Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2021

Xem quy trình tạo bản thảo minh họa của thời trung cổ

Xem quy trình tạo bản thảo minh họa của thời trung cổ

Xem quy trình tạo bản thảo minh họa của thời trung cổ

J-P Mauro

31/05/21


Công việc mất nhiều thời gian và khó khăn, nhưng bạn chẳng có gì phải bàn cãi về kết quả.



Truyền thống phong phú về việc chế tác thủ công các bản thảo minh họa đã ra đời từ nhiều thế kỷ trước, và quy trình này đã trở thành bất tử trên YouTube. Nhờ một video được sản xuất rất đẹp của Bảo tàng Getty, giờ đây chúng ta có thể thấy mức độ mà con người đã từng đạt tới để tạo được một bản duy nhất cho một quyển sách.

Thuật ngữ “bản thảo minh họa” nói đến truyền thống văn học minh họa thời trung cổ. Những minh họa đầy màu sắc và thường là những hình ảnh nghệ thuật được thiết kế rất thẩm mỹ của các văn bản. Truyền thống này đặc biệt rất phổ biến trong Giáo hội với mục đích dạy cho những người mù chữ. Những minh họa này có chức năng tương tự như những hình ảnh kính màu, chúng kể lại những câu chuyện về các vị thánh và các sách Tin Mừng dưới dạng không lời.

Trong video hôm nay, chúng ta thấy quy trình tạo ra một bản thảo minh họa từ đầu đến khi hoàn thành. Nói rằng công việc này đòi hỏi sức lao động miệt mài là một cách nói giảm nhẹ. Tùy thuộc vào kích thước và số lượng ảnh minh họa, một bản thảo có thể mất vài năm để hoàn thành.

Tạo giấy da

Công việc bắt đầu với việc làm giấy da. Không giống như các loại giấy hiện đại làm từ gỗ, giấy da được chế tác từ da động vật. Da được ngâm trong dung dịch để làm mềm lông. Sau đó, nó được kéo căng và cạo trong nhiều ngày. Bằng cách căng rộng và làm mỏng da, công nhân làm tăng diện tích bề mặt để tạo ra một mảnh giấy da lớn hơn.

Mỗi mảnh giấy da cần được cắt theo kích thước phù hợp với từng bản thảo. Thời đó, không có những kích cỡ tiêu chuẩn cho sách, vì vậy mỗi bản thảo sẽ cần những tờ giấy có kích cỡ riêng. Nếu bản thảo rất lớn, có thể phải mất hàng chục tấm da thú mới đủ để tạo tấm giấy da.

Viết và đóng sách

Khi giấy da đã sẵn sàng, một người chép bản thảo sẽ bắt đầu công việc viết văn bản bằng bút pháp tốt nhất của mình. Bước thực hiện này là lúc những khía cạnh thủ công của các bản thảo này trở nên căng thẳng. Người chép bản thảo không chỉ cẩn thận viết từng ký tự mà còn làm công cụ để viết (bút lông) và mực bằng tay. Rất may, tấm giấy da đủ độ dày để cạo bỏ một ký tự nằm không đúng vị trí.

Sau khi viết xong, các họa sĩ chuyên nghiệp sẽ vẽ minh họa cho bản thảo. Những minh họa này được tạo điểm nhấn với những màu sắc sống động và kim loại quý. Nhiều loại bột màu được nhập khẩu từ những vùng đất xa xôi và rất có giá trị. Chỉ những người có kỹ năng nghệ thuật được đánh giá cao mới được tin tưởng để làm việc với những vật liệu như vậy.

Mặc dù nghệ thuật gây ấn tượng, nhưng phần yêu thích của chúng tôi trong video ngắn này là phần đóng sách. Người đóng sách nhanh chóng đưa người xem đi qua quy trình khâu các trang lại với nhau bằng sợi chỉ lanh, buộc nó lại với nhau ở gáy sách, và bọc toàn bộ lại bằng da.

Những người thợ thủ công giỏi của Bảo tàng Getty đã thể hiện một màn trình diễn xuất sắc khi họ tóm tắt nhiều năm làm việc chỉ trong sáu phút. Mặc dù quy trình này có vẻ hơi tẻ nhạt, nhưng kết quả là một cuốn sách được đóng bìa đẹp mắt với những trang giấy da có thể tồn tại suốt một nghìn năm.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/6/2021]


Đức Thánh Cha đến thăm Bộ Truyền thông, 24.05.2021

Đức Thánh Cha đến thăm Bộ Truyền thông, 24.05.2021

Đức Thánh Cha đến thăm Bộ Truyền thông, 24.05.2021


Sáng nay Đức Thánh Cha Phanxicô đã rời Casa Santa Marta và di chuyển bằng xe đến Palazzo Pio để thăm Bộ Truyền thông.

Khi đến, Đức Thánh Cha Phanxicô được Tiến sĩ Paolo Ruffini, tổng trưởng Bộ, và Đức ông Lucio Adriàn Ruiz, Thứ trưởng, chào đón.

Trong đại sảnh trung tâm, Đức Thánh Cha chào các vị giám đốc của Bộ và tám biên tập viên từ các châu lục khác nhau.

Sau đó Đức Thánh Cha đi thang máy lên tầng hai và thăm Phòng Biên tập, và phòng giám đốc của “L'Osservatore Romano” và Nhà nguyện nơi ngài dâng lời Cầu nguyện cho Truyền thông Xã hội và đọc Kinh Kính mừng.

Sau phút cầu nguyện, Đức Thánh Cha đi thang máy lên tầng bốn và tại phòng giám đốc Directorate 9 của Đài Phát thanh Vatican ngài gửi lời chào truyền trực tiếp đến các thính giả.

Sau đó ngài đến thăm Open Space tại tầng một và liền sau đó ngài đến Đại sảnh Marconi. Sau lời chào giới thiệu của Tiến sĩ Ruffini, Đức Thánh Cha có đôi lời với những biên tập viên có mặt.

Cuối chuyến thăm, Đức Thánh Cha rời Palazzo Pio và trở về Vatican.

Dưới đây chúng tôi đăng lời Cầu nguyện cho Truyền thông Xã hội của Đức Thánh Cha, buổi truyền thanh trực tiếp và lời của Đức Thánh Cha với các biên tập viên:

*****

Lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha

Lời cầu nguyện cho Ngày truyền thông Thế giới lần thứ 55


“Cứ đến mà xem” (Ga 1:46).
Truyền thông bằng cách gặp gỡ con người
tại nơi họ ở và với chính con người của họ

Lạy Chúa, xin dạy chúng con bước ra khỏi con người của mình
và lên đường tìm kiếm sự thật.
Xin dạy chúng con lên đường và nhìn xem,
xin dạy chúng con biết lắng nghe,
không gieo rắc những thành kiến,
không đưa ra những kết luận vội vàng.
Xin dạy chúng con đi đến

những nơi không ai muốn đến
biết dành thời gian để thấu hiểu,
để chú ý đến điều trọng yếu,
không bị phân tán bởi những điều vô ích,
để phân biệt được bề ngoài lừa dối với sự thật.

Xin ban cho chúng con ơn để nhận biết
nơi Người cư ngụ trên trần gian
và lòng trung thực để nói lên
những gì chúng con đã xem thấy.

Amen

*****

Huấn từ truyền thanh trực tiếp của Đức Thánh Cha

ĐTC Phanxicô:

Cảm ơn vì công việc của anh chị em, vì những gì anh chị em làm. Tôi chỉ có một điều quan tâm - có nhiều lý do phải được quan tâm về Đài Phát thanh, về L'Osservatore Romano - nhưng một điều làm tôi băn khoăn: có bao nhiêu người nghe Đài Phát thanh, có bao nhiêu người đọc L'Osservatore Romano? Vì công việc của chúng ta là tiếp cận với mọi người: nó là những gì chúng ta làm ở đây, nó là điều rất đẹp, là tuyệt vời, và cần mẫn, để tiếp cận con người, bằng những bản dịch thuật và cũng bằng những làn sóng ngắn, như anh chị em nói … Câu hỏi mà anh chị em phải đặt ra là: “Nó đến được với bao nhiêu người? Bao nhiêu người? Vì có một mối nguy hiểm - cho tất cả các tổ chức - rằng cho dù là một tổ chức tốt, công việc tốt, nó chẳng đến được nơi mà nó cần phải đến … Hơi giống như sự ra đời của con chuột: núi sinh ra chuột … Mỗi ngày anh chị em hãy tự hỏi bản thân câu hỏi này: chúng ta tiếp cận được bao nhiêu người? Có bao nhiêu người đón nhận được thông điệp của Chúa Giêsu thông qua “L'Osservatore Romano”? Điều này rất quan trọng, rất quan trọng!

Ông Massimiliano Menichetti:

Như cha thúc giục chúng con làm, chúng con cũng cố gắng để hội nhập và trở nên mở rộng hơn, không phải là tiếng nói của những ai hét to nhất. Đây là điều cha luôn luôn nhấn mạnh. Chúng con sẽ đặt câu hỏi này cho bản thân mình, chúng con đang hỏi câu hỏi đó, chúng con đã hỏi nó: một phần nào đó nó là hoa trái của cuộc cải cách này mà cha đã kêu gọi, và điều đó phần nào có thể nhìn thấy được trong chuyến thăm này, nghĩa là cố gắng hội nhập hệ thống và để tiếp cận được nhiều người nhất có thể. Là một đài phát thanh - và con có đồng quan điểm với cha trên cơ sở của lời khuyến khích này - hơn một nghìn đài phát thanh trên khắp thế giới ghi âm chúng ta, tức là họ ghi lại nội dung của chúng ta và truyền lại thông qua hệ thống của họ. Đó là một công việc mà chúng con cố gắng thực hiện. Xin cảm ơn Đức Thánh Cha.

Ông Luca Collodi:

Thưa Đức Thánh Cha cho phép con thêm vào điều cũng giống với những gì người đang nói với chúng con: Radio ngày nay là một công cụ sống động, một công cụ vẫn luôn duy trì là khí cụ tiếp cận với mọi người trong tình trạng sức khỏe hoàn hảo, bất kể có những công nghệ mới. Và điều này có thể là một sự trợ giúp, một sự đóng góp để đạt được những gì mà cha đang nói đến.

ĐTC Phanxicô:

Đúng, đúng vậy, đúng vậy.

Ông Massimiliano Menichetti:

Cảm ơn người, cảm ơn người rất nhiều.


*****

Những lời chia sẻ của Đức Thánh Cha với các biên tập viên

ĐTC Phanxicô:

Cảm ơn anh chị em rất nhiều vì công việc anh chị em làm. Tôi rất vui, tôi nhìn thấy tất cả anh chị em ở đây với nhau. Tôi đã nhìn thấy tòa nhà được tổ chức rất tốt này, tôi thích điều đó. Sự hiệp nhất của công việc… Vấn đề đó là hệ thống lớn và phức tạp này hoạt động. Tôi được nhắc nhớ về một khuynh hướng ở Argentina: khi một ai đó được bổ nhiệm vào vị trí quan trọng, điều đầu tiên người đó làm là đi đến Nordiska, một công ty chuyên về nội thất, mà lại không nhìn xem bàn làm việc của anh ta, phòng làm việc của anh ta, anh ta thay đổi mọi thứ mới, mọi thứ hoàn hảo, đẹp. Quyết định đầu tiên mà người quản lý, người trưởng phòng đó thực hiện. Rồi nó chẳng có gì hiệu quả. Điều quan trọng là tất cả mọi sự đẹp đẽ này, tất cả tổ chức này phải hoạt động. Việc thực hiện chức năng là phải tiến bước … Kẻ thù lớn nhất của hoạt động theo chức năng là chủ nghĩa chức năng. Chẳng hạn, tôi là trưởng bộ phận, tôi là thư ký của bộ phận đó, là người đứng đầu. Nhưng tôi có tới bảy người trợ lý thư ký. Mọi việc luôn luôn ổn, tốt đẹp. Có ai đó gặp vấn đề, hãy đến với trợ lý thư ký là người giải quyết vấn đề đó, và người đó lại nói: “Đợi một lát rồi tôi sẽ trả lời anh.” Người đó tiếp nhận vấn đề và gọi cho thư ký … Ý tôi là: chúng thật vô ích. Không có khả năng quyết định, không có khả năng đưa ra sáng kiến. Chủ nghĩa chức năng chỉ gây hại. Nó đưa một cơ chế chìm vào giấc ngủ rồi giết chết nó. Hãy cẩn thận đừng rơi vào cái bẫy này: vấn đề không phải là có bao nhiêu vị trí, phòng truyền thanh có đẹp hay không không phải là vấn đề. Vấn đề quan trọng là nó có hiệu quả, là nó có hoạt động, và không phải là nạn nhân của chủ nghĩa chức năng. Hãy cẩn thận, cẩn thận về điều đó. Và khi một điều gì đó hoạt động, nó trợ giúp cho tính sáng tạo. Công việc của anh chị em phải luôn luôn sáng tạo, và vượt xa hơn, xa hơn, xa hơn: phải sáng tạo. Điều đó được gọi là hoạt động. Nhưng nếu một công việc quá theo thứ tự, cuối cùng nó sẽ bị nhốt vào lồng và không còn hữu ích. Khi nhìn thấy một tổ chức đẹp như thế này, quá thứ lớp, nhìn thấy tất cả anh chị em cùng với nhau, đây là điều duy nhất tôi phải nói: hãy cẩn thận! Không theo chủ nghĩa chức năng. Đúng, theo chức năng để làm việc, những gì anh chị em phải làm. Và đối với một cơ cấu theo chức năng, mọi người phải có đủ sự tự do để làm theo chức năng. Rằng họ có khả năng nhận những rủi ro mà không phải đi xin phép, xin phép, xin phép … điều này làm tê liệt. Hoạt động theo tính năng, nhưng đừng theo chủ nghĩa chức năng. Anh chị em hiểu chứ? Hãy tiến tới và can đảm. Cảm ơn anh chị em!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/5/2021]