Thứ Năm, 30 tháng 3, 2023

Tiếp kiến chung của ĐTC Phanxicô 29.03.2023: Bài giáo lý thứ 9 về nhiệt tâm rao giảng Tin mừng: “Điều làm thay đổi cuộc đời là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu”

“Điều làm thay đổi cuộc đời là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu”

Bài giáo lý thứ 9 của Đức Thánh Cha về nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng

Tiếp kiến chung của ĐTC Phanxicô 29.03.2023: Bài giáo lý thứ 9 về nhiệt tâm rao giảng Tin mừng: “Điều làm thay đổi cuộc đời là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu”

Vatican Media

*******

Buổi tiếp kiến chung sáng nay được tổ chức lúc 9:00 sáng tại Quảng trường Thánh Phêrô, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu đến từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý Nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu, tập trung suy niệm về chủ đề “Các chứng nhân: Thánh Phaolô” (Bài đọc: Gl 1:22-24).

Sau phần tóm lược bài giáo lý của ngài bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha ngỏ lời chào đặc biệt đến các tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.

_____________________________________________________


Giáo lý. Nhiệt tâm rao giảng Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu. 9. Các chứng nhân: Thánh Phaolô.

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Trong hành trình giáo lý về lòng nhiệt thành tông đồ, hôm nay chúng ta bắt đầu nhìn đến một số nhân vật, theo những cách thức khác nhau và vào những thời điểm khác nhau, đã nêu gương làm chứng cho lòng nhiệt thành đối với Tin Mừng nghĩa là gì. Và chứng nhân đầu tiên tất nhiên là Thánh Tông đồ Phaolô. Cha muốn dành hai bài giáo lý nói về ngài.

Và lịch sử của Phaolô thành Tácsô là tiêu biểu về phương diện này. Trong chương đầu tiên Thư gửi tín hữu Galát, cũng như trong trình thuật của Sách Công vụ Tông đồ, chúng ta có thể thấy rằng lòng nhiệt thành của ngài đối với Tin Mừng xuất hiện sau khi ngài trở lại, và thay thế cho lòng nhiệt thành trước đó của ngài đối với đạo Do Thái. Ngài là một người nhiệt thành đối với luật Môsê của Do Thái giáo, và sau khi trở lại, lòng nhiệt thành này vẫn tiếp tục, nhưng là để công bố, rao giảng về Chúa Giêsu Kitô. Phaolô yêu mến Chúa Giêsu. Saulô – tên riêng của Phaolô – vốn là người rất nhiệt thành, nhưng Chúa Kitô hoán cải lòng nhiệt thành của ông: từ Lề Luật sang Tin Mừng. Lòng nhiệt thành của ông ban đầu muốn phá hủy Giáo hội, về sau lòng nhiệt thành là để xây dựng Giáo hội. Chúng ta có thể đặt câu hỏi: điều gì đã xảy ra, chuyển từ phá hủy sang xây dựng? Điều gì đã biến đổi ở Phaolô? Lòng nhiệt thành của ngài, sự phấn đấu của ngài cho vinh quang của Thiên Chúa, đã được biến đổi như thế nào? Điều gì đã xảy ra ở đó?

Thánh Tôma Aquinô dạy rằng lòng nhiệt thành, theo quan điểm luân lý, không tốt cũng không xấu: việc sử dụng có đạo đức làm cho nó tốt về mặt luân lý, còn tội lỗi làm cho nó xấu đi.[1] Trong trường hợp của Thánh Phaolô, điều làm ngài thay đổi không phải là một ý tưởng hay một sự xác tín đơn giản: đó là cuộc gặp gỡ, đó là cuộc gặp gỡ với Chúa Phục sinh – xin đừng quên điều này, chính cuộc gặp gỡ với Chúa làm thay đổi một cuộc đời – chính cuộc gặp gỡ với Chúa Phục sinh đã biến đổi toàn bộ con người ngài. Bản tính con người của Phaolô, lòng nhiệt thành của ngài đối với Thiên Chúa và vinh quang của Chúa không bị tiêu diệt, nhưng được biến đổi, được “hoán cải” bởi Chúa Thánh Thần. Đấng duy nhất có thể thay đổi tâm hồn chúng ta, biến đổi, đó là Chúa Thánh Thần. Và mọi khía cạnh trong cuộc sống của ngài cũng như vậy. Cũng như trong Bí tích Thánh Thể: bánh và rượu không biến mất, nhưng trở thành Mình và Máu Chúa Kitô. Lòng nhiệt thành của Phaolô vẫn còn, nhưng nó trở thành lòng nhiệt thành của Chúa Kitô. Nó thay đổi hướng nhưng sự nhiệt thành là như nhau. Thiên Chúa được phục vụ với nhân tính của chúng ta, với những quyền và đặc điểm của chúng ta, nhưng cái làm thay đổi mọi sự không phải là một ý tưởng, mà là chính cuộc sống, như thánh Phaolô đã nói: “Ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới – nó biến đổi bạn từ bên trong, cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô biến đổi bạn từ bên trong, nó biến bạn thành một con người khác – “Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (2 Cr 5:17). Nếu một người ở trong Đức Kitô, người ấy là thọ tạo mới, đây là ý nghĩa của việc trở thành một thọ tạo mới. Trở thành Kitô hữu không phải là một sự hóa trang làm thay đổi khuôn mặt của bạn, không phải! Nếu bạn là Kitô hữu, tâm hồn của bạn được biến đổi, nhưng nếu bạn là một Kitô hữu hình thức, thì điều này sẽ không xảy ra: những người Kitô hữu bề ngoài, không, họ sẽ không làm được. Sự thay đổi thực sự là thay đổi tâm hồn. Và điều này đã xảy ra với Thánh Phaolô.

Lòng nhiệt thành đối với Tin Mừng không phải là vấn đề hiểu biết hay nghiên cứu – bạn có thể học toàn bộ thần học mà bạn muốn, bạn có thể nghiên cứu Kinh thánh và tất cả những điều đó, và rồi trở thành người vô thần hoặc người theo thế tục. Nó không phải là vấn đề học tập; trong lịch sử đã có nhiều nhà thần học vô thần, không! Học hành là hữu ích nhưng không sinh ra đời sống ân sủng mới; đúng hơn, hoán cải có nghĩa là trải qua cùng kinh nghiệm của sự “vấp ngã và phục sinh” mà Saulô/Phaolô đã trải qua và là nguồn gốc của sự biến chuyển lòng nhiệt thành tông đồ của ngài.

Thật vậy, như Thánh Inhaxiô nói: “Không phải vì biết nhiều, mà là nhận ra và cảm nghiệm mọi sự trong lòng, là điều làm hài lòng và thỏa mãn”. [2] Mỗi người chúng ta, hãy suy nghĩ. “Tôi là một người sùng đạo” – “Tốt” – “Tôi cầu nguyện” – “Vâng” – “Tôi cố gắng tuân giữ các điều răn” – “Vâng” – “Nhưng Chúa Giêsu ở đâu trong cuộc sống của bạn?” – “À, không, tôi làm những điều Giáo hội chỉ thị”. Nhưng Chúa Giêsu, Ngài ở đâu? Bạn đã gặp Chúa Giêsu chưa, bạn đã thưa chuyện với Chúa Giêsu chưa? Nếu bạn đọc Tin Mừng hoặc nói chuyện với Chúa Giêsu, bạn có nhớ Chúa Giêsu là ai không? Và đây là điều mà chúng ta thường rất thiếu; tôi muốn nói đó là một Kitô giáo không phải không có Chúa Giêsu, nhưng với một Chúa Giêsu trừu tượng… Không! Chúa Giêsu đã đi vào cuộc đời bạn như thế nào, Ngài đã bước vào cuộc đời của Phaolô như thế nào, và khi Chúa Giêsu bước vào, mọi thứ đều thay đổi. Đã nhiều lần chúng ta nghe những lời bình luận về con người: “Xem ông ta kìa, ông ta từng là người xấu xa mà bây giờ là một người tốt, bà ta là người tốt … ai đã biến đổi họ? Chúa Giêsu, họ đã tìm thấy Chúa Giêsu. Đời sống Kitô hữu của bạn có thay đổi không? “Không, ít nhiều thì có…”. Nếu Chúa Giêsu không đi vào cuộc đời bạn, thì nó không thay đổi. Bạn chỉ có thể là Kitô hữu bề ngoài. Không, Chúa Giêsu phải đi vào và việc này thay đổi bạn, và điều này đã xảy ra với Phaolô. Đó là việc tìm được Chúa Giêsu, và đây là lý do tại sao Thánh Phaolô nói rằng tình yêu của Đức Kitô thúc đẩy chúng ta, đó là điều đưa bạn tiến tới. Điều tương tự cũng xảy ra, sự biến đổi này, đối với tất cả các thánh, những người đã tiến bước khi họ tìm thấy Chúa Giêsu.

Chúng ta có thể suy nghĩ thêm về sự thay đổi đã diễn ra trong Phaolô, từ một kẻ bắt bớ đã trở thành tông đồ của Chúa Kitô. Chúng ta lưu ý rằng có một nghịch lý trong ông: thật vậy, chừng nào ông còn cảm thấy ông là người công chính trước mặt Chúa, thì ông cảm thấy có quyền ngược đãi, bắt bớ, thậm chí giết chết, như trường hợp của Thánh Stêphanô; nhưng khi được Chúa Phục Sinh soi sáng, ông khám phá ra mình là “kẻ lộng ngôn và bắt đạo” (x. 1Tm 1:13) – đây là điều ông nói về chính mình, “trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo” – thì ông bắt đầu thực sự có khả năng yêu thương. Và đây là con đường. Nếu một người trong chúng ta nói: “À, cảm tạ Chúa, vì con là người tốt lành, con làm điều tốt, con không phạm tội trọng…”, đây không phải là con đường tốt, đây là con đường tự phụ, nó là con đường không làm cho bạn nên công chính, nó khiến bạn hếch mũi lên… Đó là một người Công giáo lịch lãm, nhưng một người Công giáo lịch lãm không phải là một người Công giáo thánh thiện, anh ta lịch lãm. Người Công giáo đích thực, người Kitô hữu đích thực là người đón tiếp Chúa Giêsu trong lòng, đây là điều thay đổi tâm hồn bạn.

Đây là câu hỏi cha đặt ra cho tất cả anh chị em hôm nay: Chúa Giêsu có ý nghĩa gì đối với tôi? Tôi có để cho Ngài đi vào tâm hồn tôi không, hay tôi giữ Ngài ở khoảng cách trong tầm tay với nhưng để Chúa không bước vào bên trong? Tôi có để cho bản thân được Chúa biến đổi không? Hay Chúa Giêsu chỉ là một ý tưởng, một thần học đi trước… Và đây là lòng nhiệt thành, khi một người tìm được Chúa Giêsu và cảm nhận được ngọn lửa, giống như Thánh Phaolô, và phải rao giảng Chúa Giêsu, phải nói về Chúa Giêsu, phải giúp đỡ mọi người, phải làm những điều tốt lành. Khi một người tìm thấy ý tưởng về Chúa Giêsu, người đó vẫn chỉ là một nhà tư tưởng Kitô giáo, và điều này làm công chính, chỉ có Chúa Giêsu làm cho chúng ta trở nên công chính. Xin Chúa giúp chúng ta tìm thấy Chúa Giêsu, gặp gỡ Chúa Giêsu, và xin Chúa Giêsu thay đổi cuộc đời chúng ta từ bên trong và giúp chúng ta giúp đỡ người khác. Cảm ơn anh chị em.

____________________________________________________

[1] Cfr Quaestio “De veritate” 24, 7.

[2] Spiritual Exercises, Annotations, 2, 4.

____________________________________

Lời chào đặc biệt

Cha xin gửi lời chào thân ái đến anh chị em hành hương và du khách nói tiếng Anh tham gia buổi Tiếp kiến chung hôm nay, đặc biệt là các nhóm đến từ nước Anh, Ireland, Đan Mạch, Na Uy, Indonesia, Philippines, Canada và Hoa Kỳ. Tôi đặc biệt chào phái đoàn đến từ Đại học Quốc phòng NATO và nhiều sinh viên và các nhà giáo hiện diện. Ước mong hành trình Mùa Chay đưa chúng ta đến lễ Phục sinh với tâm hồn được thanh tẩy và đổi mới bởi ân sủng của Chúa Thánh Thần. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an trong Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng ta, đổ xuống trên anh chị em và gia đình!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/3/2023]