Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2021

Họp mặt cầu nguyện và làm chứng tá nhân Ngày Thế giới Người nghèo ở Assisi, 12.11.2021

Họp mặt cầu nguyện và làm chứng tá nhân Ngày Thế giới Người nghèo ở Assisi, 12.11.2021

Họp mặt cầu nguyện và làm chứng tá nhân Ngày Thế giới Người nghèo ở Assisi, 12.11.2021


Sáng nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ tọa buổi họp mặt cầu nguyện và làm chứng tại Assisi, tại đây ngài gặp gỡ năm trăm người nghèo từ nhiều vùng khác nhau của Châu Âu để lắng nghe và cầu nguyện. Buổi họp mặt diễn ra nhân Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ V, được tổ chức vào Chúa nhật 14 tháng Mười Một, 2021.

Khi đến Assisi, trước khi đến Vương cung Thánh đường Thánh Mary các Thiên Thần, Đức Thánh Cha đã đến thăm Tu viện Thánh Clare để có cuộc gặp gỡ ngắn với cộng đoàn Dòng Thánh Clare.

Đức Thánh Cha được nhiều nhà hữu trách nghênh đón tại đường vào Vương cung thánh đường Thánh Mary các Thiên Thần. Sau đó ba người nghèo đã gửi đến ngài những lời chào mừng, và trao cho ngài chiếc áo choàng và cây gậy của Người hành hương mang ý nghĩa tượng trưng, để cho biết rằng với tư cách là những người hành hương, họ đến các địa điểm của Thánh Phanxicô để lắng nghe lời ngài.

Tiếp sau đó, Đức Thánh Cha tiến vào Vương cung Thánh đường và đến nhà thờ Portiuncula, ngài dừng lại cầu nguyện trong vài phút tại đây.

Sau khi lắng nghe một số chứng ngôn, Đức Thánh Cha đọc diễn từ của ngài.

Sau ít phút giải lao ngắn, Đức Thánh Cha dừng lại trong Vương cung Thánh đường để cầu nguyện trong giây lát với những người tham dự buổi họp mặt.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha trở về Vatican bằng trực thăng trong khi những người nghèo được Đức Giám mục Domenico Sorrentino của Assisi-Nocera Umbra-Gualdo Tadino mời dùng bữa trưa.

Sau đây là lời của Đức Thánh Cha với những người hiện diện:

Họp mặt cầu nguyện và làm chứng tá nhân Ngày Thế giới Người nghèo ở Assisi, 12.11.2021


Huấn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tôi cảm ơn anh chị em đã nhận lời mời của tôi để kỷ niệm ở đây tại Assisi, thành trì của Thánh Phanxicô, Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ năm sẽ được cử hành trong hai ngày tới. Ý tưởng đó đến từ anh chị em, nó đã phát triển, và bây giờ chúng ta đã tiến đến lần kỷ niệm thứ năm. Assisi không giống như bất kỳ thành phố nào khác: Assisi mang dấu ấn khuôn mặt của Thánh Phanxicô. Khi nghĩ rằng ngài đã sống tuổi trẻ đầy thao thức của mình dọc theo những con phố này, ngài đã nhận được tiếng gọi để sống theo đúng tinh thần Phúc Âm. Ngài là một bài học nền tảng cho chúng ta. Chắc chắn, ở một khía cạnh nào đó, sự thánh thiện của ngài khiến chúng ta phải rùng mình vì dường như không thể bắt chước được Ngài. Nhưng rồi khi chúng ta nhớ lại một số thời điểm trong cuộc đời của ngài, những “bông hoa nhỏ” kia đã hái về để thể hiện vẻ đẹp của ơn gọi của ngài, chúng ta cảm thấy bị cuốn hút bởi sự đơn sơ của tâm hồn và sự giản dị trong cuộc sống của ngài: đó chính là sức hấp dẫn của Đức Kitô, của Tin Mừng. Đây là những bằng chứng thực tế trong cuộc sống của ngài giá trị hơn những lời rao giảng.

Tôi muốn nhắc đến một điều thể hiện rõ tính cách của ngài Poverello (xem Little Flowers (Những bông hoa nhỏ), chương 13: Fonti Francescane, 1841-1842. Ngài và Thầy Masseo bắt đầu hành trình đến Pháp, nhưng họ không mang theo bất kỳ hành trang dự phòng nào. Đến một lúc nào đó, họ phải bắt đầu xin bố thí. Thánh Phanxicô đi theo một hướng và Thầy Masseo đi theo hướng khác. Như Little Flowers kể lại, Thánh Phanxicô có vóc người nhỏ bé và những người không biết ngài coi ngài là một “kẻ lang thang”; ngược lại Thầy Masseo “là một người đàn ông cao lớn và đẹp trai”. Vì vậy, Thánh Phanxicô chỉ xin được ít miếng bánh mì cũ, nguội và cứng, trong khi Thầy Masseo được cho những ổ bánh mì rất hấp dẫn.

Khi hai người trở lại với nhau, họ ngồi xuống đất và đặt những gì họ xin được trên một tảng đá. Nhìn thấy những ổ bánh mì mà người anh em của ngài đã xin được, Thánh Phanxicô nói: “Thầy Masseo, chúng ta không xứng đáng với kho báu lớn lao này”. Thầy Masseo kinh ngạc đáp lại: “Thưa Cha Phanxicô, làm sao cha có thể nói đến một kho tàng ở nơi chỉ có sự nghèo đến như vậy, mà ngay cả những thứ cần thiết cũng còn thiếu thốn?” Thánh Phanxicô trả lời: “Chính vì điều này mà tôi coi là một kho tàng lớn lao, đó là không có gì cả, nhưng những gì chúng ta có được là do Đấng Quan phòng, Đấng đã ban cho chúng ta chiếc bánh này”. Đây là giáo huấn Thánh Phanxicô ban cho chúng ta: bằng lòng với những gì ít ỏi chúng ta có và chia sẻ nó với người khác.

Họp mặt cầu nguyện và làm chứng tá nhân Ngày Thế giới Người nghèo ở Assisi, 12.11.2021

Chúng ta đang ở đây tại Portiuncula, một trong những ngôi nhà thờ nhỏ bé mà Thánh Phanxicô đã nghĩ đến việc khôi phục lại sau khi Chúa Giêsu yêu cầu ngài “sửa chữa ngôi nhà của Ta”. Khi đó, ngài không nghĩ rằng Chúa đang yêu cầu ngài dâng hiến cuộc sống để đổi mới không phải ngôi nhà thờ bằng đá, nhưng là những con người, là những viên đá sống động của Giáo hội. Và việc chúng ta ở đây hôm nay chính là để học lấy những gì Thánh Phanxicô đã làm. Ngài thích ở lại lâu giờ để cầu nguyện trong ngôi nhà thờ nhỏ này. Ngài tĩnh tâm ở đây trong thinh lặng, và đặt mình ở thái độ lắng nghe, lắng nghe những gì Chúa muốn nơi ngài.

Chúng ta cũng đến đây vì điều này: chúng ta muốn xin Chúa nghe tiếng kêu cầu của chúng ta, nghe thấy tiếng chúng ta kêu cầu và đến trợ giúp chúng ta. Chúng ta đừng quên rằng sự thua thiệt đầu tiên mà người nghèo phải gánh chịu là sự thua thiệt về mặt tinh thần. Chẳng hạn, nhiều người và rất nhiều bạn trẻ tìm được chút thời gian để giúp đỡ người nghèo và mang đến cho họ thức ăn và đồ uống nóng. Điều này rất tốt và tôi cảm tạ Chúa vì tấm lòng quảng đại của họ. Nhưng tôi thật vui mừng khi biết rằng những tình nguyện viên này dừng lại một chút và chuyện trò với mọi người, và đôi lúc cùng cầu nguyện với họ… Do đó, ngay cả việc chúng ta ở đây tại nhà thờ Portiuncula này cũng nhắc nhở chúng ta về sự đồng hành của Chúa, rằng Người không bao giờ để chúng ta một mình, Người luôn đồng hành cùng chúng ta trong mọi giây phút của cuộc đời. Chúa ở cùng chúng ta hôm nay. Ngài đồng hành với chúng ta, trong việc lắng nghe, trong lời cầu nguyện và trong những chứng ngôn: chính Người ở cùng chúng ta.

Có một sự kiện quan trọng khác: tại Portiuncula này, Thánh Phanxicô đã chào đón Thánh Clare, những anh em đầu tiên và nhiều người nghèo tìm đến với ngài. Ngài đón nhận họ như những người anh chị em, chia sẻ với họ mọi điều. Đây là cách thể hiện tinh thần phúc âm tốt nhất mà chúng ta được mời gọi giữ cho riêng mình: lòng hiếu khách. Lòng hiếu khách có nghĩa là mở cửa, mở cửa nhà và mở cửa trái tim chúng ta, và cho phép người gõ cửa đi vào. Và để họ có thể cảm thấy được chào đón, không e dè, nhưng thoải mái, tự do. Ở đâu có tình huynh đệ thật sự, ở đó có lòng hiếu khách chân thành. Trái lại, nơi đâu có sự sợ hãi người khác, khinh rẻ cuộc sống của họ, thì sự chối bỏ được sinh ra, hoặc tệ hơn là sự thờ ơ: nhìn về hướng khác.

Sự hiếu khách tạo ra cảm giác cộng đồng; ngược lại, sự chối bỏ khóa chặt trong tính ích kỷ của con người. Mẹ Teresa, người đã biến cuộc đời mẹ thành sự phục vụ chào đón, thường nói: “Sự chào đón tốt nhất là gì? Một nụ cười”. Một nụ cười. Chia sẻ nụ cười với một người đang cần sẽ hữu ích cho cả hai – cho tôi và người kia. Nụ cười như một biểu hiện của sự đồng cảm, của sự dịu dàng. Và rồi nụ cười thôi thúc bạn, và bạn không thể quay lưng lại với người đã mỉm cười với bạn.

Họp mặt cầu nguyện và làm chứng tá nhân Ngày Thế giới Người nghèo ở Assisi, 12.11.2021

Tôi cảm ơn anh chị em vì anh chị em từ nhiều quốc gia khác nhau đến đây để sống kinh nghiệm gặp gỡ và đức tin này. Tôi cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta ý tưởng về Ngày của Người nghèo. Một ý tưởng nảy sinh theo cách khá kỳ lạ, trong phòng áo lễ. Tôi đang chuẩn bị cử hành lễ thì một người anh em - tên là Étienne - anh chị em có biết anh không? Anh là một người đưa ý tưởng đáng quan tâm - Étienne gợi ý với tôi: “Chúng ta phải có một Ngày của Người nghèo”. Tôi đi ra ngoài và cảm thấy rằng Chúa Thánh Thần ỡ bên trong, đang bảo tôi làm điều đó.

Đó là sự khởi đầu: từ lòng can đảm của một người trong anh chị em, người có can đảm để đưa mọi việc về phía trước. Tôi cảm ơn anh ấy vì công việc của anh trong những năm qua và công việc của rất nhiều người đã đồng hành cùng anh. Và tôi xin cảm ơn Đức Hồng Y [Barbarin] vì sự hiện diện của ngài: ngài là một người ở giữa người nghèo, chính ngài cũng đã trải qua kinh nghiệm nghèo khó, bị bỏ rơi, bị ngờ vực. Và ngài đã bảo vệ mình bằng sự im lặng và cầu nguyện. Cảm ơn Đức Hồng Y Barbarin về chứng tá của ngài trong việc xây dựng Giáo Hội.

Tôi nói rằng chúng ta đến để gặp nhau: đây là điều đầu tiên, nghĩa là đến với nhau bằng một trái tim rộng mở và bàn tay dang rộng. Chúng ta biết rằng mỗi người trong chúng ta đều cần người khác, và ngay cả sự yếu đuối, nếu được chia sẻ cùng nhau, cũng có thể trở thành sức mạnh giúp thế giới tốt đẹp hơn. Sự có mặt của người nghèo thường được coi là một điều khó chịu và khiên cưỡng. Đôi khi chúng ta nghe nói rằng người phải chịu trách nhiệm đối với sự nghèo túng chính là người nghèo! Đó là một sự xúc phạm nữa. Để tránh không phải kiểm tra lương tâm cách nghiêm túc về hành động của bản thân, về sự bất công của một số điều luật và những biện pháp kinh tế, không phải kiểm tra lương tâm về thói đạo đức giả của những kẻ muốn làm giàu quá mức, thì trách nhiệm sai lỗi được đổ vào những người yếu thế nhất.

Đã đến lúc người nghèo phải được trả lại tiếng nói của họ, bởi vì đã quá lâu những yêu cầu của họ vẫn không được lắng nghe. Đã đến lúc phải mở mắt để nhìn thấy tình trạng bất bình đẳng mà nhiều gia đình phải gánh chịu. Đã đến lúc phải xắn tay áo để phục hồi lại phẩm giá bằng cách tạo ra việc làm. Đã đến lúc phải cảm thấy bị xúc phạm trước thực tại của những trẻ em bị đói, bị làm nô lệ, bị quăng xuống nước trong một vụ đắm tàu, những nạn nhân vô tội của mọi loại bạo lực. Đã đến lúc phải chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và họ phải được tôn trọng và không bị đối xử như những món tiền mặc cả. Đã đến lúc vòng tròn của sự thờ ơ phải bị phá vỡ để một lần nữa khám phá ra vẻ đẹp của sự gặp gỡ và đối thoại. Đã đến lúc để gặp gỡ nhau. Đến lúc để họp mặt. Nếu nhân loại, nếu con người chúng ta không học cách gặp gỡ nhau, chúng ta đang đi đến một kết cục rất buồn.

Tôi đã chăm chú lắng nghe những lời chứng của anh chị em, và tôi cảm ơn anh chị em vì tất cả những gì anh chị em đã bày tỏ cách can đảm và chân thành. Cách can đảm, vì anh chị em muốn chia sẻ những điều này với tất cả chúng ta, cho dù chúng là một phần trong cuộc sống riêng tư của anh chị em; cách chân thành, bởi vì anh chị em đã bày tỏ con người thật của mình và mở rộng lòng với mong muốn được thấu hiểu. Có một số điều tôi rất thích và muốn tóm tắt chúng theo cách nào đó để biến chúng thành của riêng tôi, và để chúng định cư trong lòng tôi. Trước hết, tôi cảm nhận một niềm hy vọng lớn lao. Cuộc sống không phải lúc nào cũng đối xử tốt với anh chị em; quả đúng như vậy, nó thường xuyên bộc lộ cho anh chị em thấy bộ mặt độc ác của nó. Sự thua thiệt, bệnh tật và cô đơn, thiếu thốn quá nhiều phương tiện cần thiết vẫn không ngăn được anh chị em nhìn bằng ánh mắt biết ơn những điều nhỏ bé đã giúp anh chị em có thể chống cự.

Chống cự. Đây là ấn tượng thứ hai mà tôi nhận được và điều đó phát xuất trực tiếp từ niềm hy vọng. Chống cự có nghĩa gì? Là có sức mạnh tiếp tục tiến bước bất chấp mọi sự. Là bơi ngược dòng. Chống cự không phải là một hành động thụ động, ngược lại, nó đòi hỏi sự can đảm để đi trên một con đường mới biết rằng nó sẽ sinh hoa kết quả. Chống cự có nghĩa là tìm ra lý do để không đầu hàng khi đối mặt với những khó khăn, biết rằng chúng ta không trải qua những khó khăn một mình mà cùng nhau, và chỉ cùng nhau chúng ta mới có thể vượt qua chúng. Để chống lại mọi cám dỗ buông xuôi và rơi vào sự cô đơn và buồn bã. Chống cự, cầm cự với số của cải ít ỏi mà chúng ta có thể có. Tôi nghĩ đến cô bé đến từ Afghanistan, với câu nói đầy ấn tượng: thân xác tôi ở đây, linh hồn tôi ở đó. Chống cự bằng trí nhớ. Ngày hôm nay, tôi nghĩ đến người mẹ Romania, người đã nói sau cùng: đau đớn, hy vọng và không lối thoát, nhưng niềm hy vọng mạnh mẽ vào những đứa con của bà, những người đồng hành cùng bà và đền đáp sự dịu dàng mà chúng nhận được nơi bà.

Chúng ta hãy xin Chúa luôn giúp chúng ta tìm được sự thanh thản và niềm vui. Ở đây tại Portiuncula, Thánh Phanxicô dạy chúng ta rằng niềm vui đến từ việc xem những người ở gần chúng ta là những người bạn đồng hành thấu hiểu và hỗ trợ chúng ta, cũng như chúng ta thực hiện như vậy với họ. Ước mong cuộc gặp gỡ này mở rộng tâm hồn của tất cả chúng ta để biết phục vụ lẫn nhau; mở rộng tâm hồn chúng ta để biến sự yếu đuối thành sức mạnh giúp chúng ta tiếp tục hành trình cuộc sống, để biến sự nghèo khó của chúng ta thành của cải để chia sẻ, và từ đó làm cho thế giới tốt đẹp hơn.

Ngày của Người nghèo. Xin cảm ơn những anh chị em nghèo khó, những người đã mở lòng để trao tặng cho chúng ta của cải của họ và chữa lành tâm hồn bị thương tổn của chúng ta. Cảm ơn anh chị em vì sự can đảm này. Cảm ơn Étienne, vì đã ngoan ngoãn trước sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần. Cảm ơn vì những năm tháng làm việc; và cũng vì sự “bướng bỉnh” trong việc đưa Giáo hoàng đến Assisi! Cảm ơn anh! Cảm ơn Đức Hồng y, vì sự ủng hộ của ngài, vì sự giúp đỡ của ngài dành cho phong trào này của Giáo hội - chúng ta gọi là “phong trào” bởi vì họ đang chuyển động - và vì lời chứng của ngài. Và cảm ơn tất cả anh chị em. Tôi ghi nhớ tất cả anh chị em trong tim tôi. Và, xin đừng quên cầu nguyện cho tôi, bởi vì tôi có sự nghèo khó của tôi, theo nhiều cách! Cảm ơn anh chị em.



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/11/2021]


Huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trước các thành viên của Hiệp hội “Retrouvaille”

Huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trước các thành viên của Hiệp hội “Retrouvaille”

Huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô với các thành viên của Hiệp hội “Retrouvaille”

Khán phòng Phaolô VI

Thứ Bảy, 6 tháng Mười Một, 2021

___________________________

 

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tôi cảm ơn Đức ông Dal Cin và các cặp vợ chồng vì lời chào và giới thiệu. Tôi rất vui vì có buổi gặp mặt này trong “Năm Gia đình Amoris Laetitia”, dành riêng cho các đôi vợ chồng đang trải qua giai đoạn khủng hoảng, một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong mối quan hệ của họ. Điều này rất quan trọng: chúng ta không được sợ những khủng hoảng. Khủng hoảng giúp chúng ta phát triển, và điều chúng ta phải cẩn thận đó là không rơi vào xung đột, vì khi rơi vào xung đột, các con đóng chặt cửa tâm hồn mình, và không có giải pháp cho xung đột, hoặc rất khó để tìm ra một giải pháp. Thay vào đó, khủng hoảng khiến các con “chao đảo” một chút, khiến các con có lúc cảm thấy bực dọc, nhưng người ta có thể thoát ra khỏi khủng hoảng, miễn là các con thoát ra tốt hơn. Các con không thể thoát ra khỏi nó giống như trước đây: hoặc các con trở nên tốt hơn, hoặc các con trở nên xấu hơn. Điều này là quan trọng. Và rất khó để vượt ra khỏi khủng hoảng một mình: tất cả chúng ta phải luôn cùng nhau thoát ra khỏi khủng hoảng. Cha thích điều này. Đừng sợ khủng hoảng, hãy sợ xung đột!

Quả thực, lời đầu tiên cha muốn chia sẻ với các con là khủng hoảng. Chúng ta đã dừng lại để suy gẫm về từ này nhiều lần trong thời gian đại dịch này (xem Diễn từ với Giáo triều, ngày 21 tháng Mười Hai năm 2020). Và cha đồng cảm với kinh nghiệm của các con, là điều mời gọi chúng ta coi khủng hoảng là một cơ hội: vâng, một cơ hội đau đớn, nhưng là một cơ hội - trong trường hợp này là một cơ hội để tạo ra một bước nhảy vọt về chất lượng trong các mối quan hệ. Trong Tông Huấn Amoris laetitia có một phần dành nói về các cuộc khủng hoảng gia đình (xem 232-238). Và ở đây cha muốn bổ sung thêm một từ khác: những vết thương. Bởi vì khủng hoảng của con người gây ra những vết thương, chúng gây ra vết thương cho tâm hồn và da thịt. “Vết thương” là từ khóa cho các con, nó là một phần trong vốn từ vựng hàng ngày của Retrouvaille. Nó là một phần lịch sử của các con: quả thật, các con là những đôi vợ chồng bị thương tổn đã đi qua cơn khủng hoảng và được chữa lành; và vì điều này các con có thể giúp đỡ những đôi vợ chồng khác đang bị thương tổn. Các con đã không bỏ đi, các con đã không bỏ đi trong cơn khủng hoảng – “việc này chẳng đi đến đâu, tôi sẽ trở về với mẹ tôi”. Các con đã nắm lấy cuộc khủng hoảng trong tay và tìm kiếm một giải pháp.

Đây là ân ban của các con, kinh nghiệm các con đã sống và cống hiến để phục vụ người khác. Cha cảm ơn các con rất nhiều vì điều này. Nó là một món quà có giá trị cả trên bình diện cá nhân và bình diện giáo hội. Ngày nay rất cần những con người, những đôi vợ chồng biết cách làm chứng cho sự thật rằng khủng hoảng không phải là một lời nguyền, nó là một phần của hành trình, và nó tạo thành một cơ hội. Và các linh mục và giám mục chúng ta cũng phải đi theo con đường này, và cho thấy rằng khủng hoảng là một cơ hội. Bằng không, chúng ta sẽ trở thành những linh mục và giám mục khép kín, không có sự đối thoại thật sự với những người khác. Luôn luôn có khủng hoảng trong đối thoại thực sự. Nhưng để được khả tín, người ta phải trải qua điều đó. Nó không thể là một luận văn thuần lý thuyết, một “lời khuyên ngoan đạo”; nó không mang tính khả tín. Thay vì vậy, các con đã làm chứng cho cuộc sống. Các con đã bị khủng hoảng, các con đã bị thương tổn; nhờ ơn Chúa và với sự giúp đỡ của anh chị em mà các con đã được chữa lành; và các con đã quyết định chia sẻ kinh nghiệm này của mình để phục vụ những người khác. Cảm ơn các con vì điều này, bởi vì đó là một cử chỉ khiến chúng ta trưởng thành, giúp các cặp đôi hôn phối khác trưởng thành.

Trong “hành trang” kinh nghiệm của các con, cha đã rất ấn tượng bởi việc đặt hai trích đoạn Kinh thánh cạnh nhau: trích đoạn Người Samari nhân hậu và trích đoạn Chúa Giêsu Phục sinh cho các môn đệ của Ngài xem thấy vết thương của Ngài (Lc 10:25-37; Ga 20:19-29). Cha cảm ơn các con vì nó giúp cha thấy rõ hơn mối liên hệ giữa Người Samari nhân hậu và Chúa Kitô Phục Sinh, và thấy rằng mối liên kết này đi qua những vết thương, những nỗi đau. Chúa Giêsu luôn được nhìn thấy trong đặc điểm của người Samari nhân hậu, ngay cả trong những tác phẩm của các Giáo Phụ. Kinh nghiệm của các con giúp chúng ta thấy rằng người Samari này là Đức Kitô Phục sinh, Đấng giữ những vết thương trên thân thể vinh thắng của Ngài và vì lý do này - như Thư gửi tín hữu Do Thái nói (xem 5:2) - Ngài cảm thương với con người đầy thương tích đó bị bỏ rơi bên vệ đường, với những vết thương của tất cả chúng ta.

Sau khái niệm kép về “vết thương do khủng hoảng”, cha muốn chia sẻ một từ ngữ khác, nó là “chìa khóa” trong mục vụ gia đình: đồng hành. Đó là một trong những từ ngữ quan trọng nhất trong tiến trình thượng hội đồng 2014-2015 về gia đình, dẫn đến Tông huấn Amoris laetitia (xem 217; 223; 232-246). Đồng hành. Điều này vốn dĩ liên quan đến các mục tử, nó là một phần của thừa tác vụ của các ngài; nhưng nó cũng liên quan đến vợ chồng ở ngôi thứ nhất, là những vai chính của một cộng đồng “đồng hành”. Kinh nghiệm của các con là minh chứng cụ thể cho điều này. Đó là một kinh nghiệm sinh ra từ cơ sở, như thường xảy ra khi Chúa Thánh Thần làm nảy sinh những thực tại mới trong Giáo hội để đáp ứng những nhu cầu mới. Đây là trường hợp của “Retrouvaille”. Đứng trước thực tế có rất nhiều đôi hôn phối gặp khó khăn hoặc đã chia tay, câu trả lời trước hết là đồng hành.

Và ở đây chúng ta được trợ giúp bởi một hình ảnh Kinh thánh khác: Chúa Giêsu Phục sinh với các môn đệ đi làng Emmau. Chúa Giêsu không hiện xuống từ trên không trung, từ trên trời, và nói vang như sấm: “Hai người, các anh đang đi đâu? Hãy quay trở lại!” Không. Ngài cùng đi với họ trên đường mà không bị nhận ra. Ngài lắng nghe sự khủng hoảng của họ. Ngài mời gọi họ kể ra, để bày tỏ nỗi lòng. Và rồi Ngài cứu chuộc họ thoát khỏi sự khờ khạo của họ, Ngài làm họ ngạc nhiên bằng cách tiết lộ cho họ một viễn cảnh khác, viễn cảnh đã có, đã được viết sẵn, nhưng họ chưa hiểu: họ không hiểu rằng Đức Kitô phải chịu đau khổ và chịu chết trên thập giá, rằng khủng hoảng là một phần của lịch sử cứu độ ... Điều này là quan trọng: khủng hoảng là một phần của lịch sử cứu độ. Và cuộc sống con người không phải là cuộc sống trong phòng thí nghiệm, cuộc sống vô trùng, bị nhận chìm trong cồn nên không có gì khác lạ. Cuộc đời con người là một cuộc đời của khủng hoảng, một cuộc đời với tất cả những vấn đề nảy sinh hàng ngày. Và rồi con người đó, chính là Chúa Giêsu, người khách qua đường đó, dừng lại ăn uống với họ và ở lại với họ: Ngài dành thời gian cho họ. Để đồng hành, để dành thời gian mà không liên tục nhìn vào đồng hồ. Đồng hành có nghĩa là “lãng phí thời gian” để theo sát trong các hoàn cảnh khủng hoảng. Và nó thường mất rất nhiều thời gian, cần sự kiên nhẫn, sự tôn trọng, cần sự sẵn lòng ... Tất cả những điều này là đồng hành. Và các con biết rõ điều này.

Các con thân mến, cha cảm ơn vì sự cam kết của các con và cha khuyến khích các con hãy tiếp tục. Cha phó thác dưới sự bảo vệ của Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Giuse. Cha ban phép lành cho tất cả các con, gia đình của các con và cha cầu nguyện cho các đôi vợ chồng được các con đồng hành. Và các con cũng vậy, đừng quên cầu nguyện cho cha. Cảm ơn các con!



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 8/11/2021]