Thứ Bảy, 21 tháng 8, 2021

Đức Thánh Cha Phanxicô vội vã đến bàn Foosball (Bi lắc) sau giờ tiếp kiến chung

Đức Thánh Cha Phanxicô vội vã đến bàn Foosball (Bi lắc) sau giờ tiếp kiến chung

Đức Thánh Cha Phanxicô vội vã đến bàn Foosball (Bi lắc) sau giờ tiếp kiến chung

20/08/21


Đức Thánh Cha chơi một ván Foosball sau bài giảng về Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã có một cơ hội hiếm hoi để “dợt lại” tay nghề thể thao của ngài vào cuối buổi Tiếp Kiến Chung ngày 18 tháng Tám. Sau khi được tặng một bàn Foosball (Bi lắc), vị giáo hoàng 84 tuổi đã nhín chút thời gian để chơi một ván. Đối thủ của ngài là anh Natale Tonini, chủ tịch hiệp hội thể thao Sport Toscana Calcio Balilla, người có mặt để trao tặng món quà.

Đức Thánh Cha Phanxicô vội vã đến bàn Foosball (Bi lắc) sau giờ tiếp kiến chung

Đức Thánh Cha Phanxicô thi đấu với anh Natale Tonini, chủ tịch hiệp hội thể thao Sport Toscana Calcio Balilla, vào cuối giờ tiếp kiến chung hàng tuần hôm thứ Tư, ngày 18 tháng Tám, 2021. Đức Phanxicô đã chơi một ván với bàn banh được các đại diện của hiệp hội tặng cho ngài, hiệp hội chế tạo bàn bi lắc đặc biệt mang tính hòa nhập cho người khuyết tật, để khuyến khích sự tham gia vào thể thao của họ. (Vatican Media via AP)

Metro báo cáo rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô đã giành chiến thắng ván thi đấu, tuy nhiên họ không cho biết tỷ số. Món quà từ Hiệp hội Banh Bàn Tuscany có kích thước và tiêu chuẩn theo quy định. Đức Thánh Cha Phanxicô từ lâu đã khen ngợi môn bóng đá (“soccer” hoặc “football”, tùy thuộc vào nơi bạn chơi) là một cách rất tốt để thúc đẩy tình đoàn kết và sự hòa nhập.

Bà Sara D’Ambrosio, Thị trưởng của thị trấn Altopascio nơi đặt trụ sở của hiệp hội Tuscan, phản ánh về tình cảm của Đức Giáo hoàng Phanxicô, mặc dù dành cho Banh Bàn hơn là bóng đá. Bà nhấn mạnh rằng Banh Bàn được thiết kế để hòa nhập và khuyến khích người khuyết tật tham gia vào môn thể thao này. Đức Giáo hoàng Phanxicô, một người hâm mộ bóng đá thực thụ và là người chỉ có một lá phổi, có vẻ đồng tình khi ngài vừa chơi vừa cười lớn.

Tiếp kiến chung

Trước ván thi đấu, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục giải thích về Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát. Đức Giáo hoàng tập trung vào sự hiểu biết của Thánh Phaolô về vai trò của Lề Luật trong đời sống người Kitô hữu. Ngài nhấn mạnh rằng đối với Thánh Phaolô, Lề Luật đóng vai trò như một người giám hộ, hay một người thầy. Luật pháp làm cho chúng ta nhận thức được ý nghĩa của việc phạm tội, và cho phép chúng ta nhận biết tội lỗi của mình.

Vào thời Thánh Phaolô, Lề Luật có “chức năng hạn chế”, nhưng nó cũng có tác dụng hỗ trợ và bảo vệ dân tộc Israel. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng, “[Lề Luật] đã giáo dục họ, kỷ luật họ và hỗ trợ họ khi họ yếu đuối.”

Theo Vatican News, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói rằng luật phải được “xem xét cẩn thận” để tránh gây ra “những hiểu lầm và thực hiện những bước đi sai lầm”. Ngài nói tiếp:

“Thật tốt cho chúng ta nếu tự hỏi mình rằng có phải chúng ta vẫn còn sống trong thời kỳ mà chúng ta cần đến Lề Luật hay không, hay thay vào đó chúng ta đã hoàn toàn ý thức rằng mình đã đón nhận được ân sủng trở thành con cái của Thiên Chúa để được sống trong tình yêu thương.”

Ngài nói rằng nó là một câu hỏi hay, và thêm điều thứ hai: “Tôi có xem thường các Điều Răn không?” Và ngài đưa ra câu trả lời: “Không. Tôi tuân giữ các Điều Răn, nhưng không như những điều tuyệt đối, vì tôi biết rằng chính Chúa Giêsu Kitô là Đấng làm cho tôi nên công chính.”

Quý vị đọc thêm về Đức Thánh Cha giải thích Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát tại Vatican News.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/8/2021]


Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô, 18.08.2021

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô, 18.08.2021

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô, 18.08.2021


Buổi Tiếp kiến chung sáng nay diễn ra trong Khán phòng Phaolô VI. Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát, tập trung vào chủ đề: “Giá trị giám hộ của Lề Luật” (Bài đọc Kinh Thánh: Gl 3: 23-25).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu. Sau đó ngài đưa ra lời kêu gọi cho Li Băng, một năm sau vụ nổ ở cảng Beirut.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

*****

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Bài Giáo lý về Thư gửi tín hữu Galát - 5. Giá trị giám hộ của Lề Luật

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Thánh Phaolô, người yêu mến Chúa Giêsu và đã hiểu rất rõ ơn cứu độ là gì, dạy chúng ta rằng “những người con sinh ra do lời Thiên Chúa hứa” (Gl 4, 28) – tức là tất cả chúng ta, được nên công chính bởi Chúa Giêsu Kitô – không còn bị ràng buộc bởi Lề luật, nhưng được mời gọi thực hiện lối sống dấn thân tự do của Tin mừng. Tuy nhiên, Lề Luật vẫn tồn tại. Nhưng nó tồn tại theo cách khác: cùng một Lề Luật, đó là Mười Điều Răn, nhưng theo một cách khác, bởi vì bản thân nó không thể làm nên công chính khi Chúa đã đến. Vì vậy, trong bài giáo lý hôm nay, cha muốn giải thích điều này. Và chúng ta đặt câu hỏi: theo Thư gửi tín hữu Galát, vai trò của Lề luật là gì? Trong trích đoạn chúng ta đã nghe, Thánh Phaolô nói rằng Lề Luật giống như một người giám hộ. Đó là một hình ảnh đẹp, đó là hình ảnh người giám hộ mà chúng ta đã nói đến trong buổi tiếp kiến chung lần trước, một hình ảnh đáng được hiểu theo đúng nghĩa của nó.

Thánh Tông đồ dường như gợi ý rằng người Kitô hữu chia lịch sử cứu rỗi thành hai phần, và kể cả câu chuyện riêng của mỗi người. Có hai giai đoạn: trước khi trở thành người tín hữu trong Chúa Giêsu Kitô và sau khi đón nhận đức tin. Trung tâm điểm là biến cố của cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, điều mà Thánh Phaolô rao giảng để khơi dậy niềm tin vào Con Thiên Chúa, nguồn mạch của ơn cứu độ, và trong Đức Giêsu Kitô chúng ta được nên công chính. Vì vậy, bắt đầu từ niềm tin nơi Đức Kitô, có một điểm “trước” và “sau” đối với chính Lề Luật, bởi vì Lề Luật tồn tại, các Điều răn tồn tại, nhưng có một thái độ trước khi Chúa Giêsu đến, và một thái độ khác sau đó. Lịch sử trước đó được xác định bởi việc “sống dưới Lề Luật”. Và người nào đi theo con đường của Lề Luật thì được cứu độ, được nên công chính; lịch sử sau đó, sau khi Chúa Giêsu đến, được sống bằng cách đi theo Chúa Thánh Thần (xem Gl 5,25). Đây là lần đầu tiên Thánh Phaolô sử dụng cách diễn đạt này: “sống dưới Lề Luật”. Nghĩa của nó bao hàm ý tưởng về một sự nô lệ tiêu cực, điển hình của các nô lệ: là “dưới quyền”. Thánh Tông đồ làm rõ điều đó bằng cách nói rằng khi một người “sống dưới Luật pháp” thì người đó giống như bị “theo dõi” và “bị nhốt”, một kiểu giam giữ có tính ngăn chặn. Thánh Phaolô nói rằng giai đoạn này đã kéo dài một thời gian rất lâu – từ thời ông Môsê cho tới khi Chúa Giêsu đến – và còn kéo dài cho đến khi nào người ta còn sống trong tội lỗi.

Mối tương quan giữa Lề Luật và tội lỗi được Thánh Tông đồ giải thích có hệ thống hơn trong Thư gửi tín hữu Rôma, được viết vài năm sau thư gửi tín hữu Galát. Tóm lại, Lề Luật dẫn đến việc xác định sự phạm quy và làm cho con người nhận thức được tội lỗi của mình: “Bạn đã làm điều này, do đó Luật – Mười Điều Răn – nói như sau: bạn đang phạm tội”. Hay đúng hơn, như kinh nghiệm thông thường đã dạy, luật lệ cuối cùng lại sẽ khơi dậy sự vi phạm. Trong Thư gửi tín hữu Rôma, ngài viết: “Khi chúng ta còn bị tính xác thịt chi phối, thì các đam mê tội lỗi dùng Lề Luật mà hoạt động nơi các chi thể chúng ta, để chúng ta sinh hoa kết quả đưa tới cái chết. Nhưng nay, chúng ta không còn bị Lề Luật ràng buộc nữa, vì chúng ta đã chết đối với cái vẫn giam hãm chúng ta” (Rm 7:5-6). Tại sao? Bởi ơn công chính hóa của Chúa Giêsu Kitô đã đến. Thánh Phaolô diễn tả một cách cô đọng nhãn quan của ngài về Lề Luật: “Tử thần có độc là vì tội lỗi, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật” (1 Cr 15:56). Một cuộc đối thoại: bạn sống dưới lề luật, và bạn ở đó với cánh cửa mở ra cho tội lỗi.

Trong bối cảnh này, việc tham chiếu đến vai trò giám hộ của lề luật có ý nghĩa đầy đủ. Lề Luật là người giám hộ dẫn đưa bạn đến đâu? Đến với Chúa Giêsu. Trong hệ thống học thuật thời cổ đại, người giám hộ không có chức năng mà ngày nay chúng ta quy cho họ, đó là chức năng hỗ trợ việc giáo dục cho một đứa con trai hay con gái. Trái lại, vào thời điểm đó người giám hộ là một nô lệ có nhiệm vụ đi cùng đứa con của chủ nhân đến học với thầy giáo, và sau đó đưa đứa trẻ trở về nhà. Bằng cách này, anh ta phải bảo vệ đứa trẻ khỏi sự nguy hiểm và trông chừng để bảo đảm rằng đứa trẻ không cư xử xấu. Chức năng của người giám hộ là kỷ luật. Khi đứa trẻ trở thành người lớn, người giám hộ ngừng nhiệm vụ của mình. Người giám hộ mà Thánh Phaolô đề cập đến không phải là nhà giáo dục, mà chỉ là người đi cùng với đứa trẻ đến trường, trông chừng cậu bé và đưa cậu trở về nhà.

Đề cập đến Lề Luật bằng những thuật ngữ này giúp Thánh Phaolô làm sáng tỏ vai trò của Luật trong lịch sử của Israel. Torah, tức là Lề Luật, là một hành động cao cả của Thiên Chúa đối với dân của Người. Sau khi chọn Abraham, một hành động vĩ đại khác là ban Lề Luật: đặt ra con đường để đi theo. Chắc chắn nó có những tính năng để hạn chế, nhưng đồng thời là bảo vệ dân chúng, nó đã giáo dục họ, kỷ luật họ và hỗ trợ họ khi họ yếu đuối, đặc biệt là bằng cách bảo vệ họ khỏi tà giáo; có nhiều thái độ ngoại giáo trong thời đó. Luật Torah nói: “Chỉ có một Thiên Chúa và Người đã dẫn đường cho chúng ta”. Một hành động nhân lành của Chúa. Và chắc chắn, như cha đã nói, nó có những tính năng hạn chế, nhưng đồng thời nó bảo vệ dân chúng, nó giáo dục họ, nó đã kỷ luật họ và nó hỗ trợ họ khi họ yếu đuối. Và đây là lý do tại sao Thánh Tông đồ tiếp tục mô tả giai đoạn của tuổi vị thành niên. Và ngài nói: “Bao lâu người thừa kế còn là thiếu niên thì không khác gì một nô lệ, mặc dù là chủ mọi tài sản. Nó phải ở dưới quyền những người giám hộ và quản lý, cho đến khi mãn hạn người cha đã định. Chúng ta cũng vậy, khi còn là thiếu niên, chúng ta phải làm nô lệ những yếu tố của vũ trụ” (Gl 4:1-3).

Tóm lại, Thánh Tông đồ vững tin rằng Lề Luật chắc chắn có chức năng tích cực – như người giám hộ đi theo đứa trẻ của anh ta – nhưng nó là chức năng bị giới hạn về thời gian. Nó không thể kéo dài thời hạn của nó quá xa, vì nó có liên quan đến sự trưởng thành của các cá nhân và sự lựa chọn tự do của họ. Khi người ta đã có đức tin, Lề Luật sẽ giảm bớt giá trị giám hộ của nó và nhường chỗ cho một thẩm quyền khác. Điều đó có nghĩa là gì? Điều đó có phải là sau thời kỳ Luật pháp, chúng ta có thể nói rằng “Chúng tôi tin Chúa Giêsu Kitô, và làm những gì chúng tôi muốn”, được không? Không! Các Điều Răn vẫn tồn tại, nhưng chúng không làm chúng ta nên công chính. Chúa Giêsu Kitô là Đấng làm chúng ta nên công chính. Các Điều Răn phải được tuân giữ, nhưng chúng không ban cho chúng ta sự công chính; sự ban tặng cách nhưng không của Đức Giêsu Kitô, cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô làm cho chúng ta nên công chính cách nhưng không. Công trạng của đức tin là đón nhận Chúa Giêsu. Công trạng duy nhất là mở lòng. Và chúng ta làm gì với các Điều Răn? Chúng ta phải tuân giữ Các Điều Răn, nhưng như một sự hỗ trợ để gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô.

Giáo huấn về giá trị của lề luật này rất quan trọng và đáng được xem xét cẩn thận để chúng ta không hiểu lầm và thực hiện các bước đi sai lầm. Thật tốt cho chúng ta nếu tự hỏi mình rằng có phải chúng ta vẫn còn sống trong thời kỳ mà chúng ta cần đến Lề Luật hay không, hay thay vào đó chúng ta đã hoàn toàn ý thức rằng mình đã đón nhận được ân sủng trở thành con cái của Thiên Chúa để được sống trong tình yêu thương. Tôi phải sống như thế nào? Có phải trong nỗi sợ hãi rằng nếu không làm điều này, tôi sẽ sa hỏa ngục? Hay tôi đang sống với niềm hy vọng đó, với niềm hân hoan về ơn cứu độ được ban cách nhưng không trong Chúa Giêsu Kitô? Đó là một câu hỏi hay. Và điều thứ hai nữa: tôi có xem thường các Điều Răn không? Không. Tôi tuân giữ các Điều Răn, nhưng không như những điều tuyệt đối, vì tôi biết rằng chính Chúa Giêsu Kitô là Đấng làm cho tôi nên công chính.


Lời chào bằng tiếng Anh

Cha thân ái chào các tín hữu nói tiếng Anh. Ước mong rằng những ngày hè yên bình là một thời gian đặc biệt cho ân sủng và canh tân tâm hồn cho anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/8/2021]