Thứ Hai, 21 tháng 2, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 20 tháng 2, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 20 tháng 2, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 20 tháng Hai, 2022

______________________________


Anh chị em thân mến, buongiorno!

Trong Tin mừng của Phụng vụ hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra hướng dẫn căn bản về đời sống cho các môn đệ. Chúa đề cập đến những tình huống khó khăn nhất, những tình huống là bài thử quyết định cho chúng ta, những tình huống chúng ta phải đối mặt với kẻ thù và thù ghét chúng ta, những người luôn cố làm hại chúng ta. Trong những trường hợp như vậy, người môn đệ của Chúa Giêsu được mời gọi không đầu hàng bản năng và lòng thù hận, nhưng tiến xa hơn, vượt xa hơn. Vượt lên trên bản năng, vượt lên trên sự thù hận. Chúa Giêsu nói: “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em” (Lc 6:27). Và thậm chí còn cụ thể hơn: “Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa” (c. 29). Khi chúng ta nghe thấy điều này, dường như Chúa đang yêu cầu điều không thể. Và rồi tại sao lại phải yêu kẻ thù? Nếu bạn không phản ứng lại với những kẻ bắt nạt thì mọi sự lạm dụng quyền lực được tự do tung hoành, và điều này là không đúng. Nhưng thật sự có phải như vậy không? Có phải Chúa thật sự yêu cầu điều không thể và thậm chí là điều bất công đối với chúng ta? Có phải như vậy không?

Trước hết chúng ta hãy suy xét ý nghĩa của sự bất công mà chúng ta cảm thấy khi “giơ cả má bên kia” ra. Và chúng ta hãy nghĩ về Chúa Giêsu. Trong giờ thương khó, trong phiên xử án bất công đối với Ngài trước thượng tế, có lúc Ngài đã nhận được một cái tát từ một tên lính, “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?” (Ga 18:23). Ngài đòi giải thích cho việc sai trái đã làm đối với Ngài. Giơ má bên kia không có nghĩa là im lặng chịu đựng, đầu hàng bất công. Bằng câu hỏi của Ngài, Chúa Giêsu đã lên án bất công. Nhưng Ngài làm việc đó không phải bằng sự tức giận, không phải bằng bạo lực, nhưng bằng lòng tốt. Ngài không muốn khuấy động lên một cuộc tranh cãi, nhưng để xoa dịu sự phẫn uất. Điều này là quan trọng: dập tắt lòng thù hận và sự bất công, tìm cách phục hồi lại người anh em tội lỗi. Điều này không dễ dàng, những Chúa Giêsu đã thực hiện và ngài yêu cầu chúng ta hãy làm như vậy. Đây là việc giơ má bên kia: sự nhẹ nhàng của Chúa Giêsu là câu trả lời mạnh mẽ cho cái vả Ngài nhận được. Giơ má bên kia không phải là sự rút lui của kẻ thua cuộc, nhưng là hành động của người có sức mạnh bên trong lớn hơn. Giơ má bên kia có nghĩa là đánh bại cái ác bằng điều thiện để mở ra một lỗ hở trong lòng kẻ thù, vạch trần sự phi lý của lòng thù hận của người đó. Và thái độ này, việc giơ má bên kia, được thực hiện không phải do sự âm mưu tính toán hay sự thù hận, nhưng bởi tình yêu. Anh chị em thân mến, chính tình yêu được trao ban nhưng không mà chúng ta không xứng đáng đón nhận nơi Chúa Giêsu đã làm nảy sinh trong tâm hồn cách thực hiện mọi việc giống như cách của Ngài làm, đó là gạt bỏ mọi sự báo thù. Chúng ta đã quen với sự báo thù: “Anh làm điều này đối với tôi, tôi cũng sẽ làm lại cho anh”, hoặc là mang trong mình mối hận thù, phẫn uất gây hại, hủy hoại con người.

Chúng ta đến với một phản bác khác: liệu một người có thể yêu thương kẻ thù của mình không? Nếu chỉ cậy dựa vào bản thân chúng ta, điều đó là không thể. Nhưng chúng ta hãy nhớ rằng, khi Chúa yêu cầu điều gì đó, thì Ngài sẽ ban cho điều đó. Chúa không bao giờ đòi hỏi điều gì mà Ngài chưa trao ban cho chúng ta trước. Khi Ngài bảo tôi yêu thương kẻ thù, Ngài muốn trao ban cho tôi khả năng làm việc đó. Nếu không có khả năng đó, chúng ta sẽ không thể, nhưng Ngài nói với bạn hãy “yêu thương kẻ thù” và ban cho bạn khả năng yêu thương. Thánh Augustinô đã cầu nguyện theo cách này – hãy lắng nghe lời cầu nguyện đẹp đẽ này: “Lạy Chúa, xin ban cho con những gì Người đòi hỏi và đòi hỏi con những gì Người muốn” (Confessions, X, 29.40), vì Người đã trao ban ơn đó cho tôi. Chúng ta nên xin Người điều gì? Chúa vui mừng trao ban cho chúng ta điều gì? Đó là sức mạnh yêu thương, nó không phải là một món đồ, nhưng là Chúa Thánh Thần. Sức mạnh để yêu thương là Chúa Thánh Thần, và với Thần Khí của Chúa Giêsu, chúng ta có thể đáp lại việc ác bằng việc thiện, chúng ta có thể yêu thương những người làm hại chúng ta. Đây là điều mà người Kitô hữu làm. Thật đáng buồn khi có những người và dân tộc tự hào là người Kitô hữu lại xem người khác như kẻ thù và nghĩ đến việc tiến hành chiến tranh chống lại nhau! Thật đáng buồn.

Và còn chúng ta, chúng ta có cố gắng sống theo lời mời gọi của Chúa Giêsu không? Hãy nghĩ đến một người nào đó đã làm điều sai trái với chúng ta. Mỗi anh chị em hãy nghĩ đến một người. Bị tổn thương bởi một người nào đó là bình thường; hãy nghĩ đến người đó. Có lẽ chúng ta giữ một sự phẫn uất trong lòng. Vì vậy, chúng ta hãy đặt bên cạnh sự phẫn uất này hình ảnh Chúa Giêsu, hiền lành, sau vụ xét xử, sau khi bị vả. Và rồi chúng ta hãy xin Chúa Thánh thần tác động trong tâm hồn chúng ta. Cuối cùng chúng ta hãy cầu nguyện cho người đó: chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đã làm hại chúng ta (xem Lc 6:28). Khi người khác làm hại mình, chúng ta ngay lập tức đi và kể cho người khác nghe và cảm thấy chúng ta là nạn nhân. Chúng ta hãy dừng lại, và cầu nguyện với Chúa cho người đó, để Chúa giúp người đó, và như vậy cảm giác phẫn uất này sẽ tan biến. Cầu nguyện cho những người đã làm điều sai trái với chúng ta là bước đầu tiên để biến ác thành thiện. Cầu nguyện. Xin Mẹ Maria Đồng trinh giúp chúng ta trở thành những người xây dựng hòa bình với mọi người, đặc biệt là những người thù địch với chúng ta và những người chúng ta không thích.

______________________________________________________

Sau Kinh truyền tin

Anh chị em thân mến!

Cha bày tỏ sự gần gũi với những người dân trong những ngày vừa qua bị thiên tai hoành hành. Đặc biệt cha nghĩ đến miền đông nam Madagascar, bị tàn phá bởi một loạt các cơn lốc xoáy. Xin Chúa đón nhận các nạn nhân an nghỉ với Người, an ủi thân nhân của họ và nâng đỡ những người đến trợ giúp họ.

Hôm nay là Ngày Quốc gia các Chuyên gia Chăm sóc Sức khỏe, và chúng ta phải nhớ đến nhiều bác sĩ, y tá, và người thiện nguyện luôn ở bên cạnh những người bệnh, chăm sóc họ, làm cho họ cảm thấy dễ chịu hơn, giúp đỡ họ. Tiêu đề của chương trình “A Sua Immagine” nói “Không ai được cứu một mình”. Không ai được cứu thoát một mình. Và khi bị bệnh, chúng ta cần một ai đó cứu chúng ta, hỗ trợ chúng ta. Sáng nay một vị bác sĩ nói với cha rằng trong thời gian Covid, một người hấp hối nói với ông rằng, “Xin hãy cầm lấy bàn tay tôi: tôi đang chết, và tôi cần bàn tay của bác sĩ.” Những chuyên gia chăm sóc sức khỏe anh hùng đã thể hiện sự anh dũng này trong thời gian Covid, nhưng sự anh dũng đó vẫn còn ở đó mỗi ngày. Chúng ta cho một tràng pháo tay và lời “cảm ơn” thật lớn cho những người bác sĩ, y tá, và người thiện nguyện!

Cha thân ái chào tất cả anh chị em, người Roma và khách hành hương từ nước Ý và nhiều quốc gia khác.

Đặc biệt cha gửi lời chào các tín hữu của Madrid, Segovia, Burgos và Valladolid, ở Tây Ban nha – có quá nhiều người Tây Ban Nha! – cũng như những anh chị em đến từ giáo xứ Santa Francesca Cabrini thuộc Roma và các sinh viên của Học viện Thánh Tâm ở Barletta.

Cha gửi lời chào và khuyến khích nhóm “Progetto Arca” trong những người gần đây đã khởi động hoạt động xã hội ở Roma nhằm giúp đỡ những người vô gia cư. Và cha chào các bạn trẻ của nhóm Immacolata, các con thật giỏi!

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/2/2022]


Chuyện gì đã xảy ra với bộ râu của Thánh Maximilian Kolbe? Câu trả lời có thể làm bạn ngạc nhiên

Chuyện gì đã xảy ra với bộ râu của Thánh Maximilian Kolbe? Câu trả lời có thể làm bạn ngạc nhiên

Chuyện gì đã xảy ra với bộ râu của Thánh  Maximilian Kolbe? Câu trả lời có thể làm bạn ngạc nhiên

Thánh Maximilian Kolbe, ảnh chụp trước khi ngài bị bắt ngày 17 tháng Hai, 1941. | Church in Poland


Jonah McKeown

Denver Newsroom, 18 tháng Hai, 2022 / 16:15 pm


Hôm thứ Năm, Giáo hội Công giáo Ba Lan chia sẻ một tấm ảnh kỷ niệm 81 năm ngày Thánh Maximilian Kolbe bị Đức Quốc xã bắt. Tấm ảnh cuối cùng của thánh nhân chụp trước khi ngài bị bắt, đáng chú ý vì thiếu thứ mà tấm ảnh không hiển thị … bộ râu dài cố hữu của Thánh Kolbe.

Vào thời điểm tấm ảnh được chụp, Thánh Kolbe đã bị Đức Quốc xã bắt một lần, nhưng rất kiên quyết tiếp tục nỗ lực truyền bá Phúc âm trong khắp đất nước. Tu viện ngài thành lập ở Niepokalanów, cách Warsaw 25 dặm về phía tây, đã trở thành một trung tâm xuất bản Công giáo lớn.

Bộ râu mà Thánh Kolbe thường chụp hình với nó đáng chú ý vì một số lý do, một trong các lý do là không nhiều anh em Dòng Phanxicô của ngài ở Ba Lan có nó. Ngài cạo bộ râu đặc trưng của mình để hòa nhập với anh em Dòng Phanxicô, và với xã hội nói chung.

Chuyện gì đã xảy ra với bộ râu của Thánh  Maximilian Kolbe? Câu trả lời có thể làm bạn ngạc nhiên

Thánh Maximilian Kolbe. Wikimedia Commons/CNA

Lý do thứ hai là bộ râu của Thánh Kolbe là thánh tích duy nhất của ngài còn tồn tại. Phần còn lại của thi thể ngài đã bị thiêu trong lò của trại Auschwitz sau khi ngài bị Đức Quốc xã giết năm 1941.

Cha James McCurry, một tu sĩ Dòng Phanxicô Viện tu và là giám tỉnh Dòng Đức Bà các Thiên Thần, đã có bài giảng năm 2016 kỷ niệm 75 năm phúc tử đạo của Thánh Kolbe trong đó cha đề cập đến bộ râu của thánh nhân.

Cha McCurry, tác giả của quyển sách “Thánh Maximilian Kolbe: vị Tử đạo vì Đức Ái,” nói rằng thánh nhân đã quyết định giữ lại bộ râu khi trở về sau sáu năm hoạt động truyền giáo ở Nhật Bản. Khi đó thói quen của các nhà truyền giáo thường để râu dài, và Thánh Kolbe muốn giữ nó lại như một sự nhắc nhở về những ngày truyền giáo của mình, và như sự nhắc nhở rằng luôn luôn phải là “người truyền giáo” của Tin mừng.

Cha McCurry nói rằng bộ râu của Thánh Kolbe khiến ngài trở nên khác thường giữa các anh em Dòng Phanxicô Viện tu thường không để râu. Danh tiếng của Thánh Kolbe đã lan rộng trên khắp Ba Lan nhờ vào công việc xuất bản của ngài, và bộ râu riêng biệt giúp ngài trở nên nổi bật hơn nữa.

Cha McCurry nói rằng chính vì lý do này mà cuối cùng Thánh Kolbe đã quyết định cạo bộ râu, sau khi Đức Quốc xã xâm chiếm Ba Lan năm 1939. Việc Thánh Kolbe thành lập Dòng Militia Immaculata (MI), một phong trào truyền giáo, đã đưa ngài vào danh sách theo dõi chặt chẽ của Đức Quốc xã.

Một quyển sách về cuộc đời thánh nhân đã trích dẫn lời của ngài: “Bộ râu có thể chọc tức kẻ thù đang tiến đến nhà dòng của chúng tôi. Bộ tu phục Dòng Phanxicô cũng sẽ chọc tức hắn. Tôi có thể chia tay bộ râu của tôi. Tôi không thể hy sinh bộ tu phục của mình.”

Sau khi một tu huynh cắt bộ râu của Thánh Kolbe, ban đầu vị tu huynh đó cố gắng giữ lại bộ râu, nhưng Thánh Kolbe phản đối, và nói người anh em hãy ném nó vào bếp. Vì vâng lời vị tu huynh ném bộ râu vào bếp lò, nhưng lửa không được nhóm lên, vì thế tu huynh sau đó lấy lại bộ râu và cất giữ nó trong một hũ muối dưa.

Ngày nay, bộ râu của Thánh Kolbe là thánh tích cao quý duy nhất còn lại.

Cha McCurry cũng là bạn của ông Franciszek Gajowniczek, người đã được Thánh Kolbe chết thay cho ông tại trại Auschwitz vào cuối tháng Bảy năm 1941, sau khi ngài bị bắt ngày 17 tháng Hai.

Ông Gajowniczek là một trong mười người được chọn bị hành quyết để trả đũa vì có một tù nhân đã trốn trại. Ông khóc lên: “Vợ tôi và con tôi sẽ ra sao đây?” Và để đáp lời, Cha Kolbe bước lên phía trước và đề nghị thay thế vị trí của ông. Mười người bị nhốt vào phòng, trần truồng, chịu đói đến chết.

Tất cả mười người bị kết án ngày hôm đó cuối cùng đã chết; sáu người chết đói, và cái chết của những người còn lại, bao gồm cả Cha Kolbe, diễn ra nhanh chóng bằng cách tiêm acid carbolic.



[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/2/2022]