Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2022

Chuyến tông du của ĐTC đến Bahrain - Đức Thánh Cha: “Từ trên trời, chúng ta dường như được nhắc nhở rằng chúng ta là một gia đình”

Đức Thánh Cha: “Từ trên trời, chúng ta dường như được nhắc nhở rằng chúng ta là một gia đình”

Bế mạc “Diễn đàn đối thoại Bahrain: Phương Đông và Phương Tây vì sự chung sống của con người”

Chuyến tông du của ĐTC đến Bahrain - Đức Thánh Cha: “Từ trên trời, chúng ta dường như được nhắc nhở rằng chúng ta là một gia đình”

Vatican Media


*******

Sáng nay, sau khi cử hành Thánh lễ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào ngài Sheikh Nahyan bin Mubarak Al Nahyan, Bộ trưởng Khoan dung của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, ngài Rustam Minnikhanov, Tổng thống nước Cộng hòa Tatarstan, và Ông Kailash Satyarthi, người đạt Giải Nobel Hòa bình (2014), tại tư gia của ông.

Sau đó, khi kết thúc cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha đi xe hơi đến Quảng trường Al-Fida’ tại Cung điện Hoàng gia Sakhir để bế mạc “Diễn đàn Bahrain về Đối thoại: Phương Đông và Phương Tây vì sự chung sống của con người”.

Khi đến nơi vào lúc 10 giờ sáng (8 giờ sáng theo giờ Roma), Đức Thánh Cha được chào đón bởi Quốc vương Bahrain là Hoàng thân Hamad bin Isa bin Salman Al Khalifa và Đức Đại Imam của Đại học Al-Azhar, Giáo sư Ahmad Al- Tayyeb. Họ cùng nhau tiến ra vườn để tham dự nghi thức Cây hòa bình. Khi họ đến khán đài, một cuộc trình diễn máy bay duyệt binh và máy bay trực thăng đã diễn ra.

Sau phần đọc lời cầu nguyện và các bài phát biểu của Quốc vương Bahrain và Đức Đại Imam của Al-Azhar, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đọc diễn từ của ngài. Cuối cùng, Đức Giáo hoàng trở về nơi ở của giáo hoàng bằng xe hơi, nơi ngài dùng bữa trưa riêng.

Dưới đây là bài diễn từ của Đức Thánh Cha phát biểu trước những người có mặt trong buổi bế mạc “Diễn đàn Bahrain về Đối thoại: Phương Đông và Phương Tây vì sự chung sống của con người”:

____________________________________________

Diễn từ của Đức Thánh Cha

Thưa Quốc vương, thưa quý vị Thân vương,

Thưa hiền huynh, Tiến sĩ Al-Tayyeb, Đại Imam của Đại học Al-Azhar,

Thưa hiền huynh Bartholomew, Thượng phụ Đại kết,

Thưa quý vị hữu trách tôn giáo và dân sự,

Thưa quý bà và quý ông,

Tôi xin gửi lời chào thân ái nhất tới tất cả quý vị và tôi xin chân thành cảm ơn sự chào đón của quý vị tại Diễn đàn đối thoại này được tổ chức dưới sự bảo trợ của Đức vua Bahrain. Quốc gia này được lấy tên từ các vùng biển của nó: tên gọi Bahrain có nghĩa là “hai biển”. Nó khiến chúng ta liên tưởng đến những dòng nước biển đưa các vùng đất và quốc gia tiếp xúc và kết nối các dân tộc xa cách. Theo cách nói của một câu tục ngữ cổ, “Thứ mà đất liền chia cắt thì biển hợp nhất.” Nhìn từ trên cao, trái đất hiện ra như một vùng biển xanh bao la nối liền các bờ biển khác nhau. Từ trên trời, nó dường như nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta thực sự là một gia đình: không phải là những hòn đảo, mà là một quần đảo lớn. Đây là cách mà Đấng Tối Cao muốn chúng ta trở thành, và đất nước này, là một quần đảo gồm hơn ba mươi hòn đảo, có thể tượng trưng cho mong muốn đó.

Tuy nhiên, chúng ta đang sống ở thời điểm nhân loại xuất hiện nhiều chia rẽ hơn là hiệp nhất, dù được kết nối hơn bao giờ hết. Ở đây, tên gọi “Bahrain” có thể giúp chúng ta suy tư: “hai biển” mà nó nói đến là các vùng nước ngọt của những dòng suối ngầm và các vùng nước lợ của Vịnh. Ngày nay, theo cách tương tự như vậy, chúng ta đang nhìn ra hai vùng biển với các dòng nước rất khác nhau: biển nước ngọt êm đềm của cuộc sống thanh bình bên nhau, và biển mặn chát của sự thờ ơ, bị hoen ố bởi những cuộc đụng độ và bị cuốn theo những trận cuồng phong của chiến tranh, những lớp sóng cuồn cuộn tàn phá của nó ngày càng trở nên hỗn loạn hơn, đe dọa áp đảo tất cả chúng ta. Thật đáng buồn, Phương Đông và Phương Tây ngày càng trở nên giống như hai vùng biển đối nghịch nhau. Mặt khác, chúng ta cùng nhau tập trung ở đây bởi vì chúng ta đều có ý định ra khơi trên cùng một vùng biển, chọn con đường gặp gỡ hơn là đối đầu, con đường đối thoại được chỉ ra bởi tiêu đề của Diễn đàn này: “Phương Đông và Phương Tây vì sự chung sống của con người”.

Sau hai cuộc chiến tranh thế giới kinh hoàng, một cuộc chiến tranh lạnh kéo dài hàng thập kỷ khiến thế giới lo âu, những cuộc xung đột thảm khốc diễn ra ở mọi nơi trên thế giới, và giữa những lời buộc tội, đe dọa và lên án, chúng ta tiếp tục thấy mình ở trên bờ vực của một vách đứng mỏng manh và chúng ta không muốn rơi xuống. Có một nghịch lý rõ rệt là, trong khi phần lớn người dân trên thế giới hiệp nhất để đối phó với những khó khăn giống nhau, gánh chịu những khủng hoảng nặng nề về lương thực, môi sinh và đại dịch, cũng như sự bất công ngày càng đáng hổ thẹn trên toàn cầu, thì một số người thống trị lại bị cuốn mạnh vào cuộc chiến đấu cho các lợi ích đảng phái, khôi phục các luận điệu lỗi thời, thiết kế lại các khu vực ảnh hưởng và các khối đối lập. Chúng ta dường như đang chứng kiến một kịch bản đầy kịch tính và như trẻ con: trong khu vườn của nhân loại, thay vì vun đắp cho môi trường xung quanh thì chúng ta lại chơi đùa với lửa, tên lửa và bom đạn, những vũ khí mang đến đau thương và chết chóc, phủ lấp ngôi nhà chung của chúng ta bằng tro tàn và thù hận.

Đó sẽ là hậu quả cay đắng nếu chúng ta tiếp tục nhấn mạnh đến xung đột thay vì thấu hiểu, nếu chúng ta cố chấp áp đặt những mô hình và tầm nhìn chuyên chế, đế quốc, chủ nghĩa dân tộc và dân túy của mình, nếu chúng ta không quan tâm đến văn hóa của người khác, nếu chúng ta bịt tai trước những lời van xin của người dân thường và tiếng nói của người nghèo, nếu chúng ta tiếp tục phân chia loài người thành tốt và xấu cách thái quá, nếu chúng ta không nỗ lực để hiểu nhau và hợp tác vì lợi ích của tất cả mọi người. Đây là những lựa chọn đang đặt ra trước mắt chúng ta, vì trong một thế giới toàn cầu hóa, chúng ta chỉ tiến lên bằng cách cùng nhau chèo chống; nếu chúng ta chèo một mình, chúng ta sẽ bị trôi dạt.

Trên vùng biển giông tố của xung đột, chúng ta hãy đặt trước mặt mình Tài liệu về Tình huynh đệ nhân loại vì Hòa bình Thế giới và sự Chung sống, kêu gọi một cuộc gặp gỡ hiệu quả giữa phương Tây và phương Đông, để giúp chữa trị những chứng bệnh của hai nơi. [1] Chúng ta ở đây, với tư cách là những người tin cậy vào Thượng Đế và tin tưởng anh chị em của chúng ta, để loại bỏ “suy nghĩ cô lập” là cách tiếp cận thực tại bỏ qua biển lớn của nhân loại mà chỉ tập trung vào dòng chảy hạn hẹp của riêng mình. Chúng ta muốn sự phân rẽ giữa Đông và Tây được giải quyết vì lợi ích của tất cả mọi người, mà không làm phân tán sự chú ý đến một sự phân rẽ khác đang gia tăng liên tục và đáng kể: khoảng cách giữa miền Bắc và miền Nam của thế giới. Sự bùng lên của các cuộc xung đột không làm cho chúng ta mất sự chú ý đến những thảm kịch ít rõ rệt hơn trong gia đình nhân loại chúng ta, chẳng hạn như sự bất bình đẳng quá lớn, trong đó phần lớn người dân trên hành tinh của chúng ta phải trải qua sự bất công chưa từng có, nạn đói đáng hổ thẹn và thảm họa của biến đổi khí hậu, một dấu hiệu cho thấy chúng ta thiếu quan tâm đến ngôi nhà chung.

Khi nói đến những vấn đề như vậy, mà chúng ta thảo luận trong những ngày này, các nhà lãnh đạo tôn giáo chắc chắn phải cam kết và nêu gương tốt. Chúng ta có vai trò cụ thể để thực hiện, và Diễn đàn này đã mang đến cho chúng ta một cơ hội xa hơn nữa trong lĩnh vực này. Nhiệm vụ của chúng ta là động viên và hỗ trợ gia đình nhân loại của chúng ta, hiện phụ thuộc lẫn nhau nhưng đồng thời lại bị mất kết nối, để cùng nhau ra khơi. Do đó, tôi muốn đề xuất ba thách đố nổi lên từ Văn kiện về Tình Huynh đệ Nhân loại và từ Tuyên ngôn của Vương quốc Bahrain, cả hai văn kiện chúng ta đã suy tư trong những ngày này. Những thách đố này là cầu nguyện, giáo dục và hành động.

Trước hết là cầu nguyện, điều chạm đến tâm hồn con người. Thật ra, những thảm kịch mà chúng ta đang phải gánh chịu, những chia rẽ nguy hiểm mà chúng ta đang trải qua, và “những sự mất cân bằng mà thế giới hiện đại đang chịu đựng đều được liên kết với một sự mất cân bằng cơ bản hơn xuất phát từ tâm hồn con người” (Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 10). Đó là nguyên nhân sau cùng của chúng. Do đó, nguy cơ lớn nhất không nằm ở các đối tượng cụ thể, ở những thực tại vật chất hay thể chế, mà là ở khuynh hướng con người chúng ta muốn khép chặt mình trong nội tại của chính mình, trong nhóm của chúng ta, trong những lợi ích nhỏ mọn của chúng ta. Đây không phải là sự thất bại của thời đại chúng ta: nó đã có mặt từ thuở sơ khai của loài người, và với sự trợ giúp của Thiên Chúa, nó có thể được chế ngự (xem Tông huấn Fratelli Tutti, 166).

Vì lý do này, lời cầu nguyện, việc mở rộng tâm hồn chúng ta với Đấng Tối Cao, là điều cần thiết để gột sạch chúng ta khỏi tính ích kỷ, tư duy khép kín, tự quy chiếu, giả dối và bất công. Những người cầu nguyện đón nhận được sự bình an của tâm hồn; họ không thể không làm chứng cho điều này và mời gọi những người khác, trên hết là bằng gương mẫu của họ, không trở thành con mồi cho một chủ nghĩa dị giáo hạ thấp con người trở thành thứ để họ mua bán hoặc giải trí, nhưng thay vào đó là tái khám phá phẩm giá vô hạn mà mỗi người được ban tặng. Tín đồ của các tôn giáo là những con người hòa bình, khi trên hành trình cùng với người khác trên mặt đất này, mời gọi những người khác hướng ánh mắt nhìn lên thiên đàng, với sự dịu dàng và tôn trọng. Họ mang đến trong lời cầu nguyện của họ những thử thách và hoạn nạn của tất cả mọi người, như hương trầm dâng lên Đấng Tối Cao (xem Tv 141:2).

Tuy nhiên, đối với trường hợp này, có một tiền đề quan trọng, và đó là tự do tôn giáo. Tuyên ngôn của Vương quốc Bahrain giải thích rằng “Thượng Đế chỉ thị cho chúng ta thi hành món quà thiêng liêng là sự tự do lựa chọn” và do đó, “tôn giáo ép buộc không thể đưa một người đi vào mối quan hệ có ý nghĩa với Thượng Đế”. Mọi hình thức ép buộc tôn giáo đều không xứng đáng với Đấng toàn năng, vì Ngài không trao thế giới cho những người nô lệ, mà cho những thụ tạo tự do mà Ngài vô cùng tôn trọng. Vì vậy, chúng ta hãy cam kết để bảo đảm rằng sự tự do của các tạo vật phản ánh sự tự do của Đấng Tạo Hóa, rằng những nơi thờ phượng luôn phải được bảo vệ và tôn trọng ở mọi nơi, và việc cầu nguyện là được ủng hộ và không bao giờ bị cản trở. Việc cấp giấy phép và công nhận quyền tự do thờ phượng là chưa đủ; điều cần thiết là phải đạt được sự tự do tôn giáo đích thực. Không chỉ tất cả mọi xã hội, mà mọi tín ngưỡng đều được kêu gọi phải tự kiểm tra về mặt này. Vấn đề được đặt ra là liệu nó có ép buộc các thụ tạo của Thượng Đế từ bên ngoài, hay giải phóng chúng từ bên trong; liệu nó có giúp con người gạt bỏ sự cứng nhắc, hẹp hòi và bạo lực hay không; liệu nó có giúp các tín đồ phát triển trong sự tự do đích thực, không phải là làm những gì chúng ta muốn, mà là hướng bản thân đến những điều tốt đẹp mà chúng ta đã được tạo dựng vì chúng.

Nếu thách đố cầu nguyện liên quan đến tâm hồn, thì thách đố thứ hai, đó là giáo dục, liên quan đến tâm trí. Tuyên ngôn của Vương quốc Bahrain tuyên bố rằng “sự ngu dốt là kẻ thù của hòa bình”. Đúng vậy, ở những nơi thiếu cơ hội học tập, chủ nghĩa cực đoan gia tăng và các hình thức của chủ nghĩa cơ yếu bắt đầu bén rễ. Tuy nhiên, nếu sự ngu dốt là kẻ thù của hòa bình, thì giáo dục là bạn của sự phát triển, với điều kiện là nền giáo dục thực sự mang đến ích lợi cho con người là những hữu thể năng động và có tính tương quan.

Một nền giáo dục không cứng nhắc và không thay đổi, mà rộng mở trước những thách đố và nhạy cảm với những thay đổi văn hóa; không tự quy chiếu và cô lập, nhưng chú ý đến lịch sử và văn hóa của người khác; không trì trệ, nhưng ham học hỏi và cởi mở để đón nhận các khía cạnh khác nhau và thiết yếu của một gia đình nhân loại mà chúng ta thuộc về. Bằng cách đó, nó có thể đi vào trọng tâm của các vấn đề mà không đòi hỏi phải có những câu trả lời dễ dàng để giải quyết các vấn đề phức tạp, nhưng thay vào đó sẵn sàng đón nhận sự khủng hoảng mà không nhìn nó dưới góc độ xung đột. Xung đột luôn dẫn đến hủy diệt. Một cuộc khủng hoảng giúp chúng ta suy nghĩ và phát triển. Bởi vì thật là bất xứng cho tâm trí con người khi nghĩ rằng quyền lực phải thắng lý trí, đưa các phương pháp của quá khứ vào những vấn đề hiện nay, áp dụng các mô hình dựa trên công nghệ hoặc sự tiện lợi cho lịch sử và văn hóa của con người. Điều này có nghĩa là chúng ta phải đặt câu hỏi, cho phép mình được thử thách, học cách tham gia đối thoại cách kiên nhẫn, tôn trọng và sẵn sàng lắng nghe, tìm hiểu lịch sử và văn hóa của người khác. Đó là cách giáo dục tâm trí con người: bằng cách khuyến khích sự hiểu biết lẫn nhau. Vì nói chúng ta khoan dung là chưa đủ: chúng ta thật sự phải nhường không gian cho người khác, cho họ quyền và cơ hội. Đây là một cách tiếp cận bắt đầu với giáo dục và nó là cách tiếp cận mà các tôn giáo được kêu gọi hỗ trợ.

Cụ thể, tôi muốn nhấn mạnh ba ưu tiên cấp bách cho giáo dục. Thứ nhất, công nhận phụ nữ trong khu vực công: cụ thể là quyền “học hành, việc làm, [và] quyền tự do thực hiện các quyền xã hội và chính trị của họ” (xem Tài liệu về Tình huynh đệ nhân loại). Về điều này, cũng như trong các lĩnh vực khác, giáo dục là con đường dẫn đến sự giải thoát khỏi những di sản lịch sử và xã hội trái ngược với tinh thần đoàn kết huynh đệ vốn là dấu ấn của những người thờ phượng Thượng Đế và yêu thương người lân cận.

Thứ hai, “bảo vệ những quyền cơ bản của trẻ em” (sđd), để các em được lớn lên, được đi học, được giúp đỡ và hỗ trợ, để không phải sống trong cảnh đói khát và bạo lực. Chúng ta hãy dạy người khác, và tự học cách nhìn những cuộc khủng hoảng, những vấn đề và các cuộc chiến tranh qua đôi mắt của trẻ thơ: đây không phải là dấu hiệu của sự ngây thơ, mà là sự khôn ngoan có tầm nhìn xa, bởi vì chỉ khi chúng ta quan tâm đến chúng thì sự tiến bộ sẽ được phản ánh một cách chân thực chứ không phải là lợi nhuận, và dẫn đến việc xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn và nhân văn hơn.

Giáo dục bắt đầu từ trong lòng của gia đình và tiếp tục trong cộng đồng, làng xóm hoặc thành phố. Thứ ba, tôi nhấn mạnh đến việc giáo dục quyền công dân, cách sống trong cộng đồng, tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng luật pháp. Tầm quan trọng đặc biệt của “khái niệm về quyền công dân”, là điều “dựa trên sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ”. Ở đây, cần có sự cam kết để chúng ta có thể “thiết lập trong xã hội của chúng ta khái niệm về quyền công dân đầy đủ và gạt bỏ việc sử dụng thuật ngữ các nhóm thiểu số theo cách phân biệt đối xử, gây ra cảm giác cô lập và tự ti. Việc sử dụng sai mục đích của nó mở đường cho sự thù địch và bất hòa; nó phá bỏ mọi sự thành công và tước mất các quyền tôn giáo và dân sự của một số công dân, mà hậu quả là họ bị phân biệt đối xử” (sđd).

Và như vậy, chúng ta đi đến thách đố cuối cùng trong ba thách đố của chúng ta, liên quan đến hành động, chúng ta có thể nói nó là khả năng con người của chúng ta. Tuyên ngôn của Vương quốc Bahrain tuyên bố rằng bất cứ khi nào sự thù hận, bạo lực và bất hòa được rao giảng thì danh của Thượng Đế sẽ bị xúc phạm. Tất cả những người thuộc tôn giáo đích thực đều bác bỏ những điều này như là điều hoàn toàn không thể biện minh. Họ mạnh mẽ loại bỏ sự báng bổ của chiến tranh và sử dụng bạo lực. Và họ luôn áp dụng sự từ chối này. Vì tuyên bố rằng tôn giáo là hòa bình thì chưa đủ; chúng ta cần phải lên án và cô lập những thủ phạm của bạo lực lạm dụng danh nghĩa của nó. Và cũng chưa đủ nếu chúng ta chỉ xa lánh sự không khoan dung và chủ nghĩa cực đoan; chúng ta cần phải chống lại chúng. “Đây là lý do tại sao cần phải ngừng hỗ trợ các phong trào khủng bố được cấp vốn tài chính, cung cấp vũ khí và chiến lược, và bằng cách biện minh cho các phong trào này, thậm chí sử dụng các phương tiện truyền thông. Tất cả những điều này phải bị xem là tội ác quốc tế đe dọa an ninh và hòa bình thế giới. Sự khủng bố đó phải bị lên án dưới mọi hình thức và cách thể hiện của nó” (Tài liệu về Tình huynh đệ nhân loại). Kể cả khủng bố ý thức hệ.

Những người thuộc tôn giáo đích thực, với tư cách là những người hòa bình, cũng phản đối cuộc chạy đua vũ trang, phản đối thương mại của chiến tranh, phản đối thị trường của cái chết. Họ không ủng hộ “những liên minh chống lại một số”, nhưng ủng hộ những phương tiện để gặp gỡ với tất cả. Không khuất phục trước các hình thức của chủ nghĩa tương đối hay chủ nghĩa hỗn hợp dưới bất kỳ hình thức nào, họ theo đuổi một con đường duy nhất, đó là tình huynh đệ, đối thoại và hòa bình. Đây là những điều họ ủng hộ. Các bạn thân mến, chúng ta hãy theo đuổi con đường này; chúng ta hãy mở rộng tâm hồn ra với những anh chị em của chúng ta; chúng ta hãy tiếp tục hành trình hướng tới việc tìm hiểu và thấu hiểu nhau nhiều hơn. Chúng ta hãy củng cố mối liên kết giữa chúng ta, không mang tính hai mặt hay sợ hãi, nhân danh Đấng Tạo Hóa, Đấng đã đặt chúng ta lại với nhau trên thế giới này như những người bảo vệ anh chị em của chúng ta. Và nếu những kẻ thống trị đối phó với nhau trên cơ sở lợi ích, tiền bạc và quyền lực, ước mong chúng ta có thể cho thấy rằng một con đường gặp gỡ khác là có thể. Có thể và cần thiết, vì vũ lực, vũ khí và tiền bạc sẽ không bao giờ vẽ nên một tương lai hòa bình. Vì vậy, chúng ta hãy gặp gỡ nhau vì lợi ích của nhân loại và nhân danh Đấng yêu thương nhân loại, Đấng có tên là hòa bình. Chúng ta hãy thúc đẩy các sáng kiến ​​cụ thể để bảo đảm rằng hành trình của các tôn giáo lớn sẽ ngày càng hiệu quả và liên tục, một lương tâm hòa bình cho thế giới của chúng ta! Tôi gửi đến tất cả mọi người lời kêu gọi chân thành hãy chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine và bắt đầu các cuộc đàm phán nghiêm túc vì hòa bình.

Đấng Tạo hóa mời gọi chúng ta hành động, đặc biệt là thay mặt cho tất cả những thụ tạo của Người, những người chưa tìm thấy một vị trí thích hợp trong chương trình nghị sự của những người quyền thế: những người nghèo, những sinh linh chưa chào đời, người già, người đau yếu, người di cư ... Nếu chúng ta là những người tin vào Thượng Đế giàu lòng thương xót, lại không cho người nghèo được nghe thấy và lên tiếng nói cho người không có tiếng nói, thì ai sẽ làm điều đó? Chúng ta hãy đứng về phía họ; chúng ta hãy cố gắng hết sức để giúp đỡ nhân loại bị thương tổn và bị thử thách rất nhiều! Làm như vậy, chúng ta sẽ đón nhận phước lành của Đấng Tối Cao đổ xuống trên thế giới. Xin Người soi sáng cho hành trình của chúng ta và kết hiệp những tâm hồn, tâm trí và sức mạnh của chúng ta (x. Mc 12:30), để sự tôn thờ Thượng Đế của chúng ta được kết hợp song song với một tình yêu thương cụ thể và huynh đệ đối với người lân cận. Để cùng nhau, chúng ta có thể là những nhà tiên tri của cộng đồng, những nghệ nhân của sự hiệp nhất và những người xây dựng hòa bình. Xin cảm ơn quý vị.

_______________________

[1]“The West can discover in the East remedies for those spiritual and religious maladies that are caused by a prevailing materialism. And the East can find in the West many elements that can help free it from weakness, division, conflict and scientific, technical and cultural decline. It is important to pay attention to religious, cultural and historical differences that are a vital component in shaping the character, culture and civilization of the East. It is likewise important to reinforce the bond of fundamental human rights in order to help ensure a dignified life for all the men and women of East and West” (Document on Human Fraternity for World Peace and Living Together, 4 September 2019).



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/11/2022]