Thứ Hai, 25 tháng 7, 2022

Đức Giáo hoàng đến Canada tập trung vào người cao tuổi và sự thống hối

Đức Giáo hoàng đến Canada tập trung vào người cao tuổi và sự thống hối

Đức Giáo hoàng đến Canada tập trung vào người cao tuổi và sự thống hối

Đức Giáo hoàng Phanxicô được chào đón bởi các nhà lãnh đạo người Bản địa và ông Justin Trudeau, thủ tướng Canada, ở trung tâm, và bà Mary Simon, toàn quyền, (không xuất hiện trong ảnh) trong nghi thức chào đón tại Sân bay Quốc tế Edmonton ngày 24 tháng Bảy năm 2022. Đức Giáo hoàng bắt đầu chuyến thăm Canada kéo dài 6 ngày. (CNS photo/Paul Haring)


Cindy Wooden

24 tháng Bảy, 2022


EDMONTON, Alberta (CNS) — Sau chuyến bay kéo dài hơn 10 giờ từ Roma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã hạ cánh xuống Edmonton và có cuộc gặp gỡ trong thời gian ngắn tại sân bay với các nhà lãnh đạo người Bản địa, bà toàn quyền Canada và thủ tướng trước khi đến chủng viện địa phương để nghỉ ngơi.

Bà Toàn quyền Mary Simon và Thủ tướng Justin Trudeau đi bên cạnh Đức Giáo hoàng khi một người hầu cận đẩy ngài ngồi trên xe lăn vào trong nhà để máy bay ở sân bay để tham dự nghi thức chào đón thân mật. Bốn tay trống người bản địa loan báo sự xuất hiện của vị khách đặc biệt của họ.

Đức Giáo hoàng, bà toàn quyền và thủ tướng được chào đón bởi: bà RoseAnn Archibald, nhà lãnh đạo quốc gia của Hội đồng First Nations; ông Gerald Antoine, nhà lãnh đạo miền của Hội đồng First Nations; ông Natan Obed, chủ tịch của tổ chức Inuit Tapiriit Kanatami; và bà Audrey Poitras, chủ tịch Métis Nation của Alberta.

Trên chuyến bay dài từ Roma, Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn giữ thói quen đưa ra một vài nhận xét ngắn gọn với các phóng viên đi cùng với ngài và sau đó — phải chống gậy bạc — ngài đi dọc theo lối đi và đi ngược lại ở lối bên kia để trực tiếp chào từng người trong số hơn 75 phóng viên, nhiếp ảnh gia và người quay phim tháp tùng với ngài.

Ngài nói: “Tôi rất vui được chào anh chị em như mọi khi. Tôi nghĩ tôi có thể đi vòng quanh.”

Đức giáo hoàng lên máy bay bằng “thang nâng”, một bệ nâng ngài ngồi trên xe lăn lên máy bay ITA.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các phóng viên rằng chuyến thăm Canada của ngài từ ngày 24 đến 29 tháng Bảy sẽ là “một chuyến đi sám hối” để gặp gỡ, lắng nghe và xin lỗi thành viên của các cộng đồng dân tộc First Nation, Métis và Inuit của Canada, đặc biệt là những người từng bị lạm dụng hoặc cưỡng bức đồng hóa tại các trường nội trú do giáo hội điều hành.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng lưu ý rằng ngài sẽ bay đến Canada trong thời gian ngài xướng đọc kinh Truyền tin. “Nhưng chúng ta hãy đọc Kinh Truyền tin ở đây,” ngài nói, đề cập đến bài huấn từ trưa Chúa nhật theo thông lệ của ngài.

Cùng với Giáo hội Công giáo trên toàn cầu đánh dấu Ngày Thế giới Ông Bà và Người cao tuổi 24 tháng Bảy, bài huấn từ Kinh Truyền tin ngắn gọn trên máy bay của Đức Giáo hoàng tập trung vào cách thức “ông bà là những người đã lưu truyền lại lịch sử, truyền thống, phong tục — nhiều điều.”

“Người trẻ cần phải tiếp xúc với ông bà của họ, trở về với ông bà, về với cội nguồn của họ, không dừng lại ở đó, không, mà là đưa cội nguồn tiến về phía trước,” ngài nói, giống như một cái cây hút chất dinh dưỡng từ gốc rễ để sinh hoa kết trái.

Là một tu sĩ Dòng Tên, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài cũng muốn thúc giục thành viên của các dòng tu hãy quý trọng các thành viên cao tuổi của họ — “những người ông người bà của đời sống thánh hiến”.

Đức Thánh Cha nói: “Xin làm ơn, đừng giấu họ đi.”

Tầm quan trọng của người cao tuổi như là những người gìn giữ sự khôn ngoan và giáo dục lớp người trẻ dự kiến sẽ là một chủ đề được lặp lại trong chuyến thăm của Đức Thánh Cha tới Alberta, Quebec và Nunavut.

Đức Hồng y Pietro Parolin, quốc vụ khanh Vatican, tháp tùng Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến tông du. Ngài nói với Vatican News ngày 23 tháng Bảy rằng trọng tâm của đức giáo hoàng sẽ là thừa nhận và xin lỗi về quá khứ, nhưng cũng nhìn vào hiện tại và hướng về tương lai.

Khi Đức Giáo hoàng gặp gỡ các đại diện của các dân tộc First Nation, Métis và Inuit ngày 1 tháng Tư tại Vatican, Đức hồng y nói, “Đức giáo hoàng đã bày tỏ sự xấu hổ và phẫn nộ trước hành động của không ít người Kitô hữu, thay vì làm chứng cho Tin Mừng, lại tuân theo tâm lý thực dân và các chính sách đồng hóa văn hóa của chính quyền trong quá khứ, đã gây tổn hại nghiêm trọng đến các cộng đồng bản địa.”

Đức Hồng y nói: “Thật đau đớn trước vai trò của một số người Công giáo trong cái gọi là hệ thống trường học nội trú, đã dẫn đến việc tách lìa nhiều trẻ em người bản địa khỏi gia đình của các em”. Nhiều trẻ em đã phải chịu đựng sự lạm dụng tình cảm, thể chất và tình dục tại các trường học, ngoài việc bị cắt đứt khỏi ngôn ngữ bản địa, phong tục và nghi lễ của các em.

Đức Hồng Y Parolin cho biết quá khứ đó là lý do tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả chuyến đi của ngài là một “cuộc hành hương sám hối” và sẽ tập trung vào “việc chữa lành vết thương và hòa giải”.

Tuy nhiên, ngài nói, chuyến thăm của Đức Giáo hoàng cũng bao gồm việc phản ánh các giá trị của người Bản địa có thể được chia sẻ và cần được chia sẻ với xã hội và giáo hội ngày nay.

Đức hồng y nói, “Thật vậy, rất hữu ích để mọi người khám phá lại nhiều giá trị và những giáo huấn,” chẳng hạn như quan tâm đến gia đình và cộng đồng, chăm sóc tạo vật, tầm quan trọng của tâm linh, mối ràng buộc bền chặt giữa các thế hệ và sự tôn trọng người cao tuổi.

Chuyến đi của Đức Giáo hoàng đã được lên kế hoạch vào dịp lễ các Thánh Gioakim và Anna, là ông bà của Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ cùng tham dự lễ vào ngày 26 tháng Bảy, tại Lac Ste. Anne với những người hành hương bản địa.

Tại một cuộc họp báo được phát trên YouTube trước khi Đức Giáo hoàng đến, Đức Tổng Giám mục Richard Smith của Edmonton nói với các phóng viên: “Tôi tin rằng đây sẽ là một thời điểm rất quan trọng trong lịch sử của đất nước chúng tôi.”

Cha Cristino Bouvette, một linh mục người Bản địa thuộc Giáo phận Calgary, cho biết rằng mọi điều về chuyến thăm của Đức Giáo hoàng đã được lên kế hoạch trong các cộng đồng người Bản địa, đặc biệt là những nạn nhân của các trường nội trú, và việc tìm kiếm công lý, chữa lành và hòa giải của họ.

Cha nói, chương trình “đã được thiết kế với mục đích rõ ràng là làm nổi bật những nhu cầu và mối quan tâm từ ban đầu đã thôi thúc Đức giáo hoàng đến đây. Có thể là ngài thích Canada, nhưng ngài không đến đây vì thích Canada. Ngài đến đây để giải quyết nhu cầu mục vụ cụ thể và đặc biệt này với tư cách là một mục tử.”


[Nguồn: catholicnews]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/7/2022]


Gần 70 người Kitô hữu bị giết trong vòng hai tháng

Gần 70 người Kitô hữu bị giết trong vòng hai tháng

Gần 70 người Kitô hữu bị giết trong vòng hai tháng

Catholic diocese of Makurdi via ACN

Aid to the Church in Need 

20/07/22 - updated on 07/20/22


Đức Giám mục Wilfred Chikpa Anagbe nói: “Phải sống với hoàn cảnh như vậy là điều rất khủng khiếp đối với tôi và người dân của tôi”.

Ít nhất 68 người Kitô hữu đã bị giết, và nhiều người khác bị bắt cóc hoặc di tản, trong hai tháng qua chỉ riêng tại một bang ở miền trung của Nigeria.

Trong một báo cáo gửi tới tổ chức giáo hoàng Aid to the Church in Need, Đức Giám mục giáo phận Makurdi, một trong những giáo phận ở Bang Benue, phàn nàn về việc chính phủ Liên bang không có hành động gì và trình bày những thiếu thốn nghiêm trọng của hàng ngàn người trong số 1,5 triệu người đã buộc phải rời khỏi nhà của họ.

Đức Giám mục Wilfred Chikpa Anagbe nói: “Tất nhiên, phải sống với một hoàn cảnh như vậy là điều rất khủng khiếp đối với tôi và người dân của tôi”.

Trung tâm của vấn đề là các cuộc tấn công liên miên của những kẻ khủng bố từ bộ lạc Fulani với phần lớn là người Hồi giáo, chống lại các cộng đồng nông dân đa phần theo Kitô giáo ở miền trung Nigeria. Lý do cho các cuộc tấn công rất phức tạp. Xung đột giữa những người chăn nuôi du mục và nông dân định cư đã có từ nhiều thế kỷ trước, nhưng sự phổ biến tràn lan các loại súng đạn cao cấp trong vài năm qua đã khiến các cuộc tấn công trở nên chết chóc và tàn khốc hơn nhiều.

Chiều kích tôn giáo càng làm nghiêm trọng thêm tình hình ở một đất nước bị chia cắt đồng đều giữa miền nam đa phần theo Kitô giáo, và miền bắc với phần lớn là người theo Hồi giáo, với hầu hết các cuộc đụng độ diễn ra ở miền trung, nơi có những vùng đất đai màu mỡ nhất. Theo vị giám mục, những kẻ khủng bố ngụy trang thành những người du mục chăn nuôi gia súc để che đậy mục đích thật sự của các cuộc tấn công, đó là quét sạch người Kitô hữu khỏi vùng đất của họ.

Gần 70 người Kitô hữu bị giết trong vòng hai tháng

Các giáo sĩ khiêng quan tài màu trắng của các linh mục được cho là bị giết bởi những người chăn gia súc thuộc bộ lạc Fulani, tại Ayati-Ikpayongo ở Gwer, quận nằm ở phía đông bang Benue, miền trung bắc Nigeria. East News

Nguồn cung cấp thực phẩm, giáo dục và chăm sóc mục vụ bị ảnh hưởng

Đức giám mục nói rằng tình hình này đã gây ra “tình trạng thiếu lương thực trầm trọng quá mức chịu đựng”, đồng thời giải thích rằng “Bang Benue được biết đến là vựa bánh mì của quốc gia, nhưng khủng bố đã làm ảnh hưởng đến tình hình cung cấp lương thực”. Kết quả là, những người nông dân trước đây có thể nuôi sống bản thân và gia đình của họ hiện giờ phải sống nhờ hoạt động bác ái.

“Tình trạng quá thiếu thốn đã khiến nhiều người ở trong điều kiện không xứng đáng với phẩm giá con người, thường lệ thuộc vào khẩu phần lương thực do những người khác đóng góp mà điều kiện kinh tế không khá giả hơn về bất kỳ mặt nào”.

Makurdi hiện đang cưu mang 80% dân số người di tản ở Bang Benue, và bất chấp những khó khăn về tài chính, Giáo hội địa phương đã cố gắng hết sức để xoa dịu đau khổ và thiếu thốn, cung cấp hỗ trợ lương thực và hàng hóa thiết yếu. Gần đây, Ủy ban Công lý, Phát triển và Hòa bình đã phân phát thực phẩm và quần áo cho hơn 1.800 người riêng trong một trại. Giáo phận cũng cấp học bổng cho hàng chục trẻ em phải di tản, để các em không bị mất cơ hội học hành.

Tuy nhiên, sự bất ổn của khu vực đôi khi gây khó khăn, và chính Đức cha nói rằng “trong một vài năm nay, tôi đã không thể thi hành các hoạt động mục vụ tại những khu vực trong giáo phận của mình”.

“Cùng với tất cả các sáng kiến trên, chúng tôi không quên sự chăm sóc mục vụ mà những người dân xứng đáng được hưởng. Có một giáo xứ nằm trong khu vực định cư phục vụ nhu cầu tinh thần của người IDP,” Đức cha kết luận và nói thêm rằng ngài vẫn đang hy vọng mua được một phòng khám bệnh di động để giúp giải quyết các nhu cầu về sức khỏe và tâm lý xã hội của những người di tản.

Gần 70 người Kitô hữu bị giết trong vòng hai tháng

Nơi ở tạm bợ tại một trại không chính thức nằm ở làng Ichwa thuộc Bang Benue, Nigeria. Catholic diocese of Makurdi via ACN

Nguồn ánh sáng trong thung lũng tối

Những vấn đề với người chăn gia súc Fulani, các nhóm vũ trang và các phần tử Hồi giáo cực đoan ở Nigeria đã diễn ra trong nhiều năm, nhưng Giáo hội than phiền rằng việc chính phủ không hành động đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Theo Đức giám mục, “mức độ của các vụ giết người, di tản và tàn phá tài sản của các lực lượng dân quân chiến binh Fulani này chỉ nhằm củng cố cho chương trình hành động hiện đã lộ rõ nhằm trục xuất các cộng đồng Kitô giáo ở Nigeria để chiếm các vùng đất.” Đức Cha nói, “Thật kỳ lạ, chính phủ cầm quyền ở Nigeria hiện tại vẫn tiếp tục không có hành động gì trước những cuộc tấn công liên tục xảy ra này, đưa ra những lý do buồn cười như ‘biến đổi khí hậu’ hoặc một số người Hồi giáo đôi khi cũng bị giết trong các cuộc tấn công của các băng nhóm được gọi là kẻ cướp.”

Bị chính quyền địa phương bỏ rơi, Giáo hội rất biết ơn sự hỗ trợ mà họ đã nhận được từ ACN, điều mà Đức Giám mục Anagbe mô tả là “nguồn ánh sáng trong thung lũng tối”.

ACN tiếp tục hỗ trợ Giáo hội địa phương chịu đựng cảnh nghèo đói và bị bách hại ở nhiều nơi trên đất nước. Năm 2021, Tổ chức Bác ái quốc tế đã tài trợ cho 105 dự án ở Nigeria, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. ACN cũng cung cấp một nền tảng thông tin về sự đau khổ của người Kitô hữu và giúp các nhà chức trách Giáo hội địa phương lên tiếng tại các sự kiện quốc tế về những vấn đề như tự do tôn giáo và đàn áp Kitô giáo.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/7/2022]