Thứ Hai, 12 tháng 12, 2016

Đức Hồng y Turkson đọc diễn văn tại hội nghị Vatican về những bài học từ cuộc khủng hoảng dịch Ebola

Đức Hồng y Turkson đọc diễn văn tại hội nghị Vatican về những bài học từ cuộc khủng hoảng dịch Ebola

Pope Francis with Cardinal Peter Turkson, President of the Pontifical Council for Justice and Peace - AFP
Đức Giáo Hoàng Phanxico và Đức Hồng y Phê-rô Turkson, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình - AFP
09/12/2016 13:57
(Vatican Radio) Đức Hồng y Phê-rô Turkson có bài diễn văn khai mạc tại một hội nghị đánh giá sự phản ứng của Toà Thánh trước sự bùng nổ Ebola ở Tây Phi có thể góp phần kinh nghiệm vào những trận dịch lớn về sức khỏe khác như Zika.
Hội nghị hai ngày ở Roma được tổ chức bởi Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình và Caritas Quốc tế, liên kết với Đại sứ quán Hoa kỳ tại Tòa Thánh.
“Qua những bài học được chia sẻ với những tổ chức và đối tác quốc tế, hội nghị tìm cách củng cố những cơ cấu và nhân sự của giáo hội tại các quốc gia bị ảnh hưởng bởi những tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cũng như làm giảm bớt các tác động của những đại dịch trong tương lai cho những gia đình và cộng đồng bị ảnh hưởng,” theo một thông cáo báo chí xuất bản từ Đại sứ quán Hoa kỳ gửi Tòa Thánh.
Đức Hồng y Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình, nói rằng ngài được Đức Thánh Cha Phanxico chỉ định làm giám sát sự phản ứng của Giáo hội trước cơn khủng hoảng khi đại dịch Ebola đang ở đỉnh điểm, cùng hợp tác với các Sứ thần Tòa Thánh và các tổ chức Công giáo Quốc tế.
“Mục tiêu chính của sáng kiến là chúng tôi tìm cách củng cố những cơ cấu và nhân sự về y tế, xã hội, giáo dục và mục vụ của giáo hội trong những quốc gia bị ảnh hưởng. Chủ đích làm sao ngay lập tức giảm bớt những tác động bi thương của đại dịch cho các gia đình và các cộng đồng. Sau đó, hướng đến tương lai, nhằm giảm thiểu tác động trong cơn bùng nổ khác của dịch Ebola,” ngài nói.

Dưới đây là toàn văn của diễn văn của Đức Hồng y Turkson:
Những bài học rút ra từ Hội nghị Đánh giá
Sáng kiến của Tòa Thánh về sự phản ứng trước Sự bùng nổ của Căn bệnh virus Ebola trong vùng Tây Phi và Kế hoạch Chiến lược cho Sự Phản ứng của Giáo hội Công giáo trước Đại dịch Zika
Khách sạn il Cantico – Roma, 9-10 tháng 12, 2016
Hồng y Phê-rô Peter K.A. Turkson
Chủ tịch, Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình
Kính thưa quý vị, thành viên của Giáo triều Roma và của các Ngoại giao đoàn, Thưa các Vị Giám mục đại diện Giáo hội Anh giáo, các Chuyên gia và Nhân viên của các cơ quan sức khỏe cộng đồng của chính phủ và quốc tế, thưa anh chị em trong Chúa Giê-su Ki-tô,
Tôi rất hân hạnh được chào đón quý vị tại Hội nghị quan trọng này với hai mục tiêu liên quan. Trước hết chúng ta sẽ xem lại những bài học rút ra từ sự phản ứng của Tòa Thánh trước cơn bùng nổ Ebola, thể theo lời yêu cầu đặc biệt của Đức Thánh Cha Phanxico, và của Giáo hội Công giáo, cả trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Guinea, Liberia, và Sierra Leone, và trên toàn thế giới. Nhờ sự hiện diện của những người anh em đại kết của chúng tôi, hai đức giám mục của Giáo hội Anh giáo, chúng ta cũng có thể chia sẻ những kinh nghiệm của những cộng đoàn Ki-tô khác trước những thách thức của đại dịch Ebola. Thứ hai, chúng ta sẽ cố gắng rút ra những ích lợi từ các bài học này để chúng ta trù hoạch cho những phản ứng tôn giáo hiệu quả hơn và toàn diện hơn trước những cuộc khủng hoảng nhân đạo liên quan đến sức khỏe mà chắc chắn chúng ta sẽ phải đối phó trong tương lai. Cuộc khủng hoảng đầu tiên trong số này đe dọa sức khỏe cộng đồng của virus Zika đang lớn dần.
Trong khi các chính phủ và các tổ chức liên chính phủ đã gắng sức để đưa ra sự phản ứng liên kết trước sự bùng nổ của căn bệnh virus Ebola ở Guinea, Liberia, và Sierra Leone, thì Giáo hội Công giáo và nhiều tổ chức Công giáo đã phản ứng ngay lập tức và rất hiệu quả trước cơn khủng hoảng này ở mức độ quốc tế, quốc gia, và địa phương hoặc cộng đồng. Sự phản ứng này được thực hiện bằng cách:
- duy trì và tăng cường những dịch vụ được cung cấp qua những chương trình Công giáo chăm sóc sức khỏe ở những nơi bị ảnh hưởng;
- bảo đảm Thiết bị Bảo vệ Cá nhân (PPE), dược phẩm, và quỹ  chi trả khích lệ cho nhân viên, từ những nhà hảo tâm của Giáo hội quốc tế;
- làm lắng dịu sự hoảng loạn và dấu hiệu bệnh của những người đã bị nhiễm bệnh và của gia đình họ, cũng như những người thoát khỏi căn bệnh;
- cung cấp sự hỗ trợ về vật chất, tâm lý xã hội và mục vụ cho những người không đủ khả năng tự cung cấp nhu cầu sinh sống hàng ngày của họ (đặc biệt, những người trong thời gian cách ly 21 ngày);
- Hỗ trợ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sửa lại “Những hướng dẫn về An táng An toàn và Tôn trọng Phẩm giá”.
Khi Đức Thánh Cha Phanxico trao phó cho tôi trách nhiệm lên kế hoạch và thi hành một sáng kiến đặc biệt của Tòa Thánh để giải quyết cuộc khủng hoảng sức khỏe này, tôi làm việc với sự cố vấn gần gũi của các thành viên các Sứ thần Tòa Thánh trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng và với các tổ chức Công giáo có sự gắn kết rất chặt chẽ. Mục tiêu chính của sáng kiến là chúng tôi tìm cách củng cố những cơ cấu và nhân sự về y tế, xã hội, giáo dục và mục vụ của giáo hội trong những quốc gia bị ảnh hưởng. Chủ đích làm sao ngay lập tức giảm bớt những tác động bi thương của đại dịch cho các gia đình và các cộng đồng. Sau đó, hướng đến tương lai, nhằm giảm thiểu tác động trong cơn bùng nổ khác của dịch Ebola.
Về vấn đề chăm sóc sức khỏe, chúng tôi quyết định dành ưu tiên hỗ trợ cho sức khỏe toàn diện. Trong khi các chính phủ, những cơ quan liên chính phủ, và các cơ quan cứu trợ quốc tế đặc biệt hỗ trợ cho liệu pháp điều trị Ebola trong những quốc gia bị ảnh hưởng, những khu chăm sóc sức khỏe của Giáo hội tiếp tục giải quyết những nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân nói chung. Việc cấp quỹ này hỗ trợ cho các biện pháp dưới đây để nâng cao chất lượng và tính an toàn cho việc chăm sóc sức khỏe, cũng như ngăn chặn sự truyền nhiễm Ebola giữa các nhân viên và các bệnh nhân khác:
- mua các thiết bị bảo vệ, dược phẩm, và phương tiện chuyên chở bệnh nhân;
- xây dựng những thay đổi để bảo đảm những điều kiện vệ sinh trong các khu chăm sóc;
- cam kết tăng cường thêm nhân sự và trả lương phụ trội cho những nhân viên làm việc trong các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao.
Về vấn đề phản ứng của cộng đồng, ngay lập tức chúng tôi thấy vai trò chính của các giáo xứ địa phương. Các giáo xứ là một tổ chức đáng tin cậy nhất trong các cộng đồng địa phương – một nơi mà thông tin trực tiếp, trung thực và đáng tin có thể được chuyển đến cho giáo dân. Việc cấp quỹ được cung cấp để:
- huấn luyện giáo dân và cư dân của các cộng đồng địa phương về những thay đổi thói quen để chặn đứng sự lây lan Ebola;
- cung cấp thực phẩm và bộ dụng cụ vệ sinh cho các gia đình;
- hỗ trợ các gia đình đang trong quá trình theo dõi khả năng truyền nhiễm Ebola tiếp cận được với dinh dưỡng phù hợp và những nhu cầu quan trọng khác;
- hỗ trợ những trẻ mồ côi và những trẻ em khác và những gia đình có nhu cầu đặc biệt.
Ngoài ra, vì các giáo viên và học sinh trường Công giáo có thể giúp ngăn ngừa sự lây lan thêm của virus, việc cấp quỹ cũng hỗ trợ để mở cửa lại những trường học Công giáo.
Về vấn đề Mục vụ, Giáo hội có khả năng vô song và có nhiệm vụ để đáp ứng những nhu cầu về thể lý, cảm xúc, và tinh thần của những người đang bị bệnh và đau khổ. Một số người trong Giáo hội có ơn kêu gọi để phục vụ như “những bác sĩ thể lý” nhưng có những người khác nhận được ơn gọi phục vụ như “những bác sĩ của linh hồn.”
Việc cấp quỹ hỗ trợ cho các giáo phận, giáo xứ, hội đoàn tôn giáo, và các tổ chức Công giáo địa phương để:
- huấn luyện hàng giáo phẩm, tu sĩ, và các ban hành giáo để phục vụ những nhu cầu mục vụ và tinh thần cho những người bị nhiễm Ebola và các thành viên gia đình của họ trong các cộng đoàn địa phương. Tại những nơi có các quy định về sức khỏe cộng đồng không cho phép các thừa tác viên tôn giáo tiếp xúc trực tiếp với các bệnh nhân Ebola, chúng tôi khuyến khích họ tiếp xúc với những người đó ở một khoảng cách an toàn và tạo ra sự gần gũi về tinh thần theo nhiều cách để mang lại cho họ và các thành viên trong gia đình sự an ủi và hy vọng.
- việc huấn luyện cũng giúp cho các linh mục và những người chăm sóc mục vụ khác qua việc xây dựng những kỹ năng thử thách sức chịu đựng và sự hắt hủi, và hướng dẫn giáo dân của họ về những giáo huấn tôn giáo căn bản liên quan đến vấn đề này.
Với chương trình trải rộng này, chúng tôi cần những gợi ý để thực hành. Những thỉnh cầu sự gợi ý được gửi tới các thành viên trong hàng giáo phẩm và các Sứ Thần trong những quốc gia bị lây nhiễm; tới bề trên các dòng tu địa phương và quốc tế; và tới giới lãnh đạo địa phương và quốc tế của các tổ chức Công giáo gắn kết tích cực trong việc phản ứng lại với dịch Ebola trong những quốc gia đó. Để hỗ trợ việc chọn lựa những đề xuất phù hợp, tôi chỉ định một Ủy ban Xét duyệt nhỏ gồm có: Đức ông Robert J. Vitillo thuộc Caritas Quốc tế; Soeur Barbara Brillant, FMM, Điều phối viên của Hội đồng Sức khỏe Công giáo Quốc gia Liberia; Cha Aris Miranda, MI, Tổng Ủy viên Hội đồng và Điều phối viên của Nhóm Phản ứng nhanh của Roma; Tu hunh Pascal Ahodegnon, OH, Tổng Ủy viên Hội đồng, Dòng Các thầy Thánh Gioan Thiên Chúa, Roma.
Để thực thi được sáng kiến này, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ quảng đại của Đức Thánh Cha Phanxico; của Hội Phục vụ Cứu trợ Công giáo (Catholic Relief Services) và Hiệp hội Sức khỏe Công giáo Hoa kỳ, của Dòng Nữ tu Tôn kính Thánh giá và Quỹ Raskob. Ngoài ra, FADICA (Các quỹ và các nhà tài trợ quan tâm đến các Hoạt động Công giáo) đưa ra những dự án riêng với sự cố vấn chặt chẽ của Tòa Thánh. Tính toàn bộ, chúng tôi đã ủng hộ 5 dự án ở Guinea, 7 dự án ở  Sierra Leone, và 10 dự án ở Liberia.
Khi tập trung chủ yếu vào sáng kiến của Tòa Thánh, tôi chân thành tri ân sự gắn kết quảng đại và chuyên nghiệp của Caritas Quốc tế. Nhờ vào sự thỉnh cầu khẩn cấp tới các thành viên Caritas trên toàn thế giới, việc cấp ngân quỹ đến từ các thành viên Caritas của Hội Phục vụ Cứu trợ Công giáo (Catholic Relief Services, Caritas Đức, Secours Catholique – Caritas Pháp, Caritas Ý, CAFOD của Anh và Wales, và Cordaid của Hà lan. Các nhà tài trợ và nhà cung cấp những hỗ trợ kỹ thuật Công giáo khác gồm Misereor – Đức, Medical Mission Institute – Đức, CUAMM của Ý (Các bác sĩ cho Châu Phi), Doctors for Africa), và Sovereign Order of Malta. Sự phục vụ quảng đại quên mình từ các dòng tu Công giáo như Các Thầy Thánh Gioan Thiên Chúa, Dòng Truyền giáo Phanxico, Dòng Các Nữ tu Consolata, và Dòng Thánh Ca-mê-lô, và nhiều Dòng khác.
Tháng 12, 2014, được Đức ông Vitillo tháp tùng, tôi vinh dự được đến thăm những cộng đoàn giáo hội địa phương ở Liberia và Sierra Leone, là những nơi tôi chuyển tiếp sự quan tâm và tình hiệp nhất của Đức Thánh Cha. Bất kỳ tôi đến chỗ nào, tôi đều chia sẻ với người Công giáo và những anh chị em khác lời của Đức Thánh Cha: “Đứng trước cơn đại dịch Ebola ngày càng xấu đi, tôi xin bày tỏ sự quan tâm sâu sắc về căn bệnh dai dẳng này đang lan tràn trên lục địa Châu Phi, đặc biệt giữa các nhóm người chịu nhiều thua thiệt. Tôi xin bày tỏ sự gần gũi trong tình yêu thương và lời cầu nguyện với những người đang chịu tác động, cũng như các bác sĩ, y tá, những người thiện nguyện, những hội đoàn và hiệp hội tôn giáo, những người đang làm việc một cách anh dũng để giúp những anh chị em đau ốm của chúng ta. Tôi xin lặp lại lời thỉnh cầu của tôi đến Cộng đồng Quốc tế đưa ra mọi nỗ lực cần thiết để làm suy yếu con virus này, làm giảm bớt một cách hiệu quả những sự khó khăn và nỗi đau của tất cả những người đã cố gắng thật nhiều. Tôi mời gọi anh chị em cầu nguyện cho họ và cho những người đã bị mất mạng sống.” [1]
Tôi thực sự ấn tượng và được khơi gợi niềm vui bởi đức tin của những người trong các khu vực tôi đến thăm – đời sống đức tin của họ trở nên mạnh mẽ hơn, bất chấp và vượt qua nghịch cảnh họ đang đối mặt. Khi tôi đến gặp Tổng thống Liberia, Bà Ellen Sirleaf Johnson, bà khẳng định tác động kinh hoàng của đại dịch. Việc đóng cửa các doanh nghiệp và những việc làm khác đã tạo nên sự tàn phá nặng nề vào một nền kinh tế vốn đã yếu ớt. Vì vậy, những cái giá phải trả của xã hội là rất nghiêm trọng; chẳng hạn, các trường học bị đóng cửa một thời gian dài, người ta tìm thấy tỷ lệ mang thai ở thiếu niên gia tăng; khi giới trẻ lang thang trên các đường phố không việc làm, các tội phạm lặt vặt cũng tăng lên. Thêm nữa, những trẻ mồ côi bị nhiễm Ebola thường đối mặt với sự chối bỏ trong cộng đồng địa phương và từ các gia đình họ hàng của các em, ngay cả sau khi các em đã được xác nhận “không nhiễm Ebola.”
Tại nhiều điểm dừng trong suốt chuyến thăm của chúng tôi, khi chúng tôi tập trung cầu nguyện, người ta bày tỏ nỗi đau bi thương của sự chịu đựng và mất mát. Họ cũng tuyên xưng niềm hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ đem đến cho họ sự chữa lành về thể xác, tình cảm và trên hết là chữa lành tinh thần, cho những người thân yêu của họ và cộng đồng của họ. Qua ánh sáng của đức tin và hy vọng, họ đã hình dung ra được thời gian khi cơn đại dịch qua đi – một cái nhìn chưa được chia sẻ bởi nhiều người có thẩm quyền về sức khỏe cộng đồng. Thiên Chúa lắng nghe và đã đáp lời cho những lời cầu nguyện đó. Do đó, bây giờ chúng ta có thể tập trung hai ngày ở đây để chia sẻ những gì chúng ta đã học được. Chúng ta có thể làm vững mạnh những quyết tâm và cách thực hành tốt đẹp để làm giảm bớt tác động của những đợt bùng phát Ebola trong tương lai và những căn bệnh truyền nhiễm đe dọa mạng sống khác. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành và đồng hành cùng chúng ta trong những nỗ lực kịp thời này.
[1] Đức Thánh Cha Phanxico trong buổi Tiếp kiến chung ngày 29 tháng 10, 2014

[Nguồn: radiovaticana]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 11/12/2016]


Phỏng vấn của Đức Thánh Cha với Tuần báo ‘Tertio’ của Bỉ

Phỏng vấn của Đức Thánh Cha với Tuần báo ‘Tertio’ của Bỉ

Phần 2

‘Tôi tin là truyền thông phải rất sạch, rất sạch và rất trong sáng. Và không được rơi vào – làm ơn, không có ý xúc phạm – rơi vào căn bệnh ‘buôn chuyện xấu’: luôn tìm cách để lan truyền những vụ bê bối, lan truyền những điều xấu xa, cho dù nó có thật như vậy đi nữa. Và vì người ta có khuynh hướng ‘thích nghe chuyện xấu,’ mọi điều xấu có thể xảy ra nhiều hơn.’
8 tháng 12, 2016
Phỏng vấn của Đức Thánh Cha với Tuần báo ‘Tertio’ của Bỉ
WIKIMEDIA COMMONS - Jeffrey Bruno
Dưới đây là bản dịch của ZENIT buổi phỏng vấn gần đây nhất của Đức Thánh Cha Phanxico cho tờ tuần báo “Tertio” của Bỉ. Buổi phỏng vấn được thực hiện nhân dịp kết thúc Năm Thánh Đặc Biệt Lòng Thương xót, và được đăng hôm qua:
***

H: Chúng ta đang kết thúc Năm Thương xót. Đức Thánh Cha có thể nói cha đã trải qua một năm như thế nào và cha mong chờ gì khi năm kết thúc?
– ĐTC: Năm Thương xót không phải là một ý tưởng tôi chợt nghĩ ra. Nó đã có từ thời Chân Phước Phaolo VI. Ngài Phaolo VI đã bắt đầu một vài bước để tái khám phá lòng thương xót của Thiên Chúa. Sau đó là Thánh Gioan Phaolo II đã kiện toàn thành ba sự kiện: Tông huấn Dives in Misericordia, tuyên phong hiển thánh Thánh Faustina, và Lễ Lòng Chúa Thương xót trong Tuần Bát Nhật Phục sinh, và ngài qua đời ngay đêm vọng của Lễ này.
Và như vậy ngài đã đặt Giáo hội vào hành trình đó. Và tôi cảm nhận đây là điều Thiên Chúa muốn. Nó là, nó là … tôi không biết là ý tưởng đã được hình thành trong đầu tôi thế nào, nhưng vào một ngày tốt lành tôi có nói chuyện với Đức ông Fisichella, ngài đến gặp tôi vì những vấn đề trong Bộ của ngài. Tôi mới nói với ngài: “Tôi muốn tổ chức một Năm thánh quá, một Năm Thánh Lòng Thương xót.” Và Đức ông nói với tôi: “Tại sao lại không chứ?” Và thế là Năm Thánh Lòng Thương xót được bắt đầu. Nó có sự chắc chắn rằng đấy không phải là một ý tưởng của loài người nhưng nó đến từ trên cao. Tôi tin rằng Thiên Chúa đã khơi gợi cảm hứng cho nó. Và rõ ràng, nó đã có được nhiều kết quả tốt lành. Về mặt khác, sự thật là Năm Thánh không chỉ diễn ra ở Roma nhưng trên toàn thế giới, ở tất cả mọi giáo phận và hoạt động trong từng giáo phận. Nó hoạt động và người ta được thúc đẩy rất nhiều. Họ được thúc đẩy rất nhiều và cảm nhận được tiếng gọi để hòa giải với Thiên Chúa, để gặp gỡ lại với Thiên Chúa, để cảm nhận được sự chăm sóc của Thiên Chúa.
H: Nhà thần học người Đức Dietrich Bonhoeffer đưa ra sự phân biệt giữa ân sủng đắt và rẻ. Đối với Đức Thánh Cha ân sủng đắt hay rẻ có ý nghĩa thế nào?
– ĐTC: Lòng thương xót rất quý báu và rẻ. Tôi không biết văn bản của Bonhoeffer nói gì, tôi không biết ông lý giải thế nào. Nhưng … nhưng nó rẻ vì người ta chẳng phải trả một đồng xu nào cho nó; những ơn đại xá không được mua và bán; đó là một ân tứ tinh tuyền, một ân tứ tinh tuyền, và  nó quý báu vì đó là ân tứ quý giá nhất. Có một quyển sách được viết dưới dạng hỏi đáp với tôi có tiêu đề “Danh Thánh của Thiên Chúa là Lòng Thương xót,” và ân sủng đó rất quý báu vì đó là Danh Thánh Của Thiên Chúa: Thiên Chúa là Lòng thương xót.
Nó nhắc tôi nhớ đến vị linh mục kia tôi gặp ở Buenos Aires – ngài vẫn dâng lễ và làm việc ở tuổi 92! — lúc bắt đầu Thánh Lễ ngài luôn cho vài lời khuyên. Ngài còn mạnh sức lắm, ở tuổi 92; ngài giảng hay; mọi người đến nghe ngài giảng. “Làm ơn, tắt điện thoại giúp đi” … và Thánh Lễ lại tiếp tục và Hát lễ chuẩn bị được bắt đầu thì điện thoại lại reo. Ngài dừng lại và bảo: “Làm ơn, tắt ngay cái điện thoại đi.” Và người phụ lễ đứng bên cạnh ngài nói: “Cha à, của cha đấy.” Và rồi ngài lấy điện thoại ra và: “Alô” (Họ cười).
– H: Với chúng con dường như cha đang thể hiện Vatican II trong thời đại hôm nay. Cha đang chỉ ra những con đường canh tân trong Giáo hội. Giáo hội Thượng Hội Đồng … Trong Thượng Hội Đồng cha giải thích tầm nhìn của cha về Giáo hội trong tương lai. Cha có thể giải thích nó cho độc giả của chúng con được không?
– ĐTC: “Giáo hội Thượng Hội đồng,” – Tôi thích cụm từ này. Giáo hội sinh ra từ những cộng đoàn, Giáo hội được sinh ra từ những người dân của cộng đoàn, Giáo hội được sinh ra từ Phép Thánh Tẩy và được tổ chức sắp xếp xung quanh một Đức Giám mục, Người tập hợp Giáo hội lại, cho nó sức mạnh – vị Giám mục, là đấng Kế nhiệm các thánh Tông đồ. Đây là Giáo hội. Tuy nhiên, có rất nhiều Giám mục trên toàn thế giới, rất nhiều Giáo hội có tổ chức rõ ràng, và như vậy phải có Phê-rô. Rồi, có Giáo hội theo hình chóp, là Giáo hội thực hiện những điều Phê-rô nói, và với Giáo hội Thượng Hội đồng, ở đây Phê-rô là Phê-rô, nhưng ngài đồng hành cùng Giáo hội và làm cho giáo hội lớn lên, ngài lắng nghe Giáo hội; còn hơn thế nữa, ngài học từ Giáo hội và cùng bước đi hài hòa, nhận thức rõ những gì đến từ các Giáo hội, và ngài trao trả lại. Kinh nghiệm phong phú nhất của việc này là hai Thượng Hội đồng mới đây. Với sự chuẩn bị, tất cả các Giám mục trên thế giới đều được lắng nghe ở đó – mọi Giáo hội trên thế giới: các giáo phận hoạt động. Tất cả các tài liệu đều được gửi đến. Rồi nó được trả lại. Và nó quay trở lại với Thượng Hội đồng thứ hai để được hoàn tất. Từ đó Amoris Laetitia được phát hành. Sự phong phú của những sắc thái khác nhau rất đáng tìm hiểu. Nó phù hợp cho Giáo hội. Nó là sự hiệp nhất trong những khác biệt. Đó là thượng hội đồng. Không phải chỉ đi từ trên xuống, nhưng là lắng nghe các Giáo hội, làm hài hòa, thấu hiểu. Rồi có Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng, đó là Amoris Laetitia, là kết quả của hai Thượng Hội đồng, tại đây toàn thể Giáo hội cùng làm việc, và tại đây Giáo hoàng đưa ra cái chung của ngài. Ngài giải thích nó theo một cách hài hòa. Nó rất đáng để biết: mọi điều có trong đó [trong Amoris Laetitia] đã được phê chuẩn trong Thượng Hội đồng bởi hơn hai phần ba các cha, và đây là một bảo đảm. Một Giáo hội Thượng Hội đồng có nghĩa là có một hoạt động từ trên xuống dưới, từ trên xuống dưới. Một điều tương tự cũng diễn ra tại các giáo phận. Tuy nhiên, có một công thức tiếng La-tinh nói rằng các Giáo hội luôn luôn là cum Petro e sub Petro (với Phê-rô và dưới Phê-rô). Phê-rô là người bảo đảm cho sự hiệp nhất của Giáo hội – người bảo đảm. Và đó là ý nghĩa. Và phải có một sự tiến bộ trong Thượng Hội đồng, đó là một trong những điều mà Giáo hội Chính Thống vẫn giữ, và cả các Giáo hội Công giáo Đông phương. Đó là một trong những sự phong phú của họ; tôi thừa nhận điều đó trong tông huấn.
– H: Đối với con dường như một đoạn của Thượng Hội đồng thứ hai đưa ra phương pháp “quan sát, đánh giá và hành động” để “lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành” là rất khác nhau. Đó là điều con thường nói với mọi người. Đoạn trong Thượng hội đồng đưa ra là “quan sát, đánh giá và hành động” là để lắng nghe thực tại của con người, để thấu hiểu thực tại đó thật tốt và đồng hành với con người trên hành trình của họ.
– ĐTC: Vì mỗi người nói những điều họ nghĩ trong đầu, không e sợ bị xét đoán. Và tất cả đều trong thái độ lắng nghe, không kết án. Sau đó các thảo luận được thực hiện trong nhóm như anh em. Tuy nhiên, một bên là như anh em còn bên kia là lên án một lối diễn giải. Có rất nhiều tự do trong cách trình bày, và đó là điều rất dễ thương.
– H: Cha đã đưa ra một sự thúc đẩy rất thú vị với giới trẻ ở Krakow. Cha có thông điệp đặc biệt nào cho giới trẻ ở đất nước của cha?
– ĐTC: Thông điệp là Đừng sợ hãi; đừng xấu hổ vì đức tin, đừng xấu hổ đi tìm những con đường mới. Có những bạn trẻ không phải là tín hữu: đừng lo; hãy đi tìm ý nghĩa cuộc sống. Tôi muốn đưa ra hai lời khuyên cho các bạn trẻ: “hãy đi tìm các chân trời mới” và “đừng về hưu khi 20 tuổi.” Thật buồn khi nhìn thấy các bạn trẻ về hưu lúc 20-25 tuổi. Hãy đi tìm những chân trời. Hãy tiến bước và tiếp tục hoạt động theo trách vụ này của con người.
– Q: Một câu hỏi cuối, thưa Đức Thánh Cha, xin ngài cho ý kiến về truyền thông.
– ĐTC: Truyền thông có một trách nhiệm rất lớn. Ngày nay trong tay của họ có thể và có khả năng hình thành những công luận. Họ có thể hình thành công luận tốt hoặc xấu. Truyền thông là những nhà xây dựng một xã hội. Họ có mặt để xây dựng, để thay đổi, để kết thân, để làm người ta phải suy nghĩ, để giáo dục. Chính bản thân truyền thông là rất tích cực. Dĩ nhiên, vì tất cả chúng ta đều là những tội nhân, nên truyền thông có thể vấp ngã — những ai trong chúng ta gắn bó với truyền thông, tôi ở đây đang sử dụng một phương tiện truyền thông — có thể gây hại. Và truyền thông có những cám dỗ của nó. Nó có thể bị cám dỗ đưa ra những vu khống (đã từng vu khống là làm con người vấy bẩn), đặc biệt trong thế giới chính trị: người ta dùng nó để phỉ báng (mỗi người đều có quyền có một danh tiếng tốt, có thể trong cuộc sống của họ trước đây, hoặc trong quá khứ của họ, hay 10 năm trước, ai đó có thể có những vấn đề về công bằng, hay vấn đề về gia đình … rồi, đưa nó ra trước ánh sáng của ngày hôm nay là rất đáng buồn, nó gây hại, một con người bị vùi dập). Vu khống là một lời nói dối trá về một con người. Phỉ báng là rút ra một hồ sơ nào đấy, như cách nói ở Argentina, nó nằm trên kệ và nó có thông tin thật về một điều gì đó, nhưng chuyện đó đã qua rồi. Và có thể tội đó đã phải trả bằng tù tội, bằng hình thức phạt nào đó, hay bất cứ thứ gì. Không có quyền làm như vậy. Đó là một tội và nó gây hại. Và một điều khác trong truyền thông có thể gây hại lớn là thông tin sai sự thật, cụ thể là, đứng trước một tình huống người ta chỉ nói một phía của sự thật mà không nói phía bên kia. Không được! Đó là thông tin sai sự thật, vì người ta cho khán giả truyền hình xem thấy chỉ một nửa sự thật. Vì vậy, người ta không thể đưa ra xét đoán nghiêm túc toàn bộ sự thật. Thông tin sai sự thật có lẽ là một sự phá hại lớn nhất mà truyền thông có thể làm được, vì nó định hướng công luận theo một lối nào đó, bỏ mất đi phần bên kia của sự thật. Tôi tin là truyền thông phải rất sạch, rất sạch và rất trong sáng. Và không được rơi vào – làm ơn, không có ý xúc phạm – rơi vào căn bệnh ‘buôn chuyện xấu’: luôn tìm để lan truyền những vụ bê bối, lan truyền những điều xấu xa, cho dù nó có thật như vậy đi nữa. Và vì người ta có khuynh hướng ‘thích nghe chuyện xấu,’ mọi điều xấu có thể xảy ra nhiều hơn. Vì vậy, tôi đưa ra bốn cám dỗ. Tuy nhiên, họ là những người xây dựng công luận và có thể khai trí, và mở rộng, mở rộng điều thiện.
– H: Để kết thúc, một lời dành cho các linh mục. Không phải là một diễn từ, vì con được yêu cầu phải kết thúc ở đây … Điều quan trọng nhất cho một linh mục là gì?
– ĐTC: Câu trả lời có hơi một chút của dòng Sa-lê-diêng. Nó xuất phát từ trong tim tôi. “Anh hãy nhớ rằng anh có một người Mẹ rất yêu anh. Đừng bao giờ giảm bớt tình yêu mến Mẹ Đồng Trinh. Thứ hai: Hãy để Chúa Giê-su ngắm nhìn anh. Thứ ba: Hãy tìm kiếm da thịt đau khổ của Chúa Giê-su nơi những anh em của anh. Anh sẽ gặp Giê-su ở đó — đó là điều căn bản. Mọi việc đều bắt đầu từ đó. Nếu anh là một linh mục mồ côi, anh quên rằng anh có một người Mẹ; nếu anh là một linh mục không gắn kết với Đấng đã gọi anh, đó là Giê-su, anh sẽ không bao giờ có thể hiểu được Tin mừng. Đâu là con đường? Lòng nhân hậu. Hãy trở nên nhân hậu. Các linh mục, đừng xấu hổ khi trở nên nhân hậu. Hãy âu yếm máu thánh khổ đau của Chúa Giê-su. Một cuộc cách mạng lòng nhân hậu là vô cùng cần thiết hôm nay trong thế giới này đang phải chịu đựng căn bệnh xơ cứng tim (cardio-sclerosis).
– H: Tim …?
– ĐTC: Xơ cứng tim.
[Văn bản gốc: tiếng Tây ban nha] [Bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT]

***
On the NET:
[‘Tertio:’ tertio]

[Nguồn:  zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 09/12/2016]