Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2018

Bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha: Rao giảng Phúc Âm có nghĩa là ‘trỗi dậy và ra đi’

Bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha: Rao giảng Phúc Âm có nghĩa là ‘trỗi dậy và ra đi’
© Vatican Media

Bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha: Rao giảng Phúc Âm có nghĩa là ‘trỗi dậy và ra đi’

Trong Thánh Lễ sáng, Đức Phanxico nhắc lại rằng không có cách Rao giảng Phúc Âm ‘trên ghế bành’

19 tháng Tư, 2018 13:11
Rao giảng Phúc âm không mang tính lý thuyết, nhưng phải đứng dậy và ra đi trong đời sống thật.

Theo Vatican News, Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh đến vấn đề này trong bài giảng Lễ sáng trong nhà nguyện Thánh Marta khi ngài phân tích về trình thuật việc rao giảng phúc âm của Phi-líp-phê trong Tông đồ Công vụ 8:26-40.

Đức Thánh Cha nói “Rao giảng Phúc âm không mang tính lý thuyết. Rao giảng Phúc âm là phải đến với từng người. Khởi điểm là một hoàn cảnh, không phải là một thuyết. Phi-líp-phê công bố Đức Giê-su Ki-tô, và sự can đảm của Thần Khí thúc đẩy ngài rửa tội. Vượt xa hơn nữa.”

Đức Thánh Cha nói, “Hãy ra đi, hãy ra đi, cho đến khi chúng ta cảm thấy công việc của mình đã hoàn tất. Đây là cách rao giảng Phúc âm.”

Giải thích về việc rao giảng Phúc âm, Đức Thánh Cha sử dụng ba cụm từ: “Trỗi dậy,” “đến gần,” và “bắt đầu từ một hoàn cảnh thật.”

Đức Phanxico nhấn mạnh rằng mọi người Ki-tô hữu đều có bổn phận và sứ mạng rao giảng phúc âm. Đức Giáo hoàng Dòng Tên nhận xét rằng Thiên Chúa rao giảng và muốn chúng ta hãy “giống như luồng gió thổi những hạt giống bay đi từ các loại cây cỏ, nó đưa đi và gieo rắc chúng ở mọi nơi.”

Bàn đến việc “trỗi dậy và ra đi,” Đức Thánh Cha nói: “Rao giảng Phúc âm không phải là chủ nghĩa chiêu mộ môn đồ.”

“Sự rao giảng phúc âm thật diễn ra dưới hoạt động của Chúa Thánh Thần. Chính Thần Khí hoạt động dưới nhiều con đường huyền nhiệm tại nơi chúng ta đến và với những người chúng ta chuẩn bị ‘loan truyền danh Thánh Giê-su.’”

Phân tích về sự tác động của Chúa Thánh Thần với Phi-líp-phê, Đức Thánh Cha nói: “Và ngài bắt đầu nói: “Hãy trỗi dậy và ra đi.” Hãy trỗi dậy và đi đến nơi đó. Không có một cách rao giảng phúc âm trên ‘ghế bành.’ “Hãy trỗi dậy và ra đi.” Phải luôn luôn di chuyển. “Ra đi.” Di chuyển. Đi đến nơi chúng ta phải công bố Lời Người.”

Đức Thánh Cha phân tích rằng nhiều nhà thừa sai đã bỏ lại sau lưng mọi thứ để mang Lời Chúa đến những nơi thật xa, “không có cả kháng thể để chống chọi lại được với những căn bệnh của các vùng đất đó,” đã chịu chết hoặc bị tử đạo.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến việc ‘lại gần’ để bắt đầu từ những hoàn cảnh thật.

Thay vì bắt đầu bằng một thuyết, Đức Thánh Cha nói, chúng ta cần phải lại gần với những việc đang diễn ra và bắt đầu từ đó. Ngài nói, việc rao giảng phúc âm không phải là nói về một thuyết, nhưng về những hoàn cảnh thật và con người thật.

Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Hãy ra đi, ra đi, cho đến khi chúng ta cảm thấy rằng công việc của mình đã hoàn tất. Đây là cách rao giảng phúc âm.”



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/4/2018]


CHUYÊN MỤC: Cùng theo chân Đức Hồng y Dolan: Phần I – Roma

CHUYÊN MỤC: Cùng theo chân Đức Hồng y Dolan: Phần I – Roma

Đức Hồng y Dolan đứng phía trước Đại học Giáo hoàng Bắc Mỹ - Photo Courtesy Of Cardinal Dolan's Blog

CHUYÊN MỤC: Cùng theo chân Đức Hồng y Dolan: Phần I – Roma

Qua video và hình ảnh, Đức Tổng Giám mục New York chia sẻ về Kinh Thành Muôn Thuở và Vatican

19 tháng Tư, 2018 14:31
Đức Hồng y Timothy Dolan, Tổng Giám mục New York, rất bận rộn ở nước ngoài, nhưng mong muốn chia sẻ với tín hữu của ngài những trải nghiệm đẹp ở Roma và Li-băng. Trên blog của Hồng y và Twitter, ngài đăng tải những địa điểm đầy ý nghĩa và lịch sử của nó. Ở đây chúng tôi mang đến cho bạn chuyến đi mới đây của ngài đến Roma và được chia sẻ trên blog của ngài:


***


Santa Maria Maggiore

Tôi ở Roma vài ngày để họp và nghĩ rằng tôi phải chia sẻ với anh chị em một vài địa điểm thú vị đối với tôi! Điểm dừng chân đầu tiên của tôi là Santa Maria Maggiore (Thánh Mary Major), một trong bốn Vương cung Thánh đường Giáo hoàng. Tôi rất vui được kể cho anh chị em về nó!
Ngay ở một góc cách Santa Maria Maggiore không xa là Santa Prassede – theo truyền thống, đây là nơi lưu giữ cột đá mà Chúa Giê-su bị trói và bị đánh đòn trong cuộc Thương khó của Người. Tôi yêu nơi này! Tôi rất vui vì anh chị em đến đây với tôi.



Một kho báu khác khác ẩn giấu ở đây: nhà lưu giữ linh ảnh gốc Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Đây cũng là nhà thờ ở Roma của các cha Dòng Chúa Cứu Thế, các ngài sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Tôi rất yêu nơi này, vì tôi yêu Mẹ!



Điểm dừng chân cuối cùng của chúng tôi cho ngày hôm nay là Casa Santa Maria, nơi ở cho các linh mục người Mỹ đang theo các môn học ở Roma. Tôi có được vinh dự dâng Lễ ở đây, và bây giờ được dùng bữa trưa với các anh em linh mục. Cảm ơn anh chị em đã theo dõi và tôi sẽ gặp lại anh chị em sau!



Thưa anh chị em, chúng tôi gặp may! Chúng tôi đến Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô vào ngày quang đãng và còn sớm. Thông điệp ở đây trong Vương cung Thánh đường là Chúa Giê-su không phải là một thân xác không hồn trong vòng tay của Mẹ của Người, nhưng đã sống lại từ cõi chết, và hiện đang sống giữa Mẹ Giáo hội!




Bây giờ chúng tôi đang ở một trong những nơi nổi tiếng nhất trên thế giới: Quảng trường Thánh Phê-rô! Khi anh chị em ở đây, anh chị em trải nghiệm được Giáo hội trong quá khứ, hướng suy nghĩ về Thánh Phê-rô và những vị tử đạo tiên khởi, nhưng anh chị em cũng trải nghiệm được Giáo hội đầy sức sống của hiện tại. Roma không chỉ là một viện bảo tàng; Roma là một phòng học sống động của đức tin. Tôi rất cảm ơn sự theo dõi của anh chị em và hy vọng rằng anh chị em cũng thưởng thức được Roma như chúng tôi.



Một vài nơi tuyệt vời nhất của Roma là những sân trong nhà riêng và những khu vườn trên sân thượng. Về một khía cạnh nào đó, Roma là một loạt những quảng trường thời trung cổ được liên kết với nhau.



Điểm dừng chân tiếp theo của chúng tôi là San Luigi dei Francesi ít được biết đến, được đặt theo tên của Vua Louis IX của Pháp, mà tình cờ ngài lại là thánh bổn mạng quê nhà của tôi, Thánh Louis! Nhà thờ ở đây nổi tiếng về những bức bích họa tuyệt vời của Caravaggio. Đó là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ, nhưng các vị lãnh đạo Giáo hội chỉ thị cho chúng ta có thể cầu nguyện và suy niệm trước các tác phẩm này. Tôi hy vọng anh chị em cũng làm như vậy!



Hiện tôi đang ở Đại học Giáo hoàng Bắc Mỹ, chủng viện Châu Mỹ tại Roma. Tôi đã trải qua bốn năm rất hạnh phúc ở đây khi còn là một chủng sinh và sau đó thêm bảy năm làm Giám đốc, vì vậy tôi yêu nơi này! Anh chị em sẽ được các sinh viên ở đây tạo động lực, họ chăm lo cho mối quan hệ với Chúa Giê-su Ki-tô và Giáo hội của Người rất nghiêm túc.





Vương cung Thánh đường Thánh Gioan

Tin tốt lành: mặt trời đã ngả bóng ở Roma! Chúng tôi lên đường sang phía bên kia thành phố và bây giờ chúng tôi đến Vương cung Thánh đường Thánh Gioan Lateran. Chúng tôi sắp có Thánh Lễ, và sau đó tôi muốn đưa anh chị em vào trong Lâu đài Lateran.





Bên trong Lâu đài Lateran

Lần trước tôi hứa với anh chị em rằng tôi sẽ đưa anh chị em đến Lâu đài Lateran, nơi ở lịch sử của Vua Constantine và các Giám mục Roma. Bây giờ chúng ta tới nơi! Bắt đầu từ ngày mai, tôi sẽ tiếp tục đến Li-băng, và hy vọng tôi sẽ mang đến cho anh chị em một số video của nơi đó. Anh chị em theo dõi nhé!





***
Đường dẫn đến Blog của Hồng y, bạn có thể tìm thấy toàn bộ các video đăng ở trên: http://cardinaldolan.org/index.php/category/blog/



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/4/2018]