Thứ Hai, 29 tháng 11, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 28 tháng 11, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 28 tháng 11, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô


Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 28 tháng Mười Một, 2021

_____________________________


Anh chị em thân mến, buongiorno!

Tin Mừng của phụng vụ Chúa Nhật Thứ Nhất của Mùa Vọng hôm nay, nói với chúng ta về việc Chúa sẽ đến vào thời kỳ cuối cùng. Chúa Giêsu loan báo những biến cố ảm đạm và u buồn, nhưng chính vào thời điểm này, Ngài lại mời gọi chúng ta đừng sợ hãi. Tại sao? Vì mọi thứ rồi sẽ ổn chăng? Không, nhưng vì Ngài sẽ đến. Chúa Giêsu sẽ trở lại như Ngài đã hứa. Đây là lời Ngài nói: “Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21:28). Thật vui mừng khi nghe Lời động viên này: hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên vì chính trong lúc mọi sự dường như sắp chấm dứt, Chúa đến để cứu chúng ta. Chúng ta vui mừng chờ đợi Ngài, ngay cả giữa những đau khổ, trong những khủng hoảng của cuộc đời và những biến cố mạnh mẽ của lịch sử. Chúng ta chờ đợi Ngài.

Nhưng làm thế nào để chúng ta ngẩng đầu lên và không bị cuốn vào những khó khăn, đau khổ và thất bại? Chúa Giêsu chỉ đường bằng một lời nhắc nhở mạnh mẽ: “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề … Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn” (Lc 21:34,36).

“Hãy đề phòng”: sự đề phòng. Chúng ta hãy tập trung vào khía cạnh quan trọng này của đời sống người Kitô hữu. Từ những lời của Đức Kitô, chúng ta thấy sự đề phòng gắn liền với tỉnh thức: hãy tỉnh thức, đừng để mình ra nặng nề, tức là hãy luôn thức tỉnh! Đề phòng có nghĩa là: không để cho tâm hồn chúng ta trở nên lười biếng hoặc đời sống thiêng liêng của chúng ta trở nên tầm thường. Hãy cẩn thận vì chúng ta có thể trở thành “những người Kitô hữu ngái ngủ” – và chúng ta biết có nhiều người Kitô hữu đang ngủ say, bị mê mệt bởi tinh thần thế gian – những người Kitô hữu không có lòng nhiệt thành thiêng liêng, không cầu nguyện liên lỷ, không nhiệt huyết với sứ mệnh, không say mê Tin Mừng; những người Kitô luôn hướng vào bản thân, không có khả năng nhìn ra chân trời. Và điều này dẫn đến “sự ngủ gật”: di chuyển mọi thứ theo quán tính, rơi vào trạng thái hờ hững, thờ ơ với mọi điều ngoại trừ những gì làm chúng ta dễ chịu. Đây là một cuộc sống đáng buồn khi tiếp tục đi theo cách này vì sẽ không dẫn đến hạnh phúc.

Chúng ta cần phải đề phòng để cuộc sống hàng ngày của chúng ta để không trở thành thói quen, và như Chúa Giêsu nói, để chúng ta không bị đè nặng bởi những lo toan trong cuộc sống (xem câu 34). Vì vậy, hôm nay là thời điểm tốt để tự hỏi bản thân: điều gì đang đè nặng lên tâm hồn tôi? Điều gì đè nặng lên tinh thần của tôi? Điều gì khiến tôi đến ngồi vào chiếc ghế lười? Thật đáng buồn khi thấy những người Kitô hữu “ngồi trên chiếc ghế bành”! Đâu là những thứ tầm thường khiến tôi tê liệt, những thói hư tật xấu đè bẹp tôi xuống đất và ngăn cản tôi ngẩng đầu lên?

Và liên quan đến những gánh nặng đang đè nặng lên vai anh chị em chúng ta, tôi ý thức về chúng hay thờ ơ với chúng? Đây là những câu hỏi tốt để đặt ra cho bản thân, bởi vì chúng giúp bảo vệ tâm hồn chúng ta khỏi sự hờ hững. Vậy hờ hững là gì? Nó là kẻ thù lớn của đời sống thiêng liêng và cả đời sống người Kitô hữu. Sự hờ hững là một kiểu lười biếng khiến chúng ta rơi vào trạng thái buồn bã, nó làm mất đi niềm say mê sống và ý chí làm việc. Đó là một tinh thần tiêu cực cạm bẫy linh hồn trong sự hờ hững, cướp đi niềm vui của nó. Nó bắt đầu với sự buồn bã trượt dần xuống đến mức không còn niềm vui. Sách Châm ngôn nói: “Hãy gìn giữ tim con cho thật kỹ, vì từ đó mà sự sống phát sinh” (Cn 4:23). Bảo vệ trái tim của bạn: điều đó có nghĩa là hãy đề phòng! Hãy tỉnh thức và canh giữ trái tim của bạn.

Và chúng ta hãy thêm một thành phần thiết yếu: bí quyết để luôn đề phòng là cầu nguyện. Thật vậy, Chúa Giêsu nói: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn” (Lc 21:36). Cầu nguyện là giữ cho ngọn đèn của trái tim luôn sáng. Điều này đặc biệt đúng khi chúng ta cảm thấy rằng sự nhiệt tình của mình đã nguội lạnh dần. Cầu nguyện thắp sáng lại nó, bởi vì nó đưa chúng ta trở lại với Chúa, đến trung tâm của mọi sự. Cầu nguyện đánh thức linh hồn khỏi ngủ mê và tập trung vào những gì quan trọng, vào mục đích của sự sống. Ngay cả trong những ngày bận rộn nhất, chúng ta cũng không được sao lãng việc cầu nguyện. Lời cầu nguyện từ trái tim là hữu ích cho chúng ta, thường xuyên lặp lại những lời cầu ngắn gọn. Chẳng hạn, trong Mùa Vọng, chúng ta có thể tạo thói quen nói lời: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”. Chỉ những lời này thôi, nhưng lặp đi lặp lại chúng: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”. Khoảng thời gian chuẩn bị dẫn đến lễ Giáng sinh này thật đẹp: chúng ta nghĩ đến cảnh Chúa giáng sinh và lễ Giáng sinh, vì vậy chúng ta hãy nói lên từ đáy lòng mình: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”. Chúng ta hãy lặp lại lời nguyện này suốt cả ngày: linh hồn sẽ luôn cảnh giác! “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”, là lời cầu nguyện mà tất cả chúng ta có thể cùng nhau thưa ba lần. “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”, “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”, “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”.

Và bây giờ chúng ta cầu nguyện với Đức Mẹ: xin Mẹ là người đã chờ đợi Chúa đến với tâm hồn cảnh giác đồng hành với chúng ta trong hành trình Mùa Chay này.

______________________________________

Sau Kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến,

Hôm qua tôi gặp gỡ thành viên của các hiệp hội, nhóm người di cư, và những người chia sẻ hành trình của họ với tinh thần huynh đệ. Họ đang ở đây trong Quảng trường với bảng biểu ngữ lớn kia! Xin chào mừng! Nhưng có biết bao người di cư phải đối mặt với những nguy hiểm to lớn, ngay cả trong những ngày này, và bao nhiêu người thiệt mạng tại những biên giới của chúng ta! Tôi cảm thấy rất buồn khi nghe tin về hoàn cảnh mà rất nhiều người trong số họ mắc phải. Tôi nghĩ về những người đã chết khi băng qua eo biển Manche, những người ở biên giới Belarus, trong đó có nhiều trẻ em, và những người bị chết chìm ở Địa Trung Hải. Thật quá đau buồn khi nghĩ về họ. Trong số những người hồi hương về Bắc Phi, họ bị những kẻ buôn người bắt và biến thành nô lệ: người ta bán phụ nữ và tra tấn đàn ông ...

Cũng trong tuần này, tôi nghĩ đến những người đã cố vượt Địa Trung Hải để tìm kiếm một miền đất tốt lành hơn, nhưng lại tìm thấy mồ chôn của họ ở đó; và rất nhiều người khác. Tôi dâng lời cầu nguyện cho những người di cư gặp phải những hoàn cảnh khủng hoảng này. Anh chị em biết rằng từ tận đáy lòng, tôi luôn luôn gần gũi anh chị em, trong lời cầu nguyện và hành động. Tôi cảm ơn tất cả các tổ chức của Giáo hội Công giáo và các nơi khác, đặc biệt là các cơ quan Caritas quốc gia và tất cả những người cam kết làm dịu bớt những khổ đau của họ. Tôi xin lặp lại lời kêu gọi chân thành đến những người có thể góp phần giải quyết các vấn đề này, đặc biệt là các cơ quan dân sự và quân sự, để sự thấu hiểu và đối thoại cuối cùng có thể chiếm ưu thế hơn bất kỳ hình thức công cụ nào và hướng dẫn ý chí và nỗ lực hướng tới các giải pháp tôn trọng nhân tính của những người này. Xin chúng ta hãy nhớ đến người di cư, sự đau khổ của họ, và chúng ta cùng nhau cầu nguyện trong thinh lặng ... (giây phút thinh lặng).

Cha gửi lời chào tất cả anh chị em hành hương đến từ nước Ý và nhiều quốc gia khác; cha nhìn thấy cờ của nhiều quốc gia khác nhau. Cha xin chào các gia đình, các nhóm giáo xứ, và các hội đoàn. Đặc biệt, cha gửi lời chào các tín hữu đến từ Đông Timor - cha nhìn thấy cờ ở đằng kia - các tín hữu đến từ Ba Lan và Lisbon; cũng như những người đến từ Tivoli.

Cha chúc mọi người Chúa nhật hạnh phúc, một hành trình Mùa Vọng tốt lành, và một hành trình đẹp tiến về Giáng sinh, về với Chúa. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/11/2021]


Cảnh Giáng sinh của Vatican sẽ đến từ Peru

Cảnh Giáng sinh của Vatican sẽ đến từ Peru

Cảnh Giáng sinh của Vatican sẽ đến từ Peru

Antoine Mekary | ALETEIA

I.Media for Aleteia

23/11/21


Các vị vua sẽ có hạt diêm mạch (quinoa) trong túi yên lạc đà không bướu của họ - nhắc nhở rằng Chúa Giêsu đến để cứu mọi người, khi Peru kỷ niệm 200 năm thành lập.

Theo thông cáo báo chí từ Phủ Thống đốc Thành Vatican xác nhận vào ngày 28 tháng Mười, cảnh Chúa Giáng sinh được dựng trong Quảng trường Thánh Phêrô vào dịp Giáng sinh năm 2021 sẽ đến từ Peru. Cây thông lớn sẽ đến từ vùng Trentino thuộc miền đông bắc nước Ý. Nghi thức khai mở cảnh Giáng sinh sẽ diễn ra vào thứ Sáu, ngày 10 tháng Mười Hai.

Sau cảnh Chúa Giáng sinh Abruzzo đáng chú ý gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong Mùa Vọng năm 2020, năm nay Vatican chọn cảnh Chúa giáng sinh được thực hiện bởi cộng đồng người Peru ở Chopcca, một thị trấn nhỏ ở vùng Andean thuộc thành phố Huancavelica, có độ cao dao động từ 3.680 đến 4.500 mét, và là nơi nói thổ ngữ Quechua.

Cảnh Chúa giáng sinh, sẽ được dựng không xa cột tháp trung tâm ở Quảng trường Thánh Phêrô, sẽ bao gồm 30 chỗ. Hài Nhi Giêsu, Đức Trinh Nữ Maria, Thánh Giuse, Ba Vua và các mục đồng, có kích thước bằng người thật được làm từ các vật liệu như gốm, gỗ agave và sợi thủy tinh.

Các nhân vật sẽ được mặc trang phục truyền thống của cộng đồng người Chopcca. Vì vậy, Hài Nhi Giêsu sẽ có hình dáng của một đứa bé “Hilipuska”, được quấn trong một chiếc “chumpi”, một loại chăn dệt đặc trưng của vùng Huancavelica.

Về phần Ba Vua, họ sẽ mang theo những túi yên lạc đà chứa thực phẩm của vùng này — chẳng hạn như khoai tây, diêm mạch, hạt canihua hoặc kiwicha. Họ sẽ cưỡi lạc đà không bướu mang cờ Peru trên lưng.

“Sự ra đời của Đấng Cứu Thế sẽ được loan báo bởi một thiên thần thiếu nhi chơi loại nhạc cụ hơi đặc trưng có tên là “Wajrapuco,” thông cáo của Phủ Thống đốc nêu thêm chi tiết.

Máng cỏ cũng sẽ có các loài động vật khác nhau thuộc vùng Andes, chẳng hạn như lạc đà alpaca, lạc đà vicuñas, cừu, thỏ viscache, hồng hạc và thậm chí cả những chú chim ưng vùng Andes. Cuối cùng, chúng ta thấy sự tái hiện một phần nhỏ của cộng đồng Chopcca, với nét văn hóa, truyền thống và các công cụ của tổ tiên được sử dụng để cày đất.


Chúa Giêsu cứu tất cả mọi dân tộc, bất kể văn hóa của họ là gì.

Việc lựa chọn cảnh Chúa Giáng sinh như vậy không phải là ngẫu nhiên. Vatican giải thích rằng Tòa Thánh “nhằm mục đích kỷ niệm 200 năm ngày độc lập của đất nước, để tái hiện một mẫu cuộc sống của các dân tộc trên dãy Andes và tượng trưng cho tiếng gọi Ơn Cứu độ phổ quát.”

Thông cáo tiếp tục nói rằng Chúa Giêsu, “đã nhập thể để cứu mọi người trên trái đất, bất kể ngôn ngữ, dân tộc, văn hóa hay quốc gia mà họ thuộc về.”

Vào ngày 10 tháng Mười Hai, ngày khai mạc cảnh Chúa Giáng sinh, một phái đoàn của các cộng đồng Peru sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp để dâng các món quà.


Cây thông Giáng sinh cao 28 mét

Trong nghi thức khai mạc cảnh Giáng sinh truyền thống diễn ra lúc 5:00 chiều, người qua lại và tín hữu cũng thích thú với ánh sáng của cây thông Noel. Năm nay, cây thông đến từ vùng Dolomites của Paganella, thuộc tỉnh tự trị Trentino của Ý. Cao khoảng 28 mét (gần 92 bộ Anh), cây thông sẽ được đặt bên cạnh cảnh Giáng sinh.

Phủ Thống đốc Thành Vatican xác định rằng việc trang trí cây thông sẽ do một phái đoàn từ Trentino thực hiện. Nó sẽ được trang bị “đèn LED tiêu thụ năng lượng thấp”.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/11/2021]