Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Mọi viên đá nhỏ đều có vị trí riêng trong Giáo hội (Bản dịch đầy đủ)

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Mọi viên đá nhỏ đều có vị trí riêng trong Giáo hội (Bản dịch đầy đủ)

Tuyên xưng niềm tin và Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa
27 tháng Tám, 2017
Huấn từ Kinh Truyền Tin: Mọi viên đá nhỏ đều có vị trí riêng trong Giáo hội (Bản dịch đầy đủ)
“Không một viên đá nhỏ nào là vô ích, nhưng trong bàn tay của Chúa Giê-su nó sẽ trở nên quý giá, vì Người tìm nó, nhìn đến nó với lòng nhân từ bao la, cùng biến đổi nó với Thần Khí, và đặt nó vào đúng vị trí của nó, vị trí mà Ngài luôn luôn suy nghĩ và chọn một chỗ để nó trở nên hữu ích hơn cho toàn bộ tổ chức,” Đức Thánh Cha Phanxico nói trong phần diễn giải Tin mừng hôm nay.
Đức Thánh Cha Phanxico có bài huấn từ hàng tuần trước và sau khi đọc Kinh Truyền tin giữa trưa với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô hôm nay, ngày 27 tháng Tám, 2017.
“Mỗi chúng ta là một viên đá nhỏ, nhưng trong bàn tay của Chúa Giê-su chúng ta góp phần trong việc xây dựng Giáo hội,” Đức Thánh Cha Phanxico nói thêm: “Và tất cả chúng ta, dù nhỏ đến đâu, đã được tạo dựng thành những “viên đá sống động,” vì khi Chúa Giê-su cầm viên đá trong tay của Người, Người biến nó thành của Người, Người làm cho nó trở nên sống động, tràn đầy sức sống, tràn đầy sức sống bởi Thần Khí, tràn đầy sức sống từ tình yêu của Người, và từ đó chúng ta có một vị trí và một sứ mạng trong Giáo hội: Giáo hội là một cộng đoàn của sức sống, được thành lập bởi rất nhiều những viên đá nhỏ, tất cả đều khác nhau, nhưng chúng tạo thành một cộng đoàn chung trong dấu chỉ của tình huynh đệ và hiệp nhất.”
Đức Thánh Cha Phanxico bày tỏ tình liên đới của ngài với những người bị ảnh hưởng bởi các trận lũ lụt ở Bangladesh, Nepal và Ấn độ. Ngài lên án “sự bách hại” đến từ bản tin Xấu về việc bách hại người Rohingyas, một nhóm tôn giáo thiểu số ở Burma.
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico.
AB
* * *
Trước Kinh Truyền tin
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Tin mừng Chúa nhật này (Mt 16:13-20) dẫn đưa chúng ta trở lại với đoạn chính trong hành trình của Chúa Giê-su cùng các môn đệ của Người: một thời khắc Người muốn thẩm định niềm tin của các ông đặt vào Người. Trước hết Người muốn biết người ta nghĩ về Ngài như thế nào; và người ta cho rằng Giê-su là một ngôn sứ, cũng có phần đúng, nhưng điều đó không làm rõ được bản chất của Ngôi Vị của Người. Rồi Người hỏi các môn đệ của Người câu hỏi mà Người luôn tâm đắc, tức là, Người thẳng thắn hỏi họ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (c. 15). Với chữ “còn” Chúa Giê-su phân cách rõ ràng giữa các tông đồ và dân chúng, tức là ý Ngài nói rằng: còn anh em, hàng ngày anh em ở với Thầy, rất gần gũi và hiểu Thầy, anh em có nhận ra thêm được gì nữa không?
Về phần mình, Thầy mong một câu trả lời mạnh mẽ và khác với câu trả lời của dân chúng. Và đúng như vậy, một câu trả lời như vậy bật ra từ trong tim của Si-mon, còn được gọi là Phê-rô: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa Hằng Sống” (c. 16). Si-mon Phê-rô bật ra khỏi miệng câu nói vượt ra ngoài khả năng của ông, lời nói đó không phát ra theo khả năng tự nhiên của ông. Có thể ông còn chưa đi học tiểu học nữa, mà ông có thể nói lên được những lời này, những lời vĩ đại hơn con người của ông! Tuy nhiên, những lời đó được thúc đẩy bởi Cha trên trời (x. c. 17), Đấng tỏ lộ ra cho người đứng đầu trong nhóm Mười Hai bản tính thật của Chúa Giê-su: Ngài là Đấng Mê-xi-a, Chúa Con được Thiên Chúa sai xuống cứu độ nhân loại. Từ câu trả lời này, Chúa Giê-su hiểu rằng, nhờ đức tin được Chúa Cha ban tặng, có một nền tảng vững chắc mà Người có thể xây dựng cộng đoàn của Người trên đó, Giáo hội của Người. Vì vậy, Người nói với Si-mon: “Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (c. 18).
Với chúng ta ngày nay cũng vậy, Chúa Giê-su mong muốn tiếp tục xây dựng Hội Thánh của Người, ngôi nhà với nền tảng vững chắc nhưng cũng là nơi không thiếu những vết rạn nứt, và luôn luôn cần được sửa chữa. Giáo hội luôn luôn cần được cải tổ, được sửa chữa. Chắc chắn chúng ta không cảm thấy giống như những đá tảng, nhưng chỉ như những viên đá nhỏ. Tuy nhiên, không một viên đá nhỏ nào là vô ích, nhưng trong bàn tay của Chúa Giê-su nó sẽ trở nên quý giá, vì Người tìm nó, nhìn đến nó với lòng nhân từ bao la, cùng biến đổi nó với Thần Khí, và đặt nó vào đúng vị trí của nó, vị trí mà Ngài luôn luôn suy nghĩ và chọn một chỗ để nó trở nên hữu ích hơn cho toàn bộ tổ chức. Mỗi chúng ta là một viên đá nhỏ, nhưng trong bàn tay của Chúa Giê-su chúng ta góp phần trong việc xây dựng Giáo hội. Và tất cả chúng ta, dù nhỏ đến đâu, đã được tạo dựng thành những “viên đá sống động,” vì khi Chúa Giê-su cầm viên đá trong tay của Người, Người biến nó thành của Người, Người làm cho nó trở nên sống động, tràn đầy sức sống, tràn đầy sức sống bởi Thần Khí, tràn đầy sức sống từ tình yêu của Người, và từ đó chúng ta có một vị trí và một sứ mạng trong Giáo hội: Giáo hội là một cộng đoàn của sức sống, được thành lập bởi rất nhiều những viên đá nhỏ, tất cả đều khác nhau, nhưng chúng tạo thành một cộng đoàn chung trong dấu chỉ của tình huynh đệ và hiệp nhất.
Ngoài ra, Tin mừng hôm nay nhắc chúng ta nhớ rằng Chúa Giê-su cũng muốn cho Giáo hội của người trở thành một trung tâm hữu hình của sự hiệp nhất với Phê-rô – thậm chí ngài cũng chẳng phải là một đá tảng lớn, ngài chỉ là một viên đá nhỏ, nhưng được Chúa Giê-su chọn và ngài trở thành trung tâm của sự hiệp nhất — với Phê-rô và với những người kế nhiệm ngài trong trách vụ tổng giám mục, ngay từ đầu đã được xem là Giám mục của Roma, một thành trì nơi Phê-rô và Phao-lô thể hiện chứng nhân bằng máu của mình.
Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ Maria, Nữ vương các Thánh Tông đồ, Mẹ của Giáo hội. Mẹ đã có mặt trong Nhà Tiệc Ly, bên cạnh Phê-rô, khi Thánh Thần ngự xuống trên các Thánh Tông đồ và thúc đẩy các ông ra đi rao giảng cho muôn dân rằng Chúa Giê-su là Thiên Chúa. Nguyện xin Mẹ hỗ trợ và đồng hành với chúng ta hôm nay qua sự can thiệp của Mẹ, để chúng ta thực sự nhận biết rõ về tình hiệp nhất và tình liên đới mà Đức Ki-tô và các Tông đồ đã cầu nguyện và hiến mạng sống cho nó.
Sau Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến,
Trong những ngày qua, lũ lụt lớn đã tấn công Bangladesh, Nepal và Ấn độ. Tôi xin bày tỏ tình liên đới với những người chịu ảnh hưởng và tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và tất cả những người chịu đau khổ do thảm họa này.
Tin tức rất buồn cho biết sự bách hại đối với nhóm tôn giáo thiểu số, anh em người Rohingya của chúng ta. Tôi xin bày tỏ tất cả mọi tình liên đới với họ; và chúng ta cầu xin Chúa giải thoát họ, và khơi gợi cho những người thiện chí giúp đỡ họ, để họ có thể có được trọn vẹn các quyền. Chúng ta cầu nguyện cho các anh em Rohingya của chúng ta.
Tôi xin chào tất cả anh chị em, các tín hữu của Roma và anh chị em hành hương từ nhiều quốc gia: các gia đình, các nhóm giáo xứ, các hội đoàn.
Đặc biệt, tôi xin chào các thành viên của Dòng Ba Carmelite; các thiếu niên từ Tombelle, giáo phận Padua . . . — nhưng chúng con ồn ào đấy! —  các em vừa lãnh nhận Bí tích Thêm sức; và nhóm người từ Lodivecchio, họ rất tuyệt vời vì họ đi bộ đến đây, theo hành trình hành hương, trong chặng cuối của Via Francigena. Hãy sống đời sống cũng tuyệt vời như vậy!
Tôi xin chúc tất cả anh chị em một Chúa nhật an lành. Và tôi xin đề nghị, anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin tạm biệt!
[Văn bản chính: tiếng Ý]
© Bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT, Virginia M. Forrester – copyright 2017

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 28/08/2017]


Các viên chức Vatican đến thăm Myanmar, Bangladesh trước chuyến thăm của Đức Thánh Cha

Các viên chức Vatican đến thăm Myanmar, Bangladesh trước chuyến thăm của Đức Thánh Cha

Các nhà lãnh đạo tôn giáo Myanmar cũng họp với các nhà lãnh đạo quân sự của quốc gia để thảo luận về những sáng kiến hòa bình

Các viên chức Vatican đến thăm Myanmar, Bangladesh trước chuyến thăm của Đức Thánh Cha
Cố vấn chính phủ của Myanmar và Ngoại trưởng Aung San Suu Kyi gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxico trong một buổi tiếp kiến riêng ngày 4 tháng Năm tại Vatican. (Ảnh :Tony Gentile/AFP)
Michael Sainsbury, Bangkok
Myanmar

23 tháng Tám, 2017

Đức Hồng y Charles Maung Bo giáo phận Yangon dẫu đầu phái đoàn các giám mục đến gặp gỡ người đứng đầu quân sự của Myanmar, Min Aung Hlaing, để thảo luận về chuyến thăm đã được lên kế hoạch của Đức Thánh Cha Phanxico và những triển vọng hòa bình trong nước.
Theo các nguồn tin của giáo hội, buổi nói chuyện diễn ra khi các nhân viên của Vatican đến thủ đô Naypyidaw của Myanmar ngày 22 tháng Tám, tham dự với các thành viên trong Hội đồng Giám mục Công giáo Myanmar để kết hợp công tác hậu cần và thảo luận các vấn đề an ninh với những giới chức có liên quan.
ucanews.com hiểu rằng các nhân viên Vatican sau đó sẽ đi thẳng đến thủ đô Dhaka của Bangladesh để bắt đầu những sự chuẩn bị ở đó cho chặng thứ hai của chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha.
Các đức Giám mục Felix Lian Khen Thang giáo phận Kalay, Philip Lasap Za Hawng giáo phận Lashio, Basilio Athai giáo phận Taunggyi và Raymond Saw Po Ray giáo phận Mawlamyine tham dự buổi họp ở Naypyidaw ngày 21 tháng Tám trong đó Đức Hồng y Bo chia sẻ chi tiết về chuyến thăm Myanmar của Đức Thánh Cha trong buổi họp kéo dài một giờ đồng hồ, theo thông tin của hai linh mục.
Tuy nhiên, các giám mục của Myanmar mà ucanews.com nói chuyện vẫn giữ bí mật, chỉ cho biết rằng cả Tòa Thánh và chính phủ vẫn đang trong vòng thảo luận và chờ đợi thông báo chính thức.
Trong lúc đó, một linh mục cấp cao trong Ủy ban Truyền thông về Chuyến Thăm viếng của Đức Thánh Cha đến Bangladesh, nói với ucanews.com: "Đức Thánh Cha chắc chắn sẽ đến thăm Bangladesh trong năm nay, nhưng đợi đến khi nào Vatican chính thức đưa ra thông báo, chúng tôi không thể cho biết chi tiết về ngày giờ và chương trình. Chúng tôi hy vọng rằng sẽ có thông báo chính thức của Vatican về chuyến thăm vào cuối tháng này."
Theo các nguồn tin trong giáo hội và chính phủ, Đức Thánh Cha Phanxico, sẽ bay đến Myanmar ngày 27 tháng Mười Một và sau đó đến Bangladesh ngày 30 tháng Mười Một trước khi trở về Vatican. Tại Bangladesh, ngài sẽ có chuyến thăm ké dài 3 ngày, tại đây có thể ngài sẽ thăm ngoại giao Tổng thống Abdul Hamid và Thủ tướng Sheikh Hasina.
Đức Thánh Cha có thể sẽ dâng Lễ với hàng ngàn người Công giáo ở Dhaka, tại đây ngài sẽ truyền chức cho 16 phó tế lên hàng linh mục. Trong chuyến thăm này, ngày sẽ tham dự buổi họp với các nhà lãnh đạo chính trị, các viên chức chính phủ, các nhân vật cấp cao, các nhà hoạt động xã hội và văn hóa cũng như các nhà lãnh đạo liên tôn và liên giáo phái. Ngài sẽ nói chuyện với giới trẻ, các giáo sĩ và tu sĩ và thăm người nghèo và người túng thiếu trong đó có các bệnh nhân, người tàn tật, người tị nạn và những người nghiện ma túy.
ucanews.com trước đó đã tường thuật những nguồn tin của giáo sĩ cấp cao cho biết rằng Đức Thánh Cha Phanxico đến Myanmar ngày 27 tháng Mười Một và ở lại bốn đêm. Đầu tiên ngài sẽ thăm Naypyidaw, tại đây ngài sẽ gặp gỡ Tổng thống Htin Kyaw và nhà lãnh đạo de-facto của đất nước, Cố vấn Chính phủ và Ngoại trưởng Aung San Suu Kyi.
Dự đoán rằng ngài sẽ dâng ít nhất hai Thánh lễ trước khi đến thành phố lớn nhất và là thủ phủ thương mại Yangon để dâng một Đại Thánh lễ ngoài trời. Cũng có thể ngài sẽ đến thăm và dâng Thánh lễ tại Đại Chủng viện Công giáo Thánh Giu-se ở Yangon.
Giải pháp cho cuộc xung đột
Ở Myanmar, cuộc gặp gỡ ngày 22 tháng Tám là sự kiện đầu tiên như vậy được tổ chức giữa các nhà lãnh đạo quân sự và Công giáo trong một quốc gia đa phần là Phật giáo và Công giáo chỉ là thiểu số.
Đức Hồng y Bo và Senior General Min Aung Hlaing thảo luận về tầm quan trọng của hòa bình và ích lợi của nó cho sự phát triển của đất nước.
Đức Hồng y Bo nhấn mạnh đến giải pháp bất bạo động cho cuộc xung đột và yêu cầu các bên “bước đến bàn đàm phán” và giải quyết các vấn đề hiện tại bằng “những cách thức hòa bình.”
Đức Hồng y nêu những vấn đề ngài quan tâm về người dân bị ảnh hưởng bởi cuộc nội chiến trong nước.
“Chúng tôi chuyển tải một thông điệp về hòa bình và chúng tôi cho thấy cam kết của các nhà lãnh đạo tôn giáo chúng tôi tìm kiếm hòa bình trong nước,” đức Tổng Giám mục Athai là người tham dự buổi họp cho ucanews.com biết.
Những cuộc nội chiến tiếp tục gây khó khăn cho nhiều tiểu bang có người thuộc các sắc tộc thiểu số ở Myanmar, đặc biệt tiểu bang Kachin ở miền Bắc, chủ yếu là người Ki-tô hữu. Cuộc xung đột này đã lan sang một phần của Tỉnh Shan lân cận. Sự thù địch đã tái diễn trở lại từ năm 2011, theo sau một cuộc ngừng bắn kéo dài 17 năm, hơn 120.000 người đã bị buộc phải di tản khỏi nhà và họ vẫn phải ở trong các trại tị nạn.
Suu Kyi đã thề chấm dứt sự thù hận ở trong nước tuy nhiên hòa bình vẫn còn là điều khó thấy. Người được nhận giải thưởng Nobel Hòa bình đã bị các chính quyền dân chủ chỉ trích nhiều và ngày càng lan rộng trên khắp thế giới vì thái độ phủi tay của bà đối với cuộc khủng hoảng Rohingya và Liên minh Dân tộc duy trì Dân chủ vì đặt tên của nhóm không theo tên tự quyết của họ nhưng lại gọi là Bengalis.
Việc giết chín nhân viên cảnh sát bởi nhóm chiến binh Rohingya trong Tiểu bang Rakhine thuộc miền Bắc năm ngoái đã là nguyên nhân gây ra một cuộc trừng trị thẳng tay đẫm máu bởi các lực lượng an ninh của Myanmar sau đó hơn 87.000 người Rohingya đã chạy trốn sang quốc gia Bangladesh bên cạnh.
Tháng Hai, Đức Giáo hoàng Phanxico đã cầu nguyện cho nhóm Rohingya bị bách hại ở Myanmar.
"Họ là những người tốt, họ không phải người Ki-tô hữu, họ là những con người yêu hòa bình, họ là anh chị em của chúng ta và họ đã phải chịu đau khổ trong nhiều năm, họ đang bị tra tấn và bị giết chết, chỉ đơn giản vì họ giữ niềm tin Hồi giáo của họ,” Đức Thánh Cha nói trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần tại Vatican.

[Nguồn: ucanews]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 25/08/2017]