Thứ Hai, 18 tháng 1, 2021

HUẤN TỪ KINH TRUYỀN TIN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO

HUẤN TỪ KINH TRUYỀN TIN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO

HUẤN TỪ KINH TRUYỀN TIN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO

Thư viện Điện Tông tòa

Chúa nhật, 17 tháng Một 2021




Anh chị em thân mến, Buongiorno!

Tin mừng Chúa nhật thứ Hai mùa Thường niên (xem Ga 1:35-42) trình bày cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và những môn đệ đầu tiên của Ngài. Khung cảnh diễn ra dọc theo Sông Giođan vào ngày hôm sau phép rửa của Chúa Giêsu. Chính Gioan Tẩy giả là người giới thiệu Đấng Mêxia cho hai người bằng những lời này: “Đây là Chiên Thiên Chúa!” (câu 36). Và hai ông tin vào lời chứng của Gioan, liền đi theo Chúa Giêsu. Ngài nhận ra điều đó và hỏi: “Các anh tìm gì thế?”, và họ hỏi Ngài: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” (câu 38).

Chúa Giêsu không trả lời: “Tôi sống ở Caphácnaum, hay ở Nadarét, nhưng lại nói: “Đến mà xem” (câu 39). Không phải là một tấm danh thiếp, nhưng là một lời mời gọi gặp gỡ. Hai người đi theo Ngài và ở lại chiều hôm đó với Ngài. Không khó để hình dung ra rằng họ ngồi và hỏi Ngài những câu hỏi và trên hết là lắng nghe Ngài, cảm nhận tâm hồn của họ được bừng cháy hơn bao giờ hết khi Thầy nói. Họ cảm nhận được cái đẹp của những câu trả lời cho niềm hy vọng lớn lao nhất của họ. Và đột nhiên họ phát hiện ra rằng, dù cho lúc đó đã là buổi tối, trong tâm hồn họ, ánh sáng mà chỉ có Thiên Chúa có thể ban tặng đang bừng lên trong họ. Một điều khiến chúng ta phải chú ý: sáu mươi năm sau, hay thậm chí hơn nữa, một người trong hai ông viết trong Tin mừng: “Lúc đó khoảng bốn giờ chiều” – ông kể lại thời gian. Và đây là một điều khiến chúng ta phải suy nghĩ: mọi cuộc gặp gỡ thật sự với Chúa Giêsu đều lưu lại sống động trong ký ức, nó không bao giờ bị lãng quên. Anh chị em có thể quên nhiều cuộc gặp gỡ, nhưng một cuộc gặp gỡ đích thực với Chúa Giêsu lưu lại mãi mãi. Và nhiều năm sau, hai ông thậm chí vẫn nhớ rõ giờ, họ đã không quên cuộc gặp gỡ quá đỗi hạnh phúc, quá hoàn hảo, đã làm thay đổi cuộc đời của họ. Rồi khi các ông rời khỏi buổi gặp gỡ đó và trở về với anh em của các ông, niềm vui đó, ánh sáng đó, chảy trong tâm hồn các ông như một dòng sông cuồn cuộn. Một trong hai người, ông Anrê, nói với người em của mình là Simon – người mà Chúa Giêsu gọi là Phêrô khi Ngài gặp ông – “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêxia” (câu 41). Các ông cảm thấy chắc chắn rằng Chúa Giêsu là Đấng Mêxia, chắc chắn.

Chúng ta dừng lại một lát trên kinh nghiệm gặp gỡ Đức Kitô là Đấng mời gọi chúng ta hãy ở lại với Ngài. Mỗi tiếng gọi của Chúa là một sáng kiến yêu thương của Người. Người là Đấng luôn luôn có những sáng kiến. Người kêu gọi bạn. Thiên Chúa kêu gọi đến với sự sống, Người gọi đến với đức tin, và Người gọi đến với một hoàn cảnh cụ thể trong cuộc sống: “Ta muốn con ở đây.” Tiếng gọi đầu tiên của Chúa là sự sống, qua đó Người biến chúng ta thành những con người; đó là một tiếng gọi cá nhân vì Chúa không tạo mọi thứ hàng loạt. Rồi Chúa kêu gọi chúng ta đến với đức tin và trở thành một phần trong gia đình của Người như là con cái của Chúa. Cuối cùng, Chúa kêu gọi chúng ta đến với một hoàn cảnh cụ thể trong cuộc sống: để hiến thân trên con đường hôn nhân, hoặc con đường của chức tư tế hoặc đời sống thánh hiến. Chúng là những con đường khác nhau để làm hiện thực bản thiết kế của Chúa mà Người dành cho mỗi người chúng ta và nó luôn luôn là một bản thiết kế của tình yêu. Nhưng Chúa luôn luôn kêu gọi. Và niềm vui lớn nhất cho mỗi người tín hữu là đáp lời cho tiếng gọi đó, dâng hiến trọn vẹn con người mình để phục vụ Thiên Chúa và anh chị em.

Thưa anh chị em, trước tiếng gọi của Chúa đến với chúng ta theo hàng ngàn cách khác nhau – qua người khác, qua những biến cố hạnh phúc hoặc đau buồn – thái độ của chúng ta đôi lúc có thể là khước từ. Không … “tôi sợ”... Khước từ vì nó có thể đi ngược lại với những khát vọng của chúng ta; và thậm chí là sợ hãi vì chúng ta tin rằng nó quá khó khăn và không chút thoải mái: “Ôi không, tôi sẽ không thể làm được điều đó, tốt hơn là không, một đời sống bình lặng hơn thì sẽ tốt hơn … Chúa ở đó, còn tôi thì ở đây.” Nhưng tiếng gọi của Chúa luôn luôn là yêu thương: chúng ta hãy cố gắng khám phá tình yêu sau mỗi tiếng gọi, và phải đáp lại bằng tình yêu. Đây là ngôn ngữ: sự đáp lời cho một tiếng gọi xuất phát từ tình yêu chỉ là tình yêu. Khởi đầu là một cuộc gặp gỡ, hay đúng hơn, là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu là Đấng nói với chúng ta về Cha của Ngài, Ngài làm cho chúng ta biết về tình yêu của Ngài. Và rồi ước muốn tự nó sẽ trỗi lên ngay trong chúng ta muốn thông truyền nó cho mọi người chúng ta yêu: “Tôi đã gặp được Tình yêu,” “Tôi đã gặp Đấng Mêxia,” “Tôi đã gặp Chúa Giêsu,” “Tôi đã tìm được ý nghĩa cuộc sống của tôi.” Nói tóm lại là: “Tôi đã tìm thấy Chúa.”

Xin Đức Trinh nữ Maria biến cuộc đời chúng ta thành một bài ca ngợi khen Thiên Chúa để đáp lại tiếng gọi của Người và hoàn thành ý muốn của Người một cách hân hoan và khiêm nhường.

Nhưng chúng ta hãy nhớ điều này: có một thời khắc cho mỗi chúng ta trong cuộc sống mình, trong đó Thiên Chúa hiện diện mạnh mẽ hơn, với một tiếng gọi. Chúng ta hãy ghi nhớ điều đó. Chúng ta hãy trở lại thời khắc đó để ký ức của thời khắc đó luôn làm mới chúng ta trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu.

____________________________________________________

Sau Kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến,

Cha xin bày tỏ sự gần gũi với người dân trên đảo Sulawesi của Indonesia, đã bị trận động đất mạnh ập đến. Cha cầu nguyện cho những người đã chết, cho những người bị thương, và cho tất cả những người bị mất nhà cửa và việc làm. Xin Chúa an ủi và nâng đỡ những cố gắng của tất cả những người đang tham gia vào việc cứu trợ. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các anh chị em của chúng ta ở Sulawesi, và cho các nạn nhân của vụ tai nạn máy bay cũng xảy ra ở Indonesia vào thứ Bảy tuần trước. (Kính mừng Maria…)

Hôm nay, Ngày đào sâu và phát triển sự đối thoại giữa người Công giáo và người Do Thái đang được tổ chức tại Ý. Tôi rất vui vì sáng kiến này đã diễn ra hơn ba mươi năm, và tôi hy vọng rằng nó có thể mang lại những hoa trái dồi dào của tình huynh đệ và sự cộng tác.

Ngày mai là một ngày quan trọng: Tuần lễ Cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất bắt đầu. Năm nay, chủ đề nhắc đến lời dạy của Chúa Giêsu: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy, thì anh em sẽ sinh nhiều hoa trái”. Và Thứ Hai, ngày 25 tháng Một, chúng ta sẽ bế mạc bằng sự cử hành Giờ Kinh chiều trong Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô Ngoại thành, cùng với đại diện của các Giáo hội và cộng đồng Kitô giáo khác có mặt tại Roma. Trong những ngày này, chúng ta hãy cùng cầu nguyện để ước muốn của Chúa Giêsu được thực hiện – để tất cả có thể nên một: sự hiệp nhất, điều đó luôn vượt trên sự xung đột.

Cha gửi lời chào thân ái đến tất cả anh chị em đang kết nối qua các phương tiện truyền thông xã hội. Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/1/2021]


Vị giám mục Việt nam: chương trình bác ái cho Tết Âm lịch

Vị giám mục Việt nam: chương trình bác ái cho Tết Âm lịch

Vị giám mục Việt nam: chương trình bác ái cho Tết  m lịch

/ Credit: Credit: Saigoneer / Shutterstock.

CNA Staff

CNA Staff, 10 tháng Một, 2021 / 03:22 am MT (CNA). - Được truyền cảm hứng từ thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Hòa bình Thế giới, một vị giám mục Việt Nam khuyến khích người Công giáo thiết lập chương trình hành động để phục vụ những người thiếu thốn trong dịp Tết Nguyên đán.

Đức Giám mục Stêphanô Tri Bửu Thiên của Cần Thơ, một giáo phận ở miền nam Việt Nam, kêu gọi giáo dân cầu nguyện và cứu trợ nhân đạo cho những người túng thiếu.

Theo UCA News, đức giám mục cho biết nhiều người Công giáo địa phương đang gặp khó khăn về tài chính do đại dịch. Ngài kêu gọi giáo dân, ngay cả những người đã bị ảnh hưởng bởi COVID-19, hãy noi gương Người Samari Nhân hậu và hỗ trợ cho những người hàng xóm túng thiếu của họ.

Đức Cha Thiên là người đứng đầu thừa tác vụ đối thoại liên tôn trong nước. Ngài yêu cầu các linh mục và tu sĩ địa phương xây dựng các chương trình giảng dạy để giúp giáo dân thực hiện “văn hóa chăm sóc” trong cuộc sống hàng ngày của họ. Ngài gợi ý, những chương trình như vậy nhằm dạy cho các cá nhân biết ổn định về tài chính và có trách nhiệm với hạnh phúc của gia đình họ. Ngài yêu cầu các linh mục ghi chép lại và báo cáo cho ngài kết quả của những cố gắng của họ sau Tết Nguyên đán.

Lễ hội này được gọi là Tết Nguyên Đán, tiếng Hán Việt nghĩa là “Lễ của ngày đầu năm”.

Diễn ra từ ngày 10 đến ngày 16 tháng Hai, lễ hội kéo dài 8 ngày là một ngày lễ lớn của nhiều quốc gia Châu Á. Lễ mừng được chia thành ba phần: Tất niên là “Bữa tối đoàn viên” trước Giao thừa; Giao thừa; và Tân Niên là Năm Mới. Ngày lễ dựa theo lịch âm dương và mừng sự khởi đầu của mùa xuân.

Đức Cha Thiên cho biết ngài được truyền cảm hứng từ huấn từ Ngày Hòa bình Thế giới ngày 17 tháng Mười Hai của Đức Thánh Cha Phanxicô. Đức Cha nhắc lại tầm quan trọng của thông điệp của đức giáo hoàng và nhấn mạnh đến giá trị của việc xây dựng một xã hội huynh đệ và chống lại văn hóa lãng phí.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong huấn từ: “Văn hóa quan tâm kêu gọi một cam kết chung, hỗ trợ và hội nhập để bảo vệ và thăng tiến phẩm giá và ích lợi của tất cả mọi người, sẵn sàng thể hiện sự quan tâm và lòng trắc ẩn, để hòa giải và chữa lành, và để nâng cao sự tôn trọng và chấp nhận lẫn nhau. Như vậy, nó đại diện cho một con đường đặc thù dẫn đến hòa bình.”

Đức Giám mục Thiên cũng khuyến khích giáo dân Công giáo hạn chế tối đa các hội hè đình đám năm nay để có thể giúp đỡ những người túng thiếu hơn. Ngài nói, thay vì tổ chức những bữa tiệc phung phí, giáo dân có thể cân nhắc đến việc tặng số tiền dành cho các lễ hội như vậy cho một mục đích từ thiện, chẳng hạn như mục vụ tang lễ.

Các thành viên của giáo phận đã bắt đầu thực hiện những sáng kiến tương tự. Ngày 3 tháng Một, các giáo xứ ở tỉnh Hậu Giang và Cà Mau đã khai trương những cửa hàng cho các gia đình nghèo được giảm giá thực phẩm, quần áo và các nhu yếu phẩm khác. Tại đó, người thụ hưởng còn được cung cấp một bữa ăn và cắt tóc miễn phí.

Trong huấn từ Ngày Hòa bình Thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết người Công giáo đã chu cấp cho các chi thể của Thân thể Chúa Kitô từ những ngày đầu của Kitô giáo. Ngài nói người Kitô hữu thường quyên góp cho người nghèo và chăm sóc người chết cũng như hỗ trợ trẻ mồ côi, người già và nạn nhân của thảm họa.

Đức Giáo hoàng cho biết những công việc bác ái như vậy sẽ tiếp tục xây dựng một nền văn hóa sự sống và thúc đẩy hòa bình và thiện chí. Ngài khuyến khích mọi người sử dụng những việc làm của lòng thương xót này như một chiếc la bàn.

Ngài nói, “[Những người Kitô hữu tiên khởi] đã cố gắng biến cộng đoàn thành một ngôi nhà chào đón, quan tâm đến mọi nhu cầu của con người và sẵn sàng chăm sóc cho những người thiếu thốn nhất.”

“Điều này giúp chúng ta biết tôn trọng giá trị và phẩm giá của mỗi người, để cùng nhau hoạt động trong tình liên đới vì ích chung, và để xoa dịu những người đau khổ vì túng thiếu, bệnh tật, tình trạng nô lệ, những cuộc xung đột vũ trang, và phân biệt đối xử.”



[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/1/2021]