Thứ Tư, 21 tháng 3, 2018

Đức Thánh Cha khai mạc tiền-Thượng Hội đồng của Giới trẻ: mạnh dạn nói và “phải bạo gan”

Đức Thánh Cha khai mạc tiền-Thượng Hội đồng của Giới trẻ: mạnh dạn nói và “phải bạo gan”

Đức Phanxico cùng 300 bạn trẻ từ khắp nơi trên thế giới, “Chúng ta sống trong một văn hóa thần tượng hóa giới trẻ,” “người thất nghiệp bị thất vọng và tự tử hoặc ghi danh vào ISIS”. Sau đó ngài mời gọi chúng ta dám mạo hiểm: “Một cộng đoàn không dám mạo hiểm vẫn là một đứa trẻ”

Đức Thánh Cha chào hai bạn trẻ tham dự cuộc họp tiền Thượng hội đồng

Pubblicato il 19/03/2018
Ultima modifica il 19/03/2018 alle ore 14:57
IACOPO SCARAMUZZI
THÀNH PHỐ VATICAN

“Hãy mạnh dạn nói, đừng xấu hổ gì cả.” Đức Thánh Cha Phanxico khai mạc cuộc họp tiền-Thượng Hội đồng của giới trẻ bằng lời mời gọi hơn 300 bạn trẻ, những người từ mọi châu lục đến Roma, phải “bạo gan,” và ngài nhấn mạnh rằng chúng ta sống trong một văn hóa “thần tượng hóa giới trẻ” nhưng lại “loại trừ nhiều bạn trẻ ra khỏi vai chính,” như được thấy nơi nhiều bạn trẻ bị thất nghiệp cuối cùng sinh chán nản, tự vẫn hoặc ghi danh theo ISIS. Giới trẻ yêu cầu Giáo hội có “sự gần gũi,” và Giáo hội phải lắng nghe họ, cho dù “đôi khi giới trẻ không phải là giải Nobel cho sự khôn ngoan,” vì “một người nam hay nữ không dám mạo hiểm thì không trưởng thành, một cộng đoàn không dám đưa ra những lựa chọn mà tìm cách thoát khỏi sự mạo hiểm vẫn là một đứa trẻ, họ không trưởng thành.”

“Thật vô cùng cần thiết - Đức Thánh Cha nói trong bài diễn từ ngài thường làm hoa mỹ thêm với những từ ngữ tự phát - phải thể hiện ra những gì mỗi chúng con, và mỗi chúng ta, có trong tâm hồn. Hãy mạnh dạn nói, đừng xấu hổ gì cả. Chúng ta hãy bỏ sự xấu hổ đàng sau cánh cửa. Ở đây, tại đây, chúng con hãy mạnh dạn nói: nói ra những gì chúng con cảm nhận, và nếu có ai đó cảm thấy bị xúc phạm, hãy xin tha thứ và tiếp tục. Chúng con biết cách nói như vậy rồi. Nhưng hãy lắng nghe với lòng khiêm nhường. Nếu tôi không thích lắng nghe một ai đó thì tôi lại phải lắng nghe họ nhiều hơn vì mọi người đều có quyền được lắng nghe cũng như mọi người có quyền được nói.”

Sự đóng góp của chúng con, Đức Thánh Cha tiếp tục nói với các bạn trẻ, “là không thể thiếu được, chúng ta cần các con để chuẩn bị cho Thượng Hội đồng sẽ nhóm họp các Đức Giám mục vào tháng Mười về chủ đề “Giới trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi.” Trong nhiều giai đoạn lịch sử của Giáo hội, cũng như trong nhiều chương của Sách Thánh, Thiên Chúa nói chuyện qua những người trẻ tuổi nhất: ví dụ cha đang nghĩ đến Sa-mu-en, Đa-vít và Đa-ni-en. Cha rất thích Sa-mu-en khi cậu nghe thấy tiếng Chúa, Kinh thánh kể: “Lúc đó chưa có thói quen lắng nghe tiếng Thiên Chúa, người ta thường bị lúng túng. Chính một thiếu niên đã mở ra cánh cửa đó. Trong những giai đoạn khó khăn, Thiên Chúa làm cho lịch sử tiến tới qua những người trẻ tuổi. Họ nói sự thật. Họ không xấu hổ … Không phải cha nói là họ không biết xấu hổ, nhưng họ không ngại và họ nói lên sự thật. Và Đa-vít cũng bắt đầu với lòng can đảm đó, và với tội của ông: tất cả họ sinh ra không phải là thánh nhân, không phải là người công chính, không phải là những mẫu gương cho người khác, tất cả họ đều là những người nam nữ cũng phạm tội, nhưng họ là những người cảm thấy lòng khát khao làm điều gì đó tốt lành, Thiên Chúa thúc đẩy họ và họ tiến tới: và điều đó thật vô cùng đẹp. Chúng con, những người trẻ tuổi có quá nhiều sức mạnh để làm rất nhiều điều: cười, khóc: chúng ta là người lớn đã quên cách khóc rồi … chúng ta đã quá quen với nó, “đây là bản chất của thế giới, hãy để cho họ khám phá ra nó … Vì lý do này, cha thúc giục chúng con: hãy can đảm trong những ngày này, hãy nói lên mọi điều hiện lên trong đầu chúng con, nếu chúng con có mắc lỗi sẽ có người sửa cho chúng con.”

“Cha cảm ơn vì chúng con đã nhận lời mời, một số chúng con đã phải thực hiện chuyến đi dài, trong khi có những bạn khác kết nối trên mạng “suốt đêm” thay vì đi ngủ. Bây giờ đã có 15340 bạn, hy vọng ngày mai sẽ có nhiều người hơn. Chúng con đến từ nhiều nơi trên thế giới và đem đến một sự rất đa dạng của các dân tộc, các nền văn hóa và thậm chí là tôn giáo: không phải tất cả chúng con đều là người Công giáo và Ki-tô giáo, thậm chí không phải tất cả là người có tín ngưỡng, nhưng chắc chắn tất cả chúng con được thúc đẩy bởi khát khao cho đi cái tốt nhất của bản thân. Và cha hoàn toàn tin tưởng điều đó,” Đức Thánh Cha nói.

Đức Jorge Mario Bergoglio nhấn mạnh, “Quá nhiều lúc chúng ta nói về người trẻ nhưng lại không hỏi ý kiến họ trước. Khi ai đó muốn mở một chiến dịch, họ khen ngợi người trẻ nhưng họ không để cho tuổi trẻ đặt vấn đề: tâng bốc là một cách làm hài lòng con người. Nhưng giới trẻ không phải là những người khờ dại hay ngu ngốc, họ hiểu điều đó. Chỉ những người ngốc mới không hiểu. Trong tiếng Tây Ban nha có một câu nói rất hay rằng “hãy tâng bốc một kẻ khờ dại và bạn sẽ thấy họ làm việc,” vì họ là những người khờ dại, và họ không để ý, nhưng chúng con đâu phải là những người khờ dại! Đức Phanxico tiếp tục, ngay cả những cuộc khảo sát tốt nhất trong thế giới tuổi trẻ là hữu ích nhưng chúng không thể thay thế cho những cuộc họp mặt trực tiếp. Hãy nhìn đến số lượng những bài viết, những hội nghị về giới trẻ ngày nay: nhưng cha muốn nói với chúng con một điều: giới trẻ không tồn tại, những người trẻ tồn tại bằng những câu chuyện, những khuôn mặt, những cách nhìn và ảo tưởng. Người trẻ thì có. Nói về tuổi trẻ thì dễ, bạn đưa ra những trừu tượng hóa về số phần trăm, nhưng con tim của bạn nói lên điều gì? Hãy nói chuyện, và chăm chú lắng nghe giới trẻ. Và cho dù đôi khi giới trẻ không phải là giải Nobel cho sự khôn ngoan - Đức Thánh Cha nói giữa tiếng cười của thính giả - cho dù có lúc họ nói giống như “cái tát vào mặt,” thì chúng ta vẫn phải lắng nghe họ. Một số người nghĩ rằng giữ chúng con “ở một khoảng cách an toàn” sẽ dễ dàng hơn để không bị chúng con chọc tức. Nhưng nếu chỉ trao đổi những tin nhắn hoặc chia sẻ những bức ảnh đẹp là không đủ. Giới trẻ phải được trao đổi nghiêm túc!”

“Đối với cha dường như chúng ta đang bị vây quanh bởi một văn hóa, về một mặt nó thần tượng hóa tuổi trẻ cao niên - Đức Giáo hoàng người Argentina nhấn mạnh - nhưng mặt khác nó loại trừ nhiều người trẻ khỏi vai chính của họ. Nó là một triết lý của sự “trang điểm,” những người lớn trang điểm vào để trông được trẻ hơn, và rồi họ không để cho giới trẻ lớn lên. Họ không cho phép bản thân đặt vấn đề. Chúng con thường bị gạt ra khỏi đời sống cộng đồng và phải đi nài xin những việc làm không lấy gì là bảo đảm cho chúng con một tương lai. Cha không biết điều này có xảy ra trong mọi quốc gia của chúng con hay không nhưng chắc chắn nó xảy ra ở nhiều nơi. Cha không lầm đâu, tỷ lệ tuổi trẻ thất nghiệp ở nước Ý này trong độ tuổi 25 và cao hơn là khoảng 35%, ở một quốc gia Châu Âu khác sát biên giới với Ý tỷ lệ này là 47%, và ở một quốc gia khác nữa nó hơn 50 phần trăm. Một người trẻ tuổi sẽ làm gì khi không thể tìm được việc làm? Họ sa sút tinh thần, thất vọng và rơi vào nghiện ngập, tự tử … thật kỳ lạ là thống kê số tự tử trẻ tuổi tất cả đều không thật … họ tự tử, nổi loạn, hoặc lên máy bay sang một thành phố mà cha không muốn nêu tên ở đây rồi ghi danh vào ISIS hay một nhóm khác thuộc những phong trào du kích này để tìm thấy một mục đích cho cuộc sống của họ và kiếm được tiền lương tháng. Và đây là một tội thuộc về xã hội và xã hội phải chịu trách nhiệm về nó: cha muốn chúng con nói ra cho chúng ta biết những nguyên nhân, những lý do: cha không biết rõ, nhưng nó sẽ giúp ích chúng ta rất nhiều nếu biết được chúng con đã sống trong những hoàn cảnh nặng nề này như thế nào. Chúng con thường bị bỏ cô đơn. Nhưng sự thật là chúng con là những nghệ nhân kiến tạo văn hóa, bằng phong cách và nguồn cội của chúng con, chúng con có thể xây dựng một văn hóa chưa rõ ràng nhưng đang tiến tới.

Đức Thánh Cha nói, “Đây là một không gian để cảm nhận văn hóa của chúng con. Trong nhà thờ thì không phải như vậy, đóng cửa và không cảm nhận. Tin mừng yêu cầu chúng ta phải làm điều này: thông điệp về sự gần gũi mời gọi chúng ta gặp gỡ và tiếp xúc với nhau, chào đón và yêu thương nhau thật lòng, cùng đồng hành với nhau và chia sẻ không hề sợ hãi. Cuộc họp Tiền Thượng Hội đồng này với ngụ ý là một dấu chỉ của một điều lớn lao: Giáo hội sẵn sàng lắng nghe tất cả mọi người trẻ tuổi, không ai bị loại trừ, và điều này không dành cho chính trị, hay có được “tình cảm tuổi trẻ” giả tạo, nhưng vì chúng ta cần hiểu rõ hơn những gì Thiên Chúa và lịch sử đang đòi hỏi nơi chúng ta.

Đức Phanxico nói, “Trong Giáo hội chúng ta phải học những cách thức mới để hiện diện và gần gũi với nhau. Cha chợt nhớ khi ông Môi-sê muốn nói với dân Chúa điều cốt lõi của tình yêu của thiên Chúa, ông nói: “Hãy nghĩ xem, ai là người muốn Thiên Chúa gần gũi? Tình yêu là sự gần gũi. Và họ, những người trẻ hôm nay, yêu cầu Giáo hội gần gũi với họ: chúng con những người Ki-tô hữu tin tưởng vào sự gần gũi của Đức Ki-tô, thì người Công giáo phải gần gũi với nhau, không phải là xa nhau. Và chúng con biết rất rõ rằng có rất nhiều cách để lánh xa nhau. Mọi người rất lịch sự, và đeo găng tay trắng, đứng xa xa để tay họ không bị lấm bẩn … Giới trẻ hôm nay yêu cầu chúng ta gần gũi với người Công giáo, người Ki-tô hữu, người có tín ngưỡng và người vô tín ngưỡng. Đức Phanxico sau đó trích dẫn “Thông điệp tuyệt đẹp của Vatican II cho giới trẻ,” và tiếp tục nhấn mạnh rằng “ngày nay nó là một tác nhân để chiến đấu chống lại mọi sự ích kỷ và để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn với lòng can đảm. Nó là một lời mời gọi tìm ra những con đường mới và bước đi trên những con đường đó với lòng dũng cảm và tin tưởng, luôn giữ ánh mắt nhìn về Chúa Giê-su và mở lòng mình ra cho Chúa Thánh Thần, để làm trẻ lại khuôn mặt của Giáo hội. Vì chính trong Chúa Giê-su và trong Thần Khí mà Giáo hội luôn tìm được sức mạnh để canh tân mình, bằng cách xem xét lại bản thân, xin sự tha thứ cho những sự mỏng giòn và sự thiếu sót của mình, để đặt mình vào sự phục vụ tất cả mọi người mà không ngại ngần, với một ý định duy nhất là trung thành với sứ mạng mà Chúa đã trao phó cho Giáo hội: sống và loan báo Tin mừng.” Tất cả chúng con, Đức Thánh Cha nói với các bạn trẻ, “cùng chung sức trong việc làm trổ sinh hoa trái này. Dù chúng con là người Công giáo, người Ki-tô hữu, hay thuộc các tôn giáo khác hoặc người vô tín ngưỡng, chúng ta đều kêu gọi chúng con chung sức trong việc làm màu mỡ này, để trao tặng sự sống.”

Đức Thánh Cha tiếp tục, “Chúng ta cần phải tìm sức mạnh nơi Thiên Chúa để sửa lại sau những vấp ngã, để tiến bước, để củng cố sự vững tin vào tương lai, và chúng ta cần lòng can đảm dám đi trên những con đường mới, cho dù nó có những nguy hiểm. Chúng ta phải dám mạo hiểm, vì tình yêu biết phải mạo hiểm như thế nào; nếu không mạo hiểm, người trẻ trở nên già nua, và Giáo hội cũng trở nên già. Vì thế, chúng ta cần các con, những người bạn trẻ, những tảng đá sống của một Giáo hội với một khuôn mặt trẻ trung, không phải nhờ những thứ trang điểm: không phải là sự trẻ hóa nhân tạo, nhưng bằng cách làm tươi sáng lại từ bên trong. Một người nam hoặc nữ không dám mạo hiểm - Đức Thánh Cha nhấn mạnh - thì không trưởng thành. Một cộng đoàn không dám đưa ra những lựa chọn mà chỉ tìm cách thoát khỏi sự mạo hiểm vẫn là một đứa trẻ, họ không trưởng thành. Hãy mạo hiểm! Với những lời khuyên phải cẩn trọng, nhưng cứ tiến bước. Chúng con có biết chuyện gì xảy ra cho một người trẻ tuổi không dám mạo hiểm không? Họ trở nên già nua và về hưu ở tuổi hai mươi. Những người trẻ già nua và Giáo hội cũng vậy. Cha nói điều này với một nỗi đau: không biết bao nhiêu lần cha nhìn thấy những cộng đoàn Ki-tô hữu, thậm chí những người trẻ tuổi, đã trở nên già nua vì họ e sợ, e sợ bước ra ngoài, bước ra ngoài đến những vùng ngoại vi của cuộc sống, đi đến những nơi mà tương lai rất mập mờ. Một mặt nó có thể là sự cẩn trọng và đây là nhân đức, nhưng mặt khác nó là sự sợ hãi.

Đức Thánh Cha nói, “chúng con đã làm cho chúng ta phải vượt ra ngoài luận lý rằng “nó luôn được thực hiện theo cách này” để vẫn duy trì một con đường sáng tạo khi đứng trước truyền thống Ki-tô giáo chắc chắn. Luận lý đó là một thuyết đầu độc, một thuyết đầu độc ngọt ngào, nó làm linh hồn thanh thản, nó để lại cho chúng con một chút tê liệt và nó không cho chúng con bước đi. Cha đề nghị người Ki-tô hữu phải đọc sách Công vụ Tông đồ: sự sáng tạo của những con người đó, những con người biết cách tiến tới như thế nào bằng một sự sáng tạo làm chúng ta phải hoảng sợ. Chúng con tạo ra một văn hóa mới, nhưng hãy cẩn thận: không thể diệt trừ văn hóa này. Tiến lên một bước nhưng phải luôn giữ cội nguồn trong tâm trí … đừng quay trở lại với cội nguồn vì cuối cùng chúng con sẽ bị chôn vùi, nhưng cứ tiến lên một bước nhưng phải luôn giữ lấy cội nguồn trong tâm trí. Và cội nguồn đó là người lớn tuổi. Do đó sự quan trọng là lắng nghe người lớn tuổi” Đức thánh Cha nhắc lại lời của ngôn sứ Giô-en: “Người già được báo mộng, thanh niên thấy thị kiến.”

“Một sự đối thoại gần gũi là điều chúng ta cần để hòa hợp với các thế hệ trẻ,” Đức Thánh Cha kết luận. “Vì vậy, cha mời gọi các con, trong tuần này hãy nói một cách chân thành và tự do. Cứ bạo gan lên! Chúng con là những vai chính và điều quan trọng là chúng con phải nói một cách cởi mở. “Nhưng con xấu hổ lắm, đức hồng y sẽ nghe thấy con” … Ồ, đúng, ngài sẽ nghe chúng con, ngài quen với việc đó rồi. Cha bảo đảm với chúng con rằng sự đóng góp của chúng con sẽ được đón nhận một cách nghiêm túc. Bây giờ cha muốn cảm ơn chúng con; và cha xin chúng con, đừng quên cầu nguyện cho cha. Và với những bạn không thể cầu nguyện, ít nhất hãy nghĩ tốt về cha.”


[Nguồn: vaticaninsider]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/3/2018]


10 ngôi sao Hollywood là người Công giáo

10 ngôi sao Hollywood là người Công giáo

15 tháng Ba, 2018
PIERCE BROSNAN

Một số tên có thể rất quen thuộc, nhưng quan trọng hơn đây là cách họ chia sẻ tầm quan trọng của đức tin đối với họ.

Jim Caviezel có lẽ là diễn viên nói thẳng thắn nhất về tầm quan trọng đức tin của anh, dưới đây là một số tên tuổi lớn khác của Hollywood đặt Thiên Chúa vào trung tâm cuộc sống của họ. Với một số người đã trải qua những khó khăn trong đời thì niềm tin đã giúp họ vượt qua. Dưới đây là một cái nhìn thoáng qua những gì họ đã chia sẻ rộng rãi về tầm quan trọng của đức tin Công giáo và ảnh hưởng của nó trong cả sự nghiệp và cuộc sống gia đình của họ.
10 ngôi sao Hollywood là người Công giáo
Bài này được đăng lần đầu trên Aleteia phiên bản tiếng Pháp và được dịch lại ở đây cho độc giả tiếng Anh.

10 ngôi sao Hollywood là người Công giáo


2. GARY SINISE

Ông nổi tiếng với vai diễn trong loạt truyền hình CSI: New York, cũng như trong các phim "Forrest Gump," "Apollo 13," và "The Green Mile." Đã kết hôn và có ba con, diễn viên đã trở lại Công giáo năm 2010. Ông tham gia rất nhiều trong công tác bác ái, trong đó có sự nghiệp giáo dục cho 300.000 trẻ em Iraq.

©DFee/Shutterstock


10 ngôi sao Hollywood là người Công giáo


3. MARK WAHLBERG

Diễn viên, nhà sản xuất, và người đàn ông của gia đình đi lễ hàng ngày, thậm chí cả lúc đi đóng phim. “Khi tôi chú tâm vào niềm tin thì những điều tuyệt vời bắt đầu đến với tôi,” Wahlberg nói trong một cuộc phỏng vấn với The Catholic Herald. "Tôi không có ý nói riêng đến sự nghiệp chuyên môn. Tôi muốn phục vụ Thiên Chúa và muốn là một người tốt … Là một người Công giáo đó là khía cạnh quan trọng nhất của cuộc đời tôi.”

©Carl Court/Getty Images/AFP


10 ngôi sao Hollywood là người Công giáo
4. AL PACINO

Một vai diễn thường thấy trong những phim gangster, diễn viên Công giáo này chia sẻ trong một phỏng vấn rằng nơi duy nhất ông được phép cư xử như một người con là trong “nhà thờ, nhà trường, và trong rạp chiếu phim.” Vào đầu thập niên 1970, sau một lần xa rời tôn giáo đột ngột, Al Pacino bắt đầu trở lại với Giáo hội - thật thú vị đó là trong suốt thời gian quay bộ phim Bố già (The Godfather).

©Featureflash Photo Agency/Shutterstock


10 ngôi sao Hollywood là người Công giáo
5. MEL GIBSON

Diễn viên đã làm đạo diễn, sản xuất, và đồng viết kịch bản bộ phim thành công lớn của Hollywood The Passion of the Christ (Cuộc Khổ Nạn của Đức Ki-tô), thủ vai chính là diễn viên Công giáo Jim Caviezel. Người cha của chín đứa con không giấu giếm sự thật rằng tác phẩm của ông được gợi cảm hứng chủ yếu từ đức tin của ông. Chính ông đã trải qua những khoảng thời gian khó khăn, Gibson rất sùng đạo đang dùng những kinh nghiệm của ông hoạt động tích cực trong công tác xã hội và đã giúp nhiều ngôi sao bỏ nghiện ma túy.

©Featureflash Photo Agency/Shutterstock


10 ngôi sao Hollywood là người Công giáo
6. ANTONIO BANDERAS

Diễn viên và đạo diễn người Tây Ban nha và cũng là một viên chức của một hội ái hữu giáo dân Công giáo Roma ở Malaga, Tây Ban nha, hàng năm tham gia vào những đoàn diễu hành Tuần Thánh của thành phố. Quay trở lại năm 2011, ông chia sẻ với tạp chí Paris Match của Pháp: “Tôi là một người Công giáo, nhưng lúc tôi 16 hay 17 tuổi, khi tôi bắt đầu rất lý sự, tôi tự nhủ: ‘Không được, tất cả những điều đó đều là không thể.’ Rồi đến một độ tuổi tôi cần linh đạo. Tất cả những gì tôi phải làm là dựa vào lời của Chúa Giê-su, tuyệt đối không thể thiếu và là điều mà tôi không mảy may nghi ngờ: ‘tình yêu.’”

©JORGE GUERRERO / AFP


10 ngôi sao Hollywood là người Công giáo
7. ANDY GARCIA

Trong thời gian ra mắt bộ phim Cristiada, hay còn có tên For Greater Glory (2014), trong đó ông thủ vai chính, diễn viên Mỹ gốc Cuba tiết lộ với National Catholic Register rằng: “Tôi là một người Công giáo. Tôi thực hành đức tin của tôi theo một cách đơn sơ và rất riêng. Tôi tin vào những nguyên tắc mà Chúa Giê-su đã dạy, và tôi cố gắng là một tấm gương tốt cho gia đình tôi và những người khác. Hãy làm cho người khác những gì bạn muốn họ làm cho bạn. Chẳng có gì quá phức tạp. Điều quan trọng là phải có những lời dạy như vậy để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn cho chúng ta.”

© 2012 - ARC Entertainment


10 ngôi sao Hollywood là người Công giáo
8. MARTIN SCORSESE

Bộ phim gần đây nhất của đạo diễn nổi tiếng này là Silence, kể về hai nhà thừa sai Dòng Tên trong thế kỷ 17 ở Nhật. Scorsese đã gặp Đức Thánh Cha Phanxico, ngài rất khen ngợi công trình của Scorsese trong bộ phim. Ông chia sẻ với ký giả người Pháp Yves Calvi: "Mầu nhiệm đức tin là một câu hỏi ám ảnh tôi. Ý nghĩ này không bao giờ rời khỏi tôi và tôi chuyển tải nó vào trong những bộ phim của tôi. Đây là cách tôi khám phá ra tôn giáo, điều đã giúp tôi tìm ra nguồn cội của tôi, những điều tôi phải gánh lấy …

©Imdb


10 ngôi sao Hollywood là người Công giáo
9. PATRICIA HEATON

Từng là một một người mà như cô gọi là “con người hoang dại của Tin lành” sau khi ly dị, người phụ nữ vui tính và là ngôi sao của chương trình "The Middle" và "Everybody Loves Raymond" trở lại Công giáo sau khi chia tay cuộc hôn nhân đầu tiên. Trở thành một người Công giáo nhiệt thành, người mẹ của bốn đứa con đã mất mẹ của chị năm 12 tuổi, và vượt qua được thời gian suy sụp kéo dài bằng cách kêu cầu “các thánh, trong đó có thánh Patrick và Thánh Giu-se trợ giúp, rồi sau đó tôi đến bác sĩ trị liệu.”



10 ngôi sao Hollywood là người Công giáo
10. LEAH REMINI 

Nổi tiếng qua vai diễn trong bộ phim "The King of Queens," ngôi sao điện ảnh cùng với chồng, Angelo Pagén, trở lại Công giáo sau 35 năm là nhà Luận giáo học, và bây giờ chị trở thành một nhà phê bình thẳng thắn của môn này. Nữ diễn viên/nhà hoạt động giải thích cách chị tìm được sự bình an trong tâm hồn khi đi lễ “một mình, ngồi và cầu nguyện và đọc kinh mân côi,” chị nói với tạp chí People. "Đối với tôi, đấy chính là nét đặc thù của tôn giáo: một điều rất đẹp.”



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/3/2018]