Thứ Hai, 22 tháng 8, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 21 tháng 8, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 21 tháng 8, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 21 tháng Tám, 2022

____________________________


Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật hạnh phúc!

Trong trích đoạn Tin mừng của Thánh Luca cho phụng vụ Chúa nhật này, có người hỏi Chúa Giêsu, “những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” Và Chúa trả lời: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào” (Lc 13:24). Cửa hẹp … đây là một hình ảnh có thể làm chúng ta sợ hãi, như thể ơn cứu độ chỉ dành cho số ít người được tuyển chọn, hoặc những người hoàn hảo. Nhưng điều này mâu thuẫn với những gì Chúa Giêsu đã dạy chúng ta trong nhiều lần khác. Và quả thực, sau đó một chút, Ngài khẳng định rằng, “Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” (c. 29). Như vậy, cánh cửa thì hẹp, nhưng mở ra cho tất cả mọi người! Đừng quên điều này. Cánh cửa mở ra cho tất cả mọi người!

Nhưng để hiểu rõ hơn cửa hẹp này là gì, chúng ta cần phải tìm hiểu xem nó là gì. Chúa Giêsu sử dụng một hình ảnh từ cuộc sống đương thời khi đó, rất có thể ám chỉ thực tế rằng khi đêm buông xuống, các cổng thành đóng lại và chỉ có một cửa duy nhất, nhỏ nhất và hẹp nhất, còn mở. Để trở về nhà, người ta chỉ có thể đi qua cửa đó.

Bây giờ chúng ta hãy suy nghĩ về thời điểm Chúa Giêsu nói, “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu” (Ga 10:9). Ngài muốn nói với chúng ta rằng để đi vào sự sống của Thiên Chúa, bước vào ơn cứu độ, chúng ta cần phải đi qua Ngài, không qua bất kỳ ai khác, phải đi qua Ngài; chào đón Chúa và Lời Chúa. Cũng như để đi vào trong thành, người ta phải “đo lường” như vậy, như cánh cửa duy nhất còn mở là cánh cửa hẹp, thì cánh cửa của người Kitô hữu là một đời sống mà “thước đo là Chúa Kitô”. Điều này có nghĩa rằng nguyên tắc đo lường là Chúa Giêsu và Tin mừng của Người – không phải là những gì chúng ta nghĩ, mà là những gì Chúa nói với chúng ta. Vì vậy, chúng ta đang nói về một cửa hẹp không phải là vì chỉ có một số ít người được định sẵn đi qua nó, không phải, nhưng bởi vì thuộc về Đức Kitô có nghĩa là đi theo Ngài, sống cuộc sống yêu thương, phục vụ, và dâng hiến bản thân như Chúa đã làm, Ngài đã đi qua cửa hẹp là thập tự giá. Bước vào dự án mà Chúa đề nghị cho chúng ta đòi hỏi rằng chúng ta phải hạn chế không gian của tính vị kỷ, bớt đi tính tự phụ, hạ bớt thói kiêu căng và ngạo mạn, và chúng ta phải vượt qua sự lười biếng, để chinh phục cuộc phiêu lưu của tình yêu, ngay cả khi nó có thập giá.

Nói cách cụ thể, chúng ta hãy suy nghĩ về những hành động yêu thương mà chúng ta phấn đấu thực hiện hàng ngày: chúng ta hãy nghĩ về những bậc cha mẹ dành trọn vẹn cho con cái, hy sinh và từ bỏ thời gian của bản thân; chúng ta hãy nghĩ về những người quan tâm đến người khác mà không màng đến ích lợi của bản thân (có biết bao nhiêu người tốt như vậy); chúng ta hãy nghĩ đến những người dành thời gian để phục vụ người già, người nghèo nhất và người dễ bị tổn thương nhất; chúng ta hãy nghĩ đến những người tận tâm làm việc, chịu cảnh thiếu thốn và, có thể là cả sự hiểu lầm; chúng ta hãy nghĩ đến những người chịu đau khổ vì đức tin, nhưng họ vẫn tiếp tục cầu nguyện và yêu thương; chúng ta hãy nghĩ đến những người đáp trả điều ác bằng việc thiện hơn là theo đuổi lợi ích riêng, tìm sức mạnh để tha thứ và lòng can đảm để bắt đầu trở lại. Đây mới chỉ là một vài ví dụ về những người không chọn con đường rộng thuận tiện cho mình, nhưng là con đường hẹp của Chúa Giêsu, của một đời sống yêu thương. Hôm nay Chúa Giêsu nói rằng Chúa Cha sẽ nhận ra họ nhiều hơn những người tin rằng họ đã được cứu nhưng thật ra họ là “những quân làm điều bất chính” (Lc 13:27) trong cuộc sống.

Thưa anh chị em, chúng ta muốn thuộc về bên nào? Chúng ta thích con đường dễ dàng chỉ nghĩ về bản thân hơn, hay chúng ta chọn cửa hẹp của Tin mừng khiến lòng ích kỷ của chúng ta rơi vào khủng hoảng, nhưng lại giúp chúng ta có thể chào đón sự sống thật đến từ Thiên Chúa và làm cho chúng ta hạnh phúc? Chúng ta đang đứng về bên nào? Xin Đức Mẹ, Đấng đã theo Chúa Giêsu suốt con đường tới thập giá, giúp chúng ta biết đo lường cuộc sống của chúng ta với Ngài để bước vào sự viên mãn của cuộc sống đời đời.

_________________________________________

Sau Kinh Truyền tin Đức Thánh Cha tiếp tục:

Thưa anh chị em,

Tôi đau buồn và lo lắng theo dõi sát sao tình hình ở Nicaragua liên quan đến con người và các tổ chức. Tôi tin tưởng và hy vọng rằng nền tảng cho sự chung sống hòa bình và tôn trọng có thể được tìm thấy thông qua một cuộc đối thoại cởi mở và chân thành. Chúng ta hãy cầu xin Chúa, qua sự chuyển cầu của Đức Mẹ Purísima, khơi dậy ý chí cụ thể này nơi tâm hồn của mọi người.

Thưa anh chị em, cha gửi lời chào tất cả anh chị em đến từ Roma và những anh chị em hành hương đến từ các quốc gia khác – các gia đình, các nhóm giáo xứ, các hội đoàn. Đặc biệt, cha gửi lời chào cộng đoàn đến từ Trường Đại học Giáo hoàng Bắc Mỹ, nhất là các chủng sinh mới đến, và cha khích lệ các con trong cam kết thiêng liêng, và thúc giục các con hãy trung thành với Tin Mừng và với Giáo Hội. Cha xin chào mừng những phụ nữ tận hiến trong dòng Ordo virginum, và cha khuyến khích các chị em làm chứng cho niềm vui tình yêu của Chúa Kitô.

Cha xin chào các tín hữu đến từ Verona, Trevignano, Pratissolo, các bạn trẻ đến từ Paternò, Lequile và anh chị em tham dự Chặng đàng Phục sinh Via lucis, được truyền cảm hứng bởi mẫu gương của các Thánh “hàng xóm”, sẽ gặp gỡ những người nghèo sống gần các ga xe lửa. Và cha gửi lời chào các bạn trẻ của Immaculata.

Chúng ta hãy kiên trì trong tình gần gũi và lời cầu nguyện cho người dân Ukraine thân yêu gánh chịu sự tàn ác vô nhân.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/8/2022]


Tại sao Thánh Padre Pio gọi Kinh Mân côi là “vũ khí”

Tại sao Thánh Padre Pio gọi chuỗi Mân côi là “vũ khí”

Tại sao Thánh Padre Pio gọi Kinh Mân côi là “vũ khí”

Public Domain

Philip Kosloski 

16/08/22


Đối với Thánh Padre Pio, chuỗi Mân Côi là “vũ khí” được sử dụng để chống lại kẻ thù thiêng liêng, chứ không phải đối thủ là con người.

Thánh Padre Pio, một trong những vị thánh được yêu mến nhất trong Giáo hội Công giáo, thường được trích dẫn lời của ngài nói rằng chuỗi Mân Côi là “vũ khí” của ngài.

Có phải Thánh Padre Pio ủng hộ bạo lực chống lại con người không?

Trong quyển tiểu sử Câu chuyện thật về Thánh Padre Pio của C. Bernard Ruffin, tác giả giải thích rằng, “Kinh Mân Côi là ‘lời cầu nguyện thường xuyên’ của ngài và là ‘vũ khí’ của ngài để chống lại những sức mạnh của hỏa ngục.”

Thánh Padre Pio đọc Kinh Mân côi hàng ngày và ngài làm việc đó vì lòng yêu mến Đức Mẹ. Ngài cũng yêu thương mọi người và mong muốn rằng tất cả họ sẽ đến được bến bờ vĩnh cửu của Thiên đàng.

Tuy nhiên, ngài cũng vững tin vào lời của thánh Phaolô nói với tín hữu Êphêsô.

Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao. (Êphêsô 6:11-12)

Cuộc chiến của ngài không phải là chống lại các đối thủ chính trị hay những cá nhân chống Công giáo. Rõ ràng Thánh Padre Pio đọc Kinh Mân Côi như một “vũ khí” chống lại “những ác thần” trên thế gian, những kẻ “như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé.” (1 Pr 5:8)

Thánh Padre Pio không chủ trương một cuộc thập tự chinh với các chuỗi Mân Côi được sử dụng như vũ khí, ngài cũng không mong muốn các đối thủ của ngài phải chết.

Ngài chỉ đơn thuần tin rằng có một cuộc chiến thiêng liêng đang diễn ra trên thế giới mà mắt thường không nhìn thấy được và Kinh Mân Côi là một trong những vũ khí hữu hiệu nhất để chống lại các thế lực của ma quỷ.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/8/2022]