Thứ Năm, 22 tháng 11, 2018

Tiếp Kiến Chung: Đức Thánh Cha tiếp tục những giáo huấn về Mười Điều Răn

Tiếp Kiến Chung: Đức Thánh Cha tiếp tục những giáo huấn về Mười Điều Răn
© Vatican Media

Tiếp Kiến Chung: Đức Thánh Cha tiếp tục những giáo huấn về Mười Điều Răn

Chúng cho thấy ranh giới của cuộc sống

21 tháng Mười Một, 2018 13:30

Đức Thánh Cha tiếp tục loạt giáo lý về các Điều Răn. Trong bài huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung suy niệm: “Chớ muốn vợ chồng người; chớ tham của người” (trình thuật sách Thánh: trích Sách Xuất hành, 17), trong buổi Tiếp Kiến Chung ngày 21 tháng Mười Một, 2018.

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện. Sau đó ngài mời gọi mọi người nhớ đến các Cộng đoàn Dòng Kín nhân ngày Pro Orantibus, được mừng hôm nay.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.


* * *

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Những buổi gặp gỡ của chúng ta nói về Các Giới Răn hôm nay đưa chúng ta đến với Điều Răn Cuối cùng. Chúng ta đã nghe nó từ lúc bắt đầu. Đây không phải là những lời đúc kết của văn bản nhưng còn nhiều hơn thế: chúng là sự kiện toàn cho hành trình đi qua Mười Điều Răn, đụng chạm đến tất cả trọng tâm của những điều đã nói với chúng ta trong Mười Điều Răn. Thật ra chúng không thêm nội dung mới: những cách nói “chớ ham muốn vợ […] hay bất kỳ điều gì khác của người anh em của ngươi” là cách nói ngụ ý trong các Điều Răn về tội ngoại tình và trộm cắp; vậy thì vai trò của những lời này là gì? Có phải là một sự tóm kết? Hay là một điều gì thêm nữa? Chúng ta hiểu rõ rằng tất cả các Điều Răn có vai trò chỉ ra những ranh giới của cuộc sống, những giới hạn mà nếu vượt qua sẽ tàn phá chính bản thân của mình và của anh em, làm hỏng mối quan hệ của con người với Thiên Chúa. Nếu bạn vượt qua ranh giới đó là bạn phá hủy chính bản thân; bạn cũng phá hủy mối quan hệ với Thiên Chúa và mối quan hệ với anh em. Các điều Răn chỉ rõ điểm này. Nổi bật lên trong Điều Răn cuối cùng này là sự thật rằng tất cả mọi sự phạm tội đều phát xuất từ một gốc rễ nội tâm chung: đó là những ham muốn tội lỗi. Tất cả mọi tội đều sinh ra từ một ham muốn xấu xa — tất cả mọi tội. Tâm hồn bắt đầu hướng đến điều đó, và người ta bước vào con sóng đó và cuối cùng là sa vào phạm tội. Nhưng đó không phải là một sự phạm tội theo mô thức thuộc pháp luật: nó là sự phạm tội làm tổn thương chính bản thân và người khác. Chúa Giê-su trình bày một cách đơn giản trong Tin mừng: “Từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế” (Mc 7:21-23).

Vì thế, chúng ta hiểu được rằng toàn bộ hành trình thực hiện theo Mười Điều Răn sẽ chẳng có ích gì nếu nó không chạm tới được mức độ này: đó là tâm hồn con người. Tất cả mọi điều xấu xa này đều sinh ra từ đâu? Mười Điều Răn rất dễ hiểu và sâu sắc về khía cạnh này: điểm đến — Điều Răn cuối cùng — của hành trình này là tâm hồn và nếu tâm hồn không được giải phóng, thì tất cả những gì còn lại sẽ chẳng ích lợi gì bao nhiêu. Đây là một thách đố: đó là giải phóng tâm hồn khỏi mọi điều xấu xa và độc ác. Những giáo huấn của Thiên Chúa có thể tóm gọn lại vào trong một điều duy nhất là vẻ đẹp của đời sống, mà dù trong trường hợp nào đi nữa nó vẫn còn ở trong đời sống của nô lệ chứ chưa phải là đời sống của con cái. Đằng sau chiếc mặt nạ của sự đúng đắn ngột ngạt thường ẩn nấp một điều gì đó kinh khủng.

Thay vì vậy, chúng ta hãy để cho Các Điều Răn này bóc gỡ chiếc mặt nạ của sự thèm muốn vì chúng cho chúng ta thấy sự nghèo nàn của chúng ta, để dẫn dắt chúng ta đến sự xấu hổ thánh thiện. Mỗi người chúng ta hãy tự hỏi mình: Những ham muốn xấu xa nào thường đến với tôi? Lòng ghen tỵ, lòng tham lam, sự nói hành nói xấu? — tất cả những điều này đều xuất phát từ trong con người của tôi. Mỗi người hãy tự chất vấn mình và nó sẽ giúp ích rất nhiều. Con người rất cần có sự xấu hổ thánh thiện này, sự xấu hổ mà nhờ nó con người khám phá ra rằng họ không thể tự mình giải phóng cho mình; sự xấu hổ mà nhờ nó con người biết kêu lên Thiên Chúa để được giải thoát. Thánh Phaolô đã giải thích điều này vô cùng rõ ràng về Điều Răn không được thèm muốn (x. Rm 7:7-24).

Thật vô cùng hão huyền khi nghĩ rằng con người có thể tự mình hiệu chỉnh bản thân mà không cần ơn sủng của Chúa Thánh Thần. Thật là hão huyền khi nghĩ rằng chúng ta có thể thanh tẩy tâm hồn bằng một nỗ lực phi thường của riêng ý chí chúng ta: điều này là hoàn toàn không thể. Điều cần thiết là phải mở lòng mình ra trong mối quan hệ với Thiên Chúa, trong chân lý và trong tự do: chỉ như vậy thì những nỗ lực của chúng ta mới trổ sinh hoa trái vì chính Chúa Thánh Thần dẫn dắt chúng ta tiến bước.

Lề luật Thánh kinh không lừa gạt con người rằng một sự vâng phục theo đúng nghĩa sẽ dẫn đưa con người đến một ơn cứu độ giả tạo và, hơn thế nữa, là không thể đạt được. Lề luật Kinh thánh là dẫn đưa con người đến với sự thật, cụ thể đó là sự nghèo nàn của con người, nó sẽ trở thành một sự mở lòng đích thực và riêng tư trước lòng thương xót của Chúa, lòng thương xót biến đổi và canh tân chúng ta. Thiên Chúa là Đấng duy nhất có thể canh tân tâm hồn chúng ta, với điều kiện là chúng ta mở lòng ra với Người: đó là điều kiện duy nhất. Ngài làm được mọi điều, nhưng chúng ta phải mở cửa tâm hồn ra cho Ngài. Những lời cuối cùng của Mười Điều Răn dạy tất cả chúng ta phải biết chân nhận bản thân là những người hành khất; nó giúp chúng ta biết đặt mình trước những bấn loạn của tâm hồn, biết dừng lại lối sống ích kỷ và trở nên nghèo nàn trong tinh thần, chân thành trước Chúa Cha, cho phép bản thân được cứu độ bởi Chúa Con và được dạy bảo bởi Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là thầy hướng dẫn chúng ta: chúng ta phải cho phép bản thân được trợ giúp. Chúng ta là những người hành khất; chúng ta hãy cầu xin ơn này. “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:3). Đúng vậy, phúc cho những ai biết dừng lại việc lừa gạt chính mình, tin rằng họ có thể tự mình giải thoát khỏi những yếu đuối mà không cần đến lòng thương xót của Chúa, chỉ có lòng thương xót đó mới chữa lành. Chỉ có lòng thương xót của Chúa mới chữa lành tâm hồn. Phúc cho những ai biết thừa nhận những đam mê tội lỗi, và với một tâm hồn thống hối và xấu hổ, không đứng trước mặt Chúa và người khác như là những người công chính nhưng như các tội nhân. Điều Thánh Phê-rô nói với Chúa thật đẹp vô cùng: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” Đây là một lời cầu nguyện rất đẹp: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”

Đây là những người có thể có lòng trắc ẩn, những người có thể thương xót tha nhân vì chính họ đã trải nghiệm được điều đó.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/11/2018]


Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức - Những phép lạ chữa lành 1

Bắt đầu từ hôm nay, Tri Khoan trích dịch quyển Contemporary, Scientifically Validated Miracles Associated with Blessed Mary, Saints and the Holy Eucharist (Những phép lạ đương đại của Mẹ Maria Diễm Phúc, các Thánh và Thánh Thể được khoa học công nhận) và đăng theo từng phần.
___________________________________________________________


Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức

B
Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức




Những lần hiện ra của Trinh nữ Maria Đầy Ơn Phúc với Bernadette Soubirous trong hang Grotto ở Lộ Đức năm 1858 có lẽ là lần hiện ra được biết đến nhiều nhất của Mẹ Maria trong lịch sử — chính cuộc hiện ra của Mẹ thì không được nhiều người biết đến nhưng do hàng ngàn phép lạ chữa lành đã xảy ra nhờ nước trong hang Grotto.

Ngày 11 tháng Hai năm 1858, ngay bên ngoài Lộ Đức, Pháp, Bernadette Soubirous (một cô thiếu nữ 14 tuổi không được học hành nhiều), cùng em gái là Toinette, và một người bạn tên Jeanne Abadie đi tìm củi và xương khô trong hang. Ngay khi em cởi giày và vớ thì một bà dáng người nhỏ, mặc áo màu trắng với thắt lưng màu xanh dương, và đang cầm một chuỗi mân côi bằng vàng hiện ra với em. Bernadette cố làm dấu thánh giá nhưng không thể được vì quá sợ hãi, lúc đó Bà gọi em cùng đọc kinh mân côi với Bà, để lấy lại bình tĩnh cho em. Bernadette là người duy nhất nhìn thấy và nghe thấy Bà.

Khi Toinette về nhà, em kể lại cho mẹ nghe và cả cha mẹ đều phạt hai em vì bịa một “câu chuyện” như vậy. Tuy nhiên, Bernadette lại được thúc đẩy quay trở lại hang, và Bà lại hiện ra với em. Bernadette mang theo nước phép, và rảy vào Bà để xem Bà có lùi lại để tránh nước phép không, nhưng Bà chỉ mỉm cười, đồng thời Bernadette nói với Bà rằng nếu Bà không phải là từ Thiên Chúa thì hãy đi đi. (16) Bà mỉm cười cúi xuống và Bernadette rơi vào trạng thái xuất thần — cảm nhận được sự thánh thiện và tình yêu của Bà. Những bạn cùng đi chứng kiến sự xuất thần này và dường như kéo dài sau khi Mẹ hiện ra. Bernadette trở lại hang Grotto lần thứ ba, và Bà trao cho em các hướng dẫn và trở lại hang thêm một số lần trong suốt hai tuần lễ tiếp theo. Ngày 20 tháng Hai, Bà dạy em đọc kinh và yêu cầu đền tội xin ơn hối cải cho các tội nhân.

___________________________________________________________

16 Vô danh, “Những lần Đức Mẹ hiện ra năm 1858” trên website chính thức của Lộ Đức. https://en.lourdes-france.org/deepen/bernadette-soubirous/the-apparitions.___________________________________________________________


Bernadette trở lại hang Grotto trong nhiều dịp khác và có hàng trăm người đi theo. Website chính thức của Lộ Đức liệt kê những chi tiết quan trọng trong các lần hiện ra như sau: (17)


Chúa nhật 21 tháng Hai. Sáng sớm, cùng đi với Bernadette có khoảng 100 người, sau khi Mẹ hiện ra, thánh nữ được Jacomet, một ủy viên hội đồng cảnh sát thẩm vấn.


Thứ Ba 23 tháng Hai. 150 người cùng đi theo Bernadette đến hang Grotto. Mẹ hiện ra tiết lộ cho thánh nữ một bí mật “chỉ dành riêng cho con.”

Thứ Tư 24 tháng Hai. Thông điệp của Đức Mẹ: “Hãy sám hối! Hãy sám hối! Hãy sám hối! Cầu cho kẻ có tội. Hôn đất như là một hành động đền tội cho các tội nhân!”

Thứ Năm 25 tháng Hai. Ba trăm người có mặt. Bernadette kể lại: “Bà nói tôi hãy đi, uống nước từ mạch nước (....) tôi chỉ tìm thấy một vũng nước nhỏ đục ngầu. Sau lần cố gắng thứ tư tôi đã uống được. Bà cũng bảo tôi ăn cỏ đắng mọc ở gần mạch nước, sau đó thị kiến hết và Bà biến đi.”

Thứ Bảy 27 tháng Hai. Tám trăm người có mặt. Sự hiện ra lần này diễn ra trong im lặng. Bernadette uống nước từ mạch Nước chảy ra và thực hiện những hành động đền tội như thường lệ.

Chúa nhật 28 tháng Hai. Hơn một ngàn người có mặt tại địa điểm diễn ra thị kiến. Bernadette cầu nguyện, hôn đất và quỳ bước đi như là một hành động đền tội. Sau đó thánh nữ được đưa đến nhà Chánh án Ribes người đe dọa tống thánh nữ vào ngục.

Thứ Hai 1 tháng Ba. Hơn 1500 người tập trung và trong số đó, lần đầu tiên có một linh mục. Khi đêm đến, Catherine Latapie, một người bạn của thánh nữ ở Lộ Đức, đi đến hang Grotto, cô nhúng cánh tay bị liệt của mình xuống dòng nước của Mạch nước: cánh tay và bàn tay của cô lấy lại được cử động bình thường.

Nhiều sự chữa lành xảy ra tại hang Grotto (trong đó có bảy trường hợp y khoa không thể giải thích - và đó là phép lạ) đã lôi cuốn ngày càng đông người đến hang. Điều này gây ra nhiều tranh cãi cả trong Giáo hội và trong thị trấn. Một quyết định được đưa ra vào tháng Ba ngăn cấm việc đến hang Grotto nhưng lại dẫn đến hậu quả là thu hút sự chú ý của báo chí và chính quyền quốc gia. Bernadette không bị ngăn cản, và lại đến hang Grotto bị ngăn cấm vào ban đêm trong nhiều lần khác. Một trong những lần như vậy (ngày 25 tháng Ba, 1858) Bà tuyên bố rằng Bà là “Vô nhiễm Nguyên tội.” Lần hiện ra cuối của của Bà vào ngày 16 tháng Bảy năm 1858.

___________________________________________________________

17 Ibid.
___________________________________________________________

Sự tranh cãi liên quan đến việc đóng cửa hang Grotto trở thành một vấn đề quốc gia, buộc Hoàng đế Napoleon III phải chính thức tái mở cửa hang Grotto vào ngày 4 tháng Mười, năm 1858. Giáo hội Công giáo lo lắng về sự nổi tiếng quá lớn của hang Grotto và khả năng người dân có thể bị lầm đường lạc lối, vì vậy Đức Giám mục nhóm họp một ủy ban hội thánh vào tháng Mười Một năm 1858 để điều tra tính xác thực của các lần thị kiến của Bernadette. (18) Ngày 18 tháng Một, năm 1860, Đức Giám mục, với sự cố vấn của ủy ban, đã tuyên bố rằng sự hiện ra là thật. Bernadette được tuyên phong thánh năm 1933. Ngày nay, gần 4 triệu người hành hương đến viếng đền thánh mỗi năm, và hàng trăm người nhận được những phép lạ chữa lành.


B.1
Những phép lạ chữa lành


Từ lần hiện ra đầu tiên của Mẹ Diễm Phúc với Bernadette Soubirous, nước của Hang Lộ Đức đã trở thành nguồn phép lạ chữa lành, cho cả những người đến viếng Hang và cho những người ở các nơi xa sử dụng nước. Tính từ thời điểm của Bernadette, hơn 7.000 phép lạ chữa lành đã được báo cáo với Phòng Y khoa Lộ Đức bởi các khách hành hương đến viếng Lộ Đức (trong đó không bao gồm những phép lạ diễn ra bên ngoài Lộ Đức).

Có quá nhiều sự chữa lành nổi tiếng liên quan đến nước và Hang Lộ Đức đến mức Giáo hội Công giáo quyết định thành lập Phòng Y khoa Lộ Đức dưới sự điều hành của riêng các bác sĩ và các nhà khoa học. Mục tiêu của Phòng là đưa ra phán quyết rằng một sự chữa lành cụ thể phải xảy ra ngay lập tức, và có hiệu quả trong suốt phần đời còn lại, và về tất cả mọi phương diện thì khoa học không thể giải thích được. Phòng có 20 bác sĩ và khoa học gia. Phòng sẵn sàng đón bất kỳ bác sĩ hay nhà khoa học nào muốn thực hiện cuộc điều tra riêng hay muốn thử thách trường hợp nào đó được xem là “phép lạ.”

Từ năm 1883, chỉ có 69 trường hợp được công nhận là “phép lạ” dưới những tiêu chuẩn khắt khe của Phòng. Nhưng điều này không có nghĩa là 7.000 trường hợp được chữa lành khác không phải là phép lạ theo các tiêu chuẩn khác. Đơn giản vì những trường hợp này không hoàn toàn cho thấy không thể giải thích bằng khoa học – mặc dù sự kiện là hoàn toàn khác thường và thậm chí có thể là phép lạ.

69 trường hợp được công nhận bởi Phòng Y khoa Lộ Đức đã được điều tra thật kỹ bởi rất nhiều bác sĩ và các nhà khoa học, và hầu hết các trường hợp đó đều cho thấy là sự chữa lành vĩnh viễn và không thể giải thích được. Bạn có thể tìm danh sách các trường hợp chữa lành ở đây.

Có những sách và websites viết về những trường hợp đặc biệt, nhưng độc giả muốn có thêm thông tin về 69 trường hợp ở trên thì phải đến Phòng Y khoa Lộ Đức. Có thể đặt lịch hẹn qua website sau:
http://en.lourdes-france.org/deepen/cures-and-miracles/miraculous-cures-in-lourdes. Mặc dù nhiều trường hợp trên đây thật sự rất phi thường, nhưng chúng ta chỉ nghiên cứu ba trường hợp có sức ảnh hưởng vượt xa hơn phạm vi cá nhân của người được ơn chữa lành:
  1. Trường hợp của Marie Bailly – được chứng thực bởi nhà vật lý nhận giải Nobel, Alexis Carrell – 1902.
  2. Trường hợp của Gabriel Gargam – 1901.
  3. Trường hợp của John Traynor – 1923.
___________________________________________________________

18 Giáo hội rất cẩn thận trong việc công nhận sự hiện ra của Mẹ Maria là xác thực. APPROVAL FOR MARIAN APPARITIONS (do Thánh bộ Truyền bá Giáo lý và Đức tin chịu trách nhiệm): 1. “Buộc phải có xác tính ức quyết, hay ít nhất là khả năng cao nhất, rằng một điều phi thường đã xảy ra, một điều không thể giải thích bằng những nguyên tắc tự nhiên, hay là sự giả dối cố tình. 2. Người hoặc những người khẳng định đã nhận được sự mạc khải riêng phải khỏe mạnh về tinh thần, trung thực, chân thành, đức hạnh chính trực, và vâng lời thẩm quyền giáo sĩ. 3. Nội dung của mạc khải hay thông điệp phải được thần học công nhận, phù hợp luân lý và hoàn toàn không sai lỗi. 4. Mạc khải phải mang đến những giá trị thiêng liêng tích cực và liên tục: chẳng hạn sự cầu nguyện, hoán cải, và gia tăng lòng đức ái.”

___________________________________________________________


[Nguồn: magiscenter]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/11/2018]