Thứ Năm, 18 tháng 1, 2018

Đức Thánh Cha thăm các nữ tù nhân ở Santiago: Toàn văn

Đức Thánh Cha thăm các nữ tù nhân ở Santiago: Toàn văn

Đức Thánh Cha thăm các nữ tù nhân ở Santiago: Toàn văn

Đức Thánh Cha Phanxico đến thăm những tù nhân đang bị giam giữ tại Trung tâm Phục hồi Nhân phẩm Phụ nữ San Joaquin ở Santiago. Đây là lần đầu tiên một Đức Giáo hoàng đến thăm một nhà tù nữ.

16 tháng Một 2018, 18:55
Ngày đầu tiên trong chuyến thăm đến Chile, Đức Thánh Cha Phanxico đã dành thời gian với những tù nhân đang bị giam giữ tài nhà tù nữ San Joaquín ở Santiago.

Đây là trung tâm phục hồi phẩm giá nữ lớn nhất của Chile và hiện đang giam giữ 650 tù nhân, hầu hết đều bị kết án buôn bán ma túy.

Đa số những phụ nữ trong nhà tù San Joaquín là những người mẹ. Trẻ em có thể sống với họ trong nhà tù cho đến khi chúng được hai tuổi và sau đó chúng có thể đến thăm hàng tuần.

Đức Thánh Cha gặp gỡ khoảng năm trăm tù nhân, cùng với các cha tuyên úy và một nữ tu có trách nhiệm chăm sóc mục vụ cho các tù nhân.
Dưới đây là toàn văn những lời chào thăm của ngài gửi đến các phụ nữ:

Chào các anh và các chị:

Xin cảm ơn vì đã cho cha cơ hội đến thăm các con. Điều quan trọng đối với cha là được chia sẻ thời gian này với các con và được đến gần hơn với những người anh em chị em đã bị mất sự tự do. Cảm ơn Xơ (Sister) Nelly, với những lời rất đẹp của Xơ và đặc biệt với chứng tá rằng sự sống luôn luôn chiến thắng sự chết. Cảm ơn con, Janeth, đã lên đây và chia sẻ nỗi đau của con với tất cả chúng ta, và sự can đảm của con xin được tha thứ. Thật quá nhiều điều chúng ta phải học từ hành động can đảm và khiêm nhường của con! Cha trích dẫn lại lời của con: “Chúng tôi xin sự tha thứ của tất cả những người mà chúng tôi đã làm hại bằng những hành động xấu xa của chúng tôi.” Cha cảm ơn con vì đã nhắc nhở chúng ta rằng nếu không có hành động này thì chúng ta đánh mất nhân tính. Chúng ta quên rằng chúng ta đã làm sai và rằng mỗi ngày là một lời mời gọi phải bắt đầu trở lại.

Cha cũng nhớ đến lời của Chúa Giê-su: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8:7). Chúa Giê-su yêu cầu chúng ta phải gạt đi lối suy nghĩ nông cạn về sự phân chia thực tại thành xấu và tốt, và phải đi vào một quan niệm khác biết chân nhận ra những yếu đuối, những giới hạn và thậm chí tội của chúng ta, và từ đó giúp chúng ta tiến bước.

Khi cha vào đây, hai người mẹ gặp gỡ cha cùng với con của họ và hoa. Họ là những người chào đón cha, và sự chào đón của chọ chỉ có thể diễn tả một cách rất đẹp bằng ba từ: mẹ, con và hoa.

Mẹ. Rất nhiều người trong chúng con đang là mẹ và chúng con hiểu rõ ý nghĩa của việc mang một sự sống mới đi vào thế giới. Chúng con đã có thể “mang trong mình” một sự sống mới và để mầm sống chào đời. Thiên chức làm mẹ không là, và sẽ không bao giờ là một vấn đề. Nó là một món quà, và là một trong những món quà tuyệt vời nhất mà chúng con từng có được. Hôm nay chúng con đối diện với một thách đố rất thật: chúng con cũng phải chăm sóc cho sự sống đó. Chúng con có trách nhiệm chăm sóc cho tương lai. Làm cho nó lớn lên và giúp nó phát triển. Không chỉ là cho chúng con, nhưng là cho con của chúng con và cho cả xã hội nói chung. Là phụ nữ, chúng con có một khả năng kỳ diệu là thích ứng với những hoàn cảnh mới và tiến tới. Hôm nay cha thỉnh cầu để khả năng đó đơm hoa kết trái cho tương lai vẫn đang sống trong mỗi người chúng con. Khả năng đó làm cho chúng con có thể chống lại những điều cướp mất giá trị của chúng con và dẫn đến kết cuộc là giết chết hy vọng của chúng con.

Janeth rất đúng: mất tự do không có nghĩa là mất những ước mơ và hy vọng. Mất tự do không giống như mất phẩm giá. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải gạt bỏ tất cả những cách nói sáo rỗng thiển cận cho rằng chúng ta không thể thay đổi, rằng chẳng có gì đáng để cố gắng, rằng sẽ chẳng có gì tạo nên được sự khác biệt. Không, các con thân mến! Có một số điều chắc chắn tạo ra sự khác biệt! Đó là tất cả mọi nỗ lực chúng ta đưa ra để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn – cho dù nhiều khi nó dường như đang đổ xuôi xuống dòng nước – tất cả chúng chắc chắn sẽ trổ sinh hoa trái và được tưởng thưởng.

Từ thứ hai là con. Con cái là sức mạnh, là tương lai, là nguồn động viên cho chúng ta. Chúng là sự nhắc nhở sống động rằng sống là phải sống cho tương lai, không gắn chặt vào quá khứ. Hôm nay sự tự do của chúng con bị mất, nhưng đó không phải là lời nói cuối cùng. Hoàn toàn không! Hãy cứ tiến bước. Hãy ngước trông về ngày chúng con được trở lại với cuộc sống của xã hội. Vì lý do này, cha rất khen ngợi và khuyến khích mọi nỗ lực để làm lan rộng và ủng hộ những dự án như Espacio Mandela và Fundación Mujer levántate.

Tên của tổ chức làm cha nhớ đến trích đoạn Tin mừng trong đó người ta cười nhạo Chúa Giê-su vì Người nói rằng con gái của viên trưởng hội đường không chết, nhưng đang ngủ. Chúa Giê-su cho chúng ta thấy cách để đối lại với sự nhạo báng đó: Người đi thẳng vào phòng của cô bé, cầm lấy tay cô bé và nói: “Này bé, trỗi dậy đi!” (Mc 5:41). Những dự án như cha vừa nói tới là một dấu chỉ sống động của Chúa Giê-su, Người đi vào từng nhà của chúng ta, không màng để ý đến những chế nhạo và không bao giờ từ bỏ. Người nắm lấy tay chúng ta và nói với chúng ta hãy “trỗi dậy.” Điều tuyệt vời là rất nhiều người Ki-tô hữu và những người thiện chí đi theo bước chân của Chúa Giê-su và quyết định đến đây để trở thành một dấu chỉ của bàn tay giang rộng đó vực chúng ta trỗi dậy.

Thật đáng buồn, tất cả chúng ta biết rằng kết án tù chỉ đơn giản là một hình phạt, không đưa ra những cơ hội để phát triển con người. Điều này là không tốt. Ngược lại, những sáng kiến cung cấp sự huấn luyện nghề nghiệp và giúp tái xây dựng những mối quan hệ là các dấu chỉ của hy vọng cho tương lai. Chúng ta hãy giúp những sáng kiến đó lớn lên. Trật tự xã hội không được thu hẹp vào những biện pháp an ninh chặt chẽ hơn, nhưng nên phải quan tâm chính đến những biện pháp phòng ngừa, chẳng hạn như việc làm, giáo dục, và sự tham gia cộng đồng nhiều hơn.

Cuối cùng là từ hoa. Cha tin rằng sự sống chính là “những bông hoa” cho chúng ta thấy mọi vẻ đẹp của nó khi chúng ta chung sức làm việc với nhau, tay trong tay, để làm mọi việc trở nên tốt đẹp hơn, để mở ra những cơ hội mới. Nói đến điều này, cha xin chào rất cả những thừa tác viên mục vụ, những thiện nguyện viên và nhân viên nghề, đặc biệt những cảnh sát và gia đình của họ. Cha cầu nguyện cho tất cả anh chị em. Công việc của anh chị em rất nhạy cảm và phức tạp, và vì thế tôi xin các giới chức cố gắng cung cấp cho anh chị em những điều kiện cần thiết để thực hiện công việc với phẩm giá của mình. Một phẩm giá sinh ra phẩm giá.

Mẹ Maria là Mẹ của chúng ta và chúng ta là con cái của Mẹ. Chúng con là những đứa con gái của Mẹ. Chúng ta hãy xin Mẹ chuyển cầu cho chúng con, cho mỗi đứa con của chúng con và cho những người thân yêu của chúng con. Nguyện xin Mẹ che chở chúng con dưới áo choàng của Mẹ. Và cha xin chúng con, đừng quên cầu nguyện cho cha.

Những bông hoa chúng con tặng cha, cha sẽ mang đến dâng lên Mẹ Đồng Trinh đại diện cho tất cả chúng con. Một lần nữa, cảm ơn rất nhiều!


[Nguồn: vaticannews]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/1/2018]


Đức Giáo hoàng trở lại cung điện Moneda sau vụ “balconazo” của Pinochet

Đức Giáo hoàng trở lại cung điện Moneda sau vụ “balconazo” của Pinochet

Trong chuyến thăm của Đức GIoan Phaolo II, 31 năm trước, nhà độc tài của Chile qua một mưu kế được sắp xếp rất cẩn thận, tìm cách để chụp được tấm ảnh trên ban công bên cạnh Đức Thánh Cha, ngược lại với ý muốn của ngài

Đức Giáo hoàng trở lại cung điện Moneda sau vụ “balconazo” của Pinochet

Đức Gioan Phaolo II và nhà độc tài Augusto Pinochet trong bức ảnh “balconazo” nổi tiếng và gây nhiều tranh cãi.


Pubblicato il 15/01/2018
ANDREA TORNIELLI
CORRESPONDENT TO SANTIAGO


Sáng thứ Ba ngày 16 tháng Một, chỉ còn vài giờ nữa, Đức Thánh Cha Phanxico sẽ bước qua ngưỡng cửa của điện tổng thống Moneda ở Santiago de Chile. Tổng thống Salvador Allende đã chết ở đó, và sau đó trở thành nơi ở của nhà độc tài Augusto Pinochet. Đó là lần đầu tiên một vị Giáo hoàng sẽ đặt chân trở lại sau tình tiết “balconazo” nổi tiếng và gây nhiều tranh cãi, 31 năm về trước, bằng một mưu kế Pinochet đã tìm cách – phá vỡ chương trình và những nghi thức ngoại giao đã thỏa thuận trước - bước lên ban công với Đức Gioan Phaolô II.

Khi ngài đến sân bay Santiago ngày 1 tháng Tư năm 1987, trước sự có mặt của nhà độc tài, Đức Giáo hoàng Wojtyla nói đến “phẩm giá bất biến của nhân vị.” Và một vài giờ sau, tại chân tượng Mẹ Maria vĩ đại, ngài nói ngài chúc lành một cách đặc biệt cho “những dân tộc bị gạt ra bên lề” và “những dân tộc đã chịu đựng những hậu quả của bạo lực.” Ngoại giao Vatican đã đồng ý ba cuộc gặp gỡ với Pinochet, ông ta sợ chuyến thăm của Đức Giáo hoàng người Ba lan có thể tạo ra những làn sóng phản ứng chung chống lại chế độ độc tài: thứ nhất, đón tiếp tại sân bay, sau đó là cuộc gặp chính thức tại điện Moneda, và cuối cùng là tạm biệt. Pinochet, muốn có mặt ở bên cạnh Đức Giáo hoàng nhiều hơn trong tất cả các sự kiện trong lịch trình, đã cố ngăn cản ngài - nỗ lực vô ích - không gặp gỡ các đại diện chính trị của phe đối lập và tìm cơ hội để “chụp được tấm ảnh.”

Người tổ chức những chuyến đi của giáo hoàng khi đó là Cha Dòng Tên Roberto Tucci, về sau là hồng y. Chuyến thăm ngoại giao với người Lãnh đạo Nhà nước Chile được lên lịch lúc 9 giờ sáng ngày 2 tháng Tư và Bộ phận Nghi thức có một cuộc phỏng vấn ngắn, cộng với lời chào các thành viên gia đình của nhà độc tài. Chính phủ bí mật đặt ra một kịch bản rất khác. Trước bình minh, khoảng 7.000 người ủng hộ Pinochet được đưa đến quảng trường phía trước điện Moneda, đòi hỏi và la ó rằng họ muốn gặp Đức Giáo hoàng. Chương trình được thiết kế kéo dài không đầy nửa giờ đồng hồ, đã bị kéo dài hơn, cho đến khi bản đồng ca của các giọng vang lên từ dưới quảng trường ngày càng mạnh hơn: "Juan Pablo Segundo, te quiere todo el mundo"! (Gioan Phaolô II, cả thế giới yêu ngài!) Cuối cuộc đối thoại với Pinochet, Đức Giáo hoàng Wojtyla được dẫn ra một cánh cửa khác với cánh cửa đã được đoàn tháp tùng Vatican đồng ý trước và ngài thấy mình đứng trước một tấm rèm che màu đen rất dày. Nhà độc tài quay sang Đức Thánh Cha và nói, “Thưa giáo hoàng, ở bên ngoài là những người muốn nhìn thấy ngài và chào ngài. Họ đang chờ lời chúc lành của ngài.”

Ngay lúc đó, sĩ quan quân đội kéo tấm rèm cửa và mở cánh cửa trên ban công chính giữa điện tổng thống nhìn xuống quảng trường. Đức Gioan Phaolô II im lặng, cảm thấy bị phản bội, nhưng dĩ nhiên ngài vẫn bước ra và chào những người đang hoan hô ngài. Tình tiết này được đặt tên là "balconazo". Trước khi rời đi, ngài Wojtyla đặt ánh mắt nhìn lạnh lùng vào nhà độc tài, và sau đó - khá tức giận - kể cho những người cộng sự của ngài về những gì đã diễn ra.

Cha Tucci nói, “Pinochet cho phép ông ta cùng bước ra ban công điện tổng thống với ngài, nghịch lại với ý định của ngài. Ông ta đã lừa gạt tất cả chúng tôi. Chúng tôi thuộc đoàn tháp tùng của Đức Giáo hoàng, được đưa vào một phòng chờ nhỏ khác để đợi cuộc phỏng vấn riêng kết thúc. Theo thỏa thuận - thỏa thuận mà tôi đã đồng ý sắp xếp chính xác vị trí của Đức Giáo hoàng - Đức Gioan Phaolô II và Tổng thống không xuất hiện chào đám đông. Ngài Wojtyla phê phán nhà độc tài Chile rất mạnh và không muốn xuất hiện bên cạnh ông ta. Tôi luôn luôn dán mắt vào cánh cửa duy nhất nối phòng khách, nơi chúng tôi đang ngồi, với phòng Đức Giáo hoàng và Pinochet đang ở trong. Nhưng với một hành động được chuẩn bị rất chuẩn xác, họ đã đưa hai người ra một cửa khác. Hai người bước đi trước một tấm rèm màu đen lớn - sau đó Đức Giáo hoàng rất bực mình nói với chúng tôi - và Pinochet và Đức Gioan Phaolô II dừng lại ở đó, làm ra vẻ như ông ta muốn chỉ cho ngài xem cái gì đó. Sau đó tấm rèm đột ngột được kéo ra, và Đức Thánh Cha thấy mình đứng trên một cửa ban công nhìn xuống quảng trường đang đông nghẹt người. Ngài không thể rút lui, nhưng tôi nhớ là khi ngài rời Pinochet ngài trao cho ông ta ánh mắt nhìn rất lạnh lùng.


[Nguồn: vaticaninsider]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/1/2018]