Chủ Nhật, 13 tháng 6, 2021

Cuốn hồi ký đầy cảm hứng kể về câu chuyện được chữa lành qua phép lạ được Giáo hội công nhận

Cuốn hồi ký đầy cảm hứng kể về câu chuyện chữa lành qua phép lạ được Giáo hội công nhận

Cuốn hồi ký đầy cảm hứng kể về câu chuyện được chữa lành qua phép lạ được Giáo hội công nhận

PASCAL PAVANI | AFP

Cha Patrick Briscoe, OP

10/06/21


‘My Life Is a Miracle’ (tạm dịch: Đời tôi là một phép lạ) sẽ làm ấm lòng bất kỳ một tâm hồn rã rời nào, và đưa ra những điều kỳ diệu thật sự cho những người hoài nghi.

Sơ viết Bernadette: “Tôi chưa bao giờ cảm nhận một sức mãnh liệt về tinh thần như vậy. Ở Lộ Đức, một điều gì đó thực sự đã xảy ra sâu thẳm trong lòng tôi, một điều gì đó vô hình nhưng rất thật. Cứ như là tôi được sống trong một điều gì đó khác.”

Xuất thân từ một gia đình Công giáo, Nữ tu Bernadette Moriau kể lại câu chuyện được chữa lành đáng kinh ngạc ở Lộ Đức trong cuốn hồi ký mới này. Sơ kể câu chuyện về một phép lạ xảy ra cách đây vài năm.


Cuốn hồi ký đầy cảm hứng kể về câu chuyện được chữa lành qua phép lạ được Giáo hội công nhận


Năm 1966, được chẩn đoán mắc chứng đau lưng mãn tính vào khi mới 27 tuổi, Sơ Bernadette suốt thời gian dài cảm nhận được những ảnh hưởng của bệnh tật đối với cuộc sống của mình. Sơ chịu đựng cơn đau thần kinh tọa cấp tính và các bệnh lý khác, khiến Sơ phải từ bỏ hành nghề y tá vào năm 1975. Sau 40 năm chống chọi với bệnh tật, bác sĩ động viên Sơ tham gia vào cuộc hành hương của giáo phận đến Lộ Đức.

Chuyến viếng thăm Lộ Đức không phải là chuyến đi đầu tiên của Sơ Bernadette, nhưng đây là chuyến đi đầu tiên của Sơ với tư cách là một bệnh nhân hành hương. Chuyến đi thật khổ sở. Sơ kể lại, “Rất may là morphin giúp làm dịu cơn đau buốt. Tôi cho phép mình tăng liều thêm một chút để trợ giúp cho hành trình này”.

Đối với Sơ Bernadette, Lộ Đức là một nơi của sự bình an. Sơ viết, “Tôi luôn sững sờ trước sự bình an của nơi này, sự tĩnh lặng của nó. Trong hang có sức mạnh âm thầm của Chúa. Một sự hiện diện không thay đổi, thiêng liêng, huyền bí. Mọi người đều có thể tiến vào. Quá gần gũi với những con người bé mọn, với người nghèo, với những người đau khổ.”

Trước đó Sơ đã từng đến Lộ Đức. Nhưng lần này, Sơ cam chịu sự đau đớn của mình. Sơ đến Lộ Đức không phải để tìm sự chữa lành, nhưng để cầu nguyện, xin Chúa hoán cải tâm hồn và ban cho sức mạnh để tiếp tục.

Miêu tả những đoàn rước nổi tiếng của các bệnh nhân ở Lộ Đức, Sơ Bernadette viết, “Đoàn xe kỳ lạ, gần như là kỳ dị này với những đôi nạng thò ra mọi hướng, với những thiện nguyện viên tuyệt vời đẩy hoặc kéo xe và luôn nở nụ cười – nó là gì vậy? Đó là chuyến tàu Hy vọng.” Hy vọng có lẽ là món quà lớn nhất mà những người hành hương nhận được tại Lộ Đức, nhận biết được sự chữa lành và lòng thương xót của Thiên Chúa, đặc biệt qua bí tích giao hòa.”

Khi ở Lộ Đức, Sơ Bernadette đã cảm nhận được điều chỉ có thể miêu tả như một trải nghiệm thần bí trong cuộc rước Thánh Thể buổi tối. Sơ viết, “Ngay khi Đức Giám mục ban phép lành cho tôi, trong thẳm sâu tâm hồn tôi Chúa Kitô yêu cầu tôi dâng cho ngài mọi thứ. Mọi điều. Không giữ lại một điều gì cho bản thân. Không mong đợi điều gì. Không an ủi. Không chữa lành. Để dâng hiến hoàn toàn bản thân cho Ngài. Cho đi, không phải là đón nhận.”

Sơ chưa bao giờ có một trải nghiệm như vậy về Thiên Chúa. Sơ an lòng trở về nhà, vì đã nhận được ơn đặc biệt là sự hiện diện và sự bình an của Người.

Đến ngày 11 tháng Bảy năm 2008, Sơ Bernadette đã trở về nhà trong tu viện của mình. Trong khi cầu nguyện vào buổi tối hôm đó, một điều kỳ lạ xảy ra. Sơ thuật lại, “Tôi cảm nhận một sự thư thái hoàn toàn, giống như một luồng hơi ấm từ trái tim tôi bao trùm mọi thứ. Hơi ấm đó tràn ngập trong tôi. Tôi không biết chuyện gì đang xảy ra với mình. Tôi tiếp tục cầu nguyện”.

Sau đó, Sơ trở về phòng riêng. Sơ viết, “Và ở đó, tôi nghe thấy một tiếng nói bên trong bảo tôi: ‘Hãy gỡ bỏ những cái nẹp chân ra.’ Ngay lập tức tôi nghĩ đến những lời của Đức Kitô trong Tin Mừng: ‘Hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi.’ Không một chút do dự, không một chút đắn đo về chuyện gì đang xảy ra với mình, tôi tháo bỏ tất cả các công cụ hỗ trợ của mình: nẹp chân, áo nịt, tất cả. Tôi cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh.” Sơ được chữa lành ngay lập tức.

Điểm nổi bật trong quyển hồi ký của Sơ Bernadette là chị kể lại toàn bộ tiến trình. Sơ không kể riêng câu chuyện về phép lạ xảy ra với mình mà còn thuật lại cả những cảm giác như thế nào khi bắt đầu chia sẻ câu chuyện của Sơ. Sự ngạc nhiên, sự nhiệt huyết của Sơ, tình yêu của Sơ đối với Chúa Kitô và Giáo hội có sức lan tỏa.

Độc giả sẽ thích thú khi Sơ Bernadette kể lại những lần đến bác sĩ trước đó và họ đã thăm khám tình trạng của Sơ trong nhiều năm, để cuối cùng khám phá ra rằng Sơ được chữa lành chỉ sau một đêm. Cảm động hơn cả là những lần gặp gỡ của Sơ với đức giám mục địa phương và những người Sơ gặp trên đường phố.

Khoảng 7.400 trường hợp đã được đăng ký với văn phòng y tế chính thức tại Lộ Đức trong hơn 135 năm. Trong đó chỉ có 70 trường hợp được Giáo hội công nhận là phép lạ chữa lành thật sự. Sơ Bernadette nói, để bước vào tiến trình này “tôi phải tự mình trình bày tất cả sự thật. Không có từ ngữ nào khác để mô tả nó. Tôi phải tự mình trình bày tất cả về tôi trước đây, hiện tại, hoặc sau này. Chưa bao giờ trong đời tôi bị ‘soi’ đến mức như vậy, cả về thể lý, sinh lý, tâm lý và tinh thần”.

Không phải là nhà thần học hay nhà viết thuyết pháp, nhưng Sơ Bernadette đưa ra những nhận xét đúng đắn và định hướng người đọc đến những khía cạnh sâu sắc nhất, ý nghĩa nhất của cuộc sống. Sơ Bernadette viết, “Khi bạn mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo, dù là thể chất hay tâm lý, bạn biết rất rõ rằng sự thật của một hữu thể, của một con người, không phải là vẻ bề ngoài, hình ảnh hay xã hội tính của họ, mà là ngôi nhà trong lòng của họ, là nơi ẩn chứa những điều sâu thẳm nhất của họ. Kiến thức này giúp bạn chống lại thái độ xem thường hoặc đưa ra những phán xét võ đoán về người khác. Bạn nhìn họ với con người thật của họ, một cách bình dị và không bị tác động.”

Sơ cũng đưa ra lời tuyên bố vững chắc về hy vọng, niềm hy vọng mà Sơ tìm kiếm đầu tiên ở Lộ Đức. Sơ Bernadette nhận xét, “Chúng ta sa lầy trong những hoàn cảnh cực đoan, xơ cứng, kiệt sức, gần như chết, giống như cành cây vào cuối mùa đông. Chúng ta chẳng còn thiết nghĩ về mầm sống ẩn bên dưới lớp gỗ chết đó, hay khả năng của một chồi non có thể trở thành một nhánh mới.” Tuy nhiên, Sơ khẳng định, “Không có hoàn cảnh nào hoàn toàn ảm đạm. Chúng ta cần biết cách phát hiện ra những chồi non xanh tốt, để thấy rằng một khởi đầu mới là hoàn toàn có thể.”

Sự chữa lành xảy ra ngay lập tức của Sơ Bernadette được Giáo hội Công giáo chính thức tuyên bố là phép lạ vào ngày 11 tháng Hai năm 2018. Lời chứng của Sơ sẽ truyền cảm hứng cho những tâm hồn rã rời và những chi tiết khoa học đáng suy nghĩ sẽ đưa ra các chi tiết kỳ diệu thật sự cho bất kỳ người hoài nghi nào.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/6/2021]


Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô: Lễ Trọng Mình và Máu Cực Thánh Chúa Kitô

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô: Lễ Trọng Mình và Máu Cực Thánh Chúa Kitô

Lễ Trọng Mình và Máu Cực Thánh Chúa Kitô
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô


Đền thánh Phêrô

Chúa nhật, 6 tháng Sáu năm 2021



Chúa Giêsu sai các môn đệ của Ngài đi chuẩn bị nơi để họ sẽ ăn mừng lễ Vượt qua. Chính các ông đã hỏi Ngài: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?” (Mc 14:12). Khi chiêm ngắm và thờ lạy sự hiện diện của Chúa trong Mình Thánh, chúng ta cũng hãy tự đặt cho mình câu hỏi rằng chúng ta muốn chuẩn bị Lễ Vượt Qua của Chúa ở đâu, tại “địa điểm nào”. Chúa đang yêu cầu được làm vị khách của chúng ta ở “những nơi nào” trong cuộc sống của chúng ta? Cha xin trả lời những câu hỏi này qua sự suy gẫm về ba hình ảnh trong Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe (Mc 14: 12-16, 22-26).

Hình ảnh thứ nhất là người đàn ông mang một vò nước (xem câu 13). Điều này có vẻ như là một chi tiết thừa. Tuy nhiên người đàn ông vô danh đó lại trở thành người dẫn đường đưa các môn đệ đến nơi sau này được gọi là Phòng Tiệc Ly. Vò nước là dấu hiệu để họ nhận ra người đàn ông đó. Đó là một dấu hiệu khiến chúng ta suy nghĩ đến gia đình nhân loại của chúng ta, đang khát, không ngừng tìm kiếm một nguồn nước để giải cơn khát và mang lại sự sảng khoái. Tất cả chúng ta đều đi qua cuộc đời với chiếc vò trên tay: tất cả chúng ta đều khát tình yêu, khát niềm vui, khát một đời sống viên mãn trong một thế giới nhân văn hơn. Để làm thỏa mãn cơn khát đó, loại nước của những thứ thuộc thế gian không đem lại ích lợi gì. Cơn khát của chúng ta là một cơn khát sâu thẳm hơn, một cơn khát mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm thỏa mãn.

Chúng ta hãy suy tư ngắn gọn về hình ảnh này và nó tượng trưng cho điều gì. Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng bữa tiệc mừng Lễ Vượt Qua sẽ được ăn tại nơi mà người đàn ông mang vò nước dẫn họ đến. Để cử hành Bí tích Thánh Thể, trước hết chúng ta cần phải nhận ra sự khao khát Thiên Chúa của chúng ta, cảm nhận rằng chúng ta cần Người, khát khao sự hiện diện và tình yêu của Người, nhận biết rằng chúng ta không thể đi một mình, nhưng cần có Của ăn và Của uống của sự sống trường sinh để nuôi dưỡng chúng ta trên hành trình của mình. Chúng ta có thể nói bi kịch trong thời điểm hiện tại là sự khát khao này ngày càng càng ít. Những câu hỏi về Thiên Chúa không còn được đặt ra, lòng khao khát Thiên Chúa đã phai nhạt, những người tìm kiếm Thiên Chúa ngày càng trở nên hiếm hoi. Thiên Chúa không còn cuốn hút đối với chúng ta, bởi vì chúng ta không còn nhận biết cơn khát sâu thẳm trong lòng của chúng ta đối với Ngài. Tuy nhiên, ở bất cứ nơi nào có một người đàn ông hay người phụ nữ với vò nước – như người phụ nữ Samari (xem Ga 4: 5-30) – thì ở đó Chúa có thể tỏ lộ mình là Đấng ban sự sống mới, nuôi dưỡng những ước mơ và khát vọng của chúng ta bằng niềm hy vọng vững chắc, một sự hiện diện đầy yêu thương để mang lại ý nghĩa và hướng đi cho cuộc lữ hành nơi trần thế của chúng ta. Người đàn ông mang vò nước dẫn các môn đệ đến căn phòng nơi Chúa Giêsu sẽ thiết lập Bí tích Thánh Thể. Sự khao khát Thiên Chúa của chúng ta sẽ đưa chúng ta tiến đến bàn thờ. Nơi nào thiếu cơn khát đó, thì việc cử hành của chúng ta trở nên khô khan và thiếu sức sống. Với vai trò là Giáo Hội, nếu chỉ có một nhóm nhỏ quen thuộc gặp gỡ để cử hành Thánh Lễ là chưa đủ; chúng ta cần phải đi vào nơi phố thị, gặp gỡ mọi người và học cách nhận biết và làm hồi sinh lòng khao khát Chúa và lòng khao khát Tin Mừng của họ.

Hình ảnh thứ hai trong Tin Mừng là Phòng Tiệc Ly (xem câu 15). Căn phòng nơi Chúa Giêsu và các môn đệ sẽ ăn mừng Lễ Vượt qua nằm trong nhà của một người đã thể hiện lòng hiếu khách với họ. Cha Primo Mazzolari nói về người đó: “Đây là một con người vô danh, chủ nhân của một căn nhà, ông đã cho Chúa Giêsu mượn căn phòng đẹp nhất của mình… Ông ta đã cho Chúa Giêsu những gì tốt nhất mà ông ta có, vì mọi thứ xung quanh bí tích cực trọng đều phải là tốt nhất: một căn phòng tuyệt vời và một tấm lòng cao cả, những lời nói cao đẹp và những việc làm cao thượng” (La Pasqua, La Locusta 1964, 46-48).

Một căn phòng rộng lớn cho một tấm Bánh nhỏ. Thiên Chúa làm cho mình trở nên nhỏ bé, như một mẩu bánh. Đó chính là lý do tại sao chúng ta cần có một tâm hồn lớn để có thể nhận ra, tôn thờ và đón nhận Người. Sự hiện diện của Thiên Chúa quá đỗi khiêm tốn, ẩn mình và thường là vô hình, đến nỗi, để nhận ra sự hiện diện của Ngài, chúng ta cần một tấm lòng sẵn sàng, tỉnh thức và chào đón. Nhưng nếu tâm hồn của chúng ta, thay vì là một căn phòng lớn, lại trở nên giống như một cái tủ nơi chúng ta lưu giữ những thứ của quá khứ một cách nuối tiếc, hoặc là một căn gác xép nơi chúng ta từ rất lâu đã cất giữ những ước mơ và nhiệt huyết của mình, hoặc là một căn phòng ảm đạm chỉ có chúng ta cùng với những vấn đề và những thất vọng của chúng ta, như vậy sẽ không thể nhận ra sự hiện diện âm thầm và khiêm nhường của Thiên Chúa.

Chúng ta cần một căn phòng lớn. Chúng ta cần phải mở rộng tâm hồn của mình. Chúng ta cần phá vỡ những không gian khép kín nhỏ bé của mình và bước vào một không gian rộng lớn, một không gian mênh mông của sự kinh ngạc và thờ lạy. Đó là những gì chúng ta thực sự cần! Đó là điều còn thiếu trong nhiều phong trào mà chúng ta tạo ra để gặp gỡ và cùng nhau suy tư về sự tiếp cận mục vụ của chúng ta. Nhưng nếu thiếu sự kinh ngạc và tôn thờ, thì sẽ không có con đường nào dẫn đến với Chúa. Cũng sẽ không có thượng hội đồng, không có gì. Sự thờ lạy: đó là thái độ chúng ta cần có trước sự hiện diện của Thánh Thể.

Giáo hội cũng phải là một căn phòng rộng lớn. Không phải là một vòng tròn nhỏ và khép kín, mà là một cộng đồng với vòng tay rộng mở, chào đón tất cả mọi người. Chúng ta hãy tự hỏi mình câu hỏi này: khi có người gây ra sự tổn thương tiến đến, người đó đã phạm lỗi lầm, người đã bị lạc lối trong cuộc sống, thì Giáo hội, Giáo hội này, có phải là một căn phòng đủ rộng để chào đón người đó và dẫn đưa họ đến với niềm vui vì được gặp gỡ Đức Kitô không? Chúng ta đừng quên rằng Thánh Thể có ý nghĩa nuôi dưỡng những ai rã rời và đói khát trên đường đi. Giáo hội của sự tinh ròng và hoàn hảo là một căn phòng không có chỗ cho bất kỳ ai. Ngược lại, một Giáo hội với những cánh cửa rộng mở, tụ họp và cử hành xung quanh Chúa Kitô, là một căn phòng lớn, nơi mọi người – tất cả mọi người, cả người công chính và người tội lỗi – đều có thể bước vào.

Hình ảnh thứ ba trong Tin Mừng là hình ảnh Chúa Giêsu bẻ bánh. Đây là một cử chỉ tuyệt vời của Thánh Thể. Đó là dấu chỉ đặc biệt cho niềm tin của chúng ta và là nơi chúng ta gặp gỡ Chúa, Đấng đã hiến thân để chúng ta có thể được tái sinh vào đời sống mới. Cử chỉ này cũng thách đố chúng ta. Cho đến thời điểm đó, những con chiên non được hiến tế và dâng lên Thiên Chúa. Giờ đây, Chúa Giêsu trở thành chiên con, hiến mình hy sinh để ban cho chúng ta sự sống. Trong bí tích Thánh Thể, chúng ta chiêm ngắm và tôn thờ Thiên Chúa của tình yêu. Chúa là Đấng không bẻ vỡ một ai, nhưng lại để cho mình bị bẻ ra. Chúa không đòi hỏi hy tế, nhưng Ngài hy sinh chính mình. Chúa không đòi hỏi điều gì nhưng trao ban tất cả. Khi cử hành và trải nghiệm Thánh Thể, chúng ta cũng được mời gọi chia sẻ trong tình yêu này. Vì chúng ta không thể bẻ bánh vào Chúa nhật nếu tâm hồn chúng ta còn đóng kín với anh chị em của chúng ta. Chúng ta không thể dự phần trong Bánh ấy nếu chúng ta không chia bánh cho người đói. Chúng ta không thể chia sẻ Bánh ấy nếu chúng ta không chia sẻ những đau khổ của anh chị em mình đang gặp khó khăn. Cuối cùng, và khi kết thúc những phụng vụ Thánh Thể trọng thể của chúng ta, sẽ chỉ còn lại tình yêu. Ngay cả lúc này, việc cử hành Thánh Thể của chúng ta đang biến đổi thế giới ở mức độ chúng ta cho phép bản thân được biến đổi và trở thành tấm bánh bẻ ra cho người khác.

Thưa anh chị em, hôm nay chúng ta phải đi đâu để “chuẩn bị bữa ăn tối của Chúa”? Cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa – một dấu ấn đặc biệt của lễ Mình Máu Thánh Chúa, tuy nhiên là nghi thức mà hiện tại chúng ta không thể cử hành được – nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta được mời gọi ra đi và đưa Chúa Giêsu đến với người khác. Hãy ra đi với lòng nhiệt thành, mang Chúa Kitô đến với những người chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống hàng ngày. Ước mong chúng ta trở thành một Giáo hội với vò nước trong tay, một Giáo hội đánh thức cơn khát và mang nước đến. Chúng ta hãy mở rộng lòng mình trong tình yêu, để chúng ta có thể trở thành căn phòng rộng lớn và chào đón, nơi mọi người có thể bước vào và gặp gỡ Chúa. Chúng ta hãy bẻ tấm bánh cuộc đời của chúng ta với lòng nhân ái và tình liên đới, để qua chúng ta, thế giới có thể thấy được sự vĩ đại của tình yêu thương của Thiên Chúa. Rồi Chúa sẽ đến, Ngài sẽ làm chúng ta ngạc nhiên một lần nữa, Ngài sẽ lại trở thành của ăn cho sự sống của thế gian. Và Ngài sẽ luôn làm chúng ta thỏa mãn, cho đến ngày, trong bữa tiệc trên trời, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng dung nhan của Ngài và được hưởng niềm vui không bao giờ tàn.



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 9/6/2021]