Thứ Tư, 22 tháng 8, 2018

Thánh Maximilian Kolbe, Linh mục Dòng Phanxico & Tử đạo vì đức ái

Thánh Maximilian Kolbe, Linh mục Dòng Phanxico & Tử đạo vì đức ái
Cha Maximilian Kolbe - Wikipedia Commons

Thánh Maximilian Kolbe, Linh mục Dòng Phanxico & Tử đạo vì đức ái

Hôm qua 14 tháng Tám kỷ niệm lễ giỗ thứ 77 của thánh nhân thời hiện đại

15 tháng Tám, 2018 01:26
Nhân kỷ niệm 77 năm ngày qua đời của Thánh Maximilian Kolbe, kính nhớ hôm qua ngày 14 tháng Tám, chúng tôi mang đến cho độc giả những suy tư về vị thánh của thời hiện đại:

***

Thánh Maximilian Kolbe, 14 tháng Tám: Linh mục dòng Phanxico, tử đạo vì đức ái

“Con người tín thác vào Mẹ Maria Vô Nhiễm … linh mục Dòng Phanxico … vị thánh tử đạo vì đức ái. Ngài tự hiến thân mình hy sinh trong trại tập trung Auschwitz để cứu người cha của một gia đình. Ngài thành lập phong trào Đạo binh Mẹ Vô nhiễm.”

Đức Gioan Phaolo II đã nói về ngài rằng “thánh nhân đã hành động như Chúa Giê-su; ngài không bị án tử nhưng đã cho đi mạng sống mình.” Ngay trước khi Ba lan bị chiếm đóng, Thánh nhân viết: “Chịu đau khổ, hoạt động và chết như một người anh hùng, không phải là một cái chết bình thường, nhưng chẳng hạn như bị một viên đạn bắn vào đầu, là đóng ấn tình yêu cho Mẹ Vô Nhiễm, hy sinh đến giọt máu cuối cùng như một người anh dũng, để hối hả chinh phục cả thế giới cho Mẹ. Mình chẳng biết điều gì cao cả hơn thế.” Chúa đã cho ngài toại nguyện.

Raymond sinh tại Zdunska Wola, Ba lan, ngày 8 tháng Một năm 1894. Song thân của ngài, bà Mary Dabrowska, không thể hoàn thành ước mơ trở thành một Nữ tu, và ông Julius Kolbe, thành viên của Dòng Ba Phanxico, đã truyền lại đức tin và lòng sùng kính Mẹ Đồng Trinh của họ cho ngài. Trong số năm người con trai chào đời, hai người đã chết vì sinh non; ba người còn lại lớn lên thấm đẫm trong không khí linh đạo Phanxico. Năm 1906, cậu bé Raymond có một thị kiến của Mẹ Maria trao cho cậu một triều thiên trắng và một triều thiên đỏ, mà ngài mô tả ý nghĩa tượng trưng là sự thanh khiết (triều thiên trắng) và lời tiên tri về sự tử đạo của ngài (triều thiên đỏ). Bà Maria Dabrowska, người biết rõ về biến cố này, đã giữ nó trong lòng, như Mẹ Maria Đồng Trinh, bà biết mũi gươm đau đớn này sẽ là lý do cho vinh quang cho cuộc sống vĩnh hằng của con của bà. Con của bà đã cắm rễ cuộc sống và hoạt động tông đồ nơi Mẹ Maria.

Năm 13 tuổi ngài vào Chủng viện Dòng Phanxico ở Lviv, cùng với người anh trai Francis. Ở đó sự cầu nguyện và tính hiếu học của cậu lớn lên và cậu cho thấy ơn gọi vững như bàn thạch của mình. Tuy nhiên, lời hứa chiến đấu cho Mẹ Maria, mà cả hai đều thi hành, đối với Raymond là ý tưởng chiến đấu vũ trang. Thánh nhân sẽ chiến đấu cho Mẹ để nhớ lại ngày Quốc vương Ba lan Gioan Casimir thánh hiến đất nước cho Mẹ Đồng Trinh trước linh ảnh Đức Mẹ Czestochowa. Tất cả những điều này hiện lên trong tâm trí và tâm hồn của thánh nhân vì hòa bình đã bị phá vỡ ở vùng biên giới Lviv, bị người Nga chiếm đóng và sự thống trị của Áo. Ngài sớm nhận ra rằng chức tư tế và vũ trang không thể song hành với nhau, nhưng ngài cảm nhận được tiếng gọi hỗ trợ cho những người đang sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương.

Có một thời gian ngài trải qua một thoáng hoài nghi về ơn gọi của ngài; ngài tác động đến nguyện vọng của anh trai ngài và cả hai đều bỏ tu viện. Tuy nhiên, thân mẫu của hai ngài vẫn ở đó, cầu nguyện và dõi theo hai người con, đầy lòng tin tưởng rằng bà sẽ đến thăm hai con vào một thời điểm thích hợp nhất. Bà là người mang chứng tá của tin vui. Bà nói với hai con rằng sẽ có Giu-se, em trai út của hai ngài, sẽ cùng gia nhập tu viện với hai anh, và cả cha mẹ đều đồng ý dâng hiến họ để phục vụ Thiên Chúa.

Sự lưỡng lự bị xua tan, tháng Chín năm 1910 Raymond bắt đầu nhà tập, lấy tên Maximilian khi khấn. Ngài học Triết và Thần học ở Roma từ năm 1912 đến 1919, đạt học vị Tiến sĩ trong cả hai môn học, cho dù ngài rất xuất sắc trong môn toán và vật lý. Lần này, Mẹ Đồng trinh linh hứng cho ngài thành lập Đạo binh Maria Vô Nhiễm. Bây giờ đã là một linh mục, ngài trở về Ba lan trong tình trạng sức khỏe rất yếu, nhưng với một tinh thần tông đồ kiên vững. Sức khỏe yếu không cho phép ngài vướng bận vào các trách vụ khác và có thể cống hiến trọn vẹn trong công cuộc phát triển Đạo binh, khi đó đang dần thành hiện thực trong đất nước của ngài năm 1919, cùng với một nhóm các tu sĩ. Được hun đúc bởi tình yêu mãnh liệt dành cho Mẹ Maria, và tin rằng đó là một con đường để cứu rỗi các linh hồn, ngài xây dựng tạp chí hàng tháng với tên gọi “Gentleman of Mary Immaculate,” với số phát hành lên đến một triệu bản năm 1939. Với ấn bản này ngài tiến đến các gia đình người Ba lan và những nơi khác trên thế giới. Cùng thời điểm đó, ngài dạy các lớp học ở Krakow.

Năm 1929 ngài thành lập “Thành trì Đức Maria Vô Nhiễm” đầu tiên, với trụ sở chính trong tu viện Phanxico ở Niepokalanow, và được ơn phúc nên chẳng bao lâu sau số ơn gọi quá lớn đến mức trụ sở trở thành tu viện chính vào thời điểm đó, và là một trong những tu viện đông nhất trong toàn bộ lịch sử Giáo hội. Hai năm sau, đáp lại lời kêu gọi các nhà thừa sai của Đức Thánh Cha, ngài tình nguyện đến Nhật và xây dựng một trụ sở khác và phát hành một tạp chí hàng tháng. Ngài mở một nhà tập và một chủng viện. Với sứ mạng tông đồ hoạt động trong báo chí và đài phát thanh, ngài dấn bước với ước mơ “chinh phục được toàn thế giới, tất cả mọi linh hồn, cho Đức Ki-tô, cho Mẹ Maria Vô Nhiễm, dùng mọi phương tiện hợp pháp, mọi khám phá công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực truyền thông.”

Ngài trở về Ba lan năm 1936, vì chủng viện Niepokalanow đã trải qua sự khủng hoảng khi ngài vắng mặt. Dưới sự chiếm đóng của quân đội Đức, ngài đã đón hàng ngàn người di tản từ Poznan, tìm cho họ nơi ở và giúp đỡ phần thiêng liêng cho họ. Mật vụ Gestapo bắt ngài vào tháng Hai năm 1939 và chuyển ngài đến các trại tập trung Amtlitz và sau đó đến Ostrzeszow. Ngài được thả năm 1941, nhưng bị bắt lại và bị đưa đến trại tập trung Pawiak và sau đó là trại Auschwitz, ngài bị giam trong phòng số 16670. Một tù nhân trốn trại ngày 3 tháng Tám năm 1941, và một hình phạt đặt ra là 10 tù nhân khác được chọn ra để hành hình. Raymond nghe thấy tiếng kêu khóc của một người trong số đó, anh Francis Gajowniczka, than khóc cho gia đình của anh. Raymond bước tới người sĩ quan chỉ huy và tự nguyện chết thay. Đó là một dấu chỉ khác về sự nên thánh của ngài.

Ngài bị kết án tử bằng cách để cho chết đói trong một phòng dưới lòng đất, căn phòng kinh hoàng số 13, cùng với chín tù nhân khác. Ngài trước đó đã viết câu, “Tôi phải nên thánh với hết khả năng của tôi,” vẫn tiếp tục dâng Lễ trong những điều kiện như vậy, với sự giúp đỡ của một vài người lính gác, họ cung cấp cho ngài những thứ cần thiết để dâng lễ, chia sẻ lời cầu nguyện và những bài thánh ca với các bạn tù của ngài và động viên họ trong tình huống bi thảm đó. Ba tuần sau, ngài là người duy nhất còn sống. Những người khác đã chết lần mòn. Vì vậy những kẻ thi hành án phải tiêm cho ngài mũi thuốc độc vào ngày 14 tháng Tám năm 1941. Thân mẫu của ngài đã có được tin về sự tử đạo mà ngài sẵn sàng lãnh nhận trong một lá thư ngài đã viết gửi cho bà trước đó.

Chân phước Giáo hoàng Phaolo VI đã tôn ngài lên bậc Chân phước ngày 17 tháng Mười năm 1971, và Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã tuyên phong hiển thánh ngài ngày 10 tháng Mười năm 1982.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/8/2018]


Đức Thánh Cha Phanxico: Thư gửi toàn thể Dân Chúa

Đức Thánh Cha Phanxico: Thư gửi toàn thể Dân ChúaĐức Thánh Cha cầu nguyện

 

Đức Thánh Cha Phanxico: Thư gửi toàn thể Dân Chúa

Đức Thánh Cha Phanxico đã có câu trả lời trước những báo cáo mới về sự lạm dụng tình dục của giới giáo sĩ và sự bao che trong hội thánh. Trong một lá thư đầy tâm tình gửi toàn thể Dân Chúa, ngài kêu gọi Giáo hội hãy gần gũi với những nạn nhân trong tình liên đới, và hiệp thông trong những hoạt động cầu nguyện và ăn chay sám hối trước “những tội ác” như vậy.


Thư của Đức Thánh Cha Phanxico
Gửi toàn thể Dân Chúa


“Nếu một chi thể nào đau, thì mọi chi thể cùng đau” (1 Cr 12:26). Những lời này của Thánh Phaolo vang lên vô cùng mạnh mẽ trong tâm hồn của cha khi một lần nữa cha nhận biết được sự đau khổ của nhiều trẻ vị thành niên do sự lạm dụng tình dục, sự lạm dụng quyền lực và sự lạm dụng lương tâm vi phạm bởi một số giáo sĩ và những người tận hiến. Những tội ác đã khoét một vết thương sâu hoắm đau đớn và bất lực nơi những nạn nhân, nhưng cả nơi các thành viên gia đình của họ và trong cộng đoàn đông đảo các tín hữu và người không tín ngưỡng. Nhìn lại quá khứ, sẽ không có một lời xin tha thứ hay cố gắng sửa chữa lại những tàn phá đã gây ra nào cho đủ. Hướng đến tương lai, không được bỏ qua bất kỳ một nỗ lực nào để xây dựng một văn hóa có khả năng ngăn chặn những tình trạng như vậy xảy ra, nhưng cũng phải ngăn chặn nguy cơ chúng bị bao che và tiếp tục kéo dài. Sự đau đớn của các nạn nhân và gia đình của họ cũng là sự đau đớn của chúng ta, và vì vậy lại một lần nữa vô cùng cấp bách, chúng ta phải tái khẳng định lại cam kết của chúng ta bảo vệ cho những trẻ vị thành niên và những người lớn dễ bị xúc phạm.

1. Nếu một chi thể bị đau ...

Trong những ngày vừa qua, báo cáo công khai cho biết chi tiết những câu chuyện của ít nhất một ngàn người là nạn nhân của sự lạm dụng tình dục, sự lạm dụng quyền lực và lương tâm dưới bàn tay của các linh mục trong khoảng thời gian bảy mươi năm. Cho dù có thể nói rằng hầu hết những trường hợp này đã thuộc về quá khứ, tuy nhiên thời gian trôi qua và chúng ta biết thêm được nỗi đau đớn của rất nhiều nạn nhân. Chúng ta biết rằng những vết thương này không bao giờ biến mất và chúng đòi chúng ta phải mạnh mẽ lên án những tội ác này và cùng chung sức để quét sạch văn hóa của sự chết này; những vết thương này không bao giờ phai đi. Những sự đau đớn làm quặn nhói con tim của những nạn nhân này, mà tiếng kêu khóc của họ đã thấu lên đến trời, đã bị lờ đi quá lâu, bị giữ câm lặng hoặc bị bưng bít. Nhưng tiếng kêu của họ còn mạnh mẽ hơn tất cả những biện pháp nhằm buộc nó phải im đi, hay thậm chí tìm hướng giải quyết bằng những quyết định của tội đồng lõa làm tăng thêm tính nghiêm trọng của nó. Chúa đã nghe thấy tiếng kêu khóc đó và một lần nữa cho chúng ta thấy Người đứng về bên nào. Bài ca của Mẹ Maria không phải là sai lầm và tiếp tục âm thầm vang lên trong suốt chiều dài lịch sử. Vì Chúa nhớ lại lời hứa mà Người đã thực hiện với cha ông của chúng ta: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,” (Lc 1:51-53). Chúng ta cảm thấy hổ thẹn khi chúng ta nhận ra rằng lối sống của chúng ta đã khước từ, và tiếp tục khước từ, những lời mà chúng ta đọc lên.

Trong sự xấu hổ và ăn năn, trong cộng đoàn hội thánh chúng ta thừa nhận rằng chúng ta đã không có mặt ở nơi đáng lẽ cần phải có mặt chúng ta, chúng ta đã không kịp thời hành động và nhận thấy sự lan rộng và tính nghiêm trọng của sự tàn phá cuộc đời nơi quá nhiều người. Chúng ta không thể hiện sự quan tâm đến những người bé mọn; chúng ta đã bỏ rơi họ. Cha xin lấy lời của Đức Hồng y Ratzinger, khi soạn lời nguyện Chặng Đàng Thánh Giá cho Thứ Sáu Tuần Thánh 2005, ngài đồng cảm với tiếng kêu khóc đau đớn của quá nhiều nạn nhân và thốt lên: “Có không biết bao điều xấu xa trong Giáo hội, và thậm chí ngay giữa những người, trong chức tư tế, đáng lẽ phải hoàn toàn thuộc về Đức Ki-tô! Quá nhiều sự kiêu hãnh, quá nhiều sự tự mãn! Sự phản bội lại Đức Ki-tô bởi chính những môn đệ của Người, sự đón nhận bất xứng mình và máu Người, thật đúng là sự đau khổ lớn nhất mà Đấng Cứu Độ phải gánh chịu; nó đâm thâu trái tim của Người. Chúng ta chỉ có thể kêu lên với Người từ tận sâu thẳm trong tâm hồn chúng ta: Kyrie eleison – Lạy Chúa, xin cứu chúng con! (x. Mt 8:25)” (Chặng thứ Chín).

2. … mọi chi thể cùng đau

Mức độ lan rộng và tính nghiêm trọng của tất cả những việc đã xảy ra đòi buộc phải nắm bắt lấy thực tại theo cách chung và bao quát toàn diện. Trong khi điều vô cùng quan trọng và cần thiết trên mọi hành trình hoán cải là phải chân nhận sự thật của việc đã xảy ra, ngay với chính nó cũng là chưa đủ. Là Dân Chúa, ngày nay chúng ta đứng trước thách đố phải mang lấy sự đau đớn của những anh chị em chúng ta bị thương tổn trên thân xác và tinh thần của họ. Nếu trong quá khứ, sự đáp lời đã bị lãng quên, thì ngày nay chúng ta cần sự liên đới, trong ý nghĩa sâu thẳm nhất và đầy thách đố nhất, để trở thành con đường chúng ta trui rèn cho lịch sử hiện tại và tương lai. Và thực hiện điều này trong một môi trường với những xung khắc, những căng thẳng và trên hết là tất cả các nạn nhân của mọi hình thức lạm dụng, có thể gặp được một bàn tay vững chắc vươn tới để bảo vệ họ và giải thoát họ khỏi sự đau khổ (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 228). Tình liên đới như vậy đòi buộc chúng ta phải tố cáo tất cả những gì gây nguy hiểm cho sự nguyên tuyền của bất kỳ một con người nào. Một sự liên đới hiệu triệu chúng ta chiến đấu chống lại tất cả mọi hình thức hủ hóa, đặc biệt sự hủ hóa tinh thần. Hình thức hủ hóa thứ hai là “một hình thức đui mù dễ chịu và thỏa mãn. Mọi sự sau đó đều có thể chấp nhận được: mưu gian, vu khống, ích kỷ và những hình thức hơi mang khuynh hướng tự mãn, vì ‘ngay cả Satan cũng đội lốt thiên thần sáng láng’ (2 Cr 11:14)” (Gaudete et Exsultate, 165). Lời kêu gọi của Thánh Phaolo hãy khóc với những người đang khóc là liều thuốc giải tốt nhất chống lại tất cả mọi mưu toan của chúng ta muốn lặp lại lời của Cain: “Con là người giữ em con hay sao?” (St 4:9).

Cha biết rất rõ về mọi nỗ lực và công việc đang được thực hiện ở nhiều nơi trên thế giới nhằm đạt được những biện pháp cần thiết để bảo đảm cho sự an toàn và bảo vệ tính nguyên tuyền của thiếu nhi và những người lớn dễ bị xúc phạm, cũng như thực thi nguyên tắc bất khoan dung và những cách thức để làm cho tất cả những ai phạm tội hoặc che giấu những tội ác này phải chịu trách nhiệm. Chúng ta đã trì hoãn trong việc áp dụng những hành động và biện pháp trừng phạt vô cùng cần thiết này, tuy nhiên cha vững tin rằng người ta sẽ giúp bảo đảm một văn hóa chăm sóc tốt hơn trong hiện tại và tương lai.

Cùng với những nỗ lực này, mọi người đã chịu phép Rửa Tội cần phải góp phần trong sự thay đổi giáo hội và xã hội mà chúng ta đang rất cần. Sự thay đổi này kêu gọi một sự hoán cải cá nhân và cộng đoàn để làm cho chúng ta có thể nhìn thấy mọi việc theo cách nhìn của Chúa. Như thánh Gioan Phaolo II thường nói: “Nếu chúng ta thật sự muốn bắt đầu làm mới lại việc chiêm ngắm Đức Ki-tô, chúng ta phải học cách nhìn thấy Ngài trên khuôn mặt của những người mà Ngài hiện thân trong họ” (Tông thư Novo Millennio Ineunte, 49). Nhìn mọi việc theo cái nhìn của Chúa, đến bất cứ nơi nào Chúa muốn chúng ta đến, để trải nghiệm sự hoán cải tâm hồn trong sự hiện hữu của Người. Cầu nguyện và sám hối sẽ giúp thực hiện được những điều này. Cha mời gọi toàn thể Dân Thánh Chúa cùng thực hành sám hối ăn chay cầu nguyện, theo lệnh truyền của Chúa.[1] Việc này có thể làm thức tỉnh lương tâm của chúng ta và khơi dậy tình liên đới và cam kết của chúng ta cho một văn hóa chăm quan tâm chăm sóc để nó “không bao giờ tái diễn lại một lần nữa” đối với mọi hình thức lạm dụng.

Là một Giáo hội, chúng ta không thể nghĩ đến một sự hoán cải của hành động nếu không có sự tham gia tích cực của tất cả các thành viên trong Dân Chúa. Thật vậy, bất cứ khi nào chúng ta cố gắng thay thế, hoặc giữ im lặng, hay làm ngơ, hay biến Dân Chúa thành những nhóm tinh hoa nhỏ, thì cuối cùng chúng ta sẽ tạo ra những cộng đoàn, những dự án, những cách tiếp cận thần học, những linh đạo và cơ cấu không có cội nguồn, không có ký ức, không có những khuôn mặt, không có những thân thể và cuối cùng, là không có sự sống.[2] Điều này được nhìn thấy rõ trong cách hiểu kỳ dị về quyền bính của Giáo hội, một cách hiểu chung trong nhiều cộng đoàn nơi xảy ra những sự lạm dụng tình dục và lạm dụng quyền bính và lương tâm. Đó cũng là trường hợp của chủ nghĩa giáo sĩ trị, một bước tiếp cận “không chỉ làm vô hiệu đặc tính của người Ki-tô hữu, nhưng còn mang khuynh hướng thu hẹp và coi rẻ ơn phép rửa tội mà Thánh Thần đóng ấn trong tâm hồn của dân tộc chúng ta”.[3] Chủ nghĩa giáo sĩ trị, bất kể được thúc đẩy bởi chính các linh mục hay các giáo dân, sẽ dẫn đến một sự cắt xén trong thân thể hội thánh mà nó cổ vũ và giúp cho những hành động phạm tội ác mà chúng ta đang kết án hôm nay. Để nói “không” với sự lạm dụng là phải mạnh mẽ nói “không” với tất cả mọi hình thức thuộc chủ nghĩa giáo sĩ trị.

Chúng ta luôn phải nhớ rằng “trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa giải thoát một dân tộc. Chúng ta không bao giờ là chính chúng ta nếu chúng ta không thuộc về một dân tộc. Đây là lý do tại sao không một ai được cứu độ một mình, như là một cá nhân đơn độc. Nhưng, Thiên Chúa lôi kéo chúng ta về với Ngài, cân nhắc đến cơ cấu phức tạp của những mối quan hệ liên bản vị hiện hữu trong cộng đoàn nhân loại. Thiên Chúa muốn đi vào đời sống và lịch sử của một dân tộc” (Gaudete et Exsultate, 6). Vì vậy, cách duy nhất mà chúng ta phải trả lời lại cho tội ác này đã phủ bóng đen lên trên cuộc sống của nhiều người là cảm nhận nó như một trách nhiệm liên quan đến tất cả chúng ta là Dân của Chúa. Ý thức mình là một phần của một dân tộc và một lịch sử chung sẽ giúp chúng ta nhận ra được những tội và lỗi lầm đã qua với sự mở lòng thống hối để làm cho chúng ta được canh tân từ trong tâm hồn. Nếu không có sự tham gia tích cực của tất cả mọi thành viên của Giáo hội, mọi việc được thực hiện nhằm diệt trừ văn hóa lạm dụng trong các cộng đoàn của chúng ta sẽ không thành công trong việc tạo ra những động lực cần thiết cho sự thay đổi lành mạnh và thực tế. Chiều kích sám hối qua việc ăn chay và cầu nguyện sẽ giúp chúng ta là một Dân tộc của Chúa tiến đến trước dung nhan của Người và trước những anh chị em bị thương tổn của chúng ta như là những tội nhân khẩn cầu sự tha thứ và ơn biết xấu hổ và hoán cải. Bằng cách này chúng ta sẽ đưa ra được những hành động có thể tạo nên những nguồn lực hài hòa với Tin mừng. Vì “bất cứ khi nào chúng ta nỗ lực quay trở lại với nguồn cội và khám phá những sự tươi mới ban đầu của Tin mừng, thì những con đường mới sẽ hiện lên, những lộ trình sáng tạo mới sẽ mở ra, với nhiều hình thức diễn tả khác nhau, những dấu chỉ và ngôn ngữ hùng hồn hơn mang ý nghĩa mới cho thế giới hôm nay.” (Evangelii Gaudium, 11).

Là một Giáo hội, điều vô cùng quan trọng là chúng ta phải biết thừa nhận và kết án, trong sự đau buồn và xấu hổ, những tội ác bị vi phạm bởi những người tận hiến, các giáo sĩ, và tất cả những người được trao phó sứ mạng trông nom và chăm sóc cho những người dễ bị xúc phạm. Chúng ta hãy cầu xin sự tha thứ tội của chúng ta và tội của người khác. Một ý thức về tội giúp chúng ta nhận ra được những sai phạm, những tội ác và những vết thương đã tạo ra trong quá khứ và cho phép chúng ta cởi mở hơn, trong hiện tại, và cam kết trong hành trình hoán cải canh tân.

Cũng như vậy, sám hối và cầu nguyện sẽ giúp chúng ta biết mở rộng đôi mắt và tâm hồn trước những đau khổ của con người và vượt qua được cơn thèm khát quyền lực và của cải mà chúng thường là nguyên nhân của những tội ác này. Ước mong rằng việc ăn chay và cầu nguyện sẽ mở đôi tai của chúng ta trước nỗi đau câm lặng của những trẻ em, những người trẻ và những người khuyết tật. Một sự ăn chay có thể làm cho chúng ta đói và khát công bình và thúc ép chúng ta phải bước đi trong sự thật, ủng hộ mọi biện pháp cần thiết của pháp luật. Một sự ăn chay làm lay động chúng ta và dẫn đưa chúng ta đến với những cam kết trong sự thật và bác ái với mọi người thiện chí, và với xã hội nói chung, để quét sạch mọi hình thức lạm dụng quyền lực, lạm dụng tình dục và lạm dụng lương tâm.

Bằng cách này, chúng ta có khả năng thể hiện rõ tiếng gọi của chúng ta để trở thành “một dấu chỉ và khí cụ kết hiệp với Thiên Chúa và hiệp nhất với toàn thể gia đình nhân loại” (Lumen Gentium, 1).

Thánh Phaolo nói, “Nếu một chi thể bị đau, thì mọi chi thể đều đau.” Qua thái độ cầu nguyện và sám hối, chúng ta sẽ trở nên hòa hợp với lời dạy này với tư cách là những cá nhân và tư cách của một cộng đoàn, để chúng ta có thể phát triển trong ơn sủng của lòng trắc ẩn, trong công bình, ngăn chặn và sự đền bù. Mẹ Maria đã đứng dưới chân thập giá Con của Mẹ. Mẹ đứng đó một cách quả quyết, đứng vững vàng bên cạnh Chúa Giê-su. Qua cách này, Mẹ cho thấy cách Mẹ sống trong suốt cuộc đời. Khi chúng ta cảm thấy sự tàn phá do những vết thương trong hội thánh gây ra, chúng ta sẽ vượt qua, cùng với Mẹ Maria, “để bám chặt hơn vào việc cầu nguyện,” để phát triển nhiều hơn bao giờ hết trong tình yêu và lòng trung thành với Giáo hội (Thánh IGNATIUS LOYOLA, Linh thao, 319). Là người môn đệ đầu tiên, Mẹ dạy tất cả chúng ta là những môn đệ cách để chúng ta biết dừng lại trước những nỗi đau của người vô tội, mà không đưa ra những lời biện hộ hay sự hèn nhát. Nhìn đến Mẹ Maria là khám phá ra mẫu gương của một người môn đệ đích thực của Đức Ki-tô.

Xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ơn hoán cải và xức dầu tâm hồn để bày tỏ lòng thống hối ăn năn trước những tội ác và sự lạm dụng này và sự quyết tâm can đảm chiến đấu chống lại chúng.

PHANXICO

Thành Vatican, 20 tháng Tám, 2018


[Nguồn: vaticannews]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/8/2018]