Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2022

10 điểm lưu ý trong lời cầu nguyện thánh hiến của Đức Giáo hoàng

10 điểm lưu ý trong lời cầu nguyện thánh hiến của Đức Giáo hoàng

10 điểm lưu ý trong lời cầu nguyện thánh hiến của Đức Giáo hoàng

VINCENZO PINTO | AFP

Kathleen N. Hattrup

25/03/22


Lời cầu nguyện có nhiều điều để chúng ta suy niệm!

Bản văn lời cầu nguyện mà Đức Thánh Cha Phanxicô thánh hiến nước Nga, Ukraine và toàn thể nhân loại cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria rất phong phú về ý nghĩa thiêng liêng và thần học. Mặc dù có nhiều điểm cần được làm nổi bật, sau đây là 10 điểm ngắn gọn cần được cân nhắc.

1. NIỀM TIN CỦA GIÁO HỘI, PHƯƠNG ĐÔNG VÀ PHƯƠNG TÂY, CỦA MỌI THỜI ĐẠI

Lời cầu nguyện thể hiện niềm tin của Giáo hội từ những thế kỷ đầu, cả phương Đông và phương Tây. Chúng ta xưng tụng Đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa”, Theotokos, tước hiệu được khẳng định cho Mẹ tại Công đồng Êphêsô năm 431.

2. THỪA NHẬN TRỌNG TỘI CỦA THẾ GIỚI

Đức Thánh Cha đưa ra một danh sách các trọng tội đã gây thương tích nặng nề cho thế giới của chúng ta, và một số tội trọng là mối quan tâm đặc biệt của Đức Giáo Hoàng. Ngài nói đến các cuộc chiến tranh thế giới, và sự hiệp thông của các dân tộc; Đức Phanxicô thường bày tỏ hy vọng rằng các tổ chức của cộng đồng quốc tế có thể là một sức mạnh cho hòa bình và công lý.

Ngài than van về những giấc mơ tan vỡ của tuổi trẻ – là một chủ đề yêu thích khác của ngài – và khuynh hướng các quốc gia theo chủ nghĩa cá nhân, chỉ nghĩ đến lợi ích của mình.

Ngài nói về việc đàn áp những sinh linh vô tội, có lẽ là một tiếng vang cho thấy ngài cảm nhận cách sâu sắc về tội phá thai, và việc chúng ta thiếu sự quản lý đối với công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

3. KHẲNG ĐỊNH RẰNG THIÊN CHÚA KHÔNG BAO GIỜ MỆT MỎI TRONG VIỆC THA THỨ

Có lẽ một trong những điểm mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã cố gắng nhấn mạnh nhất đối với Giáo hội là Thiên Chúa luôn luôn sẵn sàng tha thứ, rằng Người “không bao giờ mệt mỏi” trong việc tha thứ. Điều này một lần nữa được nhắc đến trong lời cầu nguyện thánh hiến.

4. LUÔN LUÔN, LUÔN LUÔN, LUÔN LUÔN

Đức Thánh Cha nhiều lần nhắc nhở chúng ta rằng Mẹ Maria là người mẹ tốt lành nhất trong các bà mẹ, luôn hiện diện trong mọi hoàn cảnh. “Mẹ không ngừng hướng chúng con đến với Chúa Giêsu, vị Hoàng tử của Hòa bình”; “Mẹ nhắc nhở chúng con rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng con”; “Mẹ luôn luôn ở với chúng con; ngay cả trong những thời khắc âu lo nhất”; “Mẹ luôn tỏ mình cho chúng con biết trong mọi thời đại” v.v.

5. ĐỨC MẸ GUADALUPE

Trong khi việc thánh hiến đặc biệt hướng sự chú ý đến Đức Mẹ Fatima, lời cầu nguyện thánh hiến cũng đề cập đến những lần hiện ra khác của Mẹ. Đáng chú ý là thông điệp của Mẹ tại Guadalupe được trích dẫn:

Một lần nữa nói với chúng ta: “Ta đang hiện diện ở đây, Ta là Mẹ của con.”

6. VÀ ĐỨC MẸ THÁO GỠ NHỮNG NÚT THẮT

Tương tự, lời cầu nguyện đề cập đến một trong những sự sùng kính yêu mến của Đức Giáo hoàng, khẳng định rằng, “Mẹ có thể tháo gỡ những nút thắt nơi tâm hồn và thời đại của chúng con”.

7. SÁU TƯỚC HIỆU CỤ THỂ

Trong khi có vô số tước hiệu yêu mến và sùng mộ dành cho Đức Mẹ, Đức Giáo hoàng đề cập đến 6 tước hiệu này, với những lời thỉnh cầu cụ thể, bao gồm “bảo vệ thế giới của chúng con khỏi sự đe dọa của vũ khí nguyên tử”.

Sao Biển,

Hòm bia Giao ước mới,

Nữ vương Thiên Đàng,

Nữ vương Mân Côi,

Nữ vương Gia đình Nhân loại,

Nữ vương Hòa bình,

8. THAM CHIẾU VỀ MẸ MARIA TRONG CÁC TIN MỪNG

Lời cầu nguyện dựa trên Lời Chúa, lưu ý đến lời cầu xin của Đức Maria tại Cana và than van, “trong thời đại của chúng con, chúng con đã cạn kiệt rượu hy vọng, niềm vui đã vụt tắt, tình huynh đệ đã tàn lụi.”

Lời cầu nguyện nói về sự dâng hiến Thánh Gioan của chính Chúa Giêsu, và qua Thánh Gioan, dâng hiến tất cả chúng ta cho Đức Mẹ dưới chân thập giá. “Vào giờ này, nhân loại mệt mỏi và quẫn trí đang cùng đứng với Mẹ dưới chân thập giá, cần phó thác chính mình cho Mẹ và nhờ Mẹ, dâng mình cho Chúa Kitô.”

Và lời cầu nguyện kết thúc với sự nhắc nhở rằng Đức Maria là vinh quang của loài người, là một phụ nữ như chúng ta: “Mẹ đã từng bước đi trên các đường phố của thế giới chúng con; giờ đây xin hãy dẫn dắt chúng con trên những nẻo đường hòa bình. Amen. ”

9. ĐỀ CẬP ĐẶC BIỆT ĐẾN NƯỚC NGA VÀ UKRAINE

“Lạy Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của chúng con, chúng con long trọng phó thác và tận hiến chính mình, Giáo hội và toàn thể nhân loại, đặc biệt nước Nga và Ukraine, cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ.”

10. NGƯỜI NGA VÀ NGƯỜI UKRAINE, NHỮNG ANH EM CỦA CHÚNG TA

Đối với Đức Giáo Hoàng, người đã viết một tông huấn về việc tất cả mọi người đều là anh chị em, là con của một Cha chung, lời cầu nguyện này là một dịp để nhấn mạnh rằng ngay cả trong chiến tranh, chúng ta vẫn là “Fratelli tutti” – tất cả là anh em.

Trong lời cầu nguyện, ngài làm điều này bằng cách nhấn mạnh đến lòng sùng kính lớn lao mà người Nga và người Ukraine dành cho Đức Mẹ:

Người dân Ukraine và Nga, những người hết lòng sùng kính Mẹ, giờ đây cùng hướng về Mẹ, ngay khi trái tim Mẹ rung nhịp yêu thương dành cho họ và cho tất cả những dân tộc bị tàn phá bởi chiến tranh, đói kém, bất công và cùng khổ.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/3/2022]


Ngôi nhà của người anh quá cố của Đức Benedict XVI mở cửa cho những người tị nạn Ukraine

Ngôi nhà của người anh quá cố của Đức Benedict XVI mở cửa cho những người tị nạn Ukraine

Ngôi nhà của người anh quá cố của Đức Benedict XVI mở cửa cho những người tị nạn Ukraine

Đức Giám mục Rudolf Voderholzer cùng với những người tị nạn Ukraine đứng trước căn nhà trước đây là nhà của Đức ông Georg Ratzinger


Ngôi nhà của người anh quá cố của Đức Benedict XVI mở cửa cho những người tị nạn Ukraine

Đức Giám mục Rudolf Voderholzer gặp gỡ những người tị nạn Ukraine sống trong ngôi nhà trước đây của Đức ông Georg Ratzinger.


CNA Staff

Regensburg, Đức, 24 tháng Ba, 2022 / 05:20 am


Ngôi nhà của người anh quá cố của Đức Giáo hoàng Benedict XVI đã mở cửa cho những người tị nạn Ukraine.

Ngôi nhà ở thành phố Regensburg, miền nam nước Đức, đã để không sau khi Đức ông Georg Ratzinger qua đời ngày 1 tháng Bảy năm 2020, thọ 96 tuổi, cho đến khi hai gia đình tị nạn đến.

Đức Benedict XVI đã đến thăm anh trai của ngài vài ngày trước khi đức ông qua đời, dâng Lễ tại ngôi nhà ở Khu Phố Cổ của thành phố.

CNA Deutsch, đối tác bản tin tiếng Đức của CNA đưa tin rằng tòa nhà hiện là nơi ở của hai gia đình từ thị trấn Horishni Plavni, cách thủ đô Kyiv của Ukraine khoảng 80 dặm về phía đông nam.

Đức Giám mục Rudolf Voderholzer của Regensburg đã đến thăm các gia đình vào ngày 23 tháng Ba. Giáo phận Regensburg cho biết ngài tặng những món quà chào mừng là bia, nước chanh, và một ảnh Đức Mẹ.

Cha Ruslan Denysiuk, một linh mục Chính thống giáo Ukraine, quyết định rời Ukraine sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vì cha và vợ là bà Hanna đang chuẩn bị đón đứa con thứ tư của họ chào đời vào tháng Tư.

Cha rời bỏ Horishni Plavni bằng xe hơi cùng với bà Hanna, ba đứa con của họ là Bogdan (17 tuổi), Maria (12 tuổi) và Ilia (11 tuổi), và người bà 74 tuổi của họ. Họ lái xe về phía tây đến nước láng giềng Moldova, sau đó qua Romania, Hungary và Áo, trên một chuyến đi dài hơn 1.550 dặm (gần 2500 km) đến Đức.

Những ngày sau khi gia đình tìm được nơi ẩn náu tại ngôi nhà cũ của Đức ông Ratzinger, họ có thêm gia đình chị Galina Lysenko và cô con gái 13 tuổi Aleksandra, là giáo dân giáo xứ của Cha Denysiuk. Chồng của chị Lysenko vẫn ở Ukraine để giúp bảo vệ thành phố Horishni Plavni.

Người dân địa phương đã quyên góp nồi chảo, chén đĩa ăn, quần áo, bàn tủ nội thất và đồ chơi cho hai gia đình.

Nơi ở trước đây của Đức ông Ratzinger thuộc sở hữu của Tu viện Collegiates Thánh Gioan. Các gia đình chuyển đến với sự giúp đỡ của tổ chức Caritas địa phương. Thêm nhiều ngôi nhà cũng được lắp đặt trang bị, với sự hỗ trợ của khu dân cư địa phương và tổ chức xã hội Công giáo Kolping.

Theo Cơ quan Tị nạn của Liên hợp quốc, hơn 3,6 triệu người đã tháo chạy khỏi Ukraine trong tháng đầu tiên của cuộc chiến. Hơn 200.000 người tị nạn đã đến Đức, một quốc gia có dân số 83 triệu người.

Đức cha Voderholzer sẽ tham gia nghi thức thánh hiến nước Nga và Ukraine trên toàn cầu cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội Mẹ Maria vào ngày 25 tháng Ba.

Đức Cha cũng sẽ chủ tế một buổi cầu nguyện cho hòa bình tại Nhà thờ Chính tòa Regensburg vào ngày 26 tháng Ba. Phần âm nhạc sẽ do ca đoàn Regensburger Domspatzen nổi tiếng đảm trách, đã từng được hướng dẫn bởi Đức ông Ratzinger. Cha Denysiuk sẽ hát lời nguyện trong Nhà thờ Slavonic. Một buổi lạc quyên sẽ hỗ trợ những người tị nạn Ukraine.



[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/3/2022]