Thứ Hai, 4 tháng 9, 2017

Chăm sóc Tạo vật: Tôn trọng và trách nhiệm, những cụm từ chính của Đức Phanxico và Đức Bartholomew

Chăm sóc Tạo vật: Tôn trọng và trách nhiệm, những cụm từ chính của Đức Phanxico và Đức Bartholomew

Sứ điệp chung đầu tiên của Đức Thánh Cha và Đức Thượng Phụ Đại kết
1 tháng Chín, 2017
Chăm sóc Tạo vật: Tôn trọng và trách nhiệm, những cụm từ chính của Đức Phanxico và Đức Bartholomew
PHOTO.VA - OSSERVATORIO ROMANO
“Tôn trọng” và “trách nhiệm” là những cụm từ chính của Đức Thánh Cha Phanxico và Đức Thượng Phụ Bartholomew I trong sứ điệp chung đầu tiên của các ngài, nhân dịp Ngày Cầu nguyện cho Tạo vật, 1 tháng Chín, 2017.
Các ngài nói, “Chúng tôi tin rằng sẽ không có sự quyết tâm chân thành và dài lâu đối với thách đố về vấn đề khủng hoảng sinh thái và biến đổi khí hậu nếu không có câu trả lời cụ thể và toàn bộ, nếu trách nhiệm không được chia sẻ và không ai chịu trách nhiệm, nếu chúng ta không đặt ưu tiên cho sự đoàn kết và phục vụ.”
Hai ngài đưa ra lời thỉnh cầu chung: “Chúng tôi gửi lời thỉnh cầu khẩn thiết đến tất cả những người đang nắm giữ các vị trí về xã hội, kinh tế, cũng như chính trị và văn hóa, có trách nhiệm lắng nghe tiếng kêu của mẹ trái đất và chú tâm đến những nhu cầu của người bị gạt ra bên lề, nhưng trên hết là trả lời cho tiếng kêu cầu khẩn thiết của hàng triệu người và cùng đồng lòng trên khắp thế giới chữa lành cho tạo vật đang bị thương tổn của chúng ta.”
Dưới đây là văn bản được công bố hôm thứ Sáu, 1 tháng Chín, 2017 bởi Tòa Thánh và đồng thời bởi Phanar, lúc 8 giờ sáng, giờ Roma (7 giờ Isabanbul).

AB
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxico và Đức Thượng Phụ Bartholomew
Câu truyện của tạo vật trình bày cho chúng ta một cái nhìn toàn cảnh của thế giới. Thánh kinh tiết lộ rằng, “ngay từ ban đầu,” Thiên Chúa đã có ý định để nhân loại cộng tác trong việc duy trì và bảo vệ môi trường tự nhiên.
Trước hết, chúng ta đọc được trong Sáng Thế Ký, “chưa có bụi cây ngoài đồng nào trên mặt đất, chưa có đám cỏ ngoài đồng nào mọc lên, vì ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa chưa cho mưa xuống đất và không có người để canh tác đất đai” (2:5).
Trái đất được trao phó cho chúng ta như là một món quà và gia tài tuyệt vời, mà tất cả chúng ta đều cùng chia sẻ trách nhiệm cho đến khi, “tới hồi viên mãn,” muôn loài trong trời đất quy tụ dưới quyền Đức Ki-tô. (x. Eph 1:10).
Phẩm giá con người và sự thịnh vượng của chúng ta có mối liên kết chặt chẽ với việc chăm sóc toàn thể tạo vật của chúng ta. Tuy nhiên, “ngay lúc này đây,” lịch sử của thế giới trình bày một bối cảnh rất khác. Nó cho thấy một viễn cảnh sa sút về đạo đức trong đó thái độ và hành vi của chúng ta đối với tạo vật làm mất đi tiếng gọi của chúng ta trở thành những người cộng tác với Thiên Chúa.
Xu hướng của chúng ta muốn phá vỡ những hệ sinh thái cân bằng và mong manh, lòng khao khát vô độ của chúng ta muốn kiểm soát và điều khiển những nguồn tài nguyên có giới hạn của hành tinh, và lòng tham của chúng ta tìm lợi nhuận vô hạn của chúng ta trong các thị trường – tất cả những điều này đã làm cho chúng ta tránh xa với mục tiêu ban đầu của tạo vật.
Chúng ta không còn tôn trọng thiên nhiên như một món quà được chia sẻ cho mọi người; nhưng chúng ta lại xem nó như một sở hữu riêng. Chúng ta không còn cộng tác với thiên nhiên để duy trì nó; nhưng chúng ta làm chúa tể nó để phục vụ cho những công trình của riêng chúng ta. Những hậu quả của thế giới quan thay đổi này là bi kịch và kéo dài.
Môi trường con người và môi trường thiên nhiên đang xấu đi song song với nhau, và sự suy giảm của hành tinh đè nặng lên những người thấp kém nhất. Tác động của sự biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến trước hết và nhiều nhất đối với những người sống trong sự nghèo túng trên mọi miền của địa cầu.
Bổn phận của chúng ta sử dụng tài nguyên của trái đất một cách có trách nhiệm nghĩa là phải công nhận và tôn trọng mọi người và mọi sinh vật. Tiếng gọi khẩn thiết và nhiệm vụ khó khăn chăm sóc tạo vật là một lời mời gọi toàn thể nhân loại cùng hoạt động hướng đến sự phát triển bền vững và toàn diện.
Vì vậy, đoàn kết trong cùng một mối quan tâm về công trình tạo dựng của Thiên Chúa và công nhận trái đất là một nguồn lợi ích chung, chúng tôi tha thiết mời gọi tất cả những người thiện chí dành thời gian cầu nguyện cho môi trường vào ngày 1 tháng Chín.
Nhân dịp này, chúng tôi xin dâng lời tạ ơn lên Đấng Tạo Dựng đầy lòng yêu thương vì món quà cao quý là tạo vật và cam kết chăm sóc và bảo tồn vì ích lợi cho các thế hệ tương lai. Sau cùng, chúng ta biết rằng chúng ta sẽ lao động hoài công vô ích nếu không có Chúa ở bên (x. Tv 126-127), nếu việc cầu nguyện không là trung tâm của suy tư và dâng lễ của chúng ta.
Quả thật, mục tiêu sự cầu nguyện của chúng ta nhằm thay đổi cách chúng ta nhận thức về thế giới để thay đổi cách chúng ta liên hệ với thế giới. Mục đích của lời hứa của chúng ta là để can đảm mang lấy tính giản đơn và tình đoàn kết lớn hơn trong cuộc sống của chúng ta.
Chúng tôi gửi lời thỉnh cầu khẩn thiết đến tất cả những người đang nắm giữ các vị trí về xã hội, kinh tế, cũng như chính trị và văn hóa, có trách nhiệm lắng nghe tiếng kêu của mẹ trái đất và chú tâm đến những nhu cầu của người bị gạt ra bên lề, nhưng trên hết là trả lời cho tiếng kêu cầu khẩn thiết của hàng triệu người và cùng đồng lòng trên khắp thế giới chữa lành cho tạo vật đang bị thương tổn của chúng ta.
Chúng tôi tin rằng sẽ không có sự quyết tâm chân thành và dài lâu đối với thách đố về vấn đề khủng hoảng sinh thái và biến đổi khí hậu nếu không có câu trả lời cụ thể và toàn bộ, nếu trách nhiệm không được chia sẻ và không ai chịu trách nhiệm, nếu chúng ta không đặt ưu tiên cho sự đoàn kết và phục vụ.
Viết tại Vatican và tại Phanar, 1 tháng Chín 2017
Giáo hoàng Phanxico và Thượng Phụ Đại kết Bartholomew

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 01/09/2017]


Kinh Truyền Tin: “Chỉ có yêu thương đem lại ý nghĩa và hạnh phúc cho cuộc sống” (Bản dịch đầy đủ)

Kinh Truyền Tin: “Chỉ có yêu thương đem lại ý nghĩa và hạnh phúc cho cuộc sống” (Bản dịch đầy đủ)

“Nguyên tắc vàng” trong cuộc sống con người
3 tháng Chín, 2017
Kinh Truyền Tin: “Chỉ có yêu thương đem lại ý nghĩa và hạnh phúc cho cuộc sống” (Bản dịch đầy đủ)
“Chỉ có yêu thương đem lại ý nghĩa và hạnh phúc cho cuộc sống”: đây là nguyên tắc vàng” của cuộc sống con người, Đức Thánh Cha Phanxico nói trước buổi đọc Kinh Truyền Tin vào Chúa nhật tuần này 3 tháng Chín, 2017, trước khi đọc Kinh Truyền Tin giữa trưa với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.
Sau Kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha Phanxico bày tỏ “tình liên đới tinh thần” với những người dân vùng Nam Á, là những người vẫn đang chịu hậu quả của các trận lũ lụt, và những người chịu đựng cơn bão nhiệt đới Harvey ở Hoa kỳ, tại Texas và Louisiana.
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha bằng tiếng Ý.
* * *



Trước Kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Trích đoạn Tin mừng hôm nay (x. Mt 16:21-27) là đoạn tiếp nối của bài Tin mừng tuần trước làm nổi bật lên việc tuyên xưng niềm tin của Phê-rô, “đá tảng” mà trên đó Chúa Giê-su xây dựng Hội thánh của Người. Hôm nay lại hoàn toàn ngược lại, Mát-thêu cho chúng ta thấy thái độ phản ứng của cùng một Phê-rô khi Chúa Giê-su tiết lộ cho các tông đồ biết rằng Người sẽ phải chịu đau khổ ở Giê-ru-sa-lem, bị giết và được sống lại (x. c. 21). Phê-rô đưa Chúa Giê-su ra một bên và trách Người vì điều này – ông nói với Người – chuyện đó không thể xảy ra cho Người, cho Đức Ki-tô. Tuy nhiên, đến lượt mình Chúa Giê-su lại quở trách Phê-rô bằng những lời rất nặng nề: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người!” (c. 23). Mới ít phút trước đó thôi thì vị Tông đồ này được Chúa Cha ban phúc, vì ông nhận được từ Người sự mặc khải đó, ông là một “tảng đá” vững chắc trên đó Chúa Giê-su xây dựng cộng đoàn của Người, nhưng liền ngay sau đó, ông trở thành một sự cản trở, một tảng đá không phải để xây dựng nhưng là một tảng đá cản lối đi của Đấng Mê-xi-a. Chúa Giê-su biết rõ rằng Phê-rô và những môn đệ khác vẫn còn một đoạn đường dài để đi trước khi trở thành những Tông đồ của Ngài!
Đến đó, Thầy quay sang tất cả những người đi theo Người, trình bày rõ ràng cho các ông con đường để đi theo: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (c. 24). Cám dỗ luôn luôn, ngay cả hôm nay, là muốn đi theo một Đức Ki-tô không có thập giá, và còn chỉ cho Chúa con đường nào phải đi giống như Phê-rô: “Không, không lạy Chúa, không phải như vậy, chuyện đó sẽ không được xảy ra.” Tuy nhiên, Chúa Giê-su nhắc chúng ta rằng con đường của Ngài là con đường của yêu thương, và không thể có tình yêu thương thật sự nếu không có hy sinh. Chúng ta được kêu gọi không để mình bị mê mải trong tầm nhìn của trần gian này, nhưng phải luôn luôn ý thức được sự cần thiết và nỗ lực để chúng ta là những người Ki-tô hữu phải biết lội ngược dòng và ngược lên đỉnh đồi.
Chúa Giê-su làm trọn vẹn kế hoạch của Ngài bằng những lời nói mang sự khôn ngoan lớn lao vẫn mãi có giá trị, vì chúng thách thức tâm tính và hành vi ích kỷ. Ngài tuyên bố: “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (c. 25). Ẩn chứa trong tuyên bố ngược đời này là Nguyên tắc vàng mà Thiên Chúa đã khắc ghi vào trong bản tính tự nhiên của con người trong Đức Ki-tô: nguyên tắc rằng chỉ có yêu thương mới đem lại ý nghĩa và hạnh phúc cho sự sống. Một người dành hết tài năng, hết sức lực và hết thời gian của mình chỉ để dành dụm, bảo vệ và đáp ứng cho bản thân sẽ dẫn đến thực tế là đánh mất bản thân, nghĩa là, dẫn đến cuộc sống buồn bã và khô cằn. Nhưng ngược lại, nếu chúng ta sống cho Chúa và chúng ta sắp xếp cuộc sống của mình dựa trên tình yêu, như Chúa Giê-su đã làm, chúng ta sẽ có thể thưởng thức được niềm vui đích thực, và cuộc sống của chúng ta sẽ không trở nên khô cằn, nó sẽ đầy hoa trái.
Mỗi lần dâng Phép Thánh Thể là chúng ta sống lại mầu nhiệm của thập giá; chúng ta không chỉ nhớ lại nhưng chúng ta thực hiện việc tưởng niệm sự Hy sinh Chuộc tội, trong đó Con Thiên Chúa đã hoàn toàn hy sinh bản thân Người để rồi đón nhận lại chính Người từ Chúa Cha và từ đó tìm lại được chúng ta, là những người đã bị mất, cùng với tất cả mọi sinh vật. Mỗi khi chúng ta tham dự Thánh Lễ, tình yêu của Đức Ki-tô bị đóng đinh và sống lại được truyền tải đến chúng ta như thức ăn và thức uống, để chúng ta mỗi ngày có thể bước theo Người, trong sự phục vụ cụ thể anh em của chúng ta.
Nguyện xin Mẹ Maria Rất Thánh, Đấng đã theo Chúa Giê-su lên đồi Can-vê, đồng hành với chúng ta và giúp chúng ta không biết sợ hãi thập giá, nhưng cùng chịu đóng đinh với Chúa Giê-su; không phải là thập giá mà không có Chúa Giê-su, nhưng là một thập giá cùng với Chúa Giê-su, cụ thể là thập giá đau khổ vì tình yêu Thiên Chúa và anh em, vì sự đau khổ này, nhờ ơn sủng của Đức Ki-tô, là sự phục sinh vinh quang.
*
Sau Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến,
Một lần nữa tôi bày tỏ tinh thần hiệp thông với những người dân ở vùng Nam Á là những người vẫn đang gánh chịu những hậu quả của các cơn lũ, tôi cũng chân thành chia sẻ nỗi đau của những cư dân của Texas, và Louisiana, bị ảnh hưởng bởi trận bão và những cơn mưa ngoại thường, đã gây ra cho nhiều nạn nhân, hàng ngàn người đã phải di tản và thiệt hại vô vàn về vật chất. Tôi cầu xin Mẹ Rất Thánh, Đấng an ủi những người đau khổ, cầu bầu ơn sủng ủi an của Thiên Chúa cho những người anh em bị thử thách nặng nề của chúng ta.
Tôi xin chào tất cả anh chị em, những khách hành hương thân yêu từ Ý và nhiều quốc gia khác. Đặc biệt, những anh chị em hành hương từ các giáo xứ Sarmede, Anzano và Cappella Maggiore thuộc giáo phận Vittorio Veneto; các tín hữu của quần đảo Canary; ban nhạc Pontevico, những ứng viên thêm sức của Mariano al Brembo, của Padria và Prevalle; nhóm thiếu niên của vùng Chizzola, Cagliari và Bellagio. Và tôi xin cảm ơn tất cả anh chị em những người đã chúc cho tôi một chuyến đi tốt đẹp. Cảm ơn; cảm ơn!
Tôi chúc anh chị em một ngày Chúa nhật tốt lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Xin chúc bữa trưa ngon miệng và tạm biệt!
[Văn bản chính: tiếng Ý]  
Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 04/09/2017]