Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2020

Trí khôn nhân tạo, lương thực cho mọi người, đối thoại và kinh nghiệm

Trí khôn nhân tạo, lương thực cho mọi người, đối thoại và kinh nghiệm

Archbishop Vincenzo Paglia © Vatican Media

Trí khôn nhân tạo (AI), lương thực cho mọi người, đối thoại và kinh nghiệm

Sự kiện được tổ chức bởi Hàn Lâm viện Giáo hoàng về Sự sống

28 tháng Chín, 2020 01:21

ZENIT STAFF

 
Tổ chức Lương Nông của Liên hợp quốc (FAO), IBM và Microsoft, tại một sự kiện được tổ chức hôm nay với Hàn Lâm viện Giáo hoàng về Sự sống, đã đưa ra cam kết hướng tới việc phát triển các dạng Trí khôn nhân tạo (AI) bao gồm và thúc đẩy các con đường bền vững để đạt được an ninh lương thực và dinh dưỡng.

Mục tiêu của sự kiện trực tuyến ngày 24 tháng Chín năm 2020:Trí khôn nhân tạo, Lương thực cho mọi người. Đối thoại và Kinh nghiệm nhằm củng cố và xây dựng dựa trên Lời kêu gọi từ Roma về Đạo đức Trí khôn Nhân tạo được Đức Giáo hoàng Phanxico chấp thuận và FAO, IBM và Microsoft đồng ký kết tại một hội nghị do Hàn Lâm viện tổ chức vào tháng Hai.

Các thảo luận cũng tập trung vào những cách thức cụ thể qua đó AI có thể đóng góp vào việc đạt được mục tiêu cấp dưỡng cho dân số toàn cầu ước tính gần 10 tỷ người vào năm 2050, và làm được điều này trong khi vẫn bảo vệ những tài nguyên thiên nhiên và giải quyết những thách thức như biến đổi khí hậu và tác động của các cú sốc bao gồm COVID-19.

Các ví dụ về những áp dụng tốt nhất trong việc sử dụng AI và công nghệ kỹ thuật số trong nông nghiệp, và những thứ có thể tiếp cận mở rộng dưới dạng các sản phẩm đại chúng kỹ thuật số, cũng được trình bày.

“Việc thực hiện các công nghệ của phương Tây trong sản xuất lương thực và chế biến thực phẩm ảnh hưởng đáng kể đến văn hóa ẩm thực của cư dân cư trên Trái đất. Chúng ta phải nuôi dưỡng tất cả mọi người, nhưng không nhất thiết mọi người phải ăn những thứ giống nhau,” Đức Tổng Giám mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hàn Lâm viện Giáo hoàng về Sự sống nói. Việc bảo vệ đa dạng sinh học (đa dạng thuộc con người, thực vật, động vật) phải là trọng tâm cho sự chú ý của chúng ta và phải hướng dẫn toàn bộ tiến trình, từ giai đoạn thiết kế (đạo đức thiết kế) đến cách thức mà chúng được đề xuất và phổ biến trong các bối cảnh xã hội và văn hóa,” ngài nói thêm.

Ngài nói thêm, “Chuyển đổi những hệ thống lương thực của chúng ta đòi hỏi các giải pháp sáng tạo để bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng cho tất cả mọi người,” Tổng giám đốc FAO, ông QU Dongyu, cho biết. Tại FAO, cùng với sự phát triển của các công cụ AI, chúng tôi hướng tới việc thiết lập Nền tảng Quốc tế về Nông nghiệp và Thực phẩm Kỹ thuật số – một diễn đàn bao gồm nhiều bên liên quan để xác định và thảo luận về những lợi ích và rủi ro tiềm ẩn của việc số hóa ngành thực phẩm và nông nghiệp. Về khía cạnh này, chúng tôi thực sự đánh giá cao và mong đợi các đồng nghiệp từ AI và những người khổng lồ về kỹ thuật số cung cấp cho chúng tôi sự hỗ trợ, hợp tác và tham gia để giúp các quốc gia thành viên (FAO) và người nông dân”.

Ông John E. Kelly, III, Phó chủ tịch điều hành của IBM, cho biết: “Khi xã hội phải vật lộn với tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đáng báo động, việc sử dụng công nghệ để ứng phó với COVID-19 đã cho thấy lý do tại sao Lời kêu gọi từ Roma về Đạo đức AI và các nguyên tắc cơ bản của nó lại vô cùng quan trọng đối với tương lai của nhân loại. Chỉ bằng cách đặt con người, đặt lợi ích và giá trị của họ vào trung tâm suy nghĩ của chúng ta về tương lai của công nghệ thì tất cả chúng ta mới có thể vươn dậy mạnh mẽ hơn từ những thách thức toàn cầu như đại dịch và an ninh lương thực”.

Ông Brad Smith, Chủ tịch Microsoft cho biết, “Tại Microsoft, chúng tôi tin rằng công nghệ có thể giúp mở khóa những giải pháp cho một số thách thức lớn nhất của thế giới. Các công nghệ như AI và những công cụ Máy học tập (Machine Learning) sẽ đặc biệt hữu ích khi chúng tôi làm việc để giải quyết các vấn đề về nạn đói và mất an ninh lương thực trên toàn thế giới, đặc biệt trong một thế giới đang vật lộn với biến đổi khí hậu. Những công cụ này có thể dự báo các vấn đề và phản ứng với các nguồn lực quan trọng giúp ngăn chặn nạn đói trong tương lai và cứu sống con người.”

AI trong nông nghiệp, một cơ hội quan trọng để đạt được sự phát triển bền vững

Trí khôn nhân tạo đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi hệ thống lương thực và giúp giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực và dinh dưỡng. Trong các ngành nông nghiệp, nó có thể thực hiện điều đó theo nhiều cách, bao gồm tối ưu hóa hoặc thậm chí thực hiện một số hoạt động của con người, chẳng hạn như trồng trọt và thu hoạch, do đó làm tăng năng suất, cải thiện điều kiện làm việc – bằng cách giảm thời gian và công việc nặng nhọc – và sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả hơn, thông qua việc lập chương trình và quản lý tri thức tốt hơn.

Đặc biệt, khi nông nghiệp điện tử (e-agriculture) tiến bộ nhanh chóng, AI trong nông nghiệp đang nổi lên trong ba lĩnh vực chính: robot nông nghiệp, giám sát đất và mùa màng và phân tích dự đoán. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, phát triển dân số và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, sự tiến bộ trong những lĩnh vực này có thể đóng góp to lớn vào việc bảo tồn đất và nước, là chìa khóa ngày càng trở nên quan trọng để đạt được an ninh lương thực một cách bền vững.

Tại sự kiện hôm nay, hai ví dụ về những áp dụng tốt nhất trong việc sử dụng AI trong nông nghiệp đã được trình bày:

· Cổng thông tin WaPOR của FAO theo dõi và báo cáo về năng suất nước trong nông nghiệp ở Châu Phi và vùng Cận Đông. Nó cung cấp quyền truy cập mở vào cơ sở dữ liệu năng suất nước và hàng nghìn lớp bản đồ bên dưới, đồng thời cho phép truy vấn dữ liệu trực tiếp, phân tích chuỗi thời gian, thống kê diện tích, và tải dữ liệu về những thay đổi chính liên quan đến việc đánh giá năng suất nước và đất;

· Hệ thống Chỉ số Căng thẳng Nông nghiệp (ASIS) là một chỉ số xem nhanh do FAO phát triển để theo dõi sớm các khu vực nông nghiệp có khả năng xảy ra sự căng thẳng về nước / hạn hán cao ở cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia, sử dụng công nghệ vệ tinh. Hạn hán gây ảnh hưởng nhiều người hơn bất kỳ hình thức thiên tai nào khác và gây thiệt hại lớn nhất cho sinh kế, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

Đặt con người, bao gồm người nông dân, vào trung tâm

Lời kêu gọi từ Roma về Đạo đức AI nhấn mạnh rằng “Các hệ thống AI phải được hình thành, thiết kế và triển khai để phục vụ và bảo vệ con người cũng như môi trường nơi họ sống”, một khái niệm mà nhiều người tham gia sự kiện hôm nay nhắc lại.

Cơ sở của Lời kêu gọi từ Roma là một số nguyên tắc chính bao gồm tính minh bạch, trong đó các hệ thống AI phải có thể giải thích được; sự bao gồm, để nhu cầu của tất cả con người được quan tâm và họ được tạo điều kiện tốt nhất có thể để thể hiện bản thân và phát triển; và sự công bằng, để những công nghệ như vậy không gây ra hoặc hoạt động theo sự thiên vị, chỉ nhằm mang đến lợi ích cho một số ít người.

Liên quan đến các nguyên tắc này, và trong bối cảnh sử dụng AI trong nông nghiệp, các đối tác và các bên đồng ký kết Lời kêu gọi từ Roma thừa nhận sự cần thiết phải bảo vệ quyền của người nông dân và kiến thức mà họ có, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Cũng cần phải thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số – ngày nay 6 tỷ người không có băng thông rộng (broadband), 4 tỷ người không có internet, 2 tỷ người không có điện thoại di động và 400 triệu người không có tín hiệu kỹ thuật số, và cũng có khoảng cách đáng kể trong việc tiếp cận các tài nguyên giữa nam giới và nữ giới, người trẻ và người già.

Các đối tác tham gia Lời kêu gọi từ Roma đã kêu gọi các quốc gia và khu vực công tận dụng các cơ hội do AI mang lại để hỗ trợ những nông dân sản xuất quy mô nhỏ và tăng cường phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo, và cải thiện an ninh lương thực. Để làm được như vậy, họ nên đầu tư vào nguồn nhân lực và đưa ra các chính sách và quy định nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự loại trừ và bất bình đẳng.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/9/2020]


'Gia đình có giá trị nền tảng' - phỏng vấn với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda

'Gia đình có giá trị nền tảng' - phỏng vấn với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda

'Gia đình có giá trị nền tảng' - phỏng vấn với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda

Tổng thống Andrzej Duda. Credit: Anthony Johnson/EWTN News

Alan Holdren

Vatican City, 27 tháng Chín, 2020 / 06:53 sáng MT (CNA). - Ngày 25 tháng Chín, EWTN News nói chuyện với Tổng thống Andrzej Duda của Ban Lan, người đã gặp Đức Thánh Cha Phanxico trong cuộc viếng thăm Roma.

Ông Duda nói về đức tin Công giáo của mình, về Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II, tính thế tục, và những cố gắng của ông để thăng tiến gia đình.

Dưới đây là toàn văn cuộc phỏng vấn:


Thưa Tổng thống Duda, ông lớn lên trong một gia đình Công giáo ở miền nam Ba Lan. Đời sống đức tin của ông trong gia đình như thế nào, ông sống đức tin Công giáo như thế nào và ông đã đưa điều đó vào cương vị tổng thống của mình ra sao? Nó có phải là một thách thức?

Đúng vậy, tôi được lớn lên trong một gia đình luôn giữ đạo Công giáo, qua nhiều thế hệ. Đó là mẫu gia đình mà tôi lớn lên. Mối liên hệ này với Giáo hội, với cộng đoàn Kitô hữu Công giáo, luôn là một sự thật, ngay từ đời của tôi. Và nó luôn rất quan trọng trong gia đình đối với ông bà và cha mẹ tôi. Khi còn nhỏ, tôi là một cậu bé giúp lễ. Tôi phục vụ Thánh lễ tại nhà thờ ở Krakow và ở Stary Sacz là nơi cha tôi sinh ra, nơi ông bà tôi sống vào thời điểm đó. Tôi lớn lên trong bầu không khí như vậy. Điều này luôn luôn quan trọng. Và anh có thể dễ dàng nói rằng tôi đã hấp thụ được những giá trị này.

Các giá trị Kitô giáo hình thành nên lịch sử rất sâu, rất sâu của Ba Lan vì ở Stary Sacz có một tu viện do Thánh Kinga thành lập từ nhiều thế kỷ trước. Và truyền thống này vẫn còn tồn tại. Truyền thống của đạo Công giáo mạnh mẽ đến lạ thường này - tôi có thể nói là một đạo Công giáo bảo thủ - vì có một tu viện Thánh Clare Nghèo khó - và họ là những nữ tu dòng kín. Vì vậy, đạo Công giáo ở đó rất, rất mạnh.


Xin cho tôi biết về lòng sùng kính đặc biệt của ông đối với Thánh Bobola và những vị thánh khác của Ba Lan.

Tôi có thể nói với anh một cách công khai rằng tôi sinh ngày 16 tháng 5 năm 1972, là ngày lễ Thánh Anrê Bobola. Và, một trong những lý do vì là ngày lễ Thánh Anrê Bobola mà cha mẹ tôi đã chọn cho tôi tên Anrê để nhận Thánh Anrê Bobola là thánh bổn mạng của tôi.

Vì vậy mà có sự gắn bó đặc biệt này và sau đó tôi lớn lên trong bầu không khí yêu nước đặc biệt. Tôi đã hoạt động trong các nhóm hướng đạo sinh là những người rất yêu nước. Thánh Anrê Bobola là một người đã chết không chỉ vì đức tin. Ngài không chỉ bị Cossacks sát hại dã man vì ngài là một giáo sĩ Công giáo mà ngài còn chết cho Ba Lan và cho lý tưởng của Ba Lan, vì vậy anh có thể nói rằng ngài là một người tín hữu, một linh mục và một người ái quốc.


Quê ông cũng ở Krakow. Đức Gioan Phaolo II đã ở đó nhiều năm. Mối quan hệ của ông với Đức Gioan Phaolo II như thế nào?

Chúng tôi gọi thế hệ của mình, tức là thế hệ của những đứa trẻ sinh ra trong thập niên 70 và đầu thập niên 80 và cả những người sinh ra trong những năm 60, là “thế hệ Gioan Phaolo II” ... Gioan Phaolo Đệ Nhị. Chúng tôi đã lớn lên với những cuộc hành hương của Đức Thánh Cha. Và Krakow là nơi mà Đức Thánh Cha, trong lịch sử triều đại giáo hoàng của mình đã thường xuyên đến thăm nhất. Dù gì thì nó cũng là thành phố của ngài. Ngài là tổng giám mục chính tòa của Krakow và là hồng y của Krakow trước khi trở thành giáo hoàng. Ngài đặc biệt thích gặp gỡ giới trẻ ở Krakow.

Ngài luôn có thời gian dành cho giới trẻ và khi còn nhỏ chúng tôi đã được cha mẹ đưa đến những cuộc gặp gỡ với ngài, và sau đó khi đến tuổi thanh niên, chúng tôi tự đến bên dưới cửa sổ giáo hoàng nổi tiếng trên đường Franciszkanska và đến các cánh đồng ở Krakow là nơi ngài dâng các Thánh lễ, với sự tham dự của hàng triệu người. Và điều này luôn luôn lạ thường. Và Đức Thánh Cha đã làm điều tuyệt vời nhất mà bạn có thể làm cho người Ba Lan vào thời điểm đó, đó là ngài đã cho thế hệ của cha mẹ tôi thấy có bao nhiêu người ở Ba Lan có cùng suy nghĩ.

Trong thời kỳ đen tối của chủ nghĩa cộng sản, vào năm 1979, ngài hành hương đến Ba Lan và mọi người tập trung lại và thấy rằng có hàng triệu người trong số họ. Và rằng hàng triệu người này có đức tin và họ suy nghĩ giống nhau. Khi đó họ đã lắng nghe ngài. Và đó là sự khởi đầu cho những thay đổi ở Ba Lan.

Sau đó, vào năm 1980, Solidarnosc đã được thành lập. Năm nay chúng tôi kỷ niệm 40 năm thành lập Solidarnosc. Và đó là khởi đầu cho sự chấm dứt của chủ nghĩa cộng sản. Bất chấp việc thiết quân luật, tất cả những điều này không thể bị dừng lại. Đức Thánh Cha đã ở đây [ở Roma] và luôn luôn thận trọng. Và đó là cách chúng tôi có được tự do, nhờ ngài. Chẳng có gì nghi ngờ về điều đó. 


Ông đã lấy việc bảo vệ và thăng tiến gia đình truyền thống trở thành một phần quan trọng trong nền tảng của mình ở Ba Lan. Ông đã trao đổi về điều đó với đức giáo hoàng hôm nay. Ông đã tham gia một cuộc tuần hành cho gia đình ở Ba Lan vào đầu tuần này. Nếu chúng ta nhìn đến các chính sách của ông, ông liên tục bảo vệ gia đình và phải đối mặt với Liên minh Châu Âu vốn thường phê phán Ba Lan vì bảo vệ các giá trị này, nói theo cách khác, yêu cầu ông thực hiện quyền phá thai hoặc bảo vệ hôn nhân đồng giới, hoặc những vấn đề khác tương tự như vậy. Ông nghĩ Liên minh Châu Âu đang yêu cầu gì nơi ông, với tư cách cá nhân và với tư cách là tổng thống, và phản ứng của Ba Lan là gì?

Anh đụng chạm đến một vấn đề rất quan trọng.

Trong nhiệm kỳ tổng thống và trong cuộc đời tôi, gia đình có một giá trị to lớn và theo quan điểm của tôi về đất nước, tất cả mọi đất nước, nhưng trước hết là Nhà nước Ba Lan. Có thể nói gì khác ngoài điều này là không có một quốc gia nào, không có Nhà nước nào mà không có gia đình sinh con đẻ cái, từ đó tạo sự đổi mới các thế hệ, nghĩa là dân tộc còn thì mới tạo ra được Nhà nước. Vì vậy, nếu ai đó nghĩ mình là một người Ba Lan ái quốc, nếu ai đó nghĩ rằng Ba Lan cần phải tồn tại, rằng quốc gia của chúng ta cần phải tồn tại, thì chẳng nghi ngờ gì rằng trong tất cả những điều này gia đình có một ý nghĩa nền tảng. Đó là cách tôi tiếp cận vấn đề.

Tôi cố gắng tuyên bố những quan điểm này không chỉ ở Ba Lan, và xây dựng khuôn khổ pháp lý và hệ thống để gia đình có thể phát triển tốt nhất, có nhiều con nhất, được nhà nước Ba Lan hỗ trợ, đúng như Hiến pháp Ba Lan quy định.

Hiến pháp Ba Lan ra lệnh cho Nhà nước phải bảo vệ gia đình một cách đặc biệt

Hôn nhân, theo Hiến pháp Ba Lan, là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ. Và cha mẹ có quyền nuôi dạy con cái theo niềm tin của họ. Đây là những quyền căn bản được viết trong hiến pháp Ba Lan. Vì vậy, tôi chỉ hành động theo hiến pháp Ba Lan. Và tôi không ngần ngại nói về nó tại Liên minh Châu Âu. Nhưng tôi làm việc, tôi phục vụ Ba Lan, đó là nghĩa vụ của tôi. Và cách các chính trị gia ở những quốc gia khác, các tổng thống khác tiếp cận với vấn đề này như thế nào là quyền của họ. Và chính xã hội của họ bắt họ phải chịu trách nhiệm. Đó là cách tiếp cận của tôi. Và đây cũng là một cách tiếp cận của Kitô giáo.

Và theo ý tôi, đây là cách tiếp cận đúng đắn nhất.


Các bản tin đã ồn ào về việc ông nhặt một Bánh Thánh rơi trên mặt đất trong Thánh lễ, Thánh Thể rơi trên mặt đất. Chúng ta đã thấy ảnh đó trên toàn thế giới. Ông cũng coi trọng việc bảo vệ Thánh Thể. Có một buổi biểu diễn nghệ thuật ở Tây Ban Nha xúc phạm Mình Thánh, Thánh Thể và Ba Lan đã cử một đại diện đến Tòa án Nhân quyền Châu Âu để bảo vệ [Thánh Thể]. Việc này đóng vai trò như thế nào trong các chính sách của ông?

Tôn giáo của chúng tôi dạy chúng tôi phải biết vâng phục. Đạo Công giáo của chúng tôi dạy chúng tôi phải yêu kẻ thù của mình. Đây là những gì Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Điều này rất khó, nhưng mọi người hãy cố gắng và mỗi chúng ta hãy cố gắng sống tốt nhất có thể.

Và tôi nghĩ điều này đã bị lạm dụng bởi nhiều người thi hành thể hiện sự không thân thiện với Kitô giáo và Công giáo. Và anh đã đưa ra một ví dụ về điều đó. Anh ta biết rằng anh ta có đủ khả năng để làm điều đó bởi vì người Công giáo, người theo Kitô giáo sẽ không làm tổn thương anh ta theo bất kỳ cách nào vì điều đó. Và do đó anh ta có cái can đảm rẻ tiền này.


Tỷ lệ sinh con ở Ba Lan đang tăng sau một số nỗ lực mà ông đã thực hiện, nhưng chỉ ở mức nhẹ và vẫn chưa đạt đến mức tự bù đắp dân số Ba Lan. Ông cũng đang thúc đẩy gia đình, giáo dục, hôm nay ông cũng đã trao đổi điều đó với Đức Giáo hoàng. Trận chiến dài hơi ở Ba Lan để bảo vệ Ba Lan chống lại sự thế tục hóa đang diễn ra trên khắp Châu Âu và ông sẽ thực hiện điều đó như thế nào?

Hôm nay, tôi đã nói với Đức Thánh Cha là tôi tin rằng vào thời điểm ngày nay khi chúng ta đang bị sức ép của sự tuyên truyền chống Công giáo, chống Kitô giáo từ mọi phía - một số người sẽ nói rằng sự [tuyên truyền] thuộc cánh tả tự do, là phía có sức ép rất mạnh mẽ để truyền bá những giá trị khác, đặc biệt đối với giới trẻ, hoàn toàn trái ngược với các giá trị mà chúng ta đọc được trong các Sách Thánh, trong Kinh Thánh - bổn phận của chúng ta là những người có đức tin chỉ đơn giản là công bố các giá trị của mình một cách kiên vững, bền bỉ và không ngừng nghỉ, và cố gắng hết sức mình để ngăn chặn những trào lưu khác mà tôi tin chắc là phá hủy gia đình truyền thống, hủy hoại con người theo cách hiểu rõ nhất. Chúng cản trở sự nuôi dạy truyền thống. Tôi nghĩ chúng ta phải [công bố những giá trị của chúng ta] bất chấp mọi thứ, thực hiện bổn phận của mình, và đó là những gì tôi làm.


Ông làm việc như thế nào với các quốc gia láng giềng khác để bảo vệ Kitô giáo, cũng như ở những nơi đạo bị đàn áp?

Nhiều lần, cũng tại nghị viện Châu Âu, tôi đã tham gia thông qua nhiều hành động khác nhau mang tính chất tuyên bố, nhưng cũng có những hoạt động lập pháp nhắm đến việc bảo vệ người Kitô giáo, đặc biệt ở Trung Đông là nơi họ đang gặp nguy hiểm hoặc ở Châu Á, Đông Nam Á, có rất nhiều nơi như vậy, nơi mà con người đang bị đàn áp vì niềm tin tôn giáo của họ, nhưng Ba Lan hiện tại, vì nó được điều hành bởi [liên minh] Cánh Hữu Thống nhất, trong khi tôi là tổng thống, chúng tôi thực sự chú ý đến điều đó.

Chúng tôi hiện là thành viên của Hội đồng Nhân quyền. Chúng tôi chú ý đến những vấn đề này. Chúng tôi là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ. Và, một năm trước, chúng tôi đã thông qua một nghị quyết liên quan đến những người đang ngược đãi vì niềm tin tôn giáo của họ. Chúng tôi nhấn mạnh đến vấn đề này vì chúng tôi tin rằng chúng tôi phải nói về nó.


Tổng thống Duda cũng có thông điệp gửi đến người xem của EWTN Polska:

Xin gửi lời chào chân thành đến tất cả khán giả của EWTN Ba Lan. Cảm ơn các bạn đã xem truyền hình Công giáo. Tôi nghĩ rằng đài truyền hình này truyền tải những giá trị quan trọng đối với chúng ta. Tại nơi này, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II của chúng ta đã phục vụ Thiên Chúa, phục vụ Giáo hội và Ba Lan. Năm nay chúng ta kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ngài. Tôi kêu gọi các bạn thỉnh thoảng hãy cầm lấy trong tay mình những bài giảng mà Đức Thánh Cha đã cho chúng ta, những lời của Ngài đã nói với chúng ta. Tôi mời gọi các bạn thỉnh thoảng hãy xem trên Internet và trên YouTube hoặc một số kênh khác để tìm thấy những lời Đức Thánh Cha đã nói, vì điều quan trọng là phải nhắc bản thân nhớ về những lời đó để biết người Ba Lan chúng ta, người có đức tin chúng ta, người Công giáo chúng ta, nên ngheo theo suốt đời. Tôi rất trân trọng mời gọi các bạn làm điều đó. Cảm ơn các bạn đã quan tâm, cảm ơn các bạn đã lắng nghe. Chúc tất cả các bạn những điều tốt đẹp nhất.



[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/9/2020]