Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2016

7 bài học của Mẹ Teresa

7 bài học của Mẹ Teresa


Quỷ hận thù nhất điều gì? Ý nghĩa thực sự của tha thứ là gì?

Press conference at the Vatican, Friday, Sept. 2, 2016Andrino's cure of a viral brain infection, declared a miracle by Pope Francis earlier this year, was the final step needed to declare Mother Tere

© Antoine Mekary / ALETEIA
VATICAN CITY — Tại sao Calcutta lại ở khắp nơi? Quỷ hận thù nhất điều gì? Ý nghĩa thực sự của tha thứ là gì? Cáo thỉnh viên án phong thánh của Mẹ Teresa, cha Brian Kolodiejchuk, M.C., Bề trên tổng quyền dòng các Cha Thừa sai Bác ái, hôm nay tại buổi họp báo lễ phong thánh Chủ nhật đưa ra bảy bài học để chúng ta có thể học từ thánh nhân.
Cùng có mặt là nhiều người có sự liên hệ rất gần gũi với Mẹ Teresa, trong đó có Soeur Mary Prema Pierick, M.C., Bề trên Tổng quyền dòng Thừa sai Bác ái (Bề trên Tổng quyền thứ ba của dòng, sau Mẹ Teresa là người sáng lập, và soeur Nirmala); Marcílio Haddad Andrino, người được chữa lành bởi phép lạ do sự can thiệp của Chân phước Mẹ Teresa, và vợ của ông Fernanda Nascimento Rocha.
Được hỏi về thánh tích sẽ có mặt trong Nghi thức Phong thánh Chúa nhật tại Quảng trường Thánh Phê-rô, cha Brian giải thích “thánh tích là một hòm máu thánh.” Cha nói, hòm đựng thánh tích được làm bằng gỗ được lấy từ nhiều thánh địa khác nhau đại diện cho những mối phúc của lòng thương xót. Một được lấy từ đền thờ Thánh Charbel ở Li-băng, một được lấy từ tòa giải tội, cha nói.
7 bài học mà chúng ta có thể học từ Mẹ Teresa được cha cáo thỉnh viên án phong thánh của Mẹ đưa ra.
1. Mẹ là vị thánh hoàn hảo cho Năm lòng thương xót
Mẹ Teresa ý thức rất nhiều về sự thiếu thốn lòng thương xót của mẹ trước Thiên Chúa. Ở nhà Mẹ cũng rất nghèo nàn. Điều đầu tiên của Năm Lòng thương xót là một lời nhắc nhở cho tất cả  chúng ta rằng trước mặt Thiên Chúa tất cả chúng ta đều thiếu thốn lòng thuơng xót; và như vậy tất cả chúng ta đều nghèo nàn; chúng ta như là một người ăn mày thiếu thốn tình yêu của Người, sự tha thứ của Người – lòng thương xót của Người.
2. Đây là thông điệp của Mẹ Teresa: Calcutta ở khắp nơi
Cũng như Mẹ Teresa, chúng ta có thể gọi thực tại về sự nghèo nàn nội tâm của chúng ta là “Calcutta của tâm hồn,” và quả thật “Calcutta của riêng trái tim tôi!” Mẹ Teresa thường nói: “Calcutta ở khắp nơi.”
3. Tha thứ và thực sự quên đi
Mẹ luôn sẵn sàng thể hiện lòng thương xót và sự tha thứ đối với người khác. Mẹ Teresa nói, “Chúng ta cần có nhiều tình yêu để tha thứ và chúng ta cần nhiều khiêm nhường để quên đi, vì sự tha thứ sẽ không được trọn vẹn cho đến khi nào chúng ta quên đi … Rất thường khi chúng ta nói rằng chúng ta tha thứ nhưng chúng ta không thể quên. Và cho đến bao giờ chúng ta không thể quên, chúng ta chưa thực sự tha thứ trọn vẹn.”
4. Thường xuyên xưng tội
Đối với  Mẹ Teresa đó không phải là vấn đề của thói quen công việc, nhưng là gặp gỡ lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa thêm một lần nữa.
5. Tình yêu Thiên Chúa cho các tội nhân
“Quỷ hận thù Thiên Chúa. Và lòng hận thù đó biến thành hành động phá hủy chúng ta. Làm cho chúng ta phạm tội, làm cho chúng ta phải can dự vào những tội lỗi đó … Để rồi chúng ta cũng mang lòng thù hận đó và nó cắt đứt chúng ta ra khỏi Thiên Chúa. Nhưng có lòng thương xót tuyệt vời của Thiên Chúa đến. … Và đây là điều quỷ lại hận Thiên Chúa, đó là lòng nhân hậu và tình yêu của Thiên Chúa dành cho các tội nhân.”
6. Bóng tối tâm hồn
Trong nhiều trải nghiệm, trải nghiệm tình trạng cô độc tâm hồn của Mẹ Teresa, thiếu vắng sự an ủi của Thiên Chúa, có thể mang một ý nghĩa, “bóng tối tâm hồn” này cũng giải thích tại sao Mẹ Teresa có lòng thương xót bao la như vậy. Trải nghiệm bóng tối tâm hồn bắt buộc Mẹ phải liên tục cậy dựa vào lòng thương xót của Thiên Chúa, và do đó luôn sẵn sàng thể hiện lòng thương xót cho người khác.
Mẹ Teresa nói “xin vâng” với bóng tối này, đó là một cách chịu đựng kinh khủng cho một người quá yêu Thiên Chúa. “Con đến để yêu bóng tối – vì bây giờ con tin rằng nó là một phần, một phần rất rất nhỏ của bóng tối và sự đau khổ của Chúa Giê-su trên trần gian.” “Hôm nay con thực sự cảm thấy một niềm vui rất lớn – vì Chúa Giê-su không thể nào đi qua sự đau khổ nữa – nhưng Người muốn đi qua sự đau khổ đó trong con – Hơn bao giờ hết con xin chịu khuất phục trước Người – Vâng – hơn bao giờ hết con xin sẵn sàng được phục vụ Người.”
Trong tiếng “xin vâng” này của Mẹ Teresa, có tất cả sự nên thánh của Mẹ và có tất cả đức tin Ki-tô giáo của chúng ta: tất cả những gì chúng ta được yêu cầu phải là và tất cả những gì chúng ta có thể làm. Chúa Giê-su sẽ hoàn tất phần còn lại.
7. Mẹ Teresa là vị thánh cho mọi người
Vì Mẹ đã có thể chia sẻ nỗi đau của Chúa Giê-su, mẹ hiểu rằng Mẹ được Thiên Chúa yêu theo một cách rất đặc biệt.
Mẹ Teresa là vị thánh cho tất cả mọi người, cho người nghèo và người giàu, và cho thời đại của chúng ta, bị tàn phá vì quá nhiều bạo lực và sự chai đá của tâm hồn, vì Mẹ đã cho thấy rằng tội lỗi/sự đau khổ tất cả chúng ta phải mang trong mình, đều có thể được tha thứ và, bằng cách nắm lấy bàn tay thương xót và an toàn mà Chúa Giê-su giang ra về phía chúng ta, bóng tối của chúng ta có thể được vượt qua.

Diane Montagna

[Nguồn: aleteia]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 04/09/2016]


Một cuộc phỏng vấn với Mẹ Teresa

Một cuộc phỏng vấn với Mẹ Teresa

02-09-2016 Vatican Radio
mother teresa
Hoa trái của sự Thinh lặng là Cầu nguyện
Hoa trái của Cầu nguyện là Đức tin
Hoa trái của Đức tin là Tình yêu
Hoa trái của Tình yêu là Phục vụ
Mẹ Teresa
Mẹ Teresa Calcutta là ai? À, chính Mẹ Teresa cho những thông tin nhân dạng: “Về dòng máu, Mẹ là người Albania. Về quyền công dân, là một người Ấn độ. Về đức tin, Mẹ là một nữ tu Công giáo. Theo tiếng gọi của Mẹ, Mẹ thuộc về thế giới. Theo con tim, Mẹ hoàn toàn thuộc về Thánh Tâm Chúa Giê-su.” Ngày 4 tháng 9 năm 2016, Mẹ Teresa sẽ chính thức được tuyên phong hiển thánh bởi Đức Thánh Cha Phanxico trong Thánh lễ Tuyên phong Thánh tại quảng trường Thánh Phê-rô ở Roma. Ngay cả trước Lễ tôn phong này, Mẹ đã được không chỉ người Ki-tô hữu mà cả những người thuộc các tôn giáo khác tôn vinh là Thánh.
Sinh ngày 26 tháng 8 năm 1910 ở Skopje, ngày nay gọi là ‎Macedonia. Tên khai sinh là Agnes Gonxha Bojaxhiu‎, cha mẹ người Albania. Mẹ Teresa đến thành phố Kolkata ở phía đông Ấn năm 1929, trước đây gọi là Calcutta, là một thừa sai trong dòng các Nữ tử Loreto.  Về sau, theo cụm từ Mẹ mô tả là ‘tiếng gọi trong tiếng gọi,’ Mẹ thành lập dòng Thừa sai Bác ái năm 1950 để phục vụ Chúa Giê-su giấu mình trong sự đau khổ của người nghèo nhất giữa những người nghèo. Năm sau Mẹ nhận được quyền công dân Ấn độ. Mẹ Teresa được cấp quyền công dân của 124 nước cũng như những sự tôn vinh quốc tế vì những công việc của lòng thương xót, trong đó có giải Nobel Hòa bình năm 1979. Mẹ qua đời ngày 5 tháng 9 năm 1997, hưởng thọ 87 tuổi và Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II tôn phong Mẹ lên hàng Chân phước ở Vatican ngày 19 tháng 10 năm 2003.
Mẹ Teresa thường nhận được những lời mời nói chuyện, vì đây là những dịp để Mẹ lôi kéo sự chú ý của thế giới về người nghèo và người thiếu thốn. Dưới đây là một buổi phỏng vấn như vậy và Mẹ nói chuyện với Anto Akkara, một ký giả và luật sư về nhân quyền của Ấn độ với truyền thông quốc tế. Mẹ Teresa nói chuyện với Anto Akkara ngày 17 tháng 11 năm 1995 tại trung tâm ‘Nirmala Sishu Bhavan’ của dòng Thừa sai Bác ái ở New Delhi.  Dưới đây là văn bản ghi chép buổi phỏng vấn.
--------------------------------------------------------------------------------------
Anto Akkara: Thưa Mẹ, tiếng mẹ để của Mẹ là gì?
Mẹ Teresa: Tiếng Albania. Nhưng, Mẹ cũng lưu loát tiếng Bengali (ngôn ngữ của vùng Calcutta) và tiếng Anh.
AA: Hiện tại Mẹ có cảm giác thế nào: Mẹ là người Ấn độ hay Albania?
MT: Mẹ là tất cả. Mẹ yêu mọi quốc gia và Mẹ là con của Thiên Chúa yêu thương nhân loại.
AA: Vậy thì, Mẹ không có quốc tịch?
MT: Mẹ có passport ngoại giao của Ấn độ, passport ngoại giao của Albania. Mẹ có passport của Vatican và của Mỹ, Mẹ đi lúc nào cũng được. Bất cứ lúc nào mẹ xin visa, họ (Mỹ) đều cấp cho mẹ visa 5 năm. Mẹ chưa bao giờ gặp trục trặc xin visa vào một quốc gia nào.
AA: Khi mẹ bắt đầu lập dòng, mẹ có bao giờ nghĩ là nó sẽ phát triển như ngày hôm nay?
MT: ‎Ồ, cái đó mọi người ai cũng biết. Dòng hiện giờ có mặt trên 126 quốc gia. Dòng có 561 nhà - Mẹ và các soeur gọi các nhà là hòm bia thánh - và hơn 4600 nữ tu. Công việc đơn giản chỉ là phục vụ người nghèo nhất trong những người nghèo. Chúng tôi được mọi nơi cần đến và chúng tôi đấu tranh cho những người không có gì trong tay, những đứa con cùng quẫn của Chúa.
(Ngày nay, dòng Thừa sai có mặt ở 139 quốc gia với 758 ‘Hòm bia thánh’ và 5160 nữ tu)
AA: Động cơ của tất cả mọi việc mẹ làm là gì? Đó có phải là động cơ tôn giáo chính thống như những nhà phê bình nói?
MT: Chúa Giê-su nói rất rõ ràng trong Tin mừng. “Bất cứ điều gì anh em làm, hãy làm cho những người bé mọn nhất trong ‎anh em đây.” Rõ rồi chứ? Đó là công việc của Chúa Giê-su. Rồi Chúa Giê-su lại nói “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng." Và chúng tôi đang làm việc đó. Các thầy, các cha, và các soeur - tất cả chúng tôi trong dòng Thừa sai Bác ái đều làm như vậy. Tất cả chúng ta đều được tạo dựng bởi Thiên Chúa để yêu thương và được yêu. Chúng tôi gắn bó vào công việc này. Khi bạn làm được việc đó, sẽ có niềm vui, sự hiệp nhất và yêu thương.
AA: Có những luận điệu nói rằng Mẹ nhận quỹ và giải thưởng từ những người với tính cách không rõ ràng. Mẹ có xác minh phẩm chất của người dâng cúng trước khi chấp nhận một cái gì đó?
MT: Chẳng có gì băn khoăn. Chúng tôi có lời tuyên khấn trao tặng trọn vẹn mọi thứ cho người nghèo. Bất cứ điều gì chúng tôi nhận được từ chính phủ hoặc người khác - cho dù chúng tôi nhận được 1 rupi, chúng tôi cũng đều đem cho người nghèo. Một sự phục vụ hoàn toàn tự do. Chúng tôi không có lương tháng. Khi có người nói rằng anh ta từ một gia đình Công giáo tốt và nói anh ta muốn giúp chúng tôi, tại sao chúng tôi lại từ chối lời đề nghị của anh ta? ...
AA: Gần đây Sankaracharya có tố cáo rằng rút cuộc mục tiêu "manav seva" (phục vụ nhân loại) của Mẹ là đưa người ta trở lại đạo. Mẹ trả lời điều đó thế nào?
MT: Câu trả lời của Mẹ là: Thiên Chúa tha thứ cho tất cả họ. Vì họ không biết điều họ nói. Mẹ luôn nói với mọi người rằng những gì chúng tôi đang làm là cho tình yêu của Thiên Chúa và công việc của tình yêu phải luôn chấp nhận và tôn trọng người khác. Công việc của tình yêu luôn là công việc của sự bình an. Trong nhà của chúng tôi (dành cho những người hấp hối ở Kali Ghat) ở Calcutta, có sự bình an rất  lớn, hiệp nhất và yêu thương. Nhiều gia đình Ấn giáo liên tục mang thức ăn, quần áo đến cho nhà của chúng tôi dành cho người hấp hối. Đây là một hành động của sự yêu thương. Mẹ không yêu cầu họ. Họ chỉ nghe nói về những gì chúng tôi làm và họ đến. Họ nhìn thấy những công việc rất đẹp đang được được thực hiện. Có rất nhiều người (đến với Mẹ làm tình nguyện) tìm thấy được sự bình an, niềm vui và hiệp nhất trong gia đình qua việc giúp đỡ người nghèo. Bất cứ ai giúp đỡ người nghèo đều rất vui. Như vậy một cách tự nhiên, những lời chỉ trích đó rất không vui với chúng tôi.
AA: Vậy còn lời cáo buộc đưa người ta trở lại đạo?
MT: Không ai có thể đưa bạn trở lại đạo ngoại trừ Thiên Chúa. Cho dù Mẹ có muốn Mẹ cũng chẳng thể bắt con xin lỗi Chúa. Chẳng thể nào nói rằng Mẹ bắt một người phải theo Công giáo hay Tin lành. Chẳng ai có thể thay đổi tín ngưỡng của con trừ khi con muốn và Chúa ban cho con ơn sủng. Đó là chuyện riêng giữa con và Thiên Chúa. Chúng tôi đi đón những người hấp hối đầy giòi bọ trên đường phố. Chúng tôi đã đón được hơn 40.000 người. Nếu Mẹ đón một người như vậy về, lau rửa cho ông ta, yêu thương ông ta và phục vụ ông ta, đấy là bắt trở lại đạo sao? Ông ta đã ở đó như một con vật trên đường phố, nhưng Mẹ cho ông ta tình yêu và ông ta chết trong an bình. Sự an bình đó từ trong tim của ông ta. Đó là việc giữa người đó và Thiên Chúa. Không ai có thể can thiệp vào. Cho dù Mẹ có muốn, Mẹ cũng không thể làm được gì. Khi họ chết, chúng tôi luôn luôn tìm đến những người đồng tôn giáo với người chết. Người Hồi giáo mang xác người Hồi giáo đem chôn, người Ấn giáo đến và mang xác người chết đi hỏa táng và người Ki-tô hữu đến đem người chết đi chôn. Mẹ thực sự có đưa một số người trở lại đạo, nếu việc trở lại đạo đó thực sự mang ý nghĩa đưa con người trở về với Thiên Chúa - để có trái tim tinh tuyền và mến yêu Thiên Chúa. Đó mới thực sự là sự trở lại đạo.
AA: Những người chỉ trích vẫn nói rằng có rửa tội kín trong các nhà của mẹ, điều này có thật không?
MT: Không, không có gì cả. Với tất cả những người dựng lên các câu chuyện không thật như vậy, Mẹ chỉ xin Chúa tha thứ cho họ. Mẹ cảm thấy tiếc cho họ vì họ đang làm quá nhiều nguy hại cho bản thân họ. Nếu một người Ấn giáo muốn tìm đường đến với Thiên Chúa, anh ta có quyền đến với bất kỳ một linh mục nào, nữ tu hay bất kỳ ai. Nếu con là người Công giáo, và có người nào đó đến với con tìm kiếm sự hướng dẫn, một cách tự nhiên con sẽ đưa người ấy trực tiếp đến một ai đó có thể cho họ nhìn thấy được tình yêu của Thiên Chúa. Sự trở lại đạo không phải chỉ thay đổi tín ngưỡng. Sự trở lại đạo là thay đổi tâm hồn và công việc đó phải có ân sủng của Thiên Chúa. Bây giờ trở lại với câu hỏi về thay đổi đức tin. Không ai có thể ép buộc con, thậm chí cả các thánh tiên tri cũng chẳng làm được.
AA: Mẹ có lãnh vực nào mới cho dòng của Mẹ bước vào nữa không?
MT: Mẹ nghĩ dòng không thể làm thêm được gì ngoài những điều dòng đang làm. Chúng tôi đi nhặt những người đầy dòi bọ trên các đường phố, chăm sóc họ và giúp họ chết trong an bình và yêu thương. Khi họ được đem về nhà của chúng tôi, họ cảm thấy như họ đang ở trong nhà riêng của họ, cùng với gia đình riêng của họ. Hiện nay, Mẹ đang cố gắng mở một nhà cho các nạn nhân AIDS ở đây (ở Delhi). Người ta đang chết vì bệnh này.
AA: Con có nghe hồi tháng Chín Mẹ nói với một cha là thừa tác vụ trong lao tù rằng “chăm sóc cho nam nữ tù nhân trong tù là làm việc đẹp cho Thiên Chúa.” Mẹ có dự định đi vào thừa tác vụ trong lao tù?
MT: Chúng tôi đã bắt đầu chăm sóc cho người trong tù. Một trăm mười người phụ nữ không phạm tội hình sự đã cùng ở với chúng tôi trong Shantidhan (nơi an bình). Và chẳng bao lâu nữa, 22 cậu con trai sẽ đến với chúng tôi từ nhà tù. Các Thầy của chúng tôi sẽ chăm sóc họ. Chính quyền (tiểu bang Tây Bengal) quyết định rằng những người không bị tội hình sự không cần phải giam giữ ở những nơi này và yêu cầu chúng tôi chăm sóc họ. Họ nên sống trong một không khí yêu thương. Họ cần được yêu thương.
AA: Mẹ đã đặt trụ sở ở Calcutta dưới sự thống trị của chủ nghĩa Mác-xít trong gần hai thập niên. Mẹ có gặp rắc rối nào với chính quyền Mác-xít của Tây Bengal đứng đầu là Thủ hiến Jyoti Basu?
MT: Chúng tôi chẳng bao giờ có rắc rối với họ. Ông Jyoti Basu rất tốt đối với chúng tôi. Ông ta là người nói với Mẹ “Mẹ à, làm ơn làm cái gì đó cho mấy cô gái (tù) này đi. Ông ta nhiệt tình giúp đỡ và luôn liên lạc điện thoại với chúng tôi. Chúng tôi cũng chẳng bao giờ gặp rắc rối khi muốn gặp ông ta.
AA: Có đúng là Mẹ muốn mở một nhà ở Bắc Kinh?
MT: Đúng, Mẹ đến Bắc kinh và nhà dòng sẽ mở một nhà ở đó vào dịp Phục sinh.
(Giấc mơ này của Mẹ vẫn chưa được thực hiện)
AA: Cuộc chiến chống phá thai của Mẹ như thế nào?
MT: Mẹ luôn nói “nếu bạn sợ chúng (bé chưa ra đời), hãy trao chúng cho Mẹ. Xin làm ơn, đừng giết chúng.” Nhà dòng chống lại phá thai bằng cách đón nhận và trao con nuôi. Chỉ riêng ở Calcutta, nhà dòng đã trao hơn 1.000 trẻ em làm con nuôi. Mẹ chẳng đếm nổi một năm nhà dòng nhận bao nhiêu trẻ. Nhưng chúng tôi không bao giờ từ chối ai. Mọi người đều được chào đón.
AA: Các nhà hoạt động trong giáo hội nói rằng Mẹ đang phạm sai lầm đối với sự đói nghèo vì những hành động bác ái của Mẹ thay vì cố gắng chặn đứng nó. Tại sao không cố gắng tiếp cận giải phóng để cải thiện hệ thống bóc lột?
MT: ‎Làm sao Mẹ có thể hành động theo cách thờ ơ? Khi một người chết trên đường vì không có thức ăn, làm sao Mẹ có thể bỏ qua người ấy? Khi Mẹ tìm thấy một người đói hoặc không quần áo mặc trên đường, Mẹ không thể bước qua họ. Mẹ nghĩ không một con người nào có thể làm vậy. Sẽ có những người khác giữ vai trò giải phóng đó. Mẹ không có thời gian cho việc đó. Mẹ rất bận với công việc của Mẹ. Con đường của Mẹ rất rõ. Mẹ nhìn thấy người đang hấp hối, mẹ đón họ về. Mẹ tìm thấy người đói, Mẹ cho họ ăn. Họ có thể yêu và được yêu. Mẹ không xét đến màu da của họ, Mẹ không xét đến tôn giáo của họ. Mẹ chẳng xét đến cái gì cả. Mọi người bất kể là Ấn giáo, Hồi giáo, hay Phật giáo, họ đều là anh chị em của mẹ. Mẹ nghĩ ai cũng làm như vậy thôi.
KẾT

[Nguồn: news.va]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 02/09/2016]