Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2020

Nhắc nhở rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, Đức Thánh Cha khuyến khích chúng ta hãy noi gương vị tha của các vị Thánh chức đã qua đời (Toàn văn)

Nhắc nhở rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, Đức Thánh Cha khuyến khích chúng ta hãy noi gương vị tha của các vị Thánh chức đã qua đời (Toàn văn)

© Vatican Media

Nhắc nhở rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, Đức Thánh Cha khuyến khích chúng ta hãy noi gương vị tha của các vị Thánh chức đã qua đời (Toàn văn)

Chủ tế Thánh lễ tưởng nhớ các vị Hồng y và Giám mục đã qua đời trong năm 2020

05 tháng Mười Một, 2020 11:30

DEBORAH CASTELLANO LUBOV


“Chúng ta nhớ đến với lòng biết ơn chứng tá của các Hồng y và Giám mục đã qua đời, trung thành theo thánh ý của Thiên Chúa. Chúng ta cầu nguyện cho các ngài và chúng ta hãy cố gắng noi gương các ngài …”

Đây là trọng tâm bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh lễ do ngài chủ tế để tưởng nhớ các hồng y và giám mục đã qua đời trong năm 2020. Thánh Lễ diễn ra lúc 11 giờ sáng nay, tại Bàn thờ Ngai tòa của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô.

Nhắc lại những công việc tốt lành của các vị thánh chức đã qua đời, Đức Phanxicô nhớ lại trong suốt cuộc đời các ngài, các ngài đã có lòng vững tin như thế nào để làm hài lòng Chúa trong mọi sự – dù các ngài phục vụ gần hay xa quê hương.

Đức Phanxicô phản ánh: “Đời sống một người tôi tớ của Phúc Âm được hình thành bởi khát khao muốn làm đẹp lòng Chúa trong mọi sự,” và lưu ý:“ Đây là tiêu chuẩn cho mọi quyết định của chúng ta mỗi ngày, cho mỗi bước đi của chúng ta.”

Và do đó, ngài nhấn mạnh, chúng ta nhớ đến chứng tá trung thành theo thánh ý của Thiên Chúa của các Hồng y và Giám mục đã qua đời, và cố gắng học nơi các ngài.

Ngài cầu nguyện, “Xin Chúa tiếp tục tuôn đổ trên chúng ta Thần trí khôn ngoan của Người, đặc biệt là trong những lúc thử thách này. Đặc biệt khi hành trình trở nên khó khăn hơn. Người không bỏ rơi chúng ta, nhưng vẫn ở giữa chúng ta, luôn trung tín với lời hứa của Người: ‘Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế’”.

Dưới đây chúng tôi đăng lại bản dịch tiếng Anh bài giảng của Đức Thánh Cha do Vatican cung cấp (ND: bản tiếng Anh):

***

Trong trích đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe (Ga 11, 17-27), Chúa Giêsu long trọng nói về mình: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (cc. 25-26). Ánh sáng của những lời này đã xua tan bóng tối của nỗi đau thương sâu sắc do cái chết của Ladarô. Mácta đón nhận những lời đó và với một đức tin vững vàng, cô tuyên bố: “Vâng, lạy Chúa. Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian” (c. 27). Những lời của Chúa Giêsu làm cho niềm hy vọng của Mácta chuyển từ tương lai xa thành hiện tại: sự sống lại đã trở nên gần gũi với cô, đang hiện diện trong con người của Đức Kitô.

Ngày nay, sự mặc khải của Chúa Giê-su cũng thách đố chúng ta: chúng ta cũng được kêu gọi tin vào sự sống lại, không phải như một thứ ảo ảnh xa vời nhưng như một sự kiện đã hiện diện và thậm chí đang hoạt động một cách kỳ diệu trong cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, đức tin của chúng ta vào sự phục sinh không bỏ qua hoặc che lấp sự hoang mang theo tính con người mà chúng ta cảm nhận khi đối mặt với cái chết. Chính Chúa Giêsu, khi nhìn thấy những giọt nước mắt của chị em Lazarô và những người xung quanh họ, đã không giấu đi cảm sự xúc của Ngài, nhưng như thánh sử Gioan nói thêm, chính Chúa đã “bắt đầu khóc” (Ga 11:35). Ngoại trừ tội lỗi, Ngài hoàn toàn là một người trong chúng ta: Ngài cũng đã trải qua thảm kịch đau buồn, những giọt nước mắt cay đắng rơi xuống vì mất mát người thân yêu. Tuy nhiên, điều này không che khuất ánh sáng chân lý tỏa ra từ sự mặc khải của Ngài, trong đó sự sống lại của Ladarô là một dấu chỉ tuyệt vời.

Cho nên hôm nay, Chúa lặp lại với chúng ta: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống” (c. 25). Ngài kêu gọi chúng ta một lần nữa thực hiện bước nhảy lớn trong đức tin và đi vào ánh sáng của sự phục sinh, ngay cả hiện tại. “Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?” (câu 26). Khi chúng ta đạt được bước nhảy lớn lao này, cách suy nghĩ và nhìn nhận mọi việc của chúng ta sẽ thay đổi. Với con mắt đức tin, vượt xa hơn những điều hữu hình, nhìn những thực tại vô hình theo một cách nào đó (x. Dt 11:27). Mọi điều xảy ra sau đó được đánh giá dưới ánh sáng của một chiều kích khác, chiều kích của sự vĩnh cửu.

Chúng ta tìm thấy điều này trong trích đoạn của Sách Khôn ngoan. Cái chết sớm của người công chính được nhìn dưới một ánh sáng khác. “Người công chính đẹp lòng Thiên Chúa, nên được Thiên Chúa yêu thương. Và họ sống giữa những kẻ tội lỗi, nên được Thiên Chúa dời đi nơi khác. ... kẻo trí khôn họ bị thói gian ác biến đổi, hay tâm hồn họ bị tật xảo trá phỉnh lừa” (4: 10-11). Nhìn dưới con mắt đức tin, cái chết của họ không phải là một điều bất hạnh mà là một hành động theo sự quan phòng của Chúa là Đấng không suy nghĩ giống như chúng ta. Chẳng hạn, chính tác giả sách thánh chỉ ra rằng trong mắt Thiên Chúa, “tuổi thọ đáng kính không phải bởi sống lâu, cũng không do số tuổi. Đối với con người, sự khôn ngoan còn quý hơn tóc bạc, sống không tì ố đã là sống thọ” (4: 8-9). Những chương trình yêu thương của Thiên Chúa dành cho những người được chọn của Người hoàn toàn không được chú ý bởi những người chọn chân trời duy nhất là những thứ thuộc thế gian này. Do đó, với những gì họ biết được, người ta nói rằng “quân vô đạo thấy người khôn ngoan chết mà không hiểu Đức Chúa định đoạt về họ thế nào” (4:17).

Khi cầu nguyện cho các đức Hồng y và Giám mục đã qua đời trong năm vừa qua, chúng ta xin Chúa giúp chúng ta cân nhắc đúng đắn câu chuyện dụ ngôn về cuộc đời các ngài. Chúng ta xin Người xua tan nỗi thống khổ mà chúng ta thỉnh thoảng cảm nhận, đó là nghĩ rằng cái chết là dấu chấm hết cho mọi thứ. Một cảm giác khác với đức tin, nhưng là một phần của nỗi sợ hãi cái chết của con người mà mọi người đều cảm thấy. Vì lý do này, trước sự bí ẩn của cái chết, các tín hữu cũng phải thường xuyên sám hối. Chúng ta được kêu gọi hàng ngày hãy gạt lại sau lưng hình ảnh theo bản năng của chúng ta về cái chết như là sự hủy diệt hoàn toàn một con người. Chúng ta được kêu gọi hãy bỏ lại đằng sau thế giới hữu hình mà chúng ta xem là sự đương nhiên, những cách suy nghĩ thông thường, theo thói quen của chúng ta, và phó thác hoàn toàn cho Chúa, Đấng nói với chúng ta: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11:25-26).

Anh chị em thân mến, những lời này khi được đón nhận trong đức tin sẽ làm cho lời cầu nguyện của chúng ta cho những anh chị em đã qua đời của chúng ta thực sự mang tính Kitô giáo. Chúng cho phép chúng ta có cái nhìn thực tế về cuộc sống mà họ đã sống, hiểu được ý nghĩa và giá trị của những điều tốt đẹp họ đã đạt được, sức mạnh của họ, sự cam kết và tình yêu thương quảng đại và vị tha của họ. Và hiểu được ý nghĩa của một đời sống không khao khát một quê hương trên trần gian này, mà là một quê hương tốt đẹp hơn trên trời (xem Dt 11:16). Những lời cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, được dâng lên trong lòng tin vững rằng họ hiện đang sống với Chúa, cũng mang lại lợi ích rất nhiều cho chúng ta trong cuộc lữ hành nơi dương thế này. Chúng truyền cho chúng ta một tầm nhìn đích thực về sự sống; chúng tiết lộ cho chúng ta ý nghĩa của những thử thách mà chúng ta phải trải qua để được đi vào Nước Thiên Chúa; chúng mở rộng tâm hồn chúng ta cho sự tự do đích thực và truyền cảm hứng cho chúng ta không ngừng tìm kiếm sự giàu có đời đời.

Theo lời của Thánh Tông đồ, chúng ta cũng “luôn mạnh dạn, và ... dù còn ở trong thân xác hoặc đã lìa bỏ thân xác, chúng tôi chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Người” (2 Cr 5,8-9). Đời sống một người tôi tớ của Phúc Âm được hình thành bởi khát khao muốn làm đẹp lòng Chúa trong mọi sự. Đây là tiêu chuẩn cho mọi quyết định của chúng ta mỗi ngày, cho mỗi bước đi của chúng ta. Và do đó, chúng ta nhớ đến chứng tá trung thành theo thánh ý của Thiên Chúa của các Hồng y và Giám mục đã qua đời. Chúng ta cầu nguyện cho các ngài và cố gắng học nơi các ngài. Xin Chúa tiếp tục tuôn đổ trên chúng ta Thần trí khôn ngoan của Người, đặc biệt là trong những lúc thử thách này. Đặc biệt khi hành trình trở nên khó khăn hơn. Người không bỏ rơi chúng ta, nhưng vẫn ở giữa chúng ta, luôn trung tín với lời hứa của Người: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20).

[Văn bản chính: tiếng Ý]

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/11/2020]


‘Chúng tôi đang sống qua thời kỳ tồi tệ nhất trong lịch sử của chúng tôi’

‘Chúng tôi đang sống qua thời kỳ tồi tệ nhất trong lịch sử của chúng tôi’
Sơ Annie Demerjian, một nữ tu người Syria thuộc Dòng Chúa Giêsu và Mẹ Maria

‘Chúng tôi đang sống qua thời kỳ tồi tệ nhất trong lịch sử của chúng tôi’

Phỏng vấn của ACN với nữ tu đang phục vụ tại Syria

04 tháng Mười Một, 2020 01:19

ZENIT STAFF


Sự leo thang của các cuộc xung đột quốc tế, đại dịch Covid-19, thiếu việc làm và giá cả tăng cắt cổ, sự cô lập của người dân Syria với thế giới bên ngoài do các biện pháp cấm vận và trừng phạt, và thiếu những điều kiện tối thiểu nhất để tồn tại – danh sách những sự đau khổ được liệt kê bởi Sơ Annie Demerjian quả thật là dài, chị là một nữ tu người Syria thuộc Dòng Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Bản tóm tắt đáng buồn của Sơ khi nói với tổ chức bác ái mục vụ giáo hoàng Công giáo Quốc tế Aid to the Church in Need (ACN): “Tất cả những yếu tố này đang đưa người dân Syria đến điểm tuyệt vọng”.

Vị nữ tu gốc người Armenia nói, “Rõ ràng chúng tôi đang sống qua thời kỳ tồi tệ nhất trong lịch sử của mình, do hậu quả của mười năm chiến tranh đẫm máu.” “Tôi không biết có xã hội nào khác ở Trung Đông mà các thành viên đang phải sống trong những điều kiện kinh khủng như vậy trong thời điểm hiện tại”, Sơ Annie cho biết thêm, Sơ đã phối hợp với các chiến dịch cứu trợ của ACN tại các thành phố Aleppo và Damascus.

Sơ giải thích, “Trong suốt những năm qua, sự giúp đỡ của ACN đã là một phao cứu sinh và là nguồn hy vọng cho các gia đình Kitô giáo của chúng tôi, những người đang sống trong các điều kiện thực sự không phải của con người. Nghèo đói bao trùm khắp nơi, thiếu thuốc men, đôi khi chúng tôi không có điện, thậm chí không có nước sinh hoạt trong thời gian dài. Đối với nhiều người, cuộc sống gần như không còn chịu đựng được. Hầu hết các gia đình Syria đều cảm thấy đau khổ vì áp lực tâm lý và vật chất.”

Với sự giúp đỡ của một nhóm năm người, Sơ đang hỗ trợ 273 gia đình ở Aleppo. Đồng thời, Dòng Chúa Giêsu và Mẹ Maria giám sát một chương trình cứu trợ khác tại thủ đô Damascus cho hơn 100 gia đình. Nhiều gia đình trong số này có các thành viên lớn tuổi sống trong điều kiện vệ sinh môi trường vô cùng tồi tệ. “Nhờ ACN, chúng tôi có thể cung cấp cho họ khoản trợ cấp sinh hoạt cơ bản hàng tháng, bao gồm phiếu mua các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, nhiên liệu để nấu ăn và đặc biệt là máy khử trùng và các loại thuốc điều trị bệnh, mùa đông hiện đang đến. Chúng tôi cũng có thể trợ giúp một số phẫu thuật cần thiết. Nhưng đôi khi việc này cũng bao gồm những vật dụng căn bản nhưng không thể thiếu như quần áo dài cho người ốm và người già”, Sơ Annie giải thích.

‘Chúng tôi đang sống qua thời kỳ tồi tệ nhất trong lịch sử của chúng tôi’

Sơ cho biết thêm, một trong những nhu cầu cấp thiết nhất là giúp tiền thuê nhà, trong bối cảnh tình hình kinh tế nguy cấp. Nhiều gia đình không có nhà riêng và không thể có được chỗ trú ngụ nếu không có sự hỗ trợ mà họ nhận được từ ACN, tổ chức góp một phần hoặc thậm chí là toàn bộ chi phí trong một số trường hợp, tùy từng trường hợp cụ thể. Ngoài công việc nhân đạo, các Sơ còn có nhiều chương trình đào tạo và hỗ trợ tinh thần cho giới trẻ: “Điều này rất cần thiết ở một đất nước nơi cảnh tan hoang và sự chán nản đang lan rộng, và phải gieo niềm hy vọng”.

‘Chúng tôi đang sống qua thời kỳ tồi tệ nhất trong lịch sử của chúng tôi’

Sơ Annie đặc biệt xúc động khi kể câu chuyện về một người đàn ông, một bệnh nhân tiểu đường. Cách đây ít lâu, ông ta phải cưa một chân. Sau đó em gái của ông ta, người chăm sóc cho ông, chết vì một cơn đau tim, và vì vậy bây giờ một thành viên khác trong gia đình phải chăm sóc cho ông, dành vài giờ mỗi ngày với ông ta. Hai tuần trước, bệnh tiểu đường của ông ấy bắt đầu “di chuyển” sang chân còn lại. Bác sĩ không thể thăm khám vì ông ta bị Coronavirus, nhưng bác sĩ đã kê nhiều loại thuốc khác nhau cho ông ta qua điện thoại.

“Chúng tôi mang thuốc đến cho ông ta, và khi màn đêm buông xuống, bệnh nhân này đã xin một linh mục đến và mang Mình Thánh cho ông ta. Ông bắt đầu cầu nguyện, và chúng tôi nghe ông ấy nói, ‘Lạy Chúa, Chúa thấu suốt mọi sự; Chúa biết con đang đau khổ như thế nào… Nhưng con xin dâng lên Chúa những đau khổ của con vì lợi ích cho các Nữ tu Dòng Chúa Giêsu và Mẹ Maria, những người đã không bỏ rơi con.’ Vì vậy, sau đó tôi xin ông ấy cầu nguyện cho tất cả những người hảo tâm. Ông ấy mỉm cười và gật đầu”.

Dáng vẻ nhanh nhẹn, điềm đạm, thanh thản nhưng thật sự là một chiến binh mạnh mẽ, Sơ Annie là nguồn hy vọng cho những người đang cần đến trong một đất nước đã rơi vào tình trạng bị quốc tế lãng quên, nhưng vẫn phải chịu đựng cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử. Sơ chắc chắn rằng những lời cầu nguyện này hoàn toàn không phải là một biến cố đơn độc. “Bất cứ khi nào chúng tôi đến thăm các gia đình, họ nói với chúng tôi với một nụ cười ấm áp rằng họ đang cầu nguyện cho ACN và các nhà hảo tâm của tổ chức mỗi ngày. Thay mặt cho các Nữ tu Dòng Chúa Giêsu và Mẹ Maria, và thay mặt cho toàn bộ nhóm hỗ trợ, chúng tôi xin cảm ơn các bạn vì tất cả những sự quan tâm và tiếp tục hỗ trợ”, Sơ kết luận.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/11/2020]