Thứ Ba, 21 tháng 3, 2023

Đức Thánh Cha gặp các đại diện Phật giáo Nhân văn của Đài Loan: “Văn hóa gặp gỡ xây dựng những cầu nối và mở ra những cánh cửa dẫn đến các giá trị và nguyên tắc thiêng liêng”

“Văn hóa gặp gỡ xây dựng những cầu nối và mở ra những cánh cửa dẫn đến các giá trị và nguyên tắc thiêng liêng”

Đức Thánh Cha gặp các đại diện Phật giáo Nhân văn của Đài Loan

© Vatican News

*******

Sáng nay, tại Điện Tông tòa Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Phái đoàn Hiệp hội Phật giáo Nhân văn Thống nhất (Đài Loan) và sau đây là diễn từ của ngài:

______________________________________________________


Diễn từ của Đức Thánh Cha

Thưa Hòa Thượng Viện Trưởng, thưa anh chị em!

Tôi hân hạnh được chào đón quý vị đại diện cho Phật giáo Nhân văn của Đài Loan, và đại diện của Giáo hội Công giáo.

Sự hiện diện của quý vị hôm nay minh chứng cho tinh thần tình bằng hữu và hợp tác mà quý vị đã vun đắp với tư cách là những tín đồ, có nền tảng vững chắc trong hành trình tôn giáo của quý vị. Cuộc gặp gỡ của chúng ta diễn ra một thời gian ngắn sau khi Hòa Thượng Hsing Yun viên tịch, vị tổ sáng lập Tu viện Phật Quang Sơn. Nổi tiếng thế giới vì những đóng góp cho Phật giáo Nhân văn, ngài cũng là một bậc thầy về lòng hiếu khách giữa các tôn giáo.

Chuyến thăm của quý vị, mà quý vị gọi là một cuộc hành hương giáo dục, cho thấy một cơ hội đặc biệt để thúc đẩy văn hóa gặp gỡ, trong đó chúng ta mạo hiểm mở lòng ra với người khác, tin tưởng rằng chúng ta sẽ khám phá ra nơi họ những người bạn và anh chị em, và trong tiến trình tìm hiểu và khám phá thêm về bản thân. Vì khi chúng ta có kinh nghiệm với những người khác trong sự đa dạng của họ, chúng ta được động viên vượt ra ngoài bản thân và chấp nhận cũng như nắm lấy sự khác biệt của chúng ta.

Một cuộc hành hương giáo dục liên tôn giáo có thể là một nguồn phong phú tuyệt vời, mang lại nhiều cơ hội để chúng ta gặp gỡ nhau, học hỏi lẫn nhau và trân trọng những kinh nghiệm khác nhau của chúng ta. Văn hóa gặp gỡ xây dựng những cầu nối và mở ra những cánh cửa dẫn đến các giá trị thiêng liêng và những xác tín truyền cảm hứng cho người khác. Nó phá bỏ các bức tường ngăn cách con người và giam giữ họ trong những định kiến, thành kiến hoặc sự thờ ơ.

Cuộc hành hương giáo dục đến những nơi linh thiêng của một tôn giáo – giống như cuộc hành hương quý vị đang thực hiện – cũng có thể làm phong phú thêm sự đánh giá của chúng ta về những khác biệt trong cách tiếp cận thần tính của tôn giáo đó. Những kiệt tác nghệ thuật tôn giáo bao quanh chúng tôi ở Vatican và khắp Rôma phản ánh niềm xác tín rằng, trong Chúa Giêsu Kitô, chính Thiên Chúa đã trở thành một “người lữ hành” trong thế gian này vì tình yêu thương dành cho gia đình nhân loại của chúng ta. Đối với các Kitô hữu, Thiên Chúa đã trở thành một người giữa chúng ta trong nhân tính của Chúa Giêsu, tiếp tục dẫn dắt chúng tôi trong cuộc lữ hành thánh thiện, nhờ đó chúng ta phục hồi và phát triển để trở nên giống như Ngài, và do đó chúng ta trở nên, theo lời của Thánh Phêrô, “được thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1:4).

Xuyên suốt dòng lịch sử, các tín đồ tôn giáo đã tạo ra những khoảng thời gian và không gian thiêng liêng như những ốc đảo gặp gỡ, nơi con người có thể đón lấy nguồn cảm hứng cần thiết để sống khôn ngoan và tốt lành. Bằng cách này, họ góp phần vào việc giáo dục toàn diện nhân vị, bao gồm “khối óc, đôi tay, tâm hồn và linh hồn” và do đó dẫn đưa họ đến kinh nghiệm về “vẻ đẹp và sự hài hòa của trọn vẹn con người” (Gặp gỡ các Tôn giáo và Giáo dục: Hướng tới Hiệp ước Toàn cầu về Giáo dục, ngày 5 tháng Mười năm 2021).

Những ốc đảo gặp gỡ như vậy thậm chí còn cần thiết hơn trong thời đại của chúng ta, được đánh dấu bởi “sự liên tục gia tăng những thay đổi ảnh hưởng đến con người và hành tinh, cộng với nhịp sống và công việc ngày càng căng thẳng” (Tông huấn Laudato si’ 18). Thực tế này cũng ảnh hưởng đến đời sống và văn hóa tôn giáo, đồng thời kêu gọi việc đào tạo và giáo dục giới trẻ cách thích đáng về những chân lý vượt thời gian cũng như những phương pháp cầu nguyện và xây dựng hòa bình đã được thử nghiệm. Ở đây, một lần nữa cần lưu ý rằng, “tôn giáo luôn có mối quan hệ chặt chẽ với giáo dục, hoạt động tôn giáo gắn liền với hoạt động giáo dục, kinh viện và học thuật. Như trong quá khứ, cũng như trong thời đại của chúng ta, với sự khôn ngoan và nhân văn của các truyền thống tôn giáo của chúng ta, chúng ta mong muốn trở thành tác nhân kích thích cho một hoạt động giáo dục đổi mới có thể thúc đẩy tình huynh đệ phổ quát trong thế giới của chúng ta” (Gặp gỡ các Tôn giáo và Giáo dục, cit.).

Các bạn thân mến, tôi hy vọng rằng chuyến hành hương giáo dục này sẽ dẫn dắt các bạn, được hướng dẫn bởi tư tưởng của Đức Phật là vị thầy thiêng liêng của các bạn, đến một cuộc gặp gỡ sâu sắc hơn với chính mình và với người khác, với truyền thống Kitô giáo, và với vẻ đẹp của trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta. Mong rằng chuyến viếng thăm của các bạn đến Rôma đầy tràn những khoảnh khắc gặp gỡ đích thực có thể trở thành những cơ hội quý giá để phát triển kiến thức, sự khôn ngoan, đối thoại và hiểu biết.

Tôi cảm ơn các bạn đã đến thăm, và tôi cầu xin phúc lành Nước Trời đổ xuống trên các bạn. Cảm ơn các bạn.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/3/2023]


Đi theo Đường mòn Chúa Giêsu từ Nadarét đến Caphácnaum

Đi theo Đường mòn Chúa Giêsu từ Nadarét đến Caphácnaum

Đi theo Đường mòn Chúa Giêsu từ Nadarét đến Caphácnaum

Inma Alvarez - Daniel Esparza

18/03/23


Đường mòn Chúa Giêsu là một tuyến đường hành hương chạy từ Nadarét đến Caphácnaum, theo những bước chân cuộc đời công khai của Chúa Giêsu.

Khách du lịch lang thang quanh Thánh địa thường đi bằng xe buýt. Họ đến thăm một số địa danh, xuống xe buýt, ngắm cảnh xung quanh, cầu nguyện, mua một ít quà lưu niệm, và trở lại chỗ ngồi của mình. Việc đó chẳng có gì sai, nhưng kinh nghiệm của Chúa Giêsu lại hoàn toàn khác. Tin mừng theo Thánh Matthêu nói rằng Ngài “đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền”. Khi đó không có xe buýt, nên việc ngài đi bộ qua khắp các vùng đất là điều đương nhiên – đó là trải nghiệm mà Đường mòn Chúa Giêsu dự định mang đến.

Có điều gì đó hoàn toàn giống như trong Kinh thánh khi đi bộ từ thị trấn này sang thị trấn khác. Nó bao hàm việc gặp gỡ những con người trên đường – và không chỉ đến thăm các địa điểm cụ thể, tuy nhiên chúng có thể rất quan trọng. Trên thực tế, người Kitô giáo cũng như những người không phải Kitô giáo thường háo hức muốn biết thêm về con Người đã đi bộ từ thị trấn này sang thị trấn khác để rao giảng thông điệp về tình yêu và sự tha thứ – cũng như về những nơi Ngài đã đến thăm.

Đó là trường hợp của hai chuyên gia leo núi Maoz Inon (một người Do Thái gốc Israel) và Dave Landis (một Kitô hữu người Mỹ). Họ cùng nhau bắt đầu một trải nghiệm độc đáo ở Đất Thánh: Đường mòn Chúa Giêsu, một tuyến đường hành hương chạy từ Nadarét đến Caphácnaum, theo những dấu chân trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu.


Vista del Mar de Galilea desde el Monte Arbel, Jesus Trail

Ý tưởng ra đời sau khi Inon và Landis đi bộ trên Đường mòn Quốc gia của Israel, một tuyến đường băng qua đất nước từ bắc xuống nam, có rất nhiều điểm nhắc đến và địa danh trong Kinh thánh. Trong một cuộc phỏng vấn với Aleteia, họ đã giải thích tầm nhìn chung của họ:

“Chúng tôi muốn tạo ra một tuyến đường để mọi người có thể đi trên những con đường mà chính Chúa Giêsu đã đi. Nghe có vẻ hơi đơn giản phải không? Nhưng có điều là người hành hương thường đến Thánh địa trên một chiếc xe buýt du lịch, có hướng dẫn viên. Bạn xuống xe, bạn đi bộ đến địa điểm, và trở lại xe buýt. Bạn bước vào trong xe có điều hòa nhiệt độ. Bạn thực sự không được gặp những con người, kết nối với người dân địa phương. Và tôi nghĩ về điều mà cả hai chúng tôi đều cảm nhận được trong chuyến đi của mình là chúng tôi có thể tạo ra điều gì đó để mọi người không chỉ bước đi trên đường mà còn hiểu biết về con người, những khác biệt, những đặc điểm của họ – đó là một cách khác để tìm hiểu địa điểm, và liên hệ bản thân với lịch sử lâu dài, phức tạp của nó.”


Đường mòn Chúa Giêsu: Không chỉ Nadarét và Caphácnaum

Lộ trình đi theo con đường mà chắc hẳn Chúa Giêsu đã hơn một lần sải những bước chân từ quê hương của Người đến quê hương của Thánh Phêrô – nghĩa là từ Nadarét đến Capharnaum. Con đường dài 64 kilômét (40 dặm), tất cả đều được gắn biển chỉ dẫn thích hợp, và đi qua một số địa điểm không chỉ thân thương với người Kitô giáo mà còn với các truyền thống theo tổ phụ Abraham khác: Zippori, Mash'da (địa điểm truyền thống cho là nơi sinh của tiên tri Giôna) , Magdala, Tabga (nơi phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều diễn ra), Núi Bát Phúc, đến tận Caphácnaum, băng qua thung lũng Yizreel màu mỡ, đồi Arbel, sừng Hattin, cho đến tận miền tây bắc bờ biển hồ Galilê. Dự án được hỗ trợ bởi Ủy ban Đường mòn Israel thuộc Hiệp hội Bảo vệ Thiên nhiên ở Israel (ASPNI) và vùng Galilê Hạ.


Một đường mòn bao trùm cuộc đời công khai của Chúa Giêsu

Còn có một con đường mòn khác do Bộ Du lịch Israel mở, đi theo lộ trình tương tự – Đường mòn Tin mừng. Tuy nhiên, trải nghiệm mà hai cung đường này mang đến rất khác nhau. Như Landis giải thích, “những người chọn Đường mòn Chúa Giêsu vì nó mang lại cơ hội khá đặc biệt: cơ hội gặp gỡ những người giống như Chúa Giêsu đã gặp, ở nơi Ngài đã gặp.”

“Khi đi ngang qua những khu vườn ô-liu ở Galilê, bạn sẽ nhìn thấy những người chăn chiên đang chăm sóc đàn chiên của họ. Bạn thấy một gia đình địa phương đang có buổi dã ngoại, và bạn có cảm giác đang nhìn thấy những điều mà Chúa Giêsu đã thấy khi Ngài đi qua các vùng đất, gặp gỡ những người từ các cộng đồng khác nhau, từ các tầng lớp xã hội khác nhau. Chắc chắn chúng khác nhau về thời gian, nhưng trải nghiệm vẫn giống nhau. Nó là cùng một cảm giác, cùng địa điểm, cùng một sự hào hứng, cùng một câu chuyện. Đó là ý nghĩa của nó đối với tôi,” Inon giải thích.

“Tôi nghĩ về việc Chúa Giêsu sẽ gặp kẻ thù của Người, và đó là phần quan trọng nhất trong tất cả. Vâng, có lẽ Ngài đã hành động nguy hiểm vì yêu thương kẻ thù và đón nhận lòng hiếu khách của những người lạ,” Landis nói thêm.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/3/2023]