Thứ Năm, 29 tháng 7, 2021

Chuyến hành hương đầy cảm xúc: Đất Thánh bắt đầu mở cửa trở lại

Chuyến hành hương đầy cảm xúc: Đất Thánh bắt đầu mở cửa trở lại

Colm Flynn của EWTN đến viếng các thánh địa.

Chuyến hành hương đầy cảm xúc: Đất Thánh bắt đầu mở cửa trở lại

Từ phía trên bên trái theo chiều kim đồng hồ: Nhà thờ Mộ Thánh, Kinh Truyền tin diễn ra trong hang Đức Trinh Nữ Maria, một phụ nữ cầu nguyện bên ngoài Mộ Thánh, và nơi Chúa Giêsu hạ sinh. (photo: All photos courtesy of Colm Flynn/EWTN News Nightly)


23 tháng Bảy, 2021

Tôi cảm thấy rất khó để hiểu thấu những gì đang ở trước mặt mình. Đứng trong hang động của Vương cung Thánh đường Giáng sinh, cảm giác gần như là một giấc mơ. “Mình thực sự đang đứng trước nơi Chúa Giêsu hạ sinh sao? Điều này thật là siêu thực,” tôi tự nghĩ. Một vòng tròn kim loại trên mặt đất được bao quanh bởi những ngọn nến trong những chiếc đèn lồng bằng bạc tuyệt đẹp đánh dấu nơi mà 300 năm sau cái chết của Chúa Giêsu, Thánh Helena đã tuyên bố địa điểm có nhiều khả năng là nơi Chúa Giêsu nằm trong máng cỏ 2.000 năm trước.

Thời điểm là điều khiến chuyến đi đầu tiên của tôi đến Thánh địa thậm chí còn khó tin hơn. Du lịch đến những nơi này trong thời gian đại dịch như hiện nay có nghĩa là không có khách du lịch hoặc những đám đông bình thường mà bạn sẽ tìm thấy vào thời điểm này trong năm. Vì vậy, tại những địa điểm mà bạn thường phải xếp hàng hàng giờ đồng hồ chỉ để được vội vã đi lướt qua, thì bây giờ chúng tôi có thể bước vào một mình và dành bao nhiêu thời gian tùy thích ở những nơi vô cùng linh thiêng này.

Nhóm ít người mà tôi đi cùng đến từ Opera Romana Pellegrinaggi, một bộ phận của Vatican chuyên tổ chức các chuyến hành hương và các chuyến du lịch tôn giáo / văn hóa đến Roma và các khu vực khác nhau trên thế giới. Chúng tôi là một trong những nhóm hành hương đầu tiên trở lại Đất Thánh sau khi nó bị đóng cửa với người ngoài trong hơn một năm rưỡi, do đại dịch.

Trên thực tế, quốc gia vẫn chưa mở cửa cho khách du lịch cá nhân; chỉ những nhóm hành hương nhỏ đã được tiêm vaccine đầy đủ mới được phép vào trên căn bản thử nghiệm. Chúng tôi may mắn là một trong những nhóm đó. Chuyến đi của chúng tôi kéo dài bốn ngày và đưa chúng tôi đến các địa điểm linh thiêng trên khắp miền Đất Thánh, như Bêlem, Nadarét và Vườn Ghếtsêmani. Nhóm 19 người của chúng tôi bao gồm các nhà báo và linh mục và được Đức Hồng Y Enrico Feroci dẫn đầu.

Ngoài việc đến thăm các thánh địa, chúng tôi còn có cơ hội gặp gỡ những người dân địa phương. Tại Bêlem, ngay bên cạnh bức tường được gọi là hàng rào Bờ Tây của Israel, biên giới gây tranh cãi trong cuộc tranh chấp giữa Israel và Palestine, tôi gặp một người bán hàng tên là Rony Tabash.

Cửa hàng nhỏ của anh bán các tượng tôn giáo bằng gỗ được chạm khắc thủ công và đã có trong gia đình anh hơn 100 năm. Rony có tính cách lạc quan và vui vẻ. Nhưng anh nhanh chóng trở lại nghiêm túc khi tôi hỏi anh về một năm qua như thế nào đối với anh và gia đình.

Chuyến hành hương đầy cảm xúc: Đất Thánh bắt đầu mở cửa trở lại

Rony Tabash (l) cùng với cha và con của anh. | Colm Flynn/EWTN News Nightly

“Nhìn thấy Nhà thờ Giáng sinh không có bất kỳ người hành hương nào, điều này giống như một giấc mơ. Chúng tôi cảm thấy như mình đang mơ, và đôi khi chúng tôi sợ hãi; khi cha tôi, Victor, nói với chúng tôi rằng ông chưa bao giờ nhìn thấy điều gì như thế này trong đời ông, chúng tôi cảm thấy như đó là ngày tận cùng cuộc đời của chúng tôi.”

Tám mươi phần trăm người dân ở Bêlem dựa vào du lịch là nguồn thu nhập chính của họ, và đối với những người như Rony và gia đình anh, khi đất nước đóng cửa biên giới vì COVID-19, sự chiến đấu với cuộc sống diễn ra.

Hiện nay, gần 70% dân số Israel đã được tiêm phòng đầy đủ. Trên thực tế, Israel được ca ngợi là quốc gia dẫn đầu thế giới trong việc triển khai vaccine sớm sau khi đạt được thỏa thuận với Pfizer. Do đó, số trường hợp nhiễm COVID, nhập viện và tử vong trong một thời gian ở mức khá thấp, ở mức một con số mỗi ngày. Tuy nhiên, cả nước hiện đang có số ca nhiễm tăng đột biến, hơn 1.200 ca dương tính mỗi ngày do biến thể Delta.

Trước đây, các thế hệ cao tuổi có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn, nhưng lần này, gánh nặng đã chuyển sang những người Israel trẻ hơn chưa được tiêm vaccine. Chính phủ Israel đã thông báo sẽ mở cửa trở lại cho khách du lịch một mình và những người hành hương vào tháng Năm.

Thời điểm sau đó được lùi lại sang tháng Bảy, rồi tháng Tám, và bây giờ có thể là tháng Chín hoặc thậm chí muộn hơn.

Rony đang cố gắng giữ hy vọng: “Chúng tôi cầu nguyện những người hành hương sẽ trở lại và mọi thứ sẽ tốt hơn. Tôi không muốn nói rằng chúng tôi đã mất hy vọng, nhưng nó rất khó khăn.”

Cách Giêrusalem vài giờ lái xe về phía bắc là thành phố Nadarét, nơi người ta tin là sinh quán của Đức Maria và là nơi Chúa Giêsu đã trải qua thời thơ ấu của Ngài, từ đó tên của Ngài là Giêsu Nazareth.

Mặt trời đang hạ xuống bên ngoài Vương cung Thánh đường Truyền tin, nơi Truyền thống kể rằng Sứ thần Gabriel đã hiện ra với Đức Maria.


Chuyến hành hương đầy cảm xúc: Đất Thánh bắt đầu mở cửa trở lại

Khách hành hương đến viếng Nhà thờ Truyền tin. | Colm Flynn/EWTN News Nightly

Trong sân, tôi đã nói chuyện với một tu sĩ dòng Phanxicô là Cha George Lewett. Cha là nghệ sĩ chơi organ tại vương cung thánh đường và đã sống ở Thánh địa tròn 30 năm. “Thời gian duy nhất tôi có thể so sánh với thời gian này là khi tôi sống ở Bêlem trong ‘Cuộc bao vây Nhà thờ Giáng sinh’ vào năm 2002. Sau biến cố bạo lực đó, có một khoảng thời gian yên tĩnh vì có rất ít người hành hương,” cha chia sẻ với tôi.

Cha Lewett tỏ rõ niềm vui khi thấy nhóm của chúng tôi có mặt trong sân: “Gặp lại mọi người trong quảng trường là điều làm chúng tôi vô cùng hồi hộp. Đây là một phần của ơn gọi Phan sinh. Chúng tôi phải ra ngoài với mọi người.”

Bên trong vương cung thánh đường có một hang động nhỏ là nhà của Đức Maria Đồng trinh. Nơi này thường đóng cửa, nó được mở đặc biệt cho nhóm của chúng tôi, và Đức Hồng Y Feroci rước qua nhà thờ và tiến vào hang động để đọc Kinh Truyền tin. Đó là một khoảnh khắc rất đẹp.

Chuyến hành hương đầy cảm xúc: Đất Thánh bắt đầu mở cửa trở lại

Đức Hồng y Enrico Feroci cầu nguyện trong hang động Đức Maria Đồng trinh. | Colm Flynn/EWTN News Nightly

Một bảo tàng nhỏ ở bên cạnh có các đồ chế tác được khai quật từ khu vực này. Một trong số đó là chân cột có niên đại thế kỷ thứ nhất sau cái chết của Chúa Giêsu Kitô. Thật kỳ diệu, có một dòng chữ chạm khắc trên chân cột từ thời đó bằng tiếng Hy Lạp viết rằng, Χαίρε, Μαρία, có nghĩa là “Kính mừng Maria.” Đó là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy ngay từ đầu đã có lòng sùng kính đối với Đức Maria trong Giáo hội sơ khai.

Trở lại Giêrusalem, và một trong những điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến tham quan của chúng tôi, là Nhà thờ Mộ Thánh. Nằm ở trung tâm Khu phố Kitô giáo ở Thành phố Giêrusalem cổ, ngôi nhà thờ tráng lệ này có từ thế kỷ thứ tư và bên trong là hai địa điểm linh thiêng nhất trong thế giới Kitô giáo: vị trí được cho là nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh và ngôi mộ trống của Chúa Giêsu, nơi Ngài đã được an táng và là nơi Ngài đã sống lại từ cõi chết.

Chuyến hành hương đầy cảm xúc: Đất Thánh bắt đầu mở cửa trở lại

Thánh Lễ tại Nhà thờ Mộ Thánh. | Colm Flynn/EWTN News Nightly

Tôi thấy đây là phần đặc biệt nhất và xúc động nhất trong toàn bộ chuyến đi. Cơ hội bước vào ngôi mộ nhỏ tối tăm và quỳ gối cầu nguyện trong giây lát thật vô cùng đặc biệt và xúc động. Bạn có thể cảm nhận không khí nơi này thật linh thiêng và rất quan trọng.


Chuyến hành hương đầy cảm xúc: Đất Thánh bắt đầu mở cửa trở lại

Cầu nguyện bên trong mộ của Chúa Giêsu là khoảnh khắc vô cùng xúc động. | Colm Flynn/EWTN News Nightly

Chuyến viếng Nhà thờ Mộ Thánh đã kết thúc chuyến hành hương chỉ có một lần trong đời của nhóm nhỏ này. Chị Carmen Salvemini tổ chức chuyến đi cho Opera Romana Pellegrinaggi và nói với tôi rằng chị hy vọng chuyến đi sẽ giúp khởi động lại các chuyến tham quan bằng cách cho mọi người thấy nơi đây an toàn khi đến thăm: “Đến đây trong thời gian này không phải là dễ dàng, nhưng hoàn toàn là có thể. Nó rất quan trọng đối với cộng đồng địa phương và là một trải nghiệm tuyệt vời. Tôi nghĩ rằng mọi người nên trải nghiệm Thánh địa ít nhất một lần, bất kể bạn theo tôn giáo nào”.


[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/7/2021]


Simone Biles rời bỏ Thế vận hội với một bài học lớn cho người hâm mộ của chị

Simone Biles rời bỏ Thế vận hội với một bài học lớn cho người hâm mộ của chị

Simone Biles rời bỏ Thế vận hội với một bài học lớn cho người hâm mộ của chị
Loic VENANCE | AFP

Cerith Gardiner

28/07/21


Thông điệp của vận động viên thể dục dụng cụ đã đề cập đến vấn đề mà tất cả mọi người Kitô hữu phải đối mặt.

Khi Simone Biles gần đây rút lui khỏi trận chung kết toàn năng cá nhân diễn ra vào ngày mai, thế giới thể thao đã bị sốc. Vận động viên thể dục dụng cụ người nhỏ bé, mạnh mẽ, và dường như bất khả chiến bại cuối cùng cũng là một con người.

Được coi là vận động viên thể dục dụng cụ vĩ đại nhất mọi thời đại, vài năm gần đây Biles đã khiến các đám đông phải trầm trồ vì những thói quen táo bạo của mình. Thực hiện các động tác phức tạp và bất chấp tử thần, đến nỗi mỗi lần thực hiện, chị có nguy cơ cao bị thương nặng, thậm chí tử vong nếu mọi thứ không diễn ra theo đúng kế hoạch.

Với việc đưa ra quyết định rút lui khỏi cuộc thi vì lý do sức khỏe tâm thần, người Công giáo mộ đạo cho thấy rằng cuối cùng chị cũng là một con người. Và trong thông điệp gửi tới các phóng viên, chị đề cập đến quyết định đầy sửng sốt của mình:

“Tôi phải gạt niềm kiêu hãnh của mình sang một bên. Tôi phải làm những gì phù hợp với mình và tập trung vào sức khỏe tâm thần của tôi và không gây nguy hiểm cho sức khỏe và niềm hạnh phúc của tôi. Đó là lý do tại sao tôi quyết định rút lui.”

Đứng ở vị trí quá cao trên bục thể dục dụng cụ, quyết định dừng lại của chị chắc chắn cũng khó khăn như một số động tác phức tạp của chị. Nhưng như người ta đã nói, “trèo cao ngã đau”, và trong trường hợp của Biles, cú ngã đó có thể là chết người.

Chị nói, “Cuối cùng, chúng ta cũng là con người. Chúng ta phải bảo vệ tâm trí và thân thể của mình, thay vì chỉ đi lao ra ngoài và thực hiện những gì thế giới muốn chúng ta làm.”

Khả năng chống lại niềm kiêu hãnh của chị cho cả thế giới thấy cũng ấn tượng như những kỹ năng thể thao của chị. Và chắc chắn nhà vô địch môn toàn năng sẽ tiếp tục cậy dựa vào niềm tin của chị khi chị tiếp tục tập trung vào sức khỏe tâm thần của mình.

Mặc dù người hâm mộ của chị có thể sẽ thất vọng vì họ không được xem Biles biểu diễn ở Tokyo, nhưng chị đã cho thấy tính dễ bị tổn thương và sự khiêm tốn của mình, điều đó làm cho chị thậm chí còn hơn cả một nhà vô địch!


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/7/2021]


Thứ Tư, 28 tháng 7, 2021

Vận động viên giành huy chương vàng Olympic người Philippines chia sẻ Linh Ảnh cho toàn thế giới xem

Vận động viên giành huy chương vàng Olympic người Philippines  chia sẻ Linh Ảnh cho toàn thế giới xem

Vận động viên Olympic người Philippines giành huy chương vàng chia sẻ Linh Ảnh cho toàn thế giới xem

Vincenzo PINTO | AFP

Cerith Gardiner

27/07/21


Trên bục vinh quang Hidilyn Diaz ăn mừng với Linh Ảnh Đức Mẹ.

Có rất nhiều cảm xúc khi Hidilyn Diaz đứng lên bục nhận huy chương vàng Olympic — chiếc huy chương đầu tiên cho Philippines.

Cô gái 30 tuổi vẫn giữ nguyên động tác chào khi bài quốc ca của đất nước đang vang lên, trong khi nước mắt lăn dài trên khuôn mặt. Chị không chỉ đánh bại kỷ lục cá nhân của mình bằng cách cố gắng nâng và giữ vững trọng lượng 493,8 pound (xấp xỉ 224 kg) trên đầu, chị còn đánh bại kỷ lục thế giới ở hạng mục cử tạ 55kg (hoặc 121 pound).

Buổi lễ diễn ra tại Tokyo hôm thứ Hai còn đặc biệt hơn khi vận động viên Olympic này giơ cao huy chương của mình cho đám đông nhìn thấy. Tuy nhiên, nó không phải là chiếc huy chương vàng lấp lánh mà chị đang nâng lên, mà chính là Linh Ảnh Đức Mẹ mà chị đeo trên cổ.

Nhà tân vô địch bày tỏ sự ngạc nhiên khi có thể nâng được mức tạ ấn tượng, chị chia sẻ bằng ngôn ngữ mẹ đẻ với Rappler:

“Hôm qua tôi không nghĩ là mình lại nâng được. Tôi nghĩ đó chính là nhờ Chúa và tất cả những người đã cầu nguyện cho tôi ngày hôm qua. Tôi rất biết ơn những người đã cầu nguyện và thực hiện tuần cửu nhật”.

Huy chương của Diaz rõ ràng là rất quý giá đối với chị, cùng với lời cầu nguyện của tất cả những người đã ủng hộ chị trên con đường chiến thắng. Như chị giải thích trong Spin.Ph, một người bạn của chị đã tặng cho chị linh ảnh, và làm tuần cửu nhật cho chị, như bản dịch dưới đây chia sẻ:

“Anh ấy đã làm tuần cửu nhật trong chín ngày, sau đó tôi cũng thực hiện tuần cửu nhật. [Đó là một] dấu hiệu của những lời cầu nguyện và niềm tin vào Mẹ Maria và Chúa Giêsu Kitô.”

Vận động viên Olympic người Philippines giành huy chương vàng chia sẻ Linh Ảnh cho toàn thế giới xem


Những lời cầu nguyện của chị và lời cầu nguyện của tất cả bạn bè, gia đình và người hâm mộ của chị chắc chắn đã được đáp lời. Philippines đã tranh tài trong Thế vận hội suốt 97 năm, và chiến thắng đầu tiên của Diaz cho quốc gia chắc chắn sẽ là lý do để ăn mừng lớn.

Điều này lại càng trở nên đặc biệt hơn khi bạn thấy rằng đất nước đã áp dụng một số biện pháp hạn chế cách ly nghiêm ngặt nhất trên thế giới trong thời gian đại dịch, khiến cho việc tập luyện trở nên vô cùng khó khăn.

Đã giành được huy chương bạc tại Thế vận hội ở Rio năm 2016, trong Thế vận hội lần thứ 4, Diaz bị mắc kẹt ở Malaysia mà không có thiết bị tập luyện, chỉ có những cây sào và các chai nước thay cho những quả tạ, và một sức mạnh của ý chí chỉ có được từ trời ban xuống.

Nhà vô địch chia sẻ với ABS-CBN News, “Chúng tôi nghĩ điều đó là không thể, tôi cũng nghĩ điều đó không thể xảy ra, đại dịch này, chúng ta đang ở trong trận đại dịch, Thế vận hội là không thể. Nhưng bây giờ chúng tôi đang ở đây. Vì vậy, chúng tôi có thể làm được. Đừng bỏ cuộc. Dù gặp khó khăn và thử thách gì đi nữa, chúng ta hãy cầu nguyện với Chúa, Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta.”

Vì vậy, được trang bị với Linh Ảnh và niềm tin mãnh liệt của mình, Diaz đã vượt quá mọi sự mong đợi. “Tôi thật ngạc nhiên vì tôi đã làm được điều đó. Thiên Chúa thật phi thường,” chị nói trong một phỏng vấn với Gretchen Ho của kênh Cignal TV.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/7/2021]


Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 25 tháng Bảy, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 25 tháng Bảy, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô


Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 25 tháng Bảy, 2021

_________________________________



Anh chị em thân mến, buongiorno!

Tin Mừng của phụng vụ Chúa Nhật tuần này thuật lại biến cố nổi tiếng về việc hóa bánh và cá ra nhiều, qua đó Chúa Giêsu cho khoảng năm ngàn người đến nghe Ngài giảng dạy được ăn (xem Ga 6:1-15). Thật thú vị khi nhìn thấy phép lạ này diễn ra như thế nào: Chúa Giêsu không tự tạo ra bánh và cá, mà Ngài thực hiện với những gì các môn đệ mang đến cho Ngài. Một người trong số họ nói: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” (câu 9). Như vậy là rất ít, nó chẳng là gì, nhưng như vậy là đủ cho Chúa Giêsu.

Bây giờ chúng ta hãy thử đặt mình vào vị trí của cậu bé đó. Các môn đệ yêu cầu cậu bé chia sẻ mọi thứ cậu có để ăn. Đó có vẻ là một đề xuất không hợp lý, hay nói đúng hơn là bất công. Tại sao lại lấy đi của một người, mà đó lại là một đứa trẻ, những gì người đó mang theo từ nhà và có quyền giữ cho riêng mình? Tại sao lại lấy đi của một người những gì không đủ để nuôi tất cả mọi người? Về mặt con người, nó là phi lý. Nhưng đối với Chúa thì không. Trái lại, nhờ món quà trao tặng nhưng không và rất anh hùng mà Chúa Giêsu có thể nuôi sống mọi người. Đây là một bài học lớn cho chúng ta. Nó cho chúng ta biết rằng Chúa có thể làm được rất nhiều với những thứ nhỏ bé chúng ta trao cho Ngài sử dụng. Thật tốt biết bao khi chúng ta tự hỏi mình mỗi ngày: “Hôm nay tôi mang gì đến cho Chúa Giêsu?” Ngài có thể làm được nhiều điều với lời cầu nguyện của chúng ta, với một cử chỉ bác ái đối với người khác, thậm chí với sự đau khổ của chúng ta dâng lên cho lòng thương xót của Ngài. Những điều nhỏ nhặt của chúng ta dâng lên Chúa Giêsu, và Ngài thực hiện phép lạ. Đây là cách hành động yêu thích của Thiên Chúa: Ngài làm những việc lớn lao, bắt đầu từ những điều nhỏ bé, những điều được cho đi một cách nhưng không.

Tất cả các nhân vật vĩ đại của Kinh thánh - từ tổ phụ Ápraham, đến Mẹ Maria, đến cậu bé hôm nay - đều thể hiện luận lý của sự nhỏ bé và cho đi. Luận lý của sự nhỏ bé và cho đi. Luận lý của sự cho đi rất khác so với chúng ta. Chúng ta cố gắng tích lũy và tăng thêm những gì chúng ta đã có, nhưng Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta cho đi, giảm bớt đi. Chúng ta thích thêm nữa, chúng ta thích cộng thêm; Chúa Giêsu thích trừ bớt đi, bớt đi một thứ gì đó để cho người khác. Chúng ta tăng gấp bội cho bản thân; Chúa Giêsu đánh giá cao điều đó khi chúng ta biết chia sẻ với người khác, khi chúng ta chia sẻ. Điều thú vị là trong các trình thuật về phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều trong các sách Phúc âm, động từ “gấp lên nhiều lần” không bao giờ xuất hiện: không. Ngược lại, các động từ được sử dụng mang nghĩa ngược lại: “bẻ ra”, “trao cho”, “phân phát” (xem câu 11; Mt 14:19; Mc 6:41; Lc 9:16). Nhưng động từ “gấp lên nhiều lần” không được sử dụng. Chúa Giêsu nói, phép lạ thật sự không phải là sự nhân lên gấp bội, nó tạo ra sự hão huyền và quyền lực, mà chính là sự chia sẻ làm tăng thêm tình yêu thương và cho phép Thiên Chúa thực hiện những điều kỳ diệu. Chúng ta hãy cố gắng chia sẻ nhiều hơn: chúng ta hãy thử cách Chúa Giêsu dạy chúng ta.

Ngay cả ngày nay, sự gia tăng của cải lên gấp bội cũng không thể giải quyết các vấn đề nếu không có sự chia sẻ công bằng. Thảm kịch của nạn đói hiện trong tâm trí, nó đặc biệt ảnh hưởng đến những trẻ nhỏ. Con số tính toán chính thức cho biết mỗi ngày trên thế giới có khoảng bảy nghìn trẻ em dưới 5 tuổi chết do suy dinh dưỡng, vì các bé không có được những gì chúng cần để sống. Đứng trước những điều ô nhục như vậy, Chúa Giêsu cũng ngỏ lời mời gọi chúng ta, một lời mời tương tự như lời mời gọi mà cậu bé có thể đã nhận được trong Tin Mừng, một cậu bé không có tên tuổi và là người mà tất cả chúng ta có thể tìm thấy chính mình trong đó: “Hãy can đảm, hãy cho đi những gì ít ỏi mà bạn có, tài năng của bạn, của cải của bạn, hãy sẵn sàng trao chúng cho Chúa Giêsu và cho anh chị em của bạn. Đừng sợ, sẽ chẳng có điều gì bị mất đi, vì nếu bạn chia sẻ thì Chúa sẽ nhân lên gấp bội. Hãy gạt bỏ sự nhún nhường giả tạo của cảm giác bất xứng, hãy tin tưởng vào bản thân. Tin vào tình yêu, tin vào sức mạnh của sự phục vụ, tin vào sức mạnh của sự vô vị lợi.”

Xin Mẹ Maria Đồng Trinh, Đấng đã thưa “xin vâng” trước lời đề nghị chưa từng xảy ra, giúp chúng ta biết mở rộng lòng cho lời mời gọi của Chúa và trước những nhu cầu của tha nhân.



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/7/2021]


Thứ Hai, 26 tháng 7, 2021

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô Ngày thế giới Ông bà và Người Cao tuổi

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô Ngày thế giới Ông bà và Người Cao tuổi


Ngày thế giới Ông bà và Người Cao tuổi
Thánh Lễ
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô


Đền Thánh Phêrô

Chúa nhật, 25 tháng Bảy, 2021

________________________________________


[Đức ông Rino Fisichella đọc bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô soạn cho ngày lễ này]

Khi ngồi xuống giảng dạy, Chúa Giêsu “ngước mắt lên và nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Philipphê: ‘Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?’” (Ga 6: 5). Chúa Giêsu không chỉ giảng dạy cho đám đông; Ngài rất lưu tâm đến cái đói hiện hữu trong cuộc sống của họ. Để đáp ứng, Ngài cho họ ăn với năm ổ bánh lúa mạch và hai con cá của một em bé gần đó cung cấp. Sau đó, vì bánh còn thừa, Ngài bảo các môn đệ thu lại các miếng bánh thừa, “kẻo phí đi” (câu 12).

Vào Ngày dành cho ông bà và người cao tuổi hôm nay, chúng ta hãy suy gẫm về ba thời khắc: Chúa Giêsu thấy đám đông đói; Chúa Giêsu bẻ bánh; Chúa Giêsu yêu cầu thu lại các miếng thức ăn thừa. Ba thời khắc có thể được tóm gọn trong ba động từ: nhìn thấy, chia sẻ, bảo tồn.

Nhìn thấy. Đầu trình thuật của mình, thánh sử Gioan cho biết rằng Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám đông đang đói sau khi đi một quãng đường xa để đến gặp Ngài. Đó là cách phép lạ bắt đầu: với cái nhìn của Chúa Giêsu, Đấng không thờ ơ cũng không quá bận rộn đến nỗi không cảm nhận được cái đói của một nhân loại đang rã rời. Chúa Giêsu chăm lo cho chúng ta; Ngài quan tâm đến chúng ta; Ngài muốn làm thỏa mãn cái đói sự sống, tình yêu và hạnh phúc của chúng ta. Trong mắt Ngài, chúng ta thấy cách nhìn mọi việc của Thiên Chúa. Ánh mắt của Ngài đầy sự quan tâm; Ngài nhạy cảm với chúng ta và với những niềm hy vọng mà chúng ta ấp ủ trong lòng. Ánh mắt nhận ra sự mệt mỏi của chúng ta và niềm hy vọng giúp chúng ta tiếp tục tiến bước. Ánh mắt đó thấu hiểu nhu cầu của mỗi người. Vì trong mắt của Thiên Chúa, không có đám đông vô danh, chỉ có những cá nhân với cái đói và khát của riêng họ. Cái nhìn của Chúa Giêsu là sự trầm mặc. Ngài nhìn vào cuộc sống của chúng ta; Ngài nhìn thấy và thấu hiểu.

Ông bà và những người cao tuổi của chúng ta đã nhìn vào cuộc sống của chúng ta cũng bằng ánh mắt đó. Đó là cách họ quan tâm đến chúng ta, từ khi chúng ta còn là những đứa trẻ. Cho dù cuộc sống đầy vất vả và hy sinh, họ không bao giờ quá bận rộn để không có thời gian với chúng ta, hoặc thờ ơ với chúng ta. Họ nhìn chúng ta với sự quan tâm và yêu thương dịu dàng. Khi chúng ta lớn lên và cảm thấy bị hiểu lầm hoặc sợ hãi về những thử thách trong cuộc sống, họ luôn để mắt đến chúng ta; họ biết chúng ta đang cảm thấy gì, biết những giọt nước mắt nén trong lòng và những ước mơ thầm kín của chúng ta. Họ ôm chúng ta trong vòng tay và cho chúng ta ngồi trong lòng. Tình yêu đó đã giúp chúng ta trưởng thành.

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta thấy ông bà và những người cao tuổi của chúng ta như thế nào? Lần cuối cùng chúng ta đến thăm hoặc gọi điện thoại cho một người cao tuổi để thể hiện sự gần gũi của chúng ta và hưởng ích lợi từ những điều họ nói với chúng ta là khi nào? Tôi lo lắng khi nhìn thấy một xã hội đầy rẫy những con người chuyển động không ngừng, bị cuốn quá mức vào những công việc của riêng họ đến nỗi không có thời gian cho một ánh mắt nhìn, một lời chào hỏi hay một cái ôm. Tôi lo lắng về một xã hội nơi các cá nhân chỉ đơn giản là một phần của một đám đông vô danh, nơi chúng ta không còn khả năng ngước nhìn lên và nhận ra nhau. Ông bà của chúng ta, những người đã dưỡng nuôi đời sống của chúng ta, giờ đây khao khát sự quan tâm và sự yêu thương của chúng ta; họ mong mỏi sự gần gũi của chúng ta. Chúng ta hãy ngước mắt lên và nhìn đến họ, như Chúa Giêsu nhìn đến chúng ta.

Chia sẻ. Thấy dân chúng đói, Chúa Giêsu muốn cho họ ăn. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể xảy ra nhờ một em bé trao năm ổ bánh và hai con cá. Thật cảm động biết bao, trung tâm của phép lạ mà nhờ đó khoảng năm nghìn người lớn đã được cho ăn no nê, chúng ta tìm thấy một em bé sẵn sàng chia sẻ những gì em có.

Ngày nay, chúng ta cần một giao ước mới giữa người trẻ và người già. Chúng ta cần chia sẻ kho báu của cuộc sống, cùng nhau ước mơ, vượt qua những xung khắc giữa các thế hệ và chuẩn bị một tương lai cho tất cả mọi người. Nếu không có sự chia sẻ giao ước như vậy về cuộc sống, những ước mơ và tương lai, chúng ta có nguy cơ chết vì đói, khi các mối quan hệ bị tan vỡ, sự cô đơn, ích kỷ và sức mạnh của sự tan rã ngày càng gia tăng. Trong xã hội của chúng ta, chúng ta thường đầu hàng trước quan niệm “mỗi người vì chính bản thân”. Nhưng điều này là vô cùng tai hại! Tin Mừng yêu cầu chúng ta chia sẻ con người của chúng ta và những gì chúng ta sở hữu, vì chỉ bằng cách này chúng ta mới tìm thấy sự viên mãn. Tôi thường nhắc đến những lời của tiên tri Giôen về việc người trẻ và người già đến với nhau (xem Ge 3:1). Người trẻ như những nhà tiên tri của tương lai, những người trân quý lịch sử của chính họ. Người già tiếp tục ước mơ và chia sẻ kinh nghiệm của họ với người trẻ, mà không cản đường người trẻ. Người trẻ và người già, kho tàng của truyền thống và sự tươi mới của Thần Khí. Người trẻ và người già cùng nhau, trong xã hội và trong Giáo hội, cùng với nhau.

Bảo tồn. Sau khi đám đông đã ăn xong, Phúc âm kể lại rằng những miếng bánh vụn còn thừa rất nhiều. Vì vậy, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi” (Ga 6:12). Điều này tỏ lộ tấm lòng của Thiên Chúa: Ngài không chỉ ban cho chúng ta dư tràn hơn những gì chúng ta cần, mà Ngài còn quan tâm để không bị phí phạm, dù chỉ là một mẩu vụn. Một mẩu vụn bánh có vẻ là một thứ nhỏ nhặt, nhưng trong mắt Thiên Chúa, không có gì là để vứt bỏ. Thậm chí còn hơn thế, không một người nào bị loại bỏ. Chúng ta cần phải làm cho lời kêu gọi tiên tri này được nghe thấy giữa chúng ta và trong thế giới của chúng ta: thu thập, giữ gìn cẩn thận, bảo vệ. Ông bà và người cao tuổi không phải là người thừa của cuộc sống, là đồ bỏ đi. Họ là những miếng bánh quý giá còn sót lại trên bàn của đời sống và vẫn có thể dưỡng nuôi chúng ta bằng một hương thơm mà chúng ta đã đánh mất, “hương thơm của ký ức”.

Chúng ta đừng đánh mất ký ức được gìn giữ bởi người cao tuổi, vì chúng ta là những người con của lịch sử đó, và không có cội nguồn, chúng ta sẽ khô héo. Họ đã bảo vệ chúng ta khi chúng ta lớn lên, và bây giờ việc bảo vệ cuộc sống của họ, làm giảm bớt những khó khăn của họ, quan tâm đến nhu cầu của họ và bảo đảm rằng họ được giúp đỡ trong cuộc sống hàng ngày và không cảm thấy cô đơn, là tùy thuộc vào chúng ta. Chúng ta hãy tự hỏi mình: “Tôi đã đến thăm ông bà, những người bà con họ hàng cao tuổi của tôi, những người lớn tuổi trong khu phố của tôi chưa? Tôi có lắng nghe họ không? Tôi đã dành thời gian cho họ không?” Chúng ta hãy bảo vệ họ, để không một điều gì trong cuộc sống và ước mơ của họ bị mất đi. Ước mong rằng chúng ta không bao giờ hối tiếc vì chúng ta đã thiếu quan tâm đến những người yêu thương chúng ta và đã trao cho chúng ta sự sống.

Thưa anh chị em, thưa ông bà nội ngoại và các cụ cao tuổi là tấm bánh nuôi sống chúng ta. Chúng ta biết ơn họ vì những ánh mắt dõi theo đã quan tâm đến chúng ta, những vòng tay đã ôm chúng ta và những chiếc đùi mà chúng ta đã ngồi trên đó. Vì những bàn tay đã nắm chắc bàn tay chúng ta và đỡ chúng ta dậy, vì những trò chơi mà họ đã chơi với chúng ta và niềm an ủi của sự vỗ về của họ. Xin chúng ta đừng quên họ. Chúng ta hãy lập giao ước với họ. Chúng ta hãy học cách tiếp cận với họ, lắng nghe họ và không bao giờ gạt bỏ họ. Chúng ta hãy trân trọng họ và dành thời gian cho họ. Chúng ta sẽ trở nên tốt hơn nhờ việc đó. Và người già cũng như người trẻ cùng với nhau, chúng ta sẽ tìm thấy sự viên mãn tại bàn ăn chia sẻ, được Chúa chúc phúc.



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/7/2021]


Hai phó tế vĩnh viễn đã truyền cảm hứng cho con trai của họ trở thành linh mục như thế nào

Hai phó tế vĩnh viễn đã truyền cảm hứng cho con trai của họ trở thành linh mục như thế nào

Hai phó tế vĩnh viễn đã truyền cảm hứng cho con trai của họ trở thành linh mục như thế nào
Philippe Lissac | Godong

Cerith Gardiner

23/07/21


Và ngược lại, những người con đã truyền cảm hứng cho họ.

Đã có một số câu chuyện về anh chị em ruột (và thậm chí cả những cặp song sinh) cùng gia nhập đời sống tu trì, và một bài báo gần đây trên tờ Denver Catholic nói về vai trò quan trọng của hai người bố là phó tế trong việc giúp con trai của họ phân định ơn gọi trong thiên chức linh mục. Dưới đây là sơ lược về hai câu chuyện khác nhau, nhưng đều mang tính truyền cảm như nhau:


Phó tế Michael MacGee & Cha Matthew MacGee

Xem chi tiết tại:

Bộ đôi cha con này đã truyền cảm hứng cho nhau trên con đường phân định của họ. Năm 2009, Phó tế Michael được phong chức phó tế, và cùng năm đó, con trai của ông là Matthew, hoàn thành năm học thứ nhất tại một chủng viện. Tuy nhiên, cả hai đều không thực sự biết họ đã truyền cảm hứng cho nhau tới mức độ nào.

Phó tế Michael giải thích ông đã trở thành một phó tế như thế nào:

Ông nói, “Tôi chỉ đơn giản cảm thấy như Chúa kêu gọi tôi làm điều gì đó nhiều hơn những gì tôi đang làm. Tôi đã tình nguyện làm một số công việc khác nhau và tham gia vào một số hoạt động mục vụ và hoạt động của Dòng Hiệp sĩ Columbus. Và tôi nghĩ ý tưởng trở thành một phó tế chỉ đơn giản là một hoạt động khác mà tôi có thể tình nguyện.”

Tuy nhiên, ông biết rất ít rằng điều này sẽ liên quan đến bao nhiêu công việc, bao gồm cả 5 năm đào tạo và phân định. Trên hành trình đã có những lúc ông hoài nghi. Vì vậy, ông quyết định đặt niềm tin vào Chúa để hướng dẫn ông trong quyết định của mình. Và Chúa đã đáp lời.

Điều mà Phó tế Michael không hề hay biết là con trai của ông, Matthew, đã được truyền cảm hứng từ hành trình đức tin của cha mình:

“Nhìn thấy cha tôi, là một người bố, ngày càng phát triển mối tương quan với Thiên Chúa, có ảnh hưởng thật sự đến ước muốn của tôi đi theo Đức Kitô. Nhìn vào sự can đảm của ông khi ông phân định ơn gọi và tuân theo kế hoạch của Thiên Chúa trong cuộc sống của ông đã truyền cho tôi sức mạnh và lòng can đảm để mở lòng với điều tương tự trong cuộc sống của tôi… Ông đóng một vai trò rất quan trọng, cho dù ông có biết điều đó hay không vào thời điểm đó, và tôi có biết điều đó hay không vào thời điểm đó.”

Nhìn thấy con trai mình ngày càng gần gũi với Thiên Chúa hơn đã động viên phó tế tiếp tục theo đuổi tiếng gọi của ông, người bố nói, “Nhìn thấy một người thanh niên ở độ tuổi 20 sẵn sàng cân nhắc việc đi theo Chúa suốt cuộc đời cũng truyền cho tôi sự can đảm để tiếp tục trong hành trình riêng của mình, để phân định rõ về nó.

Chứng kiến cha mình thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa đã tác động tích cực đến mối tương quan cha con của họ. Vị linh mục chia sẻ khoảnh khắc rất đặc biệt mà hai cha con chia sẻ tại bàn thờ, khi thân phụ của linh mục gọi ngài là “cha”.

“Đó là giây phút thật sự đặc biệt đối với tôi. Ông là cha đẻ của tôi và đã dưỡng dục tôi. Nhưng rồi có điều gì đó thật khác khi chúng tôi ở tại bàn thờ trong tư cách là giáo sĩ — có một sự đảo ngược vai trò kỳ lạ khi chúng tôi trao nguồn nuôi dưỡng thiêng liêng cho mọi người — một người bố xin người cha mới ban phép lành”.

Nhìn thấy sự quan phòng của Thiên Chúa trong công việc giúp củng cố ơn gọi và mối dây ràng buộc gia đình của họ. Trong khi Phó tế Michael Magee phục vụ tại Giáo xứ Đức Mẹ Loreto ở Foxfield, con trai của ông làm thư ký linh mục cho Đức Tổng Giám mục Samuel J. Aquila trong vài năm, và sẽ sớm nhận nhiệm vụ mới là cha phó tại Giáo xứ Thánh Thomas Aquinas ở Boulder.


Phó tế Darrell Nepil & Cha John Nepil

Xem chi tiết tại đây:


Đội của hai cha con này đã có một câu chuyện rất khác trên con đường đáp lời cho tiếng gọi của họ.

Phó tế Darrell giải thích rằng mặc dù con trai ông lớn lên là người Công giáo, nhưng cậu bé hoàn toàn không quan tâm đến việc góp phần vào đời sống giáo hội. Vì vậy, Phó tế Darrell và vợ của ông đã sử dụng mọi mánh khóe — mua chuộc hỗ trợ cho cha mẹ.

“Nói chung tôi và mẹ của cậu bé đã mua chuộc để cậu bé đến tham dự Hội nghị Steubenville Rockies. Cậu bé không muốn đi, nhưng chúng tôi đã nghe rất nhiều điều tốt đẹp về hội nghị, đến mức chúng tôi nói, ‘Chúng ta sẽ biến điều này thành hiện thực, bằng bất cứ cách nào.’”

Vì vậy, họ quyết định tha cho khoản nợ 500 Mỹ kim của con trai họ nếu cậu ta đi với anh trai của mình đến tham dự hội nghị. Hai anh em đi và John trở về trở thành một con người mới. “Cậu bé đã thật sự được biến đổi nhanh như chớp tại buổi tĩnh tâm đó,” cha cậu bé chia sẻ với Denver Catholic.

Cha John chia sẻ về mối tương quan của thân phụ với Chúa quan trọng như thế nào đối với cha khi lớn lên, và cuối cùng chỉ cho cha con đường dẫn đến ơn gọi của mình:

“Đức tin và tư cách đạo đức của cha tôi là một tảng đá cho tôi trong những năm khó khăn của tuổi thiếu niên. Ông là một tấm gương tuyệt vời của một con người luôn trung thành và sống một đời sống đạo đức thật đáng khâm phục, và sau đó khi ông đào sâu tình yêu với Đức Kitô, ông đã quyết định hiến dâng phục vụ nhiều hơn.”

Và bây giờ là một linh mục, Cha John chia sẻ về mối ràng buộc cha con của họ đã trở nên sâu sắc như thế nào. Khi Phó tế Darrell nhập viện vì đột quỵ vào năm 2018, chính con trai của ông đã đến bệnh viện để dâng thánh lễ cho ông mỗi ngày.

Cha John bày tỏ: “Có lẽ đó là khoảng thời gian đặc biệt và thân mật nhất mà tôi từng có với cha mình. Đó là một món quà tuyệt vời đã thật sự thay đổi mối tương quan của chúng tôi.”

Đối với Phó tế Darrell, biến cố này cũng có tác động không kém: “Tôi cảm thấy đó là lý do rất lớn khiến tôi được chữa lành và tại sao tôi có mặt ở đây hôm nay”.

Cha John hiện là giáo sư tại Chủng viện Thần học Thánh Gioan Vianney sau khi phục vụ tại nhiều giáo xứ khác nhau và thân phụ của cha phục vụ tại Giáo xứ Đức Mẹ Lộ Đức ở Denver. Và vị linh mục đã tóm tắt một cách thật đẹp những gì mà ơn gọi chung của họ đã mang đến cho mối tương quan cha con của họ: “Khao khát hoàn toàn Chúa Giêsu một cách trọn vẹn, đặc biệt là trong các chức thánh.”


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/7/2021]


Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2021

Chuyến hành hương theo những bước chân của Thánh Margaret thành Cortona, tội nhân trở thành thánh nhân

Chuyến hành hương theo những bước chân của Thánh Margaret Cortona, tội nhân trở thành thánh nhân


Chuyến hành hương theo những bước chân của Thánh Margaret Cortona, tội nhân trở thành thánh nhân

marcociannarel | Shutterstock

Bret Thoman, OFS

21/07/21


Chị sống với một người đàn ông không phải chồng mình, phô trương sự giàu có của bản thân và bị tất cả những người quen biết khinh thường cho đến khi chị nghe thấy một tiếng nói làm biến đổi hướng đi của cuộc đời chị.

Cortona, nằm ở đông nam Tuscany là một thị trấn trên đồi xinh xắn nổi tiếng với nét đẹp nhẹ nhàng và nổi tiếng qua quyển sách và bộ phim, Under the Tuscan Sun (tạm dịch: Dưới ánh mặt trời Tuscan). Đồng thời, Cortona có lịch sử lâu đời về tu đức và các thánh.


Thánh Margaret thành Cortona, từ tội nhân trở thành thánh nhân

Thánh Margaret thành Cortona (1247-1297) được xem là một trong những hối nhân nổi bật của thế kỷ 13. Giống như Thánh Angela thành Foligno, Margaret lúc đầu đã sống một cuộc đời trong sự sa đọa và buông thả.

Margaret sinh ra trong một gia đình nông dân ở thị trấn nhỏ Laviano trên biên giới Tuscany và Umbria gần Hồ Trasimeno. Khi còn nhỏ, cô bé năng nổ và nhiệt tình; đồng thời, cô bé thèm khát được chú ý. Khi cô bé vừa lên bảy tuổi, mẹ cô qua đời, và hai năm sau cha cô tái hôn. Tuy nhiên, mối quan hệ của cô với mẹ kế chẳng mấy tốt đẹp. Năm 17 tuổi, cô bỏ nhà đi.

Margaret, một cô gái vừa đáng yêu vừa thích lả lơi, chẳng mấy chốc đã gặp được một chàng hiệp sĩ trẻ. Cô sống với anh ta như một tình nhân trong lâu đài của anh ta ở Montepulciano gần Siena, và họ có với nhau một đứa con trai ngoài giá thú. Cô nổi tiếng là người thích phô trương sự giàu có của mình với những người kém may mắn và bị người dân địa phương cũng như gia đình của cô không tôn trọng.

Sau khi sống như một người vợ lẽ trong 10 năm, Margaret hy vọng cha của đứa trẻ sẽ kết hôn với cô, nhưng ông không bao giờ làm điều đó. Đến lúc này, Margaret bắt đầu cảm thấy vô cùng hối tiếc.

Một ngày nọ, Margaret kinh hoàng khi phát hiện ra người tình của mình đã bị sát hại. Ngay lập tức cô trả lại tất cả những gì mình có cho gia đình hiệp sĩ, và rời đi cùng con trai. Cô dự định trở về nhà của cha mình, nhưng ông sẽ không tiếp nhận cô. Đột nhiên Margaret thấy mình trở thành một bà mẹ đơn thân không còn nơi nào để đi.


Một đời sống mới với sự kỷ luật tự giác và phục vụ.

Khi đang ngồi khóc dưới gốc cây, Margaret nghe thấy một giọng nói nói với cô: “Hãy vào thị trấn Cortona và vâng nghe theo sự hướng dẫn thiêng liêng của các tu sĩ dòng Phanxicô.” Và cô đã làm như vậy.

Margaret đã chấp nhận một cuộc sống mới với sự kỷ luật bản thân bao gồm ăn chay, sám hối và phục vụ người nghèo. Sau ba năm thử thách, cô được nhận vào Dòng Ba Thánh Phanxicô. Con trai cô đã trở thành một tu sĩ dòng Phanxicô.

Kể từ thời điểm đó, Margaret sống trong sự nghèo khó. Cô sống bằng cách khất thực, chăm sóc người nghèo và bệnh tật, và hy sinh cho người khác.

Trong thời gian này, Margaret vẫn cảm thấy bị cám dỗ quay lại con đường cũ của mình. Chị cảm thấy bị quyến rũ có một cuộc sống dễ dàng hơn bằng cách sử dụng vẻ đẹp của mình. Nhờ ân sủng, chị vẫn trung thành với đời sống mới và lời khấn của mình, và tiếp tục đời sống tu trì theo giới luật trong sự sùng kính và khó nghèo.

Trong thời gian này, chị bắt đầu có được những mạc khải. Năm 1277, khi đang cầu nguyện trong nhà thờ Dòng Phanxicô, chị nghe thấy những lời: “Điều ước của con là gì, poverella (người con nhỏ bé nghèo khó)?” Chị liền trả lời: “Con không tìm kiếm cũng không mong muốn bất cứ điều gì ngoài Người, lạy Chúa Giêsu của con.” Từ đó trở đi chị sống trong sự kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô.

Margaret đã hy sinh dâng mình phục vụ người nghèo. Chị thành lập một nhà thương cũng như một phụng hội hiến dâng cho Mẹ Maria. Các thành viên hỗ trợ cho nhà thương qua mục vụ cầu nguyện thiêng liêng. Chị được các tu sĩ dòng Phanxicô gọi là “Mary Magdalene của Dòng Phanxicô.”

Về cuối đời, Margaret rút lui khỏi các công việc của mình, tìm kiếm sự thanh tịnh và cầu nguyện. Chị về hưu và sống tại một nhà thờ bên ngoài cổng thành do các Tu sĩ của Dòng Thánh Basiliô quản lý. Tại đây, chị qua đời ngày 22 tháng Hai năm 1297 ở tuổi 49, và thi hài của bà được quàn trong nhà thờ đó.

Thánh Margaret được Đức Giáo hoàng Benedict XIII phong thánh ngày 16 tháng Năm năm 1728. Sau khi chị được phong thánh, nhà thờ đã được sửa sang lại với những trang trí công phu hơn và được đổi tên theo tên của thánh nữ. Nhà thờ được chuyển giao lại cho các tu sĩ dòng Phanxicô OFM, và quản lý cho đến ngày nay.


Chuyến hành hương theo những bước chân của Thánh Margaret Cortona, tội nhân trở thành thánh nhân

Nhà của Thánh Margherita ở Laviano.

Chuyến hành hương theo những bước chân của Thánh Margaret Cortona, tội nhân trở thành thánh nhân

Mặt tiền nhà thờ Thánh Margherita ở Cortona.

Chuyến hành hương theo những bước chân của Thánh Margaret Cortona, tội nhân trở thành thánh nhân

Bên trong nhà thờ Thánh Margherita ở Cortona.

Chuyến hành hương theo những bước chân của Thánh Margaret Cortona, tội nhân trở thành thánh nhân

Thân xác không hư nát của Thánh Margaret thành Cortona.

Chuyến hành hương theo những bước chân của Thánh Margaret Cortona, tội nhân trở thành thánh nhân

Một bức ảnh vẽ Thánh Margherita thế kỷ 18 của JA Calvino, the Sordino.

Chuyến hành hương theo những bước chân của Thánh Margaret Cortona, tội nhân trở thành thánh nhân

Cells of Cortona.

Chuyến hành hương đến nhà thờ Thánh Margaret

Trong nhà thờ Thánh Margherita, du khách có thể nhìn thấy thân xác không hư nát của Thánh Margaret thành Cortona. Nhiều phép lạ, cả về thể xác lẫn tinh thần, đã được những người hành hương đến đây báo cáo lại.

Lễ Thánh Margaret là ngày 22 tháng Hai. Thánh nữ là thánh bổn mạng của những người bị vu cáo, người vô gia cư, người bệnh tâm thần, trẻ mồ côi, hối nhân, những bà mẹ đơn thân và gái mại dâm hoàn lương.

Cũng ở Cortona, không xa Nhà thờ Thánh Margaret, là một nhà thờ Phanxicô quan trọng khác: Le Celle di Cortona – “các ô phòng của Cortona.” Ẩn mình thơ mộng trong một thung lũng hẹp, Cells of Cortona cung cấp một nơi biệt lập, lý tưởng để suy niệm và cầu nguyện.

Ẩn viện Phanxicô được chính Thánh Phanxicô thành lập năm 1211, cách không xa cổng thành Cortona. Ban đầu, nó bao gồm một khu nhỏ gồm “các ô phòng” nguyên thủy để sám hối và suy niệm. Năm 1226, không lâu trước khi qua đời, ngài đã ở đây với Tu huynh Elia. Trong khi Thánh Phanxicô ở đây, bệnh dạ dày của ngài trở nặng hơn và ngài biết mình sắp chết. Ngài được đưa trở lại Assisi, nơi ngài qua đời vào ngày 4 tháng Mười năm 1226.

Cuối cùng Tu huynh Elia đã lui về Cortona để hưu dưỡng. Tại đây, ngài giám sát việc xây dựng nhà thờ San Francesco vào năm 1232, cùng với việc chuyển đổi các “ô phòng” thành một tu viện vững chắc hơn. Qua nhiều thế kỷ, khu phức hợp mở rộng thành những gì có hiện nay.

Bạn có thể đến viếng ô phòng nguyên thủy nơi Thánh Phanxicô đã ngủ trên một chiếc giường bằng đá khi ngài ở đây vào năm 1211. Cuối cùng khu phức hợp được quản lý bởi các Tu huynh Dòng Phanxicô Cải cách. Khu vực đã được cải tạo hoàn toàn vào năm 1969.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/7/2021]


Báo cáo cho biết số linh mục và tu sĩ Công giáo tử vong vì COVID-19

Báo cáo cho biết số linh mục và tu sĩ Công giáo tử vong vì COVID-19


Báo cáo cho biết số linh mục và tu sĩ Công giáo tử vong vì COVID-19

Pascal Deloche | Godong

J-P Mauro

20/07/21


Hãng tin AP cho rằng số tử vong vì COVID-19 có thể làm gia tăng tình trạng thiếu linh mục Công giáo.

Hơn một năm sau khi đại dịch thế giới bắt đầu, hãng tin Associated Press (AP) nghiên cứu tác động của COVID-19 đối với giới giáo sĩ và tu sĩ Công giáo. Báo cáo tập trung vào một số quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.

Báo cáo lưu ý rằng không phải tất cả những người không qua khỏi căn bệnh này đều là người cao tuổi, mặc dù đó là nhóm dễ mắc bệnh nhất. Nhiều người trong số những người đã qua đời đã ngã bệnh trong khi làm việc trên tuyến đầu của đại dịch với các nhân viên y tế. AP cho rằng đại dịch có thể làm gia tăng tình trạng thiếu linh mục Công giáo.


Ấn Độ

Mùa xuân năm 2021 đã chứng kiến sự gia tăng mạnh các trường hợp dương tính với COVID-19, cũng như các trường hợp tử vong, ở Ấn Độ. Theo AP, trong tháng Tư có trung bình hai linh mục hoặc nữ tu Ấn Độ chết mỗi ngày. Người Công giáo là nhóm thiểu số ở quốc gia chủ yếu theo Ấn giáo, chỉ chiếm 20 triệu trong tổng số 1,38 tỷ dân số của đất nước.

Tỷ lệ tử vong cao hơn ở những vùng bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt. Vào đầu năm nay, số ca nhiễm tăng đột biến, thời tiết đã ngăn cản việc phân phối vaccine. Ước tính có hơn 500 linh mục và nữ tu đã chết vì căn bệnh này kể từ giữa tháng Tư.


Ý và Brazil

Ý là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong thời kỳ đầu của đại dịch. Ước tính đã có 292 linh mục triều của Ý đã qua đời từ tháng Ba năm 2020 đến tháng Ba năm 2021. Con số này gần tương đương với 299 tân linh mục thụ phong ở Ý trong cùng khung thời gian.

Tương tự, Brazil đã chứng kiến tỷ lệ nhiễm bệnh cao nhất trong số các linh mục Công giáo. AP báo cáo có khoảng 1.400 ca nhiễm trong giới giáo sĩ của Brazil, 65 người đã qua đời. Trong số những ca tử vong này có ba giám mục Công giáo và Đức Hồng y Eusebio Scheid, 88 tuổi, người đã được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nâng lên bậc hồng y.


Hoa Kỳ

Hoa Kỳ nằm ở vị trí cao trong danh sách các quốc gia bị ảnh hưởng, mặc dù báo cáo lưu ý rằng không có số liệu thống kê toàn diện về vấn đề này. Kể từ tháng Ba năm 2020, hơn 600.000 người Mỹ đã chết vì COVID-19.

Mặc dù báo cáo thiếu những con số cụ thể, nhưng báo cáo cũng lưu ý rằng hàng chục, nếu không muốn nói là hàng trăm nữ tu đã chết. Những trường hợp tử vong này được báo cáo trên toàn quốc, và phần lớn các trường hợp được phát hiện ở những người sống trong cộng đồng. Nhiều người trong số những người đã chết là các nữ tu hưu trí, những người đã làm việc trong lĩnh vực giáo dục hoặc y học. Chỉ riêng trong một dòng, Dòng Nữ tu Thánh Felix, đã mất 21 nữ tu trong bốn nhà.

Quý vị đọc toàn bộ báo cáo và tìm hiểu thêm về các trường hợp cụ thể tại Associated Press.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/7/2021]


Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2021

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Budapest, nhân Lễ Bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52, và đến Slovakia (12-15 tháng 12, 2021) - Chương trình, 21.07.2021

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Budapest, nhân Lễ Bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52, và đến Slovakia (12-15 tháng 12, 2021) - Chương trình, 21.07.2021

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Budapest, nhân Lễ Bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52, và đến Slovakia (12-15 tháng 12, 2021) - Chương trình, 21.07.2021

*****

Chúa nhật 12 tháng Chín, 2021

ROME - BUDAPEST - BRATISLAVA


06:00        Khởi hành bằng máy bay từ Sân bay Quốc tế Rome / Fiumicino đến Budapest

07:45        Đến Sân bay Quốc tế Budapest

07:45        NGHI THỨC CHÀO ĐÓN LONG TRỌNG tại Sân bay Quốc tế Budapest

08:45        GẶP GỠ TỔNG THỐNG VÀ THỦ TƯỚNG NƯỚC CỘNG HÒA tại Bảo tàng Nghệ thuật ở Budapest

09:15       GẶP GỠ CÁC GIÁM MỤC tại Bảo tàng Nghệ thuật ở Budapest (Diễn từ của ĐTC Phanxicô)

10:00        GẶP GỠ ĐẠI DIỆN HỘI ĐỒNG CÁC GIÁO HỘI ĐẠI KẾT VÀ MỘT SỐ CỘNG ĐỒNG DO THÁI tại Bảo tàng Nghệ thuật ở Budapest (Diễn từ của ĐTC Phanxicô)

11:30       THÁNH LỄ trong Quảng trường Anh hùng ở Budapest (Bài giảng của ĐTC, Kinh truyền tin)

14:30        NGHI THỨC TẠM BIỆT tại Sân bay Quốc tế Budapest

14:40        Khởi hành bằng máy bay đi Bratislava

15:30        Đáp Sân bay Quốc tế Bratislava

15:30        NGHI THỨC CHÀO ĐÓN LONG TRỌNG tại Sân bay Quốc tế Bratislava

16:30        GẶP GỠ ĐẠI KẾT tại Tòa Khâm sứ ơ Bratislava (Diễn từ của  ĐTC)

17:30        GẶP GỠ RIÊNG CÁC THÀNH VIÊN DÒNG TÊN tại Tòa Khâm  sứ ở Bratislava


Thứ Hai 13 tháng Chín, 2021

BRATISLAVA

09:15        NGHI THỨC CHÀO ĐÓN LONG TRỌNG tại Dinh Tổng thống ở Bratislava

09:30        THĂM NGOẠI GIAO TỔNG THỐNG NƯỚC CỘNG HÒA trong “Đại sảnh Vàng” của Dinh Tổng thống ở Bratislava

10:00        GẶP GỠ CÁC NHÀ CHỨC TRÁCH, XÃ HỘI DÂN SỰ VÀ NGOẠI GIAO ĐOÀN trong vườn của Dinh Tổng thống ở Bratislava (Diễn từ của ĐTC)

10:45        GẶP GỠ CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC, TU SĨ, CHỦNG SINH  VÀ GIÁO LÝ VIÊN tại Nhà thờ Chính tòa Thánh Martin ở Bratislava (Huấn từ của ĐTC)

4:00 pm    GẶP RIÊNG “TRUNG TÂM BÊLEM” ở Bratislava

16:45        GẶP GỠ CỘNG ĐỒNG DO THÁI trong Quảng trường Rybné  námestie ở Bratislava (Diễn từ của ĐTC)

18:00        CHỦ TỊCH QUỐC HỘI ĐẾN YẾT KIẾN tại Tòa Khâm sứ ở Bratislava

18:15        THỦ TƯỚNG ĐẾN YẾT KIẾN tại Tòa Khâm sứ ở Bratislava


Thứ Ba 14 tháng Chín, 2021

BRATISLAVA - KOŠICE - PREŠOV - KOŠICE - BRATISLAVA

08:10        Khởi hành bằng máy bay đến Košice

9:00 am    Đến Sân bay Košice Airport

10:30        PHỤNG VỤ BYZANTINE THÁNH JOHN CHRYSOSTOM DO ĐTC CHỦ TẾ trong Quảng trường Mestská športová hala ở Prešov (Bài giảng của ĐTC)

4:00 pm    GẶP GỠ CỘNG ĐỒNG RÔMA trong quận Luník IX thuộc thành phố Košice (Lời chào của ĐTC)

17:00        GẶP GỠ GIỚI TRẺ tại Sân vận động Lokomotiva ở Košice (Diễn từ của ĐTC

18:30        Khởi hành bằng máy bay đi Bratislava

19:30        Đáp sân bay Quốc tế Bratislava


Thứ Tư 15 tháng Chín, 2021

BRATISLAVA - ŠAŠTIN - BRATISLAVA - ROME

09:10        GIỜ CẦU NGUYỆN VỚI CÁC GIÁM MỤC tại Đền thánh Quốc  gia Šaštin

10:00        THÁNH LỄ trong sân của Đền thánh Quốc gia Šaštin (Bài giảng của ĐTC)

13:30        NGHI THỨC TẠM BIỆT tại Sân bay Quốc tế Bratislava

13:45        Khởi hành bằng máy bay về Rome

15:30        Đến Sân bay Quốc tế Rome / Ciampino


[01023-EN.01] [Văn bản chính thức: tiếng Ý]

[B0474-XX.01]


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN