Thứ Năm, 19 tháng 9, 2019

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 19-30/8/2019

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 19-30/2019



Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 19-30/8/2019


19 tháng Tám: Hôm nay chúng ta hãy nhớ đến tất cả những người phụ nữ can đảm bước ra ngoài để gặp gỡ những người anh chị em khó khăn. Từng người họ là một dấu chỉ cho sự gần gũi và lòng trắc ẩn của Thiên Chúa. #WomenHumanitarians

20 tháng Tám: Giữa những bấp bênh mà chúng ta cảm nhận cả trong tâm hồn và bên ngoài, Thiên Chúa tặng ban cho chúng ta một sự chắc chắn: Người nhớ đến chúng ta.

21 tháng Tám: Cần nhiều sức mạnh để sửa chữa hơn để xây dựng, để làm lại một khởi đầu hơn là bắt đầu mới, để hòa giải hơn là để hòa hợp. Đây là sức mạnh Thiên Chúa ban cho chúng ta.

22 tháng Tám: Xin Chúa mở rộng tấm lòng chúng ta trước sự thiếu thốn của người nghèo, người không được bảo vệ, người gõ cửa nhà chúng ta để được công nhận là một con người.

23 tháng Tám: Tất cả chúng ta đều được tạo dựng theo hình ảnh của Chúa và có cùng phẩm giá. Chúng ta phải chấm dứt tình trạng nô lệ! #IDRSTA

24 tháng Tám: Nguyện xin Chúa nhớ đến chúng ta, Thiên Chúa Đấng chữa lành những ký ức bị thương tổn bằng cách xức dầu cho chúng với niềm hy vọng, Thiên Chúa Đấng ở gần để nâng tâm hồn chúng ta đứng lên, giúp chúng ta xây dựng điều thiện và an ủi các tâm hồn.

25 tháng Tám: Trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su giải thích tại sao trong Thiên Đàng không có “con số giới hạn,” nhưng để đi vào đó, ngay cả trong cuộc sống này chúng ta phải đi qua “cửa hẹp”: yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Và điều này thì không dễ! #Angelus

26 tháng Tám: Bất kỳ ai gần gũi với Thiên Chúa sẽ không vấp ngã, nhưng phấn đấu để tiến tới: làm lại khởi đầu mới, cố gắng thêm nữa, tái xây dựng.

27 tháng Tám: Ánh sáng của Thiên Chúa soi sáng cho những ai chào đón nó.

28 tháng Tám: Chúng ta hãy xin ơn để không trở thành những người Ki-tô hữu thờ ơ, sống nửa vời, để cho tình yêu trở nên lạnh nhạt.

29 tháng Tám: Lạy Thánh Gioan Tẩy Giả, người làm chứng cho Đấng Mê-xi-a bằng cái chết, xin cầu cho chúng con!

30 tháng Tám: Trong mối quan hệ mỗi ngày của chúng ta với Chúa Giê-su, và trong sức mạnh tha thứ của Người, chúng ta tái khám phá lại nguồn cội của mình.




[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 1/9/2019]


Toàn văn họp báo trên máy bay của Đức Thánh Cha trên chuyến bay trở về từ Châu Phi (Phần II)

Toàn văn họp báo trên máy bay của Đức Thánh Cha trên chuyến bay trở về từ Châu Phi (Phần II)
© Vatican Media

Toàn văn họp báo trên máy bay của Đức Thánh Cha trên chuyến bay trở về từ Châu Phi

Hai tiếng rưỡi đồng hồ sau khi chuyến bay Air Madagascar về Roma cất cánh từ Antananarivo; Đức Phanxico gặp gỡ các nhà báo


11 tháng Chín, 2019 00:03

Phần II

Hai tiếng rưỡi đồng hồ sau khi chuyến bay Air Madagascar về Roma cất cánh từ Antananarivo; Đức Phanxico gặp gỡ các nhà báo cùng tháp tùng ngài và chuyện trò, trả lời các câu hỏi của họ, trong khoảng một tiếng rưỡi. Vatican News cung cấp văn bản cuộc thảo luận dưới đây (bản tiếng Anh).


*****************

Jean Luc Mootoosamy (Radio One, Mauritius)

Thủ tướng Mauritius cảm ơn Đức Thánh Cha vì sự quan tâm của người trước sự đau khổ của những người dân trong đất nước của con, những người đã bị Vương quốc Anh buộc phải rời bỏ quần đảo của họ sau khi chia tách bất hợp pháp phần lãnh thổ này trước khi giành độc lập. Ngày nay trên đảo Diego Garcia, vẫn còn một doanh trại quân sự của Hoa Kỳ. Thưa Đức Thánh Cha, người dân Chagossia đã bị cưỡng bức lưu vong suốt năm mươi năm nay muốn trở về mảnh đất quê hương của họ. Hoa Kỳ và Vương quốc Anh sẽ không cho phép điều này xảy ra, bất chấp một nghị quyết của Liên Hợp quốc từ Tháng Năm vừa qua. Đức Thánh Cha có thể hỗ trợ cho mong muốn của người Chagossia và giúp người Chagos trở về nhà bằng cách nào?

Tôi lặp lại những gì trong Giáo lý Giáo hội nói về vấn đề này: khi chúng ta đã thừa nhận các tổ chức quốc tế và công nhận khả năng đưa ra phán quyết, chẳng hạn trên mức độ toàn cầu, tòa án quốc tế tại The Hague, hoặc Liên Hợp quốc. Nếu chúng ta vẫn xem mình trong nhân loại, thì khi họ đưa ra các tuyên bố, trách nhiệm chúng ta phải thi hành. Sự thật là không phải tất cả mọi điều được thể hiện công bằng cho toàn nhân loại thì cũng công bằng cho các túi tiền, nhưng chúng ta phải tuân thủ các tổ chức quốc tế. Đó là lý do tại sao Liên Hợp quốc được thành lập. Đó là lý do tại sao các tòa án quốc tế được thiết lập. Rồi cũng có một hiện tượng khác, tuy nhiên tôi phải nói rõ rằng tôi không biết nó có liên quan như vậy ở đây không. Khi sự giải phóng một dân tộc trở thành hiện thực (một dân tộc đạt được nền độc lập) và Nhà nước chiếm đóng phải rời đi – nhiều tiến trình độc lập đã diễn ra ở Châu Phi – từ Pháp, Anh, Bỉ, Ý – tất cả phải ra đi, một số [quốc gia] phát triển tốt – nhưng vẫn luôn có sự cám dỗ là ra đi với một cái gì đó giấu trong túi: Đúng, tôi trả lại sự tự do cho dân tộc này nhưng tôi phải mang theo thứ gì đó với tôi … Tôi trả tự do lại cho đất nước nhưng phần trên mặt đất thôi, những gì dưới lòng đất vẫn là của tôi. Đây là một ví dụ, tôi không biết có đúng là vậy không, nhưng tôi muốn nói rằng: luôn có sự cám dỗ … tôi tin rằng các tổ chức quốc tế cần phải đưa ra một tiến trình đồng hành, nhận ra những tiềm ẩn dễ nhận thấy nhất, những gì họ có thể hoàn thành trong nước, công nhận thiện chí ra đi và giúp họ ra đi trọn vẹn, trong sự tự do, với tinh thần anh em. Nó là một tiến trình văn hóa lâu dài cho nhân loại và những tổ chức quốc tế này giúp chúng ta rất nhiều, luôn luôn, và chúng ta cần phải tiến tới để củng cố cho các tổ chức quốc tế: Liên Hợp quốc, để một lần nữa họ có thể nắm trong tay vai trò của họ; để Liên Minh Châu Âu có thể trở nên mạnh hơn, không theo ý nghĩa thống trị, nhưng theo ý nghĩa về công bằng, huynh đệ, và hiệp nhất cho tất cả. Tôi tin rằng đây sẽ là một trong những điểm quan trọng nhất. Và có một điểm khác tôi muốn nhân cơ hội để nói lên sau bài phát biểu của ông. Ngày nay sự thuộc địa hóa địa lý không còn – ít nhất là không còn nhiều … Nhưng có những kiểu thuộc địa hóa tư tưởng muốn đi vào văn hóa dân chúng và thay đổi những văn hóa đó và đồng nhất hóa nhân loại. Nó là hình ảnh của sự toàn cầu hóa giống như một khối cầu. Tất cả các điểm có khoảng cách cách đều từ tâm điểm. Nhưng, sự toàn cầu hóa thật sự không phải là một hình khối cầu, nó là một khối đa diện nơi mà mỗi người đều duy trì bản sắc riêng của mình, nhưng nó hiệp nhất với toàn thể nhân loại. Ngược lại, sự thuộc địa tư tưởng tìm cách hủy bỏ bản sắc của người khác và biến họ trở nên đồng nhất và họ đến với anh với những đề xuất về hệ tư tưởng hoàn toàn trái nghịch lại với bản chất của dân tộc đó, lịch sử của dân tộc đó, chống lại những giá trị của dân tộc đó. Và chúng ta phải tôn trọng bản sắc của các dân tộc, đây là một tiền đề phải luôn luôn bảo vệ. Bản sắc riêng của các dân tộc cần phải được tôn trọng và từ đó mọi hình thức thuộc địa hóa sẽ bị gạt ra ngoài.

Trước khi nhường lời cho EFE – đây là đặc quyền, nó “già” rồi, nó đã 80 tuổi – tôi muốn nói thêm một chút về điều đã làm tôi rất sửng sốt. Điều làm tôi ngạc nhiên về đất nước của anh là khả năng đoàn kết tôn giáo, về sự đối thoại liên tôn. Sự khác biệt giữa các tôn giáo không phải là sự đối nghịch nhau, rằng tất cả chúng ta là anh em, rằng mọi người đều cần phải nói. Đây là một dấu hiệu cho sự trưởng thành của dân tộc của anh. Hôm qua nói chuyện với Thủ tướng, tôi vẫn còn ngạc nhiên về cách họ, các anh, đã thực hiện đối với thực tại này và sống tinh thần đó để sống với nhau. Có một ủy ban liên văn hóa họp với nhau … Cái đầu tiên hôm qua tôi tìm thấy khi tôi đi vào tòa giám mục – đây là một câu chuyện nhỏ – là một bó hoa rất đẹp. Ai đã gửi đến? Là Đức Đại Imam. Chúng ta là anh em, tình huynh đệ con người là nền tảng và tôn trọng mọi niềm tin. Sự tôn trọng các tôn giáo khác là quan trọng. Đây là lý do tại sao tôi nói với các nhà thừa sai không được chiêu dụ. Chiêu dụ tín đồ là có giá trị trong thế giới chính trị, thế giới thể thao – tôi tích cực ủng hộ cho đội của tôi, đội của anh – không phải với đức tin. Nhưng thưa Đức Thánh Cha, rao giảng phúc âm với cha là như thế nào? Có một câu nói của Thánh Phanxico đã soi sáng cho tôi rất nhiều. Thánh Phanxico Assisi thường nói với các anh em của ngài: “Hãy mang đến Tin mừng nếu cần thiết thì cả bằng lời nói.” Tức là, rao giảng phúc âm là những điều chúng ta đọc thấy trong sách Tông đồ Công vụ: làm chứng nhân. Và chứng tá đó làm nguồn khơi gợi nên câu hỏi: ‘Sao anh lại sống như vậy?’ Tại sao anh lại làm như vậy?’ Và rồi tôi giải thích: ‘Vì Tin mừng.’ Sự rao giảng đến sau chứng nhân. Trước hết hãy sống là một người Ki-tô hữu và nếu họ hỏi anh, hãy nói ra. Làm chứng nhân là bước đầu tiên và vai chính của việc rao giảng không phải là người thừa sai nhưng là Chúa Thánh Thần, là Đấng hướng dẫn người Ki-tô hữu và các nhà thừa sai làm chứng nhân. Rồi sau đó sẽ có những câu hỏi hoặc không, nhưng điều quan trọng đó là làm chứng nhân cuộc sống. Đây là bước đi đầu tiên. Vấn đề quan trọng là phải tránh sự chiêu dụ tín đồ. Khi anh nhìn thấy những đề nghị về tôn giáo đi theo con đường chiêu dụ tín đồ, thì họ không phải là Ki-tô hữu. Họ tìm kiếm những người cải đạo, không phải là những người tôn thờ Thiên Chúa trong sự thật. Tôi muốn nhân cơ hội này để nhấn mạnh đến kinh nghiệm liên tôn của các bạn là điều rất đẹp. Ngài Thủ tướng của anh cũng nói với tôi rằng khi một ai đó nhờ giúp đỡ, chúng tôi trao tặng cùng một niềm hy vọng cho mọi người, và không ai bị xúc phạm vì chúng tôi cảm thấy chúng tôi như là anh em. Đây là điều thống nhất đất nước. Nó rất, rất quan trọng. Tại các sự kiện, không chỉ có người Công giáo, mà có người Ki-tô hữu thuộc các nền tảng khác, và có người Hồi giáo, người Hindu, và tất cả họ đều là anh em. Tôi thậm chí cũng nhìn thấy điều này ở Madagascar và cũng có trong buổi gặp gỡ liên tôn vì hòa bình của giới trẻ, với giới trẻ thuộc các tôn giáo khác nhau muốn thể hiện cách họ sống niềm khao khát hòa bình của họ. Hòa bình, tình anh em, cùng chung sống liên tôn, không có chủ nghĩa chiêu dụ tín đồ, đây là những điều chúng ta phải học hỏi để thúc đẩy hòa bình. Đây là điều tôi phải nói. Rồi một điều khác cũng làm tôi ngạc nhiên – tôi quan sát thấy nó ở ba quốc gia, nhưng bây giờ tôi đề cập đến Madagascar, chúng ta bắt đầu từ đó – những người ở trên các đường phố, có những người ở đó làm tự nguyện. Trong Thánh Lễ dưới trời mưa trong sân vận động, có những người nhảy múa dưới trời mưa, họ rất hạnh phúc … Và cả đêm canh thức cầu nguyện, Thánh Lễ – họ nói có hơn một triệu người, tôi không biết, con số thống kê chính thức nói vậy, tôi thì nói chắc ít hơn, chúng ta cứ cho là 800 ngàn người. Nhưng con số không phải là quan trọng, điều quan trọng là con người, những người đi bộ đêm hôm trước, đến đó để tham dự buổi canh thức, họ ngủ ở đó – tôi lại nghĩ đến Rio de Janeiro năm 2013 [Ngày Giới trẻ Thế giới], họ ngủ trên bãi biển – họ là những người muốn đến với Giáo hoàng. Tôi cảm thấy nhỏ bé, quá nhỏ bé trước sự vĩ đại của một dân tộc. Vậy đâu là dấu chỉ cho thấy rằng một nhóm người là một dân tộc? Niềm vui. Có những người nghèo, có những người cả chiều hôm đó không có gì bỏ bụng để đến được đó, họ rất vui. Nhưng khi những con người hay các nhóm tách mình ra khỏi cảm thức chung về niềm vui đó, là họ đánh mất nó. Nó là một trong những dấu chỉ đầu tiên, sự buồn bã của những người cô đơn, sự buồn bã của những người đã quên đi nguồn gốc văn hóa của họ. Có ý thức là một dân tộc là ý thức có một bản sắc, có một lương tâm, là có cách để thấu hiểu thực tại và điều này hợp nhất dân tộc. Dấu chỉ rằng bạn thuộc về một dân tộc, không thuộc về một nhóm tinh hoa, là niềm vui, niềm vui chung. Tôi muốn nhấn mạnh đến điều này. Vì điều này, trẻ em vẫy chào theo cách đó, vì niềm vui của cha mẹ các bé đã truyền sang các bé.”


Cristina Cabrejas (từ Hãng Thông tấn Tây Ban nha EFE đang kỷ niệm 80 năm thành lập)

Trước hết, chúng con xem như là một sự ngẫu nhiên khi một trong những chương trình của Đức Thánh Cha cho tương lai là chương trình đến với Tây Ban nha. Chúng con hy vọng nó có thể khả thi. Câu hỏi đầu tiên con muốn hỏi cha: nhân kỷ niệm 80 năm của EFE chúng con đã đặt câu hỏi cho nhiều người, các nhà lãnh đạo thế giới: ngài nghĩ thông tin trong tương lai sẽ như thế nào?

“Tôi cần phải có một quả cầu pha-lê … tôi sẽ đến Tây Ban nha nếu tôi còn sống, nhưng ưu tiên của tôi cho các chuyến đi trong Châu Âu là các quốc gia nhỏ hơn, rồi đến các nước lớn. Tôi chẳng biết truyền thông trong tương lai sẽ như thế nào. Chẳng hạn, tôi đã nghĩ đến truyền thông sẽ như thế nào khi tôi còn bé, trước khi có TV, với đài phát thanh, với báo chí, thậm chí là những báo bất hợp pháp, là những tờ báo bị bắt bớ bởi những người nắm quyền khi đó, những người tình nguyện phải bán chúng vào ban đêm … thậm chí là truyền khẩu. Nếu chúng ta đem ra so sánh với truyền thông của ngày nay, nó là thông tin không ổn định, và truyền thông của hôm nay lại có thể là không ổn định đối với truyền thông trong tương lai. Điều vẫn luôn duy trì trong truyền thông đó là năng lực truyền tải một sự thật, và phân biệt nó với một câu chuyện, với một báo cáo. Một trong những điều làm nguy hại đến truyền thông, trong quá khứ, trong hiện tại, và trong tương lai, là những gì được tường thuật. Có một nghiên cứu rất hay được báo cáo ba năm trước, do Simone Paganini thực hiện, một nhà ngôn ngữ học của Đại học Aachen, nói đến động lực truyền thông giữa người viết, tức là điều được viết ra, và độc giả. Truyền thông luôn luôn có nguy cơ biến sự thật thành bản báo cáo, và điều này phá hỏng truyền thông. Sự thật là quan trọng, và luôn luôn phải gần với sự thật. Ngay cả trong Giáo triều, tôi nhìn thấy nó: có một sự thật và rồi mọi người tô điểm nó bằng một thứ gì đó của riêng họ, và không có những ý định xấu, đây là động lực. Vì thế, kỷ luật của người làm truyền thông luôn luôn là phải trở lại với sự thật, kể lại sự thật, rồi đưa ra cách giải thích của tôi là như vầy như vầy, họ nói với tôi điều này, phân biệt giữa sự thật và những gì được kể lại. Cách đây ít lâu, người ta kể cho tôi câu chuyện của Little Red Riding Hood nhưng lại dựa trên những điều được tường thuật, và kết thúc câu chuyện với việc Little Red Riding Hood và bà của cô bé bỏ con sói vào nồi và ăn thịt nó. Người kể chuyện đã thay đổi mọi điều. Bất kể phương tiện truyền thông là gì đi nữa, thì sự bảo đảm phải có là tính trung thực: ‘nó nói rằng — có thể sử dụng nó không? Có, có thể sử dụng nó trong truyền thông, nhưng luôn phải chú ý để biết chắc chắn được mục tiêu của cụm từ ‘người ta nói rằng …’ Nó là một trong những giá trị cần được tuân thủ trong truyền thông. Thứ hai, truyền thông cần phải mang tính nhân văn, và nói lên những điều nhân văn, tôi có ý nói là tính xây dựng, nghĩa là nó cần phải mang đến ích lợi cho người khác. Không thể sử dụng một thông điệp như là phương tiện của chiến tranh vì nó phi nhân, nó phá hủy. Cách đây ít lâu, tôi có đưa cho Đức ông Rueda một bài viết tôi tìm thấy trong một tạp chí có tựa đề ‘Những giọt thạch tín trên lưỡi.’ Truyền thông cần phải mang tính phục vụ cho việc xây dựng, không phải là sự phá hủy. Khi nào thì truyền thông phục vụ cho sự phá hủy? Khi nó bảo vệ cho những dự án phi nhân. Chúng ta hãy nghĩ đến sự tuyên truyền của các nhà độc tài trong thế kỷ trước. Họ là những người độc tài biết cách tuyên truyền rất giỏi, nhưng họ lại xúi bẩy chiến tranh, chia rẽ, và phá hủy. Tôi không biết phải nói như thế nào cho đúng ngữ nghĩa vì tôi không giỏi nói về chủ đề này. Những gì tôi muốn làm là nhấn mạnh đến những giá trị mà bất kỳ phương tiện truyền thông nào cũng luôn phải duy trì để giữ sự vững vàng.”


Chị Cristina Cabrejas (câu hỏi thứ hai)

Chúng ta chuyển sang chuyến đi. Một trong những chủ đề của chuyến đi này là bảo vệ môi trường, cây cối, đang bị đe dọa bởi sự phá rừng và cháy rừng. Ngay lúc này nó đang xảy ra ở Amazon. Đức Thánh Cha có nghĩ rằng những chính phủ ở khu vực đó đang làm đủ để bảo vệ lá phổi này của thể giới chưa?

“Liên quan đến Châu Phi, tôi đã nói trong một chuyến đi khác, là sự thiếu ý thức chung. Có một câu nói: Có thể khai thác Châu Phi. Chúng ta chưa bao giờ nghĩ: có thể khai thác Châu Âu. Chúng ta phải giải thoát con người khỏi sự thiếu ý thức chung này. Khu vực nơi sự khai thác diễn ra mạnh nhất là môi trường, với việc phá rừng, tàn phá hệ sinh thái. Vài tháng trước, tôi gặp gỡ các vị tuyên úy hải cảng trong một buổi tiếp kiến, có bảy ngư dân trẻ đánh cá trên một chiếc thuyền không dài hơn chiếc máy bay này. Họ đánh bắt cá với những thiết bị máy móc như ngày nay. Họ nói với tôi: trong sáu tháng, chúng con thu được 6 tấn nhựa … Chúng tôi đã cấm sự dụng nhựa trong Vatican, chúng tôi đang làm việc về vấn đề đó. Đây là một thực tại đang ảnh hưởng đến các đại dương. Ý chỉ cầu nguyện trong tháng này là cầu cho sự bảo vệ các đại dương, đó là nơi tạo ra ôxi để chúng ta hít thở. Rồi có những lá phổi lớn, ở Trung Phi, toàn bộ lưu vực Liên Amazon, và có những lá phổi khác nhỏ hơn. Chúng ta phải bảo vệ môi sinh, hệ sinh thái, đó là sự sống của chúng ta; bảo vệ nguồn dưỡng khí ôxi, đó là sự sống của chúng ta. Một điều an ủi tôi là những người đang thực hiện cuộc chiến này là người trẻ, là những người có ý thức rất cao và họ nói rằng: tương lai là của chúng tôi, hãy làm bất kỳ điều gì các ông muốn với những cái của các ông, nhưng không phải những cái của chúng tôi! Tôi tin rằng Thỏa thuận Paris là một bước tiến tốt, và rồi có những bước tiến khác … Đây là những cuộc họp giúp nâng cao nhận thức. Nhưng vào mùa hè năm trước, khi tôi nhìn thấy một tấm hình chụp con tàu thủy chạy ở Bắc Cực như chẳng gặp vấn đề gì, tôi thấy quá đau đớn, và chỉ cách đây ít lâu tất cả chúng ta đều nhìn thấy tấm hình chụp tượng trưng cho một đám tng cho lớp sông băng ở Greenland không còn tồn tại … Tất cả những điều đó xảy ra quá nhanh, chúng ta phải bắt đầu ý thức từ sự khởi đầu của những điều nhỏ. Nhà lãnh đạo các chính phủ có làm mọi việc không? Một số làm nhiều hơn, số khác ít hơn. Sự thật là có một từ ngữ mà tôi phải nói và là căn bản của vấn đề bóc lột môi trường. Tôi xúc động khi đọc bài trong tờ Messaggero của Franca [Giansoldati], bài viết không nói vòng vo, và nó nói thẳng về những hoạt động phá hủy, cướp bóc, và đây không chỉ có ở Châu Phi nhưng có cả trong những thành phố của chúng ta, trong nền văn minh của chúng ta. Và từ ngữ kinh khủng nhất là sự tham nhũng: tôi phải thực hiện việc này và để làm được nó tôi phải đốn hạ cây trong rừng và tôi cần phải có phép của nhà nước hoặc chính phủ. Tôi đến với những người chịu trách nhiệm – và đến đây tôi lặp lại nguyên văn những gì một nhà kinh doanh người Tây Ban nha nói với tôi – và câu hỏi chúng tôi nghe được khi chúng tôi muốn một dự án được duyệt là: “Tôi nhận được bao nhiêu phần trong đó?” nói một cách rất trơ trẽn. Điều này xảy ra ở Châu Phi, ở Châu Mỹ La-tinh và cả ở Châu Âu. Trên tất cả, khi một người đảm nhận trách nhiệm xã hội hoặc chính trị chỉ vì sự thu vén cho cá nhân, thì các giá trị, thiên nhiên, con người sẽ bị bóc lột. Có thể bóc lột Châu Phi … Nhưng anh có nghĩ đến nhiều người lao động đang bị bóc lột trong các xã hội của chúng ta không? Chúng ta có những người được thuê làm và chỉ được hưởng đồng lương còm cõi ở Châu Âu, người Châu Phi không sáng tạo ra việc này. Người giúp việc nhà được trả một phần ba so với những gì bà xứng đáng không được sáng tạo bởi người Châu Phi. Các người phụ nữ bị lừa và bị bóc lột mại dâm trong các trung tâm thành phố của chúng ta không được sáng tạo bởi người Châu Phi. Cả ở đây cũng có hình thức bóc lột này, không chỉ đối với môi trường mà với cả con người. Và đây là sự tham nhũng. Và khi sự tham nhũng ăn vào trong tim, hãy cẩn thận, vì bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra.”


Jason Drew Horowitz (The New York Times, Hoa Kỳ)

Trên chuyến bay đến Maputo, Đức thánh Cha thừa nhận là đang chịu sự tấn chỉ trích của một phần trong Giáo hội Mỹ. Rõ ràng có những chỉ trích gay gắt từ một số giám mục và hồng y, có các kênh truyền hình Công giáo và các websites Mỹ rất hay công kích. Và thậm chí có một số người trong những đồng minh thân cận nhất của cha cũng đã nói ngầm ý chống lại cha. Có phải có điều gì đó mà những người chỉ trích này không hiểu về triều đại của cha? Có điều gì đó cha học được từ những người chỉ trích cha? Cha có lo ngại sự ly giáo trong Giáo hội Mỹ không? Và nếu có, thì cha có thể gì – một cuộc đối thoại – để ngăn không cho điều đó xảy ra?

“Trước hết, sự chỉ trích luôn luôn giúp được gì đó, luôn luôn. Khi một người đón nhận sự chỉ trích, người đó cần phải thực hiện việc tự phê bình ngay lập tức và nói: điều này đúng hay không? Tới mức độ nào? Và tôi luôn luôn học được từ những chỉ trích. Đôi lúc nó cũng làm cho bạn tức giận … Nhưng có những lợi ích. Khi đi đến Maputo, một người trong anh chị em đưa cho tôi quyển sách bằng tiếng Pháp nói về cách thức người Mỹ muốn thay đổi giáo hoàng. Tôi đã biết về quyển sách đó, nhưng tôi chưa đọc nó. Những chỉ trích không chỉ đến từ người Mỹ, chúng đến từ hầu như khắp mọi nơi, thậm chí cả trong Giáo triều. Ít nhất là những người nói rằng họ thấy có ích lợi của lòng trung thực khi nói ra. Tôi không thích khi sự chỉ trích ngấm ngầm đằng sau: họ mỉm cười với anh và phô hàm răng trắng cho anh thấy và rồi họ đâm sau lưng anh. Điều đó không công bằng, nó không có tính nhân văn. Sự chỉ trích là một thành phần trong việc xây dựng, và nếu sự chỉ trích của anh không công bằng, hãy sẵn sàng nhận một câu trả lời, và tiến đến đối thoại, và đi đến kết luận đúng. Đây là chiều kích của sự chỉ trích thật. Ngược lại, sự chỉ trích của những viên thạch tím là thứ mà chúng ta đã nói đến liên quan đến bài viết tôi gửi cho Đức ông Rueda, nó giống như ném đá giấu tay … Điều này chẳng ích gì, nó chẳng giúp được gì. Nó giúp cho những người hẹp hòi, họ không muốn nghe những câu trả lời cho sự chỉ trích của họ. Ngược lại, sự chỉ trích công bằng – tôi nghĩ về một mặt nào đó – là mở rộng trước câu trả lời. Đây là tính xây dựng. Liên quan đến trường hợp của Giáo hoàng: tôi không thích khía cạnh này của giáo hoàng, tôi chỉ trích ngài, tôi nói về ngài, tôi viết một bài báo và yêu cầu ngài trả lời, đó là công bằng. Chỉ trích mà không muốn nghe câu trả lời và không tiến đến đối thoại là trong lòng không mang đến sự tốt đẹp của Giáo hội, đó là việc chạy theo một ý kiến nhất định, thay đổi Giáo hoàng hay tạo ra sự ly khai. Điều này rất rõ ràng: một sự chỉ trích công bằng thì luôn luôn cởi mở, ít nhất là theo tôi. Thứ hai, về vấn đề ly khai: trong Giáo hội, đã có nhiều sự ly khai. Chẳng hạn sau Công đồng Vatican Thứ Nhất, lá phiếu cuối cùng, lá phiếu về tính bất khả ngộ, một nhóm khá đông rời bỏ và thành lập Giáo hội Công giáo Cổ để duy trì “đúng” với truyền thống của Giáo hội. Sau đó họ phát triển theo nhiều cách khác nhau và bây giờ họ truyền chức cho phụ nữ. Nhưng lúc đó họ rất khắt khe, họ đứng sau tính chính thống và cho rằng công đồng đã sai lầm. Một nhóm khác bỏ đi rất, rất âm thầm, nhưng họ không muốn bỏ phiếu. Công đồng Vatican II cũng có hậu quả là những vấn đề như vậy. Có lẽ sự ly khai hậu công đồng nổi tiếng nhất là trường hợp Lefebvre. Trong Giáo hội, luôn luôn có sự tùy chọn ly khai, luôn luôn. Nhưng đó là một tùy chọn mà Chúa trao cho sự tự do của con người. Tôi không e sợ những sự ly khai, tôi cầu nguyện rằng sẽ không có ly khai, vì vấn đề đang có nguy cơ đó là sức khỏe tinh thần của con người. Hãy đối thoại, hãy sửa sai nếu có lỗi, nhưng con đường ly khai không phải là con đường Ki-tô giáo. Chúng ta hãy nghĩ đến buổi sơ khai của Giáo hội, nó đã bắt đầu với nhiều ly giáo, hết cuộc này đến cuộc khác: Arians, Gnostics, Monophysites … Có một giai thoại chợt hiện lên trong trí mà tôi muốn nhắc lại: chính Dân Chúa là những người cứu [Giáo hội] khỏi những ly giáo. Những người ly khai luôn luôn có một điểm chung: họ tách rời khỏi dân chúng, khỏi niềm tin của Dân Chúa. Và khi có sự thảo luận trong công đồng Ê-phê-sô liên quan đến tín điều Mẹ Thiên Chúa của Mẹ Maria, người dân – đây là lịch sử – đứng tại cửa ra vào của nhà thờ chính tòa trong khi các giám mục vào trong để tham dự công đồng. Họ ở đó với những cây gậy. Họ làm cho các giám mục nhìn thấy họ khi họ hô lớn, “Mẹ Thiên Chúa! Mẹ Thiên Chúa!” dường như muốn nói rằng: nếu các vị không thực hiện điều đó, đây là những gì các vị có thể nhận được … Dân Chúa luôn luôn sửa chữa và giúp ích. Sự ly khai luôn luôn là một tách rời của nhóm người tinh hoa xuất phát từ một hệ tư tưởng lệch ra ngoài giáo lý. Đó là một hệ tư tưởng, có thể là đúng, nhưng nó dính líu đến giáo lý và lệch ra ngoài giáo lý … Và vì thế tôi cầu nguyện rằng sự ly khai không xảy ra, nhưng tôi không sợ điều đó. Đây là một trong những kết quả của Công đồng Vatican II, không phải vì giáo hoàng này hay giáo hoàng kia. Chẳng hạn những điều thuộc về xã hội mà tôi nói đều giống như những điều Đức Gioan Phaolo II đã nói, cũng như vậy! Tôi sao chép (copy) của ngài. Nhưng họ bảo: Giáo hoàng là một người cộng sản … Các hệ tư tưởng đi vào giáo lý và khi giáo lý trượt chân vào hệ tư tưởng thì đó là điểm có thể xảy ra sự ly khai [...] Các chủ chăn phải dẫn dắt đoàn chiên của họ giữa ơn sủng và tội vì đây là luân lý thuộc phúc âm, Ngược lại, một luân lý dựa trên một hệ tư tưởng pelagian dẫn đưa bạn đến với sự cứng nhắc, và ngày nay chúng ta có nhiều trường học cứng nhắc trong Giáo hội, chúng không phải là ly khai, nhưng là những sự phát triển Ki-tô giáo giả ly khai sẽ có kết cuộc xấu. Khi anh nhìn thấy những người Ki-tô hữu, những giám mục, những linh mục cứng nhắc, là có vấn đề ở đằng sau đó, không phải là sự thánh thiện của Tin mừng. Vì vậy, chúng ta cần phải nhẹ nhàng với những người bị cám dỗ bởi những sự tấn công này, họ đang trải qua một thời gian khó khăn, chúng ta phải đồng hành với họ một cách dịu dàng.”


Aura Vistas Miguel (Radio Renascença, Bồ Đào nha)

Chúng con biết rằng Đức Thánh Cha không thích đến thăm những quốc gia đang trong tiến trình chiến dịch bầu cử, tuy nhiên cha lại làm điều đó ở Mozambique, chỉ một tháng trước những cuộc bầu cử, tổng thống đã gửi lời mời cha sẽ là một trong những ứng cử viên. Lý do là gì?

“Đúng. Đó không phải là một sai lầm, nó là một lựa chọn được quyết định tự do vì tiến trình chiến dịch bầu cử bắt đầu trong những ngày này chỉ đứng vị trí thứ hai so với tiến trình hòa bình. Vấn đề quan trọng là giúp củng cố cho tiến trình này. Và nó quan trọng hơn một chiến dịch vẫn chưa bắt đầu. Đặt hai điều này lên bàn cân thì tiến trình hòa bình cần được củng cố. Thêm nữa, tôi cũng đã gặp gỡ hai đối thủ chính trị, để nhấn mạnh rằng đây mới là điều quan trọng, và không phải là củng cố cho tổng thống nhưng để nhấn mạnh đến sự thống nhất của đất nước. Điều chị nói là đúng, tuy nhiên, chúng ta phải tách mình ra khỏi các chiến dịch tranh cử.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/9/2019]