng đến với Người, lạy Chúa, tối nay, với tất cả những nỗi đau chúng con mang trong mình. Chúng con mang đến cho Người sự mệt mỏi và những cuộc đấu tranh của chúng con, những vết thương do bạo lực mà những người anh chị em bản địa của chúng con đã phải gánh chịu. Tại nơi diễm phúc này, nơi sự hòa hợp và bình an ngự trị, chúng con xin dâng lên Chúa những kinh nghiệm bất hòa của chúng con, những tác hại khủng khiếp của sự thực dân hóa, những nỗi đau không thể xóa nhòa của rất nhiều gia đình, những người ông bà và trẻ em. Lạy Chúa, xin giúp chữa lành những vết thương của chúng con. Lạy Chúa, chúng con biết rằng điều này đòi hỏi chúng con phải nỗ lực, phải chăm sóc và có những hành động cụ thể về phía chúng con; nhưng chúng con cũng biết rằng chúng con không thể làm được điều này một mình. Chúng con trông cậy vào Chúa và sự cầu bầu của Mẹ Người và Bà của Người.

Vâng, lạy Chúa, chúng con phó thác cho sự chuyển cầu của Thân Mẫu Người và Bà của Người, vì những người mẹ và những người bà giúp chữa lành các vết thương lòng của chúng con. Vào thời điểm đầy kịch tính của cuộc chinh phục, Đức Mẹ Guadalupe đã truyền đức tin đích thực cho người dân bản địa, nói ngôn ngữ của họ và mặc trang phục của họ, không bạo lực hay áp đặt. Ngay sau đó, với sự xuất hiện của việc in ấn, những quyển sách về quy tắc ngôn ngữ và giáo lý đầu tiên đã được xuất bản bằng các ngôn ngữ bản địa. Không biết bao điều tốt lành đã được thực hiện về mặt này bởi những nhà truyền giáo, trong vai trò là những người rao giảng Tin mừng đích thực, đã bảo tồn các ngôn ngữ và văn hoá bản địa ở nhiều nơi trên thế giới! Ở Canada, sự “hội nhập văn hóa đầy tình mẫu tử” này đã diễn ra thông qua Thánh Anna, kết hợp giữa nét đẹp của các truyền thống bản địa và đức tin, đồng thời tô điểm chúng bằng sự ngôn ngoan của một người Bà, người hai lần làm mẹ.

Giáo hội cũng là một người nữ, một người mẹ. Trên thực tế, chưa từng có lần nào trong lịch sử Giáo hội mà đức tin không được truyền lại bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, được truyền lại bởi những người bà và người mẹ. Tuy nhiên, một phần của di sản đau thương mà chúng ta đang phải đối mặt bắt nguồn từ thực tế rằng những người bà bản địa đã bị ngăn cản việc truyền lại đức tin bằng ngôn ngữ và văn hóa của họ. Sự mất mát đó chắc chắn là bi thảm, nhưng sự hiện diện của anh chị em ở đây minh chứng cho tính kiên cường và một khởi đầu mới, của cuộc hành hương hướng tới sự chữa lành, của một trái tim rộng mở với Thiên Chúa, Đấng chữa lành đời sống của các cộng đồng. Tất cả chúng ta, với tư cách là một Giáo hội, giờ đây cần được chữa lành: chữa lành khỏi cám dỗ khép mình lại, bảo vệ thể chế hơn là tìm kiếm sự thật, thích quyền lực thế gian hơn là phục vụ Tin Mừng. Anh chị em thân mến, với sự trợ giúp của Chúa, chúng ta hãy giúp nhau trong việc đóng góp sức mình xây dựng một Giáo hội Mẹ đẹp lòng Người: có khả năng ôm lấy từng người con của mình; một Giáo hội rộng mở cho tất cả mọi người và nói với tất cả mọi người; một Giáo hội không chống lại bất kỳ ai, và gặp gỡ tất cả mọi người.

Những đám đông tại Biển hồ Galilê tụ tập quanh Chúa Giêsu đa phần là những con người bình thường, đơn sơ, họ mang đến cho Ngài những nhu cầu và nỗi đau của riêng họ. Nếu chúng ta muốn chăm sóc và chữa lành đời sống của cộng đồng chúng ta, chúng ta cần phải bắt đầu từ những người nghèo và bị thua thiệt nhất. Thông thường, chúng ta cho phép mình được dẫn dắt bởi lợi ích của một số ít người sung túc. Chúng ta cần nhìn nhiều hơn đến các vùng ngoại vi và lắng nghe tiếng khóc của những người anh chị em bé mọn nhất của chúng ta. Chúng ta cần học cách lắng nghe nỗi đau của những người thường kêu lên trong thầm lặng: “Xin đừng bỏ rơi chúng tôi!” trong những thành phố chật chội và thờ ơ của chúng ta, Đó cũng là lời van xin của những người già có nguy cơ bị chết cô đơn tại nhà hoặc trong viện dưỡng lão. Với những người bệnh, thay vì được sự yêu mến, họ lại được cung cấp cho cái chết. Chính những lời cầu xin bị bóp nghẹt của người trẻ trở thành con mồi của những chứng nghiện ngập chỉ đưa họ tới sự chán nản và thất vọng, không còn tin vào bản thân hoặc yêu thương chính con người của họ, không còn biết trân quý vẻ đẹp của cuộc sống của họ. Họ bị chất vấn nhiều hơn là được lắng nghe, họ trao quyền tự do của mình cho chiếc điện thoại di động, trong khi những người trẻ khác lang thang, lạc lõng, không mục đích. Xin đừng bỏ rơi chúng tôi! Đó là tiếng kêu của những người muốn một thế giới tốt đẹp hơn nhưng không biết bắt đầu từ đâu.

Trong bài Tin Mừng tối hôm nay, Chúa Giêsu, Đấng chữa lành và an ủi chúng ta bằng nước hằng sống của Thần Khí, cũng yêu cầu điều đó từ chúng ta, từ tâm hồn của những người tin vào Ngài, “những dòng nước hằng sống sẽ tuôn chảy” (xem câu 38).

Nhưng liệu chúng ta có thể làm dịu cơn khát của anh chị em mình không? Trong khi tiếp tục cầu xin Thiên Chúa ban sự an ủi, chúng ta có thể mang đến sự an ủi cho người khác không? Chuyện thường xảy đến là chúng ta giải phóng bản thân khỏi nhiều gánh nặng trong lòng, những gánh nặng như không cảm thấy được yêu thương hoặc tôn trọng, đơn giản bằng cách hãy bắt đầu yêu thương người khác một cách tự do. Khi chúng ta cô đơn và bồn chồn, Chúa Giêsu thúc giục chúng ta ra đi, để cho đi, để yêu thương. Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi mình: tôi phải làm gì cho những người cần đến tôi? Khi nhìn vào các dân tộc bản địa và nghĩ về lịch sử của họ và những nỗi đau mà họ phải chịu đựng, tôi phải làm gì cho những người dân bản địa? Tôi chỉ lắng nghe với sự tò mò, kinh hoàng trước những gì đã xảy ra trong quá khứ, hay tôi làm điều gì đó cụ thể cho họ? Tôi có cầu nguyện, gặp gỡ, đọc, ủng hộ họ và cho phép bản thân rung động trước câu chuyện của họ không? Nhìn vào cuộc sống của riêng tôi, khi tôi thấy đau khổ, tôi có lắng nghe Chúa Giêsu, Đấng muốn đưa tôi vượt ra khỏi giới hạn của sự thiếu kiên nhẫn của tôi, Đấng mời gọi tôi làm lại từ đầu, tiến thêm một bước nữa, để yêu thương không? Đôi khi, cách tốt đẹp để giúp đỡ người khác không phải là cho họ ngay lập tức những gì họ yêu cầu, mà là đồng hành với họ, mời gọi họ yêu thương và cho đi chính bản thân họ. Bằng cách này, thông qua những việc thiện mà họ làm cho người khác, họ sẽ khám phá ra những dòng nước hằng sống của chính họ, và kho tàng độc đáo và quý giá mà họ thực sự có.

Thưa anh chị em người bản địa, tôi đến đây với tư cách là một người hành hương và cũng để nói với anh chị em rằng anh chị em quý giá như thế nào đối với tôi và với Giáo hội. Tôi muốn Giáo hội được đan kết với nhau giữa chúng ta, được đan kết chặt chẽ như những sợi chỉ trên những dải băng màu mà nhiều người trong anh chị em đeo. Xin Chúa giúp chúng ta tiến tới trong tiến trình chữa lành, hướng tới một tương lai ngày càng lành mạnh và được canh tân. Tôi tin rằng đây cũng là mong ước của những người ông bà của anh chị em, cũng như những người ông bà của chúng tôi. Xin ông bà của Chúa Giêsu là Thánh Gioakim và Thánh Anna phù hộ cho chúng ta trên hành trình.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/7/2022]


Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô ở Canada – Thánh lễ tại Sân vận động Khối thịnh vượng chung, 26.07.2022

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô ở Canada – Thánh lễ tại Sân vận động Khối thịnh vượng chung, 26.07.2022


Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô ở Canada – Thánh lễ tại Sân vận động Khối thịnh vượng chung, 26.07.2022

*******

Sáng nay, sau khi rời Chủng viện Thánh Giuse, Đức Thánh Cha Phanxicô di chuyển bằng xe hơi đến Sân vận động Khối thịnh vượng chung ở Edmonton.

Khi đến nơi, Đức Giáo hoàng di chuyển vòng quanh sân vận động trên xe giáo hoàng để chào các tín hữu, kể cả tại Sân vận động Clarke liền kề lúc 10 giờ 15 (18 giờ 15 Roma), ngài chủ tế Thánh Lễ kính các Thánh Gioakim và Anna, cha mẹ của Đức Trinh Nữ Maria, với sự hiện diện của khoảng 50.000 tín hữu.

Đức Thánh Cha có bài giảng sau phần công bố Tin Mừng.

Cuối Thánh Lễ, Đức Tổng Giám Mục Richard William Smith của Edmonton ngỏ lời chào và cảm ơn Đức Thánh Cha. Sau đó Đức Thánh Cha Phanxicô trở về Chủng viện Thánh Giuse bằng xe hơi.

Sau đây là bài giảng trong Thánh Lễ của Đức Thánh Cha:

________________________________________

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Hôm nay chúng ta mừng lễ ông bà của Chúa Giêsu. Chúa đã tập hợp tất cả chúng ta lại với nhau đúng vào dịp này, rất đỗi thân thương đối với anh chị em và với tôi. Chính tại ngôi nhà của Thánh Gioakim và Anna, trẻ thơ Giêsu đã biết được những người họ hàng lớn tuổi của Người và cảm nghiệm được sự gần gũi, tình yêu thương dịu dàng và sự khôn ngoan của ông bà mình. Chúng ta hãy nghĩ về ông bà của chúng ta, và suy ngẫm về hai điều quan trọng.

Trước hết: chúng ta là những người con của một lịch sử phải được bảo tồn. Chúng ta không phải là những cá thể biệt lập, những hòn đảo. Không ai đi vào thế giới này tách biệt khỏi những người khác. Nguồn cội của chúng ta, tình yêu đang mong chờ và chào đón chúng ta đi vào thế giới, gia đình nơi chúng ta lớn lên, là một phần của lịch sử duy nhất đã đi trước chúng ta và trao tặng cho chúng ta sự sống. Chúng ta đã không chọn lịch sử đó; chúng ta đón nhận nó như một món quà, một món quà mà chúng ta được kêu gọi phải trân quý, như Sách Huấn ca nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là “lũ cháu đàn con” của những người đi trước chúng ta; chúng ta là “cơ nghiệp” của họ (Hc 44:11). Một sự kế thừa tập trung vào sự công bình, lòng trung thành với Thiên Chúa và thánh ý của Người, chưa nói đến những khẳng định về uy tín hoặc quyền bính, trí thông minh hoặc sự sáng tạo trong bài hát hoặc thi ca. Đây là những gì họ truyền lại cho chúng ta. Để chấp nhận con người thật của chúng ta, và giá trị của chúng ta như thế nào, chúng ta phải biết chấp nhận những người mà chúng ta là hậu duệ của họ như là một phần của bản thân. Họ không nghĩ riêng cho bản thân, mà truyền lại cho chúng ta kho báu của cuộc sống. Chúng ta có mặt ở đây là nhờ cha mẹ của chúng ta, nhưng cũng nhờ ông bà của chúng ta, những người đã giúp chúng ta cảm thấy được chào đón đi vào thế giới. Họ thường là những người yêu thương chúng ta vô điều kiện, không mong nhận lại bất cứ điều gì. Họ đã nắm tay chúng ta khi chúng ta thấy sợ hãi, trấn an chúng ta trong bóng tối của màn đêm, động viên chúng ta khi chúng ta phải đối mặt với những quyết định quan trọng của cuộc đời. Nhờ ông bà, chúng ta nhận được sự âu yếm từ lịch sử đi trước chúng ta: chúng ta học được rằng lòng tốt, tình yêu thương dịu dàng và sự khôn ngoan là cội rễ vững chắc của nhân loại. Nhiều người trong chúng ta đã hít thở được hương thơm của Tin Mừng chính trong ngôi nhà của ông bà chúng ta, sức mạnh của một đức tin khiến chúng ta cảm thấy như ở nhà. Nhờ họ, chúng ta khám phá ra đức tin “quen thuộc” đó, một đức tin tại gia. Bởi vì đó là cách đức tin được truyền lại, trong gia đình, thông qua tiếng mẹ đẻ, với tình cảm và sự động viên, sự quan tâm và gần gũi.

Đây là lịch sử của chúng ta, chúng ta là những người thừa kế và chúng ta được kêu gọi phải bảo tồn. Chúng ta là con là cháu. Ông bà của chúng ta để lại một dấu ấn riêng cho chúng ta bằng cách sống của họ; họ đã cho chúng ta phẩm giá và sự tự tin vào bản thân và vào những người khác. Họ trao tặng cho chúng ta điều mà không bao giờ có thể bị lấy mất khỏi chúng ta, đồng thời cho phép chúng ta trở nên độc nhất, riêng biệt và tự do. Từ ông bà, chúng ta học được rằng tình yêu không bao giờ bị ép buộc; nó không bao giờ tước mất sự tự do tâm hồn của người khác. Đó là cách mà Thánh Gioakim và Thánh Anna yêu thương Mẹ Maria và Chúa Giêsu; và đó là cách Mẹ Maria đã yêu thương Chúa Giêsu, với một tình yêu không bao giờ làm ngột ngạt hay kìm hãm Chúa, nhưng đồng hành với Người trong việc thực hiện sứ mệnh mà Người đã đến trong thế gian. Chúng ta hãy cố gắng học lấy điều này, với vai trò là những cá nhân và là một Giáo hội. Ước mong chúng ta học cách không bao giờ tạo áp lực trên lương tâm của người khác, không bao giờ hạn chế sự tự do của những người xung quanh chúng ta, và trên hết, luôn yêu thương và tôn trọng những người đi trước và được giao phó cho chúng ta chăm sóc. Vì họ là một kho tàng quý báu lưu giữ một lịch sử lớn lao hơn chính họ.

Sách Huấn ca cũng cho chúng ta biết rằng việc bảo tồn lịch sử đã trao tặng cho chúng ta sự sống không có nghĩa là làm mờ nhạt đi “vinh quang” của tổ tiên chúng ta. Chúng ta không được lãng quên họ, cũng như không được quên lịch sử đã sinh ra cuộc đời của chính chúng ta. Chúng ta phải luôn nhớ đến những người với bàn tay vuốt ve âu yếm chúng ta và những người đã ôm chúng ta trong vòng tay của họ; vì trong lịch sử này, chúng ta có thể tìm được niềm an ủi trong những lúc ngã lòng, tìm được một ánh sáng dẫn đường cho chúng ta, và lòng can đảm đối mặt với những thử thách của cuộc sống. Tuy nhiên, bảo tồn lịch sử đã trao cho chúng ta sự sống cũng có nghĩa là luôn trở về ngôi trường đó, nơi chúng ta học cách yêu thương đầu đời. Nó có nghĩa là chúng ta phải tự hỏi bản thân rằng những người già mà chúng ta quen biết khi đối mặt với các lựa chọn hàng ngày sẽ làm điều gì khôn ngoan nhất khi ở vị trí của chúng ta, những người ông bà và ông bà cố của chúng ta sẽ cho chúng ta lời khuyên gì.

Vì vậy, thưa anh chị em thân, chúng ta hãy tự đặt câu hỏi: chúng ta có phải là những người con cháu có đủ khả năng bảo vệ kho tàng mà chúng ta được thừa hưởng này không? Chúng ta có ghi nhớ những lời dạy bảo tốt đẹp mà chúng ta đã đón nhận không? Chúng ta có nói chuyện với người cao tuổi, và dành thời gian để lắng nghe họ không? Và, trong những ngôi nhà ngày càng được trang bị đầy đủ, hiện đại và tiện nghi, chúng ta có biết dành một không gian xứng đáng để lưu giữ ký ức của họ, một vị trí đặc biệt, một đài tưởng niệm nhỏ của gia đình mà qua những bức ảnh và đồ vật quý báu, chúng ta có thể nhớ đến những người đi trước chúng ta không? Chúng ta có giữ lại quyển Kinh thánh, tràng chuỗi Mân Côi của họ không? Trong làn sương mù của sự lãng quên phủ bóng mờ trong thời đại của chúng ta, thưa anh chị em, điều cần thiết là phải chăm sóc cội nguồn của chúng ta, hãy cầu nguyện cho các bậc tiền nhân và cùng với các bậc tiền nhân của chúng ta, dành thời gian để nhớ đến và bảo vệ di sản của họ. Đây là cách để một cây gia đình phát triển; đây là cách xây dựng tương lai.

Bây giờ chúng ta hãy nghĩ đến điều quan trọng thứ hai. Ngoài việc là những người con của một lịch sử phải được bảo tồn, chúng ta còn là tác giả của một lịch sử chưa được viết ra. Mỗi người trong chúng ta đều có thể nhận ra mình là ai và là gì, được đánh dấu bằng cả ánh sáng và bóng tối, và bằng tình yêu mà chúng ta đã đón nhận hoặc không được đón nhận. Đây là mầu nhiệm của cuộc sống con người: tất cả chúng ta đều là con của ai đó, được sinh ra và uốn nắn bởi người khác, nhưng khi chúng ta trưởng thành, chúng ta cũng được kêu gọi để trao ban sự sống, trở thành người cha, người mẹ hoặc ông bà đối với người khác. Nghĩ về con người chúng ta ngày nay, chúng ta muốn làm gì với bản thân? Những người ông bà đã đi trước, những người cao tuổi đã có những mơ ước và hy vọng cho chúng ta, và đã hy sinh rất nhiều cho chúng ta, đặt ra cho chúng ta một câu hỏi vô cùng quan trọng: chúng ta muốn xây dựng một xã hội như thế nào? Chúng ta đã nhận được quá nhiều từ bàn tay của những người đi trước. Đến lượt chúng ta, chúng ta muốn để lại điều gì cho những người đến sau chúng ta? “Nước hoa hồng”, đó là một đức tin bị phai nhạt, hay một đức tin sống động? Một xã hội được thành lập dựa trên lợi nhuận cá nhân hay dựa trên tình huynh đệ? Một thế giới chiến tranh hay một thế giới hòa bình? Một tạo vật bị tàn phá hay một ngôi nhà tiếp tục chào đón?

Chúng ta đừng quên rằng nhựa sống đi từ rễ đến cành, đến lá, đến hoa, và rồi đến quả của cây. Truyền thống đích thực được thể hiện theo chiều dọc này: từ dưới lên. Chúng ta cần phải cẩn thận kẻo rơi vào một bức tranh biếm họa của truyền thống, không phải theo chiều dọc – từ rễ lên đến hoa trái – mà là theo chiều ngang – tiến tới và đi lùi. Truyền thống được quan niệm theo cách này chỉ dẫn chúng ta đến một loại “văn hóa đi lùi”, là nơi ẩn náu của tính quy ngã chỉ biết nhìn hiện tại, giam hãm nó trong tâm lý cho rằng, “Chúng tôi luôn làm theo cách này”.

Trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng các ông có phúc vì được nhìn thấy và nghe thấy điều mà biết bao ngôn sứ và những người công chính ao ước (x. Mt 13:16-17). Nhiều người tin tưởng lời hứa của Thiên Chúa về Đấng Mêsia sẽ đến, đã dọn đường cho Ngài và loan báo Ngài sẽ đến. Nhưng bây giờ Đấng Mêsia đã đến, những ai có thể nhìn thấy và nghe thấy Ngài được kêu gọi hãy chào đón Ngài và công bố sự hiện diện của Ngài ở giữa chúng ta.

Thưa anh chị em, điều này cũng áp dụng đối với chúng ta. Những người đi trước chúng ta đã truyền lại cho chúng ta nhiệt huyết, sức mạnh và lòng khát khao, một ngọn lửa mà chúng ta có thể nhóm lại. Vấn đề không phải là bảo tồn tro tàn, mà là thắp lại ngọn lửa họ đã đốt lên. Ông bà của chúng ta và những người cao tuổi muốn nhìn thấy một thế giới công bằng, huynh đệ và đoàn kết hơn, và họ đã chiến đấu để mang đến cho chúng ta một tương lai. Bây giờ, chúng ta không được để họ thất vọng. Việc tiếp nhận truyền thống đã nhận được là tùy thuộc vào chúng ta, bởi vì truyền thống đó là đức tin sống động của những người đã khuất. Chúng ta đừng biến nó thành “chủ nghĩa truyền thống”, tức là đức tin đã chết của người đang sống, như lời một nhà văn từng nói. Được nuôi dưỡng bởi những người là cội rễ của chúng ta, bây giờ đến lượt chúng ta phải sinh hoa kết trái. Chúng ta là những cành phải trổ hoa và gieo rắc hạt giống mới cho lịch sử. Vậy chúng ta hãy tự hỏi mình một số câu hỏi cụ thể. Là một phần của lịch sử cứu độ, dưới ánh sáng của những người đã đi trước tôi và yêu thương tôi, bây giờ tôi phải làm gì? Tôi có một vai trò duy nhất và không thể thay thế trong lịch sử, nhưng tôi sẽ để lại dấu ấn gì? Tôi đang truyền lại điều gì cho những người sẽ đến sau tôi? Tôi đang cho đi điều gì của bản thân? Chúng ta thường đo lường cuộc sống của mình dựa trên mức thu nhập, nghề nghiệp, mức độ thành công và cách người khác nhìn nhận về chúng ta. Tuy nhiên, đây không phải là những tiêu chuẩn trao tặng sự sống. Câu hỏi đích thực là: tôi có trao tặng sự sống không? Tôi có đưa vào lịch sử một tình yêu mới và đổi mới mà trước đây không có? Tôi có đang loan báo Tin Mừng trong khu phố của tôi không? Tôi có phục vụ người khác cách nhưng không theo con đường mà những người đi trước đã làm cho tôi không? Tôi đang làm gì cho Giáo hội, cho thành phố, cho xã hội của chúng tôi? Thưa anh chị em, thật dễ dàng để chỉ trích, nhưng Chúa không muốn chúng ta là những người chỉ trích hệ thống, hoặc khép mình và “bỏ cuộc”, như tác giả Thư gửi tín hữu Do thái đã nói (xem 10:39). Ngược lại, Chúa muốn chúng ta trở thành những nghệ nhân của một lịch sử mới, là những người đan dệt hy vọng, những người xây dựng tương lai, những người kiến ​​tạo hòa bình.

Xin Thánh Gioakim và Thánh Anna cầu bầu cho chúng ta. Xin các ngài giúp chúng ta biết trân trọng lịch sử đã trao cho chúng ta sự sống, và về phần chúng ta, xây dựng một lịch sử trao ban sự sống. Xin các ngài nhắc nhở chúng ta về bổn phận thiêng liêng của chúng ta là tôn kính ông bà của chúng ta và những người cao tuổi, trân quý sự hiện diện của họ giữa chúng ta để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Một tương lai trong đó người cao tuổi không bị gạt sang một bên vì theo quan điểm “thực dụng”, họ “không còn hữu ích nữa”. Một tương lai không đánh giá giá trị của con người chỉ đơn thuần dựa trên những gì họ có thể tạo ra. Một tương lai không thờ ơ trước nhu cầu được quan tâm và lắng nghe của người già. Một tương lai trong đó lịch sử bạo lực và gạt ra ngoài lề mà các anh chị em người bản địa của chúng ta phải gánh chịu sẽ không bao giờ lặp lại. Tương lai đó là có thể nếu chúng ta không cắt đứt mối dây liên kết giữa chúng ta với những người đi trước, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, và nếu chúng ta thúc đẩy đối thoại với những người sẽ đến sau chúng ta. Người trẻ và người già, ông bà và con cháu. Tất cả chúng ta hãy cùng nhau tiến về phía trước, và cùng nhau, chúng ta hãy ước mơ. Ngoài ra, chúng ta đừng quên lời dạy của Thánh Phaolô với môn đệ Timôthê: Hãy nhớ đến mẹ và bà của anh (xem 2 Ti 1:5).


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/7/2022]