Thứ Năm, 21 tháng 10, 2021

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 20 tháng 10, 2021

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 20 tháng 10, 2021

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô

Khán phòng Phaolô VI

Thứ Tư, 20 tháng Mười, 2021

*****

Buổi Tiếp kiến chung sáng nay diễn ra trong Khán phòng Phaolô VI, tại đây Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhóm người hành hương và tín hữu đến từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về Thư của Thánh Tông đồ Phaolô gửi tín hữu Galát, tập trung vào chủ đề: “Sự tự do được thực hiện trong đức ái.”

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu.

Buổi tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.

________________________________


Bài giáo lý về Thư gửi tín hữu Galát: 12. Sự tự do được thực hiện trong đức ái

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong những ngày này, chúng ta đang nói về sự tự do của đức tin, lắng nghe Thư gửi tín hữu Galát. Nhưng cha được nhắc nhở về những điều Chúa Giêsu nói về tính tự nhiên và tự do của trẻ em, khi cậu bé này có quyền tự do đến gần và di chuyển như thể bé đang ở nhà ... Và Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”. Sự can đảm đến gần Chúa, mở lòng với Chúa, không e sợ Chúa: Cha cảm ơn cậu bé này về bài học mà bé đã cho tất cả chúng ta. Và xin Chúa trợ giúp em trong sự giới hạn, trong sự phát triển của mình bởi vì bé đã cho chúng ta chứng tá xuất phát từ trái tim của em. Trẻ em không có một máy phiên dịch tự động từ trái tim đến cuộc sống: trái tim giữ vai trò dẫn đầu. Cảm ơn con.


(Đoạn clip cậu bé chạy lên với Đức Thánh Cha)

Với thư gửi tín hữu Galát, Thánh Tông đồ Phaolô dần dần giới thiệu cho chúng ta sự mới lạ tuyệt vời của đức tin. Từ từ, từng bước… đó là tính mới lạ của đức tin. Nó thật sự là một điều mới lạ tuyệt vời, bởi vì nó không chỉ đổi mới một vài khía cạnh của cuộc sống, nhưng dẫn chúng ta đi vào “đời sống mới” mà chúng ta đã lãnh nhận với Bí tích Rửa tội. Ở đó, món quà lớn nhất, là được trở thành con cái của Thiên Chúa, đã tuôn đổ trên chúng ta. Được tái sinh trong Đức Kitô, chúng ta đã chuyển từ một tôn giáo được tạo thành từ các giới luật – chúng ta đã chuyển từ một tôn giáo được tạo thành từ các giới luật – sang một đức tin sống động, có trung tâm là sự hiệp thông với Thiên Chúa và với anh chị em của chúng ta, nghĩa là trong tình yêu thương. Chúng ta đã chuyển từ tình trạng nô lệ cho sự sợ hãi và tội lỗi sang sự tự do của con cái Thiên Chúa. Ở đây, một lần nữa, đó là chữ tự do…

Hôm nay chúng ta sẽ cố gắng hiểu rõ hơn trung tâm của sự tự do này đối với Thánh Tông đồ là gì, cốt lõi của điều này là gì. Thánh Phaolô khẳng định rằng tự do không phải là “lợi dụng để sống theo tính xác thịt” (Gl 5:13): do đó, tự do không phải là một lối sống phóng túng, theo xác thịt hay theo bản năng, ham muốn cá nhân hay những thôi thúc ích kỷ của một người; Không, trái lại, sự tự do của Chúa Giêsu khiến chúng ta trở thành, như Thánh Tông đồ viết, “người phục vụ lẫn nhau” (sđd). Nhưng đây có phải là sự nô lệ? Đúng vậy, sự tự do trong Đức Kitô có một yếu tố nô lệ, một chiều kích dẫn chúng ta đến việc phục vụ, sống cho người khác. Nói cách khác, sự tự do đích thực được thể hiện trọn vẹn trong tình yêu. Tuy nhiên, một lần nữa, chúng ta thấy mình phải đối mặt với nghịch lý của Tin Mừng: chúng ta được tự do bằng cách phục vụ, không phải bằng cách làm bất cứ điều gì chúng ta muốn. Chúng ta tự do trong sự phục vụ, và sự tự do đến từ đó; chúng ta tìm thấy trọn vẹn bản thân tới mức độ chúng ta tự cho đi bản thân. Chúng ta tìm thấy trọn vẹn bản thân tới mức độ chúng ta tự cho đi bản thân, đến mức chúng ta có đủ can đảm để cho đi chính mình; chúng ta có được sự sống nếu chúng ta liều mất nó (xem Mc 8:35). Đây là Tin mừng tinh ròng.

Nhưng có thể giải thích nghịch lý này như thế nào? Vì đó là một nghịch lý! Câu trả lời của Thánh Tông đồ cũng đơn giản như nó đòi hỏi: “nhờ tình yêu” (Gl 5:13). Không có tự do nếu không có tình yêu. Sự tự do ích kỷ để làm những gì mình muốn không phải là tự do, bởi vì nó chỉ nghĩ đến bản thân, nó không sinh hoa trái. Nhờ tình yêu: chính tình yêu của Đức Kitô đã giải thoát chúng ta, và chính tình yêu cũng giải phóng chúng ta khỏi tình trạng nô lệ tồi tệ nhất, đó là sự nô lệ cho bản thân; vì vậy, tự do lớn lên cùng với tình yêu. Nhưng hãy cẩn thận: không phải với tình yêu xem mình là trung tâm, với tình yêu của một vở kịch truyền hình nhiều tập, không phải với niềm đam mê đơn thuần chỉ đi tìm kiếm những gì chúng ta muốn và thích: không phải với điều đó, nhưng với tình yêu mà chúng ta nhìn thấy trong Chúa Kitô, đó là đức ái – đây là tình yêu thực sự tự do và giải thoát. Đó chính là tình yêu tỏa sáng trong việc phục vụ cách nhưng không, bắt chước theo gương Chúa Giêsu, Đấng đã rửa chân cho các môn đệ và nói: “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13:15). Phục vụ lẫn nhau.

Vì vậy, đối với Thánh Phaolô, tự do không phải là “làm những gì bạn muốn và những gì bạn thích”: không. Loại tự do này, không có mục tiêu và không có điểm tham chiếu, sẽ là một thứ tự do trống rỗng, một thứ tự do của rạp xiếc: nó không tốt. Và quả thật, nó để lại sự trống rỗng trong lòng: đã bao lần, sau khi chỉ làm theo bản năng, chúng ta nhận ra rằng chúng ta chỉ còn lại một sự trống rỗng rất lớn trong lòng và rằng chúng ta đã sử dụng kho tàng tự do của mình cách rất tệ, nó là cái đẹp của việc có khả năng chọn điều tốt thật sự cho cho bản thân và cho người khác. Tự do đích thực luôn giải phóng chúng ta, nhưng ngược lại khi chúng ta thực hiện quyền tự do đối với những gì chúng ta thích và không thích, thì cuối cùng chúng ta chỉ còn lại sự trống rỗng. Chỉ có sự tự do này là trọn vẹn, xác thực và đưa chúng ta đi vào cuộc sống thật sự hàng ngày.

Trong một thư khác, lá thư đầu tiên gửi tín hữu Côrintô, Thánh Tông đồ trả lời cho những người ủng hộ một ý tưởng không đúng về tự do. “Tất cả mọi sự được phép!” À, tất cả mọi sự được phép thì có thể được thực hiện. Không: đó là một ý tưởng sai lầm. Câu trả lời có thể sẽ là, “Đúng, nhưng không phải tất cả mọi sự đều hữu ích. Tất cả mọi sự được phép nhưng không phải tất cả mọi sự đều hữu ích!”, Thánh Phaolô trả lời. “Tất cả mọi sự được phép, đúng, nhưng không phải tất cả mọi thứ đều có tính cách xây dựng”, Thánh Tông đồ phản đối. Tiếp theo ngài nói thêm: “Đừng ai tìm ích lợi cho riêng mình, nhưng hãy tìm ích lợi cho người khác” (1 Cr 10:23-24). Đây là nguyên tắc để vạch mặt bất kỳ kiểu tự do ích kỷ nào. Ngoài ra, đối với những người bị cám dỗ chỉ muốn có tự do theo sở thích của mình, Thánh Phaolô đặt trước mặt họ sự cần thiết về tình yêu.

Tự do được hướng dẫn bởi tình yêu là điều duy nhất làm cho người khác và chính chúng ta được tự do, biết lắng nghe mà không áp đặt, biết yêu thương mà không ép buộc, biết xây dựng và không phá hủy, không lợi dụng người khác vì sự thuận tiện của mình và làm điều tốt mà không tìm kiếm lợi ích của riêng mình. Nói tóm lại, nếu tự do không phục vụ – đây là bài kiểm – nếu tự do không phục vụ cho việc thiện, nó có nguy cơ bị cằn cỗi và không sinh hoa kết trái. Nếu tự do không phục vụ điều thiện, nó không sinh hoa trái. Mặt khác, sự tự do được gợi hứng bởi tình yêu hướng đến người nghèo, nhận ra dung nhan của Đức Kitô trên khuôn mặt của họ. Do đó, việc phục vụ lẫn nhau này cho phép Thánh Phaolô, khi viết cho người Galát, nhấn mạnh một điều không được xem nhẹ chút nào: theo cách này, khi nói về sự tự do mà các Tông đồ khác đã trao cho ngài để rao giảng Phúc âm, ngài nhấn mạnh rằng các ông chỉ khuyến nghị một điều: nhớ đến người nghèo (xem Gl 2:10). Thật là thú vị, những gì các tông đồ đã nói khi sau trận chiến về tư tưởng giữa Thánh Phaolô và các Tông đồ, họ đồng ý: “Hãy tiến bước, hãy tiến bước và đừng quên người nghèo khó”, có nghĩa là, sự tự do trong vai trò là một người rao giảng là một sự tự do trong việc phục vụ tha nhân, không phải cho chính bản thân, không phải là làm theo ý thích của mình.

Tuy nhiên, chúng ta biết rằng một trong những quan niệm hiện đại phổ biến nhất về tự do là: “tự do của tôi kết thúc nơi tự do của bạn bắt đầu”. Nhưng ở đây thiếu mối tương quan! Đó là một cách nhìn theo chủ nghĩa cá nhân. Mặt khác, những người đã nhận được món quà tự do của Chúa Giêsu mang đến không thể nghĩ rằng tự do bao gồm việc tránh xa những người khác, như thể họ là một sự phiền toái; con người không thể bị coi là người bị nhốt trong lồng, nhưng luôn luôn là một phần của cộng đồng. Chiều kích xã hội là nền tảng đối với người Kitô hữu, và nó cho phép họ hướng đến ích chung chứ không phải lợi ích cá nhân.

Đặc biệt trong thời điểm lịch sử này, chúng ta cần khám phá lại chiều kích tự do mang tính cộng đồng, không mang tính cá nhân chủ nghĩa: đại dịch đã dạy chúng ta rằng chúng ta cần nhau, nhưng biết điều này là chưa đủ; chúng ta cần phải chọn nó một cách hữu hình, để quyết định trên con đường đó, mỗi ngày. Chúng ta hãy nói và tin rằng tha nhân không phải là sự trở ngại cho tự do của tôi, mà hơn thế họ là cơ hội để làm hiện thực nó cách trọn vẹn. Bởi vì sự tự do của chúng ta được sinh ra từ tình yêu của Thiên Chúa và lớn lên trong đức ái. Cảm ơn anh chị em.

_________________________________

Lời chào đặc biệt

Cha gửi lời chào anh chị em hành hương và khách tham quan nói tiếng Anh tham dự buổi tiếp kiến chung hôm nay, đặc biệt các nhóm đến từ Hoa Kỳ. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/10/2021]


Nhà hoạt động trẻ tuổi gặp Đức Giáo hoàng, thấy rằng Đức Phanxicô “quan tâm đến những người trẻ tuổi chúng tôi”

Nhà hoạt động trẻ tuổi gặp Đức Giáo hoàng, thấy rằng Đức Phanxicô “quan tâm đến những người trẻ tuổi chúng tôi”

Nhà hoạt động trẻ tuổi gặp Đức Giáo hoàng, thấy rằng Đức Phanxicô “quan tâm đến những người trẻ tuổi chúng tôi”

Giacomo Zattini | Facebook | Fair Use

Gelsomino Del Guercio

16/10/21


Người sinh viên đại học nói: “Đức Thánh Cha Phanxicô “có phần giống như một người ông.”

Giacomo Zattini, một sinh viên đại học đến từ thành phố Forlì, miền bắc nước Ý, đã có cuộc gặp gỡ đặc biệt với Đức Giáo hoàng Phanxicô vào ngày 25 tháng Chín. Giacomo là một nhà hoạt động trẻ được phong trào môi trường Fridays For Future chọn để gửi một “Bức thư gửi Người lớn” cho Đức Giáo hoàng Phanxicô.

Giacomo tóm tắt ý nghĩa của tài liệu cho Il Resto del Carlino:

“Đó là một lời mời gọi hiệp nhất mạnh, vào một thời điểm lịch sử khi người trẻ và người lớn nên ở cùng một phía. Thật vậy, những gì chúng ta phải làm ngày hôm nay đối với khí hậu không những bảo đảm một tương lai có thể sống được mà còn là một hiện tại trong lành và sạch sẽ hơn”.


Những cảm xúc mạnh mẽ

Hiệp hội Earth Day (Ngày Trái đất) đã liên hệ với ban nhân viên của Đức Giáo hoàng Phanxicô để tổ chức một cuộc họp với một số hiệp hội và nhóm ở cấp quốc gia giải quyết các vấn đề môi trường và xã hội. Do đó có sự hiện diện của Fridays For Future và Giacomo Zattini. Anh nói về trải nghiệm của mình trong một cuộc phỏng vấn đăng trên tờ báo khu vực Forlì Today. Anh nói: “Trước khi gặp ai đó hoặc tham gia một kỳ thi, tôi luôn rất lo lắng. Thật sự lòng bàn tay của tôi toát mồ hôi. Tôi lo lắng đến quên hết mọi sự.”

Thật không may cho thần kinh của anh, anh đã phải đợi lâu hơn dự kiến, nhưng điều đó không phải là quá tệ, như lời anh nói với hãng tin Il Resto del Carlino: “Họ dẫn chúng tôi vào qua một cánh cửa bằng đồng bên hông, sau đó, khi lên cầu thang, chúng tôi bước vào Khán phòng Clementine của Vatican, thực sự rất đẹp. Đức Giáo hoàng đến muộn và họ bảo chúng tôi đợi ở tiền sảnh, nhưng rồi ‘tiền sảnh’ lại là một phòng triển lãm bích họa quá đẹp đến mức ít có nơi nào giống như vậy”.


Gặp gỡ Đức Giáo hoàng

Cuối cùng, giáo hoàng đến. Giacomo nói với Forlì Today: “Khi ngài đến, nó là một khoảnh khắc vô cùng xúc động. Rồi khi chúng tôi bắt đầu nói chuyện, tôi bình tĩnh lại, bởi vì khi đó tôi đại diện cho một phong trào đang thực hiện những việc quan trọng ở cấp độ toàn cầu, liên quan đến xã hội dân sự và chính trị”.

Trong buổi tiếp kiến, đức giáo hoàng gây ấn tượng với Zattini về sự dễ gần và cởi mở của ngài. Anh nói với phóng viên Giovanni Petrillo:

Bạn có thể thấy rằng ngài rất vui khi nhìn thấy những gương mặt trẻ. (…) Ngài chào đón chúng tôi rất nồng nhiệt. Sau đó, ngài nói chuyện với từng đại diện của các hiệp hội có mặt. Ngài rất sẵn lòng lắng nghe và cởi mở. Tôi rất ấn tượng rằng một nhân vật quá bận rộn và bị áp lực bởi quá nhiều thứ mà ngài phải quan tâm, lại rất sẵn sàng. Bạn có thể thấy rõ rằng ngài rất quan tâm đến những gì mỗi người chúng tôi đang nói, tìm cách liên hệ với những người trẻ tuổi của chúng tôi.

Giacomo giải thích rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô “có phần hơi giống một người ông,” mặc dù có ít nhất một điều làm ngài khác biệt — ngài “được bao quanh bởi các vệ sĩ,” nhà hoạt động bình luận. “Chúng tôi cảm thấy được chào đón. Nó thật đẹp. Và chỉ sau cuộc gặp gỡ, tôi mới thực sự hiểu được điều đó. Tôi đã có đức giáo hoàng ở trước mặt tôi, một người nằm trong số ít những nhân vật có ảnh hưởng với mọi người trên toàn cầu, không chỉ riêng người Công giáo.”

Cuộc đối thoại riêng tư giữa Giacomo Zattini với đức giáo hoàng kéo dài “khoảng một phút”, trong khi cuộc đối thoại “chung” với tất cả các nhà hoạt động kéo dài khoảng 40 phút. Sự kiện được tổ chức tại Khán phòng Clementine. Người sinh viên đã có cảm xúc rất mạnh với những hình ảnh và lời nói mà đức giáo hoàng sử dụng:

Ngài cầm lấy micrô và cho chúng tôi một bài chia sẻ, trong thời gian chia sẻ ngài lấy ra một chiếc áo thun mô tả quá trình tiến hóa của con người, từ người Homo Erectus đến Homo Habilis, từ cong lưng sang đứng thẳng, và rồi lại trở thành cong lưng. Và ngài chỉ ra rằng con người ngày nay vẫn “cong lưng”, cho thấy sự không thống nhất trong quá trình phát triển. Và ngài giao cho người trẻ tuổi nhiệm vụ làm cho con người đứng thẳng trở lại. “Hãy kéo con người đứng thẳng dậy,” ngài nói với chúng tôi.

Sau đó, đức giáo hoàng đưa ra một nhận xét quan trọng: “Khi người ta nói với các con rằng các con là tương lai, đừng tin vào điều đó: các con là hiện tại.”


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/10/2021]