Thứ Hai, 6 tháng 4, 2020

Một chuyến tham quan theo những bước chân của Chúa Giê-su

Một chuyến tham quan theo những bước chân của Chúa Giê-su

Một chuyến tham quan theo những bước chân của Chúa Giê-su
FadiBarghouthy | Shutterstock

01 tháng Tư, 2020

Từ Bê-lem đến Giê-ru-sa-lem, sau đây là một số nơi Đức Ki-tô thường đến.


Đối với hàng ngàn người hành hương, một chuyến hành hương đến Đất Thánh thường là ước mơ cả đời. Đi theo những bước chân của Đức Ki-tô, cảm nhận không khí Ngài đã hít thở, chạm đến những nơi Ngài thường đến bằng chính bàn tay của mình … Đến đó giống như là đến gần với con người của Đức Ki-tô, để nhận biết rằng Thiên Chúa đã trở thành người phàm và sống giữa chúng ta.

Từ khởi đầu kỷ nguyên Ki-tô giáo, các tín hữu đã tập trung tại những địa điểm đặt biệt mà Đức Ki-tô đã từng đến thăm. Cho dù vị trí chính xác không phải tất cả đều được chứng minh là đúng, nhưng điều đó không quan trọng, vì truyền thống có sức mạnh lớn hơn. Điều quan trọng là có thể trải nghiệm cụ thể những nơi chính Đức Ki-tô đã từng bước qua, thực hiện những phép lạ, hoặc thậm chí nằm nghỉ ngơi.

Qua các thế kỷ, các đền thờ mọc lên để đánh dấu những địa điểm thánh thiêng này: từ căn nhà của Mẹ Maria Đồng trinh nơi Sứ thần Gabriel đến loan báo cho Mẹ tin vui và hang Giáng sinh nơi Mẹ sinh Hài nhi Giê-su, đến những địa điểm gần Hồ Ti-bê-ri-a, nơi Đức Ki-tô thực hiện các phép lạ. Ở Giê-ru-sa-lem, một địa điểm thánh thiêng được xác định, với lòng nhiệt thành và cảm xúc người ta đến ngôi mộ nơi xác của Đức Ki-tô được đặt vào. Qua những hành trình của Ngài, Đức Ki-tô đã biến miền đất đơn sơ này thành một miền Đất Thánh và thường được đến viếng thăm bởi hàng ngàn tín hữu từ khắp nơi trên thế giới.

Để khám phá những gì còn lại của những địa điểm mà Đức Ki-tô đã từng đi qua và các đền thờ được xây dựng gần đó, xin hãy xem loạt ảnh dưới:

Một chuyến tham quan theo những bước chân của Chúa Giê-su

Nhà thờ Mộ Thánh

Không một chuyến hành hương trọn vẹn nào thiếu được cuộc viếng ngôi mộ nơi xác Chúa Giê-su được đặt vào sau khi Ngài bị đóng đinh. Mỗi ngày có hàng ngàn du khách đến viếng, bên trong thánh địa cũng tìm thấy một khu vực tưởng niệm đồi Gôn-gô-tha. Người địa phương nói đến địa điểm cực thánh là Nhà thờ Phục sinh.

Một chuyến tham quan theo những bước chân của Chúa Giê-su

Vương cung Thánh đường Truyền tin, Na-da-rét

Vị trí của Vương cung Thánh đường ở Na-da-rét là nơi theo truyền thống cho rằng biến cố Truyền tin đã xảy ra. Vào ngày đó, Sứ thần Gabriel đến thăm Trinh nữ Maria và loan báo rằng trinh nữ sẽ cưu mang Con Thiên Chúa. Vương cung Thánh đường này tưởng nhớ chương then chốt của Kinh thánh được xây dựng trong thế kỷ 20. Trong nhà thờ khách hành hương có thể khám phá ra một phần căn nhà của Mẹ Maria được khoét sâu vào trong đá. Có thể tìm thấy một nhà nguyện nhỏ bên trong và khách hành hương có thể tập họp tại đó.

Một chuyến tham quan theo những bước chân của Chúa Giê-su

Vương cung Thánh đường Giáng sinh

Được xây dựng vào thế kỷ thứ Tư bởi Hoàng đế Constantine của La Mã, Vương cung Thánh đường Giáng sinh là một trong những nhà thờ quan trọng nhất của Đất Thánh. Nó là nơi có Hang Giáng sinh, nơi Đức Maria Trinh nữ hạ sinh Hài nhi. Hàng năm, 2 triệu người hành hương đến viếng hang, nằm trong hầm nhà thờ, được đánh dấu bằng ngôi sao bạc 14 cánh. Một cái lỗ cho phép người hành hương quỳ xuống hôn tảng đá ban đầu. Cạnh đó là máng cỏ nơi Chúa Giê-su được đặt nằm, bây giờ là một bàn thờ.

Một chuyến tham quan theo những bước chân của Chúa Giê-su

Vườn Ghết-si-ma-ni

Khách hành hương có thể đến thăm vườn trên núi Ô-liu là vị trí được cho là nơi Chúa Giê-su trải qua cơn thống khổ trong vườn, và là nơi Ngài bị bắt trong đêm trước khi bị đóng đinh. Mặc dù địa điểm chính xác không được nói đến trong các Tin mừng, Lu-ca cho biết biến cố xảy ra gần núi này. Những cây ô-liu mọc trong vườn ngày nay là một sự nhắc nhớ về sự thống khổ của Chúa Giê-su trong đêm hôm đó.

Một chuyến tham quan theo những bước chân của Chúa Giê-su

Nhà thờ tiệc cưới Cana

Gần Na-da-rét, theo truyền thống thị trấn Kafr Kanna là nơi tiệc cưới diễn ra khi Chúa Giê-su thực hiện phép lạ hóa nước thành rượu. Địa điểm này có hai nhà thờ, một thuộc Dòng Phanxico và một thuộc Chính Thống giáo. Nhà thờ Chính thống giáo rất đẹp có một số bình sành đặt trong hang, chúng là sự nhắc nhớ đến phép lạ. Ngày nay các đôi uyên ương vẫn có thể làm lễ kết hôn tại đây.

Một chuyến tham quan theo những bước chân của Chúa Giê-su

Tu viện Cám dỗ

Trên vách đá dốc đứng ở Giê-ri-khô bạn có thể tìm thấy tu viện Cám dỗ ngoạn mục, được xây dựng vào thế kỷ 19 bởi Chính Thống giáo Hy lạp. Nó là nơi các nhà tu hành từ những thế kỷ đầu tập trung trong các hang đánh dấu 40 ngày Chúa Giê-su trải qua trong sa mạc, nơi Ngài bị thử thách bởi cơn đói và cám dỗ của quỷ.

Một chuyến tham quan theo những bước chân của Chúa Giê-su

Hồ Bết-xai-đa

Ở Giê-ru-sa-lem, gần Cổng Sư tử, bạn có thể bắt gặp khu phức hợp của các Cha Dòng trắng với hồ Bết-xai-đa ở bên trong, nơi Chúa Giê-su chữa lành một người đàn ông bị bại liệt. Người ta đến đó để được chữa lành, cho phép họ có thể đi vào Đền thờ Giê-ru-sa-lem là nơi trước đây bị từ chối không được vào. Trong hang đá của nhà thờ hiện nay có nơi sinh của Đức Maria Trinh nữ.

Một chuyến tham quan theo những bước chân của Chúa Giê-su

Nhà thờ Quyền tối thượng của Thánh Phê-rô

Trên bờ Hồ Ti-bê-ri-a khách hành hương có thể đến địa điểm nơi Chúa Giê-su tuyên bố với Si-mon Phê-rô: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy.” Một nhà thờ được xây dựng năm 1933 để tưởng nhớ biến cố này, kết hợp các yếu tố của một nhà thờ có niên đại thế kỷ thứ 4.

Một chuyến tham quan theo những bước chân của Chúa Giê-su

Nhà thờ Bát phúc

Gần Tabgha, trên đỉnh đồi nhìn ra Hồ Ti-bê-ri-a, khách hành hương có thể đến viếng địa điểm rất đẹp nơi được tin là Chúa Giê-su đã công bố Tám Mối Phúc. Một nhà thờ được xây dựng trên vị trí này năm 1937 có một mối phúc trên mỗi vách tường.

Một chuyến tham quan theo những bước chân của Chúa Giê-su

Nhà Tiệc ly

Được tường thuật là Phòng lớn Trên lầu trong sách Tông đồ Công vụ, nó là nhà thờ Ki-tô giáo đầu tiên tọa lạc ở phía nam Giê-ru-sa-lem. Đó là địa điểm của Tiệc Ly, rửa chân cho các Tông đồ, và Lễ Ngũ tuần. Các cha Dòng Phanxico đã xây dựng nhà thờ hiện tại trong thế kỷ 14 bên trên những di tích của nhà thờ Byzantine cổ.

Một chuyến tham quan theo những bước chân của Chúa Giê-su

Nhà thờ Biến hình

Trên Núi Ta-bo, địa điểm nơi các môn đệ chứng kiến Chúa Giê-su biến hình và đàm đạo với Môi-sê và Ê-li-a trong toàn bộ vinh quang của Ngài, tọa lạc một nhà thờ được xây dựng hoàn tất năm 1924 bởi các cha Dòng Phanxico. Khách hành hương có thể tiến đến nhà thờ dọc theo một lối đi uốn lượn dẫn đến tu viện được xây dựng bên trên các phế tích của một nhà thờ Byxantine cổ.

Một chuyến tham quan theo những bước chân của Chúa Giê-su

Via Dolorosa

Với những khách hành hương muốn đi theo những bước chân cuối cùng của Đức Ki-tô, con đường cổ bắt đầu gần Cổng Sư tử dẫn đến đồi Gôn-gô-tha, nơi Chúa Giê-su chịu đóng đinh. Dọc theo đường đi là các Chặng đàng Thánh giá, với năm chặng cuối ở trong Nhà thờ Mộ Thánh, nơi có mộ của Chúa Giê-su.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/4/2020]


TOÀN VĂN bài giảng Chúa nhật Lễ Lá của Đức Thánh Cha: Giữa đại dịch, hãy vững tin rằng Thiên Chúa Đấng gìn giữ anh chị em sẽ an ủi anh chị em

TOÀN VĂN bài giảng Chúa nhật Lễ Lá của Đức Thánh Cha: Giữa đại dịch, hãy vững tin rằng Thiên Chúa Đấng gìn giữ anh chị em sẽ an ủi anh chị em
Copyright: Vatican Media

TOÀN VĂN bài giảng Chúa nhật Lễ Lá của Đức Thánh Cha: Giữa đại dịch, hãy vững tin rằng Thiên Chúa Đấng gìn giữ anh chị em sẽ an ủi anh chị em

Hướng dẫn Tuần Thánh tại Vatican, không có sự tham dự của tín hữu, Đức Phanxico khen ngợi những anh hùng thường ngày

05 tháng Tư, 2020 12:11

Giữa đại dịch này, Chúa Giê-su nói với tất cả chúng ta hãy can đảm, khi chúng ta có thể cảm thấy cô đơn và ngã lòng, Thiên Chúa Đấng gìn giữ anh em sẽ an ủi anh em … 

Chỉ còn đúng một tuần trước Chúa nhật Phục sinh, Đức Thánh Cha Phanxico trao những lời an ủi, nhắc nhở các tín hữu hãy tham dự Thánh Lễ qua truyền hình trực tiếp, rằng Chúa Giê-su đã sống qua cảm giác bị bỏ rơi và đau khổ này, chỉ có sự gần gũi trọn vẹn duy nhất với Chúa Cha.

TOÀN VĂN bài giảng Chúa nhật Lễ Lá của Đức Thánh Cha: Giữa đại dịch, hãy vững tin rằng Thiên Chúa Đấng gìn giữ anh chị em sẽ an ủi anh chị em

Trong bài giảng tại Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô, không có sự tham dự của tín hữu vì những lo lắng về coronavirus tiếp tục buộc mọi người phải ở trong nhà, Đức Phanxico nhấn mạnh rằng chúng ta đừng sợ, hay quá chú ý đến những gì chúng ta bị thiếu thốn trong cuộc sống mà trước đây chúng ta vẫn thường có, nhưng hãy nhận biết rằng Thiên Chúa luôn luôn ở với chúng ta, và cùng với Ngài, chúng ta có tất cả.



TOÀN VĂN bài giảng Chúa nhật Lễ Lá của Đức Thánh Cha: Giữa đại dịch, hãy vững tin rằng Thiên Chúa Đấng gìn giữ anh chị em sẽ an ủi anh chị em

TOÀN VĂN bài giảng Chúa nhật Lễ Lá của Đức Thánh Cha: Giữa đại dịch, hãy vững tin rằng Thiên Chúa Đấng gìn giữ anh chị em sẽ an ủi anh chị em

TOÀN VĂN bài giảng Chúa nhật Lễ Lá của Đức Thánh Cha: Giữa đại dịch, hãy vững tin rằng Thiên Chúa Đấng gìn giữ anh chị em sẽ an ủi anh chị em


Dưới đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha của Vatican cung cấp (bản tiếng Anh):

***

Chúa Giê-su “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ” (Pl 2:7). Chúng ta hãy cho phép những lời của Thánh Tông đồ Phaolo dẫn đưa chúng ta đi vào những ngày thánh này, khi Lời Chúa, như một điệp khúc, trình bày Chúa Giê-su như người nô lệ: vào Thứ Năm Thánh, Ngài được trình bày như người hầu rửa chân cho các môn đệ Ngài; vào Thứ Sáu Thánh, Ngài được trình bày như người tôi tớ chịu đau khổ và khải hoàn (x. Is 52:13); và ngày mai chúng ta sẽ nghe thấy lời tiên báo của I-sai-a về Ngài: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ” (Is 42:1). Chúa cứu thoát chúng ta bằng cách phục vụ chúng ta. Chúng ta thường nghĩ rằng chúng ta là người phục vụ Thiên Chúa. Không phải, Ngài chính là người chọn việc phục vụ chúng ta một cách tự do, vì Ngài đã yêu thương chúng ta trước. Thật khó để yêu thương và không được yêu thương đáp lại. Và thậm chí còn khó hơn để phục vụ nếu chúng ta không để cho bản thân được Thiên Chúa phục vụ.

Nhưng Chúa phục vụ chúng ta như thế nào? Bằng cách hiến mạng sống của Ngài cho chúng ta. Chúng ta vô cùng thân thương với Ngài; chúng ta vô cùng giá trị đối với Ngài. Thánh Angela Foligno nói rằng có lần thánh nhân nghe thấy Chúa Giê-su nói: “Tình yêu của Ta cho con không phải là chuyện đùa.” Tình yêu của Ngài dành cho chúng ta đã khiến Ngài hy sinh chính thân mình và gánh lấy mọi tội của chúng ta. Điều này làm chúng ta sững sờ kinh ngạc: Thiên Chúa cứu chúng ta bằng cách mang lấy tất cả mọi hình phạt của tội chúng ta trên mình Ngài. Không than phiền, nhưng với lòng khiêm nhường, kiên nhẫn và vâng phục của một người hầu, và yêu thương tận cùng. Và Chúa Cha đã nâng đỡ Chúa Giê-su trong sự phục vụ của Ngài. Chúa Cha không cất đi sự dữ đã nghiền nát Ngài, nhưng tăng thêm sức mạnh cho Ngài khi chịu đau khổ để sự dữ của chúng ta được chiến thắng bởi việc thiện, bởi một tình yêu yêu cho đến tận cùng.

TOÀN VĂN bài giảng Chúa nhật Lễ Lá của Đức Thánh Cha: Giữa đại dịch, hãy vững tin rằng Thiên Chúa Đấng gìn giữ anh chị em sẽ an ủi anh chị em

Chúa phục vụ chúng ta đến mức độ gánh chịu những tình trạng đau thương nhất của người đang yêu: bị phản bội và bỏ rơi.

Phản bội. Chúa Giê-su đau khổ vì sự phản bội của người môn đệ đã bán Ngài và người môn đệ chối bỏ Ngài. Ngài bị phản bội bởi những người đã từng tung hô Ngài và rồi sau đó hét lên: “Đóng đinh nó!” (Mt 27:22). Ngài bị phản bội bởi cơ chế tôn giáo kết án bất công với Ngài và bị phản bội bởi cơ cấu chính trị rửa tay đối với trường hợp của Ngài. Chúng ta hãy nghĩ đến tất cả những sự phản bội lớn và nhỏ mà chúng ta đã chịu đựng trong cuộc sống. Thật kinh khủng khi khám phá ra rằng niềm tin đã được đặt vững chắc vào một nơi lại bị phản bội. Từ sâu thẳm tâm hồn chúng ta một sự thất vọng dâng tràn và thậm chí nó làm cho cuộc sống dường như vô nghĩa. Điều này xảy ra vì chúng ta sinh ra để được yêu thương và để yêu thương, và điều đau khổ nhất là bị phản bội bởi người đã hứa trung thành và gần gũi với chúng ta. Chúng ta thậm chí không thể tưởng tượng nó còn đau đớn như thế nào đối với Chúa Đấng là tình yêu.

Chúng ta hãy nhìn vào lòng mình. Nếu chúng ta thành thật với bản thân, chúng ta sẽ nhìn thấy những sự bất trung của mình. Không biết bao điều sai trái, những điều giả hình và hai mặt! Không biết bao nhiêu dự định tốt đẹp bị phản bội! Không biết bao nhiêu sự hứa hẹn bị thất hứa! Không biết bao nhiêu quyết tâm bị bỏ giữa chừng! Chúa thấu hiểu tâm hồn chúng ta còn rõ hơn chính chúng ta. Ngài biết chúng ta yếu đuối và thiếu quyết tâm như thế nào và rất khó để chữa lành các vết thương. Và Ngài đã làm gì để đến trợ giúp và phục vụ chúng ta? Ngài nói với chúng ta qua Ngôn sứ: “Ta sẽ chữa chúng khỏi tội bất trung, sẽ yêu thương chúng hết tình” (Hs 14:5). Ngài chữa lành chúng ta bằng cách mang lấy trên mình Ngài sự bất trung của chúng ta và bằng cách cất khỏi chúng ta những sự bội phản. Thay vì cảm thấy ngã lòng vì sợ vấp ngã, giờ đây chúng ta hãy nhìn lên thập giá, cảm nhận cái ôm của Ngài, và thưa rằng: “Lạy Chúa Giê-su, đây là sự bất trung của con mà Người đã gánh lấy cho con. Chúa giang rộng vòng tay cho con, Chúa phục vụ con bằng tình yêu của Người, Người vẫn tiếp tục hỗ trợ con … Và vì vậy con sẽ tiếp tục tiến bước.”

Bỏ rơi. Trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su nói một câu trên Thánh giá, chỉ một câu: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27:46). Đây là những lời quá mạnh mẽ. Chúa Giê-su đã đau khổ vì bị bỏ rơi bởi những người của Ngài đã bỏ trốn. Nhưng Chúa Cha ở lại với Ngài. Lúc này, ở vực sâu của sự cô đơn, lần đầu tiên Ngài gọi Chúa bằng danh xưng “Lạy Thiên Chúa.” Và “với giọng lớn tiếng” Ngài kêu lên câu hỏi đau đớn nhất “tại sao”: “Sao Ngài bỏ rơi con?” Quả thật đây là những lời của một Thánh vịnh (x. 22:2); chúng cho chúng ta biết rằng Chúa Giê-su cũng đưa cảm nhận của sự cô đơn cực độ vào trong lời cầu nguyện của Ngài. Nhưng sự thật là chính Ngài trải nghiệm sự cô đơn đó: Ngài đã trải nghiệm sự bỏ rơi hoàn toàn, điều mà các Tin mừng minh chứng bằng cách trích dẫn lại nguyên văn lời của Ngài: Eli, Eli, lama sabachthani?

Tại sao tất cả mọi việc này lại xảy ra? Một lần nữa, nó được thi hành vì ích lợi của chúng ta, để phục vụ chúng ta. Để khi chúng ta đứng trước bức tường chắn ngang, khi chúng ta thấy mình đến đường cùng, không còn thấy tia sáng của lối thoát, khi mà dường như chính Thiên Chúa cũng không đáp lời, chúng ta hãy nhớ rằng chúng ta không cô đơn. Chúa Giê-su đã trải nghiệm sự bỏ rơi hoàn toàn trong một hoàn cảnh mà trước đó Ngài chưa bao giờ trải qua để trở thành một người ở giữa chúng ta trong mọi việc. Ngài làm điều đó cho tôi, cho bạn, để nói với chúng ta: “Đừng sợ, con không cô đơn. Ta đã từng trải nghiệm tất cả mọi sự cô quạnh của con để Ta luôn mãi ở gần bên con”. Đó là điểm tận cùng mà Chúa Giê-su phục vụ chúng ta: Ngài đã bước xuống tận vực sâu của những đau khổ cay đắng nhất của chúng ta, đỉnh điểm là sự phản bội và bỏ rơi. Ngày nay, trong thảm kịch của một trận đại dịch, đứng trước nhiều sự an toàn giả tạo đã bị sụp đổ, trước nhiều niềm hy vọng bị bội phản, trong cảm giác bị bỏ rơi đang đè nặng lên tâm hồn chúng ta, Chúa Giê-su nói với từng người chúng ta: “Hãy can đảm, mở rộng tâm hồn của con cho tình yêu của Ta. Con sẽ cảm nhận được sự an ủi của Thiên Chúa là Đấng gìn giữ con.”

Anh chị em thân mến, chúng ta có thể làm gì để đáp lại cho Thiên Chúa, là Đấng phục vụ chúng ta thậm chí đến mức bị phản bội và bị bỏ rơi? Chúng ta hãy gạt bỏ sự phản bội Người là Đấng đã tạo dựng nên chúng ta, và không bỏ rơi những gì thật sự quan trọng trong cuộc sống chúng ta. Chúng ta được đi vào thế giới này để yêu mến Ngài và yêu thương tha nhân. Mọi điều khác rồi sẽ qua đi, chỉ duy nhất điều này còn lại. Thảm kịch chúng ta đang trải qua kêu gọi chúng ta hãy nghiêm túc đón nhận những gì thật sự quan trọng, và không bị cuốn hút bởi những điều ít quan trọng hơn; để tái khám phá rằng đời sống sẽ chẳng ích gì nếu nó không được dùng để phục vụ người khác. Vì cuộc sống được đo lường bằng yêu thương. Vì vậy, trong những ngày thánh này, trong nhà chúng ta, chúng ta hãy đứng trước Đấng bị Đóng đinh, con đường tột đỉnh của tình yêu của Chúa cho chúng ta, và trước Thiên Chúa là Đấng phục vụ chúng ta đến mức hiến dâng mạng sống của Ngài, và chúng ta hãy xin ơn biết sống để phục vụ. Ước mong rằng chúng ta sẽ tiến đến với những người đang đau khổ và những người thiếu thốn nhất. Ước mong rằng chúng ta sẽ không lo lắng về những thứ chúng ta thiếu, nhưng là để ý xem chúng ta có thể làm gì tốt lành cho người khác.

Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ. Chúa Cha là Đấng gìn giữ Chúa Giê-su trong cuộc Khổ nạn của Ngài cũng hỗ trợ chúng ta trong những cố gắng phục vụ. Yêu thương, cầu nguyện, tha thứ, chăm sóc cho người khác, trong gia đình và xã hội: tất cả những điều này chắc chắn là khó khăn. Có thể cảm thấy nó giống như chặng đàng thánh giá. Nhưng con đường phục vụ là con đường vinh quang và trao sức sống mà qua đó chúng ta được giải thoát. Cha muốn nói điều này đặc biệt với giới trẻ, trong Ngày dành riêng cho các con suốt 35 năm nay. Các bạn thân mến, hãy nhìn đến những người anh hùng thật sự là những người bước ra tuyến đầu trong những ngày này: họ không phải là người nổi tiếng, giàu có và thành công; nhưng hơn thế, họ là những người hy sinh bản thân để phục vụ người khác. Hãy để cho bản thân cảm nhận được tiếng gọi đặt cuộc sống của mình ra tiền tuyến. Đừng sợ hiến dâng cuộc đời cho Chúa và cho tha nhân; nó sẽ được đền đáp! Vì sự sống là một ân ban chúng ta nhận được chỉ khi nào chúng ta trao tặng bản thân, và niềm vui sâu sắc nhất của chúng ta đến từ lời xin vâng với tình yêu, không có những chữ nếu và nhưng. Như Chúa Giê-su đã làm cho chúng ta.

[Văn bản của Vatican (bản tiếng Anh)]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/4/2020]