Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2019

Ít nhất có hơn 10.000 trẻ em chết mỗi năm do chiến tranh và xung đột

Ít nhất có hơn 10.000 trẻ em chết mỗi năm do chiến tranh và xung đột
© Save The Children

Ít nhất có hơn 10.000 trẻ em chết mỗi năm do chiến tranh và xung đột

Hiện có nhiều trẻ em đang sống trong các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang hơn bất cứ thời gian trong hai thập kỷ qua, một báo cáo mới từ tổ chức Save the Children (Cứu trợ trẻ em) cho biết.

15 tháng Hai, 2019 17:30

Theo phân tích mới của tổ chức Save the Chidren được phát hành ngày 14 tháng Hai, 2019, ít nhất 550.000 trẻ sơ sinh được cho là đã chết do hậu quả của xung đột vũ trang giữa năm 2013 và 2017 tại 10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất — trung bình hơn 100.000 trẻ mỗi năm.

Trẻ sơ sinh không chịu chịu được những hậu quả gián tiếp của xung đột và chiến tranh như đói, cơ sở hạ tầng và nhà thương bị tàn phá, thiếu sự tiếp cận với việc chăm sóc sức khỏe và vệ sinh, và từ chối viện trợ. Tổ chức Save the Children nói rằng có lẽ các bé sẽ không chết nếu như không sống ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột.

Tổng số ca tử vong do những hậu quả gián tiếp nhảy vọt lên 870.000 khi tính tất cả số trẻ em dưới năm tuổi. Theo tổ chức bác ái này, những con số ước tính có thể là dè dặt, trong khi vẫn chưa đầy đủ. Để so sánh, Save the Children ước tính từ dữ liệu có sẵn rằng trong cùng khoảng thời gian năm năm, gần 175.000 chiến binh đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột.

Những con số về các ca trẻ em tử vong do hậu quả gián tiếp được công bố trong báo cáo của Save the Children, Stop the War on Children (tạm dịch: Hãy chấm dứt chiến tranh đối với trẻ em), ra mắt trước ngày khai mạc 15/2 của Hội nghị An ninh Munich. Năm thứ hai liên tiếp, báo cáo bao gồm việc thu thập dữ liệu toàn diện nhất về số trẻ em sống trong các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột. Báo cáo cho biết rằng hiện có nhiều trẻ em hơn — gần một phần năm — đang sống trong các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang và chiến tranh hơn bất cứ thời gian nào trong hơn 20 năm qua.

Nghiên cứu mới của Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo (PRIO), được Save the Children ủy nhiệm, cho biết 420 triệu trẻ em đang sống trong các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột trong năm 2017 (18% tổng số trẻ em trên toàn thế giới) — tăng 30 triệu so với năm trước. Afghanistan, Yemen, Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), Syria, Iraq, Mali, Nigeria và Somalia là những quốc gia nơi trẻ em bị ảnh hưởng nặng nề nhất của xung đột trong năm 2017.

Bà Helle Thorning-Schmidt, CEO của Save the Children International, cho biết:

“Báo cáo của chúng tôi cho thấy rằng diễn tiến các cuộc chiến tranh ngày nay đang bùng nổ gây ra nhiều đau khổ hơn cho trẻ em. Gần một phần năm số trẻ em đang sống trong các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột – nhiều hơn bất cứ thời gian nào trong suốt hai thập kỷ qua. Số trẻ em bị giết hoặc bị thương tật đã tăng gấp ba lần, và chúng ta đang chứng kiến một sự gia tăng đáng báo động trong việc sử dụng viện trợ như một vũ khí chiến tranh.

“Điều đáng kinh hoàng là trong thế kỷ 21 này, chúng ta lại đang đi ngược lại các nguyên tắc và tiêu chuẩn đạo đức rất đơn giản – trẻ em và thường dân không bao giờ là mục tiêu.

“Phân tích của chúng tôi cho thấy rõ ràng tình hình đang trở nên xấu hơn đối với trẻ em và thế giới đang cho phép trò hề này diễn ra. Mỗi ngày, trẻ em bị tấn công vì các nhóm vũ trang và lực lượng quân sự coi thường luật pháp và hiệp ước quốc tế. Từ việc sử dụng vũ khí hóa học đến hãm hiếp được dùng như một vũ khí chiến tranh, tội ác chiến tranh đang được thực hiện mà không hề bị trừng phạt.”

Một phần lý do khiến số trẻ em sống ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột gia tăng là do những cuộc xung đột ngày nay thường bị kéo dài, xảy ra trong khu vực thành thị và là cuộc chiến giữa các nhóm dân sự. Các quy tắc và chuẩn mực quốc tế ngày càng bị coi thường.

Báo cáo Stop the War on Children bao gồm một phân tích dữ liệu của Liên Hợp Quốc về các vi phạm nghiêm trọng đối với trẻ em. Theo các số liệu này, những vi phạm nghiêm trọng đã tăng trên toàn thế giới từ dưới 10.000 trong năm 2010 lên hơn 25.000 trong năm 2017 — con số cao nhất trong hồ sơ ghi lại. Mỗi ngày các em phải đối mặt với mối đe dọa bị sát hại hoặc bị thương tật, bị tuyển dụng bởi các nhóm vũ trang, bắt cóc, trở thành nạn nhân của bạo lực tình dục, chứng kiến trường học của các em bị tấn công hoặc viện trợ nhân đạo bị từ chối. Trong nhiều trường hợp, trẻ em là mục tiêu đặc biệt.

Masika*, 15 tuổi, từ Cộng hòa Dân chủ Congo, là con út trong gia đình bảy người con và cha đã chết để lại các con không thể tự nuôi sống. Em đã phải nghỉ học và tham gia một nhóm vũ trang để sống sót. “Mọi điều trước đây tôi cho rằng một ngày nào đó tôi có thể làm và có thể trở thành bây giờ dường như hoàn toàn không thể. Tôi nghĩ lựa chọn duy nhất của tôi là tham gia với các nhóm vũ trang. Các binh lính không ngừng yêu cầu tôi thỏa mãn cho những đòi hỏi tình dục của họ và tôi đã phải đầu hàng.”

Bản báo cáo của Save the Children cũng làm nổi bật những nỗ lực giữ cho các trường học được an toàn, tránh sử dụng một số vũ khí, tìm trách nhiệm giải trình đối với tội ác nhắm vào trẻ em hoặc theo đuổi những cách thức mới giúp hỗ trợ sự phục hồi cho các em thoát khỏi sự kinh hoàng của xung đột có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong cuộc sống của các em.

Tổ chức từ thiện đưa ra hơn 20 khuyến nghị cho các chính phủ và các tổ chức có ảnh hưởng khác để đảm bảo trẻ em phải được bảo vệ trong chiến tranh và xung đột. Những cam kết bao gồm từ việc ký kết một Tuyên bố Trường học An toàn và độ tuổi tối thiểu cho việc tuyển dụng quân sự là 18 tuổi cho đến việc tránh sử dụng vũ khí gây nổ trong khu vực đông dân cư và thắt chặt các điều kiện đối với việc buôn bán vũ khí.

Bà Thorning-Schmidt tiếp tục: “Khi các quy tắc chiến tranh bị phá vỡ, cộng đồng quốc tế phải hiểu rõ rằng điều này là không thể dung thứ và bắt các thủ phạm phải chịu trách nhiệm. Và đối với những trẻ em với cuộc sống bị tàn phá bởi xung đột, chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để bảo vệ các em khỏi bị tổn hại thêm và giúp xây dựng lại tương lai của các em.”

Save the Children cũng đang kêu gọi một cơ quan độc lập điều tra và phân tích tất cả các hành vi vi phạm luật nhân đạo quốc tế và nhân quyền, đáng chú ý là quyền trẻ em.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/2/2019]


UAE: Tổ chức Aid to Church in Needs tổng hợp những cái nhìn về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha

UAE: Tổ chức Aid to Church in Needs tổng hợp những cái nhìn về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha

UAE: Tổ chức Aid to Church in Needs tổng hợp những cái nhìn về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha

Đức Thánh Cha dâng Thánh Lễ lớn nhất chưa từng có trên Bán đảo Ả-rập tại Abu Dhabi

11 tháng Hai, 2019 17:35

Đức Thánh Cha dâng Thánh Lễ lớn nhất chưa từng có trên Bán đảo Ả-rập tại Abu Dhabi. Nhưng kết quả chuyến viếng thăm của giáo hoàng sẽ là gì? Tổ chức Aid to the Church in Need (ACN) trình bày quan điểm ngày 11 tháng Hai năm 2019:

Gregory Fonseka rất biết ơn: “Tôi đã có được kinh nghiệm với Đức Thánh Cha Phanxico tại Sri Lanka, quê hương của tôi. Nhưng tôi chưa từng nghĩ rằng ngài sẽ dâng Thánh Lễ ở đây tại Abu Dhabi này. Việc đó đã làm vững mạnh niềm tin của tôi vào Chúa Giê-su. Cảm ơn, Đức Thánh Cha Phanxico.” Giáo hội địa phương ở Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất bao gồm những con người như Gregory, một công nhân người nước ngoài. Giáo hội Công giáo có khoảng một triệu thành viên ở đó. Họ được phục vụ bởi tổng cộng chín giáo xứ – dĩ nhiên là một con số quá nhỏ bé đối với nhiều người. Họ sống tạm trú và làm việc ở đất nước này, đất nước cho phép họ quyền tự do tham dự các buổi sinh hoạt tôn giáo, nhưng không phải là sự tự do tôn giáo trọn vẹn. Điều này cũng không có gì khác biệt so với công dân của Các Tiểu Vương quốc; họ bị cấm không được cải đạo sang Ki-tô giáo hay bất kỳ tôn giáo nào khác. Về lý thuyết, từ bỏ đạo Hồi bị trừng phạt bằng cái chết, dù rằng hình phạt này không được thực thi. Tuy nhiên, người cải đạo phải chịu áp lực rất lớn từ phía gia đình của họ. Rao giảng Ki-tô giáo bị cấm và bị trừng phạt bằng sự trục xuất.

Trong bối cảnh như vậy, Thánh lễ do Đức Thánh Cha Phanxico cử hành vào sáng Thứ Ba là một điều khá đặc biệt. Trên thực tế Đức Thánh Cha Phanxico đã đặt ra một số tiêu chuẩn đồng thời bằng cách tổ chức Thánh lễ lớn tại Sân vận động Sheikh Zayed ở thủ đô của Các Tiểu Vương quốc. Lần đầu tiên, một vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo cử hành Thánh lễ ở trung tâm Hồi giáo, chỉ cách Mecca vài trăm cây số. Và đó không chỉ là một Thánh lễ bình thường, mà là thánh lễ lớn nhất từng được dâng trên Bán đảo Ả Rập. Hơn 160.000 Ki-tô hữu đã tập trung bên trong và xung quanh phía ngoài sân vận động thuộc khu ngoại ô của Abu Dhabi. Họ hoan hô vang dậy khi Đức Giáo hoàng đi ngang qua các đám đông dân chúng trên một chiếc xe giáo hoàng mui trần. Một thực tế khác là lần đầu tiên một Thánh Lễ được tổ chức trong khu vực công cộng. Ở đất nước này nơi Hồi giáo là quốc giáo chính thức, người Ki-tô hữu chỉ có thể cử hành các nghi lễ trong phạm vi giới hạn bên trong một nhà thờ. Chuông nhà thờ và thánh giá không được phép để ở vị trí có thể nhìn thấy từ bên ngoài. Tuy nhiên, việc cử hành Thánh lễ trong một tòa nhà thuộc sở hữu nhà nước, được phát trên truyền hình, có sự tham dự của các thành viên chính phủ: đó là một điều rất đặc biệt. Một thánh giá khổng lồ treo một cách uy nghi phía trên bàn thờ. Hàng ngàn người Hồi giáo đã có mặt khi Đức Thánh Cha Phanxico giảng Lễ phân tích Bài giảng trên Núi như là một bản đồ chỉ dẫn cho đời sống người Ki-tô hữu. Đám đông vỗ tay tưởng thưởng khi Đức Giám mục Phaolô Hinder cảm ơn Hoàng Thái tử của Các Tiểu Vương quốc về cơ hội được cử hành Thánh lễ trong một khu vực công cộng. Một phóng viên từ Abu Dhabi, người không muốn nêu tên, bình luận: “Quả thật, nhà cầm quyền đang mạo hiểm với sự cho phép việc này diễn ra. Chẳng hạn, các học giả Hồi giáo ở Ả-rập Xê-út sẽ không chấp nhận việc cử hành Thánh lễ ở nơi công cộng trên đất Hồi giáo.”

UAE: Tổ chức Aid to Church in Needs tổng hợp những cái nhìn về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha

Nhưng kết quả của chuyến thăm của giáo hoàng sẽ là gì? Liệu hoàn cảnh sẽ thay đổi tốt hơn cho các Kitô hữu sống trong khu vực? Đức Giám mục Camillo Ballin, Giám mục đại diện Tông tòa cho miền Ả-rập, tỏ ra hoài nghi. Tương tự như vậy là Hạt Đại diện Tông tòa Nam Ả Rập, khu vực Đức Thánh Cha Phanxico vừa đến thăm, hàng triệu Kitô hữu là những người lao động nước ngoài sống trong khu vực bao gồm Ả-rập Xê-út, Qatar, Kuwait và Bahrain. Tự do tôn giáo không tồn tại ở bất kỳ quốc gia nào trong số này. Trong một cuộc nói chuyện với ACN tại Abu Dhabi, Đức cha Ballin nhận xét, “Chuyến thăm của Đức Thánh Cha động viên người Ki-tô hữu ở vùng phía bắc của Bán đảo Ả-rập sống đức tin của họ với niềm tin vững mạnh hơn và chia sẻ mối tương giao của con người với người Hồi giáo. Tôi chắc chắn rằng cuộc họp liên tôn ở đây tại Abu Dhabi có thể thúc đẩy một trạng thái tâm lý mới. Nhưng những thay đổi căn bản không đơn giản có thể xảy ra trong vòng 24 giờ. Do đó, tôi không mong đợi bất kỳ sự cải thiện cụ thể nào.”

UAE: Tổ chức Aid to Church in Needs tổng hợp những cái nhìn về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha

Đức Hồng y Bechara Rai, Thượng phụ của Giáo hội Thánh Maron, một Giáo hội hợp nhất với Roma, tỏ ra lạc quan hơn. Ngài đánh giá cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và các đại diện hàng đầu của Hồi giáo như Đức Đại Imam của Đại học al-Azhar là một sự kiện quan trọng cho mối quan hệ giữa Hồi giáo và Ki-tô giáo. “Đương nhiên sẽ có một điều gì đó thay đổi, ngay cả trong Ả-rập Xê-út. Ở đó không có nhà thờ và không có thánh lễ công khai. Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo hoàng và các vị đại diện Hồi giáo sẽ có kết quả. Nhưng sẽ cần có thời gian,” ngài nói với ACN.

George Samia, một thanh niên Công giáo từ nước Dubai lân cận du lịch đến Abu Dhabi để tham dự Thánh Lễ của Đức Thánh Cha, rất lạc quan về kết quả. “Chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng là một cơ hội cho những người không phải Ki-tô hữu hiểu biết thêm về Ki-tô giáo và thông điệp yêu thương của mình. Thật tuyệt vời. Tôi tự hào rằng tôi đã có thể ở đây để tham dự sự kiện lịch sử này.”



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/2/2019]