Thứ Ba, 1 tháng 9, 2020

Đức Giám mục nói những người theo trào lưu chính thống cố tình làm Miến Điện mất ổn định

Đức Giám mục nói những người theo trào lưu chính thống cố tình làm Miến Điện mất ổn định

Đức Giám mục John Saw Yaw Han (trái) (Credit: Aid To The Church In Need)

Đức Giám mục nói những người theo trào lưu chính thống cố tình làm Miến Điện mất ổn định

ACN trao đổi với Tổng thư ký của Hội đồng Giám mục Công giáo

26 tháng Tám, 2020 15:29

FIONN SHINER

 

Một vị giám mục hàng đầu cho biết những người cuồng tín điều khiển nền kinh tế Miến Điện bằng cách thúc đẩy tình trạng xung đột tôn giáo để ngăn chặn các nhà đầu tư bên ngoài.

Trao đổi với Tổ chức Bác ái Công giáo Cứu trợ Giáo hội Thiếu thốn (ACN), Đức Giám mục John Saw Yaw Han, Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Công giáo Miến Điện, giải thích cách thức tôn giáo được sử dụng như một công cụ để mở rộng những lợi ích kinh tế.

Ngài nói: “Các trường hợp chủ nghĩa cuồng tín tôn giáo và sự tuyên truyền tiêu cực ngày càng gia tăng đang gây xáo trộn đất nước. Đôi khi tôn giáo được sử dụng để thống trị xã hội, bảo vệ những lợi ích kinh tế và chính trị bởi một nhóm nhỏ các cá nhân.

“Đối với họ, xung đột và bạo lực là điều cần thiết để gây bất ổn, để ngăn chặn các nhà đầu tư bên ngoài. Với ít sự cạnh tranh thì chỉ có những cá nhân này kiểm soát nền kinh tế, và nó dẫn đến tình trạng thiếu phát triển và nghèo đói.”

Đức Giám mục Yaw Han phát biểu sau khi các nhà lãnh đạo tôn giáo của Miến Điện phát hành một tài liệu có tên “Nắm bắt cơ hội!” khuyến khích các nhân tố tín ngưỡng hoạt động tạo sự ảnh hưởng hòa giải trong một quốc gia từ lâu bị bất ổn bởi xung đột tôn giáo.

Ngài nói: “Tôn giáo là một vấn đề nhạy cảm ở Miến Điện. Ở Miến Điện, bạo lực tôn giáo với động cơ chính trị có nguồn gốc từ rất lâu và gây ra những hậu quả sâu rộng.

“Sự bất khoan dung tôn giáo thường được thể hiện qua các hành vi thù địch ở trong nước bằng cách lên án hoặc chế nhạo các giá trị tôn giáo của một tôn giáo nào đó.”

“Đất nước này đã trải qua bạo lực cực đoan về các vấn đề tôn giáo dẫn đến hậu quả nhiều người chết và mất nhà cửa.”

Khi Miến Điện tiến theo hướng dân chủ, Đức Giám mục Yaw Han kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo hãy dũng cảm lên tiếng ủng hộ hòa bình và công bằng, là điều mà đôi khi họ né tránh.

Ngài nói: “Trong nhiều thập kỷ, một số nhà lãnh đạo tôn giáo đứng về phía những người có thế lực và phớt lờ những người bị áp bức. Các nhà lãnh đạo tôn giáo cần có tiếng nói tiên tri và lòng can đảm đạo đức trong đấu tranh chống lại bất công, trong việc xây dựng hòa bình.

“Cuộc bầu cử sắp tới đây [ngày 8 tháng Mười Một năm 2020] rất quan trọng vì nó vẫn đang lựa chọn giữa hệ thống cũ – là một nền văn hóa độc quyền, trước năm 2015 – và chủ trương theo chế độ liên bang – là nền văn hóa bao dung.

“Hiện nay, quá trình chuyển đổi sang dân chủ của Miến Điện đang diễn ra, dẫn đến một loạt xung đột bạo lực và tình trạng vô gia cư, và Miến Điện đang trên đỉnh của những cải cách lớn.”

Tuy nhiên, cho dù có những thách thức này, Đức Giám mục Yaw Han vững tin rằng Miến Điện có thể bước vào một thời kỳ mới của sự khoan dung tôn giáo và hòa bình.

Ngài nói: “Với sự lãnh đạo hợp lý và thể hiện rõ ràng một tầm nhìn dân chủ thông minh cho phép sự đa dạng về tôn giáo, văn hóa, bản sắc dân tộc, cùng với việc cải tạo và tái định hướng ở mọi cấp độ, Miến Điện có thể trở thành một ngọn hải đăng của sự hòa hợp tôn giáo và sắc tộc.”

Sự hỗ trợ của ACN dành cho Miến Điện bao gồm việc xây dựng các nhà thờ, đào tạo các linh mục, giáo dục và đào tạo người Kitô hữu.

Dựa theo phỏng vấn của Maria Lozano. Độc giả có thể xem toàn văn phỏng vấn tại đường dẫn www.acnuk.org


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/8/2020]

ACN cố mang niềm hy vọng đến Li Băng

ACN cố mang niềm hy vọng đến Li Băng

Đức Tổng Giám mục thuộc Giáo hội Melkite Hy lạp, Issam John Darwish của giáo phận Zahle, Furzol And The Bekaa © ACN

ACN cố mang niềm hy vọng đến Li Băng

Người Kitô hữu đối mặt với cuộc khủng hoảng sâu sắc

27 tháng Tám, 2020 08:25

ZENIT STAFF

 
Người Kitô hữu ở Li Băng đang đối mặt với tình hình khủng hoảng sâu sắc, và để ứng phó với điều này, tổ chức mục vụ bác ái Công giáo Quốc tế và quỹ giáo hoàng Cứu trợ Giáo hội Thiếu thốn (ACN) đã chấp thuận ba dự án cứu trợ khẩn cấp cho những gia đình dễ bị tổn thương nhất và những người tị nạn trong khu vực Zahleh và Thung lũng Bekaa.

Trong thời gian nhiều năm, Giáo hội ở Li Băng đóng một vai trò trọng yếu trong việc đáp ứng cho những nhu cầu chính trị, kinh tế và xã hội của người dân. “Ngày nay người dân của chúng tôi đang phải chật vật để kiếm được lương thực hàng ngày. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm mọi việc trong quyền hạn để sát cánh bên họ trong những thời gian khó khăn này,” Đức Tổng Giám mục Archbishop Issam John Darwish thuộc GIáo hội Melkite Hy lạp của Zaleh nói, đây là thành phố chính của khu toàn quyền Bekaa ở Li Băng.

Trong đó hai dự án được thiết lập để cung cấp những thứ thiết yếu cơ bản cho các gia đình túng thiếu nhất, gồm có các phần lương thực và vệ sinh. Đức Tổng Giám mục Darwish đã xin ACN cấp tiền cho 2.000 bao lương thực căn bản để xoa dịu sự đau khổ của 2.000 gia đình ở Zaleh và Thung lũng Bekaa. Do sự khủng hoảng của coronavirus, tình hình hiện tại quá xấu đến mức nhiều gia đình trong số này thậm chí không thể kiếm được những thứ thiết yếu căn bản nhất. Dự án thứ hai sẽ giúp thêm 100 gia đình trong các giáo xứ thuộc Giáo phận Baalbek thuộc Giáo hội Maronite và Deir el-Ahmar, nằm ở phía bắc Thung lũng Bekaa. Nhờ sự cứu trợ này, các gia đình đang sống dưới ngưỡng túng thiếu, sẽ có sự bảo đảm ít nhất trong ba tháng tiếp theo.

“Sự hỗ trợ tài chính của quý vị là quan trọng nhất và nó đến vào đúng thời điểm cần thiết nhất. Nó sẽ có tác động thực sự và sẽ giúp được rất nhiều người túng thiếu. Chúng tôi chẳng có biết nói gì để bày tỏ lòng biết ơn. Chính những cử chỉ tuyệt vời của tha nhân như thế này khiến chúng tôi tiếp tục vượt qua hầu hết các ngày. Đây là một sự giúp đỡ to lớn đối với chúng tôi vào thời điểm rất khó khăn, một tia nắng mang đến cho chúng tôi chút hy vọng ”. Những lời này là của Tiến sĩ Mireille Bechara, giám đốc các dự án của Giáo phận Baalbek thuộc Giáo hội Maronite.

Ngoài hai dự án này, do số lượng những trường hợp nhiễm Covid-19 ngày càng tăng và việc thiếu năng lực xét nghiệm trong nước, ACN đang hỗ trợ thành lập một trung tâm xét nghiệm Covid-19 tại bệnh viện Tel Chiha ở Zaleh, một bệnh viện được thành lập bởi Tổng giáo phận Melkite của Zaleh và Furzal cho thành phố và khu vực lân cận Bekaa, và là yếu tố không thể thiếu trong cuộc chiến nhằm giảm bớt tình trạng nguy cấp mà người dân đang phải gánh chịu.

Bệnh viện này nằm ở một trong những vùng nghèo nhất của Li Băng, và số lượng bệnh nhân Covid-19 ở đây đã tăng lên rất nhiều, đặc biệt trong khu vực sát biên giới với Syria. Bệnh viện duy nhất của nhà nước đang thực hiện xét nghiệm Covid-19 đã dính vào một vụ bê bối sau khi cung cấp những kết quả xét nghiệm sai, và sau khi phát hiện ra rằng bác sĩ phụ trách phòng thí nghiệm làm việc với một văn bằng giả.

Đức Tổng Giám mục Darwish giải thích, “Người dân ở Zahleh và Thung lũng Bekaa đang phải sống trong cảnh hỗn loạn và sợ hãi. Trong hai tuần gần đây, số lượng bệnh nhân đã tăng lên rất nhiều trong mọi vùng, đặc biệt là ở Zaleh và Thung lũng Bekaa, và hệ thống y tế của chúng tôi đang tiến đến mức quá tải.”

Và vì vậy, kế hoạch là thành lập một trung tâm xét nghiệm trong bệnh viện Công giáo, để cung cấp hỗ trợ cho 150.000 người dân địa phương, bao gồm cả những người tị nạn và những người dễ bị tổn thương nhất trong số họ.

Đức Tổng Giám mục tiếp tục, “Chúng tôi nắm giữ mạng sống người dân trong tay của mình, và chúng tôi phải cung cấp cho họ một phòng thí nghiệm mà họ có thể tin tưởng. Hiện tại, người dân trong khu vực thậm chí vẫn không chắc liệu hầu hết các kết quả có đúng hay không, và cần phải quay lại và kiểm tra chúng để chúng tôi có thể truy vết virus chặt chẽ hơn.”

Regina Lynch, Trưởng Phòng dự án của ACN, nhấn mạnh: “Như chúng ta đều biết, Li Băng đang trải qua những đau khổ rất lớn, đặc biệt là ở Beirut, sau vụ nổ thảm khốc trong thành phố, nhưng đồng thời chúng ta không thể quên cuộc khủng hoảng coronavirus vẫn đang phát triển trong khu vực. Một khía cạnh quan trọng của hoạt động tiếp cận mục vụ của Giáo hội trong tình hình khẩn cấp hiện nay của đất nước bao gồm việc quan tâm đến các nhu cầu cơ bản của người dân, chẳng hạn như những bao thực phẩm và chăm sóc y tế cơ bản”.

Không có cuộc điều tra dân số chính thức nào ở Li Băng kể từ năm 1932. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây nhất được thực hiện bởi Statistics Lebanon, một công ty khảo sát có trụ sở tại Beirut, ước tính số lượng người tín hữu Kitô giáo hiện tại ở Li Băng là 44% tổng dân số. Nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị nghiêm trọng trong nhiều năm đã khiến nhiều người Kitô giáo phải di cư. Chán ngán với nạn tham nhũng, người dân mất hết niềm tin vào chính quyền và các chính trị gia. Tuy nhiên, theo báo cáo gần đây nhất của ACN về tự do tôn giáo trên toàn thế giới, tỷ lệ người Kitô hữu có thể đã giảm xuống còn khoảng 32,2% trong tổng số gần 6 triệu người Li băng, trong số đó người ta cho rằng cuộc chiến tranh ở nước Syria láng giềng góp thêm khoảng một triệu người tị nạn, hầu hết họ là người Hồi giáo dòng Sunni.

Tuy nhiên, không kể sự nhập cư này, Li Băng vẫn là quốc gia ở Trung Đông có tỷ lệ người theo Kitô giáo cao nhất trong dân số và là một trong số ít những quốc gia không bị các vấn đề về phân biệt đối xử xã hội hoặc chính trị. Nhiều người Kitô hữu Iraq và Syria cũng đã tìm kiếm nơi ẩn náu ở Li Băng, sau những năm đàn áp và chiến tranh gần đây ở đất nước họ. Kể từ tháng Mười năm ngoái, liên tục có các cuộc biểu tình đòi thay đổi chế độ trong nước, nhưng vụ nổ kinh hoàng làm tàn phá Beirut ngày 4 tháng Tám năm nay đã đưa đất nước này đến bờ vực thẳm.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/8/2020]