Thứ Hai, 3 tháng 12, 2018

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Mùa Vọng

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Mùa Vọng
Vatican Media Screenshot

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Mùa Vọng

Mùa Phụng vụ mời gọi chúng ta ‘hãy hướng ánh mắt và mở rộng tâm hồn để chào đón Chúa Giê-su’

02 tháng Mười Hai, 2018 15:05
Dưới đây là bản dịch huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxico ngày 2 tháng Mười Hai, 2018, trước và sau khi đọc Kinh Truyền Tin với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.


* * *


Trước Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay là ngày bắt đầu Mùa Vọng, mùa Phụng vụ chuẩn bị cho chúng ta đón Giáng Sinh, mời gọi chúng ta hãy hướng ánh mắt và mở rộng tâm hồn để chào đón Chúa Giê-su. Trong suốt Mùa Vọng chúng ta không chỉ đón chờ ngày Giáng Sinh, nhưng chúng ta được mời gọi hãy làm thức dậy niềm mong chờ sự trở lại trong vinh quang của Đức Ki-tô — khi Người sẽ trở lại vào ngày sau hết – chuẩn bị cho lần gặp gỡ cuối cùng với Ngài bằng những lựa chọn kiên định và can đảm. Chúng ta chuẩn bị cho Giáng Sinh; chúng ta chờ đợi sự trở lại trong vinh quang của Đức Ki-tô, và cũng là lần gặp gỡ riêng tư của chúng ta — ngày mà Chúa gọi chúng ta. Trong bốn tuần lễ này chúng ta được kêu gọi hãy bỏ đi lối sống lười biếng và theo thói quen, và tiến bước để nuôi dưỡng hy vọng, nuôi dưỡng những ước mơ của chúng ta cho một tương lai mới. Thật vậy, Tin mừng Chúa nhật này (x. Lc 21:25-28.34-36) chỉ ra hướng đi đó và cảnh tỉnh cho chúng ta phải tránh để cho bản thân trở nên nặng nề vì một lối sống ích kỷ hoặc bởi nhịp điệu hỗn loạn của cuộc sống. Những lời của Chúa Giê-su lại vang lên vô cùng sắc bén: “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, [...] Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn” (cc. 34.36).

Hãy tỉnh thức và cầu nguyện: cho thấy cách chúng ta phải sống như thế nào từ hôm nay cho đến ngày Giáng Sinh. Hãy tỉnh thức và cầu nguyện. Giấc ngủ mê trong tâm hồn xuất phát từ việc luôn chỉ chú tâm đến bản thân và khóa chặt mình vào cuộc sống cá nhân với những vấn đề của nó, những niềm vui và những nỗi đau khổ của nó, luôn luôn chỉ xoay quanh bản thân mình. Và như vậy nó sẽ làm chúng ta mệt mỏi, nó làm chúng ta chán chường, nó đóng những cánh cửa hy vọng trong chúng ta. Đến đây thì chúng ta tìm thấy được cội rễ của tình trạng lờ đờ và lười biếng mà Tin mừng đề cập đến. Mùa Vọng mời gọi chúng ta cam kết luôn cảnh giác đề phòng, biết nhìn vượt ra ngoài bản thân mình, mở rộng tâm trí và tâm hồn để mở lòng ra trước những thiếu thốn của con người, của anh em, và mở lòng ra trước khao khát về một thế giới mới. Đó là khao khát của quá nhiều dân tộc, chịu tử đạo vì nạn đói, sự bất công và chiến tranh. Nó là khát khao của những người nghèo, người cô thế, và người bị bỏ rơi. Thời gian này là một cơ hội để mở lòng mình ra, đặt ra cho mình những câu hỏi cụ thể về cách chúng ta sống và sống vì ai.

Thái độ thứ hai để sống trong thời gian chờ đợi Chúa đến là cầu nguyện. Tin mừng động viên “anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (c. 28). Đó chính là đứng lên và cầu nguyện, hướng mọi suy nghĩ và tâm hồn chúng ta lên Chúa Giê-su Đấng đang đến. Chúng ta đứng lên khi chúng ta đang mong chờ một điều gì hay một ai đó. Chúng ta mong chờ Chúa Giê-su; chúng ta mong chờ Người trong sự cầu nguyện, thái độ liên kết mật thiết với sự tỉnh thức. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ nghĩ đến Giáng Sinh như là không khí của sự hưởng thụ, của việc tìm xem tôi mua được thứ gì hay làm được điều này điều kia, nghĩ đến sự đón mừng mang tính trần gian, thì Chúa Giê-su sẽ đi qua và chúng ta sẽ không gặp gỡ được Người. Chúng ta mong chờ Chúa Giê-su và chúng ta chờ đợi Người trong sự cầu nguyện, thái độ liên kết mật thiết với sự tỉnh thức.

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Mùa Vọng

Nhưng đâu là chân trời cho sự mong chờ trong cầu nguyện của chúng ta? Đó chính là chân trời được chỉ dẫn cho chúng ta trong Kinh Thánh đặc biệt qua tiếng của các ngôn sứ. Hôm nay chính là lời của ngôn sứ Giê-rê-mi-a, ngôn sứ đã nói rất gay gắt với dân chúng, họ đang chịu thử thách bởi cuộc lưu đày và đang có nguy cơ bị mất căn tính của họ. Người Ki-tô hữu chúng ta, cũng là Dân của Chúa, đang có nguy cơ trở nên tục hóa và đánh mất căn tính của chúng ta, còn hơn thế, đang “ngoại giáo hóa” lối sống Ki-tô giáo. Vì thế, chúng ta đang rất cần đến Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đấng công bố với chúng ta qua ngôn sứ: “Này, sẽ đến những ngày … Ta sẽ thực hiện điều tốt lành Ta đã phán [...] Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đa-vít; Người sẽ trị nước theo lẽ công bình chính trực” (33:14-15). Và Đấng Công Chính đó là Chúa Giê-su, chính Chúa Giê-su sẽ đến và là Đấng chúng ta đang mong đợi. Nguyện xin Mẹ Maria Đồng Trinh, người nữ mong đợi và cầu nguyện, người đã sinh Chúa Giê-su cho chúng ta, giúp củng cố niềm hy vọng của chúng ta vào những lời hứa của Chúa Giê-su Con của Mẹ, để cho chúng ta có kinh nghiệm rằng Thiên Chúa vẫn luôn luôn trung tín qua những nỗi thống khổ của lịch sử, và qua những lỗi lầm của con người làm tỏ lộ lòng thương xót của Chúa.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


Sau Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến,

Mùa Vọng là mùa trông đợi. Trong thời khắc này cha mong muốn thắp lên niềm hy vọng hòa bình cho trẻ em của Syria, của đất nước Syria thân yêu, chịu tử đạo vì một cuộc chiến đã kéo dài tám năm. Vì vậy, theo sáng kiến của tổ chức “Cứu trợ Giáo hội Thiếu thốn,” cha cùng với nhiều thiếu nhi sẽ thắp lên ngọn nến, thiếu nhi của Syria và nhiều tín hữu khác trên thế giới hôm nay sẽ cùng thắp lên những ngọn nến. [Ngài đốt nến]

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Mùa Vọng

Ước mong rằng ngọn lửa hy vọng này và nhiều ngọn lửa hy vọng nhỏ khác, sẽ xua tan bóng tối của chiến tranh! Chúng ta cùng cầu nguyện và trợ giúp người Ki-tô hữu vẫn còn ở lại Syria và Trung Đông làm những chứng nhân của lòng thương xót, của sự tha thứ và của sự hòa giải. Ước mong rằng ánh lửa hy vọng cũng đến được với tất cả những người đang chịu đựng những cuộc khủng hoảng và căng thẳng trong những thời gian qua ở nhiều nơi trên thế giới, ở gần và ở xa. Ước mong rằng lời cầu nguyện của Giáo hội giúp họ cảm nhận được sự gần gũi của Thiên Chúa tín trung, và chạm đến được mọi lương tâm biết chân thành cam kết hoạt động cho hòa bình. Và nguyện xin Thiên Chúa, Chúa chúng ta, tha thứ cho những người gây nên chiến tranh, những người xây dựng vũ khí để giết hại nhau, và hoán cải tâm hồn họ. Chúng ta cùng cầu nguyện cho hòa bình trong đất nước Syria thân yêu.

[Kính mừng Maira . . . “]

Cha gửi lời chào đến anh chị em, người Roma và anh chị em hành hương đang hiện diện tại đây. Đặc biệt anh chị em đến từ Linden ở Hoa Kỳ; Valencia và Pamplona, Tây Ban nha, và các sinh viên và giáo sư của Đại học “Claret” Madrid.

Cha gửi lời chào ban hợp xướng Modica; các tín hữu đến từ Altamura, Conversano và Laterza. Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc và hành trình Mùa Vọng tốt lành. Xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt!

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/12/2018]


Phép lạ của Chân phước Fulton J. Sheen - Phép lạ của Thánh Gioan Phaolô II

Bắt đầu từ hôm nay, Tri Khoan trích dịch quyển Contemporary, Scientifically Validated Miracles Associated with Blessed Mary, Saints and the Holy Eucharist (Những phép lạ đương đại của Mẹ Maria Diễm Phúc, các Thánh và Thánh Thể được khoa học công nhận) và đăng theo từng phần.


___________________________________________________________

Phép lạ của Chân phước Fulton J. Sheen

B
Phép lạ của Chân phước Fulton J. Sheen


Một phép lạ được phê chuẩn cho án phong Chân phước của Đức Giám mục Fulton J. Sheen xảy ra ngày 16 tháng Chín năm 2010 tại Peoria, Illinois khi bé Giacôbê Fulton Engstrom – một bé sơ sinh của anh Bonnie và chị Travis Engstrom – được phát hiện chết khi sinh. Khi đang sinh, dây rốn của bé Giacôbê bị xoắn thắt lại, cắt đứt nguồn máu, ô-xi, và chất dinh dưỡng của em bé trong giai đoạn lâm bồn, bé không có mạch đập, tay và chân của bé ngoặt sang hai bên và người bé chuyển sang màu xanh. Vì trước đó Bonnie Engstrom đã quyết định sanh tại nhà, nên người hộ sanh và những người khác phải thực hiện phương pháp CPR cho em bé trong khi chờ đợi xe cứu thương tới chở bé đến nhà thương. 20 phút sau, xe cứu thương đến và đưa em bé không có mạch đập đến nhà thương. Khi tới nơi, các bác sĩ một lần nữa cố gắng hồi sinh cho bé bằng phương pháp hô hấp và tiêm epinephrine, nhưng sau 61 phút, cho biết rằng bé không qua khỏi. Trong suốt thời gian thử thách, cha mẹ của bé và một vài gia đình bạn bè cầu nguyện nhờ sự chuyển cầu của Đức Tổng Giám mục Fulton J. Sheen cho sự sống của bé.


______________________________________________________________



48 Nguồn giấu tên của Vatican 2011 “The Cure of Signora Consiglia De Martino” trong Inside the Vatican. https://miraclescatholic.wordpress.com/2011/03/11/the-cure-of-signora-consiglia-de-martino/.

49 “Hành trình tuyên phong Thánh đức Padre Pio”
http://caccioppoli.com/The%20path%20of%20Padre%20Pio%20to%20sainthood,%20the%20miracle%20of%20Consiglia%20De%20Martino,%20the%20miracle%20of%20Matteo%20Pio%20Colella.html.
______________________________________________________________


Ngay lúc các bác sĩ chuẩn bị tuyên bố rằng Giacôbê đã chết, tim của bé bắt đầu nhịp đập đầu tiên – với nhịp bình thường là 148 nhịp một phút. Chính điều này đã là quá phi thường vì Giacôbê chuyển từ trạng thái chết sang hoạt động của nhịp tim bình thường ngay lập tức. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một phần của câu chuyện. Sau 61 phút tim ngừng đập và mất ô-xi nghiêm trọng (ngoại trừ những lúc thực hiện biện pháp CPR), các bác sĩ chắc chắn Giacôbê sẽ bị suy đa cơ quan nặng. Khi điều này không xảy ra thì họ lại dự liệu rằng Giacôbê sẽ bị khuyết tật nặng, và lưu ý rằng bé có thể sẽ bị bại não, cho rằng suốt cuộc đời bé sẽ phải gắn chặt với xe lăn cùng với những ống truyền thức ăn, và chắc chắn bé sẽ bị mù và gần như trí não không hoạt động. Ngược lại với tất cả những dự đoán, Giacôbê không bị bất kỳ một khuyết tật hay triệu chứng nào như các bác sĩ đã dự liệu, và tiếp tục phát triển như một đứa trẻ bình thường.

Một ủy ban các chuyên khoa y gồm bảy thành viên nhóm họp tại Peoria (nơi diễn ra phép lạ) để nghiên cứu tất cả các hồ sơ y khoa liên quan đến trường hợp này cũng như chính bé Giacôbê. Tháng Ba năm 2014 họ kết luận rằng sự phục hồi và phát triển của Giacôbê không thể giải thích được theo bất kỳ nguyên lý tự nhiên nào thuộc khoa học. Trong bất kỳ tình huống nào trước phép lạ, thì bé hoặc chết hoặc bị khuyết tật nghiêm trọng. Một ủy ban các nhà thần học sau đó nhóm họp và đưa ra quyết định về sự phục hồi sức khỏe của Giacôbê là một phép lạ xảy ra qua sự chuyển cầu của Đức Tổng Giám mục Fulton J. Sheen.

__________________________________________________________

Phép lạ của Thánh Gioan Phaolô II

C
Phép lạ của Thánh Gioan Phaolô II


Phép lạ thứ hai dẫn đến quyết định tuyên phong thánh cho Đức Gioan Phaolô II liên quan đến một người phụ nữ 50 tuổi tên Floribeth Mora Diaz ở Santiago, Costa Rica. Bà bị phình mạch não tháng Tư năm 2011. Sau một loạt những kiểm tra trong một nhà thương, gồm cả chụp não, và sau cuộc hội chẩn kéo dài 3 giờ, các bác sĩ cho biết tình trạng của bà là không mổ được và đang trong giai đoạn cuối, và bà chỉ có thể sống thêm được một tháng.

Sau khi nhận được tin dữ, bà Floribeth về nhà, và bà ở yên trên giường để được thoải mái trong phần đời ngắn ngủi còn lại. Bà có lòng sùng mộ rất lớn đối với Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, vì thế bà bắt đầu cầu khẩn sự chuyển cầu của ngài để bà có thể tiếp tục sống và hỗ trợ cho chồng bà và bốn đứa con. Thật trùng hợp, lễ tuyên phong chân phước cho Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II diễn ra ngày 1 tháng Năm, 2011, và bà Floribeth quyết định theo dõi Thánh Lễ qua truyền hình. Sau khi xem xong Lễ bà chìm vào giấc ngủ, khi đó bà có một thị kiến của Đức Gioan Phaolô II nói với bà rằng “Hãy xuống khỏi giường! Đừng sợ!” Trước sự kinh ngạc của chồng, bà bước xuống khỏi giường và nói với ông rằng bà cảm thấy khỏe — và cho biết điều này xảy ra sau khi bà có thị kiến với Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Floribeth sau đó trải qua nhiều lần kiểm tra y khoa — kể cả những bản chụp não mới — và kết quả của những lần kiểm tra này làm cho bác sĩ chuyên khoa thần kinh của bà và các bác sĩ khác hoàn toàn sửng sốt trước sự lành bệnh của bà. Họ tuyên bố rằng sự lành bệnh xảy ra gần như ngay lập tức ngày 1 tháng Năm, lúc 1 giờ sáng là không thể giải thích được theo y học. Sau đó một ủy ban gồm các chuyên gia y khoa được Vatican nhóm họp đồng thời bí mật đưa Floribeth đến Roma, đưa bà vào một nhà thương để làm xét nghiệm mới, so sánh tình trạng sức khỏe hiện tại của bà với các hồ sơ của chuyên khoa thần kinh và những bản chụp trước khi bà được chữa lành ngày 1 tháng Năm, 2011. Họ cũng đưa ra kết luận rằng sự lành bệnh của bà là không thể giải thích theo khoa học. Phép lạ này dọn đường cho ủy ban thần học và Đức Thánh Cha Phanxico công bố Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II là thánh.



[Nguồn: magiscenter]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/11/2018]