Thứ Năm, 11 tháng 10, 2018

TIẾP KIẾN CHUNG: Điều Răn thứ Năm ‘Chớ giết người’

TIẾP KIẾN CHUNG: Điều Răn thứ Năm ‘Chớ giết người’
© Vatican Media

TIẾP KIẾN CHUNG: Điều Răn thứ Năm ‘Chớ giết người’

‘Nhưng làm sao hành động chấm dứt mầm sống vô tội và không có khả năng tự vệ của con người đang được hình thành lại trở thành một phương pháp trị bệnh, là quyền công dân hay đơn giản là con người? Cha hỏi anh chị em: cắt đứt sự sống của một con người để giải quyết một vấn đề là có đúng hay không? Thuê một sát thủ để giải quyết vấn đề là có là đúng không? Chúng ta không được làm như vậy ... ’

10 tháng Mười, 2018 13:23

Buổi Tiếp Kiến chung sáng nay diễn ra lúc 9:20 sáng trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Tiếp tục loạt giáo lý về Các Điều Răn, trong bài huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung phân tích về điều răn: Không được giết người (trích đoạn Sách Thánh: trích Sách Khôn ngoan, 11:24-26).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến chung kết thúc bằng bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.


* * *

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bài giáo lý hôm nay dành riêng để nói về Điều Răn thứ Năm: Ngươi không được giết người. Điều Răn không được giết người. Hôm nay chúng ta bước qua nửa sau của Mười Điều Răn, là phần nói về những mối quan hệ với tha nhân. Và Điều Răn này, theo cách nói rất súc tích và rõ ràng, nổi lên như một tường thành bảo vệ cho giá trị nền tảng trong những mối quan hệ của con người. Và giá trị nền tảng trong những mối quan hệ của con người là gì? Đó là giá trị của sự sống. [1] Vì vậy, không được giết người.

Có thể nói rằng tất cả mọi sự dữ trên trần gian được tóm gọn trong điều này: khinh rẻ sự sống. Sự sống bị tấn công bởi những cuộc chiến tranh, bởi các tổ chức bóc lột con người — chúng ta đọc thấy trong báo chí hoặc xem trên truyền hình quá nhiều những điều này — bởi sự đầu cơ bóc lột tạo vật và văn hóa loại bỏ, và bởi tất cả những hệ thống xem con người chỉ là những bài tính của cơ hội, trong khi không biết bao nhiêu người khác phải sống trong một tình trạng không xứng đáng của con người. Đó nó là sự khinh rẻ sự sống, về một mặt nào đó nó là sự giết người.

Một bước tiếp cận nghịch lý khác là cho phép chấm dứt sự sống con người trong cung lòng người mẹ nhân danh bảo vệ những quyền khác. Nhưng làm sao hành động chấm dứt mầm sống vô tội và không có khả năng tự vệ của con người đang được hình thành lại trở thành một phương pháp trị bệnh, là quyền công dân hay đơn giản là con người? Cha hỏi anh chị em: cắt đứt sự sống của một con người để giải quyết một vấn đề là đúng hay không? Thuê một sát thủ để giải quyết vấn đề là đúng hay không? Chúng ta không được làm như vậy, không được chấm dứt sự sống của một con người, cho dù là nhỏ bé, để giải quyết một vấn đề. Nó giống như việc thuê một sát thủ để giải quyết vấn đề.

Nguồn gốc của những điều này từ đâu đến? Bạo lực và việc chối bỏ sự sống xuất phát từ đâu? Từ sự sợ hãi. Thật vậy, chấp nhận người khác là một thách thức đối với chủ nghĩa cá nhân. Chẳng hạn chúng ta thử suy nghĩ, khi chúng ta khám phá ra một mầm sống đang được hình thành lại mang khuyết tật, thậm chí là khuyết tật nặng. Những người cha mẹ, trong hoàn cảnh đau khổ này, cần có sự gần gũi thật sự, tình liên đới thật sự, để đương đầu với thực tại và vượt qua được những nỗi sợ hãi có thể hiểu được. Nhưng thay vì vậy, họ thường nhận được những lời khuyên thiếu suy nghĩ là hãy can thiệp vào cái bào thai đó, cái kiểu nói: “can thiệp vào cái thai đó” tức là trực tiếp “loại bỏ” một con người.

Một em bé đau bệnh cũng giống như bất kỳ một người nào khác đang cần giúp đỡ, như một người già đang cần sự trợ giúp, như người nghèo đang phải vật lộn với cuộc sống; chính những người có vẻ là một vấn đề chướng ngại thì thật ra họ lại là một ơn của Thiên Chúa giúp kéo tôi ra khỏi tính ích kỷ và làm tôi lớn lên trong tình yêu thương. Những sự sống mong manh vạch ra cho chúng ta các con đường giải thoát, con đường cứu chúng ta thoát khỏi lối sống thiển cận và khám phá ra niềm vui của tình yêu. Và đến đây cha tạm dừng lại để gửi lời cảm ơn đến rất nhiều người tình nguyện, cảm ơn hoạt động thiện nguyện rất mạnh của Ý, là hoạt động mạnh nhất mà cha từng biết. Xin cảm ơn rất nhiều.

Và điều gì làm cho con người khước từ sự sống? Đó là những ngẫu thần của trần gian này: tiền bạc — tốt hơn là phải loại trừ cái này ra khỏi chúng ta vì nó sẽ rất tốn tiền –, quyền lực và sự thành công. Chúng là những tham số sai lầm để định giá trị sự sống. Thước đo đích thực duy nhất cho sự sống là gì? Đó là tình yêu, tình yêu mà Thiên Chúa dành cho sự sống: đây là thước đo — tình yêu Thiên Chúa dành cho sự sống của con người.

Quả thật, ý nghĩa tích cực của câu “Chớ giết người” là gì? Nghĩa là Thiên Chúa là “người yêu thương sự sống,” như chúng ta vừa nghe trong Bài đọc Sách Thánh.

Mầu nhiệm của sự sống được tỏ lộ qua cách Con Thiên Chúa thể hiện với nó, Người là Đấng đã hạ mình mang lấy thân phận một người phàm, trên cây thập giá, bị chối bỏ, mong manh, nghèo khó và đau khổ (x. Ga 13:1). Đức Ki-tô đang tìm kiếm chúng ta trong mỗi đứa trẻ đau bệnh, trong mỗi người già cả yếu đuối, trong mỗi người di cư tuyệt vọng, trong mỗi mầm sống mong manh và đang bị đe dọa (x. Mt 25:34-46). Người đang đi tìm kiếm tâm hồn của chúng ta, để mở ra cho chúng ta niềm vui của tình yêu.

Thật đáng đón nhận mọi sự sống vì mỗi con người đều xứng đáng với Máu của chính Đức Ki-tô (x. 1 Pr 1:18-19). Chúng ta không được khinh rẻ những gì Thiên Chúa quá yêu thương!

Chúng ta phải nói với những người nam và nữ trên thế giới rằng: đừng khinh rẻ sự sống! Sự sống của người khác, nhưng cả với sự sống của chính chúng ta, vì Điều Răn “Chớ giết người” cũng mang ý nghĩa đó. Rất nhiều người trẻ được dạy rằng: đừng khinh chê sự sống! Hãy dừng lại sự chối bỏ công trình của Thiên Chúa! Bạn là một công trình của Thiên Chúa! Đừng hạ thấp bản thân, đừng khinh rẻ bản thân để bước vào những thói nghiện ngập sẽ hủy hoại bạn và dẫn bạn đến cái chết!

Không ai đo lường được sự sống theo những hào nhoáng của trần gian, nhưng mỗi người phải chấp nhận bản thân và chấp nhận người khác nhân danh Chúa Cha là Đấng đã tạo dựng nên chúng ta. Ngài là “người yêu thương sự sống”: câu này rất đẹp. “Thiên Chúa là người yêu thương sự sống.” Và chúng ta quá đáng yêu đối với Người đến nỗi Người đã sai Con Một của Người xuống cho chúng ta. Thật vậy, Tin mừng nói: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16).

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/10/2018]


Kim Jong Un mời Đức Thánh Cha Phanxico đến gặp gỡ tại Bình Nhưỡng

Kim Jong Un mời Đức Thánh Cha Phanxico đến gặp gỡ tại Bình Nhưỡng
(Ủy ban chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của giáo hoàng đến Nam Hàn 2014)
VATICAN 9 tháng Mười, 2018


Kim Jong Un mời Đức Thánh Cha Phanxico đến gặp gỡ tại Bình Nhưỡng

Nhà độc tài Bắc Hàn đã mời Đức Thánh Cha đến gặp gỡ tại Bình Nhưỡng. Đức Phanxico sẽ gặp gỡ Tổng thống Nam Hàn Moon Jae - ngày 18 tháng Mười.

Courtney Grogan/CNA/EWTN News


SEOUL, Nam Hàn — Nhà độc tài Bắc Hàn Kim Jong Un đã mời Đức Thánh Cha Phanxico đến gặp gỡ tại Bình Nhưỡng, một phát ngôn viên Nam Hàn cho biết hôm thứ Ba.

Đức Thánh Cha Phanxico đã có lịch gặp gỡ với Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in ngày 18 tháng Mười trong một buổi tiếp kiến tại Điện Tông tòa của Vatican, và tại đây ông Moon sẽ trực tiếp chuyển lời mời từ ông Kim Jong Un.

Tổng thống Moon, một người Công giáo, cũng sẽ tham dự một Thánh Lễ cầu cho hòa bình trên Bán đảo Triều tiên trong Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô ngày 17 tháng Mười do Đức Hồng y Phê-rô Parolin, Quốc Vụ khanh Tòa Thánh chủ tế.

Trong cuộc họp thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo Triều Tiên vào tháng Chín, ông Kim nói với ông Moon rằng ông sẽ “nồng nhiệt chào đón” Đức Thánh Cha tại Bình Nhưỡng, theo thông tin từ văn phòng tổng thống Nam Hàn.

Theo Bộ Ngoại giao Hoa kỳ, ngày 7 tháng Mười, Ngoại trưởng Hoa kỳ Mike Pompeo gặp gỡ ông Kim Jong Un ở Bắc Hàn để thảo luận chi tiết nhanh về hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim nhằm tiếp tục đàm phán về việc giải trừ vũ khí nguyên tử của Bán đảo Triều Tiên.

“Một trong những điểm chính trong báo cáo giữa Chủ tịch Kim và Tổng thống Trump là chúng tôi sẽ có những mối quan hệ tốt hơn, những biện pháp xây dựng lòng tin. Về cơ bản chúng tôi muốn thay đổi bản chất mối quan hệ của Bắc Hàn với toàn thế giới,” Ngoại trưởng Pompeo cho giới báo chí ở Nam Hàn biết ngày 8 tháng Mười sau cuộc họp với ông Kim.

Thư ký Phân bộ Ngoại giao Vatican, Đức Tổng Giám mục Phaolo Gallagher, ngày 5 tháng Bảy, đã đến thăm Khu vực an ninh chung trong Vùng Phi Quân sự giữa Bắc và Nam Hàn, ngài nói, “Nó là một thời khắc lịch sử, một thời khắc của hy vọng, và Đức Thánh Cha ủng hộ phong trào đó.”

Đức Tổng Giám mục Phaolo Gallagher nói trong lần viếng thăm đó, “Tôi chắc chắn rằng với những lời cầu nguyện và sự ủng hộ của người Ki-tô hữu và những người có niềm tin vững trên khắp thế giới thì rất nhiều điều tốt lành sẽ đạt được trong những tháng sắp tới. Chúng ta hãy cầu nguyện cho điều đó.”

Những đàm phán ngoại giao tiếp tục tại hội nghị thượng đỉnh Liên Triều giữa ông Kim và ông Moon, diễn ra ngày 18 tháng Chín tại Bình Nhưỡng suốt một tuần lễ, trong thời gian đó người Công giáo ở Nam Hàn mừng các thánh tử đạo của bán đảo.

Đệ nhất Phu nhân của Nam Hàn, bà Kim Jung-sook, tham dự Thánh Lễ cùng với các giám mục Hàn Quốc để thể hiện sự vui mừng. Bà kêu gọi cầu nguyện cho những đàm phán ngoại giao tại Nhà thờ Chính tòa Myeongdong của Nam Hàn trong các ngày trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh tại Bình Nhưỡng.

Hai mươi lăm triệu người sống ở Bắc Hàn, là một quốc gia với những báo cáo tồi tệ nhất về nhân quyền trên thế giới. Một cuộc điều tra của Liên Hợp quốc năm 2014 đưa ra một báo cáo dài 372 trang ghi lại những tội ác chống lại nhân loại, trong đó có việc hành hình, bắt nô lệ, tra tấn, tống ngục, phá thai cưỡng bức, và nạn đói kém kéo dài.

Ước tính có khoảng 80.000 đến 120.000 người đang bị giam giữ trong sáu trại tù chính trị của Bắc Hàn, trong đó Bộ Ngoại giao Hoa kỳ đã tìm được những bằng chứng về việc bỏ đói, lao động cưỡng bức và tra tấn.

Các giám mục Nam Hàn trong suốt nhiều thập niên đã hướng dẫn người Công giáo cầu nguyện cho sự hòa giải và hiệp nhất của Bán đảo Triều Tiên bị chia rẽ. “Từ năm 1965, Giáo hội Công giáo Hàn Quốc đã liên lỷ cầu nguyện cho hòa bình thật sự của hai nước Triều Tiên và sự hòa giải dân tộc,” Đức Tổng Giám mục Kim Hee-Jung thuộc thành phố Gwangju viết vào tháng Tư, sau cuộc họp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Triều Tiên và chủ tịch hội đồng giám mục Triều Tiên tháng Tư. “Qua những lời cầu nguyện này, một điều như phép lạ đang xảy ra trong vùng đất này nhờ sự trợ giúp của Thiên Chúa, là Đấng không gì là không thể đối với Ngài,” Đức Tổng Giám mục Kim viết tiếp. “Cho đến ngày nền hòa bình trọn vẹn được thiết lập trên Bán đảo Triều Tiên và hai dân tộc bị chia rẽ được hợp nhất, Giáo hội Công giáo Triều Tiên sẽ đồng hành với hành trình hòa giải của dân tộc trong tình hiệp nhất.”


[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/10/2018]