Thứ Năm, 17 tháng 12, 2020

Toàn văn huấn từ Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha ngày 16 tháng Mười Hai

Toàn văn huấn từ Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha ngày 16 tháng Mười Hai

© Vatican Media

Toàn văn huấn từ Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha ngày 16 tháng Mười Hai

Bài giáo lý về cầu nguyện: 19. Kinh nguyện chuyển cầu

16 tháng Mười Hai, 2020 15:18

ZENIT STAFF


Sau đây là văn bản của Vatican (ND: bản tiếng Anh) huấn từ Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha ngày 16 tháng Mười Hai, 2020, trong thư viện của điện Tông tòa.


Giáo lý về cầu nguyện: 19. Kinh nguyện chuyển cầu


Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Người cầu nguyện không bao giờ quay lưng lại với thế giới. Nếu lời cầu nguyện không gồm trong đó những niềm vui và nỗi buồn, những hy vọng và lo âu của con người, thì nó trở thành một hoạt động “trang trí”, một cách hành xử hời hợt, màu mè, cô độc. Tất cả chúng ta đều cần có tâm tình trong lòng: tĩnh tâm trong một không gian và thời gian dành riêng cho mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta lẩn trốn thực tại. Trong cầu nguyện, Thiên Chúa “đón nhận chúng ta, chúc phúc cho chúng ta, bẻ bánh cho chúng ta và trao ban cho chúng ta”, để thỏa mãn sự đói khát của mọi người. Mỗi người Kitô hữu được kêu gọi để trở nên tấm bánh trong bàn tay của Chúa, được bẻ ra và chia sẻ. Tức là, đó là lời cầu nguyện cụ thể, nó không phải là một sự trốn chạy.

Vì vậy, những người nam và nữ cầu nguyện tìm kiếm sự thanh vắng và tĩnh lặng, không phải để không bị quấy rầy, nhưng để lắng nghe rõ hơn tiếng nói của Thiên Chúa. Đôi khi họ rút lui hoàn toàn khỏi thế giới, trong sự thầm kín của căn phòng riêng của họ, như Chúa Giêsu đã đề nghị (x. Mt 6, 6). Nhưng dù ở đâu, họ vẫn luôn giữ cho cánh cửa tâm hồn rộng mở: một cánh cửa rộng mở cho những người cầu nguyện nhưng không biết cách cầu nguyện; cho những người không cầu nguyện gì cả nhưng mang trong mình một tiếng kêu bị ức chế, một lời khẩn cầu bị kìm nén; cho những người lầm đường lạc lối… Ai gõ cửa người cầu nguyện sẽ tìm thấy một trái tim thương xót không loại trừ ai. Lời cầu nguyện xuất phát từ con tim và tiếng nói của chúng ta và trao tặng lại trái tim và tiếng nói cho rất nhiều người không biết cách cầu nguyện, hoặc không muốn cầu nguyện, hoặc không thể cầu nguyện: chúng ta là trái tim và là tiếng nói của những người đó, vươn tới Chúa Giêsu, vươn lên tới Chúa Cha như những người chuyển cầu. Trong sự riêng tư của những người cầu nguyện, cho dù sự riêng tư đó kéo dài hay chỉ trong nửa giờ, để cầu nguyện, những người cầu nguyện tách mình ra khỏi mọi sự và khỏi mọi người để tìm thấy mọi sự và mọi người trong Chúa. Những người này cầu nguyện cho cả thế giới, gánh trên vai những nỗi phiền muộn và tội lỗi của nó. Họ cầu nguyện cho từng người và cho mọi người: họ giống như “cây ăng-ten” của Chúa trên thế giới này. Người cầu nguyện nhìn thấy dung nhan của Chúa Kitô trong mỗi người nghèo khó gõ cửa, trong mỗi con người đã đánh mất ý nghĩa của mọi sự. Trong Sách Giáo Lý chúng ta đọc thấy: “sự cầu thay nguyện giúp – cầu xin thay cho người khác (…) là đặc điểm của một tâm hồn đồng điệu với lòng thương xót của Thiên Chúa”. Điều này thật đẹp. Khi cầu nguyện, chúng ta hòa nhịp với lòng thương xót của Thiên Chúa; có lòng thương xót đối với tội lỗi của mình, thương xót với chính bản thân chúng ta, nhưng cũng có lòng thương xót đối với tất cả những người xin được cầu nguyện cho, cho những người mà chúng ta muốn cầu nguyện hòa hợp với trái tim của Thiên Chúa. Đây chính là sự cầu nguyện đích thực: hòa hợp với lòng thương xót của Thiên Chúa, với trái tim đầy lòng thương xót của Người. “Trong thời đại của Hội Thánh, lời chuyển cầu của Kitô hữu tham dự vào kinh nguyện chuyển cầu của Đức Kitô, đây là cách diễn tả mầu nhiệm các thánh thông công” (số 2635). Tham dự vào kinh nguyện chuyển cầu của Đức Kitô có nghĩa là gì? Khi tôi cầu thay nguyện giúp cho ai đó hoặc cầu nguyện cho người nào đó: là vì Đức Kitô ở trước mặt Chúa Cha, Ngài là Đấng chuyển cầu, Ngài cầu nguyện cho chúng ta, Ngài cầu nguyện và cho Chúa Cha xem thấy những vết thương trên tay của Ngài, vì Chúa Giêsu hiện diện trước mặt Chúa Cha với thân thể của Ngài. Và Chúa Giêsu là Đấng chuyển cầu của chúng ta, và cầu nguyện là trở nên một phần giống như Chúa Giêsu: kinh nguyện chuyển cầu trong Chúa Giêsu lên Chúa Cha, cho người khác. Điều này thật đẹp.

Tâm hồn con người hướng về sự cầu nguyện. Đơn giản vì là con người. Những người không yêu thương anh chị em mình thì sẽ không cầu nguyện nghiêm túc. Có người nói rằng: người ta không thể cầu nguyện khi ngụp lặn trong sự hận thù; người ta không thể cầu nguyện khi chìm đắm trong sự thờ ơ. Lời cầu nguyện chỉ được dâng lên trong tinh thần yêu thương. Những người không yêu thương chỉ giả cách cầu nguyện, họ tin rằng họ đang cầu nguyện, nhưng họ không cầu nguyện vì họ thiếu tinh thần phù hợp, đó là tình yêu. Trong Giáo hội, những người trở nên gần gũi với nỗi buồn và niềm vui của người khác sẽ đào sâu hơn những người nghiên cứu tỷ mỷ “hệ thống cấp bậc” của thế giới. Vì lý do này, kinh nghiệm của con người hiện hữu trong mọi lời cầu nguyện, vì cho dù người ta có thể đã phạm phải những lỗi lầm nào, họ cũng không bao giờ đáng bị từ chối hoặc bị gạt sang một bên.

Khi các tín hữu được Chúa Thánh Thần thúc đẩy cầu nguyện cho các tội nhân, họ không đưa ra sự lựa chọn nào, họ không bày tỏ bất kỳ sự phán xét hay lên án nào: họ cầu nguyện cho tất cả mọi người. Và họ cầu nguyện cho chính họ. Ngay khi đó, họ biết rằng họ chẳng có gì khác với những người mà họ cầu nguyện cho. Họ nhận ra mình là người tội lỗi giữa các tội nhân và họ cầu nguyện cho mọi người. Bài học của dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế vẫn luôn sống động và luôn xác đáng (xem Lc 18,9-14): chúng ta chẳng tốt hơn người khác, chúng ta đều là anh chị em với nhau, là những người mang thân phận mỏng giòn, đau khổ, và cùng là thân phận tội nhân. Vì vậy, lời cầu nguyện mà chúng ta có thể thưa với Chúa là: “Lạy Chúa, trước thánh nhan Ngài, chẳng có người nào là công chính” (xem Tv 143: 2), đây là điều mà một trong những Thánh vịnh nói: “Lạy Chúa, trước mặt Chúa chẳng ai sống công chính, chẳng ai trong chúng con: tất cả chúng con đều là tội nhân – tất cả chúng con đều mắc nợ, mỗi người đều có một khoản nợ phải trả; không ai là không có tội trước mặt Người. Lạy Chúa, xin thương xót chúng con!” Và với tinh thần này, lời cầu nguyện sẽ mang lại hiệu quả vì chúng ta biết khiêm nhường trước mặt Chúa và cầu nguyện cho mọi người. Thay vào đó, người Pharisêu tự hào cầu nguyện rằng: “Con cảm tạ Chúa, vì con không giống như những người khác, những kẻ tội lỗi: con là người công chính, luôn luôn như vậy…”. Đây không phải là cầu nguyện: đây là ngắm nhìn mình trong cái gương soi, không phải là nhìn vào thực tế của bản thân, không. Nó cũng giống như việc bạn đang ngắm nhìn mình được trang điểm trong gương vì lòng kiêu hãnh của mình.

Thế giới tiếp tục tiến bước nhờ vào chuỗi mắt xích của những người cầu nguyện, những người đọc kinh nguyện chuyển cầu, và những người hầu như vô danh trước mọi người … nhưng không phải là vô danh trước Chúa! Có rất nhiều người Kitô hữu vô danh, trong thời gian bị bách hại, đã lặp lại lời của Chúa chúng ta: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

Vị Mục Tử Nhân Lành vẫn trung tín ngay cả trước khi biết rõ về tội lỗi của dân tộc mình: Vị Mục Tử Nhân Lành vẫn là Cha ngay cả khi con cái của Ngài xa lánh và bỏ rơi Ngài. Ngài kiên trì trong sự phục vụ của Ngài với vai trò là người chăn chiên ngay cả với những kẻ đã đóng đinh bàn tay của Ngài; Ngài không khóa cửa tâm hồn của Ngài với những người thậm chí đã làm cho Ngài đau khổ.

Nơi tất cả các thành viên của mình, Giáo Hội có sứ mệnh thực hành kinh nguyện chuyển cầu: cầu thay nguyện giúp cho người khác. Việc này đặc biệt dành cho những người thi hành những vai trò trách nhiệm: cha mẹ, thầy cô giáo, thừa tác viên chức thánh, bề trên của các cộng đoàn … Giống như ông Ápraham và ông Môisê, đôi khi trước mặt Đức Chúa họ phải “bênh vực” cho những người được trao phó cho họ. Thật vậy, chúng ta đang nói về việc bảo vệ họ bằng đôi mắt và trái tim của Thiên Chúa, bằng lòng từ bi và nhân hậu vô bờ của Ngài. Hãy cầu nguyện với lòng nhân hậu cho người khác.

Thưa anh chị em, chúng ta đều là những chiếc lá trên cùng một thân cây: mỗi chiếc lá rơi xuống nhắc nhở chúng ta về lòng đạo hạnh cao cả cần được dưỡng nuôi trong lời cầu nguyện cho nhau. Vì vậy, chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau. Việc đó sẽ rất tốt cho chúng ta và tốt cho mọi người. Cảm ơn anh chị em.

___________________________________________

Lời chào đặc biệt

Cha thân ái chào các tín hữu nói tiếng Anh. Trên hành trình Mùa Chay của chúng ta, xin ánh sáng của Đức Kitô soi rọi những con đường của chúng ta và xua tan mọi bóng tối và nỗi sợ hãi khỏi tâm hồn chúng ta. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa Giêsu Kitô đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/12/2020]


Chặng dừng chân của Tượng Đức Mẹ Miraculous Medal tại Giáo xứ Vatican

Chặng dừng chân của Linh tượng Đức Mẹ (Miraculous Medal) tại Giáo xứ Vatican

Blessing Of The Miraculous Medal Statue, Nov 11, 2020 © Vatican Media

Chặng dừng chân của tượng Đức Mẹ Miraculous Medal tại Giáo xứ Vatican

Được đội Hiến binh Thụy sĩ rước kiệu

15 tháng Mười Hai, 2020 15:14

ANNE KURIAN-MONTABONE


Tượng điêu khắc “Miraculous Medal” Rue du Bac (Paris), được Đức Thánh Cha Phanxicô làm phép ngày 11 tháng Mười Một, dừng chân tại giáo xứ Thánh Anne của Vatican, khi bắt đầu cuộc hành hương kéo dài một năm của tượng trong nước Ý.

Theo bản tin của L’Osservatore Romano, tượng được đội hiến binh Thụy sĩ kiệu, rước vào nhà thờ Thánh Anne hôm thứ Bảy, ngày 12 tháng Mười Hai, và Chúa nhật ngày 13 tháng Mười Hai. Trong các Thánh Lễ và giờ đọc Kinh Mân Côi cuối tuần trong nhà thờ, Dòng Nữ tử Bác ái Thánh Vinh Sơn Phaolô phân phát các tượng đeo, kỷ niệm 190 năm những lần Mẹ Maria hiện ra với Thánh Catherine Laboure (1806-1876).

Theo sáng kiến của cộng đoàn Gia đình Thánh Vinh Sơn Phaolô, từ ngày 1 tháng Mười Hai năm 2020 đến ngày 22 tháng Mười Một năm 2021, tượng Mẹ sẽ thánh du qua mọi miền của các khu vực trên Bán đảo, như một dấu hiệu an ủi trong thời gian dịch coronavirus.

Đức Trinh Nữ Maria đã hiện ra với Thánh Catherine Laboure, nữ tu Dòng Nữ Tử Bác Ái, trong đêm 18 rạng ngày 19 tháng Bảy năm 1830: Mẹ nói với thánh nữ, “Con của Ta, những thời đại gian tà. Những sự đau buồn sẽ ập đến với nước Pháp … Toàn thế giới sẽ bị ưu phiền vì đau khổ. Nhưng hãy tiến đến dưới chân bàn thờ. Ân sủng sẽ tuôn đổ từ đó cho tất cả những ai cầu xin. Ân sủng sẽ tuôn đổ xuống đặc biệt cho tất cả những ai cầu xin … Thời gian sẽ tới khi sự nguy hiểm trở nên vô cùng lớn lao; người ta sẽ nghĩ rằng tất cả đã mất. Ta sẽ ở với con, hãy vững tin … Hãy vững tin, đừng nản chí, Ta sẽ ở với con”.

Đức Trinh Nữ hiện ra một lần nữa với Thánh Catherine vào ngày 27 tháng Mười Một năm 1830, trong nhà nguyện của tu viện. Mẹ cầm trên tay một quả địa cầu nhỏ bằng vàng được bao phủ bởi một cây thánh giá, tượng trưng cho “toàn thế giới, nước Pháp và từng người nói riêng”. Những tia sáng phát ra từ bàn tay của Mẹ “tượng trưng cho ân sủng Ta sẽ đổ xuống trên những người cầu xin,” Đức Trinh Nữ Maria giải thích. Sau đó Thánh Catherine nhìn thấy lời khẩn cầu “Ôi Mẹ Maria vô nhiễm thai, xin cầu cho chúng con là những kẻ cậy trông vào Mẹ,” và thánh nữ nghe thấy một giọng nói yêu cầu: “Hãy làm một tượng đeo theo mẫu hình này. Những ai đeo tượng với lòng tin sẽ nhận được các ân sủng lớn lao.”

Cho dù có những hạn chế về sức khỏe được áp dụng do cuộc chiến chống đại dịch, đó sẽ là một việc để chứng tỏ rằng Mẹ Maria gần gũi với các cộng đoàn này trước khó khăn lớn nhất: những nơi đau khổ, các bệnh viện, nhà nghỉ, những nơi người nghèo được giúp đỡ và hỗ trợ, bắt đầu ở miền Nam, Campania, Calabria, Sicily, Puglia.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/12/2020]