Thứ Hai, 6 tháng 7, 2020

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha: Chúa Giêsu dâng lời cầu nguyện ngợi khen và tạ ơn

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha: Chúa Giêsu dâng lời cầu nguyện ngợi khen và tạ ơn
© Vatican Media

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha: Chúa Giêsu dâng lời cầu nguyện ngợi khen và tạ ơn

‘Ngài mời gọi chúng ta đến với Ngài và theo Ngài để tìm được sự nghỉ ngơi bồi dưỡng’

05 tháng Bảy, 2020 12:48
 
Đức Thánh Cha miêu tả ba phần của Tin mừng hôm nay, lời cầu nguyện ngợi khen và tạ ơn của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha, trong huấn từ của ngài trước giờ đọc Kinh Truyền tin buổi trưa với đám đông giới hạn do Covid-19 trong Quảng trường Thánh Phêrô.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng lời cầu nguyện trong chương 11 của Tin mừng theo Thánh Mátthêu mở ra với lời ngợi khen và tạ ơn, rồi tiếp đến là mạc khải mầu nhiệm của Nước Thiên đàng, mối tương quan giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha, và trao lời an ủi cho người tín hữu.


Dưới đây là toàn văn huấn từ, văn bản của Vatican (bản tiếng Anh):

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bài đọc Tin mừng Chúa nhật này (xem Mt 11:25-30) được chia thành ba phần: trước hết, Chúa Giêsu dâng lời cầu nguyện ngợi khen và tạ ơn lên Chúa Cha, vì Người đã mặc khải Nước Thiên đàng cho những người nghèo và người bé mọn; rồi Ngài tỏ lộ mối tương quan mật thiết và duy nhất giữa Ngài và Chúa Cha, và cuối cùng Ngài mời gọi chúng ta hãy đến với Ngài và đi theo Ngài để tìm được sự nghỉ ngơi bồi dưỡng.

Trước hết, Chúa Giêsu ngợi khen Chúa Cha, vì Người đã giấu những điều bí mật của Nước Trời, của chân lý của Ngài, giấu “những bậc khôn ngoan thông thái” (c. 25). Ngài gọi họ như vậy với một chút châm biếm, vì họ cho rằng họ khôn ngoan và thông thái, và do vậy mà tâm hồn họ khép kín, thường là như vậy. Sự khôn ngoan thật sự cũng đến từ tâm hồn, nó không chỉ là vấn đề hiểu biết những ý tưởng: sự khôn ngoan thật cũng đi vào tâm hồn. Và nếu bạn biết nhiều điều nhưng lại có một tâm hồn khép kín thì bạn không khôn ngoan. Chúa Giêsu nói rằng những mầu nhiệm của Chúa Cha được mặc khải cho những “người bé mọn,” cho những người mở rộng tâm hồn cho Lời cứu độ của Ngài, cho những người mở rộng tâm hồn cho Lời cứu độ, những người cảm thấy cần có Ngài và mong chờ mọi điều từ Ngài. Tâm hồn rộng mở và tin tưởng hướng về Chúa.

Rồi Chúa Giêsu giải thích rằng Ngài đã đón nhận mọi sự từ Chúa Cha, và Ngài gọi Người là “Cha tôi”, để khẳng định bản chất duy nhất của mối tương quan của Người với Ngài. Thật vậy, có sự tương quan trọn vẹn duy nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con: các Đấng hiểu biết rõ nhau, các Đấng sống trong nhau. Sự hiệp thông duy nhất này giống như một bông hoa nở ra, để tỏ lộ một cách tự do vẻ đẹp và sự tốt lành của nó. Và đến đây là lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Hãy đến cùng tôi …” (c. 28). Ngài mong muốn trao tặng những gì Ngài đón nhận từ Chúa Cha. Ngài muốn ban tặng cho chúng ta Sự thật, và Sự thật của Chúa Giêsu luôn là nhưng không: đó là một món quà, đó là Chúa Thánh Thần, là Chân lý.

Cũng như Chúa Cha ưu tiên cho những “người bé mọn,” Chúa Giêsu cũng gửi đến những “ai vất vả mang gánh nặng nề.” Quả thật, Ngài đặt mình vào giữa họ, vì Ngài “có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (c. 29): đây là cách Ngài mô tả về bản thân. Nó cũng giống như Mối phúc thứ nhất và thứ ba, là mối phúc cho những người có lòng khiêm nhường và nghèo khó, và người có lòng hiền lành (xem Mt 5:35): sự hiền hậu của Chúa Giêsu. Theo cách này, Chúa Giêsu “hiền hậu và khiêm nhường” không phải là một kiểu mẫu của những người cam chịu, và Ngài cũng không phải là một nạn nhân, nhưng hơn thế Ngài là người sống điều kiện này “trong lòng” trong cách thể hiện trọn vẹn cho tình yêu của Chúa Cha, tức là cho Chúa Thánh Thần. Ngài là mẫu gương của “tâm hồn nghèo khó” và của tất cả “những người được chúc phúc” của Tin mừng, là những người thực thi ý định của Thiên Chúa và làm chứng cho Nước của Người.

Và rồi, Chúa Giêsu nói rằng nếu chúng ta đến với Ngài, chúng ta sẽ tìm thấy sự nghỉ ngơi bồi dưỡng. “Sự nghỉ ngơi bồi dưỡng” mà Đức Kitô tặng ban cho những người kiệt sức và mang gánh nặng không chỉ đơn thuần là sự an ủi về tâm lý hay là một sự bố thí hậu hĩ, nhưng là niềm vui của người nghèo được rao giảng và trở thành những người xây dựng cho một nhân loại mới: đây là sự an ủi. Niềm vui, niềm vui mà Chúa Giêsu ban tặng cho chúng ta. Nó là duy nhất. Nó là niềm vui mà chính bản thân Ngài có. Nó là một thông điệp cho tất cả chúng ta, cho tất cả những người thiện chí, điều mà Chúa Giêsu vẫn truyền đạt ngày nay trong một thế giới chỉ tán dương những người trở nên giàu có và quyền lực … Không biết bao nhiêu lần chúng ta nói rằng, “À, tôi muốn trở nên giống ông ta, giống bà ta, là người giàu có, có nhiều quyền lực, chẳng thiếu thốn gì …” Thế gian tung hô những người giàu có và quyền lực, bất kể bằng cách nào, và có khi chà đạp lên con người và phẩm giá của họ. Và chúng ta nhìn thấy điều này mỗi ngày, người nghèo bị chà đạp dưới chân … Và đó là thông điệp cho Giáo hội, được kêu gọi để sống những mối phúc thương xót và để rao giảng phúc âm cho người nghèo, để trở nên hiền hậu và khiêm nhường. Đây là điều Chúa muốn cho Giáo hội của Người, tức là tất cả chúng ta.

Xin Mẹ Maria, là Đấng khiêm nhường nhất và cao trọng nhất trong các loài thụ tạo, khẩn xin Thiên Chúa sự khôn ngoan trong lòng cho chúng ta – sự khôn ngoan trong lòng – để chúng ta có thể phân định những dấu chỉ trong cuộc sống của chúng ta và trở thành những người chia sẻ các mầu nhiệm được mặc khải cho người khiêm nhường, và ẩn giấu đối với những người kiêu ngạo.

________________________________________________________

Sau Kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến,

Tuần này, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết đề xuất một số biện pháp nhằm đối phó với những hậu quả tàn phá của virus Covid-19, đặc biệt cho các khu vực đang có xung đột. Yêu cầu ngừng bắn trên toàn cầu và ngay lập tức, cho phép thời gian có hòa bình và an ninh cần thiết để cung cấp sự hỗ trợ nhân đạo tối cần là rất đáng khen ngợi. Tôi hy vọng rằng quyết định này sẽ được thực hiện một cách hiệu quả và kịp thời vì lợi ích của nhiều người đang đau khổ. Ước mong Nghị quyết này của Hội đồng Bảo an trở thành bước đi can đảm đầu tiên hướng tới một tương lai hòa bình.

Cha thân ái chào tất cả anh chị em từ Roma và anh chị em hành hương đến từ nhiều quốc gia. Đặc biệt cha xin chào anh chị em người Ba Lan: chào anh chị em! Và cha chúc lành cho cuộc hành hương lớn của gia đình Radio Maria đến Đền thờ Częstochowa, sẽ diễn ra vào Thứ Bảy tới, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thánh Gioan Phaolô II, là Đấng chọn khẩu hiệu “Tất cả là của Mẹ.” Một lời chúc lành gửi đến cuộc hành hương đó.

Và cha chúc tất cả anh chị em một Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/772020]


Corona và thông điệp tình yêu

Corona và thông điệp tình yêu
Elijah Interfaith Institute

Corona và thông điệp tình yêu

Luật sư Maria Voce và Imam Feisal Abdul Rauf
02 tháng Bảy, 2020 01:09
 
Bài viết của Alon Goshen-Gottstein, chuyên gia đối thoại liên tôn

Sau phần giới thiệu loạt bài “Coraspaspection”, sự kiện tập hợp 40 nhà lãnh đạo tôn giáo trên toàn thế giới để suy tư về những thách đố tinh thần do COVID-19 mang lại, bao gồm “cái nhìn từ Roma”, trình bày Đức Thánh Cha Phanxico và Đức Rabbi Ricardo Di Segni, chúng tôi muốn tóm tắt thêm một đóng góp quan trọng của Kitô giáo, cũng của Ý, và liên kết nó với một đóng góp quan trọng của Hồi giáo.

Bà Maria Voce là Chủ tịch của phong trào Focolare. Phong trào Giáo dân Công giáo này hiện diện trên toàn thế giới và lấy cảm hứng ban đầu từ việc đón nhận tình yêu của Thiên Chúa như là liều thuốc giải cho cuộc sống người dân bị tàn phá trong những thời gian chiến tranh. Cốt lõi của nó là tầm nhìn về sự hiệp nhất và tình huynh đệ của nhân loại. Thật thú vị khi liên kết thông điệp của bà với thông điệp của đức Imam Feisal Abdul Rauf, một tác giả Sufi lừng danh, một nhà hoạt động, là người cũng tìm cách làm hiện thực tầm nhìn về sự hiệp nhất trong xã hội và giữa các tôn giáo theo cách riêng của ông. Trong cả hai đóng góp, chúng ta có thể nhận thấy những cơ sở của một nguyên tắc chung nền tảng trong đời sống tinh thần của hai tôn giáo – tình yêu.

Đối với bà Maria Voce, chúng ta có thể xem tình yêu là động lực cốt lõi trong công việc của bà và của tổ chức. Những quyết định của bà trong cuộc khủng hoảng COVID-19 được đưa ra theo nguyên tắc yêu thương, trong đó bà tìm cách liên kết với những người bị ảnh hưởng bởi quyết định của mình. Tình yêu cũng là sức mạnh tinh thần mà nhờ nó người ta có thể đối mặt với một trong những thách đố chính do tình hình COVID tạo ra. Những cuộc phỏng vấn với các nhà lãnh đạo đặt ra câu hỏi làm thế nào để đối phó với nỗi sợ hãi và hoảng loạn. Dựa trên những lời dạy của Nhà sáng lập phong trào Focolare là bà Chiara Lubich, bà Voce quay lại với lời dạy nền tảng rằng chỉ có yêu thương mới xua tan được nỗi sợ hãi. Tình yêu đó được mô phỏng như tình yêu của người mẹ. Tình yêu của người mẹ dành cho những đứa con của bà mang đến cho bà lòng can đảm để thực hiện được những kỳ tích đặc biệt, ngay cả khi nỗi sợ đó vẫn còn trong lòng bà. Sự phong tỏa trong thời gian COVID được nhìn qua lăng kính của tình yêu. Sống trong những không gian sống khép kín và những thách thức nối tiếp là những cơ hội và lời mời gọi để thực thi tình yêu. Yêu thương cần phải sáng tạo. Hãy để tình yêu gợi mở cho chúng ta không phải hàng trăm mà là hàng ngàn cách thức khả thi dành cho người khác, dù họ ở gần hay ở xa, kể cả bằng cách sử dụng những phương tiện kỹ thuật có sẵn cho chúng ta. Các vấn đề có thể phát sinh trong tương lai, ngay cả khi đại dịch này đã đi qua. Chúng ta phải đối mặt với những vấn đề này với niềm tin rằng có một Đấng đưa lịch sử tiến bước vì lợi ích của chúng ta. Đấng đó là Thiên Chúa, Đấng là Tình yêu, Ngài yêu thương mọi người và do đó sẽ mang đến điều tốt đẹp từ tất cả những hoàn cảnh này. Rõ ràng, quan điểm Kitô giáo về Thiên Chúa là tình yêu cung cấp nền tảng cho trung tâm tính của sự yêu thương là thông điệp cốt lõi của Giáo hội và là nguyên tắc nền tảng để đương đầu với các thử thách, cho dù do COVID-19 gây ra hay điều gì khác. Tình yêu cũng là nền tảng của hy vọng. Quan điểm của Giáo hội là tính lạc quan. Sự lạc quan này đến từ niềm tin vào tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương công trình tạo dựng, các tạo vật của Người, tất cả mọi người và Thiên Chúa là Tình yêu. Do đó, điều này trở thành nền tảng cho quan điểm sống là hy vọng. Trong khi chúng ta còn sống trên trần gian thì chúng ta phải sống cho tình yêu, để chúng ta có thể để lại cho thế gian một thông điệp về yêu thương sẽ tiếp tục dẫn đưa vào đời sống trường sinh.

Nếu tình yêu là thông điệp trung tâm của bà Maria Voce, thì đó cũng là một trong những thông điệp quan trọng được đức Imam Abdul Rauf làm nổi bật. Thông điệp của đức Rauf xoay quanh nỗ lực để có được một tầm nhìn của Thượng Đế về thực tại, điều mà ngài gọi là nhãn giới lấy Thượng Đế làm trung tâm. Điều này đi vào cốt lõi của việc xác định bản sắc riêng. Chúng ta cần phải tìm ra phần ổn định thực sự của bản sắc, đó là hình ảnh thiêng liêng và là hơi thở của nước trời trong chúng ta. Trong thực tế, tất cả chúng ta là một. Động lực cho tình hiệp nhất thể hiện mục tiêu cho sự tìm kiếm của phong trào Focolare ở đây lại được khẳng định như là nền tảng trong nguyên tắc quan trọng nhất của Hồi giáo, quan trọng hơn bất kỳ sự tuân giữ cụ thể nào – sự hiệp nhất của Thiên Chúa. Điều này lại dẫn đức Abdul Rauf đến với tình yêu. Trích dẫn lời Chúa Giêsu, đức Imam Abdul Rauf trích dẫn hai điều răn lớn – yêu mến Thiên Chúa và yêu thương anh em. Yêu mến Chúa và yêu thương tha nhân tùy thuộc vào việc yêu chính bản thân mình. Tình yêu cao vời nhất là sự yêu thương chính mình của Thiên Chúa, và Người đã tạo dựng nên chúng ta như một cách thể hiện tình yêu của Người. Bạn yêu mến Chúa qua cách yêu thương người khác, và yêu thương công trình tạo dựng. Coronavirus đang kiểm tra khả năng tình yêu thương nhau của chúng ta. Khi bạn yêu Chúa, bạn cũng yêu cả sự cô độc, chính nó là một trong những hậu quả của coronavirus. Do đó, một người tiến tới trên hai con đường – yêu mến Thiên Chúa trong sự cô độc và yêu thương tha nhân, trong hành động và trong những việc thiện. Giống như bà Voce, đức Abdul Rauf đánh giá công việc của các chuyên viên y tế là một cách thể hiện của tình yêu. Bất kể trong sự cô độc và chiêm ngắm hay trong hành động và phục vụ, cộng đồng nói chung thể hiện một tầm nhìn chung về tình yêu trong những cách thể hiện có sự tương quan với nhau, yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/7/2020]