Thứ Ba, 25 tháng 2, 2020

Đức Thánh Cha ở Bari kêu gọi chiến đấu chống lại ‘thói quen thích kêu ca’

Đức Thánh Cha ở Bari kêu gọi chiến đấu chống lại ‘thói quen thích phàn nàn’
© Vatican Media

Đức Thánh Cha ở Bari kêu gọi chiến đấu chống lại ‘thói quen thích kêu ca’

‘Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em’

23 tháng Hai, 2020 15:04

Đức Thánh Cha Phanxico đến Bari, Ý, hôm Chúa nhật với thông điệp hòa bình, gặp gỡ các giám mục của vùng Địa Trung hải và dâng Thánh Lễ trong Vương cung Thánh đường Thánh Nicholas.

Trình bày bài giảng Thánh Lễ theo Tin mừng trong ngày, trình thuật của Thánh Mát-thêu về Bài giảng trên Núi, Đức Thánh Cha nhắc lại lời của Chúa Giê-su mang tính cách mạng tại thời điểm đó – và vẫn cần phải được đón nhận ngày nay: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.”

Đức Thánh Cha nói, “Sự thờ phụng Thiên Chúa thì ngược lại với văn hóa hận thù. Và phải chiến đấu với văn hóa hận thù bằng việc chống lại thói quen thích kêu ca.

“Chúa không dè dặt; Người không đầu hàng trước những thỏa hiệp. Người đòi hỏi nơi chúng ta tính cực đoan của đức ái. Đây là sự cực đoan hợp pháp duy nhất của Ki-tô giáo: tính cực đoan của tình yêu.”



Dưới đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha, do Vatican cung cấp (bản tiếng Anh):

Chúa Giê-su trích dẫn luật xưa: “Mắt đền mắt răng đền răng” (Mt 5:38; Xh 21:24). Chúng ta biết ý nghĩa luật đó là gì: khi một người lấy một thứ gì đó của bạn, thì bạn được lấy lại cùng một thứ như vậy từ người kia. Luật ăn miếng trả miếng đó thật ra là một dấu hiệu tiến bộ, vì nó tránh việc trả thù quá mức. Nếu một người làm hại bạn, thì bạn có thể làm hại lại người đó với cùng mức độ như vậy; bạn không thể làm điều gì đó tồi tệ hơn. Chấm dứt vấn đề ở đó, trong sự đáp trả sòng phẳng, là một bước tiến.

Nhưng Chúa Giê-su đi xa hơn điều này: “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác” (Mt 5:39). Nhưng lạy Chúa, làm sao mà được? Nếu có kẻ nghĩ xấu về con, nếu có kẻ làm con tổn thương, tại sao con lại không thể trả đũa lại kẻ đó với cùng mức độ? “Không”, Chúa Giê-su nói. Phi bạo lực. Không một hành vi bạo lực nào.

Chúng ta có thể suy nghĩ rằng lời dạy của Chúa Giê-su là một phần của một kế hoạch; cuối cùng những kẻ xấu sẽ chừa bỏ. Nhưng đó không phải là lý do Chúa Giê-su yêu cầu chúng ta phải yêu thương ngay cả những người làm hại chúng ta. Vậy thì lý do là gì? Chính Chúa Cha, Cha của chúng ta, tiếp tục yêu thương mọi người, ngay cả khi tình yêu của Người không được đền đáp. Chúa Cha “cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (c. 45). Trong bài đọc một hôm nay, Người nói với chúng ta: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Lv 19:2). Nói một cách khác là: “Hãy sống như Ta, hãy tìm kiếm những điều như Ta tìm kiếm.” Và đây chính là những gì Chúa Giê-su đã làm. Ngài đã không chỉ ngón tay vào những kẻ kết án Ngài hoàn toàn phi lý và đưa Ngài đến với cái chết đau thương, nhưng giang rộng vòng tay ra cho họ trên thập giá. Và Ngài tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh xuyên qua cổ tay của Người (x. Lc 23:33-34).

Nếu chúng ta muốn trở thành những môn đệ của Đức Ki-tô, nếu chúng ta muốn gọi mình là người Ki-tô hữu, đây là con đường duy nhất; chẳng còn con đường nào khác. Được Thiên Chúa yêu thương, chúng ta được kêu gọi hãy yêu thương; được tha thứ, chúng ta được kêu gọi hãy thứ tha; được chạm đến bởi tình yêu, chúng ta được kêu gọi hãy yêu thương mà không đợi người khác yêu thương trước; được cứu thoát một cách nhưng không, chúng ta được kêu gọi đừng tìm kiếm ích lợi từ những việc thiện chúng ta làm. Anh chị em cũng có thể nói rằng: “Nhưng Chúa Giê-su đi quá xa! Ngài thậm chí nói: ‘hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em’ (Mt 5:44). Chắc Ngài nói như vậy để thu hút sự chú ý của mọi người, nhưng Ngài không thật sự có ý nói như vậy.” Nhưng Người thật sự có ý nói như vậy. Ở đây Chúa Giê-su không nói theo những cách nghịch biện hoặc sử dụng những cụm từ đẹp. Người rất thẳng thắn và rõ ràng. Người trích dẫn luật xưa và trịnh trọng nói với chúng ta: “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù.” Lời của Người là vô cùng thận trọng và chính xác.

Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Đây là sự đổi mới của Ki-tô giáo. Nó là sự khác biệt của Ki-tô giáo. Cầu nguyện và yêu thương: đây là những gì chúng ta phải thực hiện; và không chỉ làm cho những người yêu thương chúng ta, không chỉ cho những bạn bè và dân tộc chúng ta. Tình yêu của Chúa Giê-su không biết đến biên giới hoặc rào cản. Chúa yêu cầu chúng ta lòng can đảm để yêu thương mà không tính toán. Vì sự tính toán của Chúa Giê-su đó là yêu thương mà không suy tính. Không biết bao nhiêu lần chúng ta từ chối mệnh lệnh này, để cư xử cũng giống như mọi người khác! Và giới răn yêu thương của Người không đơn thuần là một thách đố; đó là trung tâm điểm của Tin mừng. Nơi đâu mệnh lệnh yêu thương phổ quát được quan tâm, chúng ta không chấp nhận những bào chữa hoặc biện hộ cho sự dè dặt cẩn trọng. Chúa không dè dặt, Người không đầu hàng trước những thỏa hiệp. Người đòi hỏi nơi chúng ta tính cực đoan của đức ái. Đây là sự cực đoan hợp pháp duy nhất của Ki-tô giáo: tính cực đoan của tình yêu.

Hãy yêu kẻ thù. Hôm nay trong Thánh Lễ này và sau đó, chúng ta hãy tự mình lặp lại những lời này thật kỹ và thực hiện những lời đó với người đối xử không tốt với chúng ta, những người làm phiền chúng ta, những người chúng ta thấy khó mà chấp nhận được, những người làm mất sự bình an của chúng ta. Hãy yêu kẻ thù. Chúng ta cũng hãy tự hỏi mình rằng: “Tôi thật sự quan tâm đến điều gì trong cuộc sống này? Về những kẻ thù, hay về những người không ưa tôi? Hay về sự yêu thương?” Đừng lo lắng về sự thâm hiểm của người khác, về những người nghĩ xấu cho anh chị em. Thay vì vậy, hãy bắt đầu tháo cởi vũ khí trong tâm hồn để nhường chỗ cho tình yêu Chúa Giê-su. Vì những ai yêu mến Thiên Chúa thì không có kẻ thù trong lòng.

Sự thờ phụng Thiên Chúa thì ngược lại với văn hóa hận thù. Và phải chiến đấu với văn hóa hận thù bằng việc chống lại thói quen thích kêu ca. Không biết bao nhiêu lần chúng ta kêu ca về những thứ chúng ta thiếu, về những việc không đi theo hướng thuận lợi! Chúa Giê-su biết tất cả những gì không đạt hiệu quả. Người biết rằng luôn luôn có ai đó không thích chúng ta, hoặc một người nào đó làm cho cuộc sống chúng ta trở nên sầu khổ. Tất cả mọi điều Người yêu cầu chúng ta làm là cầu nguyện và yêu thương. Đây là cuộc cách mạng của Chúa Giê-su, cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử: từ oán ghét kẻ thù trở thành yêu thương kẻ thù của chúng ta; từ thói quen kêu ca phàn nàn trở thành văn hóa trao tặng. Nếu chúng ta thuộc về Chúa Giê-su, thì đây là con đường chúng ta được kêu gọi để đi theo! Không có con đường nào khác.

Quả thật, anh chị em có thể phản đối: “Tôi hiểu sự cao cả của lý tưởng, nhưng đó không phải là cách mà cuộc sống thật sự diễn ra! Nếu tôi yêu thương và tha thứ, tôi sẽ không sống sót được trên thế giới này, nơi mà lập luận của sức mạnh thắng thế và mọi người dường như chỉ quan tâm đến bản thân họ.” Như vậy có phải luận lý của Chúa Giê-su, cách Ngài nhìn mọi việc, là luận lý của kẻ bại trận? Trong con mắt của thế gian, đúng là như vậy, nhưng trong con mắt của Thiên Chúa, đó là luận lý của người chiến thắng. Như Thánh Phaolo nói cho chúng ta biết trong bài đọc hai: “Đừng ai tự lừa dối mình … Vì sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa” (1 Cr 3:18-19). Chúa nhìn thấy những điều chúng ta không thể nhìn thấy. Người biết cách để chiến thắng. Người biết rằng chỉ có thể chiến thắng sự dữ bằng sự thiện. Đó là cách Người đã cứu thoát chúng ta: không phải bằng lưỡi gươm, nhưng bằng thập giá. Yêu thương và tha thứ là cách sống như một người chiến thắng. Chúng ta sẽ thua nếu chúng ta bảo vệ đức tin bằng sức mạnh.

Chúa sẽ lặp lại cho chúng ta những lời Người nói với Phê-rô trong vườn Cây Dầu: “Hãy xỏ gươm vào bao” (Ga 18:11). Trong những Vườn Cây Dầu của ngày nay, trong thế giới thờ ơ và bất công của chúng ta dường như chứng thực cho sự đau đớn của hy vọng, thì người Ki-tô hữu không thể hành động giống như những môn đệ ban đầu thì rút gươm ra nhưng sau đó lại chạy trốn. Không, giải pháp không phải là rút gươm của chúng ta ra để chống lại người khác hoặc chạy trốn khỏi thời gian chúng ta đang sống. Giải pháp đó là con đường của Chúa Giê-su: yêu thương tích cực, yêu thương khiêm nhường, yêu “đến cùng” (Ga 13:1).

Anh chị em thân mến, hôm nay Chúa Giê-su với tình yêu vô biên của Người nâng tầm nhân tính của chúng ta lên. Cuối cùng chúng ta tự hỏi: “Liệu chúng ta có thực hiện được không?” Nếu mục tiêu là bất khả thi, Chúa đã chẳng yêu cầu chúng ta cố gắng vì nó. Rất khó mà đạt được bằng sự cố gắng của riêng bản thân chúng ta; nó là một ân sủng và chúng ta phải khẩn cầu ơn đó. Hãy xin Chúa ban cho sức mạnh để yêu thương. Hãy thưa với Người: “Lạy Chúa, xin giúp con biết yêu thương, xin dạy con biết tha thứ. Con không thể tự mình làm được điều đó, con cần Người.” Nhưng chúng ta cũng phải xin ơn để có thể nhìn người khác không như những sự cản trở và phiền toái, nhưng như những người anh chị em để được yêu thương. Chúng ta rất thường cầu xin sự trợ giúp và ơn cho riêng mình, nhưng lại ít khi cầu nguyện để học cách yêu thương! Chúng ta cần phải năng cầu nguyện nhiều hơn xin ơn sống tinh thần của Tin mừng, để trở thành người Ki-tô hữu đích thực. Vì đến “buổi hoàng hôn của cuộc đời, chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu thương” (Thánh Gioan Thánh giá, những Câu nói về Ánh sáng và tình yêu, 57).

Hôm nay chúng ta hãy chọn yêu thương, bằng bất cứ giá nào, cho dù phải lội ngược dòng. Chúng ta đừng đầu hàng theo lối suy nghĩ của thế gian, hoặc bằng lòng với những biện pháp nửa vời. Chúng ta hãy chấp nhận thách đố của Chúa Giê-su, thách đố của đức ái. Và chúng ta sẽ trở thành những Ki-tô hữu đích thực và thế giới của chúng ta sẽ trở nên nhân văn hơn.

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/2/2020]


Đức Thánh Cha Phanxico viếng thánh tích của Thánh Nicholas

Đức Thánh Cha Phanxico viếng thánh tích của Thánh Nicholas
© Vatican Media

Đức Thánh Cha Phanxico viếng thánh tích của Thánh Nicholas

‘Những lời cầu nguyện thật sự là sức mạnh, là sức mạnh của cộng đoàn Ki-tô hữu’

23 tháng Hai, 2020 15:51

Ngày 23 tháng Hai năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxico đã dành khoảng thời gian ngắn sau những cuộc nói chuyện để đến viếng mộ của Thánh Nicholas ở Bari. Thánh tích của vị thánh nổi tiếng lưu giữ trong vương cung thánh đường mang tên của ngài.

Theo bản tin của Vatican News, trước Thánh Lễ tại Bari, Đức Thánh Cha chào đám đông trong Quảng trường phía trước Vương cung Thánh đường. Đức Thánh Cha dừng lại một lát để ban phép lành cho các thiếu nhi, trước khi cảm ơn các tín hữu một cách đặc biệt vì đã đồng hành với công cuộc của cuộc họp “Địa Trung hải, tiền tuyến của hòa bình” bằng lời cầu nguyện.

Đức Thánh Cha nói, “Những lời cầu nguyện chính là sức mạnh, là sức mạnh của một cộng đoàn Ki-tô hữu. Các mục tử cầu nguyện, nhưng trong những ngày này các ngài phải làm việc. Nhưng các ngài cảm thấy được đồng hành và an toàn với những lời cầu nguyện của anh chị em. Cha cảm ơn anh chị em rất nhiều vì công việc này, vì công việc tông đồ cầu nguyện này, cầu nguyện cho Giáo hội. Anh chị em đừng quên: hãy cầu nguyện cho Giáo hội, cho các mục tử … Và trong những lúc khó khăn chúng ta thậm chí cầu nguyện nhiều hơn, vì phải luôn uôn có Chúa đến để giải quyết các vấn đề.”

Thánh Nicholas là một giám mục Ki-tô giáo thuộc thành Myra ven biển của Hy Lạp cổ đại trong vùng Tiểu Á trong thời Đế quốc La Mã. Vì nhiều phép lạ được cho là nhờ sự can thiệp của ngài, ngài cũng được gọi là Thánh Nicholas Người làm Phép lạ. Thánh Nicholas là thánh bổn mạng của các thợ may, nhà buôn, cung thủ, những người trộm cắp đã ăn năn trở lại, những người bán dâm, trẻ em, người làm bia, chủ hiệu cầm đồ, và các sinh viên học sinh trong nhiều thành phố và quốc gia Châu Âu. Thói quen theo truyền thuyết bí mật tặng quà của ngài tạo ra nhân vật truyền thống là Ông già Noel.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/2/2020]