Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2023

“Thiên Chúa cũng trải qua Mùa Chay”: Bắt đầu mùa Chay này với Đức Thánh Cha Phanxicô (toàn văn bài giảng)

“Thiên Chúa cũng trải qua Mùa Chay”: Bắt đầu mùa Chay này cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô (toàn văn bài giảng)

“Thiên Chúa cũng trải qua Mùa Chay”: Bắt đầu mùa Chay này với Đức Thánh Cha Phanxicô (toàn văn bài giảng)

Photo by Alberto PIZZOLI / AFP

Kathleen N. Hattrup

22/02/23


“Chúng ta có bốn mươi ngày, một ‘thời điểm thuận lợi’ để nhắc nhở bản thân rằng thế giới rộng lớn hơn những nhu cầu cá nhân hẹp hòi của chúng ta…”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh Lễ Thứ Tư Lễ Tro vào ngày 22 tháng Hai năm 2023 tại Vương cung Thánh đường Thánh Sabina, trên Đồi Aventine ở Rome.

Lúc 4:30 chiều, sau ít phút cầu nguyện, đoàn rước sám hối khởi hành từ Nhà thờ Thánh Anselm đến Vương cung Thánh đường Thánh Sabina, cách đó khoảng 350 mét. Đây là sự trở lại với truyền thống Thứ Tư Lễ Tro đã không được tổ chức trong hai năm qua.


___________________________________


“Vậy, đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ!” (2 Cr 6:2). Với những lời này, thánh Tông đồ Phaolô giúp chúng ta đi vào tinh thần của mùa Chay. Mùa Chay thực sự là “thời gian thuận lợi” để trở về với những gì là quan trọng, để rũ bỏ tất cả những gì đè nặng chúng ta, để được giao hòa với Thiên Chúa, và để thắp lại ngọn lửa của Chúa Thánh Thần bị giấu dưới những lớp tro tàn của nhân tính yếu đuối của chúng ta. Quay trở lại với những gì là trọng yếu. Đó là mùa ân sủng khi chúng ta thực hành những điều Chúa yêu cầu chúng ta ở đầu bài đọc một hôm nay: “Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta” (Ge 2:12). Hãy trở về với điều trọng yếu: đó là Thiên Chúa.

Nghi thức xức tro bắt đầu cuộc hành trình trở về này. Nó thúc giục chúng ta làm hai việc: trở về với sự thật về chính chúng ta và trở về với Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta.

Thứ nhất, trở về với sự thật về chính chúng ta. Tro nhắc nhở chúng ta chúng ta là ai và chúng ta từ đâu đến. Tro đưa chúng ta trở lại với sự thật quan trọng của cuộc sống chúng ta: Chúa là Thiên Chúa duy nhất và chúng ta là công trình do bàn tay Người. Đó là sự thật về con người chúng ta. Chúng ta có sự sống, trong khi Thiên Chúa là sự sống. Người là Đấng Tạo Hóa, trong khi chúng ta là đất sét mỏng manh do tay Người nặn ra. Chúng ta đến từ đất và chúng ta cần thiên đàng; chúng ta cần Chúa. Có Chúa, chúng ta sẽ trỗi dậy từ đống tro tàn, nhưng không có Chúa, chúng ta chỉ là cát bụi. Khi khiêm tốn cúi đầu để nhận tro, chúng ta được nhắc nhở về sự thật này: chúng ta thuộc về Chúa; chúng ta thuộc về Người.

Vì Thiên Chúa “lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi” (St 2:7); chúng ta tồn tại bởi vì Chúa đã thổi hơi thở của sự sống vào chúng ta. Là một người Cha nhân từ và hay thương xót, Thiên Chúa cũng trải qua Mùa Chay, vì Ngài quan tâm đến chúng ta; Người chờ đợi chúng ta; Người chờ đợi sự trở lại của chúng ta. Và Chúa không ngừng thúc giục chúng ta đừng tuyệt vọng, ngay cả khi chúng ta sa ngã trong bụi đất yếu đuối và tội lỗi của mình, vì “Người quá biết ta được nhồi nắn bằng gì, hẳn Người nhớ: ta chỉ là cát bụi” (Tv 103:14). Chúng ta hãy nghe lại những lời ấy: Người nhớ chúng ta là cát bụi. Chúa biết điều này; nhưng chúng ta thường quên điều đó, và nghĩ rằng chúng ta có khả năng tự túc, mạnh mẽ và bất khả chiến bại mà không cần đến Người. Chúng ta khoác lên bộ đồ hóa trang và nghĩ rằng chúng ta giỏi hơn khả năng thực tế của mình. Chúng ta chỉ là cát bụi.

Vì vậy, Mùa Chay là thời gian để nhắc nhở chúng ta ai là Đấng Tạo Hóa và ai là tạo vật. Là thời gian để công bố rằng chỉ một mình Chúa là Thiên Chúa, bỏ đi sự ra vẻ mình có khả năng tự túc và luôn đặt mình vào trung tâm của mọi sự, là đứng đầu lớp, nghĩ rằng chúng ta có thể thành công trong cuộc sống và biến đổi thế giới xung quanh bằng khả năng của mình.

Bây giờ là thời điểm thuận lợi để sám hối, không nhìn vào chúng ta mà bắt đầu nhìn vào bên trong con người chúng ta. Có bao nhiêu điều làm xao lãng và những chuyện lặt vặt khiến chúng ta quên đi điều gì là thực sự quan trọng! Biết bao lần chúng ta bị cuốn vào những mong muốn và nhu cầu của bản thân, đánh mất tầm nhìn cốt lõi của vấn đề, và không nắm bắt được ý nghĩa thực sự của cuộc sống chúng ta trên thế giới này! Mùa Chay là thời gian của sự thật, thời gian bỏ đi những chiếc mặt nạ mà chúng ta đeo lên mỗi ngày để ra vẻ hoàn hảo trong con mắt của thế giới. Như Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng, đây là thời gian để từ bỏ sự giả dối và đạo đức giả: không phải là của người khác, mà của chính chúng ta: Chúng ta hãy nhìn thẳng vào chúng và chống lại những thói xấu đó.

Tuy nhiên, có một bước thứ hai: tro cũng mời gọi chúng ta trở về với Thiên Chúa và với anh chị em của mình. Khi chúng ta trở về với sự thật về bản thân và nhắc nhở bản thân rằng chúng ta không thể tự túc, chúng ta nhận ra rằng chúng ta chỉ tồn tại thông qua các mối tương quan: mối quan hệ ban đầu của chúng ta với Thiên Chúa và mối tương quan thiết yếu với những người khác. Tro mà chúng ta nhận tối nay cho chúng ta biết rằng mọi giả định về sự tự phụ là sai lầm và việc tôn thờ bản thân là phá hoại, giam cầm chúng ta trong sự cô lập và cô đơn: chúng ta nhìn vào gương và tin rằng mình là hoàn hảo, là trung tâm của thế giới.

Thay vào đó, sự sống là một mối tương quan: chúng ta nhận được nó từ Thiên Chúa và từ cha mẹ chúng ta, và chúng ta luôn có thể làm sống lại và đổi mới nó nhờ Chúa và những người Người đặt bên cạnh chúng ta. Vì vậy, Mùa Chay là mùa ân sủng để chúng ta có thể xây dựng lại mối tương quan của mình với Thiên Chúa và với người khác, mở rộng tâm hồn chúng ta trong sự thinh lặng cầu nguyện và thoát ra khỏi pháo đài của sự tự mãn. Mùa Chay là thời gian thuận lợi để chúng ta có thể phá vỡ những xiềng xích của chủ nghĩa cá nhân và sự cô lập của chúng ta, đồng thời tái khám phá những người bạn đồng hành của chúng ta trên hành trình mỗi ngày, qua việc gặp gỡ và lắng nghe. Và một lần nữa học cách yêu thương họ như những người anh chị em.

Chúng ta làm điều này như thế nào? Để thực hiện cuộc hành trình này, để trở về với sự thật về bản thân và trở về với Thiên Chúa và với tha nhân, chúng ta được thúc giục đi theo ba con đường lớn: bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Đây là những cách truyền thống, và không cần sự mới lạ. Chúa Giêsu đã nói rõ ràng: bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Đó không phải là những nghi thức thuần túy mang tính hình thức, mà phải là những hành động thể hiện sự đổi mới của tâm hồn chúng ta. Bố thí không phải là một cử chỉ vội vàng được thực hiện để xoa dịu lương tâm, để bù đắp cho sự mất cân bằng nội tâm của chúng ta; đúng hơn, nó phải là một cách để chạm đến những nỗi đau khổ của người nghèo bằng chính đôi tay và trái tim của chúng ta. Cầu nguyện không phải là một nghi thức, nhưng là một cuộc đối thoại thật sự và yêu thương với Chúa Cha. Ăn chay không phải là một sự sùng kính cổ xưa, mà là một cử chỉ mạnh mẽ để nhắc nhở chúng ta điều gì thực sự quan trọng và điều gì chỉ là phù du. Chúa Giêsu đưa ra “lời khuyên vẫn giữ nguyên giá trị bổ ích cho chúng ta: những cử chỉ bên ngoài phải luôn đi đôi với một tâm hồn chân thành và cách cư xử nhất quán. Thật vậy, việc xé áo của chúng ta có ích gì nếu lòng chúng ta vẫn xa cách Chúa, nghĩa là xa rời sự thiện và công lý?” (ĐỨC BENEDICT XVI, Bài giảng Thứ Tư Lễ Tro, ngày 1 tháng Ba năm 2006). Thông thường, những cử chỉ và nghi thức của chúng ta chẳng có tác động gì đến cuộc sống của mình; chúng vẫn mang tính hời hợt. Có lẽ chúng ta thực hiện chúng chỉ nhằm đạt được sự ngưỡng mộ hoặc quý trọng của người khác. Chúng ta hãy nhớ điều này: trong đời sống cá nhân của chúng ta, cũng như trong đời sống của Giáo hội, những biểu hiện bên ngoài, những phán xét của con người và sự chấp thuận của thế gian chẳng là gì cả; điều duy nhất thực sự quan trọng là sự thật và tình yêu mà Thiên Chúa nhìn thấy.

Nếu chúng ta khiêm tốn đứng trước mặt Người, thì việc bố thí, cầu nguyện và ăn chay sẽ không chỉ là những biểu hiện bề ngoài, nhưng sẽ bày tỏ con người thật của chúng ta: là con cái của Thiên Chúa, là anh chị em của nhau. Bố thí, bác ái sẽ là dấu chỉ lòng trắc ẩn của chúng ta đối với những người khốn khó, và giúp chúng ta trở về với tha nhân. Cầu nguyện sẽ nói lên ước muốn sâu xa của chúng ta là được gặp gỡ Chúa Cha, và sẽ đưa chúng ta trở lại với Người. Ăn chay sẽ là nơi rèn luyện thiêng liêng, nơi chúng ta vui vẻ từ bỏ những thứ vô dụng đang đè nặng chúng ta, lớn lên trong tự do nội tâm và trở về với sự thật về bản thân. Gặp gỡ Chúa Cha, tự do nội tâm, lòng trắc ẩn.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cúi đầu, nhận tro và để cho tâm hồn nhẹ nhàng. Chúng ta hãy khởi hành trên con đường bác ái. Chúng ta có bốn mươi ngày, một “thời điểm thuận lợi” để nhắc nhở bản thân rằng thế giới rộng lớn hơn những nhu cầu cá nhân hẹp hòi của mình, và để khám phá lại niềm vui, không phải là tích lũy của cải vật chất, mà là quan tâm đến những người nghèo khó và đau khổ. Vì vậy, chúng ta hãy khởi đầu trên con đường cầu nguyện và dùng bốn mươi ngày này để khôi phục lại vị trí tối cao của Thiên Chúa trong đời sống của chúng ta và đối thoại với Người từ tận đáy lòng, chứ không chỉ trong những lúc nhàn rỗi. Chúng ta hãy bắt đầu con đường chay tịnh và sử dụng bốn mươi ngày này để kiểm điểm bản thân, giải phóng bản thân khỏi sự độc tài của những lịch trình dày đặc, những chương trình hành động phủ kín và những nhu cầu thiển cận, đồng thời chọn những điều thực sự quan trọng.

Anh chị em thân mến, chúng ta đừng lơ là ân sủng của mùa chay thánh này, nhưng hãy chăm chú nhìn lên thánh giá và cất bước lên đường, quảng đại đáp lại những thúc giục mạnh mẽ của Mùa Chay. Ở cuối cuộc hành trình, chúng ta sẽ gặp được niềm vui lớn lao hơn đó là Thiên Chúa của sự sống, chúng ta sẽ gặp được Người, Đấng duy nhất có thể vực chúng ta dậy từ những tro tàn.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/2/2023]


Vị Linh mục Công giáo từ Ukraine tặng cho Đức Thánh Cha Phanxicô cây thánh giá được tạo ra từ đống đổ nát của chiến tranh

Vị Linh mục Công giáo từ Ukraine tặng cho Đức Thánh Cha Phanxicô cây thánh giá được tạo ra từ đống đổ nát của chiến tranh

Vị Linh mục Công giáo từ Ukraine tặng cho Đức Thánh Cha Phanxicô cây thánh giá được tạo ra từ đống đổ nát của chiến tranh

Cha Grynevych đã tặng Đức Thánh Cha Phanxicô một cây thánh giá làm từ kính vỡ và đống đổ nát của các tòa nhà bị phá hủy ở Kiev ngày 21 tháng Hai, 2023


Courtney Mares

Rome Newsroom, 23 tháng Hai, 2023 / 04:45 am


Cha Vyacheslav Grynevych nhớ rất rõ ngày đầu tiên Nga xâm lược Ukraine một năm trước.

Vị linh mục Công giáo tỉnh giấc vì một cuộc điện thoại: “Cha ơi, dậy ngay đi vì chiến tranh bắt đầu rồi.”

Cha Grynevych nói: “Tôi hiểu rằng cuộc sống của tôi sẽ không bao giờ giống như trước đây.”

Trong vai trò là giám đốc điều hành của tổ chức bác ái Công giáo Caritas-Spes, Cha Grynevych chẳng bao lâu sau phải điều phối các nỗ lực nhân đạo từ một hầm tránh bom ở Kiev, đồng thời tiếp nhận 36 người khác, chủ yếu là trẻ em và thú cưng của các bé trong tuần đầu tiên của cuộc chiến.

Trong năm vừa qua, Cha Grynevych và nhóm của Cha tại Caritas Quốc tế đã làm việc không mệt mỏi để cung cấp thức ăn, chỗ ở, sự bảo vệ cũng như hỗ trợ sức khỏe và tâm lý cho 3 triệu người ở Ukraine bị chiến tranh tàn phá.

Một vài ngày trước ngày kỷ niệm cuộc chiến ở Ukraine, vị linh mục Công giáo đã có cơ hội nói chuyện trực tiếp với Đức Thánh Cha Phanxicô tại nơi ở của ngài ở Vatican để chia sẻ với Đức Thánh Cha những thông tin cập nhật về các nỗ lực nhân đạo của Giáo hội tại thực địa.

Cha Grynevych đã tặng Đức Thánh Cha Phanxicô một cây thánh giá làm từ kính vỡ và đống đổ nát của các tòa nhà bị phá hủy ở Kiev trong một giây phút vô cùng xúc động của cuộc gặp gỡ.

Cha Grynevych nói: “Tôi muốn chia sẻ với ngài những câu chuyện, những địa điểm mà chúng tôi nhìn thấy, con mắt của mọi người.”

Trong một phỏng vấn với CNA tại Rome ngày 22 tháng Hai, vị linh mục chia sẻ rằng ngài thấy Đức Thánh Cha vô cùng đau đớn khi nghe về kinh nghiệm của người Ukraine trong năm chiến tranh vừa qua.

Vị Linh mục Công giáo từ Ukraine tặng cho Đức Thánh Cha Phanxicô cây thánh giá được tạo ra từ đống đổ nát của chiến tranh

Cha Grynevych đã tặng Đức Thánh Cha Phanxicô một cây thánh giá làm từ kính vỡ và gạch vụn của các tòa nhà bị phá hủy ở Kiev ngày 21 tháng Hai, 2023


“Ngài [Đức Thánh Cha Phanxicô] đã lắng nghe và sau đó ngài nói, ‘Hãy nói với mọi người rằng tôi cố gắng làm mọi việc tôi có thể, mọi điều tôi có thể làm.’ Và ngài đã lặp lại lời này một vài lần.”

Cha Grynevych cũng tặng Đức Thánh Cha một bản chép bài suy niệm Chặng Đàng Thánh Giá do người Ukraine viết, họ kể những câu chuyện riêng của họ về các nạn nhân chiến tranh khi họ liên kết với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. Chặng đàng Thánh Giá sẽ được phát trực tuyến từ một hầm tránh bom ở Kyiv ngày 24 tháng Hai.

Vị linh mục nói, “Mỗi ngày qua đã trở thành một chặng đàng thánh giá.”

Nối lại những trái tim tan vỡ

Caritas-Spes, được điều hành bởi Giáo hội Công giáo theo nghi thức Latinh của Ukraine, là một trong hai tổ chức liên kết với Caritas Quốc tế tại Ukraine. Tổ chức còn lại là Caritas Ukraine được giám sát bởi Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine, mà phần lớn người Công giáo Ukraine thuộc về.

Chị Tetiana Stawnychy, chủ tịch Caritas Ukraine, nói với CNA rằng ngày kỷ niệm cuộc xâm lược đánh dấu một thời điểm khi “cuộc sống của hàng triệu người thay đổi sau chỉ một đêm”.

Vị Linh mục Công giáo từ Ukraine tặng cho Đức Thánh Cha Phanxicô cây thánh giá được tạo ra từ đống đổ nát của chiến tranh

Tetiana Stawnychy, chủ tịch Caritas Ukraine, cung cấp viện trợ nhân đạo ở Lviv, Ukraine.


Chị Stawnychy chia sẻ câu chuyện về một người phụ nữ đã phải di tản hai lần vì chiến tranh: “Bà ấy nói, ‘Lần thứ hai thì trái tim tôi tan nát.’”

Ban đầu, người phụ nữ này đến Caritas để được giúp đỡ và hỗ trợ nhân đạo. Sau đó, bà trở lại và bắt đầu công việc thiện nguyện, cuối cùng trở thành một nhân viên.

Trong khi chia sẻ câu chuyện của mình, người phụ nữ nói với chị Stawnychy: “‘Chị biết đấy, mỗi khi tôi giúp một người nào đó, nó giống như một phần trái tim của tôi được kết nối lại với nhau.’”

Vị Linh mục Công giáo từ Ukraine tặng cho Đức Thánh Cha Phanxicô cây thánh giá được tạo ra từ đống đổ nát của chiến tranh

Nhân viên Caritas mang hàng viện trợ tới người dân gần Kiev, Ukraine.

Caritas Spes và Caritas Ukraine đã cùng nhau cung cấp 3,7 triệu mặt hàng thực phẩm và phi thực phẩm; 1,5 triệu đồ dùng vệ sinh, nước sạch; và 192.000 dịch vụ y tế, cũng như hỗ trợ tiền mặt cho 107.600 người và cung cấp chỗ ở cho 637.000 người trong năm qua.

Chị Stawnychy, người đã cố gắng trực tiếp đến thăm gần như tất cả 42 trung tâm viện trợ của Caritas Ukraine trên khắp đất nước, nói rằng chị đã thấy cách thức tạo ra những con đường đoàn kết giữa mọi người là “một tiến trình chữa lành và biến đổi” như thế nào.

Vị Linh mục Công giáo từ Ukraine tặng cho Đức Thánh Cha Phanxicô cây thánh giá được tạo ra từ đống đổ nát của chiến tranh

Nhân viên Caritas Spes mang hàng viện trợ tới người dân gần Kyiv, Ukraine.

Chị nói: “Thật khó khi phải liên tục sống trong tình trạng tổn thương ở Ukraine. Bạn phải tìm cách để giữ trung thành, để phản ứng với những gì bạn nhìn thấy. Đồng thời, tìm cách để nó cũng không hủy hoại bạn. Vậy làm cách nào để bạn tìm được tính kiên cường đó? Một lần nữa, cách chúng tôi tìm thấy nó là tiếp tục giúp đỡ mọi người và đó thực sự là điều mang lại cho chúng tôi sự sống. Và tôi thấy điều đó ở mọi nơi.” Chị Stawnychy nói: “Đây là hành động yêu thương tiếp tục diễn ra giữa chiến tranh và sự tàn phá.”

Chị nói: “Chiến tranh xé toạc cốt lõi ý nghĩa của con người vì nó chọc thủng các mối quan hệ và nó tạo ra sự nghi ngờ vì đó là một sự tấn công. Và rồi tôi cảm thấy công việc mà Giáo hội làm và công việc mà viện trợ nhân đạo đang làm hoặc có thể làm có khả năng sửa chữa điều đó, để chữa lành nó, để chạm vào những gì được tạo ra bởi chiến tranh và để cho người khác cảm nhận được nơi an toàn bên trong đó, cảm nhận sự an toàn đó bằng cách thiết lập lại tình yêu và mối quan hệ.”




[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/2/2023]