Thứ Sáu, 12 tháng 1, 2024

Tiếp kiến chung của ĐTC Phanxicô ngày 10.01.2024: Đức Thánh Cha cảnh tỉnh về thói ham mê ăn uống

Đức Thánh Cha cảnh tỉnh về thói mê ăn uống

Tiếp kiến chung

Tiếp kiến chung của ĐTC Phanxicô ngày 10.01.2024: Đức Thánh Cha cảnh tỉnh về thói ham mê ăn uống

Vatican Media


*******

Buổi Tiếp kiến chung Thứ Tư tuần này, ngày 10 tháng 1 năm 2024, được tổ chức lúc 9 giờ sáng tại Khán phòng Phaolô VI, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu đến từ nước Ý và trên toàn thế giới.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý mới về “Các Thói xấu và Nhân đức”, tập trung suy tư về chủ đề thói mê ăn uống (Bài đọc: Mt 2. 23-26).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng các ngôn ngữ khác nhau, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.

Dưới đây là toàn văn bài giáo lý của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp kiến chung.


________________________________________


Chủ đề giáo lý. Những thói xấu và Nhân đức. 3. Thói mê ăn uống

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong hành trình giáo lý của chúng ta, trên con đường các bài giáo lý chúng ta đang thực hiện về các thói xấu và nhân đức, hôm nay chúng ta sẽ xét đến thói mê ăn uống. Ham mê ăn uống.

Tin Mừng nói gì với chúng ta về điều đó? Chúng ta hãy nhìn vào Chúa Giêsu. Phép lạ đầu tiên của Ngài, tại tiệc cưới Cana, tỏ lộ sự cảm thông của Ngài đối với niềm vui của con người: Ngài lo liệu cho bữa tiệc được kết thúc tốt đẹp và ban tặng cho cô dâu chú rể một lượng rượu ngon dồi dào. Trong toàn bộ sứ vụ của mình, Chúa Giêsu thể hiện là một vị tiên tri rất khác biệt với Gioan Tẩy Giả: trong khi Gioan được nhớ đến vì lối sống khổ hạnh – ông đã ăn những gì ông tìm thấy trong sa mạc – thì ngược lại, Chúa Giêsu là Đấng Mêsia chúng ta thường nhìn thấy tại bàn ăn. Hành vi của Ngài gây chướng tai gai mắt ở một số nơi, bởi vì Ngài không chỉ tỏ lòng nhân từ với những người tội lỗi, mà Ngài còn ăn uống với họ; và cử chỉ này chứng tỏ Ngài sẵn sàng hiệp thông và gần gũi với mọi người.

Nhưng thậm chí còn nhiều hơn thế nữa. Mặc dù thái độ của Chúa Giêsu đối với các giới luật của Do Thái cho thấy Ngài hoàn toàn tuân theo Lề Luật, nhưng Ngài vẫn tỏ lòng đồng cảm với các môn đệ của Ngài: khi thấy họ thiếu thốn, khi họ bứt lúa ăn vì đói, Chúa bào chữa cho họ, nhắc lại rằng ngay cả Vua Đavít và những bạn đồng hành của vua cũng đã lấy bánh thánh (x. Mc 2:23-26). Và Chúa Giêsu khẳng định một nguyên tắc mới: khách dự tiệc cưới không thể ăn chay khi có chàng rể ở với họ. Chúa Giêsu muốn chúng ta hân hoan trong sự đồng hành của Ngài – Chúa giống như chàng rể của Giáo hội; nhưng Ngài cũng muốn chúng ta dự phần vào những đau khổ của Ngài, đó cũng là những đau khổ của những người bé mọn và nghèo khổ. Chúa Giêsu có tính phổ quát.

Một khía cạnh quan trọng khác. Chúa Giêsu loại bỏ sự phân biệt giữa những loại thực phẩm trong sạch và không trong sạch, đây là cách phân biệt do luật Do Thái quy định. Đó là lý do tại sao Kitô giáo không coi thực phẩm là ô uế. Và về điều này, Chúa Giêsu nói rất rõ rằng điều làm cho một thứ gì đó trở nên tốt hay xấu, chúng ta hãy nói về điều xấu liên quan đến thức ăn, không phải bởi chính thức ăn mà là mối quan hệ của chúng ta với nó. Và chúng ta thấy điều này khi một người có mối quan hệ bất ổn đối với thức ăn; chúng ta nhìn thấy cách họ ăn, họ ăn vội vã, như thể muốn được no thỏa nhưng lại chưa bao giờ thấy no. Họ có mối quan hệ không tốt với thức ăn, họ là nô lệ của thức ăn. Và Chúa Giêsu coi trọng lương thực và việc ăn uống, kể cả trong xã hội, nơi có nhiều sự mất cân bằng và nhiều bệnh lý biểu hiện. Một người ăn quá nhiều hoặc quá ít. Thường người ta ăn trong cô đơn, rối loạn ăn uống – biếng ăn, cuồng ăn, béo phì – đang lan rộng. Và y học và tâm lý học đang cố gắng giải quyết mối quan hệ không tốt của chúng ta với thức ăn. Một mối quan hệ không tốt với thực phẩm sẽ dẫn đến tất cả những căn bệnh này, tất cả các chứng bệnh này.

Đó là những căn bệnh, thường vô cùng đau khổ, chủ yếu liên quan đến những đau khổ về tinh thần và tâm hồn. Có một mối liên hệ giữa sự mất cân bằng tâm lý và cách ăn uống. Cách chúng ta ăn uống là biểu hiện của một điều gì đó bên trong: khuynh hướng thiên về sự cân bằng hoặc thái quá; khả năng biết tạ ơn hoặc sự kiêu ngạo về sự tự chủ; sự đồng cảm của người biết chia sẻ miếng ăn cho người túng thiếu, hay tính ích kỷ của những người vơ vét mọi thứ cho bản thân. Vấn đề này rất quan trọng. Hãy cho tôi biết cách bạn ăn uống như thế nào, tôi sẽ cho bạn biết tâm hồn bạn ra sao. Qua cách ăn uống, chúng ta bộc lộ bản ngã, thói quen, thái độ tâm lý của mình.

Các Giáo phụ xưa đã đặt cho thói xấu mê ăn uống cái tên là “gastrimargia” – gastromargy, một thuật ngữ có thể dịch là “sự điên cuồng của cái bụng”. Thói ham mê ăn uống là “sự điên cuồng của cái bụng”. Ngoài ra còn có câu tục ngữ rằng ăn để sống chứ không phải sống để ăn – “sự điên cuồng của cái bụng”. Đó là một thói xấu gắn chặt với nhu cầu thiết yếu của chúng ta, chẳng hạn như ăn uống. Chúng ta hãy cẩn thận về điều này.

Nếu chúng ta giải thích nó theo góc độ xã hội, thì thói mê ăn uống có lẽ là thói xấu nguy hiểm nhất đang giết chết hành tinh. Bởi vì tội của những người khuất phục trước một miếng bánh, xét về mọi mặt, không gây ra thiệt hại lớn, nhưng tính phàm ăn mà chúng ta đã cướp bóc của cải của hành tinh trong vài thế qua đang làm tổn hại đến tương lai của tất cả mọi người. Chúng ta đã chiếm đoạt mọi thứ, để trở thành ông chủ của mọi thứ, trong khi mọi sự đều được giao cho chúng ta quản lý chứ không phải để chúng ta bóc lột.

Vậy đây là một trọng tội, sự điên cuồng của cái bụng là một trọng tội: chúng ta đã từ bỏ danh hiệu con người, để thừa nhận là “người tiêu dùng”. Ngày nay chúng ta nói như vậy trong đời sống xã hội, người tiêu dùng. Chúng ta thậm chí không để ý người ta bắt đầu đặt cho chúng ta cái tên này từ khi nào. Chúng ta được tạo dựng để trở thành những người “Thánh Thể”, có khả năng biết tạ ơn, thận trọng trong việc sử dụng đất đai, nhưng thay vào đó, điều nguy hiểm là chúng ta trở thành những kẻ săn mồi; và bây giờ chúng ta nhận ra rằng hình thức “mê ăn uống” này đã gây ra rất nhiều nguy hại cho thế giới. Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta trên con đường biết sống tiết độ, để nhiều hình thức của thói mê ăn uống không tiếp tục trong đời sống của chúng ta. Cảm ơn anh chị em.

_________________________________________


Lời chào đặc biệt

Cha gửi lời chào đến tất cả anh chị em hành hương và du khách nói tiếng Anh tham gia buổi Tiếp kiến chung hôm nay, đặc biệt những anh chị em đến từ Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Tôi xin chào mừng các linh mục từ Học viện Giáo dục Thần học tại Đại học Giáo hoàng Bắc Mỹ. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tuôn đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc phúc cho anh chị em!


[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/1/2024]


Vatican có quan hệ ngoại giao với bao nhiêu quốc gia vào năm 2024?

Vatican có quan hệ ngoại giao với bao nhiêu quốc gia vào năm 2024?

Tiếp các thành viên Ngoại giao đoàn chính thức được Tòa thánh công nhận vào ngày 8 tháng 1 Photo: Vatican Media

Vatican có quan hệ ngoại giao với bao nhiêu quốc gia vào năm 2024?

Cuối năm 2023, Liên Hợp quốc công nhận tổng cộng 195 quốc gia. Điều đó có nghĩa là Tòa Thánh không có quan hệ ngoại giao với 11 quốc gia, khiến Tòa Thánh trở thành một trong những “quốc gia” có mạng lưới quan hệ lớn nhất trên thế giới.

08 tháng Một, 2024 00:26

JORGE ENRIQUE MÚJICA



(ZENIT News / Rome, 08.01.2024). - Trong bối cảnh buổi tiếp kiến truyền thống của Đức Giáo hoàng dành cho Ngoại giao đoàn chính thức tại Tòa thánh, ngài Bộ trưởng Ngoại giao Vatican đã cập nhật thông tin về các quốc gia mà Tòa Thánh duy trì quan hệ ngoại giao.

Tính đến đầu năm 2024, Tòa Thánh có quan hệ ngoại giao với 184 quốc gia. Ngoài ra, còn có Liên minh Châu Âu và Dòng Hiệp sĩ Malta. Các đại sứ quán có trụ sở chính tại Rome, kể cả các đại sứ quán của Liên minh Châu Âu và Dòng Hiệp sĩ Malta, tổng cộng là 91. Các văn phòng của Liên đoàn các quốc gia Ả Rập, Tổ chức Di trú Quốc tế và Cao ủy Liên Hợp quốc về Người Tị nạn cũng có trụ sở tại Rome.

Trong năm 2023, vào ngày 23 tháng Hai, Tòa Thánh đã thiết lập quan hệ ngoại giao toàn diện với Vương quốc Oman. Vào ngày 19 tháng Bảy, “Thỏa thuận bổ sung cho Thỏa thuận giữa Tòa thánh và Cộng hòa Kazakhstan về Quan hệ hỗ tương ngày 24 tháng Chín năm 1998” liên quan đến việc cấp thị thực và giấy phép cư trú cho các nhân viên giáo hội và tôn giáo từ nước ngoài, được ký vào ngày 14 tháng Chín năm 2022, đã được phê chuẩn. Vào ngày 27 tháng Bảy, “Thỏa thuận về Tư cách của Đại diện thường trú của Giáo hoàng và Văn phòng Đại diện Giáo hoàng thường trú tại Việt Nam” đã được ký với Việt Nam, qua việc bổ nhiệm một vị Đại diện Giáo hoàng thường trú vào ngày 23 tháng Mười Hai.

Đến cuối năm 2023, Liên hợp quốc công nhận tất cả 195 quốc gia. Điều này có nghĩa là Tòa Thánh không có quan hệ ngoại giao với 11 quốc gia, khiến Tòa Thánh trở thành một trong những “quốc gia” có mạng lưới quan hệ lớn nhất trên thế giới. Tây Ban Nha là quốc gia đầu tiên trong lịch sử mà Tòa Thánh thiết lập quan hệ ngoại giao, và Vương quốc Hồi giáo Oman là quốc gia gần đây nhất.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/1/2024]